Bốn hạng Tăng
bon hang tang
Bốn hạng Tăng
Chân Hiền Tâm
Lúc Đức Phật còn ở
thành Vương-xá, Tỷ-kheo Thiện Tinh làm thị giả.
Đầu hôm, Đức Phật
thuyết pháp cho trời Đế Thích nghe. Theo lệ, thị giả không được đi nghỉ trước
thầy. Vì Phật ngồi lâu nên Thiện Tinh sinh niệm ác, bạch Phật rằng:
- Xin thầy vào thiền
thất mau, quỷ Bạt-câu-la đến kia kìa.
Phật bảo Thiện Tinh:
- Ông là kẻ ngu. Ông
không biết Đức Như Lai là bậc vô sở úy ư?
Trời Đế Thích thấy
vậy, bạch Phật rằng:
- Hạng người như vậy
mà cũng được vào trong Phật pháp ư?
Phật nói với Đế Thích:
- Cũng được vào trong
Phật pháp. Họ cũng có Phật tánh, sẽ chứng được vô thượng Bồ-đề. Ta vì Thiện Tinh
thuyết pháp, Thiện Tinh vẫn không có lòng tin.
Một lần Phật vào
thành Thi-bà-phú-la khất thực, vô lượng chúng sinh muốn thấy dấu chân Ngài.
Thiện Tinh theo hầu phía sau, đi tới đâu chà tới đó, nhưng không chà mất được,
lại khiến chúng sinh có quan niệm chẳng lành đối với mình.
Khi vào thành rồi,
thấy trong nhà cất rượu có một Ni-kiền-tử ngồi chổm hổm, khom lưng ăn bã rượu,
Thiện Tinh bạch với Phật:
- Nếu trong đời có
bậc A-la-hán, thời người đó là hơn tất cả. Vì người đó tuyên bố không nhân không
quả.
Đức Phật bảo Thiện
Tinh:
- Ông là kẻ ngu. Ông
không nghe bậc A-la-hán không uống rượu, không hại người, không khi dối, không
trộm cắp, không dâm dật ư? Ni-kiền-tử đó giết hại cha mẹ, ăn bã rượu, sao lại
gọi là A-la-hán? Ni-kiền-tử đó, sau khi chết nhất định đọa địa ngục A-tỳ, còn
A-la-hán dứt hẳn ba đường ác, sao gọi hắn là A-la-hán?
Thiện Tinh liền nói:
- Tánh của tứ đại còn
có thể đổi, quyết không có việc người đó đọa địa ngục A-tỳ.
Đức Phật nói:
- Ông là kẻ ngu. Ông
không thường nghe chư Phật luôn nói lời thành thật ư?
Dù Phật nói thế nào
Thiện Tinh tuyệt không có lòng tin.
Một lần, Phật ở tại
thành Vương-xá. Trong thành có Ni-kiền-tử tên Khổ Đắc. Vị này thường tuyên bố
rằng: “Phiền não của chúng sinh không nhân không duyên, giải thoát cũng không
nhân không duyên”. Thiện Tinh bạch với Phật rằng:
- Nếu trong đời có
bậc A-la-hán, thời Khổ Đắc là trên hết.
Phật nói:
- Ta nói ông là người
ngu. Khổ Đắc không phải là A-la-hán, không hiểu được đạo A-la-hán.
Thiện Tinh nói:
- Sao A-la-hán lại đi
tật đố với A-la-hán?
Phật nói:
- Ông là người ngu.
Ta chẳng sinh tật đố với A-la-hán, chính là ông tự sinh quan niệm ác tà. Nếu ông
nói Khổ Đắc là A-la-hán, thời ông nên nghe đây, bảy ngày sau Khổ Đắc sẽ bị trúng
thực, đau bụng mà chết. Chết rồi, sinh trong loài quỷ ăn đồ ói mửa khạc nhổ của
người. Bạn học của y sẽ mang thây y bỏ trong rừng Tha-ma.
Thiện Tinh liền đem
lời này thuật lại với Khổ Đắc, rồi bảo Khổ Đắc rằng:
- Trưởng lão nên khéo
tư duy, tìm phương tiện tu tập, sao cho lời Cù Đàm thành vọng ngữ.
Sau khi nghe Thiện
Tinh nói, Khổ Đắc liền đoạn thực. Đến ngày thứ bảy, ăn đường đen uống nước lã
đau bụng mà chết. Bạn của Khổ Đắc mang thi hài bỏ vào rừng Tha-ma. Khổ Đắc sinh
làm quỷ đói, ăn đồ khạc nhổ ói mửa của người.
Thiện Tinh hay tin,
liền đến rừng Tha-ma, thấy Khổ Đắc ngồi chổm hổm bên tử thi, liền hỏi:
- Đại đức chết rồi ư?
- Tôi đã chết.
- Vì sao chết?
- Đau bụng mà chết.
- Ai mang thây đại
đức ra đây?
- Bạn học tôi.
- Mang thây bỏ chỗ
nào?
- Ông là người ngu.
Há không biết đây là rừng Tha-ma sao?
- Đại đức thọ thân
gì?
- Thân quỷ ăn đồ ói
mửa.
Trả lời rồi, bảo với
Thiện Tinh:
- Ông nên nghe kỹ,
lời của Đức Như Lai là lời lành, lời chân, lời phải thời, lời đúng nghĩa, lời
đúng pháp, sao ông không chịu tin lời chân thật của Như Lai. Nếu kẻ nào chẳng
tin lời Như Lai, kẻ ấy sẽ thọ lấy thân như tôi.
Thiện Tinh trở về
bạch với Phật:
- Khổ Đắc đã sinh lên
cõi trời Đao Lợi.
- Này người ngu!
A-la-hán là vô sinh, sao lại sinh cõi trời? Hiện nay y đang thọ thân quỷ đói.
- Thật là hiện nay y
đang thọ thân quỷ đói.
- Lời của chư Phật là
lời chân lời thật, không bao giờ sai.
- Dù như thế, tôi vẫn
không có lòng tin.
Phật thường thuyết
pháp cho Thiện Tinh mà Thiện Tinh tuyệt không có lòng tin thuận.
Dù Thiện Tinh đọc
tụng mười hai bộ kinh, chứng được Tứ thiền, nhưng không hiểu nghĩa một bài kệ,
một câu, nhẫn đến một chữ. Vì gần gũi bạn ác nên mất Tứ thiền, sinh kiến chấp tà
ác mà nói rằng không Phật, không pháp, không có Niết-bàn. Ông cho rằng Đức Phật
có thể biết được tâm niệm cũng như các thứ khác chẳng qua là do giỏi tướng số mà
thôi.
Phật bảo với ngài Ca
Diếp rằng:
- Này Thiện nam tử!
Thiện Tinh dù vào trong Phật pháp vô lượng công đức, nhưng trọn không có lợi
ích, là vì phóng dật, vì gần bạn ác. Như người vào trong biển châu báu, nhưng do
phóng dật mà không lấy được châu báu, lại bị bạn ác giết hại.
Này Thiện nam tử! Nếu
là người trước kia nghèo cùng giờ lại nghèo cùng thì lòng xót thương không
nhiều. Nhưng với người trước kia giàu có, về sau lại suy sụp thì lòng xót thương
với người này sâu đậm hơn. Thiện Tinh cũng vậy! Đã thọ trì đọc tụng mười hai bộ
kinh, chứng đặng Tứ thiền, nhưng lại để thối thất rất đáng thương xót. Do phóng
dật quá nhiều mà dứt mất căn lành… Từ nhiều năm nay, ta thường cùng Thiện Tinh
gần gũi, mà Thiện Tinh tự sinh lòng tà ác, chẳng bỏ ác kiến.
Đó là chuyện Đức Phật
kể, được ghi lại trong kinh Đại
bát Niết-bàn tập
2, phẩm Bồ-tát Ca Diếp.
Thường thiên hạ cãi
chày cãi cối là do không thấy được sự thật, do nhầm lẫn. Nhưng trong trường hợp
của Thiện Tinh thì mọi việc đã được Đức Phật báo trước, việc đã xảy ra, ngoại
đạo còn tin lời Phật, khuyên ông nên tin lời Phật mà Thiện Tinh nhất định không
tin. Một mực cứ theo vọng tưởng của mình. Thật là khó mà có thể hình dung được
có một con người bất chấp cả sự thật như thế. Nhưng đã xuất hiện những con người
như thế vào thời Đức Phật, lại là Tăng nhân, lại là thị giả của Đức Phật. Huống
là vào thời bây giờ, đã quá xa thời Chánh pháp.
Cho nên, nói Tam bảo
thì Phật và Pháp đương nhiên là bảo, nhưng Tăng thì không hẳn khi nào cũng là
bảo. Mọi thứ còn tuỳ duyên. Còn tuỳ thuộc vào hạnh trí của từng vị. Đức Phật
dạy: "Này
Ðại Ca Diếp! Ta chẳng nói cạo đầu, đắp y gọi là Sa-môn, mà ta nói người có công
đức và nghi thức đầy đủ gọi là Sa-môn".
Hoặc "Nếu
tâm có tham sân si mà thân mặc ca-sa, trừ người chuyên tâm trì giới, còn những
kẻ chẳng trì giới thì gọi là tiêu diệt ca-sa".
Việc đó cho thấy không phải cứ khoác được màu áo Tăng nhân lên người là đã trở
thành Tăng bảo.
Trong luận Đại
trí độ tập
I, cuốn 3, chương 5 có chia Tăng thành bốn hạng. Tăng biết xấu hổ, Tăng không
biết xấu hổ, Tăng như dê câm và Tăng chân thật.
- Tăng biết xấu hổ
là tăng trì
giới đã thọ, không phá giới, tuy chưa đắc đạo, nhưng thân miệng thanh tịnh, có
thể phân biệt tốt xấu, gọi là Tăng
biết xấu hổ.
- Tăng không biết
xấu hổ là
Tăng phá những giới
đã thọ, thân miệng không thanh tịnh, không việc ác nào không làm, gọi là Tăng
không biết xấu hổ. Phật
gọi các vị này là ác Tăng. Trong kinh Đại
Bảo Tích,
chương Pháp hội bảo lương tự, phẩm Tỳ-kheo thứ hai, Phật dạy "Này
Đại Ca Diếp! Có nhiều ác Tỳ-kheo phá hoại Phật pháp của ta chớ chẳng phải chín
mươi lăm phái ngoại đạo phá hoại Phật pháp được. Ví như sư tử là chúa muông thú,
khi nó chết tất cả hổ lang điểu thú không thể ăn thịt nó được. Trong thây sư tử
tự sinh các thứ trùng tự ăn thịt nó. Cũng vậy, trong Phật pháp ta sản sinh ra
các ác Tỳ-kheo như vậy, họ tham lợi dưỡng, vì lòng tham nên chẳng dứt ác pháp,
chẳng tu thiện pháp, chẳng lìa vọng ngữ. Các Tỳ-kheo này có thể làm hư hoại Phật
pháp của ta".
- Tăng như dê câm là
Tăng tuy vẫn chịu gìn giữ giới đã thọ, không phá giới, nhưng độn căn không trí
tuệ, không phân biệt được tốt xấu, không biết phạm khinh phạm trọng, không biết
có tội không tội. Nếu có việc, hai người cùng cãi, thời không thể quyết đoán, im
lặng không nói. Ví như dê trắng, khi bị người ta đem giết, cũng không thể la lên
một tiếng, gọi là Tăng
như dê câm.
- Tăng chân thật là
Tăng hoặc thuộc bậc hữu học, hoặc thuộc bậc vô học, trụ trong bốn quả, thường
hành đạo tứ hướng, gọi là Tăng
chân thật.
Trong luận còn chia
Tăng nhân thành hai hạng là Thanh
văn Tăng và Bồ-tát
Tăng.
Bồ-tát Tăng có thể bao gồm Tăng
biết xấu hổ và Tăng
chân thật. Thanh
văn Tăng chỉ
có một hạng là Tăng
chân thật.
Trong đây, hai hạng
Tăng là Tăng
biết xấu hổ và Tăng
như dê câm có
thể cùng chung làm một trăm lẻ một Kiết-ma, như Kiết-ma thuyết giới, thọ tuế,
các việc đều được phép làm.
Theo đó thì thấy
ngoại trừ Tăng
không biết xấu hổ,
còn lại Tăng
như dê câm vẫn
có thể tham gia các việc như Kiết-ma thuyết giới, thọ giới, v.v.
Riêng Tăng
không biết xấu hổ,
trong kinh Đại
Bảo Tích,
phẩm Chiên-đà-la Sa-môn, Đức
Phật dùng nhiều tên gọi để ẩn dụ về hạng Tăng mà Phật gọi là ác Tăng này.
1. Sa-môn
Chiên-đà-la: Không có từ tâm chỉ vì lợi dưỡng của mình mà thân cận thí chủ rồi
sinh tâm kính trọng, không dạy Phật pháp và giới luật cho thí chủ. Sa-môn
Chiên-đà-la nếu có y bát vật dụng đều là do phá giới, do thân khẩu ý nghiệp siểm
khúc mà được. Như người Chiên-đà-la không có tâm từ bi, thường ở trong gò mả tìm
tử thi, thấy được tử thi thì lòng họ rất vui mừng. Họ bị mọi người xa lánh. Và
luôn có tâm thẹn thùng khi lễ tháp Như Lai như khi Chiên-đà-la cầm bát xin ăn
nơi người.
2. Sa-môn bại hoại:
Họ rời lìa pháp vị mà chọn lấy cặn phiền não; họ bỏ hương trì giới mà ngửi mùi
hôi phiền não; họ đến chỗ nào đều chẳng thể tự lợi cũng chẳng thể lợi tha. Thân,
khẩu, ý không thanh tịnh. Dù ở trong thiện pháp mà chẳng sinh thiện căn.
3. Trắp Sa-môn: Ngoài
thì hiện thành tựu tợ hạnh Sa-môn mà nội tâm nhiều thứ cấu uế, hành những nghiệp
ác. Như cái trắp sơn son thiếp vàng mà trong đựng đồ hôi thối.
4. Sa-môn
Câu-lan-trà: Như hoa lan-trà có sắc mà hương thì hôi. Sa-môn này, ngoài hiện tợ
hạnh Sa-môn mà thô bạo, ngạo mạn, tự cao, ác bất tịnh, phá giới, phá chánh
kiến. Người trí chẳng thân cận lễ kính. Kẻ ngu thân cận tín thọ, lễ kính.
5. Sa-môn cầu lợi:
Lòng tham vô bờ, đối với tài lộc của người thường hy vọng muốn được, không biết
đủ. Trong Phật pháp mà không hề có tâm ly dục. Đến đâu cũng vì lợi dưỡng, không
vì thiện pháp. Thường bị chư thiên long quỷ thần thấy biết, quở mắng kẻ ác này
chính là kẻ làm hoại diệt pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni.
6. Sa-môn cỏ dại: Ở
trong đại chúng giống như người trì giới có đức hạnh, thí chủ thấy cho là Sa-môn
mà thật chẳng phải Sa-môn. Chẳng phạm hạnh tự xưng là phạm hạnh. Từ trước đã bại
hoại, rời trì giới cũng chẳng vào số Tăng chúng, trong Phật pháp không có trí
tuệ mạng, sẽ đọa ác đạo. Như trong ruộng lúa mọc cỏ dại, giống cây lúa khó phân
biệt được, nông phu cho là lúa tốt, đến khi trổ bông mới biết chẳng phải là
lúa.
7. Sa-môn bồ sanh:
Như cỏ lác mọc trong ruộng lúa, vì chẳng chín nên gọi là bồ sanh, vì không có
hột bị gió thổi bay, không có sức cứng nặng, tợ lúa mà chẳng phải lúa. Cũng vậy,
vì không có nội lực bị ma phong thổi bay, nên gọi là Sa-môn bồ sanh. Sa-môn này
không người dạy bảo, không có đức lực, không sức huyết khí trì giới, lìa đa văn,
tổn thất định lực, cũng không trí huệ, chẳng thể phá hoại giặc phiền não, bị hệ
thuộc nơi ma, bị ma câu chìm trong tất cả phiền não. Như hột cỏ lác không dùng
làm giống lúa được, không mọc mầm lúa được. Cũng vậy, ở trong Phật pháp Sa-môn
bồ sanh không có chủng tử đạo, trong pháp hiền thánh không được giải thoát.
8. Sa-môn hình tợ:
Sa-môn này ưa tự nghiêm sức thân mình, đắp y tề chỉnh, nghi thức Sa-môn tất cả
đều đủ, đến đi cúi ngước thường đúng nghi thức, nhưng lại thường bị tham sân si
làm hại, cũng bị lợi dưỡng cung kính tán thán làm hại, cũng bị ngã mạn tăng
thượng mạn tất cả phiền não làm hại, dầu được người quý trọng mà bản thân không
trọng pháp, thường siêng trang nghiêm thân mà chỉ cầu ẩm thực chẳng cầu thắng
pháp, chẳng lo sợ đời sau. Chỉ lo mập béo, dựa nơi lợi dưỡng chẳng phải dựa nơi
pháp, nhiều thứ hệ phược, siêng tạo gia nghiệp thuận lòng người tại gia, cũng
tùy theo sở thọ của họ, lúc khổ thọ khổ, lúc vui thọ vui, bị ghét thương làm
hại, nơi pháp Sa-môn không có lòng muốn thực hành. Như có thợ khéo dùng vàng mạ
lên đồng màu sắc tợ vàng mà giá trị chẳng đồng với vàng, lúc chà mài ra mới biết
chẳng phải vàng, nên gọi là Sa-môn hình tợ.
9. Sa-môn mất huyết
khí: Như có nam tử hay nữ nhân bị phi nhân ăn mất huyết khí. Người này gầy yếu
xanh xao vì bị mất huyết khí, các thứ thuốc men chú thuật và dao gậy chẳng chữa
trị được, tất phải chết. Cũng vậy, Sa-môn này không biết dùng pháp Phật dạy để
trị các bệnh tật của mình khiến đưa đến việc phạm các trọng giới. Không có huyết
khí giới định tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, từ bi hỷ xả, không có huyết
khí bố thí điều phục hộ thân khẩu ý nghiệp, không có huyết khí an trụ tứ thánh
chủng, không có huyết khí nghi thức Sa-môn, không có huyết khí tịnh thân, khẩu,
ý.
Đối với hạng ác tăng
này, Phật khuyến khích chư vị nên xả giới hoàn tục.
Câu chuyện này như
sau:
Sau khi Đức Phật
tuyên nói về các danh mục Sa-môn rồi, có năm trăm Tỳ-kheo xả giới hoàn tục.
Các Tỳ-kheo khác thấy
vậy quở rằng:
- Ở trong Phật pháp
nếu chư Đại đức bỏ mà hoàn tục là phi thiện, là phi pháp.
Đức Phật bảo các
Tỳ-kheo:
- Các ông chớ nói như
vậy. Vì sao, vì làm như vậy mới gọi là thuận pháp. Nếu Tỳ-kheo chẳng muốn thọ
của tín thí mà thối lui hoàn tục thì gọi là thuận pháp. Các Tỳ-kheo kia vì tâm
tín giải nhiều nên sinh lòng hối lỗi. Họ nghe lời dạy của ta rồi tự suy nghĩ
"Chúng ta không thể hành bất tịnh hạnh mà thọ của tín thí, chúng ta phải sinh
lòng hối lỗi thối lui mà hoàn tục".
Qua câu chuyện của
Thiện Tinh, không biết ông được xếp vào hạng Tăng nào, Tăng
như dê câm hay Tăng
không biết xấu hổ?
Song, Tăng
không biết xấu hổ thì
hiện nay có vụ Thiền am bên bờ vụ trụ là điển hình. Đương nhiên họ chỉ là một tổ
chức riêng lẻ, tự xưng là Tăng, không có sự chấp nhận của Giáo hội Phật giáo
Việt Nam.
Vì sao xảy ra tình
trạng có đến bốn hạng Tăng như thế trong Phật pháp?
Sao không chỉ ấn định
hai hạng Tăng là Tăng
chân thật và Tăng
biết xấu hổ mới
được ở trong Tăng đoàn của Phật mà lại dung cả Tăng
như dê câm,
thậm chí là có luôn cả Tăng
không biết xấu hổ khi
việc phạm giới của họ chưa lộ ra ngoài?
Vì ở thế gian, mọi
thứ xuất hiện là do sự đối đãi. Vì bản chất các pháp là không, nên không có việc
thuần thiện hay thuần ác ở thế gian này. Nếu thuần thiện thì tướng thiện ấy là
tánh của các pháp. Nhưng tánh các pháp là không, nên một khi thiện xuất hiện thì
ác đã ẩn đâu đó và sẽ xuất hiện khi đủ duyên, chỉ là thiện nhiều hay ác nhiều.
Thời Chánh pháp và Tượng pháp thì thiện chiếm đa số. Thời Mạt pháp thì thiện
giảm đi. Các tướng đối đãi còn lại theo đó mà luận. Vì thế không thể đòi hỏi một
điều gì tuyệt đối hay hoàn toàn ở thế gian này. Xuất hiện việc có nhiều hạng
Tăng là chuyện bình thường.
Thứ hai, do tâm thức
vô minh của chúng sinh. Không phải ai cũng quy hướng với Tăng
biết xấu hổ và Tăng
chân thật.
Họ cảm thấy thích thú và gần gũi hơn với các Tăng
không biết xấu hổ. Như
vụ Thiền am bên bờ vũ trụ. Một bộ phận khá đông Phật tử và không phải Phật tử
vẫn gửi tiền ủng hộ các Tăng nhân giả mạo rất nhiều, dù ngay cả khi sự thật chưa
được cơ quan chức năng phơi bày thì dưới con mắt của những người hiểu biết Phật
pháp, ai cũng thấy rằng cách sống và những lời giảng dạy của họ là quá phi Phật
pháp. Có trường hợp một số đông Phật tử còn giúp các Tăng nhân trốn hoặc che đậy
các việc ác do Tăng nhân lỡ tạo ra. Cũng có khi chính Phật tử tạo điều kiện để
Tăng nhân phạm giới, v.v. Một khi tiền của tín thí còn được cung cấp nhiều thì
các Tăng
không biết xấu hổ vẫn
hiện diện trên thế gian này. Hiện tượng này đã được Phật nhắc đến trong kinh Đại
Bảo Tích tập
III, phẩm Tỳ-lê-gia ba-la-mật như sau: "Ðời
đương lai có nhiều chúng sinh thọ các tà kiến, đối với các Tỳ-kheo diễn nói
Chánh pháp, họ ít tín thọ, họ chẳng kính trọng thưa hỏi nghĩa kinh, họ chẳng gần
gũi cúng dường, trở lại lăng nhục khinh miệt. Với các Tỳ-kheo giảng thuyết phi
pháp thì nhiều người tín thọ. Các Tỳ-kheo này được thế lực lớn, có nhiều người
cúng dường kính trọng thưa hỏi".
Thứ ba, vì như Phật
nói "Họ cũng có Phật tánh, sẽ chứng được vô thượng Bồ-đề". Văn Thù Sư Lợi từng ở
địa ngục vô lượng kiếp rồi cũng thành Văn Thù Sư Lợi đó thôi.
Thứ tư, do lòng từ bi
và trắc ẩn của các bậc Tôn sư. Phật dù biết Thiện Tinh như vậy vẫn để Thiện Tinh
bên mình. Sửa từng cái sai của Thiện Tinh dù hiện tại không có kết quả. Nhưng
mọi thứ sẽ được lưu giữ trong tạng thức. Sẽ phát huy tác dụng khi đủ duyên.
Khi Thiền sư Bankei
mở an cư kiết hạ, môn đồ khắp nước Nhật quy tụ về đông đảo. Trong một lần như
thế, một đệ tử bị bắt gặp đang ăn cắp. Sự việc được trình lên Bankei với đòi hỏi
kẻ phạm tội phải bị trục xuất, Bankei bỏ qua.
Ít lâu sau người đệ
tử ấy lại bị bắt quả tang trong một trường hợp tương tự, và một lần nữa Bankei
lại bỏ qua. Việc này làm những môn đồ khác bất bình. Họ liền làm một thỉnh
nguyện thư đòi đuổi tên ăn cắp, nếu không họ sẽ cùng nhau rời khỏi thiền viện.
Sau khi xem xong
thỉnh nguyện, Bankei triệu tất cả môn đồ lại nói: "Các vị là những huynh đệ sáng
suốt. Các vị biết thế nào là đúng và thế nào là không đúng. Các vị có thể tìm
nơi khác vừa ý để tu học, nhưng vị sư đệ này lại không biết đâu là điều đúng và
sai. Ngoài ta ra, ai là người chịu nhận dạy bảo ông ấy. Ta sẽ giữ ông ấy lại đây
cho dù các vị có bỏ đi". Một suối lệ đầm đìa rửa sạch mặt vị đệ tử ăn cắp. Từ
đấy mọi tham vọng lấy cắp đều biến mất.
Tâm từ bi và lòng
trắc ẩn của vị thầy đã tạo nên sự diệu kỳ trong việc thay đổi thói quen không
tốt của vị học trò. Nếu không chấp nhận những con người như thế vào trong Phật
giáo thì lấy đâu ra môi trường với ảnh hưởng từ trường của các bậc thánh để
chuyển hóa họ, trong khi họ mới là những người cần giúp đỡ, cần chuyển hóa. Có
thể kiếp này chưa thể khai mở tâm thức của họ. Nhưng tất cả những gì tốt đẹp
trong hiện đời đều được lưu giữ. Một lúc nào đó đủ cơ duyên các chủng tử đó sẽ
khai hóa và họ sẽ biết cái gì đúng, cái gì sai, cái gì nên làm, cái gì không nên
làm, v.v.
Đẩy mạnh việc học
hiểu tham cứu kinh luận
Để giải quyết phần
nào tình trạng do thiếu hiểu biết mà sinh các việc bất thiện, các bậc Tôn sư
khuyến khích Tăng nhân cũng như cư sĩ dù chưa có điều kiện tu hành thì cũng đẩy
mạnh việc học tập và tham cứu kinh luận. Không thể chỉ lấy việc tụng niệm mà
không hiểu nghĩa làm thời khóa như Thiện Tinh. Phải có học và hiểu thì mới có
thể phân biệt được thiệc ác xấu tốt mà kinh đã dạy. Vì thế các bậc Tôn sư cũng
đã bỏ bao công sức để dịch thuật các bộ kinh từ Phạn, Hán sang Việt, để chúng
sinh khi tụng niệm có thể hiểu được ít nhiều ý nghĩa của kinh luận. Song song đó
là mở ra các trường Phật học, các khóa Phật học, có thi cử bằng cấp hẳn hoi. Vì
có thi cử mới có sự kiểm tra bản thân học được đến đâu, đã lưu giữ được gì trong
tạng thức, không phải nghe tai này qua tai kia rồi đi mất.
Một lời nhắn gửi
Mong là các cậu học
trò nhỏ của tôi vẫn giữ vững tâm ban đầu khi xuất gia. Đó là "Trên cầu Phật đạo,
dưới hóa độ chúng sinh". Ngoài ra không vì thứ gì khác. Luôn có tâm học hỏi tham
cứu kinh luận và hoàn thành tốt đẹp những công tác được giao. Chú ý học cách giữ
tâm bình thản trong mọi hoàn cảnh. Chưa bình thản được thì chỉ cần ghi nhận rõ
ràng trong việc này ta chưa được bình thản. Chỉ cần như thế để rút kinh nghiệm
cho mọi việc được tốt hơn về sau.
Mọi thứ đều do thói
quen. Lúc đầu mọi thứ đều khó nhưng rồi tập lần sẽ thành dễ.
Hãy là Tăng
biết xấu hổ và
là Tăng
chân thật.
Muốn vậy thì phải học, phải có thiền tập, không chỉ trong khi tọa thiền mà ngay
khi đang làm việc, đang tiếp duyên. Không nghĩ nhớ về những gì đã xảy ra dù tốt
hay xấu. Không dự định suy nghĩ những gì chưa tới. Chỉ làm tốt việc hiện tại.
Làm trong chánh niệm.
Danh và lợi không đưa
đến niềm vui cho những Tăng
chân thật. Chỉ
có xả thân vì người mới mang lại niềm vui thật sự cho mình và người.
Kinh Đại
Bảo Tích tập
7, phẩm Sa-môn thứ nhất. HT.Thích Trí Tịnh dịch.
Một trăm lẻ một câu
chuyện thiền. Trần Trúc Lâm dịch.