Hai thiền bảo hộ

Hai thiền bảo hộ

Hai thiền bảo hộ

 

Ajahn Lee Dhammadharo

 

Phra Ajahn Lee Dhammadharo (1907-1961) là một trong những vị thiền sư theo truyền thống tu khổ hạnh trong rừng.

Tỳ-kheo Thanissaro (Geoffrey DeGraff) là một tu sĩ người Mỹ theo truyền thống tu trong rừng của Thái Lan. Sư là một dịch giả, người viết năng nổ. Nhiều tác phẩm của Sư có thể được tìm thấy trên mạng: www.accesstoinsight.org

***

Khi bạn ngồi thiền, hãy tiếp tục quan sát hai yếu tố quan trọng: 1. Thân, là nơi tâm trí cư ngụ; 2. Tâm, là yếu tố chịu trách nhiệm cho thiện và ác.

Tâm là yếu tố thường nhanh chóng thay đổi. Nó thích phóng đi tìm kiếm đủ điều vô nghĩa, tìm những thứ không mang lại gì cho ta ngoài rắc rối. Nó không thích ở yên một chỗ.  Lúc nó chạy ở đây, lúc ở đó, mang lại nhiều loại đau khổ khác nhau.  Đó là lý do tại sao ta nói rằng nó hay nhanh chóng thay đổi: dễ chuyển hướng, khó kiềm chế.

Vì tâm của chúng ta thường thay đổi và rất nhanh nhạy, Đức Phật phải tìm kiếm một phương pháp để giúp chúng ta có thể lấy điểm yếu này và biến nó thành điều tốt đẹp. Ngài dạy chúng ta phát triển sự tập trung bằng cách tập trung vào thân. Nói cách khác, Ngài dạy chúng ta tập trung sự chú ý vào một trong những yếu tố thực sự quan trọng của thân: hơi thở. Hơi thở là yếu tố giúp chúng ta tìm thấy sự thoải mái, yên ổn trong khắp tất cả các bộ phận của thân. Đó là thứ giúp cơ thể sống. Tất cả các cửa giác quan của chúng ta - mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm - phụ thuộc vào hơi thở để tạo ra cảm giác mà chúng ấn tượng về những thứ bên ngoài và mang chúng vào để tạo ảnh hưởng trên thân. Thí dụ chức năng của mắt là nhận các ấn tượng về hình tướng để ta thấy. Chức năng của tai là nhận ấn tượng về âm thanh để ta nghe. Chức năng của mũi là nhận ấn tượng về mùi hương để ta ngửi. Chức năng của lưỡi là nhận ấn tượng về hương vị cho ta nếm. Chức năng của thân là nhận ấn tượng về cảm giác xúc chạm. Chức năng của tâm là nhận các ấn tượng về những điều khác nhau xuất hiện thông qua năm giác quan khác.

Vì vậy, khi hành thiền, chúng ta phải đóng chặt tất cả các cánh cửa giác quan này. Chúng ta nhắm mắt lại để không phải nhìn vào những cảnh đẹp hay xấu. Chúng ta đóng tai lại, để không nghe điều gì không cần thiết - tức là bất cứ điều gì không có lợi để lắng nghe. Chỉ nghe những lời khuyên làm điều tốt. Đối với mũi, nó cần thiết cho cuộc sống. Nếu không có mũi làm đường thở, chúng ta bắt đầu gặp vấn đề ở các bộ phận khác nơi thân, nên chúng ta giữ cho nó mở. Đối với miệng, chúng ta ngậm lại. Đối với thân, ta sẽ giữ nó yên ở một vị trí, như ngồi khoanh chân.

Chúng ta phải cố gắng đóng kín các cánh cửa giác quan này, để không sử dụng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hay tâm trong bất kỳ hoạt động nào khác, ngoài việc hành thiền. Chúng ta dồn tâm trí vào một mối bận tâm, để nó ở trong nhà: thân, với các cửa sổ và cửa ra vào đều đóng lại.

Tâm là sở hữu của trái tim hay yếu tố của trái tim (heart-property hay heart-element). Bản chất của tâm là nó nhanh hơn gió trong không khí, thổi qua thổi lại, thổi lên, thổi xuống, và không bao giờ giữ nguyên vị trí. Vì vậy, chúng ta phải mang chánh niệm vào tâm để ta có thể lấy điểm yếu này và biến nó thành một cái gì đó tốt đẹp. Điều này được gọi là bhavana, hay sự phát triển tinh thần thông qua thiền định. Chúng ta tập trung vào hơi thở và nghĩ tưởng đến các phẩm chất của Đức Phật. Khi chúng ta bắt đầu nghĩ tưởng đến Đức Phật theo cách này, chúng ta chỉ cần nghĩ về từ buddho. Chúng ta chưa phải phân tích ý nghĩa của nó. Buddho là tên của chánh niệm. Nó có nghĩa là sự nhận biết, tỉnh thức. Nhưng nếu chúng ta chỉ nghĩ về chữ buddho thì nó không có đủ tất cả các yếu tố cho sự phát triển tinh thần thông qua thiền định. Khi nghĩ đến từ này, chúng ta phải ổn định và điều chỉnh nó để nó giữ nhịp với hơi thở. Khi thở, chúng ta phải thở vừa phải, không quá chậm, không quá nhanh, miễn là ta cảm thấy tự nhiên. Sau đó, chúng ta để từ buddho qua lại với hơi thở, điều chỉnh suy nghĩ để nó hợp nhất với hơi thở. Đó là khi chúng ta có thể nói rằng ta đang hoàn thành các yếu tố của thiền định.

Điều này được gọi là sự nghĩ tưởng đến Đức Phật, qua đó chúng ta nghĩ về những phẩm chất của Đức Phật một cách ngắn gọn, tùy thuộc vào hơi thở là tâm điểm của chúng ta và để cho chánh niệm phụ trách suy nghĩ.

Khi chánh niệm trở thành một với hơi thở và với nhận thức của chúng ta theo cách này, các giác quan khác của ta sẽ trở nên đồng đều và tĩnh lặng. Tâm sẽ dần dần trở nên yên tĩnh hơn, từng chút một.  Điều này được gọi là sự thiết lập “thiền bảo hộ” (guardian meditation) đầu tiên - sự nghĩ tưởng về Đức Phật - qua đó chúng ta sử dụng sự suy nghĩ của mình như một cách thực hành.

Cách suy nghĩ này mang lại kết quả cho tất cả các Phật tử. Đồng thời, nó đưa chúng ta đến các yếu tố hữu ích cho tâm - chánh niệm và tỉnh giác - những yếu tố hỗ trợ tâm thiết lập được sự thiện lành.

Thiền hộ mệnh thứ hai là thiện chí. Từ ngữ thiện chí - metta - xuất phát từ mitta, hoặc bạn bè. Là một phẩm chất, nó có nghĩa là tình yêu, lòng nhân từ, sự quen thuộc, sự thân mật. Khi tâm thấm đẫm thiện chí, chúng ta thoát khỏi sự thù hằn, chống đối. Nói cách khác, ta nên nhắc nhở bản thân ở bên bạn mình mọi lúc. Chúng ta sẽ không đi lang thang. Chúng ta sẽ không để bạn mình bơ vơ. Bạn của chúng ta ở đây là thân, vì thân và tâm phải phụ thuộc lẫn nhau mọi lúc. Thân phải phụ thuộc vào tâm. Tâm phải phụ thuộc vào thân. Khi là bạn bè, người ta phải yêu thương nhau, mong điều tốt đẹp cho nhau, gắn bó với nhau, luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau. Không bỏ rơi nhau.

Vì vậy, hãy nói với bản thân rằng khi thân hít vào, bạn sẽ gắn bó với hơi thở. Trong tiếng Pāli, hơi thở được gọi là kaya-sankhara, hay thân hành, bởi vì đó là cái điều hành để giữ cho thân sống. Nó giống như người đầu bếp nấu ăn cho gia đình để các thành viên trong gia đình có thể ăn no và hạnh phúc. Nếu có điều gì đó không ổn với đầu bếp thì sẽ có sự hỗn loạn, rối rắm trong nhà. Nếu đầu bếp của thân - hơi thở - trở nên bất thường, mọi thứ khác trong thân - các thuộc tính của đất, nước, gió và lửa - tất cả sẽ phải chịu đựng và cũng bị ném vào tình trạng hỗn loạn. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng hơi thở là thuộc tính chăm sóc tất cả các chức năng trong thân. Thí dụ, chúng ta hít hơi thở vào phổi. Ở đó, nó làm sạch máu trong phổi, để đi đến tim. Chức năng của tim là đưa máu ra ngoài để nuôi dưỡng tất cả các bộ phận của cơ thể, để máu và năng lượng hơi thở thông chảy bình thường. Nếu hơi thở không được bình thường, phổi sẽ không tốt như bình thường. Tim sẽ không tốt, máu mà nó bơm ra sẽ không tốt, như thế tất cả các bộ phận khác nhau của cơ thể sẽ phải chịu hậu quả. Đây là khi các thuộc tính của cơ thể được cho là bị ô uế.

Nếu tâm thực sự có thiện chí đối với thân thì nó phải chăm sóc hơi thở để nó hoạt động đúng cách. Vì vậy, chúng ta phải theo dõi “đầu bếp” của mình để đảm bảo rằng cô ấy không bẩn thỉu, lười biếng hoặc thờ ơ. Nếu không, cô ấy sẽ bỏ chất độc vào thức ăn để giết chúng ta, hoặc làm thức ăn mất vệ sinh khiến ta bị bệnh. Vì vậy, chúng ta phải đảm bảo rằng đầu bếp của ta có thói quen giữ vệ sinh, sạch sẽ, như khi chúng ta hít thở những phẩm chất của Đức Phật qua hơi thở.

Hơi thở đi kèm với buddho được gọi là hơi thở sukka, hay hơi thở trong sạch, rõ ràng. Khi chủ nhân của ngôi nhà sạch sẽ và thận trọng như thế này, người đầu bếp cũng sẽ phải sạch sẽ và thận trọng. Tất cả nhân viên trong nhà sẽ phải sạch sẽ. Nói cách khác, khi chúng ta chánh niệm, hơi thở đi vào cơ thể sẽ là hơi thở thanh tịnh. Khi nó đến trái tim, nó sẽ làm sạch máu trong tim để máu đó cũng tinh khiết. Khi tim bơm máu tinh khiết này, đưa nó đến nuôi dưỡng cơ thể, cơ thể cũng sẽ được thanh lọc. Rồi tâm sẽ phải cảm thấy bình an. Nói cách khác, khi tim tốt, chất dinh dưỡng trong máu tốt. Khi tâm ở trong tình trạng tốt như thế này, máu sẽ không trở nên bất thường. Và khi chất máu tốt này được gửi đi nuôi dưỡng các dây thần kinh trên khắp cơ thể, cơ thể sẽ phải hoạt động tốt. Nó sẽ không cảm thấy mệt mỏi hoặc đau nhức.

Nếu chúng ta khéo điều chỉnh hơi thở, tất cả các loại bệnh tật và đau đớn có thể được chữa trị. Khi hơi thở tinh khiết lan tỏa khắp các mạch máu, những ô uế đã có sẵn trong cơ thể sẽ phải phân tán. Những thứ chưa xuất hiện sẽ không thể xuất hiện. Điều này sẽ giúp cơ thể cân bằng và ổn định.

Khi trạng thái hơi thở tốt, trạng thái tim tốt, thì thuộc tính lửa trong cơ thể sẽ không quá mạnh. Nếu hơi thở không đúng, hoặc nếu nó quá nóng, thì thuộc tính lửa sẽ bị mất cân bằng. Khi nó quá nóng, máu đặc lại và bị tắc trong các mao mạch, khiến chúng ta buồn ngủ hoặc đau đầu. Nếu nó quá lạnh, nó sẽ khiến chúng ta run rẩy hoặc lên cơn sốt.

Như thế, hơi thở quan trọng hơn bất kỳ thuộc tính nào khác trong cơ thể. Nó hỗ trợ thuộc tính lửa, lửa lại chưng cất thuộc tính lỏng. Có hai loại thuộc tính lỏng trong cơ thể: phần cứng, biến thành đất, và phần do bản chất của nó vẫn ở thể lỏng. Khi hơi thở hoạt động đúng, tất cả các thuộc tính khác hoạt động đúng, và cơ thể sẽ cảm thấy được nghỉ ngơi, thoải mái.

Đây là sự thể hiện thiện chí đối với bản thân. Tâm gắn bó với hơi thở, hơi thở gắn bó thân, và thân gắn bó với tâm. Chúng không bỏ rơi nhau. Chúng thắm thiết, thân mật, hài hòa - chúng là những người bạn tốt của nhau.

Khi mọi người ở bên nhau, họ trở nên thân mật, quen thuộc nhau. Nếu họ không ở bên nhau, họ không thể trở nên quen thuộc với nhau. Và khi họ không quen thuộc, họ không thực sự biết nhau.

Khi mọi người là bạn bè thân thuộc nhau, họ tin tưởng lẫn nhau. Họ chia sẻ những bí mật của nhau. Họ không che giấu những gì đang xảy ra. Tương tự, khi ta trở thành thân thiết, quen thuộc với thân, ta sẽ tìm hiểu tất cả những bí mật của thân. Chẳng hạn, chúng ta có thể hiểu nghiệp nào trong quá khứ đã dẫn đến sự ra đời của thân này - những kiếp trước của chúng ta như thế nào, những điều tốt và xấu mà chúng ta đã làm, dẫn đến việc ta có thân giống như thế này hay thế kia. Chúng ta sẽ hiểu bốn thuộc tính của thân hoạt động như thế nào. Mọi thứ phát sinh và biến mất như thế nào tại các thuộc tính của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Chúng ta sẽ biết những bí mật của các vấn đề khác nhau liên quan đến thân, bởi vì nó sẽ phải tiết lộ bản chất thực sự của nó cho chúng ta bằng mọi cách - giống như khi ta mở nắp nồi thức ăn, ta sẽ nhìn thấy những gì bên trong đó.

Khi ta đã biết cách mọi thứ vận hành trong cơ thể theo cách này, thì đó được gọi là vijja, hay sự hiểu biết rõ ràng. Loại hiểu biết này phát sinh từ tâm tĩnh lặng. Khi thân và tâm đều cùng tĩnh lặng, chúng thấu hiểu lẫn nhau. Cũng như con người với nhau: nếu ta thân thiện với người, người sẽ thân thiện lại.  Nếu ta chống báng họ, chắc chắn họ sẽ đối nghịch với ta. Tương tự, khi cơ thể thân thiện với tâm, tâm nhất định phải thân thiện lại. Nói cách khác, nó có thể hỗ trợ các bộ phận khác nhau của cơ thể. Nó có thể giúp thân hoạt động phù hợp với suy nghĩ của thân. Chẳng hạn, nếu có cảm giác đau đớn hay mệt mỏi thì ta có thể tập trung toàn bộ sức mạnh của tâm để nghĩ rằng chúng sẽ qua đi, và cảm giác đau đớn hay mệt mỏi đó thực sự có thể biến mất, chỉ đơn giản nhờ sức mạnh của một khoảnh khắc tinh thần. Những người đã giúp đỡ lẫn nhau trong quá khứ phải giúp đỡ lẫn nhau mọi lúc. Nếu chúng ta có thể giúp người, người nhất định sẽ giúp lại ta.

Khả năng điều này có thể xảy ra xuất phát từ sức mạnh của tâm. Nó có khả năng ra lệnh phù hợp với nguyện vọng của nó. Khi ta có thể làm cho bạn mình an vui thông qua sức mạnh tư tưởng của ta, thì tất cả bạn bè của ta đều có thể trở nên an vui. Thí dụ, khi chúng ta nghĩ đến việc thanh lọc hơi thở, hơi thở sẽ giúp cải thiện tính chất lửa. Lửa sẽ giúp cải thiện tính chất lỏng. Tính chất lỏng sẽ giúp cải thiện tính chất đất. Khi tất cả các thuộc tính hỗ trợ lẫn nhau theo cách này, chúng trở nên thăng bằng và hữu ích cho cơ thể, để cơ thể có thể được khỏe mạnh.

Đối với tâm, nó trở nên mát mẻ và tĩnh lặng. Bất cứ ai đến gần cũng sẽ cảm nhận được sự thanh tịnh đó. Giống như trong sâu thẳm của núi, sẽ mát: ai bước ngang qua cũng cảm giác mát, mặc dù núi không tạo sương để làm mát ai. 

Đó là nói về thân. Đối với tâm, khi nó thanh tịnh, nó cho kết quả thậm chí còn lớn hơn. Khi ta suy nghĩ bằng cách sử dụng năng lực của tâm thanh tịnh, các dòng chảy đi nhanh hơn tia chớp xuyên qua bầu trời, và chúng có thể đi khắp thế giới. Nếu có ai muốn đến gần để làm hại ta, họ sẽ thất bại, vì dòng chảy của một tâm thanh tịnh, mạnh mẽ có sức mạnh để xua đuổi mọi loại hiểm nguy. Thí dụ với Đức Phật: Không ai có thể giết Ngài. Những người có ý muốn giết Ngài, khi họ đến gần Ngài, họ sẽ cảm nhận Ngài như là người cha thân yêu của họ. Những người đón nhận dòng chảy thanh tịnh của Đức Phật đã buông bỏ các thói quen xấu ác của họ, trở thành người thiện lành. Họ buông bỏ bạo lực, tâm uế nhiễm để trở nên dịu dàng, nhẹ nhàng. Thí dụ, Angulimala: Nếu ông không sẵn sàng lắng nghe Đức Phật, ông sẽ bị trái đất chôn vùi. Nhưng ông đã có thể nghĩ, “Đức Phật sẽ không giết ta. Ta sẽ không giết bất cứ ai”. Ông lập tức buông bỏ vũ khí, từ bỏ giết chóc một lần và mãi mãi, xuất gia, và trở thành một trong những vị Thánh đệ tử của Đức Phật.

Do đó, chúng ta nên nghĩ về những phẩm chất của Phật, Pháp và Tăng với mỗi hơi thở vào và ra. Khi ta ở trong lĩnh vực của Pháp theo cách này thì như thể ta đang được tiếp kiến Đức Phật. Mặc dù - khi chúng ta tiếp tục nghĩ về những phẩm chất của Phật, Pháp và Tăng - chúng ta tiếp tục đi qua những nơi chốn cũ, nhưng điều đó có gì sai? Trên thực tế, khi chúng ta sử dụng sức mạnh của sự tác ý đúng (vitakka) và phân đoán đi, phân đoán lại (vicara) theo cách này, kết quả chúng ta đạt được rất tích cực: cảm giác hoàn mãn lan tỏa khắp mọi bộ phận của cơ thể. Tâm sẽ cảm thấy đầy đủ, tươi mát. Ta sẽ cảm thấy nở hoa trong lòng, cảm giác viên mãn, hoặc khinh an (piti) sẽ phát sinh, kèm theo những suy nghĩ thiện lành. Khi lòng ta sung mãn theo cách này thì nó sẽ thoải mái, giống như khi ta được no bụng. Và khi tâm tràn đầy hạnh phúc, bạn của nó, là thân chắc chắn cũng sẽ cảm thấy no và thanh thản. Chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái cả về thể xác lẫn tâm hồn, giống như khi ta nhìn thấy con cháu của mình được cho ăn no và ngủ kỹ. Điều này được gọi là niềm vui (sukha). Và khi ta thấy điều gì đó mang lại niềm vui cho con cháu của mình, chúng ta phải tập trung nỗ lực vào đó liên tục. Đây là cách tâm đạt đến sự nhất tâm (ekaggatarammana), bước vào trạng thái bình an, thoát khỏi mọi xáo trộn và hiểm nguy.

 

Diệu Liên Lý Thu Linh

 (Chuyển ngữ từ “Two Guardian Meditations”, trong Starting Out Small: A Collection of Talks for Beginning Meditators - Bắt đầu từ việc nhỏ: Sưu tập các bài Pháp dành cho thiền sinh mới).

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle