Những chướng ngại cần vượt qua trên đường tu

nhung chuong ngai

Những chướng ngại cần vượt qua trên đường tu

HT.Thích Giác Toàn

 

Trong kinh Tăng chi bộ, tập 3, phẩm Mát lạnh, phần Chướng ngại, Đức Phật có dạy về việc thành tựu sáu pháp: “Này các Tỳ-kheo: Dẫu có nghe diệu pháp, không có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp. Thế nào là sáu? Thành tựu nghiệp chướng, thành tựu phiền não chướng, thành tựu dị thục chướng, không có lòng tin, không có ước muốn, và ác tuệ”.

Nếu sáu điều này mà hiện hữu nơi chúng ta thì quả thật là không có cách gì tu tiến được. Con người sống trong đời thì ai cũng muốn được tốt đẹp. Quý Phật tử muốn được những thứ tốt đẹp nên mới đi chùa, nghe pháp, tu tập. Chư Tăng, Ni cũng vì muốn tốt nên mới xuất gia tu hành. Tuy nhiên, không phải ai muốn cũng đều được thỏa mãn ước muốn của mình. Thực tế có rất nhiều thứ ngăn trở, nhiều chướng duyên, nhiều trở ngại nảy sinh trong quá trình tiến tu của mình, chúng ngăn trở chúng ta, không cho chúng ta thực hiện những ước nguyện, những dự định của mình. Ví dụ: cũng tu học như nhau, có nhiều người khi đi chùa, nghe pháp, niệm Phật, tu thiền họ cảm thấy an vui, họ cảm nhận những điều hay, những giá trị từ các pháp tu; nhưng cũng có người đi chùa, tụng kinh, nghe pháp, hành thiền mà không cảm thấy an vui, chỉ toàn là những phiền não, toàn gặp chuyện buồn. Như thế thì làm sao mà tu nổi? Đức Phật đã dạy rất rõ, nếu người nào đã “thành tựu nghiệp chướng, thành tựu phiền não chướng, thành tựu dị thục chướng, không có lòng tin, không có ước muốn, và ác tuệ” thì đương nhiên khó tu, vì những thứ này chúng ngăn trở việc tu tập của chúng ta.

Thế nào là thành tựu nghiệp chướng?

Ở bài kinh này, cách dùng từ của Đức Phật khá đặc biệt, “thành tựu” mà lại bị “trở ngại”. Thành tựu ở đây không phải là đạt được những thứ tốt lành, mà là “thành tựu” những thứ tiêu cực, xấu ác, cụ thể là nghiệp chướng, phiền não chướng, dị thục chướng. Đấy là những thứ chướng ngại, chúng ta “thành tựu” chúng có nghĩa là chúng ta tích lũy những nghiệp chướng ngày càng sâu dày. Khi nghiệp chướng đã sâu dày thì khó tu sửa thân, miệng, ý của mình. Gặp chuyện gì không vừa ý là liền nổi giận, đập bàn, đập ghế, nói năng cộc cằn, thô lỗ, muốn hãm hại người khác… như thế là ta đang “thành tựu” nghiệp chướng. Chính vì thế mà nghiệp chướng của chúng ta ngày thêm sâu nặng, ngăn trở đường tu của mình.

Chúng ta là người tu, là đệ tử của Phật thì cố gắng giữ tâm ý nhẹ nhàng, thanh thoát. Như khi Đức Phật thấy chàng Vô Não vác dao dự tính giết hại mẹ, Ngài đã dùng phương tiện để tiếp cận anh ta một cách nhẹ nhàng, từ tốn, dùng tâm từ bi để nhiếp hóa thì mới cảm hóa được anh ta. Cho nên, phải dùng từ bi, hỷ xả mới cảm hóa được người khác. Nếu chúng ta thấy người khác làm quấy rồi sinh tâm ghét bỏ, thấy chúng sinh quấy ác rồi cho rằng người này bất độ, bất trị, cho nên không độ nữa. Như thế là chúng ta đang thành tựu nghiệp chướng của mình vậy. Nếu chúng ta biết nghĩ lại, nhớ lại lời Đức Phật đã dạy, rằng “Chúng sinh phước mỏng nghiệp dày”. Chúng ta là những người đã biết tu rồi mà cũng còn phước mỏng nghiệp dày, huống gì những người không biết tu, làm sao họ có thể thấy được, biết được những điều chân thiện mỹ ở đời để không làm xấu, làm quấy, làm ác. Họ bị màn vô minh che lấp, cho nên đã xấu, quấy, ác rồi lại còn tự cao, tự đại, tự phụ. Đến nỗi họ còn khởi tâm coi thường, không tin tưởng tội phước, nhân quả, không tin Phật, Thánh, Tiên, Hiền gì cả. Nếu chúng ta nghĩ được như thế thì sẽ thấy họ đáng thương hơn là đáng ghét.

Ngay với con cái trong nhà cũng vậy, có những người con thì rất hiền, ngoan, hiếu thuận, đấy là phước duyên của cha mẹ. Nhưng cũng có những người con, lúc vui thì có hiếu với cha mẹ; còn lúc buồn khổ, bực tức thì không còn nghĩ gì đến cha mẹ nữa. Và cũng có những người con tối ngày quậy phá, quậy hết chuyện này đến chuyện kia, cứ suốt ngày kiếm chuyện, gây gổ, làm cho cha mẹ khổ theo. Với những người con suốt ngày quậy phá như thế, nếu chúng ta làm cha, làm mẹ mà cứ chửi bới, la mắng, xua đuổi chúng hoài thì làm sao cảm hóa được các con. Chúng ta hãy nhớ rằng, mình là đệ tử Phật thì phải có tâm ý tốt. Nếu chúng ta chỉ luôn thấy cái xấu, quấy, ác của con, rồi ghét bỏ và xua đuổi con thì làm sao chúng ta khuyên dạy được con mình. Với những người bên ngoài xã hội cũng vậy, nếu chúng ta chỉ thấy những điều xấu, quấy, ác của họ thì rất khó để sinh lòng thương yêu và cảm hóa được họ. Xấu, quấy, ác vốn là nghiệp chướng của chúng sinh từ nhiều đời. Nếu chúng ta thành tựu những thứ ấy thì chúng ta cũng tích chứa nghiệp chướng thêm sâu dày.

Trong đời, có một số người rất tội nghiệp! Họ sinh con ra rồi suốt ngày đánh đập, chửi bới con. Có khi còn đánh con gãy tay, gãy chân. Thậm chí, còn có người vô tình hoặc cố ý giết chết con. Những người đó đang thành tựu nghiệp chướng! Do vậy, chúng ta phải chọn nẻo thiện mà đi, chọn điều phải, điều tốt mà làm, còn cái xấu, cái quấy, cái ác thì phải từ bỏ. Chúng ta đã sợ cái nghiệp nhiều đời nhiều kiếp, thì khi học đạo, biết tu, chúng ta cần phải biết ăn năn, hối cải, sám hối nghiệp chướng đã gây tạo trong quá khứ, rồi dần dần từ bỏ nó, và tu tập để cho kiếp sống hiện tại và tương lai được tốt đẹp hơn.

Thế nào là thành tựu phiền não chướng?

Tất cả chúng ta, vì còn nặng nghiệp trong đời nên mới sanh ra trong thế gian này. Ông bà, cha mẹ chúng ta sống vào thế kỷ XIX và thế kỷ XX, họ đã trải qua nhiều khốn khó của sự kém phát triển xã hội, và còn gánh chịu những khổ đau, mất mát của các trận chiến tranh khốc liệt. Còn chúng ta bây giờ thì được hưởng thái bình. Dù sống trong thời bình nhưng chúng ta cũng vẫn có những thứ được và những thứ chưa được. Cho nên, Đức Phật dạy: “Tất cả chỉ là giả tạm, thời gian như gió thổi qua, như bóng câu qua cửa sổ”. Chúng ta là đệ tử Phật, phải tự soi sáng, phải hiểu bản chất của vấn đề và đừng chấp nhất. Nhưng phải biết cái thiện, cái ác, cái được, cái mất, cái có, cái không, cái tốt, cái xấu trong mọi lúc, mọi nơi, phải luôn tỉnh táo. Quá khứ thì đã qua rồi, chỉ còn hiện tại và tương lai. Nếu chúng ta không tỉnh giác, cứ lo chấp nhất mà không nuôi dưỡng tâm thiện của mình để vươn lên, nhiều khi còn nuôi lớn tâm cố chấp, khổ sở, như thế là chúng ta lại vô tình gieo thêm những hạt giống xấu. Dù chúng ta đã có học Phật, đã biết tu tập, nhưng nếu không cẩn thận thì không khéo chúng ta lại tiếp tục gieo các hạt giống xấu, chuyện gì cũng sinh vui, buồn, giận, ghét. Như thế là chúng ta đang thành tựu phiền não chướng. Cho nên, mỗi người nên tự ý thức về đời sống của mình, rồi tự kiểm điểm việc tu tập của mình, cố gắng gieo hạt giống tốt, không gieo các hạt giống xấu nữa. Khi chúng ta trồng hoa, chúng ta cũng muốn gieo những hạt giống tốt đẹp, cho nên phải hỏi mua hạt giống tốt mà gieo, sợ mua nhầm hạt giống xấu. Với tâm thức của con người cũng vậy, phải chọn những hạt giống tốt mà gieo trồng.

Thế nào là thành tựu dị thục chướng?

Dị thục chướng có thể hiện hữu cả trong những điều quấy và điều phải. Mà điều phải ở đây là những thứ thuận theo nếp quen của con người. Với những điều xấu, điều quấy, chúng vốn thuộc về bản năng của con người. Chúng ta vốn đã quen với chúng, do vậy chúng trở thành dị thục rồi, nghĩa là chúng nhuần nhuyễn cho đến mức mà khi chúng ta ngủ cũng thấy, thức cũng thấy, chiêm bao cũng thấy, mà giật mình cũng thấy. Cho nên, có nhiều người ngủ mà cứ mớ hoài, bởi vì nghiệp của con người nằm ở trong hành động, trong lời nói, trong tâm niệm. Nhất là những người có thói quen biết chuyện gì nhẹ nhàng, dễ thực hiện thì lại coi thường, hoặc là thân, khẩu, ý quen với cái xấu, quấy rồi, nên người ta xem điều đó là bình thường. Chính vì nghiệp xấu, quấy của thân, miệng, ý làm trở ngại đường tu của chúng ta, nên chúng ta muốn tiến mà tiến không nổi. Lại có người chuyện gì cũng nghĩ là mình đã biết hết rồi, nên sinh lòng cao ngạo, hoặc là những cái xấu, cái quấy diễn ra quen rồi, thuần thục rồi nên nhất định không chịu sửa đổi. Sự chướng ngại ấy thuần thục cả trong cái thuận lẫn cái nghịch. Có nhiều người nghĩ, ta có phước lắm rồi, thế là sinh lòng tự cao tự đại, hoặc cái xấu, cái quấy đã thuần thục, nên chấp nhất, không buông. Những thứ đó đều gọi là dị thục chướng.

Không có lòng tin, không ước muốn và ác tuệ gây chướng ngại

Những người không có lòng tin vào Tam bảo, không có lòng tin vào Chánh pháp thì đương nhiên là khó tu, gặp nhiều chướng ngại. Lại có những người không còn tin tưởng và không có ước muốn gì cả, tu mà không có sự tiến bộ, học mà không muốn lên lớp. Những người như thế cũng rất khó tu. Và có những người thông minh, nhưng mà thông minh trong sự bất thiện, ác độc. Thực tế ở đời có nhiều người lanh lắm, nhưng mà lanh trong cái xấu, cái quấy. Sự thông minh, lanh lợi ấy được gọi là ác tuệ. Chính những thứ đó ngăn trở, tạo ra những chướng ngại trên đường tu. Đấy là những chướng ngại căn bản mà chúng ta cần phải vượt qua.

Trích, Pháp Phật trong cuộc sống, tập 2, NXB.Tổng Hợp TP.HCM, 2024.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle