Hình ảnh con người giác ngộ giải thoát trong tác phẩm Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông

hinhanh

HÌNH ẢNH CON NGƯỜI GIÁC NGỘ GIẢI THOÁT

TRONG TÁC PHẨM KHÓA HƯ LỤC CỦA TRẦN THÁI TÔNG

 

1.    Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

1.1. Cuộc đời sự nghiệp của Trần Thái Tông

Trần Thái Tông “Họ Trần, tên húy là Cảnh, trước tên húy là Bồ, làm Chi hậu chính triều Lý, được nhường ngôi, ở ngôi 33 năm (1225-1258), nhường ngôi 19 năm, thọ 60 tuổi (1218-1277), băng ở cung Vạn Thọ, táng ở Chiêu Lăng.”[1] Ngài hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, là con thứ của Trần Thừa, mẹ là Lê Thị; khi mới 8 tuổi, ngài làm Chi hậu chính chi ứng cục triều Lý. Vì có chú họ là Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ nên vua được hầu trong cung, rồi tìm cách cho lấy Lý Chiêu Hoàng. Trần Thái Tông khi tám tuổi được Chiêu Hoàng nhường ngôi, “Năm Ất Dậu (1225), mùa Đông, tháng 12, ngày 12 Mậu Dần, lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Kiến Trung”[2], trở thành vị vua đầu tiên của nhà Trần. Năm Đinh Dậu-Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 6 (1236), với lý do Chiêu Hoàng không có con nối dõi, để đề phòng hậu họa, Trần Thủ Độ buộc vua phải lấy công chúa Thuận Thiên (vợ của Trần Liễu) đã có thai, đưa vào cung lập làm hoàng hậu, giáng Lý Chiêu Hoàng làm công chúa. Trước những nỗi đau về nội tâm mà ngài đã chịu đựng, cha mẹ lại mất sớm, bây giờ lại thêm việc bị ép vào thế trái với luân thường đạo lý, Trần Thái Tông đã quyết định bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử với ý định xuất gia. Nhưng vì Trần Thủ Độ kiên quyết không chịu và Quốc sư Phù Vân khuyên bảo, nên vua đành quay về ngôi vị, trị nước an dân. Năm 1259, Trần Thái Tông nhường ngôi cho con, lên làm Thái Thượng hoàng, cùng con trai trị quốc. Năm 1266, Trần Thái Tông khuyến khích các vương hầu, công chúa, mọi người nên đi khai hoang thành lập điền trang, vừa tăng thêm thế mạnh cho dòng họ, vừa tạo thêm cơ sở chống giặc ngoại xâm. Mặc dù Trần Thái Tông rất quan tâm đến việc trị nước, nhưng vẫn không quên nghiên cứu giáo lý nhà Phật, thực hành thiền định. Năm 1277, Trần Thái Tông mất.

Theo Thánh đăng ngữ lục, Trần Thái Tông là tác giả các tác phẩm sau: Văn tập (một quyển), Chỉ nam ca (một quyển), Thiền tông khóa hư (10 quyển), Văn tậpChỉ nam đã mất, hiện chỉ còn Khóa hư[3]. Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận, Trần Thái Tông sáng tác các tác phẩm: Thiền tông chỉ nam, Thái Tông thi tập, Bình đẳng lễ sám văn, Lục thời sám hối khoa nghi, Tựa Kim cương tam muội kinh chú giải, Khóa hư lục.[4]

Qua các tác phẩm trên, cho thấy vua đã thấu rõ được cuộc đời là biến dịch vô thường, có thịnh ắt có suy. Nhà vua đã từng nói với Quốc sư Phù Vân: “Trẫm còn thơ ấu, đã sớm mất mẹ cha, chơ vơ đứng trên sĩ dân, không có nơi nào nương tựa. Lại nghĩ sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế bất thường, cho nên trẫm mới vào đây, chỉ muốn cầu thành Phật, chứ chẳng muốn gì khác[5]. Câu nói này như minh chứng rằng đây không phải là sự chạy trốn mang theo lòng thù hận, bất mãn với triều chính, nỗi uẩn khuất kia chỉ làm tăng thượng duyên cho chí nguyện xuất trần của bậc thượng sĩ. Tuy nhiên, hạt Bồ-đề này không thể trong chốc lát mà có thể chín mùi, nó phải được ươm từ rất lâu trước đó. Khi Trần Liễu làm loạn, Trần Thủ độ muốn giết ông nhưng vua lại che chở và cấp đất phong tước cho Trần Liễu. Từ đó cho thấy, vua không những là người có tấm lòng nhân từ mà còn có tầm nhìn xa, lấy đại sự quốc gia làm trọng.

Với sự am hiểu Phật pháp và khéo léo vận dụng tinh thần nhập thế bất biến tùy duyên của Phật giáo, Trần Thái Tông đã làm tròn trách nhiệm của một bậc minh quân: khi đất nước thái bình thì vua lo “làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai (Thiền tông chỉ nam tự), lúc có chiến tranh thì đích thân lãnh đạo dân chúng đánh giặc, khi nhàn rỗi thì không quên trau dồi nội điển, mặc dù làm vua nhưng xem thường vinh hoa phú quý, bỏ ngai vàng như trút chiếc giày rách. Trần Thái Tông xứng đáng là “gương mặt văn hóa đẹp và lạ đến khác thường trong lịch sử Việt Nam[6]. Ông đã để lại cho đời những trang sử vàng sáng chói, ngay giữa lòng xã hội phong kiến hiện ra một mẫu người hoàn mỹ, là niềm tự hào đối với lịch sử dân tộc Việt Nam.

1.2. Giới thiệu tác phẩm Khóa hư lục

1.2.1. Ý nghĩa nhan đề

Khóa hư lục là tác phẩm nổi bật của Phật giáo đời Trần, từ một tác phẩm văn học được nhân dân ta tôn vinh thành cuốn kinh nhật tụng, vì thế còn được gọi là Khóa hư kinh. Khóa hư là tập hợp nhiều bài viết về chủ đề Phật giáo của Trần Thái Tông, được giới Phật học sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật. Tuy nhiên, tùy vào cảm nhận quan điểm của mỗi học giả mà có sự giải thích khác nhau về nhan đề của tác phẩm Khóa hư lục.

Trong lời đầu bản dịch Khóa hư lục, Đào Duy Anh viết: “Khóa hư nghĩa là tu luyện về đạo hư không[7]. Ở phần chú giải, ông giải thích: “Khóa hư: luyện tập sự hư vô, tức tu luyện về đạo hư vô, đạo Phật[8].

Trong Khóa hư diễn nghĩa, Thiều Chửu viết: “Cứ theo nghĩa đen, khóa là bài học, hư là rỗng không, nhưng cái ý nghĩa sâu xa thì tức là một bài học dạy cho ta phải để tâm khiêm nhường thiếu thốn, tự biết mình còn mang nhiều tội lỗi xấu xa, cò ngu si mê muội, phải ép minh mà tu tỉnh sám hối nhẫn nhục tinh tấn, mới thâu thái được cái hay của thánh hiền vào mình, hòng tẩy sạch lòng trần, tới bậc giác ngộ. Nếu ta cứ tự cho mình là thông minh tài giỏi, là thánh thần khôn khéo thì đọc sách này vẫn ở đầu lưỡi mà thôi. Ấy đại khái ý nghĩa chữ Khóa hư là thế[9].

Còn Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì giải thích: “Chữ khóa có nghĩa là sự hành trì học tập. Chữ hư có nghĩa là với thái độ không c chấp vào hình thức giáo điều. Nhu yếu của Khóa là sự siêng năng thực tập thiền học không để thời gian luống qua, nhu yếu của Hư là phá chấp tự do không kẹt vào khái niệm và hình thức. Hai nhu yếu tổng hợp lại thành tinh thần thực tiễn và khai phóng của đạo Phật: thực hiện một cách tinh tấn đạo lý giác ngộ trong tinh thần phá chấp tự do và vô niệm[10].

Thích Phước Đạt giải thích: “Khóa hư là tu luyện về đạo hư không là luyện tập sư hư vô… thì dễ gây ngộ nhận về đạo Phật, thậm chí nói đạo Phật là đạo hư vô thì càng xa rời nguyên ý của tác giả, mặc dù được biết học giả Đào Duy Anh không thể hiểu đạo Phật như thế”[11].

1.2.2. Nội dung tổng quát của tác phẩm

Theo Việt Nam Phật điển trùng san vào năm 1943, tác phẩm Khóa hư lục được sắp xếp theo thứ tự như sau: 1. Phổ thuyết Tứ sơn, 2. Phổ thuyết sắc thân, 3. Phổ khuyến phát Bồ-đề tâm văn, 4. Giới sát sinh văn, 5. Giới thâu đạo văn, 6. Giới sắc văn, 7. Giới vọng ngữ văn, 8. Giới tửu văn, 9. Giới định tuệ luận, 10. Thụ giới luận, 11. Niệm Phật luận, 12. Tọa thiền luận, 13. Tuệ giáo giám luận, 14. Thiền tông chỉ nam tự, 15. Kim cương tam muội kinh tự, 16. Lục thời sám hối khoa nghi tự, 17. Bình đẳng sám văn tự, 18. Phổ thuyết hướng thượng nhất lộ, 19. Ngữ lục vấn đáp môn hạ, 20. Niệm tụng kệ.

Từ cơ sở sắp xếp trên, chúng ta có thể chia tác phẩm Khóa hư lục thành 3 phần chính:

1. Nội dung tổng quát các bài Phổ thuyết.

2. Những bài luận có nội dung bàn về phương cách đi đến giác ngộ và các vấn đề cụ thể.

            3. Các bài khóa lễ lục thời, các bài tựa.

2.      Quan niệm về con người trong tác phẩm Khóa hư lục

2.1. Con người trong triết học Phật giáo

Từ quan niệm phương Tây, Protagoras cho rằng: Con người là thước đo của vạn vật. Còn ở phương Đông, Ấn Độ cho rằng: Con người là tiểu vũ trụ. Trung Quốc thì cho con người và trời đất là một, xuất lưu từ Đạo và cuối cùng cũng quay trở về với cái Đạo uyên nguyên, bí nhiệm. Vậy theo triết học Phật giáo con người được hiểu như thế nào?

Theo Phật giáo, con người là một Pháp, nghĩa là con người có tự tính hay có bản chất riêng biệt để dựa vào đó mà nhận biết, lý giải và phân biệt với các sự vật hiện tượng khác, hay con người là một thực thể chịu sự quy định của các pháp tắc tự nhiên, và dù Đức Phật có mặt hay không có mặt cũng không thay đổi được điều đó.

Con người là hợp thể của Danh và Sắc. Danh - Sắc là tên gọi chung của Ngũ uẩn, theo sự vận hành của Mười hai nhân duyên. Mười hai nhân duyên sinh thì con người Ngũ uẩn sinh. Danh chỉ cho phương diện tinh thần hay tâm, còn Sắc chỉ về cơ thể, thể xác hay vật chất. Điều đó có nghĩa con người là sự tương hợp của hai yếu tố tinh thần và vật chất. Chẳng hạn khi nhấn mạnh về vật chất, Đức Phật nói lục đại (đất, nước, gió, lửa, không và thức); khi nhấn mạnh về tinh thần Đức Phật nói Ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), Tứ thực (đoạn thực, xúc thực, tư thực, thức thực); khi nhấn mạnh đến yếu tố nhận thức, Đức Phật nói lục căn, lục trần, lục thức… Cho nên quan niệm của Đức Phật về con người không nên tách rời chân lý Duyên khởi:

Hôm nay, ta sẽ nói pháp nhân duyên và duyên sinh. Thế nào là pháp nhân duyên? Nghĩa là: cái này có cho nên cái kia có... Như duyên vô minh có hành, duyên hành có thức… như thế thuần đại khổ tụ tập. Thế nào là pháp duyên sinh? Là vô minh, hành… dù Phật xuất hiện hay không xuất hiện ở thế gian thì pháp này vẫn thường trụ…[12]

Như vậy, sự tồn tại của con người là giả hợp, không thật, vì bản chất của nó là duyên khởi, tùy thuộc các duyên mà hình thành nên con người là vô ngã.

Trong Khóa hư lục, Trần Thái Tông tự đi tìm thân phận mình, bản lai diện mục của chính mình và ngài đã nhận chân được rằng: “Các ngươi hãy xem lại cho tường, “sắc thân” kia khi chưa vào bào thai thì do đâu mà có? Ấy là do niệm nhóm, duyên tụ; ngũ uẩn hợp thành. Dáng vóc lầm sinh, hình dung giả lộ[13]. Rõ ràng con người được Trần Thái Tông nhìn nhận là do sự kết hợp của năm uẩn mà thành, nó chịu sự chi phối của không gian và thời gian.

2.2. Con người trong văn học trung đại Việt Nam

Như thế, sắc thân năm uẩn của con người cũng chính là thân phận con người trong cõi đời này. Làm ngươi ai ai cũng muốn hạnh phúc, sung sướng, nhưng do nhận thức sai lầm về con người mình nên chúng ta thường không tìm được nguồn an lạc, hạnh phúc. Trái lại, chúng ta thường chuốc lấy quá nhiều khổ đau. Giải phóng con người ra khỏi những bế tắc kia là nhiệm vụ lớn của triết học, văn học, đặc biệt là triết học, văn học Phật giáo. Và do đó, con người trở thành đề tài quan trọng của văn học.

Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống, mà đã phản ánh hiện thực tức phần nào đó đề cập đến cuộc sống với vận mệnh con người cụ thể, như M. Gorky nói, “Văn học là nhân học”. Con người là chủ thể của cuộc sống, cũng là trung tâm, chủ thể để sáng tạo ra văn học nghệ thuật; vừa là đối tượng khách thể để văn học nghệ thuật nhận thức và phản ánh.

Đặc trưng nổi bật của con người trong văn học trung đại là thể hiện tấm lòng, như Trần Đình Sử nói: “Con người trong văn học cổ điển ưu thế thuộc về tấm lòng, con người của chí khí. Việc tỏ lòng, tỏ chí khí là nét đặc trưng của họ[14].

Trần Thái Tông là một nhà văn, nhà thơ lớn của văn học đời Trần, đồng thời là gương mặt tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam. Thông qua tác phẩm Khóa hư lục, chúng ta thấy ngài luôn quan niệm về con người, cuộc đời, đồng thời thể hiện tấm lòng nhân ái, vị tha, rộng mở, luôn muốn mọi người sống tỉnh thức, an trú trong tình yêu và hiểu biết. Thích Phước Đạt nhận định rằng: “Chỉ có ông là người có thơ văn dám đi sâu vào những ngõ ngách tâm hồn thật nhạy cảm và tinh tế của mỗi cá nhân ở thời kỳ văn học trung đại. Đây là giọng thơ khá lạ trong vườn Thiền, nó đi ngược với xu hướng chung của văn học trung đại thường xây dựng mẫu người mang tính ước lệ [15].

            Cho nên con người phải biết sống hòa hợp, thuận theo đạo lý, chung sống cộng đồng. Mỗi người phải tự ý thức giảm trừ ham muốn cá nhân, thay vào đó chính là tấm lòng cần trang trải. Có như vậy mới từ con người cá nhân vị kỷ và chứa chất bản ngã, trở thành con người sống theo tinh thần vô ngã, xa lìa các ham muốn của đời sống vật chất.  Chính lẽ đó mà con người trong văn thơ Trần Thái Tông không còn mang tính ước lệ, khuôn mẫu như văn học trung đại giải trình. Đó là con người có sự chuyển biến nội tâm đi từ những thái độ hành vi bất thiện đến sự thăng hoa. Chưa bao giờ con người được mô tả chi tiết, cụ thể và sinh động như trong Khóa hư lục.

3.      Con người giác ngộ giải thoát trong tác phẩm Khóa hư lục

3.1. Khái niệm về con người giác ngộ giải thoát trong đạo Phật

Giác ngộ giải thoát là mục tiêu tối hậu mà người Phật tử luôn hướng đến. Bởi vì chúng sinh bị vô minh che mờ, không thấy rõ thật tánh của mình, nên Đức Phật xuất hiện ở đời nhằm khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến; và Ngài cũng tuyên bố rằng Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Chính vì vậy, con người luôn là đối tượng, là chủ thể của nhận thức. Tuy nhiên sự nhận thức của mỗi người là khác nhau. Để hiểu rõ hơn, chúng ta cần tìm hiểu từng khái niệm cụ thể.

Giác ngộ (bodhi) theo nghĩa Hán Việt là sự thức tỉnh, hiểu rõ một chân lý nào đó. Giác ngộ là sự hiểu biết không chỉ bằng trí thức, lý luận mà bằng sự cảm nhận sâu xa, bằng kinh nghiệm sống trực tiếp. Do đó đôi khi giác ngộ cũng được gọi là tuệ giác. Tuy nhiên, hiểu một cách đơn giản, giác ngộ chính là từ bỏ đi tật xấu của mình mà sống theo lẽ phải. Giác ngộ đó chưa phải là nghĩa giác ngộ của đạo Phật. Đạo Phật nói giác ngộ là sự thấu triệt được lẽ thật nơi con người từ ban sơ cho tới cuối cùng, tìm được cái từ xưa đến giờ chúng ta chưa từng biết.

Nhiều người thường lầm tưởng giác ngộ là giải thoát, cho rằng một khi con người đã giác ngộ thì tự nhiên sẽ được giải thoát. Thực ra khái niệm giải thoát đã có từ trước khi Đức Phật ra đời. Nó phổ biến trong nền văn học cuối thời Veda và trong các Upanishad. Theo nền văn học này, giải thoát chính là thoát ra khỏi vòng tái sinh luân hồi. Trong khi đó theo Phật giáo, giải thoát nghĩa là giải phóng ra khỏi khổ bằng cách tri kiến nguyên nhân của khổ và tận diệt nó, tức là thực hiện Tứ diệu đế và đoạn diệt ô nhiễm. Giải thoát tức là thoát khỏi ảo tưởng và khổ, thoát khỏi sự tái sinh trong luân hồi và đạt Niết-bàn.

Đức Phật dạy Tứ Thánh đế (khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ), Tam pháp ấn (vô thường, vô ngã và khổ), Duyên khởi (sự tương quan, tương duyên, tương hữu giữa mọi sự vật)… Đó là những sự thật mà Đức Phật đã giác ngộ. Phải hiểu rõ những sự thật này thì chúng ta mới có thể theo đó mà tu tập. Phải hiểu biết rồi mới thực hành được. Như vậy phải giác ngộ rồi mới giải thoát được. Cho nên con người giác ngộ giải thoát là con người thấy biết đúng bản chất của sự vật, hiện tượng trên thế gian này bằng cái nhìn tuệ giác: tất cả đều vô thường giả hợp, duyên sinh, không thực có... Thấu suốt lý duyên sinh để xóa bỏ thành kiến chấp ngã hẹp hòi, bởi thế giới đang tồn tại là thế giới vô ngã, để từ đó thấu đạt được tư tưởng: “Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, hết thảy đều là không”.

3.2. Hình ảnh con người giác ngộ giải thoát được khắc họa trong Khóa hư lục

Từ thời Lý, các thiền sư và Phật tử đã đưa ra quan niệm về con người và tìm cách giải phóng nó ra khỏi những ràng buộc khổ đau. Các thiền sư như Viên Chiếu, Diệu Nhân, Viên Học, Đạo Huệ . . . đã đưa ra những quan niệm về con người để trả lời cho những câu hỏi muôn thuở: Con người từ đâu đến, đến để làm gì, sau khi chết sẽ đi về đâu.

So với quan điểm con người thời Lý, quan điểm con người thời Trần không còn mang tính trừu tượng nữa mà được trình bày một cách cụ thể, như được cho thấy nơi Khóa hư lục của Trần Thái Tông. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học Phật giáo, Trần Thái Tông lấy con người từ trong hiện thực cuộc sống để làm đối tượng khắc họa cho hình ảnh con người như chính ngài đi tìm lại thân phận của mình, bản lai diện mục của chính mình. Con người luôn muốn chuyển hóa cái hữu hạn thành cái vô hạn, hay nói khác đi con người không bao giờ chịu an bài, chấp nhận cái thân phận định sẵn, mà luôn tìm cách thăng chứng, chứng ngộ, giải thoát, vô sinh bất tử. Cho nên khi đọc Khóa hư lục, chúng ta thấy được khát vọng con người giác ngộ được bắt nguồn từ chính khát vọng của Trần Thái Tông, muốn lên núi Yên Tử để tu hành làm Phật, như trong Thiền tông chỉ nam tự viết: “Chỉ muốn làm Phật chứ không muốn làm gì khác”.

Rõ ràng hình ảnh con người giác ngộ được khắc họa qua tác phẩm đó chính là thấy được chân Phật - “kiến tính”, thấy rõ chân lý một cách trực tiếp, thấy Phật tính ở tâm và hằng sống với bản tính thường nhiên, trong sáng, liễu đạt pháp một cách chân thật. Như  lời dạy Quốc sư Viên Chứng: “Tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật” (Lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật)[16].

            Trần Thái Tông xác lập con người giác ngộ là con người “kiến tính, có nghĩa là thấy được bản tính, thấy được con đường giác ngộ giải thoát. Trong bài Tọa thiền luận, ngài viết: “Phàm người học đạo, chỉ cần thấy tính”[17]. Còn trong bài Phổ khuyến Bồ-đề tâm văn, ngài viết: “Do thấy ánh sáng trí tuệ, phản chiếu lại mình thấy được tính mà thành Phật”[18].

Như vậy, con người phải tự mình hành trì, không nương tựa vào ai, vào một thế lực nào khác thì mới thấy được tính. Đó là con đường quay đầu nhìn lại vào phía bên trong của tự thân, trở về quê nhà một cách an nhiên, không vướng bận hay tiếc nuối, chẳng phải tìm kiếm ở nơi xa xôi mà Trần Thái Tông diễn đạt bằng hình ảnh “Bất lao tiến bộ đắc hoàn gia”(Đường xa không bước vẫn về nhà) trong Niêm tụng kệ 19[19].

Rõ ràng con người giác ngộ chính là con người tự tìm lại chính mình. Phật và chúng sinh không khác. Điều này đã được Trần Thái Tông khẳng định trong bài Niệm Phật luận:“Thân ta tức thân Phật, không có hai tướng”[20]. Ý tưởng đó sau này ở phần Đối cơ trong Thượng sĩ ngữ lục được Tuệ Trung Thượng sĩ diễn dịch:

“ Xưa nay không bẩn, sạch, bẩn sạch đều hư danh. Pháp thân không vướng mắc, nào trọc với nào thanh”[21]. Còn trong Cư trần lạc đạo phú, Trần Nhân Tông viết: “Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa, Nhân khuấy bản nên ta tìm Bụt, đến cốc hay chỉn Bụt là ta”[22]. Cho nên, sự giác ngộ luôn có sẵn trong mỗi con người, chẳng cần phải tìm đâu xa. Chính lời nhắc nhở của Quốc sư đã làm thức tỉnh con người giác ngộ trong chính nhà vua. Phật chúng sinh không khác, tự tánh giác ngộ của mỗi con người đều bình đẳng. Bất cứ ai cũng có thể trở về bản tính thanh tịnh, chân tâm thường trụ. Cho nên trong Phổ khuyến Phát Bồ-đề tâm, ngài viết: “Nếu có thể phản chiếu hồi quang thì ai ai cũng có thể kiến tính thành Phật.”[23] Cho ta thấy được các nhà Phật học, các thiền sư chứng ngộ đời Trần tuyên bố thẳng thắng Phật và chúng sinh không khác.

Trần Thái Tông chủ trương Phật ở đây là nhận chân con người thật của mình, không đâu xa mà ngay chính cõi lòng. Điều này tất yếu dẫn đến một tinh thần nhập thế, mà câu nói của Quốc sư như một sự khai ngộ: “Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình.[24]

Nhìn từ góc độ quốc gia dân tộc thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, tư tưởng Phật tại tâm, tư tưởng vô ngã được vận dụng vào đời sống trong nhiều lĩnh vực. Với tinh thần vô ngã, vô trú của đạo lý Thiền tông, Trần Thái Tông đã biến những ý muốn của thiên hạ, tấm lòng thiên hạ thành những ý muốn, những tấm lòng cao đẹp của sự giác ngộ chân tâm thường trụ, bản tính thường lạc. Chính vì thế, con người là một sinh mạng có thể bước qua cái hữu hạn để đến cái vô hạn. Mỗi người phải tự mình vượt qua các tướng trạng của khổ đau như là sự vượt qua bốn ngọn núi cheo leo, tường vách dựng đứng như trong bài Phổ thuyết Tứ sơn, để rồi nhận chân được, sinh mạng con người rốt cuộc chỉ “mệnh tựa ngọn đèn trước gió, thân hư bọt nước đầu ghềnh[25].

Tất cả chỉ là vô thường ảo ảnh, cuộc đời thật mong manh, “có khác gì con rối; đều nhờ tơ, sợi kéo, lôi. Đùa qua giỡn lại, giống sống mà thôi; buông thả, thu hồi, thực là xác chết”[26]. Ngay cả công danh phú quý cũng chỉ như giấc mộng dài, con người cần giáp mặt, thoát ra khỏi sự trói buộc của nó. Chính vì thấu hiểu được điều đó mà Trần Thái Tông đã viết trong Khóa hư lục, không dưới mười hai lần mô tả về giấc mộng “vô thường” tiêu biểu như: “Công danh lừng lẫy, chẳng qua một giấc mộng dài; Phú quý hơn người, khó tránh hai chữ vô thường”[27]. Nhận thức rõ bản chất cuộc đời này là vô thường, là mộng, tâm thức con người trở nên mở rộng không cùng, độ lượng hết thảy. Trần Thái Tông nhờ triết lý ấy mà tỉnh thức, trở thành bậc vĩ nhân, vị vua anh minh, hiếu nghĩa với anh em, chung tình với người yêu, sẵn sàng xông trận lúc nguy nan, xem tính mạng nhẹ tợ lông hồng, xem ngai vàng như chiếc giày rách, chỉ mong đem lại cuộc sống ấm no cho dân, đất nước được thái bình thnh trị. Đối với đạo Phật, ngài được mệnh danh là “bó đuốc của Thiền tông”.

Phải chăng con người giác ngộ là con người tự do ra vào thế giới vô thường ảo ảnh, “đảo xứ mộng trung thuyết mộng[28], thoát khỏi sự cám dỗ của ngũ dục. Với tinh thần vô trước, vô trú, con người bước ra khỏi thế giới tư duy hữu ngã, nhị nguyên phân biệt, như được thể hiện qua bài kệ Bát bất: “Không diệt, không sinh, không đoạn, không thường, không là một, không đa dạng, không vào, không ra”của ngài Long Thọ (Nagarjuna) trong Trung quán luận. Khi không còn chấp vào cái thân tứ đại này nữa thì “cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi.”[29] Nhận chân rõ điều đó thì không còn khổ đau, không còn bị trói buộc bởi sinh tử luân hồi. Trong kinh Tạp A-hàm Đức Phật dạy: “Do chấp thủ nên đắm trước, không chấp thủ thì không đắm trước.”[30]  Được như vậy con người ung dung tự tại đi bất cứ nơi nào họ muốn. Trời vẫn xanh, đất vẫn nở hoa, đâu đâu cũng là pháp tính chân như: “Nay ta vì các ngươi không ngại miệng hùm vuốt râu, đầu gậy tiến bước. Nói nơi gió táp thông reo, lặng nơi trăng chiếu hồ trong. Lúc đi như mây bay nước chảy. Khi đứng như núi yên non trấn. Lời lời như Thích-ca sống, câu câu thái độ Đạt-ma Tổ sư. Phóng đi thì mở ra tám chữ, thu lại thì một cửa hết lối; trong hang quỷ ma là lâu đài Di-lặc, dưới núi tối có cảnh giới không khách của Phổ Hiền. Nơi nơi tạng lớn sáng rực, chân tính là pháp môn không hai”[31]. Đây quả là thái độ sống tự tại, không sợ hãi của con người giác ngộ. Dù vào tận miệng hố vuốt râu hùm, đi trên đầu gậy, họ vẫn thể nhập sự an lạc như đi chiêm ngưỡng cảnh nước chảy, thông reo, gió thổi rì rào, trăng in bóng nước, trong cái động của cảnh vật như ẩn chứa cái tĩnh tận cõi lòng. Con người giác ngộ trở thành trung tâm và Trần Thái Tông trở thành con người biểu tượng thời đại, xứng đáng là “gương mặt văn hóa đẹp và lạ đến lạ thường trong lịch sử Việt Nam”[32].

Để đạt được sự tự do ấy, đòi hỏi con người phải vượt ra tất cả các giáo điều, bước vào đời sống một cách an nhiên tự tại. Tự thân rũ bỏ, đạp vỡ tất cả khái niệm, phá bỏ nhị nguyên, lối tư duy hữu ngã sáo rỗng, thay vào đó là thái độ sống vô trước, vô chấp. Con người đó sẽ liễu đạt “Tâm tức là Phật, không cần tu thêm gì cả[33]. Trong cái thế giới vô thường, Tuệ Trung Thượng sĩ từng sống một cách tiêu dao, tự tại. Con người tự chuyển hóa thanh tịnh cõi lòng trong ảo mộng phù phiếm, cấu uế của xác thân ngũ trược này, vì thế Tuệ Trung mới xác định “thanh tịnh pháp thân” chính là “Ra vào trong nước đái trâu, chui rúc giữa đống phân ngựa”[34].

Như vậy, rõ ràng giữa những con người giác ngộ luôn có sự đồng điệu. Từ ý niệm “trong ảo sắc cũng là chân sắc, nơi phàm thân cũng là pháp thân”, trong Niêm tụng kệ, Trần Thái Tông đã ung dung cất lên tiếng cười trào lộng của tâm hồn khai phóng “Tăng-già nói dối an rồi đó, Cười ngất người ngoài chẳng tự hay[35].

Đó cũng chính là hình ảnh của một con người vô ngã, bước ra từ thế giới thực tại duyên khởi, hòa nhập với đời. Trần Thái Tông xây dựng quốc gia Đại Việt trên nền tảng vận dụng triết lý con người vô ngã. Trong bài Phổ thuyết sắc thân, ngài đã khuyến cáo con người cần nhận thức rõ sự thật vô ngã để vượt qua khổ đau do tự thân chiêu cảm: “Các ngươi hãy xem lại cho tường, sắc thân kia chưa vào bào thai thì do đâu mà có? Ấy là do “niệm” nhóm, duyên “tụ”; ngũ uẩn hợp thành… Hết thảy đều do tâm rời bỏ; không làm sao trở gót quay về[36]. Thẩm thấu triết lý vô ngã trong sự hiện hữu của con người, mỗi cá thể sẽ có thái độ sống vô chấp, nên ai và bất cứ ở đâu cũng kiến lập cho mình một thế giới Phật quốc trang nghiêm thanh tịnh. Chính thái độ sống theo tinh thần vô ngã, hướng con người sống và hành theo lý vô ngại và sự vô ngại, lý sự vô ngại trùng trùng duyên khởi với tất cả giá trị hạnh phúc mong chờ.

3.3. Đóng góp của con người giác ngộ giải thoát trong hiện thực đời sống

Con người giác ngộ như đã trình bày ở trên là con người tự tìm lại chính mình, bản lai diện mục của chính mình, thấy rõ bản chất của cuộc đời này là vô thường giả tạm, không thật có, tất cả đều do nhân duyên giả hợp mà thành. Cũng vậy, con người giác ngộ không còn ràng buộc bởi sự đau khổ, sinh tử luân hồi. Con người luôn hướng thượng, mong muốn chuyển hóa từ hữu hạn thành vô hạn, mở ra chân trời vô ngã, nơi đó có sự bình an tuyệt đối, không có biên giới phân chia nào cả từ trong tâm thức, vượt lên cả thời gian và không gian hữu hạn. Một khi đã giác ngộ, giải thoát, mỗi hành giả cần phải vị tha theo đúng tinh thần Phật giáo, lấy sự giác ngộ ấy giúp đỡ mọi người để họ cùng giác ngộ giải thoát. Mỗi khi khả tính tình yêu vô ngã được hóa hiện thì hạnh phúc thật sự đón chào. Con người thực sự sống an nhiên tự tại, vươn tới chân trời cứu cánh. Cho nên, việc tu hành giải thoát của cá nhân phải luôn gắn liền với đời sống sinh hoạt của mọi người, có như vậy mới đem lại hạnh phúc an vui cho bản thân và mọi người đúng như lời dạy của Đức Thế tôn: “Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người”[37].

Cũng vậy, Trần Thái Tông nhìn nhận thân phận con người là sự kết hợp của năm uẩn mà thành, chịu sự chi phối của không gian và thời gian. Đứng trước quy luật vô thường thì ai nấy cũng đều bình đẳng như nhau. Trần Thái Tông đã hiện thực thế giới, bóc trần tận cùng để phơi bày ra được sự thật. Để thoát khỏi điều đó, việc tự tri tự giác không còn là vấn đề suy nghiệm trên lý thuyết mà trở thành việc thực hành trong bổn phận dựa trên nền tảng thăng hoa tâm thức con người. Một khi chúng ta hiểu rõ bản chất của con người và vạn vật là vô thường, mong manh, không thật thì chúng ta sẽ sống đời sống tỉnh thức, không chấp trước, con người sẽ thoát khỏi cái sinh-tử, có- không, sẽ sống an nhiên vững chải như núi hùng vĩ nơi chân trời xanh biếc. Con người sở dĩ lo âu, đau khổ vì chưa nhận chân được bản chất của nó, chưa thấu hiểu được hết vấn đề sinh tử, nhưng đối với con người giác ngộ thấy kiếp sống con người không thật, nó tạm bợ giả dối do duyên hợp mà thành, thân này cũng do bốn đại giả hợp, không thật có, không có tự tánh.

Trần Thái Tông chủ trương sẽ cung cấp cho con người một lý tưởng, lẽ sống cao quý đủ để tạo một cảm hứng sáng tạo, vươn lên không chỉ một đời mà nhiều đời, thậm chí đến khi mỗi con người đều trở thành một vị Phật. Phật ở đây là nhận chân con người thật của mình, không đâu xa mà ngay chính cõi lòng. Điều này tất yếu dẫn đến một tinh thần nhập thế, mà câu nói của Quốc sư như một sự khai ngộ: “Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình.[38]

Vấn đề phải lưu tâm khi hướng đến sự giác ngộ của con người là “sinh tử”. Con người phải vượt thoát sinh tử ngay trong đời sống thực tiễn. Cần có nếp sống đúng Chánh pháp, mà trước tiên phải biết sống có mực thước, khuôn mẫu trong xã hội, ổn định và thanh bình. Vì thế, nhà vua đã tự xem mình là người có trách nhiệm với Phật giáo, đồng thời có trọng trách đối với đời sau để nền giáo lý Phật-đà được truyền bá rộng rãi.

Thực chất việc sống đạo là trở về bản tính thanh tịnh, siêu việt vốn bị che lấp, vây hãm bởi các khách trần phiền não. Khách trần đó chính là kết quả huân tập của một đời sống chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chân tâm bị nhiễm ô, không được soi rọi từ ánh sáng trí tuệ: “Chỉ vì sự tập hợp huân nhiễm lâu đời của chúng sinh mà phát ra sóng gió tri kiến của thần thức, vì chúng sinh buông mình theo chiếu soi, khiến cho bốn phương thành xứ lạ, mơ hồ không biết rõ lối về…”[39]

Con người cần phải có thái độ sống vượt thoát bằng những phương thức hành trì thiền định khiến bụi bặm phiền não không thể đeo bám tâm thức. Từ đó, bất kể là ai, sống trong môi trường nào cũng có thể trở về chơn tâm thường trụ, chứng ngộ giải thoát. Chính tinh thần này đã tác động mạnh vào tâm thức của Trần Thái Tông trong việc đề ra các chủ trương xây dựng và phát triển đất nước Đại Việt.

Chính vì thế, con người giác ngộ ở đây được Trần Thái Tông diễn tả chân thực như chính bản thân của ngài, đó là thực tu và thực chứng ngay từ lúc cầu làm Phật, một tư tưởng chỉ có ở thời đại nhà Trần. Con người giác ngộ của Trần Thái Tông đã mở ra một tư tưởng mới, không còn ước lệ, khuôn mẫu như thời Lý. Chính những tư tưởng ấy đã tạo ra một vị vua anh minh, đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất, làm sống dậy hào khí Đông A. Thực tế, con người giác ngộ Trần Thái Tông đã thực thi hạnh nguyện vô ngã, cai trị dân không phải vì lợi ích của cá nhân, dòng họ mà vì lợi ích của đất nước, của toàn dân, thương dân như con và biết lấy lòng dân, ý dân làm lòng mình, ý mình.

Không những thế, con người giác ngộ Trần Thái Tông còn đặt nền tảng cho Thiền phái Trúc Lâm ra đời, một Thiền phái mang bản sắc Việt, chứng minh cho một thời kỳ đất nước Đại Việt độc lập trên mọi phương diện.

Đối diện với hiện tại, con người giác ngộ ấy như Trần Thái Tông đã viết trong Khóa hư lục, đó chính là con người đi tìm lại chính mình, phản quang tự kỷ. Khi nhận chân cuộc đời này là sắc-không, mỗi hành giả sẽ có thái độ sống tích cực hơn, tự ý thức, tự hoàn thiện bản thân mình, sẵn sàng đối diện với cái chết, tâm không sợ sệt buồn rầu mà luôn cảm thấy an nhàn, hạnh phúc, thực hiện chí nguyện của con người sống tốt đời đẹp đạo, phụng sự đạo pháp và dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng (1995), Các triều đại Việt Nam, NXB.Thanh Niên, Hồ Chí Minh.

2.      Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Tương ưng bộ, tập I, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

3.      Thích Phước Đạt (2020), Trần Thái Tông và Khóa hư lục nhìn từ góc độ văn học, NXB.Hồng Đức, Hà Nội

4.      Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB.Phương Đông, Hồ Chí Minh.

5.      Ngô Sĩ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Viện Sử học dịch, NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội.

6.      Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội.

7.      Viện Văn học (1997), Thơ văn Lý - Trần, tập 1, NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội.

8.      HT. Thiện Siêu và Thanh Từ dịch (1993), Kinh Tạp A-hàm tập 1, VNCPHVN ấn hành.

9.      Thích Thiện Siêu (1993), Kinh Tạp A-hàm tập 1, Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam.

10.  Trần Đình Sử (1993), Thi pháp học, Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh.

11.  Trần Thái Tông, Trần Thái Tông Hoàng đế ngự chế Khóa hư kinh, Thiều Chửu dịch và diễn nghĩa (1961), NXB.Hưng Long, Sài Gòn, tái bản.

12.  Trần Thái Tông, Khóa hư lục, Đào Duy Anh dịch và giới thiệu (1974), NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội.

13.  Nguyễn Đăng Thục (1996), Thiền học Trần Thái Tông, NXB.Văn hóa Thông tin


 

 


 

[1] Ngô Sĩ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Viện Sử học dịch, NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.6.

[2] Sđd., tr.6-8.

[3] Thích Phước Đạt (2020), Trần Thái Tông và Khóa hư lục nhìn từ góc độ văn học, NXB.Hồng Đức, Hà Nội, tr.64.

[4] Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB.Phương Đông, Hồ Chí Minh, tr.180.

[5] Sđd., tr. 176.

[6] Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng (1995), Các triều đại Việt Nam, NXB.Thanh Niên, Hồ Chí Minh, tr.100.

[7] Trần Thái Tông, Khóa hư lục, Đào Duy Anh dịch và giới thiệu (1974), NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.10.

[8] Trần Thái Tông, Sđd., tr.19.

[9] Trần Thái Tông, Trần Thái Tông Hoàng đế ngự chế Khóa hư kinh, Thiều Chửu dịch và diễn nghĩa (1961), NXB.Hưng Long, Sài Gòn, tái bản, tr.12.

[10] Nguyễn Lang (2012), Sđd., tr.182.

[11] Thích Phước Đạt (2020), Sđd., tr.86.

[12] HT. Thiện Siêu và Thanh Từ dịch (1993), Kinh Tạp A-hàm tập 1, kinh số 296, VNCPHVN ấn hành, tr.628.

[13] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.55.

[14] Trần Đình Sử (1993), Thi pháp học, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, tr. 26.

[15] Thích Phước Đạt (2020), Sđd., tr.149-150.

[16] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.24-25.

[17] Sđd., tr.87.

[18] Sđd., tr.65.

[19] Sđd., tr.114-128.

[20] Sđd., tr.85.

[21] Sđd., tr.304.

[22] Sđd., tr.506.

[23] Nguyễn Lang (2012), Sđd., tr.191.

[24] Thích Phước Đạt (2019), Sđd., tr.59

[25] Sđd.,  tr.207.

[26] Viện Văn học (1989), Sđd., tr.55

[27] Sđd., tr.62

[28] Sđd., tr.34.

[29] Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Tương ưng b - tập I, II, phẩm Vô thường, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.653.

[30] Thích Thiện Siêu (1993), Kinh Tạp A-hàm tập 1, Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, tr.96.

[31] Nguyễn Đăng Thục (1996), Thiền học Trần Thái Tông, NXB.Văn hóa Thông tin, tr.221-222.

[32] Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng, (1995), Các triều đại Việt Nam, NXB.Thanh Niên, Hồ Chí Minh, tr.100.

[33] Viện Văn học (1989), Sđd., tr. 85.

[34] Sđd., tr.303.

[35] Sđd., tr.139.

[36] Sđd., tr.54.

[37] Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Tương ưng b - tập I, chương IV: Tương ưng Ác ma, I, phẩm Thứ nhất, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.178.

[38] Thích Phước Đạt (2020), Sđd., tr.59

[39] Nguyễn Lang (2012), Sđd., tr.192.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle