Mô hình tông môn nhìn từ Giáo đoàn thuộc Hệ phái Khất sĩ Việt Nam

mo hinh

Mô hình tông môn nhìn từ Giáo đoàn thuộc Hệ phái Khất sĩ Việt Nam

Thích Hạnh Chơn

Phật giáo khởi nguyên chỉ có một Tăng đoàn của Đức Phật. Theo thời gian, khi Phật giáo phát triển rộng thì nhiều Tăng đoàn, giáo đoàn, bộ phái, tông phái, thiền phái xuất hiện theo nhu cầu. Theo đó, nhiều tông môn pháp phái được du nhập vào Việt Nam và cũng có một số được hình thành tại Việt Nam. Từ thế kỷ XV về trước, sử Phật giáo Việt Nam chủ yếu đề cập đến bốn dòng thiền (thiền phái/tông phái) là Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và Trúc Lâm Yên Tử. Sau đó, các thiền phái này trở nên mờ nhạt và xuất hiện các thiền phái khác như Lâm Tế, Tào Động từ Trung Quốc truyền vào. Từ hai thiền phái lớn này, nhiều tông môn pháp phái được sinh ra và phát triển ở Việt Nam. Tất cả các thiền phái hay tông phái vừa nêu đều thuộc Phật giáo Bắc truyền. 

Bên cạnh đó, Phật giáo Việt Nam còn có Phật giáo Nam tông Khmer và Nam tông kinh. Phật giáo Nam tông Khmer có lịch sử lâu đời tại các tỉnh Tây Nam bộ, sinh hoạt theo mô hình Hội đồng kỷ luật sư sãi. Phật giáo Nam tông kinh được Hòa thượng Hộ Tông và nhóm truyền giáo thành lập vào thập niên 30 của thế kỷ XX, sinh hoạt dưới sự chỉ đạo của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy được thành lập sau đó. Đặc biệt, Đạo Phật khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập vào năm 1947 tại Viêt Nam, sinh hoạt theo mô hình Giáo đoàn. 

Bài viết này sẽ sơ lược mô hình sinh hoạt của Giáo đoàn thuộc Hệ phái Khất sĩ, trình bày sơ lược sự sinh hoạt của ba thiền phái Phật giáo được xem là lớn hiện nay ở Việt Nam, đó là Nguyên Thiều, Liễu Quán và Chúc Thánh. Bài viết sẽ đưa ra một số nhận định từ mô hình sinh hoạt của Giáo đoàn thuộc Hệ phái Khất sĩ và ba thiền phái nói trên.

Giáo đoàn thuộc Hệ phái Khất sĩ Việt Nam

Đạo Phật Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập vào năm 1947. Ban đầu Tổ sư tổ chức đoàn du Tăng khất sĩ đi hành đạo nhiều tỉnh thành Nam Bộ. Các ngôi tịnh xá đầu tiên được thành lập và không ngừng tăng về số lượng. Các giáo đoàn lần lược được thành lập theo tiêu chí quy định để hành đạo. Năm 1981, Đạo Phật Khất sĩ được gọi là Hệ phái Khất sĩ - một tổ chức Phật giáo cùng với 8 tổ chức Phật giáo khác hợp thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ 1982, Hệ phái Khất sĩ có sáu Giáo đoàn Tăng có danh xưng là Giáo đoàn I cho đến Giáo đoàn VI và một Giáo đoàn Ni, trong đó Giáo đoàn III và IV có thêm ba phân đoàn Ni. 

Hệ phái Khất sĩ có tổ chức trung ương gồm Ban Chứng minh và Ban Thường trực cùng các tiểu ban như Tăng sự, Giáo dục, Nghi lễ… Năm 2020, Hệ phái Khất sĩ có 1.395 Tăng, 1.863 Ni, và 550 tịnh xá trong nước.

Ở cấp địa phương, mỗi Giáo đoàn có cơ cấu tổ chức nội bộ của Giáo đoàn gồm Ban Chứng minh và Ban Tri sự theo mô hình của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh thành. Mỗi Giáo đoàn đều có sự thống kê, quản lý Tăng Ni, tự viện và phát triển Giáo đoàn. Chẳng hạn, Giáo đoàn III thống kê đến năm 2022 có 164 tịnh xá (90 chính thức và 74 chưa chính thức), 326 Tăng, 322 Ni. Giáo đoàn có 14 vị tiến sĩ, 8 vị đang học tiến sĩ, 9 vị thạc sĩ, 5 vị đang học thạc sĩ… Chư Tăng Ni thuộc Giáo đoàn gắn kết sinh hoạt chung trong Giáo đoàn và liên kết sinh hoạt với các Giáo đoàn khác như bố-tát mỗi tháng, tổ chức khóa tu cho Tăng Ni trong Giáo đoàn và cho Phật tử nhiều lứa tuổi khác nhau. Các khóa tu đều có nhiều Tăng Ni trong Giáo đoàn cùng tu tập, phục vụ.

Ba thiền phái Nguyên Thiều, Liễu Quán và Chúc Thánh

Có thể nói từ tỉnh Quảng Trị trở vào các tỉnh miền Nam, ba thiền phái Nguyên Thiều, Liễu Quán và Chúc Thánh có số lượng Tăng nhân chiếm đa số. 

Thiền phái Nguyên Thiều do Thiền sư Nguyên Thiều Siêu Bạch người Hoa kế thừa từ hai dòng thiền Tổ Định Tuyết Phong với bài kệ “Tổ đạo giới định tông…” và Đạo Mân - Mộc Trần với bài kệ “Đạo bổn nguyên thành….” Thật ra, thiền sư Nguyên Thiều chỉ kế thừa thầy tổ thuộc hai dòng thiền nói trên và thu nhận đệ tử đặt pháp danh theo các chữ kế sau thuộc hai bài kệ đó. Thiền sư Nguyên Thiều không có biệt xuất kệ lập nên thiền phái riêng. Thiền sư tạo lập chùa Thập Tháp Di Đà tại Bình Định, chùa Quốc Ân tại Huế và được tin là lập chùa Kim Cang tại Đồng Nai, cũng như từng trụ trì chùa Hà Trung tại Huế. Thiền phái của Thiền sư Nguyên Thiều phát triển chủ yếu tại chùa Thập Tháp. Thiền sư viên tịch vào ngày 19 tháng 10 âm lịch và được nhập tháp tại Huế hay tại Đồng Nai còn chưa thống nhất. Ngày tưởng niệm của Thiền sư không được tổ chức quy mô như các vị đệ tử, đệ tôn tại chùa Thập Tháp, và cũng chưa được tổ chức quy mô cho Tăng, Ni toàn quốc thuộc Thiền phái Nguyên Thiều. 

Thiền phái Liễu Quán do Thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán người Phú Yên sáng lập. Thiền sư Liễu Quán là đệ tử của Ngài Tế Viên - Hội Tôn ở Phú Yên, nhưng sau đắc pháp với Ngài Minh Hoằng - Tử Dung tại chùa Từ Đàm, Huế. Thiền sư Liễu Quán lập ra Thiền phái Liễu Quán với bài kệ do Thiền sư sáng tác: “Thiệt tế đại đạo…” Trong cuộc đời hành đạo từ Huế vào Phú Yên, Thiền sư tạo lập chùa Thuyền Tôn, Viên Thông tại Huế và các chùa Bảo Tịnh, Hội Tôn… tại Phú Yên. Thiền sư viên tịch vào ngày 22 tháng 11 âm lịch và được nhập tháp tại khu đất gần chùa Thuyền Tôn, Huế. Thiền sư có nhiều đệ tử, đệ tôn xuất sắc hành đạo khắp các tỉnh miền Trung và Nam khiến cho thiền phái Liễu Quán phát triển rộng khắp. Tuy nhiên, ngày tưởng niệm của Thiền sư Liễu Quán hằng năm chỉ được tổ chức lớn tại Huế chứ chưa khi nào được tổ chức cho tất cả Tăng, Ni trên toàn quốc thuộc Thiền phái Liễu Quán.

Thiền phái Chúc Thánh do Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo người Hoa sáng lập. Thiền sư Minh Hải được mời sang Việt Nam làm thập sư truyền giới. Sau đó Thiền sư Minh Hải ở lại Hội An tạo lập chùa Chúc Thánh và sáng lập Thiền phái Chúc Thánh (mang tên ngôi chùa) với bài kệ do Thiền sư sáng tác: “Minh thiệt pháp toàn chương…” Thiền sư viên tịch vào ngày 7 tháng 11 âm lịch và được nhập tháp trong khuôn viên chùa Chúc Thánh. Hàng đệ tử, đệ tôn của Thiền sư có nhiều vị xuất sắc hành đạo khắp các tỉnh từ miền Trung vào Nam nên Thiền phái Chúc Thánh phát triển rất mạnh. Trong khoảng 20 năm qua, quý tôn đức thuộc Thiền phái Chúc Thánh đã thành lập Ban Điều hành và ấn định cứ bốn năm một lần Tăng Ni thuộc Thiền phái Chúc Thánh trở về tổ đình Chúc Thánh tưởng niệm Thiền sư Minh Hải và được gọi là Về nguồn. Có lẽ, trong ba thiền phái trên chỉ có Thiền phái Chúc Thánh làm được việc này cho đến hiện tại.

Thực trạng của Thiền phái Nguyên Thiều, Liễu Quán và Chúc Thánh cho thấy sự sinh hoạt của ba thiền phái mang tính riêng lẻ, tự túc tại các chùa hay vài chùa và chưa có một tổ chức thống nhất cho toàn thiền phái. Người ta chỉ việc căn cứ vào pháp danh của Tăng Ni theo các bài kệ nói trên để xếp họ vào một trong ba thiền phái. Từ Thiền sư khai sáng thiền phái cho đến hiện tại, các Tăng Ni thuộc ba thiền phái phát huy khả năng tạo lập chùa, thu nhận đệ tử, đào tạo các thế hệ kế thừa trong phạm vị tự viện hay liên kết vài tự viện. Do đặc điểm của Phật giáo hay do tập tục văn hóa mà các thiền phái đều chưa có hệ thống tổ chức để thống kê, quản lý và phát triển thiền phái. Do đó, việc sinh hoạt gắn kết như khóa tu, bố-tát… giữa Tăng Ni trong thiền phái bị hạn chế.

Đến khi Giáo hội Phật giáo Thống Nhất ra đời vào năm 1964 và Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời vào năm 1981, hầu hết Tăng Ni ở Việt Nam bắt đầu sinh hoạt thống nhất theo mô hình Giáo hội về mặt hành chánh nhưng chưa có sự gắn kết sinh hoạt về mặt tu tập thiền môn. Do đó, Giáo hội chưa thể là phương tiện duy nhất gắn kết Tăng Ni sinh hoạt tập thể.

Một vài nhận định 

Kể từ năm 1981, tất cả hệ phái, tổ chức Phật giáo trước đó đều tham gia vào ngôi nhà chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Dù vậy, nội quy Ban Tăng sự vẫn có những điều nói về vai trò của truyền thống sơn môn, hệ phái đối với việc quản lý tự viện, bổ nhiệm Tăng Ni thuộc sơn môn, hệ phái. 

Sau khi hợp nhất vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một số tổ chức, hệ phái vẫn được duy trì và phát huy sinh hoạt nội bộ hệ phái, trong đó phải kể đến Hệ phái Khất sĩ. Hình thành gần 80 năm nhưng Hệ phái Khất sĩ đã làm được nhiều điều Đức Thế Tôn chỉ dạy khi còn tại thế. Các Giáo đoàn đều có những vị Trưởng lão lãnh đạo cho việc tu tập và sinh hoạt. Tăng Ni trong hệ phái gắn kết hỗ tương nhau trong tu tập, học hành, sinh hoạt… Các hoạt động như khóa tu cho các vị Trưởng lão; khóa tu cho các thế hệ Tăng Ni; sự quan tâm cấp học bổng cho Tăng Ni học hành… là minh chứng cho mô hình sinh hoạt Tăng đoàn. 

Đối với ba thiền phái thuộc Bắc truyền, do được hình thành trên 300 năm nên có số lượng tự viện, Tăng Ni khá nhiều. Tuy nhiên, ba thiền phái không có tổ chức chặt chẽ mà chỉ phát triển dựa vào các cá nhân cộng lại nên không có con số thống kê cụ thể về tự viện và Tăng Ni thuộc thiền phái. Từ đó việc gắn kết sinh hoạt như mở khóa tu chung, bố-tát, hỗ trợ Tăng Ni học hành hay bị bệnh tật là rất mờ nhạt. Kết quả, Tăng Ni thuộc ba thiền phái hoặc tự gắn kết sinh hoạt chung hoặc sinh hoạt cá nhân không theo nếp sống Tăng đoàn. Một số ít Tăng Ni tham gia Giáo hội thì cũng chỉ sinh hoạt mang tính hành chánh - họp, hội nghị. Thi thoảng mới thấy có một khóa tu cho thành viên của Giáo hội tại thành phố lớn.

Có quan điểm cho rằng sinh hoạt theo hệ phái, tông phái sẽ tạo nên sự cục bộ. Sự thật yếu tố văn hóa cục bộ vẫn diễn ra theo vùng miền, hệ phái, tông môn tại Việt Nam. Việc sinh hoạt theo hệ phái, tông phái trước hết tạo nhân duyên gắn bó giữa Tăng Ni với tập thể hệ phái, thiền phái để từ đó Tăng Ni trợ duyên nhau trong sinh hoạt, chư tôn Trưởng lão hỗ trợ đàn hậu học, các tự viện giúp đỡ nhau. Sau đó, các hệ phái, thiền phái với tâm rộng lượng không mang tính cục bộ thì vẫn có thể tạo mối quan hệ tốt với các hệ phái, thiền phái khác.

Bài viết chỉ mới đề cập đến vấn đề tổ chức của ba thiền phái. Điều rất quan trọng chưa được bàn thảo trong bài viết là pháp học, pháp hành hay giáo lý đặc trưng được ứng dụng tu tập trong ba thiền phái. Mong rằng sẽ có hành giả, học giả nghiên cứu chuyên sâu bàn thảo trong tương lai gần. 


 
Chia sẻ: facebooktwittergoogle