Tu Giải Thoát: Bố Thí, Cúng Dường…

bo thi

Nguyên Giác

Bố thí và cúng dường là một trong những hạnh đầu tiên để làm cho cõi này tốt đẹp hơn, và là những bước đi đầu tiên của Phật tử trên đường giải thoát. Suốt cuộc đời Đức Phật, ngài đã sống bằng phẩm vật cúng dườngTương tự, sự phát triển của Phật giáo lan rộng khắp thế giới và được hộ trì cho tới giờ cũng là nhờ phẩm vật cúng dường của đàn na thí chủ. Do vậy, bài này được viết để mời nhau giữ hạnh bố thí và cúng dường.

Chữ “bố thí” thường được chúng ta hiểu theo nghĩa từ thiện, trao tặng để giúp người. Tuy hai chữ bố thí và cúng dường nguyên gốc là một nghĩa, trong tiếng Phạn là Dàna, nhưng chúng ta thường dùng chữ “cúng dường” cho ý nghĩa dâng lễ vật lên Tam Bảo. Trong Kinh AN 8.54, Đức Phật dạy rằng, hạnh bố thí và cúng dường là “một trong bốn pháp để đưa đến hạnh phúc tương lai, an lạc tương lai cho thiện nam tử: Thế nào là bốn? Đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ.” Gọi tắt là: Tín, Giới, Thí, Tuệ.

Trong tiếng Anh, hạnh Bố thí và cúng dường là “generosity, charity or giving of alms.” Trong các kinh văn phổ biến tại Việt Namchúng ta thường đọc thấy rằng Bồ tát hạnh là phải tu Lục độ Ba la mật, tức là Sáu hạnh Qua bờ bên kia, là: Bố thí Ba-la-mật, Trì giới Ba-la-mậtNhẫn nhục Ba-la-mật, Tinh tấn Ba-la-mật, Thiền định Ba-la-mậtTrí huệ Ba-la-mật. Thường gọi tắt là: Thí, Giới, Nhẫn, Tấn, Định, Huệ.

Trong Tạng Pali, thường ghi rộng hơn, là Mười pháp Ba La MậtBố Thí (Dàna), Trì Giới (Sìla), Xuất Gia (Nekkhamma), Trí Tuệ (Pannà), Tinh Tấn (Viriya), Nhẫn Nại (Khanti), Chân Thật (Sacca), Quyết Định (Adhìtthàna), Tâm Từ (Mettà), và Tâm Xả (Upekkhà).

Đối chiếu với năm giới của Phật tử, có giới “Đừng trộm cắp, đừng lấy những gì của người khác,” bạn sẽ thấy hạnh bố thí chính là phương diện chủ động của giới này. Nghĩa là, hãy hoan hỷ, hãy sẵn lòng chia sẻ những gì mình có với người khác. Trong nghĩa này, bố thí là lòng độ lượng, là tu hạnh dập tắt lòng tham. Trong các Kinh, Đức Phật thường nói rằng hãy bố thí cho khách đi đường, cho người bệnh, người đói, người nghèo và dâng cúng để hộ trì Tăng, Ni, và ngay cả các ẩn sĩ dị giáo có giới hạnhThái độ Phật tử trong khi bố thícúng dường là hãy giữ tâm cho hoan hỷcẩn trọng, tự tay mình chọn, và trao phẩm vật thích hợpThí dụ, gặp người bệnh, thì bố thí thuốc chữa bệnh, là thích nghi nhất. Tương tự với các hoàn cảnh khác nhau. Trong tận cùng của hạnh bố thí là chứng nhập pháp ấn vô ngã, trao tặng vì không thấy có gì là “ta hay cái của ta” nữa. Chặng đường tuy là xa, nhưng tu hoài là sẽ tới.

Trong Kinh Pháp Cú 223, và 224, Đức Phật dạy rằng hãy giữ tâm lìa sân, hãy tu thiện pháp, hãy giữ hạnh bố thí để lìa tham, hãy nói lời chơn thật, ngay cả khi bản thân đang sống thiếu thốn, cũng nên bố thí cho người cần giúp. Sống được như thế, kiếp sau sẽ sinh vào thiên giới. Hai bài kệ này, do Thầy Minh Châu dịch như sau.

223. "Lấy không giận thắng giận,

Lấy thiện thắng không thiện,

Lấy thí thắng xan tham,

Lấy chơn thắng hư ngụy."           

  

224. "Nói thật, không phẫn nộ,

Của ít, thí người xin,

Nhờ ba việc lành này,

Người đến gần thiên giới."

 

Trong tích truyện Pháp Cú, bài kệ 224 duyên khởi là Đức Phật trả lời một câu hỏi của Trưởng Lão Maha Moggallana. Truyện kể rằng, một lầnTrưởng lão Maha Moggallana (ngài Đại Mục Kiền Liên) viếng thăm cõi trời và thấy nhiều vị thiên sống trong những dinh thự sang trọng. Ngài hỏi rằng họ đã tái sinh vào cõi chư thiên nhờ việc tốt gì, và họ đã trả lời cho Trưởng lão bằng những câu trả lời khác nhau. Một vị tái sinh vào cõi chư thiên chỉ vì vị này luôn nói sự thật. Người thứ hai là một thiên nữ được tái sinh vào cõi chư thiên vì cô không giận chủ và không có ác ý với ông chủ, mặc dù ông chủ thường xuyên đánh đập và ngược đãi cô. Vì giữ tâm an bình và từ bỏ sân hận, cô đã tái sinh vào cõi chư thiên. Trong khi đó, có những vị khác được sinh vào cõi chư thiên vì họ đã cúng dường những phẩm vật nhỏ nhặt, như một khúc mía, trái cây hoặc một bó rau cho một vị tăng hay ni, hoặc cho một người nào khác.

Khi trở về từ cõi trờiTrưởng lão Maha Moggallana đã hỏi Đức Phật liệu có thể đạt được những lợi ích to lớn như vậy chỉ bằng cách nói sự thật, hay bằng cách lìa sân, hay bằng cách bố thí một lượng nhỏ những thứ lặt vặt như trái cây và rau quả. Đức Phật trả lời rằng: "Con trai của Ta, tại sao con hỏi? Con chưa tận mắt thấy và nghe những gì chư thiên nói sao? Con không nên nghi ngờ gì. Những việc phước nhỏ nhoi chắc chắn sẽ đưa người ta sinh vào thế giới của chư thiên."

Trong Kinh Đại Phước Đức (Mahamangala sutta) Sn 2.4 của Tiểu Bộ Kinh, khi nói về hạnh bố thí của Phật tử đã nói rằng người đại phước đức là người cúng dường cha mẹnuôi dưỡng vợ con, giúp thân nhânbố thí độ lượng cho người khác, mưu sinh bằng các nghề dẫn tới bình an cho thế giới này (engaged in peaceful occupation), giữ giới hạnh, hành động không sai trái gì (blameless in action).

Và tận cùng, Phật dạy trong Kinh Đại Phước Đức này, là phải thực chứng Niết Bàn. Nơi đây, xin dịch như sau, trích: “Kiên nhẫn và vâng lời, thân cận với các tu sĩ và thảo luận về Chánh pháp trong những dịp thích hợp – đây là phước lành lớn nhất. Tự phòng hộ, sống đời thánh thiện và trong sạchtu học Tứ Diệu Đế và thực chứng Niết Bàn – đây là phước lành lớn nhất.”

Đối với những người giàu có và dư thừa mà không chịu bố thí, tương lai đời họ sẽ là suy sụpbất hạnhĐức Phật nói trong Kinh Sn 1.6 (Parabhava Sutta) cũng trong nhóm Tiểu Bộ Kinh, nơi đây chúng ta trích dịch như sau: “Người có nhiều của cảivàng bạc và thực phẩm, nhưng chỉ hưởng thụ những xa hoa cho riêng mình - đây là nguyên nhân sẽ dẫn người này tới suy sụp. Người kiêu hãnh về dòng dõi, về sự giàu có hay về dòng tộc, và coi thường bà con của mình - đây là nguyên nhân sẽ dẫn người này tới suy sụp.

Ý thức được rằng cần phải tu hạnh bố thí và cúng dườngbản thân người viết đã nỗ lực trong hoàn cảnh riêng. Khoảng hai thập niên trước, khi dẫn đứa con nhỏ ra chợ, thường thấy có người ngồi ăn xin vài nơi ở phố Bolsa, thì đưa một đôla cho đứa con, dặn là trao tiền vào nón của người ăn xin, rồi hãy tự nói thẩm trong tâm, “Xin nguyện cho tất cả mọi người, sẽ không ai phải nghèo đói trong thế giới này, và rồi sẽ thành Phật.” Vào những ngày Chủ nhật, người viết cũng chở đứa con đi một vòng khoảng 10 chùa, bảo đứa con cầm 1 đôla tới bỏ vào thùng phước sương nơi sân chùa hay trước bàn thờ, rồi hãy tự nói lời nguyện trên. Bây giờ nhìn lại, lòng tôi lúc nào cũng vui khi nhớ rằng mình đã dạy con một cách đơn giản như thế.

Riêng bản thân, người viết cũng tự ý thức rằng mình không giàu, không thể cúng dường lớn lao, nên tự chọn con đường riêng, cũng nằm trong sở thích: Đó là pháp thí. Tức là đưa Chánh pháp tới cho càng nhiều người càng tốt. Đó cũng là lý dobản thân tôi đọc Kinh ngày đêm, trong mọi thời gian có thể đọc được, và rồi viết những gì có lợi cho độc giả có thể tu họccụ thể thực hành được, không nói chuyện trên mây. Kinh Pháp Cú cũng dạy rằng Pháp thí là đệ nhất.

354. "Pháp thí, thắng mọi thí!

Pháp vị, thắng mọi vị!

Pháp hỷ, thắng mọi hỷ!

Ái diệt, dứt mọi khổ!"

 

Cũng nên ghi nhận rằng, nơi Kinh Pháp CúĐức Phật dạy trong bài Kệ 356 rằng, bố thí cho người đã ly tham sẽ có vô lượng phước đức, dạy trong bài Kệ 357 rằng bố thí cho người đã ly sân cũng sẽ có vô lượng phước đức, và dạy trong bài Kệ 358 rằng bố thí cho người đã ly si cũng sẽ có vô lượng phước đứcTuy nhiênchúng ta là người không có đủ tuệ nhãn để thấy ai là bậc đã ly tham sân si, và cũng không chắc có đủ cơ duyên để gặp vị như thế trong kiếp này. Do vậy, khi cúng dường cho các chùa, quý Tăng, Ni, hãy giữ tâm tịnh tín nghĩ rằng đây là cúng dường Phậtcúng dường Pháp, cúng dường Tăng. Hay ít nhất, cũng nên nghĩ rằng, mình đang cúng dường một vị đang tu để ly dục, vì bài Kệ 359 nói rằng bố thí cho người ly dục sẽ được vô lượng phước đức.

 
 

Cũng nên ghi nhận rằng, tu học Bát Chánh Đạo là pháp bố thí tuyệt vời nhất, bởi vì ngay trong tu học, chính là bố thí Pháp cho cõi này. Ngay cả có cúng dường cho một trăm vị A La Háncúng dường cho một vị Phật, cúng dường ngôi tịnh xá cho Tăng chúng, cũng không bằng trong một khoảnh khắc tu tập tâm từ, trong một khoảnh khắc tu quán vô thường.

Đức Phật dạy trong Kinh AN 9.20, bản dịch của Thầy Minh Châu, rằng: “Này Gia chủ, dầu cho Bà-la-môn Velàma bố thí có rộng lớn, có ai bố thí một vị đầy đủ chánh kiến.. và có ai bố thí cho 100 vị đầy đủ chánh kiến.. và có ai bố thí một vị Bất lai… và có ai bố thí trăm vị Bất lai, và có ai bố thí một vị A-la-hán… và có ai bố thí trăm vị A-la-hán… và có ai bố thí một vị Độc giác Phật, và có ai bố thí trăm vị Độc giác Phật, và có ai bố thí Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác… và có ai bố thí chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu, và có ai cho xây dựng một tinh xá cho chúng Tăng trong bốn phương… và có ai với tâm tịnh tín qui y Phật, Pháp và chúng Tăng… và có ai tâm tịnh tín chấp nhận học pháp, từ bỏ sát sanh… từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu… và có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc vắt sữa bò, tu tập từ tâm, và có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc búng ngón tay, tu tập tưởng vô thườngbố thí này quả lớn hơn bố thí kia.” (1)

Đặc biệt, nên giữ tâm bình đẳng trong khi bố thí. Hãy nhìn tất cả mọi người là một vị Phật trang nghiêm trong cõi riêng của họ. Hãy nhìn tất cả mọi người nơi thực tướng của sắc thọ tưởng hành thức đều là bình đẳng trong rỗng rang vô tướng. Kinh Tăng Nhất A Hàm gọi bố thí như thế là huệ thí, tức là, bố thí với đôi mắt của trí huệ. Nghĩa là, nhìn thấy các pháp bình đẳng. Nhiều thập niên trước, tôi được bổn sư là Hòa Thượng Tịch Chiếu dạy rằng con chỉ cần giữ một giới duy nhất thôi, đó là bình đẳng.

Kinh EA 48.5, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ và Đức Thắng dịch lời Đức Phật dạy: “Lành thaylành thayTrưởng giả, ông có thệ nguyện rộng lớn như vậy! Bồ tát bố thí với tâm luôn luôn bình đẳngTrưởng giả nên biết, khi Bồ tát huệ thí, chư thiên đến bảo rằng,’Thiện nam tử, nên biết, đây là người trì giới. Đây là người phạm giới, thí đây, được phước nhiều, thí đây được phước ít.’ Bồ tát bấy giờ không hề có tâm như vậy, răng ‘Nên thí đây. Không nên thí đây.’ Nhưng Bồ tát giữ tâm ý không có thị phi. Không nói, đây trì giới. Cũng không nói, đây phạm giới. Cho nên, này Trưởng giả, hãy với tâm niệm bình đẳng mà huệ thí, trong lâu dài được phước vô lượng.” (2)

Do vậy, đừng nghĩ rằng mình đang bố thí ít quá, cần bố thí nhiều hơn. Mà hãy luôn luôn nghĩ rằng, mình đang bố thí để trang nghiêm tâm. Đức Phật dạy trong Kinh AN 7.52 rằng người nào hễ bố thí với tâm không mong cầu, mà chỉ để trang nghiêm tâm, thì sẽ lên cõi Phạm thiên và rồi chứng quá Bất Lai (A Na Hàm), không trở về cõi Ta Bà gian nan này nữa.

Đức Phật dạy trong Kinh AN 7.52, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích: “—Này Sàriputta, ở đây, ai bố thí không với tâm cầu mong, bố thí không với tâm trói buộcbố thí không với mong cầu được chất chứabố thí không với ý nghĩ: “Ta sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau”, bố thí không với ý nghĩ: “Lành thay, sự bố thí”, bố thí không với ý nghĩ: “Cái này đã được cho trong đời quá khứ, đã được tổ tiên làm trong quá khứ, ta không nên để truyền thống gia đình này bị bỏ quên”, bố thí không với ý nghĩ: “Ta nấu ăn, các người này không nấu ăn. Ta không xứng đáng là người nấu ăn, lại không bố thí cho người không nấu ăn”, bố thí không với ý nghĩ: “Như các vị ẩn sĩ thời xưa có những tế đàn lớn như Atthaka, Vàmaka, Vàmadeva, Vessàmitta, Yamataggi, Angìrasa, Bhàradvàja, Vàsettha, Kassapa, Bhagu; cũng vậy, ta sẽ là người san sẻ các vật bố thí này”, bố thí không với ý nghĩ: “Do ta bố thí vật bố thí này, tâm được tịnh tínhỷ duyệt khởi lên”. Nhưng vị ấy bố thí với ý nghĩ để trang nghiêm tâm, để trang bị tâm. Do vị ấy bố thí như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Phạm chúng thiên. Và khi vị ấy, nghiệp được đoạn tận, thần lực ấy, danh tiếng ấy, uy quyền ấy được đoạn tận, vị ấy trở thành vị Bất lai, không trở lui trạng thái này.” (3)

Do vậy, cúng dường cũng là tu giải thoát, chứ không thuần túy là hỗ trợ chùa chiền, Tăng NiBố thí với tâm thanh tịnh là sẽ sinh lên cõi thiên, rồi nơi đó sẽ chứng quả Bất LaiTâm không mong đợi gì hết, mà lại được quả lớn vô cùng.

Trong Kinh Kim CangĐức Phật giải thích rằng bố thí như thế là bố thí mà không trụ vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Bản dịch của Thầy Thanh Từ viết: “Lại nữa Tu-bồ-đề, Bồ-tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí, gọi là chẳng trụ nơi sắc để bố thí, chẳng trụ thanh hương vị xúc pháp để bố thí. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì cớ sao? Nếu Bồ-tát bố thí chẳng trụ tướng thì phước đức không thể nghĩ lường.”

Đọc kỹ Kinh Kim Cangchúng ta sẽ hiểu vì sao Đức Phật kể trong Bản sanh truyện, có tiền kiếp Đức Phật (khi là Hoàng tử Sattva) đã bố thí thân xác của ngài để cho một con cọp mẹ ăn thịt, vì ngài thấy cọp mẹ đói và vì cọp mẹ có thể ăn thịt các cọp con cho đỡ đói. Đó là thời cọp nói tiếng người (hiển nhiên là ẩn dụ), chỉ ra rằng Bổ Tát phải thấy tất cả các pháp đều là không. Không có nghĩa là bây giờ chúng ta thấy cọp đói thì hãy bố thí thân xác. Vậy rồi làm sao hộ trì Chánh pháp. Hãy nhìn tới mặt trăng, đừng chấp vào ngón tay.

Tương tự, chỉ qua Kinh Kim Cangchúng ta mới hiểu vì sao trong tiền thân của Đức Phật Thích ca là  Vua Vessantara đã bố thí vợ con. Tích này cũng ghi lại trong Kinh Na Tiên Tỳ Kheo, bản dịch của ngài Bhikkhu Indacanda là Kinh Milinda Vấn Đạo. Nơi đây, chúng ta trích đoạn nơi Phẩm Vessantara, bản Việt dịch Indacanda:

Thưa ngài Nāgasena, có phải hết thảy tất cả các đức Bồ Tát đều bố thí con và vợ, hay là chỉ riêng đức vua Vessantara đã bố thí con và vợ?”

“Tâu đại vương, tất cả các đức Bồ Tát cũng đều bố thí con và vợ, không phải chỉ riêng đức vua Vessantara đã bố thí con và vợ.”

“Thưa ngài, phải chăng các vị ấy bố thí với sự đồng ý của những người ấy?”

“Tâu đại vương, người vợ thì đồng ýTrái lại, hai đứa bé đã than vãn do bản chất trẻ thơ. Nếu chúng có thể biết được mục đích, chúng cũng có thể tùy hỷ, chúng có thể không than vãn.”

“Thưa ngài Nāgasena, hành động khó làm đã được làm bởi đức Bồ Tát là việc vị ấy đã bố thí những đứa con ruột thịt yêu quý của chính mình để làm nô lệ cho người Bà-la-môn. Việc thứ nhì này còn là hành động khó làm hơn hành động khó làm, là việc vị ấy đã dửng dưng sau khi nhìn thấy người Bà-la-môn ấy trói lại những đứa con ruột thịt yêu quý dại khờ thơ ấu của chính mình bằng dây rừng và đang đánh đập bằng dây rừng. Việc thứ ba này còn là hành động khó làm hơn hành động khó làm, là việc đứa bé trai, sau khi đã được thoát khỏi sự trói buộc nhờ vào sức mạnh bản thân, đã đi đến, bị lâm vào sự hoảng sợ, thì vị ấy đã trói bằng dây rừng rồi lại bố thí lần nữa.” (4)

Theo Kinh Kim Cangchúng ta sẽ hiểu rằng bố thí vợ chỉ có nghĩa là dứt bỏ tất cả những gì sắc thanh hương vị xúc pháp của quá khứ và hiện tại, và bố thí các con chỉ có nghĩa là chặt đứt tất cả các duyên của những gì sắc thanh hương vị xúc pháp của tương lai. Chỉ nên hiểu bố thí như thế. Bởi vì trao tặng vợ con mình cho người khác là thiếu từ bi với vợ con (Tâm Từ nằm trong 10 hạnh ba la mật) và là phạm giới đầu tiên (nếu chưa phải là đẩy vợ con vào chỗ chết, thì cũng là đang gây tổn thương đau đớn và oán hận, sẽ là duyên cho tương lai bất hạnh).

Do vậy, bố thí trong tận cùng là để giải thoát. Hãy bố thí mà không để mong cầu gì hết, mà chỉ là để trang nghiêm tâm, thì sẽ sinh lên các cõi thiên rồi chứng quả Bất Lai. Và hãy bố thí tận cùng là theo lời dạy của Kinh Kim Cangtâm không trụ vào bất kỳ những gì trong ba thời của sắc thanh hương vị xúc pháp. Ngay khi đó, ngay trong cõi này, là giải thoát.

GHI CHÚ:

(1) Kinh AN 9.20: https://suttacentral.net/an9.20/vi/minh_chau

(2) Kinh EA 48.5:  https://suttacentral.net/ea48.5/vi/tue_sy-thang

(3) Kinh AN 7.52: https://suttacentral.net/an7.52/vi/minh_chau

(4) Kinh Milinda Vấn Đạo: https://suttacentral.net/mil6.3.1/vi/indacanda

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle