Tinh thần bất bạo động của Phật giáo

Tinh thần bất bạo động của Phật

Tinh thần bất bạo động của Phật giáo

Tiến sĩ Paula Green - Vô Ưu dịch

 

Có lần một đệ tử hỏi Đức Phật: “Có đúng không khi nói rằng một phần trong quá trình tu tập của chúng ta là để phát triển tình yêu thương và lòng bi mẫn?”. Đức Phật trả lời: “Không, nói như vậy là không đúng. Sẽ đúng khi nói rằng toàn bộ quá trình tu tập của chúng ta là để phát triển tình yêu thương và lòng bi mẫn”.

Phật giáo được thiết lập trên cơ sở không gây hại và phát triển lòng từ bi. Hơn 2.500 năm trước, Đức Phật đã dạy: Không làm các điều ác, tinh cần làm điều lành và giữ tâm ý thanh tịnh. Gần đây, khi trả lời một câu hỏi về thực hành Phật giáo cơ bản, Đức Đạt-lai Lạt-ma nói rằng: “Nếu có thể, tốt nhất bạn hãy giúp đỡ người khác. Đây là thực hành chính yếu”.

Như vậy Phật giáo, ngay từ đầu, đã có cam kết sâu sắc về bất bạo động và quan tâm đến người khác. Phật giáo và bất bạo động không thể tách rời; Phật giáo là bất bạo động. Niềm tin này được minh chứng bởi Đức Đạt-lai Lạt-ma, người đã nói trong bài phát biểu nhận giải Nobel Hòa bình năm 1989: “Tôi không nói với cảm giác giận dữ hay căm thù đối với những người phải chịu trách nhiệm về sự đau khổ to lớn mà họ đã gây ra cho nhân dân chúng tôi, và về việc họ tàn phá đất đai, nhà cửa và văn hóa của chúng tôi. Họ cũng là những con người đấu tranh để tìm kiếm hạnh phúc và xứng đáng với lòng từ bi của chúng ta”.

Đối với người Phật tử, bất bạo động là một lối sống được sinh ra từ sự kết hợp giữa sự thấy biết sâu sắc và hành động thực tế. Thiền là cốt lõi của Phật giáo và từ đó mang đến những hiểu biết kinh nghiệm về bản chất của đau khổ và những phản ứng giúp giảm bớt đau khổ và nguyên nhân của nó. Phật giáo là một sự thực hành dấn thân và tích cực: thiền dẫn đến tuệ giác, và tuệ giác đưa đến hành vi và hành động vì hạnh phúc và giải thoát của tất cả mọi người.

Một trong những đóng góp đặc biệt của Phật giáo cho phong trào bất bạo động ngày nay là sự nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc tu tập để phát triển sự hiểu biết và nhận thức về bản thân nhằm tạo ra những phản ứng khéo léo trong một thế giới bạo lực. Các Phật tử hiểu rằng việc chữa lành bản thân và xã hội là một và giống nhau, rằng công việc bên trong và bên ngoài đều cấp thiết và liên quan đến nhau. Khi một người đối mặt với bạo lực của xã hội, người ta phải đồng thời thừa nhận và chế ngự bạo lực bên trong bản thân mình. Hòa bình cá nhân và thế giới được nối kết bằng suy nghĩ và hành động của mỗi con người.

Một đóng góp nữa, và cũng là đóng góp được trải nghiệm trực tiếp trong quá trình thực hành thiền định, đó là nhận ra sự tương thuộc của mọi đời sống. Với thiền quán, khái niệm về một bản ngã độc lập, tách biệt trở nên được giảm nhẹ. Một cái nhìn về sự tương thuộc lẫn nhau xuất hiện, ở đó mọi thứ đều được kết nối, ảnh hưởng lẫn nhau và có điều kiện đối với mọi thứ khác. Sự hiểu biết sâu sắc này về những ảnh hưởng lẫn nhau sẽ tạo ra sự hành xử có trách nhiệm, vì người ta thấy rằng bất kỳ hành vi bạo lực nào đều tạo ra tác hại cho bản thân cũng như cho người khác.

Theo học giả Phật giáo Joanna Macy, “Quy luật Duyên sinh này có nghĩa rằng mọi hành động chúng ta thực hiện, mọi lời chúng ta nói, mọi suy nghĩ chúng ta nghĩ không chỉ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác trong mạng lưới tồn tại rộng lớn mà ở đó mọi vật dự phần vào, mà cũng có những kết quả sâu rộng đến mức chúng ta không thể nhìn thấy hay hình dung được chúng”.

Những lời dạy rõ ràng và trực tiếp của Phật giáo về nguyên nhân của đau khổ, bất hạnh và bạo lực mang lại lợi ích to lớn cho tất cả mọi người, bất kể khuynh hướng chính trị hay tâm linh của họ là gì. Đức Phật đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những vấn đề liên quan đến tâm thức con người. Ngài nói: “Ta chỉ dạy một điều và một điều duy nhất, đó là khổ và sự chấm dứt khổ”. Ngài đã xác định ba nguyên nhân gốc rễ của đau khổ và thấy rằng thông qua thiền quán và ứng xử có nguyên tắc, người tu tập có thể phát triển các hành xử để cân bằng từng nguyên nhân của chúng.

Ba nguyên nhân gốc rễ là tham, sân, si; và thuốc giải cho những chất độc này là sự rộng lượng, lòng từ bi và trí tuệ. Những trạng thái tâm thiện và bất thiện này tồn tại trong mọi chúng sinh. Đức Phật lưu ý rằng: “Trong thân thể dài một sải tay này, toàn bộ vũ trụ được chứa đựng”.

Tham, trạng thái tâm gây ra bạo lực đầu tiên, cũng có thể được mô tả là sự ham muốn, ích kỷ hoặc bám víu. Thiền sư người Thái Buddhadasa cho rằng trạng thái tâm này là nhà tù tinh thần và là nguyên nhân cốt lõi của sự đau khổ trong đời sống cá nhân và cộng đồng. “Trọng tâm của Phật giáo là nhổ tận gốc hay loại bỏ lòng tham và ích kỷ này; khi ấy khổ đau mới chấm dứt. Muốn được như vậy chúng ta phải tu tập, tức là phải rèn luyện từ bên trong”.

Bố thí, buông bỏ, cởi mở là phương thuốc chữa trị tham dục. Đó là một thực hành mà nó có thể được nuôi dưỡng như một lối sống bất bạo động, như một cách để tạo ra hạnh phúc hàng ngày cho bản thân và người khác.

Sân hận và giận dữ là những trạng thái tâm bất an, là trung tâm của bạo lực. Đức Phật ví sự giận dữ như một cục than đang cháy, khi nhặt lên ném vào người khác sẽ khiến tay mình bị bỏng. Trong lúc giận dữ, tâm trí bị co cụm lại và căng cứng, nên người trải qua cơn giận thì rất đau khổ.

Ở nơi phong trào hòa bình, sự phẫn nộ, tức giận chính đáng thường được sử dụng để tiếp thêm sinh lực, thúc đẩy hành động. Các Phật tử cho rằng cần phải tránh loại phản xạ cám dỗ tạo ra sự chia rẽ này, vì đó là một sự bạo lực mà cuối cùng chỉ có thể gây ra sự oán giận và do đó bạo lực hơn. Đức Đạt-lai Lạt-ma viết: “Không thể dùng sự tức giận để chế ngự sự tức giận, và các vấn đề của thế giới không thể được giải quyết bằng sự tức giận hay thù hận. Chúng phải được giải quyết bằng lòng từ bi, tình yêu thương và lòng tốt chân thực”.

Lòng bi mẫn và nhân ái, kết quả của sự tu tập, là liều thuốc giải cho sân hận và hận thù. Thầy Thích Nhất Hạnh cho rằng: “Chúng ta gặp khó khăn trong việc áp dụng liều thuốc giải ngay khi cơn giận nổi lên, vì những ảnh hưởng xã hội sâu rộng của cơn giận cá nhân”. Và vị Tăng sĩ/nhà hoạt động người Sri Lanka, Tiến sĩ Rewata Dharma viết: “Việc trau dồi lòng từ bi phổ quát bằng mọi phương tiện có thể là điều cần thiết. Lòng từ bi đem lại kết quả thiết thực và bền vững trong việc làm giảm đau khổ”.

Trạng thái tâm tạo ra bạo lực thứ ba và cuối cùng là si, hay vô minh. Si khởi sinh và duy trì do tâm không được rèn luyện và tu tập, do người ta chưa trực tiếp trải nghiệm sự tương thuộc lẫn nhau, và nó cũng là kết quả của sự gây hại và tức giận, hoặc gốc rễ của sự căm ghét và bạo lực bên trong bản thân. Đó là trạng thái tâm mà hầu hết con người đều có: bối rối, bồn chồn và bất an.

Thông qua việc thực hành một trong những hình thức thiền khác nhau, sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của thực tại có thể dần dần thay thế vô minh. Với sự thực hành tận tâm, tâm trí sẽ được thanh lọc, khiến người ta trở nên ít bạo lực hơn; tổn hại nghiêm trọng được tránh, nhận thức và khả năng tự chủ được tăng lên và theo thời gian, trí tuệ phát triển.

Khi đệ tử Ajita hỏi Đức Phật, "Điều gì đang che phủ thế giới? Điều gì khiến thế giới khó nhìn thấy được? Điều gì làm cho thế giới nhiễm ô? Và nỗi sợ lớn nhất của thế giới là gì?". Đức Phật trả lời: “Chính vô minh che phủ thế giới này. Chính tham dục và không tỉnh thức khiến thế giới không được nhìn thấy [như nó là]. Sự tham cầu làm ô nhiễm thế giới, và nguồn gốc lớn nhất của nỗi sợ hãi là khổ đau”.

Ajita lại hỏi: “Những dòng nước tham dục đang chảy ở mọi nơi. Làm sao chúng ta có thể ngăn chặn chúng, và làm sao có thể đóng lại các dòng nước ấy?”. Đức Phật trả lời: “Con đập chánh niệm có thể ngăn mọi dòng nước. Và trí tuệ sẽ đóng hẳn các dòng nước”. (Tham khảo Tương ưng 5.1).

Đây là tinh thần bất bạo động tích cực của Phật giáo. Những hành vi bạo lực và bất bạo lực phát sinh tùy theo điều kiện của tâm thức và xã hội. Thanh lọc và gia cố tâm, rèn luyện ý thức, hành động từ sự hiểu biết, phát triển lòng từ bi, cũng như hiểu được bản chất tương thuộc lẫn nhau của mọi thứ trong thế giới, tất cả đều có thể góp phần vào sự bất bạo động bên trong chúng ta và ở nơi cộng đồng toàn cầu.

Đối với những Phật tử tham gia vào hoạt động bất bạo động tích cực, Phật giáo bắt đầu nhưng không kết thúc trên chiếc tọa cụ ngồi thiền. Quan điểm cho rằng Phật giáo thụ động là do không hiểu đúng về Phật giáo. Như học giả/nhà hoạt động Thái Lan Sulak Sivaraksa đã viết: “Nhiều người, đặc biệt là ở phương Tây, nghĩ rằng Phật giáo chỉ dành cho thiền định và chuyển hóa cá nhân, rằng nó không liên quan gì đến xã hội. Điều này không đúng. Đặc biệt ở Nam và Đông Nam Á, trong nhiều thế kỷ Phật giáo đã là một sức mạnh to lớn đối với xã hội”. Ở Tây Tạng cũng vậy, một xã hội có tính nguyên tắc cao đã hình thành từ nhiều thế kỷ tu tập theo Phật pháp.

Các nguyên tắc và thực hành Phật giáo có thể được áp dụng bình đẳng vào đời sống gia đình/cộng đồng và các phong trào quốc gia/quốc tế nhằm thay đổi xã hội. Sự thấy biết sáng suốt, kỷ luật và trí tuệ có được từ các khóa tu thiền đưa đến những lựa chọn hành vi và hành động khéo léo. Hoa sen, biểu tượng của Phật giáo, chỉ có thể phát triển khi được trồng sâu trong bùn. Kết quả của sự thức tỉnh, những chuyển hóa cá nhân mà chúng dần xảy ra sau nhiều năm thực hành, những điều này đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh, và giúp tạo nên tinh thần bất bạo động trong nền văn hóa và thể chế của chúng ta. Trong Phật giáo nhập thế, việc phục vụ lợi ích của người khác là kết quả của việc tu tập và đó cũng là đang tu tập. Người ta không đợi cho đến khi đạt được giác ngộ, hay phát triển đạo đức đầy đủ mới dấn thân vào con đường Phật giáo nhập thế. Thay vì vậy, người ta thấy được bản chất tương thuộc của việc thực hành trong thiền đường và việc phụng sự trên thế giới.

Thời đại hiện nay, như tất cả chúng ta đều biết, là một trong những cuộc khủng hoảng lớn và tương quan với nhau. Để đối phó với những thách thức này, chúng ta nên ứng dụng khéo léo những lời dạy của các truyền thống tâm linh trên thế giới, chẳng hạn như Phật giáo, vì chúng chứa đựng những chân lý chắt lọc qua nhiều thế kỷ trải nghiệm của con người. Những lời dạy của Đức Phật vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay cũng như 2.500 năm trước, vì chúng là tinh túy của những gì hành tinh này cần nhất: trí tuệ, tình yêu thương và lòng từ bi.

* Tiến sĩ Paula Green là giám đốc Trung tâm thay đổi xã hội Karuna (Karuna Center for Social Change), Leverett, Massachusetts. Bà cũng là thành viên của Mạng lưới Phật tử dấn thân quốc tế (International Network of Engaged Buddhists).

Nguồn: paulagreen.net

Chia sẻ: facebooktwittergoogle