Những món quà ngài để lại: Di sản giáo pháp của Ajaan Dune Atulo

nhung mon qua

Những món quà ngài để lại: Di sản giáo pháp của Ajaan Dune Atulo

 

Phra Bodhinandamuni ghi lại

Thanissaro Bhikkhu dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh

Nguyên Giác dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt[1]

 

Ajaan Dune Atulo (1888-1983) sinh ngày 4-10-1888 tại làng Praasaat, huyện Muang, tỉnh Surin. Năm 22 tuổi, ngài xuất gia ở tỉnh lỵ. Sáu năm sau, thất vọng với nếp sống của một Tăng sĩ thất học, ngài rời đi để học ở Ubon Ratchathani, nơi ngài kết bạn với Ajaan Singh Khantiyagamo và tái xuất gia vào tông phái Dharmayut. Không lâu sau đó, ngài và Ajaan Singh gặp Ajaan Mun, người vừa trở về vùng Đông Bắc Thái Lan sau nhiều năm lang thang. Ấn tượng với những lời dạy và pháp thực hành của Ajaan Mun, cả hai tu sĩ đều từ bỏ việc học và bắt đầu cuộc sống thiền định lang thang dưới sự hướng dẫn của ngài Ajaan Mun. Vì vậy họ là hai đệ tử đầu tiên của Ajaan Mun. Sau khi lang thang 19 năm qua rừng núi Thái Lan và Campuchia, ngài đảm nhận chức vụ trụ trì của Wat Burapha, ở giữa thị trấn từ năm 1934. Ngài ở đó cho đến khi qua đời vào năm 1983. Và sau đây là những lời dạy của ngài, với cách xưng hô tôn kính là Luang Pu.

* * *

1. CHÀO MỪNG CHÁNH PHÁP

Vào ngày 18-12-1979, nhà vua và hoàng hậu đã tới thăm riêng Luang Pu. Sau khi hỏi thăm về sức khỏe và sự an lạc của ngài, và tham dự vào một cuộc Pháp đàm, nhà vua nêu ra một câu hỏi: “Trong việc từ bỏ các phiền não, các phiền não nào nên được từ bỏ trước?”.

Luang Pu trả lời, “Tất cả các phiền não cùng khởi lên trong tâm. Hãy tập trung ngay vào tâm. Phiền não nào khởi dậy trước, đó là cái phải buông bỏ trước tiên”.

2. KHÔNG ĐỐI KHÁNG

Cứ mỗi lần, sau khi quốc vương đến thăm Luang Pu và đã hoàn tất xong mục đích của chuyến viếng thăm, khi rời đi, nhà vua nói để chúc lành: “Chúng con thỉnh cầu ngài hãy duy trì thân ngũ uẩn của mình để sống hơn một trăm năm, để cho công chúng một đối tượng để tôn kính. Ngài có thể ưng thuận yêu cầu của chúng con không?”. Mặc dù đây chỉ đơn giản là một hình thức lịch sự và là cách nhà vua ban phước lành cho Luang Pu, nhưng Luang Pu không dám chấp nhận, vì ngài không thể chống lại bản chất của các pháp giả hợp. Vì thế ngài trả lời, “Tôi sợ rằng tôi không thể chấp nhận [lời thỉnh cầu] được. Tất cả đều phải tùy thuộc vào các pháp giả hợp đi theo trật tự riêng của chúng”.

3. VỀ TỨ THÁNH ĐẾ

Một nhà sư cao cấp của truyền thống thiền định đã đến đảnh lễ ngài Luang Pu vào ngày đầu tiên của mùa An cư năm 1956. Sau khi ban cho ông chỉ dẫn và một số lời dạy về các vấn đề sâu xa, Luang Pu đã tóm tắt bốn chân lý cao quý như sau:

“Tâm hướng ngoại là cội nguồn của khổ đau.

Kết quả của tâm hướng ngoại là đau khổ.

Tâm nhìn thấy tâm chính là con đường đạo.

Kết quả của tâm nhìn thấy tâm là đoạn tận khổ đau”.

4. Ở TRÊN & VƯỢT QUA LỜI NÓI

Một cư sĩ học giả nói chuyện với ngài Luang Pu rằng: “Con tin chắc rằng trong thời đại ngày nay của chúng ta không chỉ có một vài tu sĩ đã thực hành đến mức đạt được đạo, quả và Niết-bàn. Tại sao quý thầy không công khai những gì quý thầy biết, để những người quan tâm đến tu học sẽ biết được mức độ Pháp mà quý Thầy đã đạt được, như một cách khích lệ và hy vọng để mọi người sẽ tăng tốc tu đến mức tối đa khả năng?".

Luang Pu trả lời, "Những người đã thức tỉnh không nói về những gì họ đã thức tỉnh, bởi vì nó vượt trên và vượt qua mọi ngôn từ".

6. THỰC NHƯNG KHÔNG THỰC

Điều bình thường là khi những người tu thiền định bắt đầu có kết quả, họ có thể nghi ngờ về những gì họ đã kinh nghiệm - thí dụ, như khi họ nhìn thấy những hình ảnh trái ngược nhau, hoặc bắt đầu nhìn thấy các bộ phận của cơ thể mình. Nhiều người đến Luang Pu, nhờ ngài trả lời những nghi ngờ của họ hoặc cho lời khuyên về cách tiếp tục thực hành. Và rất nhiều người sẽ nói rằng khi thiền định, họ nhìn thấy địa ngục, cõi trời hay các lâu đài cõi trời, hoặc hình ảnh Đức Phật trong cơ thể của họ. Họ sẽ hỏi, “Những gì con nhìn thấy có phải là thật không?”.

Ngài Luang Pu sẽ trả lời, “Hình ảnh bạn nhìn thấy là có thật, nhưng cái bạn thấy trong hình ảnh đó thì không thật”.

7. BUÔNG BỎ NHỮNG CÁI ĐƯỢC THẤY

Sau đó, người hỏi có thể hỏi, “Ngài nói rằng tất cả những hình ảnh này đều ở bên ngoài, và con không thể có lợi ích nào với chúng; và nếu con cứ mãi kẹt trong các hình ảnh đó thì con sẽ không tiến bộ gì thêm. Có phải vì con ở quá lâu với những hình ảnh này đến nỗi con không thể tránh khỏi chúng? Mỗi lần con ngồi thiền, ngay khi tâm tập trung lại, nó lại trở lại như thế. Xin ngài cho con lời khuyên để buông bỏ hiệu quả các hình ảnh đó.

Luang Pu trả lời, "Ồ, một vài hình ảnh trong số này có thể là vui và lôi cuốn, con biết đấy, nhưng nếu con cứ ở với chúng thì chỉ là phí thời gian. Một phương pháp thực sự đơn giản để buông bỏ chúng là đừng nhìn vào những gì con thấy, nhưng là nhìn vào cái đang chủ động thấy. Lúc đó, những hình ảnh con không muốn thấy sẽ tự biến mất”.

8. NGOẠI TRẦN

Vào ngày 10-12-1981, Luang Pu dự lễ kỷ niệm hàng năm tại chùa Wat Dharmamongkon trên đường Sukhumvit ở Bangkok. Nhiều phụ nữ đã thọ giới tạm, xuất gia ngắn hạn từ một trường sư phạm gần đó đến để thảo luận về kết quả thực hành Vipassana của họ, nói với ngài rằng khi tâm họ bình lặng thì sẽ nhìn thấy một hình ảnh Đức Phật trong tâm. Vài người trong đó nói rằng họ nhìn thấy cõi trời đang chờ đợi họ trên cõi trời. Một vài người nhìn thấy bảo tháp Culamani [một tháp xá-lợi của Đức Phật được lưu giữ trên cõi trời]. Tất cả họ đều có vẻ rất tự hào về thành công của họ trong việc thực hành Vipassana của họ.

Luang Pu nói, "Tất cả những thứ xuất hiện để quý vị nhìn thấy vẫn còn là thứ ở ngoài. Quý vị không thể lấy đó như một nơi nương tựa thực được".

9. HÃY NGỪNG SUY NGHĨ ĐỂ BIẾT

Vào tháng 3-1964, nhiều nhà sư học giả và thiền định - nhóm đầu tiên của "Những người truyền bá Chánh pháp" - tới thăm để tỏ lòng tôn kính Luang Pu và xin những lời dạy và lời khuyên mà họ có thể sử dụng trong công việc truyền bá Phật pháp. Luang Pu đã dạy họ giáo pháp ở bậc tối thượng, để họ vừa dạy người khác và vừa tự thực hành nhằm đạt đến bậc chân lý đó. Khi kết luận, ngài ban cho họ lời dạy trí tuệ để họ nhận về và suy ngẫm:

“Bất kể bạn suy nghĩ nhiều tới cỡ nào, bạn cũng sẽ không biết.

Chỉ khi bạn ngừng suy nghĩ, bạn mới biết.

Dù vậy, bạn vẫn phải dựa vào suy nghĩ để biết".

10. THĂNG TIẾN HOẶC HỦY DIỆT

Vào dịp đó, Luang Pu đã đưa ra lời khuyên cho các nhà sư truyền bá giáo pháp, có lúc nói rằng: “Khi quý vị đi ra ngoài để truyền bá, tuyên thuyết lời dạy của Đức Phật, điều đó có thể dẫn đến sự phát triển của Phật giáo hoặc tới sự hủy diệt của chính tôn giáo này. Tôi nói điều này là vì nhân sự trong đoàn truyền giáo là yếu tố quyết định. Nếu khi quý vị đi, quý vị cư xử thích nghi, giữ trong tâm sự kiện rằng quý vị là người có thiền định, với phong thái ứng xử phù hợp với những gì chính đáng của một tu sĩ có thiền định, thì người dân gặp quý vị nếu chưa có đức tin tất sẽ sinh khởi lòng tin. Đối với người dân đã có đức tin, cách sống của quý vị sẽ làm tăng thêm đức tin của họ. Nhưng đối với những người truyền giáo hành xử trái chiều, nó sẽ phá hủy lòng tin của những người có lòng tin và sẽ đẩy những người chưa có lòng tin ra xa hơn nữa. Vì vậy, tôi yêu cầu quý vị phải hoàn thiện cả về kiến ​​thức và hành vi. Đừng lơ là hay tự mãn. Bất cứ quý vị dạy người khác điều gì, chính quý vị cũng nên là gương mẫu cho họ".

 

 


 

[1] Nguyên Giác ghi chú: Đối với những người từng học Thiền tông Việt Nam, khi đọc bản Anh văn về các lời dạy của nhà sư Thái Lan Ajaan Dune Atulo - còn được gọi tôn kính là Luang Pu, tức Trưởng lão Hòa thượng hay Sư ông, trong tương đương tiếng Việt - sẽ giật mình vì thấy rất là quen thuộc. Đây là văn phong của Huệ Năng, của Tuệ Trung Thượng sỹ được viết trong phiên bản Thái Lan. Thí dụ, lời dạy về vô niệm của ngài Luang Pu, "Bất kể ngươi suy nghĩ nhiều như thế nào, ngươi sẽ không biết. Chỉ khi ngươi ngưng suy nghĩ, ngươi mới biết. Nhưng dù vậy, ngươi phải nương dựa vào suy nghĩ để biết". Hay là lời ngài dạy ngắn gọn, “Người ta bây giờ đau khổ bởi vì niệm”. [People these days suffer because of thoughts.] Hay về tánh Không: Luang Pu nói rằng khi đọc hết kinh điển (tạng Nam truyền), ngài suy nghĩ tìm chỗ tối hậu, điểm tận cùng chân lý Đức Phật dạy, đó là lời của Xá-lợi-phất rằng "An trú của tâm tôi là tánh Không". [My mind's dwelling place is emptiness]. Độc giả có thể đọc bản tiếng Anh ở đây: https://www.accesstoinsight.org/lib/thai/dune/giftsheleft.html

Chia sẻ: facebooktwittergoogle