Mái chùa che chở hồn dân tộc
mai chua
MÁI CHÙA CHE CHỞ HỒN DÂN TỘC
Tuệ Anh
Từ thuở ra đi vắng bóng chùa
Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua
Trong tôi bừng dậy niềm chua xót
Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa.
Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng
Có con đường đỏ chạy lang thang
Có hàng tre gợi hồn sông núi
Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng.
Có những cây mai sống trọn đời
Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi
Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa
Đức Phật từ bi mỉm miệng cười.
Tôi nhớ làm sao những buổi chiều
Lời kinh giải thoát vọng cao siêu
Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu.
Vì vậy làng tôi sống thái bình
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh
Sắn khoai gạo bắp nuôi thôn xóm
Xây dựng tương lai xứ sở mình.
Tối đến dân quê đón gió lành
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi dân hiền mọi mái tranh.
Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào
Thôn trên xóm dưới dạ nao nao
Dân làng tắm gội lên chùa lễ
Mười bốn ba mươi mỗi tối nào.
Biết đến bao giờ trở lại quê
Phân vân lòng gửi nhớ nhung về
Tang thương dù có bao nhiêu nữa
Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê.
Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
(Nhớ chùa - Thích Mãn Giác)
1.
Đôi nét về Hòa thượng Thích Mãn Giác
Hòa thượng Thích Mãn Giác thế danh Võ Viết Tín, pháp danh Nguyên Cao, đạo hiệu
Huyền Không. Ngài sinh năm 1929, mất 2006;
sinh ra ở Huế nhưng nguyên quán làng Phương Lang, quận Hải Lăng (nay đổi thành
huyện Hải Lăng), tỉnh Quảng Trị. Ngài là anh em cô cậu ruột với
Hòa
thượng Thích Trí Thủ.
Năm lên 10 tuổi, ngài được
Hòa
thượng Thích Trí Thủ gửi đến chùa Thiên Minh, Huế xuất gia tu
học.
Năm 1944, ngài được thọ giới Sa-di tại giới đàn Thuyền Tôn do
Hòa
thượng Thích Giác Nhiên làm đường đầu,
Hòa
thượng Thích Tịnh Khiết làm Yết-ma và
Hòa
thượng Thích Đắc Quang làm giáo thọ. Năm 1948 ngài được thọ Đại giới.
Năm 1950 ngài được cử làm trú trì chùa Thiên Minh. Đến năm 1960, ngài
sang
Nhật Bản
du học.
Năm 1965, sau khi tốt nghiệp
tiến
sĩ tại Nhật, ngài trở về nước và giảng dạy tại Đại học Văn khoa Sài Gòn và Viện
Đại học Vạn Hạnh. Năm 1977,
ngài chính thức định cư tại Hoa Kỳ, trú trì chùa Việt Nam tại Los Angeles và giữ
chức Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Tại đây,
một mặt ngài hoằng dương
Chánh
pháp ở hải ngoại, mặt khác vừa hướng về chăm sóc Phật sự nơi quê hương.
7 giờ 55 phút sáng ngày 13 tháng 10 năm 2006, ngài thuận thế vô thường, xả báo
thân tại chùa Việt Nam, Los Angeles, California, Hoa Kỳ,
trụ thế 78 năm, 58 hạ lạp.
Hòa thượng Thích Mãn Giác là một ngôi sao sáng của Phật giáo Việt Nam. Ngài
không chỉ là một
Tăng
sĩ tài đức vẹn toàn mà còn là một nhà thơ lớn. Thi phẩm ngài để lại gồm năm tập:
-
Không bến hạn.
-
Hương trần gian.
-
Không gian thành chiếc áo.
-
Kẻ lữ hành cô độc.
-
Mây trắng thong dong.
2.
Hoàn cảnh ra đời của bài thơ Nhớ chùa
Bài thơ Nhớ chùa là một tác phẩm bất hủ của thơ ca Phật giáo Việt
Nam. Bài thơ này đi vào lòng người mến đạo một cách dịu dàng và nồng ấm như câu
ca dao của mẹ, tự nhiên và nhẹ nhàng như hơi thở, bình yên và trong sáng như một
mảnh trăng chiều. Mỗi khi nói đến đạo Phật
và dân tộc,
nhiều người thường liên tưởng
đến câu thơ: “Mái chùa che chở hồn dân tộc/
Nếp
sống muôn đời của tổ tông”.
Mái chùa mà tác giả nói đến trong bài thơ chính là ngôi chùa mà làng quê nghèo
nào cũng có. Trong bài viết “Thi ca Huyền Không với tuổi thơ học đạo”, Hòa
thượng Thích Phước An đã giúp độc giả tìm thấy hoàn cảnh ra đời của bài thơ
thông qua lời tự sự của ngài Mãn Giác: “Quê hương Quảng Trị của tôi làng nào
cũng giống nhau, cũng mái tranh, cũng khói lam chiều. Mùi rơm mùi rạ, mùi trâu
bò, mùi gia súc mang lại cho ta một thứ tình quê mặn nồng, không ai có thể dễ
dàng quên trong cuộc đời nếu thời ấu thơ của chúng ta đã từng sống ở làng quê...
Tình quê của tôi nó thâm nhập như vậy, nên chi trong thời chiến tranh về thăm
làng không được, vào năm 1956 tôi đã sáng tác bài thơ Nhớ chùa. Ở
nhà quê, làng nào cũng có chùa, chùa nào cũng có hương hỏa phụng thờ, nơi gửi
gắm bao đời của tổ tiên”.
3.
Tìm hiểu bài thơ Nhớ chùa
Bản thân chúng tôi rất xúc động khi được biết rằng sở dĩ lịch sử nước ta ghi
nhận có 18 đời vua Hùng là bởi vì trải qua chiến tranh giặc giã, bài vị của các
vua Hùng đã được gửi vào chùa. Chừng đó thôi
cũng
đủ cho thấy Phật giáo gắn bó với dân tộc sâu sắc đến mức độ nào. Và đó cũng là lý
do chúng tôi chọn câu thơ Mái chùa che chở hồn dân tộc làm tiêu đề cho
bài viết. Đạo Phật dạy về chữ hiếu, mà truyền thống thờ cúng ông bà chính là một
trong những cách thể hiện hiếu đạo của người Việt. Tâm linh và phong tục hòa
quyện vào nhau không thể tách rời.
Nhớ chùa
được viết theo thể thơ tự do, cho phép thoải mái giãi bày tâm tư tình cảm của
tác giả mà không bị gò bó vào các quy tắc câu chữ như một số thể thơ khác. Bài
thơ gồm có tất cả chín đoạn, mỗi đoạn bốn câu và mạch thơ đi theo dòng cảm xúc
của tác giả.
Từ thuở ra đi vắng bóng chùa
Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua
Trong tôi bừng dậy niềm chua xót
Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa.
Tâm sự của nhà thơ vừa là tâm sự của một cá nhân, của một người con xa mái chùa
quê, lại vừa là nỗi lòng của bất cứ một chúng sinh
đau khổ nào đang trôi lăn trong sinh
tử. Chùa đại diện cho nếp sống tâm linh, nơi cứu rỗi cho những tâm hồn đã chán
chường thế tục. Khi đã nhọc chuyện hơn thua, một nơi bình yên là điều người ta
khao khát nhất, như người lữ hành cần chỗ nghỉ chân trên quãng đường dài.
Chùa tượng trưng cho bến đỗ tâm hồn như thế. Chùa trở thành biểu tượng của những
gì đẹp nhất, cao cả nhất, thiêng liêng nhất, thánh thiện nhất. Nhưng không phải
lúc nào người ta cũng gặp dù đã tìm, cũng được cho dù đã xin, không phải lúc nào
cửa cũng mở dù đã gõ.
Chiến
tranh đã ngăn bước người con trở lại nương bóng chùa quê. Nỗi chua xót của nhà
thơ cũng chính là nỗi chua xót của nhân tình thế thái, đôi lúc muốn hướng
thượng, hướng thiện mà cũng bị trở ngăn. Ngôi chùa quê ấy như là mái nhà thân
thương trong tâm hồn vị tu sĩ, là cội nguồn tâm linh để nương tựa.
Trong tâm trạng nhớ nhung, mái chùa quê với tất cả những đặc trưng đã hiện lên
trong tâm trí tác giả, từ xa đến gần:
Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng
Có con đường đỏ chạy lang thang
Có hàng tre gợi hồn sông núi
Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng.
Tác giả giới thiệu ngôi chùa từ ngoài vào trong, bắt đầu từ con đường đỏ, hàng
tre xanh là cảnh vật bên ngoài, rồi tổng thể ngôi chùa đặt trong khung cảnh tĩnh
lặng tuyệt đối, tĩnh lặng mà không trống trải, tĩnh lặng mà vẫn ấm áp và rạng
ngời sức sống. Nhà sư đã phác họa thành công hình ảnh của một ngôi chùa quê điển
hình. Con đường đỏ, hàng tre xanh, nắng vàng, tất cả thật rực rỡ và trong sáng.
Ngôi chùa quê đơn sơ, mộc mạc nhưng vẫn đẹp đẽ và thanh bình với:
Có những cây mai sống trọn đời
Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi
Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa
Đức Phật từ bi mỉm miệng cười.
Tất cả những gì hiện diện trong ngôi chùa đều toát lên vẻ thanh khiết, tao nhã.
Tùng, cúc, trúc, mai là những loài cây đại diện cho người quân tử:
mạnh mẽ, chính trực, hiên ngang. Nên chùa nào cũng có mai, có tùng. Chùa nào
cũng thờ tượng Đức Phật với nụ cười bất diệt. Hương trầm xua tan uế khí và tạo
cho tâm hồn con người cảm giác thiêng liêng thành kính. Ngoài kia là tranh
giành, hơn thua, huyên náo, ô nhiễm; ở đây là trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh
lặng, từ bi.
Bắt đầu từ ngôi chùa, tác giả lần lượt giới thiệu đến Đức Phật, rồi đây là Pháp:
Tôi nhớ làm sao những buổi chiều
Lời kinh giải thoát vọng cao siêu
Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu.
Với những người bình dân, đạo Phật trước hết là nghi lễ, và tụng kinh là để cầu
nguyện. Đôi khi họ không hiểu lời kinh dạy gì, nhưng họ vẫn một lòng sùng kính.
Nhà thơ xuất gia từ lúc 10 tuổi, nên tâm hồn đã sớm thấm nhuần nếp sống giải
thoát. Nếp sống đó gắn liền với cảnh chùa thanh tịnh, với hình ảnh Đức Phật từ
bi, và với lời kinh tiếng kệ mang tính chất cứu rỗi. Những ai hữu duyên và đủ
niềm tin mới có thể ưa thích nếp sống đó. Mà niềm tin ở tác giả thì thật sâu xa
và mãnh liệt:
Vì
vậy làng tôi sống thái bình
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh
Sắn khoai gạo bắp nuôi thôn xóm
Xây dựng tương lai xứ sở mình.
Đạm bạc và đơn sơ là những ngôi chùa làng. Nhưng không vì vậy mà người ta bớt
yêu thương nhau. Đôi khi vật chất lên cao thì tinh thần lại xuống thấp. Còn chùa
làng thì ngược lại. Tuy sắn khoai gạo bắp nhưng tràn đầy tình cảm, tràn đầy lạc
quan và hy
vọng. Tình cảm giữa người với người là biểu hiện của chiều sâu tâm linh. Chính
vì vậy Đức Đạt-lai Lạt-ma đã nói: “Tình yêu thương đồng loại là thước đo lòng
yêu Phật kính Chúa”.
Chúa và Phật không ở trên những bức tượng, mà ở trong những con
người chúng ta tiếp xúc hằng ngày. Ngôi chùa làng của ngài Mãn Giác ấm cúng quá,
người ta thương nhau quá, mà từ tình thương đi đến tôn giáo rất dễ. Vì thế:
Tối đến dân quê đón gió lành
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi dân hiền mọi mái tranh.
Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào
Thôn trên xóm dưới dạ nao nao
Dân làng tắm gội lên chùa lễ
Mười bốn ba mươi mỗi tối nào.
Tất cả hiện lên trong dòng hồi ức của tác giả với nỗi niềm thương nhớ. Người dân
sống với chùa và sống với nhau nghĩa tình như vậy, không nhớ thương, không xao
xuyến sao được. Ngôi chùa làng đã trở thành nơi kết nối dân làng với nhau một
cách khăng khít, lan tỏa những giá trị đạo đức tinh thần cao thượng.
Biết đến bao giờ trở lại quê
Phân vân lòng gửi nhớ nhung về
Tang thương dù có bao nhiêu nữa
Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê.
Bốn câu thơ này bộc lộ rõ rệt tình cảm của tác giả dành cho ngôi chùa làng, qua
đó ta
thấy được niềm yêu thương khắc khoải lẫn nỗi buồn đau trĩu nặng trước hoàn cảnh
chiến tranh đang diễn ra trên quê hương lúc bấy giờ.
Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
Từ ngàn xưa, cùng với mái đình, bến nước, gốc đa... thì ngôi chùa đã trở thành
nơi sinh hoạt chung cho dân làng. Chùa là điểm tựa tâm linh trong đời sống tinh
thần của người Việt. Không phải ai cũng có may mắn được sống trong một ngôi
chùa, không phải ai cũng may mắn được đến chùa, và không phải ai cũng may mắn
nhận thức được giá trị của một ngôi chùa, một ngôi chùa hiện thân cho
Chánh
pháp của Đức Phật.
Bài thơ Nhớ chùa được viết một cách hết sức mộc mạc nhưng chân thành
từ trái tim yêu thương của một người tu, như một người con nhớ về ngôi nhà tuổi
thơ của mình. Bài thơ giản dị, dễ hiểu nhưng có tầm vóc lớn lao vì đã bao hàm
được những tình cảm phổ quát của con người: tình quê hương, tình đồng loại.
Chính sự giản dị mà sâu sắc ấy đã khiến bài thơ đi vào lòng người và trường tồn
qua năm tháng. Bạn có gìn giữ tình yêu đối với một ngôi chùa nào
đó
trong trái tim mình?