Hóa giải bệnh tật bằng Phật pháp

hoa giai

HÓA GIẢI BỆNH TẬT BẰNG PHẬT PHÁP

 

TN. Liên Hiền

 

    Thiền và trị liệu

Thiền là một trong những phương pháp trị liệu hữu hiệu cho thân và tâm. Phật giáo có nhiều trường phái thiền nhưng hầu hết đều mang một đặc điểm chung là hướng hành giả đến sống vui, sống khỏe, đặc biệt là nhận diện được chân lý của con người và vũ trụ. Tinh yếu nhất của hành thiền là giữ chánh niệm, thấy biết rõ từng ý niệm và hành động sống của mình. Hay nói cách khác, đó là một sự tập trung, tâm chú ý vào một đối tượng mà không nghĩ đến gì khác[1]. Chúng ta sẽ điểm qua một số loại thiền cơ bản có công năng trị bệnh cao.

Đầu tiên là thiền ngồi. Tiến trình hành thiền từ giai đoạn chuẩn bị đến lúc xả thiền đều có tác dụng điều hòa thể tạng. Bác sĩ Herbert Benso và các đồng nghiệp (tại Đại học Havard) đã khuyên các bệnh nhân nên ngồi thiền mỗi ngày. Họ chứng minh rằng “một người ngồi thiền từ 10 đến 20 phút mỗi lần, ngày hai lần thì có thể chữa trị được các chứng bệnh về tim, cao huyết áp, đau nhức kinh niên, mất ngủ thường trực và nhiều loại tâm và thân bệnh khác”[2]. Trong tác phẩm Thiền và đời sống, các tác giả đã đưa ra công dụng của thiền: thiền có thể chữa được các bệnh như tim, viêm gan, bao tử - tiêu hóa, phổi, thận, HIV, ung thư, đau khớp, mãn kinh, tiểu đường. Họ giải thích tại sao thiền có thể chữa được bệnh. Bởi vì thiền giúp gia tăng những cảm xúc tích cực từ đó nâng cao đời sống hạnh phúc; thiền làm cho cấu trúc gen thay đổi nên giúp linh hoạt, thông minh, an lạc hơn; nhất là thiền giúp xoa dịu những căng thẳng trong cuộc sống, do vậy mà giúp trẻ ra, già chậm, sống lâu. Do thấy được lợi ích đó nên các nhà y khoa luôn khuyên chúng ta nên ngồi thiền đều đặn hằng ngày. Bác sĩ Hồng Quang khuyên rằng: “Thuốc Nam, thuốc Bắc và Âu dược cũng có giới hạn, nhiều phản ứng phụ và tốn tiền. Nên chăng, song song với y dược, mỗi người nên thiền ngày hai lần, mỗi lần tối thiểu 10 phút, thân tâm sẽ tốt hơn, đẹp hơn, thông minh hơn, sống lâu và có hạnh phúc hơn, chống được bệnh và lão hóa”[3].

Thiền đi bộ cũng là một trong những phương pháp trị nhiều loại bệnh. Thiền đi bộ là lối đi trong tỉnh thức. Nghĩa là đi chậm rãi, định tâm, tập trung vào hơi thở và buông thư. Hòa thượng Tịnh Từ giải thích rằng: Dưới lòng mỗi bàn chân có 24 huyệt đạo chính. Mỗi khi ta cất bước đi là tác động đến bốn trăm huyệt đạo cơ thể, bắp thịt, đặc biệt là não bộ. Mỗi bước chân ta đi là xúc tác xuyên qua hàng tỷ tế bào thuộc các bộ phận toàn cơ thể. Chính nhờ sự làm việc chung này mà mỗi tế bào trở nên tươi nhuận, kinh mạch, máu huyết phân phối cùng “ngõ hẻm” và tương trợ lẫn nhau. Nhờ đó mà thân thể cường tráng, hồng hào và tâm thì sáng suốt, mát mẻ, thảnh thơi[4]. Như vậy, không chỉ ngồi thiền mới có thể chữa bệnh. Thiền đi cũng giúp tiêu trừ bệnh tật.

Ngoài ra, thiền nụ cười là một thang thuốc giúp cho thân tâm an lạc. Thiền này sử dụng nụ cười trong hương vị thiền để tạo ra niềm vui nhẹ nhàng, phóng thích những ức chế tâm lý. Thượng tọa Nhật Từ là một trong những người xiển dương pháp thiền nụ cười. Thượng tọa cho rằng: “Được thân người là một phước báu để trải nghiệm nụ cười. Không cười là tự đánh mất quyền lợi mà bản chất hạnh phúc cho phép chúng ta trải nghiệm ở phương diện này hay phương diện khác”[5]. Nhà văn Norman Cousins khi phân tích những chứng bệnh đã thấy rằng: “Phần lớn do con người thiếu nụ cười mà ra. Dù bệnh ở mức độ nhẹ nhưng thiếu việc trải nghiệm nụ cười cũng làm cho sự trầm uất gia tăng dẫn đến bệnh ngày càng tăng trưởng, kháng thể suy giảm, cái chết diễn ra sớm hơn. Bế tắc khiến người bệnh trở nên tuyệt vọng thậm chí muốn tự vẫn”[6]. Chính vì vậy, ông khuyên mọi người nên thực tập cười thiền mỗi ngày để hóa giải những tế bào xấu trong cơ thể và loại bỏ những niềm đau trong cuộc sống.

Trên đây là những ví dụ về công dụng của thiền đối với trị liệu. Từ những chứng minh này ta thấy, trong mọi hoạt động cuộc sống (ăn, mặc, ngủ, nghỉ, nói, làm…), nếu ta biết sống thiền thì sẽ gia tăng sức khỏe, bệnh tật không thể hoành hành trong thân lẫn tâm.

 Niệm Phật và chuyển hóa bệnh tật

Niệm Phật có thể chuyển hóa được mọi loại bệnh trong thân. Xưa nay, trong suy nghĩ của nhiều người, hành trì niệm Phật cốt yếu để được Phật gia trì và vãng sinh về thế giới chư Phật. Niệm Phật A Di Đà thì vãng sinh Cực Lạc, niệm Phật Dược Sư thì mạng chung được về thế giới Thanh Tịnh Lưu Ly. Tuy nhiên, xét về phương diện y học, niệm Phật lại là một phương pháp chữa bệnh rất mầu nhiệm.

Qua nhiều lần thí nghiệm, Tiến sĩ Masatu Emoto đã thấy được tinh thể nước biến đổi theo môi trường sống xung quanh nó. Dùng kính hiển vi phóng to gấp 300 lần, ông thấy: nếu cho nước nghe nhạc, ngắm hoa, tiếp nhận những năng lượng tích cực thì tinh thể nước sẽ biến thành những hình dạng tươi tắn, xinh đẹp. Ngược lại, nếu nước tiếp xúc với những điều xấu tệ thì tinh thể của nó liền biến thành những vẻ mặt ác quỷ. Hầu hết thế giới này một phần do yếu tố nước cấu thành. Do vậy, từ những cuộc nghiên cứu đầy kinh ngạc, ông kết luận rằng nếu chúng ta phóng ra những năng lượng tốt thì cuộc sống sẽ đáp trả chúng ta bằng những điều hạnh phúc, tiêu tai hóa giải. Nếu chúng ta thải ra môi trường sống những hoạt động tiêu cực thì liền nhận lãnh những điều bất hạnh. Đó là một trong những lý do mà ta có thể giải đáp cho những thiên tai, dịch bệnh đang diễn ra. Dựa vào công trình này, các nhà nghiên cứu vận động chúng ta cần thay đổi tâm thức của chính mình để thế giới tốt đẹp hơn: “Khi nghiên cứu này đem ra phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, đã rất nhiều người cảm động rơi nước mắt. Thế giới này có hy vọng thay đổi, vạn vật có thể chung sống hòa hợp, với tiền đề là tâm con người nhất định phải thay đổi. Chỉ cần tâm con người hướng thiện, thì tất cả thiên tai đều có thể giải hóa được”[7].

Đặc biệt, thử nghiệm đã cho một kết quả ưu việt. Nếu nước được nghe kinh kệ thì nó biến thành những tinh thể thanh lọc và có khả năng chuyển hóa những năng lượng tiêu cực trong cuộc sống. Còn khi cho nước nghe niệm Phật trì chú thì kết quả là: “Ban đầu các tinh thể nước có hình ảnh sần sùi xấu xí nhưng sau khi được cầu nguyện, được nghe câu Nam-mô A Di Đà Phật, Nam-mô Quan Thế Âm Bồ-tát và chú Đại bi thì hình ảnh được chuyển hóa thành hình ảnh đẹp lung linh”[8]. Như vậy, từ chứng minh này ta có thể giải thích tại sao một người niệm Phật thì thường có da dẻ hồng hào, tươi tắn, khỏe mạnh, và có thể chuyển hóa được các loại bệnh tật. Chúng ta biết rằng cơ thể chúng ta có khoảng 70% nước dịch, do vậy nếu hằng ngày chúng ta tiếp nhận những từ trường tích cực từ niệm Phật, nghe kinh thì bệnh tật sẽ tiêu tan, thậm chí ung thư cũng có thể hóa giải: “Cơ thể sẽ tiết ra chất hóa học endorphins và 30 điều kỳ diệu của nước enkeppholins giúp tăng sức mạnh để chiến thắng bệnh ung thư”[9].

Mặt khác, trong nhiều cuộc khảo nghiệm tế bào, các nhà nghiên cứu thấy rằng niệm Phật có thể chuyển hóa được bệnh tật. Tất cả tế bào trong cơ thể con người vốn dĩ là tế bào tốt, tuy nhiên do gặp nhiều trở lực như nghiệp chướng, tư tưởng xấu ác, hoặc môi trường sống nhiễm ô… nên các tế bào này chuyển thành tệ hại và có thể hóa thành các tế bào ung thư.

Thông qua những luận cứ vững chắc trong tác phẩm Niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư, Pháp sư Đạo Chứng chứng minh rằng, một niệm thay đổi thì sáu mươi ngàn tỷ tế bào cũng thay đổi. Cho nên nếu khởi tâm niệm không tốt thì chẳng khác gì bức ép sáu mươi ngàn tỷ tế bào tốt của mình. Còn nếu khởi tâm niệm từ bi hỷ xả, thông qua trì niệm danh hiệu Phật thì mọi bệnh tật đều được hoán chuyển. Do vậy, ngài khuyên chúng ta hãy niệm Phật: “Chúng ta xem, một chúng sinh được gọi là rắn độc, còn cảm thông được tâm niệm từ bi mà thay đổi thái độ và hành vi, huống chi là một số tế bào bất đắc dĩ phải trở nên xấu trên thân chúng ta. Thực ra, năng lượng những tế bào nhỏ này rất yếu, sức ảnh hưởng của nó cũng không là bao. Chúng ta có một thân thể to lớn hơn nhiều, thì tâm niệm, năng lượng và sức ảnh hưởng cũng to lớn hơn nhiều. Về mặt lý luận, chúng ta lẽ ra có thể thay đổi những tế bào nhỏ này mới đúng. Chỉ cần khéo léo vận dụng tâm niệm này mạnh mẽ, phát huy sức ảnh hưởng tốt đẹp, thì chúng ta có thể thay đổi những tế bào ung thư nhỏ này. Huống chi chúng ta còn có Phật tính rộng lớn vô biên và Phật lực bất khả tư nghì”[10].

Ngài cũng giải thích kỹ lưỡng rằng: “Tế bào ung thư có thể trở thành tế bào bình thường. Y học có một thí nghiệm về việc cấy nuôi tế bào ung thư. Lúc mà điều kiện được khống chế tốt, quả thực có thể khiến tế bào ung thư trở nên bình thường, rồi biến thành tế bào tốt. Chúng ta cần phải lắng lòng lại để phản tỉnh về nguyên nhân khiến những tế bào này trở nên xấu, rồi cố gắng dứt trừ nguyên nhân đó. Khi nhân duyên thay đổi, tế bào có thể trở nên tốt, hay ít ra chúng cũng không phát triển thêm”[11]. Như vậy, từ những bằng chứng xác thực mà các nhà khoa học đã khẳng định, dù không hướng về tâm linh, phương pháp niệm Phật hoàn toàn có thể chữa lành mọi bệnh nan y (trong trường hợp thọ mạng bệnh nhân vẫn còn).

Đã có rất nhiều tấm gương nhờ niệm Phật mà thoát khỏi bạo bệnh. Cụ bà Lê Thị Tâm (Đống Đa, Hà Nội) nhờ niệm Phật mà 15 căn bệnh quái ác từ từ được tiêu tan. Bà từng chia sẻ: “Theo đạo Phật thì con người có số phận, bệnh tật là do Nghiệp gây ra. Nếu ai đó tu dưỡng, trì tụng bằng kinh Phật tốt thì nghiệp có thể thay đổi, bệnh tật có thể sẽ khỏi. Và nếu như ai đó muốn thực hiện phương pháp này đầu tiên phải có đức tin, tin tưởng vào Phật pháp mới giúp con người ta chiến thắng bệnh tật”[12]. Cũng trong bài báo này, bà Tâm sau khi hết bệnh đã cộng tác với các cơ sở y tế để khuyến khích mọi người niệm Phật chữa bệnh. Thật không ngờ bệnh HIV niệm Phật vẫn khởi sắc: “Năm 2006, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 28 bệnh nhân nhiễm HIV, trong đó có 20 trường hợp nhiễm bệnh sớm và trung gian, 8 trường hợp muộn mới xét nghiệm. 23 bệnh nhân đầu tiên đều được xét nghiệm 2 lần (trước và sau tụng niệm). Kết quả cho thấy, đa số các bệnh nhân khi tụng kinh, niệm Phật đều tăng các thành phần miễn dịch tế bào, đặc biệt họ không chuyển sang giai đoạn AIDS, sức khoẻ của họ tốt hơn trước đó. Tuy nhiên, theo bà Tâm đó là những kết quả ban đầu”[13].

Hoặc thông qua câu chuyện một nữ cố vấn thời trang nhờ trì niệm danh hiệu Phật Dược Sư mà thoát chết từ cửa tử bệnh. Ông Deepak Chopra nhấn mạnh rằng, chúng ta có thể tự thân nỗ lực chữa bệnh với lòng tin vào nguyện lực của Phật Dược Sư. Do vậy ông khuyến khích: “Chúng ta có một dược phòng nội tại thật sự thanh nhã. Dược phòng này chế tạo thuốc có hiệu quả trong thời gian với mục tiêu chính xác về bộ phận được chữa trị, và không bị ảnh hưởng phụ của thuốc”[14]. Như vậy, nếu không muốn bàn về thế giới tâm linh, hoặc không thừa nhận tình thương cao cả của chư Phật gia trì, phóng chiếu đến người bệnh, thì xét về phương diện y học, niềm tin vào phương pháp niệm Phật vẫn là một bí quyết chữa bệnh tối ưu.

Lạy Phật và điều hòa thể chất

Phương pháp lạy Phật là một phương pháp giản đơn nhưng mang lại lợi ích lớn cho thân lẫn tâm. Đây là kinh nghiệm tu tập của các bậc tiền đức để có được một sức khỏe dẻo dai và tinh thần sung mãn. Hư Vân Hòa thượng hành trì “Tam bộ nhất bái” từ Phổ Đà Sơn đến Ngũ Đài Sơn đã viên mãn công đức báo ân sinh thành. Không những vậy, ngài luôn âm thầm lạy Phật thường xuyên, do vậy mà có được những khả năng phi thường. Chẳng hạn như nhờ công năng lạy Phật rèn luyện thân thể cường tráng mà khi bị chính quyền Trung Quốc tra tấn dã man nhiều ngày liên tục, tưởng chừng như chết, vậy mà ngài vẫn sống sót như không có chuyện gì xảy ra, thọ đến 120 tuổi[15]. Như vậy, pháp môn lạy Phật không chỉ giúp cho hành giả tiêu trừ nghiệp chướng, thiện căn tăng trưởng, đức khiêm cung thường hằng mà xét về khía cạnh trị liệu đây cũng là một phương pháp hiệu nghiệm vô cùng.

Lạy Phật đúng cách là một phương pháp chữa trị nhiều thứ bệnh trong thân. Thông thường khi tập thể dục, ở mỗi động tác, chỉ có một vài bộ phận trên cơ thể được tác động. Còn lạy Phật, với tư thế trang nghiêm, năm vóc sát đất, vậy mà phải khiến cho toàn thân phải vận động. Tỷ-kheo Trí Hoằng đã từng tán thán pháp môn lạy Phật trong một bài giảng. Ngài cho biết rằng phương pháp này chữa bệnh rất hữu hiệu: Trong lúc lạy Phật, tất cả các bắp thịt trên cơ thể đều hoạt động làm cho khí huyết toàn thân lưu thông, giúp cho chúng ta chữa được các bệnh xương khớp và phòng ngừa được các bệnh trong nội tạng. Ngoài ra, lạy Phật còn giúp cho các huyệt đạo quan trọng trên cơ thể được tác động. Từ huyệt bách hội trên đỉnh đầu dọc xuống đến các huyệt trên cột sống, tay, chân đều được tác động. Luồng khí nóng chạy đều cơ thể và mồ hôi theo các lỗ chân lông tuôn ra, do vậy cơ thể không những hóa giải được các bệnh mà còn phóng thích được những độc tố trong người. Bên cạnh đó, với tâm thành tha thiết kính Phật sám tội, sau khi lễ Phật, hành giả luôn có cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản. Do đó lạy Phật còn chữa được tâm bệnh[16].

Như vậy, chưa xét về vấn đề khai mở luân xa (các luân xa từ đỉnh đầu và dọc các cột sống bị tác động liên tục, dần dần khai triển và thâm nhập vào cảnh giới tâm linh) mà chỉ xét về phương diện trị bệnh, lạy Phật đã mang lại hiệu quả đáng kể.

Pháp sư Đạo Chứng, người thường biên soạn các tác phẩm về đề tài Phật pháp và trị liệu, cũng cho rằng lễ Phật là một phương pháp chữa bệnh tối ưu. Nếu như chúng ta theo đúng nguyên tắc lạy Phật thì cơ thể sẽ tiết ra hệ miễn dịch giúp ngăn ngừa mọi bệnh tật, đồng thời tâm ta an lạc, sống chan hòa với thế giới này: “Lễ Phật là hình thức vận động phù hợp với những nguyên lý của y học, khiến cho nội tâm giao cảm với bậc Ðại y vương, khiến cho công năng chữa bệnh tự nhiên được phát khởi, có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, đề phòng bệnh tật, tự mình điều tiết, khiến cho thân, tâm và cả thế giới cùng điều hòa. Vì thế, lễ Phật tiêu trừ được nguyên nhân gây bệnh, chữa lành tật bệnh”[17]. Trong một lần khác ngài cũng từng tán dương phương pháp chữa bệnh bằng lạy Phật: Lạy Phật giúp điều chỉnh xương sống; trị dứt bệnh đau lưng và hông; cường hóa nội tạng; phát triển não bộ; làm tăng thêm tế bào mang dưỡng khí; tuần hoàn máu và tốt cho tim mạch[18].

Có rất nhiều tấm gương nhờ lạy Phật mà hết bệnh. Trong bài pháp thoại Lời khai thị của Đại sư Ấn Quang, cư sĩ Diệu Âm Minh Trị[19] đã tâm tình với các thính giả rằng, ông đã khỏi bệnh và thoát chết là nhờ lạy Phật. Các bậc Hòa thượng (như Hư Vân Hòa thượng đã nói ở trên) nhờ siêng năng lễ Phật mà thân thể bền bỉ, nan y không tới gần được. Cũng giống như bao người đã thấy được lợi ích đó nên Hòa thượng Diệu Liên từng khuyên dạy mọi người hãy thường xuyên lạy Phật để phòng và trị bệnh. Ngài nói rằng: “Lạy Phật là môn thể thao tốt nhất”[20]; hay Sám Vân Pháp sư cũng từng giảng cho các môn đồ rằng: “Lạy Phật là vận động tốt nhất, còn tốt hơn khí công và thái cực quyền”[21].  

Trì chú và chuyển hóa thân bệnh

Nếu như niệm Phật có thể chữa lành bệnh tật thì trì chú cũng có công năng không kém. Phật tử Việt Nam thường có thói quen trì chú Đại bi, Dược Sư vào nước uống để chữa bệnh. Mới xem qua tưởng chừng như mê tín, nhưng đứng về phương diện y học thì đây quả thực là một phương thức trị liệu. Từ những thí nghiệm tinh thể nước (đã khái lược ở trên), chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng niệm thiện làm mọi thứ đẹp lên và ác niệm làm mọi thứ xấu đi. Thần chú thì lại có năng lực mạnh. Do vậy, khi sử dụng những bài thần chú tà đạo thì ly nước trở nên tà pháp, nếu ai uống hoặc xoa thì sẽ bị điều khiển, mê hoặc, bệnh hoạn… Ngược lại, nếu chúng ta sử dụng những bài thần chú của đạo Phật chú nguyện vào ly nước thì nước ấy tức thời có công năng trị bệnh. Người uống, gội, xoa đều dần dần khỏi hẳn. Đây là điều hiển nhiên mà các nhà khoa học đã từng kiểm chứng.

Nếu không trì chú vào nước uống mà chỉ thực hành pháp môn trì chú thì vẫn khỏi bệnh. Những tế bào trong cơ thể người vẫn có thể tuân theo mệnh lệnh của những ý tưởng tích cực hoặc tiêu cực. Do tiếp nhận nguồn hỷ lạc từ Phật tính thanh tịnh của chính mình và cầu nguyện sự gia trì của chư Phật mà các tế bào xấu trong cơ thể dần dần chuyển hóa thành tế bào tốt. Vì lẽ đó, bệnh đau hoàn toàn có thể được khống chế. Phương pháp trị bệnh này được ứng dụng rộng rãi ở Tây Tạng, đó là phương pháp trị bệnh Tantra (thần chú). Người Tây Tạng trì tụng chú Dược Sư không những mong muốn được sinh về cõi Thanh Tịnh Lưu Ly mà còn cầu nguyện tránh gặp tai họa, tật bệnh[22].

Phương pháp chữa bệnh mầu nhiệm này đã được nhiều người chứng thực. Cô y tá họ Tô (trong tác phẩm Niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư) bị bệnh nghiệp. Các sinh mạng kiếp trước mà cô đã sát hại đến báo oán khiến cô phải đau đớn cùng cực với căn bệnh nan y mà bác sĩ phải bó tay. Nhưng khi được giới thiệu phương pháp trì chú, cô đã thực hành và khỏi bệnh hoàn toàn[23]. Hoặc cô bé Anh Đoan, pháp danh Hạnh Tuệ đã từng bị ung thư xương mà bệnh viện Thái Lan cũng phải “đầu hàng”, nhưng khi được người dì trì chú Đại bi vào nước, cô uống liên tục nhiều ngày thì bỗng dưng hết bệnh[24]. Sự kỳ diệu này từng làm cho dư luận xôn xao. Hay ta có thể kể thêm tấm gương của chị Diệu Đài, nhờ trì chú Đại bi mà chấm dứt bệnh ung thư tuyến giáp[25]. Đây là ba tấm gương điển hình mà nhiều người biết đến. Như vậy, từ người thật việc thật, chúng ta có thể kết luận trì chú có công năng trị bệnh rất linh nghiệm.

Trì kinh, học Phật và cân bằng thân tâm

Bằng trì kinh học pháp, người ta mong gia tăng trí tuệ để ứng xử sống tốt hơn, nhưng ở phương diện y học, đây lại là một phương thức chữa bệnh hiệu quả, đặc biệt là chữa tâm bệnh. Do nhiều áp lực trong cuộc sống, hoặc vướng phải những tình cảnh đột ngột mà con người trở nên trầm cảm, bạc nhược, buồn khổ, lo âu, giận tức, căng thẳng tinh thần... Nhưng khi bước vào cửa chùa, được nghe những kinh kệ, mọi phiền muộn dường như tan biến. Hoặc có nhiều người nhờ hành trì lời Phật dạy mà họ thoát khỏi những yếm thế của nội tâm.

Lời Phật dạy thì bao la vô tận, tuy nhiên chỉ cần vài lời pháp căn bản đôi khi lại là liều thuốc cho cả đời. Một giáo sư đại học ở Mỹ, thời niên thiếu bị bệnh ung thư nhưng nhờ thực hành phóng sinh mà được trường thọ[26]. Hoặc một bác sĩ đã từng thoát chết vì biết cười hoan hỷ, và về sau ông sử dụng phương pháp này để chữa trị tâm bệnh cho nhiều người. Theo ông, “Học cười là một bài học rất đặc biệt. Vì tôi biết, khi cười, nhất là khi cười to, thì các tế bào trên thân đều buông thư. Tế bào chỉ có thể trong trạng thái buông thư hoàn toàn mới có thể phát huy hết sức sống của nó, đủ để ứng phó với sự xâm phạm bên ngoài… Nên biết, tế bào trong thân nghe lời mình hay nghe lời ai? Đương nhiên là nghe lời mình. Thế thì, lúc mình ra lệnh cho tế bào đừng nên ra mệnh lệnh có hại cho nó, như giận hờn, lo âu, tiêu cực, v.v. Nếu tế bào không còn lo lắng bên ngoài, thì nó mới rảnh rang lo việc bên trong, tức tăng sức đề kháng với tế bào ung thư. Đây là biện pháp giải quyết tế bào ung thư từ gốc”[27]. Do vậy, mệnh lệnh cười là một mệnh lệnh tích cực cho tế bào. Qua đó bệnh sẽ dần dần được khỏi. Ngoài ra có một Phật tử nữ đã từng hết bệnh ung thư ngực nhờ luôn sống trong tâm niệm ăn năn sám hối những hành vi xấu quấy và kiên trì vững bước thực hành những hạnh lành theo lời Phật dạy[28]. Lại cũng có một Phật tử thoát khỏi bệnh nan y do biết thực hành bao dung nhu hòa, rộng mở trong giao lưu và buông xả những trói buộc trong cuộc sống[29]. Vô số tấm gương chữa lành khổ bệnh vì biết thực hành lời Phật dạy. Như vậy, nếu ta chọn cho mình những lời dạy thích ứng, sống với năng lượng tích cực điều khiển các tế bào xấu trong cơ thể thì cơ may khỏi bệnh có thể đạt xác suất cao.

Ăn chay, thực dưỡng và sức khỏe

Ăn chay là một trong những phương pháp hồi phục sức khỏe. Theo sự kiểm nghiệm của các nhà y học, họ cho rằng ăn chay đúng cách sẽ hưởng được 13 lợi ích, đó là: giúp da khỏe mạnh; cải thiện sự trao đổi chất và sức khỏe tim; gia tăng sức khỏe xương và tuổi thọ; giảm nguy cơ các bệnh: dư cholesterol, huyết áp, béo phì, tiểu đường, trầm cảm, ung thư, hen suyễn, phát triển nguy cơ bệnh đục thủy tinh[30]. Đạo Chứng Pháp sư cũng từng đề cập đến vấn đề này. Ngài khuyên mọi người có năm loại ung thư cần phải ăn chay: “Mãi đến ngày nay, sau khi ăn chay đã mười mấy năm, nhìn thấy cơ thể mình nhờ ăn chay mà càng ngày càng khoẻ mạnh, tôi mới cố gắng khuyên những bệnh nhân mắc bệnh ung thư dạ dày, ung thư ruột già, ung thư cổ tử cung, ung thư ngực, ung thư tuyến tiền liệt đổi qua ăn chay… Tại sao năm loại bệnh ung thư trên lại cần phải ăn chay? Vì ung thư cổ tử cung, ung thư ngực, và ung thư tuyến tiền liệt có liên quan mật thiết với kích thích tố (hormone) trong cơ thể. Thịt không những có nhiều kích thích tố, lại còn dễ dàng chuyển đổi thành kích thích tố, làm tăng các gene đưa đến ung thư”[31]. Cũng qua đây, ngài chỉ cho mọi người cách bỏ dần dần các món ăn động vật để đạt đến trường chay: “Trước hết không ăn thịt bốn chân, từ từ không ăn thịt hai chân, cuối cùng không ăn thịt không chân! Đây là cách sửa dần thói quen ăn thịt, theo nguyên tắc sức khoẻ”[32]. Người ta thường ngộ nhận rằng ăn chay thiếu chất, cho nên nó không được áp dụng rộng rãi trong việc chữa bệnh. Nhưng thực tế cho thấy, ăn chay đúng cách lại là phương pháp trị bệnh giản đơn, ít tốn kém và hiệu quả vô cùng. Cậu thanh niên Rob Mooberry đã chiến thắng ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối bằng phương pháp ăn chay[33]. Hay bàn luận rộng hơn: ở Đại thế chiến I, Đan Mạch nhờ thử nghiệm ăn chay mà tỷ lệ tử vong giảm xuống thấp nhất trong lịch sử nước họ. Ở Đại thế chiến II, thí nghiệm của Na Uy cho thấy rằng, nhờ ăn chay mà tỷ lệ tử vong vì đau tim và đột quỵ giảm hẳn. Hoặc ở Anh trong Đại thế chiến II, nhờ ăn chay mà số trẻ em chết và người thiếu máu giảm xuống rõ rệt[34].

Bên cạnh đó, chúng ta có thêm một lối ăn chay thực dưỡng. Ăn chay theo kiểu thực dưỡng góp phần hạn chế phát sinh nhiều loại bệnh. Đặc điểm của ăn chay thực dưỡng là áp dụng thực đơn hoàn toàn có nguồn gốc từ thiên nhiên, cụ thể như ngũ cốc còn lứt, các loại rau củ không có sự can thiệp của hóa chất… Kiểu ăn chay này khác với lối ăn chay thông thường. Xét về mặt y học, ăn chay thường, nếu ta không biết kiêng cử thì vẫn sinh bệnh. Còn chay thực dưỡng lại là cách ăn cân bằng âm dương trong cơ thể để có được sức khỏe và tinh thần tốt.

Trường phái thực dưỡng cho rằng: “Người ăn chay không bệnh hay ít bị các bệnh mà người ăn mặn mắc phải như béo phệ, huyết áp cao, xơ mỡ động mạch, bón, trĩ, tim, ung thư, dạ dày... Song lại bị bệnh thiếu máu, huyết áp thấp, tiêu chảy, tiểu đường, phổi và cũng có những loại ung thư vì quá âm”[35].

Do vậy, để hạn chế việc ăn chay sơ sài không đúng cách cũng như quy định đúng các nguyên liệu cần thọ dùng hằng ngày, các nhà thực dưỡng tư vấn như sau: Ăn gạo lứt và các ngũ cốc còn lứt là dương nhất, những thức ăn bổ trợ chính là vừng mè, đậu phộng, rong biển; trong các món chính thì nên ăn nhiều các loại từ trái đậu, hột đậu, các loại củ hơn là rau dưa; hạn chế uống nước canh xúp nhiều và ít ăn trái cây; uống các loại lứt rang và đậu rang. Khi ăn thì phải nhai cơm nhỏ và chậm rãi. Tránh ăn cơm chan đồng với canh sẽ gây khó tiêu…[36].

Năm 1965, Tiên sinh Ohsawa đã đưa ra thành phần bữa ăn như sau: “Từ 50-60% các cốc loại (gạo và các ngũ cốc), từ 30-40% các thức ăn phụ như các loại đậu, củ, các chất béo, rau, dưa. 5% (canh hay xúp) rong biển, rau củ. 5% (trái cây các loại)”[37]. Ăn chay thực dưỡng không những giúp cho hành giả cải thiện sức khỏe mà còn gia tăng tuổi thanh xuân. Đặc biệt là nhờ ăn chay thực dưỡng mà có những hành sĩ đạt được sự bình yên trong tâm hồn, phát huy cảnh giới tâm linh của mình. Ngày nay, do thiếu hiểu biết và thực hành không đúng cách nên nhiều người chỉ trích lối ăn chay thực dưỡng. Song thực tế cho thấy đã có rất nhiều người thoát khỏi cửa tử nhờ thực dưỡng: Nghệ sĩ Thanh Ngân nhờ ăn thực dưỡng mà hết bị liệt dây thanh quản[38]. Phật tử Bùi Thị Hải khỏi bệnh ung thư ngực vì ăn thực dưỡng[39]. Họa sĩ Trịnh Minh An (pháp danh Minh Hiền) ăn gạo lứt muối mè mà hết ung thư đại tràng[40].

Nhận định

“Sức khỏe là vàng” hay “Tài sản lớn nhất đời người là sức khỏe và trí tuệ”, đây là những câu nói rút ra từ kinh nghiệm sống. Dù ta có tạo ra vô giá tài sản nhưng nếu không có sức khỏe thì cuộc đời trở nên vô nghĩa. Do vậy, muốn tận hưởng những gì đang có thì trước tiên phải chăm sóc sức khỏe thân tâm.  

Trong đời sống hằng ngày, để chú ý đến vấn đề sức khỏe thân, chúng ta thường tìm kiếm sự bổ dưỡng trong các bữa cơm. Có người thì suy nghĩ xa hơn bằng phương pháp tiêm chủng vaccine. Hoặc kỹ lưỡng hơn thì chi tiền cho các loại bảo hiểm xã hội. Người có tiền thì tìm bác sĩ giỏi để chữa trị. Người nghèo thì kiếm thảo dược quanh nhà để bảo vệ thân thể. Lại có người tự thân mình biến thành nhà y học cứu mình giúp đời… Tất cả các mối quan tâm đó chỉ nhằm để thể xác an ổn.

Từ cá nhân đến xã hội đều quan tâm đến vấn đề sức khỏe. Cá nhân thì nỗ lực truy tìm hạnh phúc thân tâm. Xã hội thì cố gắng tạo ra nhiều phúc lợi để bảo đảm cho thường dân. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế cuộc sống, có rất nhiều bệnh viện không đủ sức chứa bệnh nhân, có rất nhiều cơ sở y tế mở ra trị tâm bệnh với số lượng người bệnh đông đúc. Đọc trên các phương tiện thông tin thì thấy số lượng bệnh nhân quá tải. Tiếp xúc giao lưu thì thấy nhiều người than vãn số phận. Điều này cho thấy rằng cho dù bệnh viện được lập ra rất nhiều vẫn không thể giải quyết triệt để vấn đề sức khỏe bệnh nhân, dù xã hội cải thiện điều kiện an sinh nhưng vẫn không thể khống chế được bệnh tật, nhiều thú vui thế gian được sáng tạo liên tục vẫn không đáp ứng được sức khỏe tinh thần của con người. Như vậy, vấn đề quan tâm và bảo vệ sức khỏe nhìn chung vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Vài chục năm gần đây, sống trong biển khổ của bệnh tật, nhiều người đã đến với trị liệu Phật giáo và đạt được kết quả đáng kinh ngạc. Như vậy, không xét về phương diện tín ngưỡng, đạo Phật vẫn là nơi tìm về của nhiều bệnh nhân. Phương Tây thì hướng đến thiền học. Phương Đông thì hướng đến niệm Phật, trì chú, lạy Phật. Phật tử trên toàn cầu đều vận động ăn chay và học pháp.

Chúng ta chỉ có được hạnh phúc thực sự khi thân khỏe tâm an. Nếu như không có sức khỏe thì chẳng khác gì sống trong biển tuyệt vọng. Chúng ta tham vọng nhiều thứ trong cuộc sống nhưng đột nhiên nhận tin bị bệnh nan y hay ung thư giai đoạn cuối thì mọi thứ dường như sụp đỗ. Do đó, có sức khỏe thì có tất cả. Có sức khỏe thì mới biến ước mơ thành sự thật. Có sức khỏe thì mới nỗ lực gầy dựng mọi công trình. Không sức khỏe thì như người bị phá sản. Dù thân khỏe mà tâm bệnh thì nguy cơ thân sẽ bệnh. Dù tâm khỏe mà thân bệnh thì mọi thứ đều bị cản trở. Do vậy, muốn xây dựng hạnh phúc ta phải biết cân bằng sức mạnh của thân lẫn tâm. Chúng ta chỉ có thể tìm được sự bền bỉ đó ở nơi Phật pháp.

 



[1] Quán Như Phạm Văn Minh và những tác giả khác, Thiền và đời sống, Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay, tr.39.

[2] Sđd., tr.41.

[3] Sđd., tr.86.

[4] Sư ông Thích Tịnh Từ, Phương pháp trị liệu và an tâm, Ban Tu thư Thư viện Kim Sơn phiên tả, tr.7.

[5] Thích Nhật Từ, Sống vui sống khỏe, NXB.Phương Đông, TP.HCM, 2012, tr.37.

[6] Sđd., tr.40.

[7] Hội Luật Gia Việt Nam, Điều kỳ diệu của nước: Những câu chuyện niệm Phật chữa ung thư và HIV, NXB.Hồng Đức, TP.HCM, tr.39.

[8] Sđd., tr.36.

[9] Sđd., tr.30.

[10] Thích Minh Quang (dịch), Niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư, NXB.Tôn Giáo, TP.HCM, 2006, tr.10.

[11] Sđd., tr.10.

[13] Nguồn đã dẫn.

[14] Mỹ Thanh (dịch), Each of us a Healer: Medicine Buddha and the Karma of Healing. Nguồn: https://phatgiao.org.vn/duc-phat-duoc-su-va-nghiep-chua-benh-d39675.html

 

 

[15] Thích Trí Hoằng, Sách giảng: Pháp môn lạy Phật, Lưu hành nội bộ, tr.4.

[16] Sđd., tr.6-7.

[17] Như Hòa (dịch), Lễ Phật và y học, sách ấn tống, tr.11.

[18] Thích Minh Quang (dịch), Niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư, NXB.Tôn Giáo, TP.HCM, 2006, tr.14 -17.

[19] Diệu Âm Minh Trị, Lời khai thị của Đại sư Ấn Quang, mp3, đĩa CD.

[20] Đường về cõi Tịnh, pháp ngữ khai thị của Hòa thượng Diệu Liên, Nguồn: http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2016/11/phap-ngu-khai-thi-cua-hoa-thuong-dieu-lien/, đăng tải ngày 25/ 11/ 2016.

[21] Thích Minh Quang (dịch), Niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư, NXB.Tôn Giáo, TP.HCM, 2006, tr.14.

[22] Hoàng Phong (dịch), Phật giáo và việc chữa trị bệnh tật, NXB.Hồng Đức, TP.HCM, 2015, tr.12.

[23] Thích Minh Quang (dịch), Niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư, NXB.Tôn Giáo, TP.HCM, 2006 , tr.40.

[24] Thích Trí Huệ, Trở về từ cửa tử thần, Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=b_nLYKh5bcE.

[25] Phật tử Thiện Minh, Phật Pháp nhiệm màu: Trì chú Đại bi hết bệnh ung thư tuyến giáp. Nguồn: https://hoiquanadida.com/dao-va-doi/phat-phap-nhiem-mau-tri-chu-dai-bi-het-benh-ung-thu-tuyen-giap-4612.html.

[26] Thích Minh Quang (dịch), Niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư, NXB.Tôn Giáo, TP.HCM, 2006, tr.20.

[27] Sđd., tr.32.

[28] Sđd., tr.33.

[29] Sđd., tr.38.

[30] Bác sĩ Nguyễn Thường Hạnh, 13 lợi ích của việc ăn chay khiến bạn bất ngờ. Nguồn: http://tuetinhduonghue.org.vn/dieu-tri-benh-theo-quan-diem-cua-phat-giao.html, ngày cập nhật: 20/08/2020.

[31] Thích Minh Quang (dịch), Niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư, NXB.Tôn Giáo, TP.HCM, 2006, tr.30.

[32] Sđd., tr.30.

[33] Nhờ ăn chay người đàn ông chiến thắng bệnh ung thư kỳ diệu. Nguồn: https://vilai.vn/nho-an-chay-nguoi-dan-ong-chien-thang-benh-ung-thu-mot-cach-ky-dieu-nd35848.html, cập nhật: 13/07/2019.

[34] Lương Y Ngô Đức Vượng, Những câu chuyện thực tế về lợi ích của việc ăn chay. Nguồn: https://thucquan.com/nhung-cau-chuyen-thuc-te-ve-loi-ich-cua-viec-an-chay/, cập nhật: 21/04/2020.

[35] Thiện Tuệ, Ăn chay đúng cách và đầy đủ, tr.13.

[36] Sđd., tr.15-30.

[37] Sđd., tr.26.

[38] Nghệ sĩ Thanh Ngân, Liệt dây thanh quản. Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=x-3QPWUmaK0.

[39] Hết ung thư vú nhờ gạo lứt muối mè/ Bệnh nhân chia sẻ. Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=lq_6EImNLtA.

[40] Thích Tuệ Hải, Chữa bệnh ung thư đại tràng bằng gạo lức muối mè/ Phương pháp dưỡng sinh. Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=K0AhCl5hF3U.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle