Tìm hiểu về ý nghĩa và công năng của chuỗi mala
tim hieu ve y nghia
Sổ châu/mala là vòng chuỗi hạt cầu nguyện thường được sử dụng trong các tôn giáo
Ấn Độ như đạo Hindu, đạo Kỳ-na, đạo Xích và đạo Phật để đếm các câu tụng niệm
khi cử hành niệm/japa (tụng niệm một chân ngôn hoặc âm thanh thiêng liêng
khác) hoặc để đếm một số thành tựu pháp/sadhana (thực hành/tu tập tâm
linh), chẳng hạn như phủ phục trước một biểu tượng linh thiêng. Mala
tương tự như những hình thức khác của chuỗi hạt cầu nguyện được sử dụng trong
các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau trên thế giới và đôi khi được nói đến trong Cơ
Đốc giáo là một “chuỗi tràng hạt”.
Sổ châu, Phạn: pasakamala/japamālā, mālā,
có nghĩa là “vòng hoa”[1];
Hoa: shu zhu (数珠:
số châu), fo zhu (佛珠:
Phật châu) hoặc nian zhu (念珠:
niệm châu); Nhật: juzu (数珠:
số châu), nenju (念珠:
niệm châu); Tây Tạng: phreng-ba
[2]; Hán âm: Bát-tắc-mạc, còn gọi: niệm châu, tụng châu, chú
châu.[3]
Phần thân chính của một sổ châu mala thường là 108 hạt có
cùng kích thước và chất liệu với nhau mặc dù các phiên bản nhỏ hơn, thường tồn
tại các hệ số của 108 như 54 hoặc 27. Một “hạt quân sư/guru” thứ 109 đặc biệt,
không được sử dụng để đếm, rất phổ biến. Những hạt mala theo truyền thống được
làm từ nhiều loại chất liệu khác nhau như gỗ, đá, hạt giống, xương và kim loại
quý - với các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau thường ưa chuộng một số chất liệu
nhất định - và được xâu bằng sợi tự nhiên như sơi bông, tơ lụa hoặc lông thú hay
bện bằng tóc người[4]. Ngày
nay, mala có thể tìm thấy được làm từ các chất liệu tổng hợp nhân tạo (chẳng hạn
như hạt nhựa hoặc thủy tinh, và dây nylon cho dù là sợi bện hoặc sợi cước).
1. Lịch sử
Nguồn gốc
Nguồn gốc cụ thể của mala vẫn
chưa được biết đến rõ ràng, với việc sử dụng các hạt để đếm là một thực tế phổ
biến trong các nền văn hóa cổ đại. Không có bất kỳ sự đề cập nào về những mala
xuất hiện trong văn học Trung Quốc trước khi Phật giáo du nhập vào thời nhà Hán,
cho thấy rằng tập tục này đã lan truyền từ Ấn Độ sang Trung Quốc và có thể bắt
nguồn từ đó. Không thấy đề cập đến chuỗi mala ở trong các A-hàm/Agama hay Nikāya
Pāli, và không rõ liệu việc sử dụng chúng có nguồn gốc từ Phật giáo hay
Bà-la-môn giáo, Kỳ-na giáo hay cộng đồng tôn giáo Ấn Độ nào khác.[5]
Những chứng thực buổi đầu
Những mala có thể xuất hiện trong mỹ thuật Bà-la-môn giáo sơ khai như một phần
trang phục của các vị thần hoặc những tín đồ, nhưng rất khó phân biệt với chuỗi
hạt đeo cổ hay vòng hoa trang sức. Có nguồn dữ liệu cho rằng: Phật giáo bắt đầu
dùng chuỗi hạt vào khoảng sau thế kỷ II. Tục cao tăng truyện (Đại 50, 593
hạ), mục truyện ngài Đạo Xước, ghi: “Mọi người đều lần chuỗi, miệng đồng niệm
Phật”. Do đó biết được chuỗi hạt dùng để đếm danh hiệu Phật đã có từ thời
Tùy-Đường của Trung Quốc[6].
Ngoài ra, nguồn dữ liệu khác lại khẳng định: miêu tả rõ ràng sớm nhất về một
mala được sử dụng như một công cụ để tụng niệm, thay vì có thể là một vòng chuỗi
đeo cổ hoặc vật trang trí, bắt nguồn từ một hình tượng Bồ-tát được tạo tác vào
triều đại Bắc Ngụy thế kỷ IV - VI ở Trung Quốc; mala được cầm trên tay, thay vì
đeo.[7]
Tài liệu văn tự đầu tiên đề cập về việc sử dụng
vòng chuỗi mala để tụng niệm chân ngôn là kinh Mộc hoạn tử (Đại Chính
tạng tập 17, số 786), một bản kinh Đại thừa được dịch sang Hán ngữ vào thời Đông
Tấn, khoảng thế kỷ IV - V. Không có đề cập đến bản kinh này trong các thư mục
kinh điển trước thế kỷ thứ VI, nhưng một bản dịch độc lập vào thế kỷ VIII cho
thấy nguồn gốc là một tài liệu tiếng Phạn được truyền từ Trung Á, chứ không phải
là một tác phẩm của Trung Quốc. Theo bản kinh này, Đức Phật đã hướng dẫn vị vua
làm một mala từ hạt của cây và tụng niệm Tam bảo/Triratana trong khi lần tràng
hạt mala để giữ tâm trí an tịnh và giảm bớt lo lắng.[8]
Trung Quốc
Trong khi câu chuyện Phật giáo sớm nhất về mala gắn
liền với việc thực hành của cư sĩ, thì ở Trung Quốc, ban đầu nó chủ yếu liên
quan đến việc thực hành tu tập nơi tu viện[9]. Hình
ảnh của các nhà sư với những mala bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ
VII TL và mala dường như đã được coi là một món đồ phổ biến trong tu viện vào
khoảng thời đại này. Mặc dù có tương đối ít mô tả hoặc đề cập đến thời tiền Tống
về mala, điều này có thể là do nó được sử dụng trong thực hành tôn giáo, tín
ngưỡng cá nhân hơn là nghi lễ công cộng. Các tác giả Trung Quốc đã chỉ trích các
nhà sư trì tụng chân ngôn lần tràng hạt mala nơi công cộng, cũng như các nhà sư
thường được mong đợi sẽ giữ im lặng trong khi đi khất thực.
Đến thời nhà Minh, những chuỗi hạt mala ngày càng
bắt đầu được đánh giá cao vì đặc tính thẩm mỹ nhiều hơn là giá trị sử dụng về
tinh thần. Những mala đắt tiền hoặc quý hiếm trở nên phổ biến như những món quà
được trao cho những người giàu có, và những chất liệu được phép dành theo các
cấp bậc khác nhau của chính thất và thê thiếp được quy định bởi luật điều chỉnh
chi tiêu. Những mô tả về các quan chức triều đình nhà Thanh thường bao gồm những
chuỗi hạt mala, nhằm thể hiện địa vị và sự giàu có của họ hơn là một dấu hiệu về
tâm linh.[10]
2. Chất liệu
Nhiều loại chất liệu được sử dụng để làm những hạt
mala. Các nhóm tôn giáo, tín ngưỡng - đặc biệt là Mật tông Hindu giáo và Phật
giáo Kim Cương thừa - có thể ưu tiên một số chất liệu nói chung hoặc có thể
thiên vị một số chất liệu nhất định tùy thuộc vào hiệu quả mong muốn của việc
thực hành tâm linh mà mala được sử dụng.
Chất liệu phổ biến là gỗ cây đàn hương hoặc
cây bồ-đề. Dây xâu hạt chuỗi có thể được làm từ bất kỳ loại sợi nào, theo truyền
thống là sợi tơ hoặc sợi len hay bông mặc dù sợi tổng hợp hoặc dây nylon giờ đây
cũng được sử dụng và ưa chuộng vì giá thành rẻ và khả năng chống mài mòn
tốt. Ngoài ra, các loại sợi co giãn/đàn hồi cũng được sử dụng. Các hạt cũng có
thể được nối kết với nhau bằng sợi kim loại. Mala cũng có thể có một núm tua
treo ở trên hạt quân sư/guru. Núm tua này không cần phải được làm từ cùng một
sợi với dây xâu chuỗi.
Hindu giáo
Những tín đồ theo phái thờ thần Siva dùng một loại
hạt gọi là hạt kim cang/rudraksha/rudrāka để làm tràng hạt. Truyền thuyết kể
rằng, có lần vị Thần này ngắm nhìn thế gian, thấy chúng sinh sống trong nỗi khổ
cực không sao nói hết nên đã đau lòng rơi lệ, những giọt nước mắt này mọc thành
cây rồi cho ra những hạt đỏ thẫm. Người ta đã lấy những hạt ấy làm thành tràng
hạt để cầu nguyện trong sự tưởng nhớ đến tấm lòng từ bi của thần Siva, mà ngày
nay chúng vẫn được dùng để làm tràng hạt.[11]
Trong khi các hạt làm từ gỗ của cây húng
quế/tulsi được các tín đồ của thần Vishnu sử dụng.[12]
Đá hakik đỏ và
đen cũng được ưa chuộng cho các thành tựu pháp; thạch anh sphatik dùng để cầu
nguyện bất kỳ vị thiên/deva nào, và đá mūnga đỏ chủ yếu để tỏ lòng
tôn kính.
Mala của người Hindu thường được làm với một gút
nhỏ buộc giữa mỗi hạt.
Phật giáo
Các hạt pha lê, ngọc trai, hạt sen trắng, san hô trắng, vỏ ốc xà cừ, hay ngà voi
- tức các hạt sắc trong hoặc trắng được
sử dụng cho những nghi lễ an tĩnh, để đếm các
câu chân ngôn được sử dụng để thanh tịnh bản thân. Còn hạt bồ-đề, hạt
sen, hạt vàng, bạc hay đồng - tức sắc vàng được sử dụng
để đếm các câu chân ngôn nhằm gia tăng tuổi thọ,
kiến thức, hoặc công đức. Và san hô đỏ, ngọc trai đỏ, đá carnelian, gỗ
đàn hương đỏ, gỗ đỏ nhuộm màu vàng nghệ - tức sắc đỏ hay
gỗ đàn hương nghiền, nghệ tây và các hương liệu
khác được sử dụng trong các lễ nghi dẫn dụ, khuất phục
với các câu chân ngôn để chế ngự, thuần phục chúng sinh khác. Những chân ngôn
nhằm mục đích khuất phục các quỷ thần hiểm độc trong các lễ nghi phá hủy
có thể được làm từ hạt kim cang/rudraksha, sắt, chì, xương người hay
xương động vật - tức sắc xanh lam. Và chuỗi hạt
làm bằng gỗ bồ-đề có thể được sử dụng cho nhiều mục đích, để đếm tất cả các loại
chân ngôn, cũng như các lời cầu nguyện, phủ phục, kinh hành, v.v.[13]
Chất liệu và màu sắc của chuỗi mala cũng thay đổi
tùy theo đối tượng: tràng hạt vàng để dâng Phật; những hạt trắng bằng vỏ trai ốc
để dâng Bồ-tát; hạt màu san hô dành cho người đã quy theo Tạng giáo; để dâng
thần Yamantaka (một hóa thân phẫn nộ của Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát) đáng sợ, người
chế ngự cái chết, người ta làm chuỗi hạt bằng những miếng xương sọ được mài tròn
của các ẩn sĩ đã chết; hạt của một loài cây nhỏ tên là húng quế để dâng các vị
thần du-già…[14]
Do đó, chúng ta cũng thấy Quan Âm thường cầm trong
tay tràng hạt thủy tinh hoặc châu báu màu trắng, thể hiện tâm bình lặng sáng
trong như gương. Trong tay thần hiện tướng nộ thần Đại Hắc Thiên (Mahakala)
có chuỗi hạt sọ người, mang nghĩa là sợ hãi.[15]
Phật giáo Tây Tạng
Những kiểu loại hạt đặc trưng được quy định cho “bốn lễ nghi hay Phật sự” của
Mật tông.[16]
Trong tu tập Mật pháp, cách sử dụng tràng hạt và cách xâu chuỗi tràng hạt cũng
không giống nhau. Trong tu hành Mật tông Tây Tạng, có bốn pháp là tức tai, tăng
ích, hoài ái, giáng phục; cách sử dụng tràng hạt cũng khác nhau. Tu pháp hoài ái
dùng tràng hạt màu trắng, tu pháp tăng ích dùng tràng hạt màu vàng, tu pháp tiêu
tai dùng tràng hạt màu hồng, tu pháp giáng phục dùng tràng hạt màu xanh. Tràng
hạt quả bồ-đề thì tu bất cứ pháp nào cũng có thể dùng được.[17]
Mala đa dụng được làm từ hạt mây[18]; bản
thân các hạt này được người Tây Tạng gọi là “mặt trăng và các vì sao”, và được
nhiều nhà bán lẻ khác nhau gọi là “rễ sen”, “hạt sen” và “hạt cây đoạn”. Bản
thân hạt này rất cứng và dày, có màu trắng ngà (dần dần chuyển sang màu nâu vàng
đậm sau khi sử dụng lâu ngày), có các lỗ nhỏ (mặt trăng) và các chấm đen nhỏ
(sao) bao phủ trên bề mặt.
Một số truyền thống Phật giáo Tây Tạng sử
dụng xương động vật (phổ biến nhất là bò Tây Tạng/yak), xương của các vị Lạt-ma
trong quá khứ là có giá trị nhất. Bán đá quý như carnelian và thạch anh
tím amethyst cũng có thể được sử dụng[19]. San
hô đỏ được đánh giá cao đối với chuỗi mala vì màu đỏ có liên quan đến dòng dõi
hoa sen/padma của các vị Phật (người rất được tôn kính ở Tây Tạng). Các hạt mala
bằng gỗ có thể có một rãnh nông được khắc quanh đường xích đạo của chúng, trên
đó các mảnh san hô đỏ và ngọc lam nhỏ được khảm thêm vào. Do chi phí khai
thác, tình trạng bảo tồn cũng như chi phí của san hô đỏ và ngọc lam nên nhựa
hoặc thủy tinh có thể được sử dụng thay thế.
Nepal
Ở Nepal, những hạt mala được làm
từ hạt tự nhiên của chi táo ta/Ziziphus budhensis, một loài thực vật
thuộc họ táo/Rhamnaceae đặc hữu của vùng Temal, thuộc Kavrepalanchok,
tỉnh Bagmati. Bộ Lâm nghiệp Nepal đã thành lập một ủy ban và bắt đầu phân phối
cây giống của loài cây này để nâng cao tình trạng kinh tế cho người dân sống
trong khu vực này.[20]
3. Số lượng hạt
Theo Đà-la-ni tập kinh, chuỗi có các loại: 21 hạt, 42 hạt, 54 hạt và 108
hạt. theo kinh Sổ châu công đức thì có 4 loại: 14 hạt, 27 hạt, 54 hạt,
108 hạt. Theo kinh Kim cang đảnh du-già niệm châu thì loại chuỗi nhiều
nhất là 1.080 hạt, thông dụng 108 hạt, trung bình 54 hạt, ít nhất 27 hạt. Do đó,
sổ châu được quy chuẩn 108[21].
Có rất nhiều lời giải thích lý do tại sao lại có 108 hạt, với con số 108 mang ý
nghĩa tôn giáo đặc biệt trong một số truyền thống Hindu, Phật giáo và Kỳ-na
giáo. Ví dụ, trong tư tưởng Phật giáo truyền thống, người ta cho là có 108 phiền
não/klesha[22].
Ý nghĩa của 108 hạt chỉ cho 108 tam muội trừ 108 phiền não
[23]; (theo kinh Phật, sáu căn của con người có sáu loại phiền
não, hợp lại thành 36, kết hợp với ba đời là hiện tại, quá khứ và tương lại tạo
thành 108 phiền não). Tràng hạt cũng là một thứ trang sức rất đẹp, con số 108
đại diện cho sự viên mãn, ứng với 108 hóa thân của Bồ-tát Đại Bi và số trong
trời đất[24].
Và 108 ứng với con số chính thống của những danh tánh gán cho một vị thần.[25]
Trong một tính toán khác, 108 là số lượng các pháp hoặc hiện tượng có thể
có; mặc dù có nhiều cách giải thích khác nhau về việc sử dụng con số này, nhưng
bản thân con số này vẫn được duy trì nhất quán qua nhiều thế kỷ thực hành, tu
tập.
Ở Ấn Độ, từ thời đại Gupta, nó đã là một tùy vật của Quan Thế Âm Bồ-tát. Về
phương diện lý thuyết, 108 hạt tượng trưng một trăm lẻ tám dục vọng nơi con
người mà Quan Thế Âm Bồ-tát thu nhiếp trong lúc lần tràng hạt; 108 cũng là con
số tốt lành, bởi vì nó chia chẵn cho 3. Phật A Di Đà được biểu thị cầm một tràng
hạt, cũng như một số thần Phật khác và các chư tôn đức cao qúy của Phật giáo.[26]
Những mala nhỏ hơn cũng được biết đến, phổ biến nhất là một phần của 108 hạt
(chẳng hạn như 54, 27 hoặc 18)[27]. Hay
các tràng hạt với số hạt là những bội nhân khác của 3 cũng được tìm thấy: 9, 18,
21, 42 và 54[28].
Nếu như chuỗi 108 hạt là biểu thị cho cầu chứng 108 pháp tam muội mà đoạn trừ
108 phiền não thì chuỗi
54 hạt là biểu thị cho 54 cấp vị quá trình tu hành của Bồ-tát, tức là Thập tín,
Thập trú, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa và Tứ thiện căn nhân địa.
Chuỗi 42 hạt
là biểu thị cho 42 cấp vị quá trình tu hành của Bồ-tát, tức là Thập trú, Thập
hạnh, Thập hồi hướng, thập địa và Đẳng giác, Diệu giác.
Chuỗi 27 hạt
là biểu thị cho 27 cấp vị của Tiểu thừa tu hành Tứ hướng quả, tức là 18 bậc Hữu
học của Tứ hướng tam quả trước, với 9 bậc Vô học của Đệ tứ quả A-la-hán.
Chuỗi 21 hạt
là biểu thị cho 21 vị, tức là Thập địa, Thập ba-la-mật và quả vị Phật.
Tràng hạt với 18 hạt biểu thị Thập bát La-hán[29].
Chuỗi 14 hạt là biểu thị
cho 14 pháp vô udy của Bồ-tát Quán Thế Âm.
Ngoài ra,
chuỗi thượng phẩm 1.080 hạt là biểu thị cho 10 cảnh giới, mỗi cảnh giới đều có
108, cho nên cộng thành 1.080.
Ngoài ra, ý nghĩa của chuỗi 36 hạt và 18 hạt có
nhiều người cho là không biểu trưng cho pháp số nào trong Phật giáo, và cho rằng
nó tương đồng với chuỗi 108 hạt. Theo đó, để tiện cho sự mang đeo, người ta chia
chuỗi 108 hạt ra thành 3 chuỗi, mỗi chuỗi có 36 hạt, hoặc chia chuỗi 108 hạt ra
làm 6 xâu, mỗi xâu có 18 hạt, mà không phải có hàm nghĩa nào cả. Tuy vậy, chúng
ta cần biết rằng, sự khác biệt của số hạt với những ý nghĩa biểu trưng khác nhau
trên đây là do các vị Bồ-tát, hiền thánh tăng, sau khi Đức Phật nhập diệt, đã
tùy duyên làm phương tiện giáo hóa, mà không phải bắt nguồn từ văn bản kinh điển
gốc đã nêu. Nghĩa là số lượng các hạt trên tràng hạt là không cố định và bắt
buộc.[30]
Bên cạnh đó, số lượng hạt trên một chuỗi mala cũng có thể biến đổi theo các hình
thức tu tập/thực hành cụ thể, với chuỗi 108 hạt cụ thể được dùng trong các lễ
nghi xoa dịu, hoài niệm, hoài ái và tăng ích; 25 hột cho các lễ nghi khuất phục,
nghi thức giải tai và 60 hạt cho hoạt động phẫn nộ, nghi thức giáng phục. Những
vị thần phẫn nộ như Mahakala nắm giữ hay đeo chuỗi tràng hạt tạo tác từ sọ người
nhỏ, hoặc các mảnh xương chạm khắc thành hình dạng đầu lâu. Mặc dù không có số
lượng thật sự cụ thể cho những đầu lâu này, chúng thường được biểu thị trên một
chuỗi tràng hạt 12, 16, 21 đầu lâu. Ở đây, 12 đầu lâu biểu trưng cho sự giải
thoát khỏi thập nhị nhân duyên, 16 đầu lâu biểu thị 16 không và 21 đầu lâu biểu
trưng 21 loại trí tịnh.
Chuỗi 108 hạt truyền thống của Phật giáo được xâu bởi một sợi dây được tết/bện
từ ba hoặc chín chỉ sợi, biểu trưng cho Tam bảo, hay Kim cương trì/Vajradhara và
Bát đại Bồ-tát. Những hạt được xâu đó cũng biểu thị sự tiếp diễn của Phật pháp
sâu sắc 108 pháp thế gian khác nhau.[31]
Nhiều mala sẽ có một hạt thứ 109 được nhiều người gọi riêng là hạt hột quân
sư/guru, Sumeru, bindu (điểm hoặc chấm xung
quanh được mandala tạo ra, đại diện cho vũ trụ), tháp/stupa, hoặc hạt
mẹ/mẫu. Nó thường lớn hơn hoặc có chất liệu hay màu sắc đặc biệt. Trong một số
truyền thống Phật giáo, hạt mẫu tượng trưng cho A Di Đà hoặc Quán Thế Âm[32].
Hạt guru thường được khoan hai lỗ. Một lỗ có cùng đường kính như trên các hạt
khác và đi qua toàn bộ hạt, và lỗ còn lại có đường kính lớn hơn nhưng chỉ đi qua
một nửa hạt, gặp lỗ thứ nhất ở góc vuông. Điều này cho phép hai đầu của dây đi
vào từ các mặt của hạt guru và sau đó cùng nhau đi ra từ phía dưới. Đặc biệt khi
không có núm tua, có thể lắp thêm một hạt hình nón nhỏ trang trí ở nơi dây đi ra
khỏi hạt guru. Hay hai hạt “guru” tại cuối chuỗi tràng hạt, một vòng tròn và
hình trụ nhọn khác, biểu trưng trí tuệ nhận thức rỗng không và chính rỗng không.
Hình dáng của hai hạt này cũng biểu trưng tháp Bồ-đề của Đức Phật. Khi ba hạt
“guru” được lắp vào cuối chuỗi tràng hạt, chúng tương ứng với Tam bảo (Phật,
Pháp, Tăng) và ba âm tiết thiêng liêng: Om A Hum.
Các hạt khác nhau về màu sắc hay bán quý thường ở vị trí điểm 27, 54, và 81;
chia mala thành bốn phần bằng nhau. Những hạt màu sắc cũng được đặt ở điểm 10 và
21 khi đếm chân ngôn. Gắn vào mala là hai núm tua sợi đếm, mỗi khi lắp với 10
vòng nhẫn nhỏ bằng bạc, vàng, hoặc đồng, và đóng tại những đầu chia với một kim
cương chử/vajra nhỏ bằng kim loại và chuông. Những vật đếm nhỏ đó xâu vào một
dây bện đôi của “phương tiện và trí tuệ”, được sử dụng để đếm các đơn vị (kim
cương chử/vajra) và mười (chuông) chu kỳ chuỗi tràng hạt tụng niệm hoàn thành.
Vật đếm thứ ba thường là biểu trưng bánh xe hay châu báu nhỏ cho hàng trăm có
thể cũng được sử dụng. Và có một sợi dây song song để có lần từ hạt này đến hạt
khác dọc theo mala để đếm lên đến hàng ngàn chân ngôn được tụng niệm. Trên chu
kỳ trọn vẹn của 108 chân ngôn tụng niệm, mala được thay đổi và chu kỳ chân ngôn
tiếp theo được đếm theo trật tự ngược lại lần dọc theo các hạt.[33]
Từng hạt từng hạt được xâu lại thành chuỗi, biểu thị cho chủng chủng công đức
thù thắng của Bồ-tát. Hạt cái trong chuỗi tràng hạt đại diện cho nghĩa vô lượng
quang, vô lượng thọ của Phật A Di Đà. Tràng hạt tuy là kết thành chuỗi, nhưng
cũng có thể phân tách và loại bỏ, biểu thị đem chủng chủng công đức thù thắng
của Bồ-tát để trừ bỏ chủng chủng phiền não của chúng sinh. Hình dạng tròn của
tràng hạt tượng trưng cho chính quả viên mãn của Bồ-tát.
Tràng hạt biểu tượng cho công đức, Phật tính, từ bi, cát tường, viên mãn, tâm
Phật. Quán Thế Âm Bồ-tát tay phải cầm tràng hạt, tượng trưng cho tụng kinh trì
chú, giữ gìn lời nói thanh tịnh, đồng thời tượng trưng pháp âm Phật có thể giải
thoát tất cả mọi chúng sinh thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.[34]
Những hạt thêm vào
Mala có thể có thêm các hạt được
treo từ hạt guru. Đặc biệt là khi không thể di chuyển dọc theo dây vì các gút
thắt giữ chúng cố định, đây là các yếu tố trang trí. Chúng có thể có hoặc không
có biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng (ví dụ, ba hạt chuỗi tượng trưng cho Tam
bảo của Phật giáo là Phật, Pháp và Tăng) nhưng không được sử dụng để đếm các lần
trì tụng theo bất kỳ cách nào.[35]
Đánh dấu đếm và các sợi
Phật giáo Tây Tạng có thể yêu
cầu một hành giả phải hoàn thành một số lượng lần lặp lại cụ thể của một hoạt
động, ví dụ, một hành giả có thể cần hoàn thành 100.000 hoặc 111.000 lần trì
tụng Om Mani Padme Hum để đủ điều kiện nhập môn vào một giáo pháp bí
truyền. Để hỗ trợ cho điều này, chuỗi mala Phật giáo Tây Tạng có thể được tạo
tác với các hạt có chức năng bổ sung thêm vào và bên trên 108 hạt chính. Những
hạt này có hai dạng chính đáp ứng hai mục đích khác nhau: ba hạt đánh dấu cùng
hàng với 108 hạt; hai sợi dây ngắn, mỗi sợi mười hạt, treo từ vòng dây chính.
-
Những hạt đánh dấu cùng hàng
Ba hạt đặc biệt, cùng với hạt
guru, chia các hạt thông thường thành bốn phần, mỗi phần 27 hạt. Chúng cho phép
ước tính nhanh phần nhỏ của một vòng đã hoàn thành. Sự hiện diện của chúng nâng
số hạt (không tính hạt guru) lên 111.
-
Những hạt để phân chia sợi dây
Các sợi dây ngắn có thể được gắn vĩnh viễn với
chuỗi mala, trong trường hợp đó các hạt của chúng có thể khớp với các hạt chính
hoặc chúng có thể thu được một cách riêng rẽ. Các sợi dây riêng biệt như vậy có
ưu điểm là chúng có thể được định vị lại xung quanh vòng dây để ghi lại hạt cuối
cùng được sử dụng trong trường hợp một vòng tụng niệm bị gián đoạn. Những sợi
dây ngắn này có thể hoàn toàn riêng biệt hoặc chúng có thể được kết nối với nhau
ở đỉnh chung.
Các sợi dây kết thúc bằng những chiếc bùa nhỏ,
thường là một chiếc bùa khác nhau trên mỗi một sợi, với hình kim cương
chử/dorje và hình quả chuông là phổ biến. Sợi dây này dày hơn bình thường để các
hạt trên chúng không bị trượt tự do mà người tụng niệm có thể trượt các hạt lên
và xuống. Sau một vòng đơn, người sử dụng sẽ trượt lên một hạt trên, ví dụ, để
thể hiện khoảng 100 lần trì tụng này. Sau khi mười hạt dây chuông được nâng lên,
chúng được hạ xuống và một hạt trên sợi dây dorje được nâng lên, tượng trưng cho
khoảng 1.000 lần trì tụng.
Sau khi mười hạt dorje được nâng lên, sợi bộ đếm có
thể được di chuyển theo bởi một hạt trên vòng chính hoặc người dùng có thể sử
dụng bộ đếm bhum (bhum là tiếng Tây Tạng có nghĩa là “một trăm
nghìn”, phát âm gần đúng là ‘boom’). Bộ đếm bhum là những tấm bùa kim loại nhỏ
với ghim/kẹp có thể đổi vị trí giữa các hạt dọc theo vòng chính để đánh dấu số
lượng lớn hơn. Ví dụ, sau khi di chuyển tất cả mười hạt trên sợi dorje, di
chuyển một bộ đếm bhum đến một nơi để biểu trưng cho khoảng 10.000 lần trì tụng.
4. Sử dụng trong tôn giáo, tín ngưỡng
Trong kinh điển Phật giáo, khởi nguyên của tràng
hạt và lần chuỗi hạt khi niệm Phật, hầu hết đều căn cứ vào sự khai thị của Đức
Phật đối với vua Ba Lưu Ly/Tỳ Lưu Ly đã được ghi chép lại trong kinh Mộc hoạn
tử. Kinh Mộc hoạn tử chép rằng: Một thời Đức Phật cùng giáo đoàn của
Ngài du hóa trong núi Kỳ Xà Quật (Grdhrakuta), nước La Duệ Kỳ (Rājagrha) quốc
vương trong thời nạn ấy tên là Ba Lưu Ly, sai sứ giả đến chốn Phật để xin Thế
Tôn đặc biệt rủ lòng thương xót, cho pháp yếu để có thể tu hành được dễ dàng và
trong đời mai sau xa lìa được mọi khổ não. Đức Phật bảo sứ giả về thưa với nhà
vua rằng: nếu nhà vua muốn diệt được phiền não chướng, báo chướng nên xâu một
chuỗi tràng 108 hạt bằng hạt cây tra (mộc hoạn tử) và thường mang theo mình; khi
đi, khi ngồi, khi nằm thường nên chí tâm, không phân tán ý, xưng danh hiệu Phật,
Pháp, Tăng, và mỗi lần xưng danh hiệu thì lần qua một hạt cây tra. Cứ như thế,
lần lượt qua hạt này đến hạt khác, như: mười hạt, hai mươi hạt, trăm hạt, nghìn
hạt, cho đến trăm nghìn vạn hạt. Nếu lần được đủ hai mươi vạn lượt mà thân tâm
không tán loạn, không có những siểm khúc, thời khi xả thân này được sinh lên cõi
Diệm Thiên thứ ba. Lên đấy, y, thực tự nhiên, thường an lạc hạnh. Nếu lại lần đủ
được một trăm vạn lượt, sẽ dứt hẳn được một trăm tám kết nghiệp, mới gọi là vị
chứng được quả Tu-đà-hoàn (ngược dòng sinh tử), hướng đến đạo Niết-bàn, dứt hẳn
cội gốc phiền não và chức được quả vô thượng. Tràng hạt trong Phật giáo ra đời
từ đấy. Các Tăng sĩ thường mang theo bên mình tràng hạt như là một bảo bối, một
pháp khí quan trọng để hỗ trợ họ trên con đường tu học Phật pháp.
Chuỗi tràng hạt thường được đeo ở tay phải của các
vị thần hoặc dòng dõi các bậc thầy, biểu trưng cho lời nói thuần khiết của họ
thông qua nhận thức từ bi, trắc ẩn; sự thành tâm, mộ đạo; và tụng niệm chân
ngôn. Nhiều dòng dõi bậc thầy Ấn Độ và Tây Tạng cũng biểu trưng với một chuỗi
tràng hạt cuộn quấn quanh cổ tay trái hoặc phải.[36]
Tràng hạt là pháp cụ dùng để ghi nhớ tâm Bồ-đề hay
số lần trì tụng, là biểu hiện cho công đức, Phật tính, từ bi, lương thiện, cát
tường, viên mãn, trừ bỏ được mọi chướng ngại, phiền não.[37]
Các chân ngôn thường được lặp lại hàng trăm, thậm
chí hàng nghìn lần. Chuỗi mala được sử dụng để người ta có thể tập trung vào ý
nghĩa hoặc âm thanh của câu chân ngôn hơn là đếm số lần lặp lại của nó.
Ngoài việc sử dụng thực tế như một phụ trợ trong
việc trì tụng, chuỗi mala theo truyền thống được coi là có thêm các đặc tính tâm
linh. Các chất liệu khác nhau có thể được coi là sức mạnh giúp giải quyết các
vấn đề thực tế hoặc tâm linh khác nhau, và bản thân mala có thể được coi là có
những đặc điểm của bùa hộ mệnh. Trong một số truyền thống, mala được dâng cúng
trước khi sử dụng theo cách tương tự như tranh tượng các vị thần, thông qua việc
sử dụng các câu chân ngôn, đà-la-ni, hoặc bôi trét bột màu. Mala được mua từ các
ngôi chùa và tu viện có thể đã được ban phước bởi chư Tăng của ngôi chùa hay tu
viện đó. Mala cũng có thể được ban phước sau khi mua. Những câu chuyện dân gian
phổ biến có thể mô tả mala như đã được thấm nhuần sức mạnh của nhiều lần trì
tụng mà nó đã được sử dụng, hoặc một mala do một nhà sư đáng kính ban cho có thể
được cho là có khả năng chữa bệnh hoặc phục hồi khả năng sinh sản cho những
người hiếm muộn.[38]
5. Mang đi và cất giữ
Những người tu tập có thể đeo mala theo một số cách:
- Quấn nhiều lần để vừa vặn trên cổ tay.
- Như một chiếc vòng cổ, đặc biệt nếu được làm từ các hạt lớn, khá nặng.
- Đeo ở thắt lưng.
Tuy chúng được đeo nhưng người đeo phải giữ cho mala tránh tiếp xúc với sàn nhà
hoặc mặt đất.
Mala có thể được đựng trong các chiếc túi nhỏ. Một số người tu tập có thể mang
mala của họ trong các túi lớn hơn treo trên mu bàn tay và cho phép mala được
thao tác, vận dụng trong khi nó đang được sử dụng mà không bị lộ rõ trước công
chúng hoặc tránh các rủi ro khi tiếp xúc với mặt đất.
Ở trong nhà, mala có thể được đựng trong túi hoặc không. Một số người tu tập có
thể cất giữ mala của họ trong những hộp trang sức hoặc các hộp đựng tương
tự. Người tu tập có bàn thờ hoặc điện thờ trong nhà cũng có thể chọn để tủ thờ
trên bàn thờ khi mala không được sử dụng hoặc mang theo.
6. Phương thức sử dụng
Vòng dây được quàng qua ngón trỏ của bàn tay phải
và được giữ cố định bằng ngón tay cái bên phải của hạt đầu tiên bên cạnh hạt
guru. Khi mỗi một lần trì tụng được hoàn thành, vòng dây được tiến thêm một
hạt. Một số người tu tập sẽ giữ ba ngón tay khác của họ bên cạnh ngón trỏ sao
cho cả bốn ngón tay đều ở bên trong vòng dây. Những người tu tập khác sẽ chỉ có
ngón trỏ của họ bên trong vòng dây, tách ngón này khỏi ba ngón kia.
Một số người tu tập sẽ quấn vòng dây qua ngón tay
thứ hai của họ (với ngón tay thứ ba và thứ tư cũng ở bên trong) và sử dụng ngón
trỏ để di chuyển qua các hạt vòng về phía ngón tay cái. Điều này được cho là
biểu tượng của atma/linh hồn (biểu thị bằng ngón trỏ) di chuyển về phía paramatma/đại
hồn (biểu thị bằng ngón tay cái) bởi phương tiện của thần chú (chuỗi hạt) vượt
qua các yếu tố của thế giới vật chất (ba ngón tay khác).
Hạt guru không được sử dụng để đếm số lần lặp
lại; mà để đếm cho mỗi vòng bắt đầu và kết thúc bằng một trong các hạt bên cạnh
hạt guru. Trong truyền thống Hindu và một số truyền thống Phật giáo, những người
tu tập đảm nhận nhiều hơn một vòng cùng một lúc, thay vì di chuyển ngón tay của
họ trên hạt guru, họ xoay vòng mala để cùng một hạt đã được sử dụng ở cuối vòng
trước đó trở thành hạt đầu tiên được sử dụng cho vòng tiếp theo.[39]
Trong khi điển hình có 108 hạt thông thường, một số
người tu tập sẽ tính một vòng như chỉ là 100 lần lặp lại (thay cho 108 lần) để
cho phép một hạt vô tình bị bỏ qua hoặc một lần tụng niệm không hoàn hảo.
Phật giáo
Với Phật giáo Nam tông, từ lâu
tràng hạt cũng đã dần dần trở thành một vật tùy thân ngoài 8 vật (3 y, kim chỉ,
bình bát, dây lưng, dao cạo và túi lọc nước) đã được đức Phật chế định.[40]
Phương pháp lần tràng hạt theo ngũ bộ:
1 - Phật bộ: Dùng ngón cái với ngón trỏ của tay
phải mà lần chuỗi.
2 - Kim cang bộ: Dùng ngón cái với ngón giữa của
tay phải mà lần chuỗi.
3 - Bảo bộ: Dùng ngón cái với ngón vô danh (áp út)
của tay phải mà lần chuỗi.
4 - Liên hoa bộ: Dùng ngón cái với ngón út của tay
phải mà lần chuỗi.
5 - Yết-ma bộ: Dùng ngón cái hợp với cả bốn ngón
còn lại của tay phải mà lần chuỗi.[41]
Phật giáo Nhật Bản
Trong Phật giáo Nhật Bản, chuỗi hạt cầu nguyện Phật
giáo được gọi là ojuzu (数
珠,
đếm hạt) hoặc onenju (念珠,
niệm hạt). Các tông phái Phật giáo khác nhau ở Nhật Bản có các juzu với
hình dạng khác nhau, và sử dụng chúng cũng khác nhau. Ví dụ, Chân Ngôn
tông/Shingon, Thiên Thai tông/Tendai và Nhật Liên tông/Nichiren có thể sử dụng
chuỗi hạt cầu nguyện dài hơn với các sợi ở cả hai đầu tương tự như các chuỗi hạt
được sử dụng ở châu Á lục địa. Trong các buổi thờ phượng, những hạt này có thể
được chà xát với nhau bằng cả hai tay để tạo ra tiếng nghiến rít nhẹ, được coi
là có tác dụng thanh tẩy và tôn kính. Tuy nhiên, trong Tịnh độ Chân tông/Jōdo
Shinshū, các chuỗi hạt cầu nguyện thường ngắn hơn và được cầm trên cả hai tay và
không được nghiến với nhau, vì điều này bị cấm kỵ và cũng không chú trọng đến
con số tụng niệm. Tín đồ chỉ dùng chuỗi tràng hạt trong phần lễ nghi với chuỗi
hạt quyện vòng cả hai tay chắp. Tay trái tượng trưng cho saṃsāra (luân hồi); tay
phải là Nirvana (Niết-bàn). Chuỗi hạt thể hiện sự nhất thể của tín đồ và Phật A
Di Đà.[42]
Tịnh Độ tông/Jōdo-shū hơi khác với thông thường vì
sử dụng chuỗi hạt cầu nguyện hai vòng, được gọi là nikka juzu (日
課
数
珠),
được sử dụng để đếm các lần tụng niệm nenbutsu (tức là niệm danh hiệu của
Đức Phật A Di Đà): một hạt vòng ngoài dùng để đếm mỗi lần tụng; một hạt vòng
trong để đếm khi đã tụng hết một chu kỳ vòng ngoài. Khi tụng đủ hết các hạt vòng
trong lẫn ngoài thì tổng số có thể lên đến 60.000 lần. Tuy nhiên người tụng cũng
tùy nghi theo khả năng.
Ngoài ra, các hạt khác treo trên chuỗi hạt, có thể
đếm số xoay vòng đầy đủ của vòng thứ hai (hạt phẳng) hoặc số xoay vòng đầy đủ
của chuỗi hạt đầu tiên. Tổng cộng, có thể đếm được tới 120.000 lần trì tụng bằng
những chuỗi hạt này. Thiết kế này được cho là do một tín đồ của Pháp
Nhiên/Hōnen tên là Awanosuke thực hiện
[43].
Bất kể tông phái Phật giáo nào, chuỗi hạt cầu
nguyện được các tín đồ tại gia sử dụng thường nhỏ hơn, có hệ số 108 hạt. Người
ta thường tìm thấy các chuỗi hạt cầu nguyện ở Nhật Bản có chứa một hình ảnh nhỏ
bên trong hạt lớn nhất, thường là một cái gì đó gắn liền với ngôi chùa hoặc giáo
phái cụ thể. Khi đưa lên ánh sáng, hình ảnh này có thể nhìn thấy được rõ ràng.
Tràng hạt thường được đeo như vòng tay, không chỉ bởi tín đồ Mật tông Phật giáo
Nhật Bản và Tây Tạng. Tuy nhiên, các tu sĩ thường mang những xâu chuỗi dài hơn
như là dây chuyền đeo cổ. Họ dùng những tràng hạt này để giúp họ theo dấu số lần
cầu nguyện và tụng đọc trong lúc cầu nguyện và thiền định. Nhiều bức tranh về
các vị sư tổ Phật giáo thể hiện họ ngồi trên bục mặc tăng bào và lần tràng hạt.
Có những tràng hạt rất lớn đôi khi cũng được dùng trong các nghi lễ cho những vị
thần đặc thù. Chẳng hạn, cứ mỗi mùa hè người ta lại tổ chức một buổi lễ tại
Tokyo, trong buổi lễ đó trẻ con ngồi thành vòng tròn và truyền theo vòng một
tràng hạt lớn đều cầu xin sự che chở của Địa Tạng Vương Bồ-tát, vị thần bản mệnh
của nhi đồng Nhật Bản.[44]
Phật giáo Miến Điện
Các Phật tử Phật giáo Nguyên
thủy ở Myanmar sử dụng chuỗi hạt cầu nguyện được gọi là seik badi, rút
gọn thành badi. 108 hạt được xâu trên một vòng chuỗi, với các hạt
thường được làm bằng gỗ thơm như gỗ đàn hương, và các sợi dây có màu sắc rực rỡ
ở cuối vòng chuỗi. Nó thường được sử dụng trong thiền định samatha, để theo dõi
số lượng câu chân ngôn được tụng niệm trong quá trình thiền định.[45]
Sử dụng ở khía cạnh thẩm mỹ
Trong những năm gần đây, những người phi tôn giáo
đã trở nên phổ biến đeo những chuỗi hạt như một phụ kiện thời trang với những
chuỗi hạt không có ý nghĩa tôn giáo nào. Các thực hành tương tự đã được ghi nhận
từ thời nhà Minh, khi vòng chuỗi mala bắt đầu được các thành viên trong triều
đình Trung Quốc sử dụng làm phụ kiện thời trang. Luật xa hoa quy định chất liệu
của các mala ở Trung Quốc thời nhà Thanh.[46]
Có nhiều ý kiến khác nhau về việc liệu một chiếc
vòng chuỗi mala được đeo như một vật trang sức cũng có thể được sử dụng cho việc
thực hành trì niệm hay không, hay phải sử dụng hai chuỗi mala riêng biệt.[47]
Tu hành theo Phật giáo hạn chế sự phô trương vòng
chuỗi mala, cho dù là để thể hiện sự giàu có hay một khẳng định về lòng mộ
đạo. Như một lời tự nhắc nhở về tín niệm của một người hoặc một biểu tượng không
xâm phạm có thể truyền cảm hứng cho người khác tuân theo giáo pháp mà họ chấp
nhận.
Nói tóm lại, về mặt căn bản, khi chúng ta trầm tĩnh lần từng hạt trên chuỗi
tràng hạt mala là lúc nhắc nhở bản thân không làm việc xấu, khiến cho thân tâm
bình ổn, thanh thản, đặc biệt tu Tịnh độ, niệm tụng Phật pháp và tu trì Mật
tông, tay cầm tràng hạt tụng niệm tăng thêm sức mạnh, có thể phát sinh trí tuệ,
dù là niệm Phật hay trì tụng đều có tác dụng rất rõ ràng, thân tâm chuyên chú,
tập trung định lực.[48]
HUỲNH THANH BÌNH
Chú thích hình:
M1 đến M5: Một số kiểu loại sổ châu mala
Chú thích:
[1]
Apte, V.S. (1965) The Practical Sanskrit Dictionary (Fourth revised
and enlarged ed.), Motilal Anarsidass xb, tr.758.
[2]
Robert Beer (2003). The handbook of Tibetan Buddhist symbols,
Shambhala xb, tr.189-190.
[3]
Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang. Tập 7: QU,
S, T, tr.6013-6014.
[4]
Meher McArthur (2005). Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo, NXB.Mỹ Thuật,
tr.208-210.
[5]
Xem:
-
Kieschnick, John (2003). The Impact of Buddhism on Chinese
Material Culture. Đại học Princeton xb, tr.118-138.
-
Dubin, L.S. (2009). “Prayer Beads”. Trong Kenney, C. (biên
tập). The History of Beads: From 100,000 B.C. to the Present.
Abrams xb, tr.79-92.
[6]
Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd.
[7]
Kieschnick, John (2003). Sđd.
[8]
Kieschnick, John (2003). Sđd.
[9]
Kieschnick, John (2003). Sđd.
[10]
Kieschnick, John (2003). Sđd.
[11]
Untracht, O (2008). “Rosaries of India”. Trong Whelchel, H. (biên
tập). Traditional Jewelry of India. Thames & Hudson xb, tr.69-73.
[12]
Simoons, Frederick J. (1998). Plants of life, plants of death.
Đại học Wisconsin xb, tr.7-40.
[13]
“Buddhist studies: Malas (beads)”. www.buddhanet.net.
Buddha Dharma Education Association.
[14]
Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997). Từ điển biểu tượng văn hóa
thế giới. NXB.Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, tr.935.
[15]
Nặc Bố Vượng Điển (2011). Pháp khí Mật tông, NXB.Hồng Đức,
tr.54-57.
[16]
Robert Beer (2003). Sđd.
[17]
Nặc Bố Vượng Điển (2011). Sđd.
[18]
Smith, Ruth J. (2005). Botanical Beads of the World. Đại học
California xb, tr.99.
[19]
“Buddhist studies: Malas (beads)”. www.buddhanet.net.
Buddha Dharma Education Association.
[20]
Xem:
-
Bhattarai,
Khem Raj; Pathak, Mitra Lal (2015). “A new species of Ziziphus
(Rhamnaceae) from Nepal Himalayas”. Indian Journal of Plant
Sciences. 4: 71-77.
-
Chaudhary,
Sanjib (06/08/2015). “Buddha's Beads Fetch Millions for Farmers in
Central Nepal”. Global Voices.
[21]
Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd.
[22]
Buswell, Robert Jr; Lopez, Donald S. Jr.(2013). Princeton Dictionary
of Buddhism. Đại học Princeton xb, tr.520.
[23]
Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd.
[24]
Nặc Bố Vượng Điển (2011). Sđd.
[25]
Robert Beer (2003). Sđd.
[26]
Louis Frederic (2005). Tranh tượng & thần phổ Phật giáo. NXB.Mỹ
Thuật, tr.112-113.
[27]
Kieschnick, John (2003). Sđd.
[28]
Louis Frederic (2005). Sđd.
[29]
Louis Frederic (2005). Sđd.
[30]
Yên Sơn.
Ý nghĩa chuỗi tràng
hạt trong Phật giáo.
[https://phatgiao.org.vn/y-nghia-chuoi-trang-hat-trong-phat-giao-d42274.html]
[31]
Robert Beer (2003). Sđd.
[32]
Kieschnick, John (2003). Sđd.
[33]
Robert Beer (2003). Sđd.
[34]
Nặc Bố Vượng Điển (2011). Sđd.
[35]
Kieschnick, John (2003). Sđd.
[36]
Robert Beer (2003). Sđd.
[37]
Nặc Bố Vượng Điển (2011). Sđd.
[38]
Kieschnick, John (2003). Sđd.
[39]
Xem:
-
Kieschnick, John (2003). Sđd.
-
Henry, G.;
Marriott, S (2008). Beads of Faith: Pathways to Meditation and
Spirituality Using Rosaries, Prayer Beads and Sacred Words. Fons
Vitae xb.
-
Wiley, E.;
Shannon, M.O. (2002). A String and a Prayer: How to Make and Use
Prayer Beads. Red Wheel/Weiser, LLC xb.
[40]
Yên Sơn.
Ý nghĩa
chuỗi tràng hạt trong Phật giáo.
[https://phatgiao.org.vn/y-nghia-chuoi-trang-hat-trong-phat-giao-d42274.html]
[41]
Cách lần tràng hạt.
[https://www.chuaphucluong.com/cach-lan-trang-hat-812.html]
[42]
Meher McArthur (2005). Sđd.
[43]
“How to Use a Mala (5 Ways)”. japamalabeads.com.
Japa Mala Beads. 15/04/2010.
[44]
Meher McArthur (2005). Sđd.
[45]
Watts, Jonathan; Tomatsu, Yoshiharu (2005). Traversing the Pure Land
Path: A Lifetime of Encounters with Honen Shonin. Jodo Shu xb.
[46]
Kieschnick, John (2003). Sđd.
[47]
Paw, Maung (2004). Myanmar Buddhist Prayer
Beads (PDF). www.usamyanmar.net.
[48]
Nặc Bố Vượng Điển (2011). Sđd.