Quyền trượng khakkhara
quyen truong
QUYỀN
TRƯỢNG KHAKKHARA
Khakkhara là một quyền trượng với chóp treo
những chiếc vòng kim loại theo truyền thống được các chư Tăng Phật giáo mang
theo, đặc biệt là trong truyền thống Phật giáo Đông Á.[1]
Ban đầu khakkhara được sử dụng như một vật tạo
nên âm thanh leng keng hay lạch cạch để thông báo sự hiện diện của một vị Tăng
hoặc rung lên khi chư Tăng khất thực, khiến cho thí chủ nghe biết; đồng thời, khakkhara được dùng để xua đuổi các con
vật nên đôi khi còn được gọi là “quyền trượng thiếc hổ”, do cách sử dụng trong
truyền thống để xua đuổi các loài động vật ăn thịt nguy hiểm, và các sinh vật nhỏ như côn trùng tránh đường để
khỏi bị giẫm phải.[2]
Khakkhara cũng đã được điều chỉnh
để sử dụng như một nhạc cụ nhịp nhàng trong khi tụng và đọc kinh. Ở Tây Tạng, nó
được dùng để xua đuổi ma qủy.[3]
Về sau, khakkhara trở thành một
trong các pháp khí của Thiền lâm và được sử dụng như một vũ khí.[4]
Một số nguồn tài liệu
phỏng đoán rằng loại trượng này phát xuất từ Trung Á, bởi những biểu thị sớm nhất
của loại trượng này được tìm thấy nơi các bức bích họa ở Đôn Hoàng (thế kỷ V)
và ở Địa cấp thị Turfan. Trong khi mô tả sớm nhất được ghi chép lại về một
khakkhara là trong những tác phẩm của vị Tăng người Trung Quốc Nghĩa Tịnh (Yi
Jing), người đã du hành giữa Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ vào những năm 671 -
695 TL. Khakkhara thường được
dùng ở Tây Tạng, Trung Hoa và Nhật Bản nhưng hình như chưa từng được dùng ở Ấn
Độ. Ở Trung Hoa, đó là một trong 18 đồ dùng cá nhân mà một nhà sư được phép sở
hữu. [5]
1. Từ nguyên
Khakkhara (Phạn: khakkhara, khakharara);
Trung Quốc bính âm: xīzhàng/chánzhàng; Nhật Bản: shakujō,
ngoài ra, cũng được
gọi là chi-jo (trí trượng) và tokujo (đức trượng)[6];
Hàn Quốc: seokjang; Tạng: khar-gsil[7]/khar
sil; Hán âm: khích-khí-la, khiết-khí-la;
dịch nghĩa là “gậy thiếc”, “quyền
trượng thiếc”; còn được gọi là thiền trượng, thiên
trượng, tích trượng[8],
khất sĩ trượng, tăng trượng[9],
trụ trượng, trụ trượng tử[10],
trí huệ trượng[11],
thanh trượng, hữu thanh trượng, trí trượng, đức trượng, minh trượng, kim tích;
gọi tắt: Trượng[12].
2. Thiết kế
Tích trượng khakkhara gồm có ba phần là tích, cán gỗ
và thuần (còn gọi là đối, tức phần được bịt đồng ở cuối cán gỗ). Tích là đầu gậy,
hình tháp, có gắn vòng lớn, trên đó treo nhiều vòng nhỏ, khi rung phát ra tiếng,
nên tích trượng còn gọi là thanh trượng.[13]
Cán cầm của thiên trượng
khakkhara chủ yếu là một cán gậy
nhỏ dài, thường làm từ sắt, gỗ hoặc tre/trúc. Trên đỉnh gậy được trang trí một
bảo tháp, thân tháp hoàn chỉnh, có cái còn có một tòa hoa sen. Trong khung có
dáng bầu dục hình ba lá ở phía dưới bảo tháp, cũng có một tòa tháp Phật, đầu
phía dưới hai bên của khung đều treo mấy chiếc vòng sắt. Âm thanh kim loại mà
vòng sắt phát ra, tương truyền có thể đe dọa và đẩy lùi ma chướng, có khi cũng
dùng nó để kêu gọi thí chủ khi hóa duyên.[14]
Bên cạnh đó, phần tay cầm của trượng có hình lục giác hay tròn[15].
Số lượng vòng sắt sử dụng, được gán cho ý nghĩa tượng trưng
trên cơ sở những công thức số khác nhau của Phật giáo. Như ngôi chùa Famen bao
gồm các quyền trượng với một, hai hoặc bốn chiếc khung và bốn, sáu hoặc mười
hai vòng tròn trên mỗi một khung.[16]
Trụ trượng khakkhara có 2 loại: Loại có đầu cong gọi
là Xúc đầu, loại không đầu cong gọi là Tịnh đầu. Có sách cho rằng đầu trên của
trụ trượng là Tịnh đầu, đầu dưới là Xúc đầu. Trụ trượng được dùng trong Thiền
tông thường có một nhánh nhỏ ở phía dưới khoảng 60cm dùng để dò nước sâu cạn,
cho nên trụ trượng còn gọi là Thám thủy.[17]
Bên cạnh đó, tùy theo dụng
công mà tích trượng có tên gọi khác nhau như: Vị Tăng cầm tích trượng du hóa khắp
nơi được gọi là Phi trượng, Tuần trượng. Dùng trụ ở một nơi nào thì gọi là Lưu
tích, Quái tích. Tông Thiên Thai và tông Chân Ngôn ở Nhật Bản, khi có pháp hội
thì dùng tích trượng cán ngắn, rung lên để xướng Phạn bái. Vì thế Phạn bái cũng
gọi là Tích trượng, là một trong bốn pháp yếu. Tích trượng (Phạn bái) có hai loại
là chín điều và ba điều khác nhau. Tích trượng chín điều có chín tiết tán tụng,
còn gọi là Trường tích trượng. Tích trượng ba điều thì tụng hai điều đầu tiên
và một điều sau cuối trong chin điều tán tụng.[18]
3. Nguồn gốc
Một số dị bản về nguồn
gốc của quyền trượng được đưa ra trong Thập
tụng luận/Sarvastivada vinaya, nhưng tất cả chúng đều được Đức Phật
giới thiệu cho các chư Tăng để xua đuổi những con vật - hoặc để bảo vệ họ khỏi
những động vật ăn thịt nguy hiểm như hổ và sư tử, hoặc để xua đuổi những sinh
vật nhỏ như nhện và rắn có thể bị các chư Tăng du hành giẫm lên. Tiếng lạch
cạch, leng keng của quyền trượng cũng như để thông báo đến các tín hữu về sự
hiện diện của một vị Tăng, vì chư Tăng thường giữ im lặng trong khi nhận cúng
dường.[19]
Hữu
bộ Tỳ-nại-da tạp sự 6 ghi: Khi Phật trên Thứu Phong thành
Vương-xá, có một vị Tỳ-kheo già lên núi bất cẩn bị té, Phật liền cho phép những
vị già yếu hoặc bị bệnh được dùng trụ trượng.[20]
Đại
Tỳ-kheo tam thiên oai nghi quyển hạ có nêu 3 nguyên nhân phải
cầm tích trượng: để xua đuổi trùng rắn, vì tuổi già, lúc đi khất thực.
Khi cầm tích trượng có
25 việc hạn chế, như khi gặp tượng Phật, không được để đầu tích trượng phát ra
tiếng, cho đến không được dùng tích trượng chỉ vào người khác, vẽ viết dưới đất…[21]
Trong kinh Trượng thiếc thuộc Đại thừa, Đức Phật
hướng dẫn chư Tăng rằng họ nên có một cây quyền trượng này, bởi vì
chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai cũng đều nắm giữ một quyền trượng
như vậy.[22]
Trụ trượng thường là vật
đề xướng thuyết thị của Thiền tăng, như tắc 34 trong Thung dung lục (Đại 48, 250 thượng) ghi: “Ngài Tuyết Đậu giơ trụ trượng lên nói: Có nạp tăng nào đồng tử đồng
sanh chăng?”.
Trụ trượng cũng dùng để
đánh phạt những người vi phạm thanh quy, như
Sắc tu Bách Trượng thanh quy 2 (Đại
48, 1121 hạ) ghi: “Vị nào phạm lỗi
thì dùng trụ trượng đánh phạt”.[23]
Theo Phật quốc ký của Pháp Hiển, thủ phủ
của Nagara từng có một tịnh xá giữ quyền trượng của Đức
Phật. Quyền trượng được làm bằng “gỗ đàn hương đầu bò” (Phạn: gośīrṣa
candana) và dài khoảng 16-17 chi. Nó được bọc trong một chiếc vỏ
bằng gỗ và rất nặng nên cả nghìn người cũng không thể di chuyển.[24]
4. Văn hóa và chủ nghĩa biểu tượng
Trong các tu viện Trung
Quốc, khakkhara tượng trưng cho thẩm quyền hành chính của vị sư trụ
trì. Khi bước lên bục trong các buổi lễ lớn, vị sư trụ trì lấy khakkhara
và đập xuống đất ba lần trong khi lắc nó, tượng trưng cho sự phá bỏ vô minh và
kêu gọi tất cả chúng sinh. Trong các ngôi chùa Nhật Bản, khakkhara thường được
cầm tay, với tiếng lách cách, leng keng của khakkhara được sử dụng như một nhạc
cụ nhịp nhàng khi tụng kinh để giữ đúng nhịp, tương tự như mõ.
Quyền trượng sắt được
quy định của chư Tăng Phật giáo thường nắm giữ bên tay phải của những vị
A-la-hán và các đệ tử Đức Phật. Quyền trượng thường đi cùng với bát ở tay trái
như biểu tượng cặp đôi của việc tu tính không và đoạn trừ tai họa.[25]
Quyền trượng có ba công
năng: quyền trượng như một chiếc gậy để đi đường, âm thanh kim loại ồn ào có thể
xua đuổi rắn và những sinh vật nhỏ trên đường hành khất, và quyền trượng thông
báo sự hiện diện của một vị Tăng với bát khất thực trên tay. Khi chư Tăng khất
thực, tiếng kêu lạch cạch, leng keng của khakkhara nhằm thông báo sự hiện diện
của họ. Vị Tăng sẽ lắc khakkhara ba lần trước cửa của một ngôi nhà, nếu không
có sự hồi đáp sau năm hay bảy cái lắc, vị khất sĩ cảm ơn và đi một cách yên lặng
qua ngôi nhà kế bên.[26]
Khakkhara tượng trưng cho
chư Tăng trong văn học Trung Quốc, đóng vai trò như một biểu tượng tương tự như
áo cà-sa và bình bát. Tên phổ biến của một nhà sư khất sĩ du hành là Phi
tích/飛
錫
(tích trượng bay). Ngoài ra, một vị Tăng sống trong tu viện có thể được
gọi là Quải tích/掛錫 (tích trượng treo). Một vị Tăng sống trong tu
viện nhưng thường xuyên du hành vì các nhiệm vụ tôn giáo khác nhau cũng có thể
được gọi là Quải tích hay
Trác tích/卓錫.[27]
Tính tượng trưng của kết
cấu khakkhara thể hiện “37 đạo phẩm”: Khakkhara thường với cán dài và tay nắm
có một chút phồng ra ghì chặt ở phần cán phía trên, được tạo hình từ nỉ/dạ hoặc
da biểu thị pháp tính nhất thể[28].
Ba hoặc sáu đại/nẹp kim loại mảnh ở phía trên và phía dưới tay nắm biểu trưng
cho Tam bảo hoặc Lục độ ba-la-mật. Khung cấu trúc bên trên của khakkhara được
làm bằng sắt và tạo thành hình ba lá bầu dục của ba hình cung bao bọc một tháp
đựng thánh tích, với tháp thứ hai tạo hình nên đỉnh của quyền trượng. Khung
hình ba lá thường bao gồm chỉ hai phần đối xứng, nhưng đôi khi những phần bốn
hướng được miêu tả trong biểu trưng ba chiều của khakkhara. Từ hình cung bên dưới
của những phần khung treo một chuỗi các vòng tròn sắt, tạo nên tiếng lạch cạch,
leng keng khi quyền trượng rung lên.[29]
Khung có hai cánh đối xứng tượng trưng cho hai mạch âm dương, ba chiếc vòng kim
loại mỏng tượng trưng cho Tam bảo. Vòng sắt treo ở hai bên trên khung đều nhau,
4 vòng, 6 vòng, hoặc 8 vòng có thể tượng trưng cho Tứ diệu đế, Lục độ ba-la-mật
của Bồ-tát hay lục đạo luân hồi[30],
Bát chính đạo của một vị La-hán, biểu thị các giai đoạn tu trì khác nhau. 12
vòng là tượng trưng cho chuỗi 12 nhân duyên. Vòng ở hai bên đều kết thành hình
chuỗi dây, tượng trưng cho sự đứt gãy và sự duy trì lâu dài của luân hồi.[31]
Tùy theo từng quốc gia
và thời đại mà một khakkhara có thể có bốn, sáu hoặc tám, mười hai vòng nhỏ: có
sáu vòng trên gậy của Bồ-tát và hai vòng trên gậy của một La-hán hay một hiền
nhân.
Ngoài ra, chiếc gậy này
là một tùy vật điển hình của Địa Tạng Vương Bồ-tát; Ngài thường được miêu tả mặc
tăng bào và cầm một khakkhara trong tay phải của mình. Khakkhara cũng thường
được nắm giữ bởi hình tượng của Quan Thế Âm Bồ-tát nghìn tay trong
các bức tượng của Trung Quốc và Nhật Bản. Nhưng khakkhara cũng có thể được cầm
bởi Bất Không Quyến Sách Bồ-tát hay Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật ở Trung Hoa.[32]
5. Văn hóa dân gian
Núi Bạch
Vân ở Quảng Châu, Trung Quốc có một con suối được gọi là “Suối
quyền trượng thiếc”. Theo truyền thuyết, một vị Tăng đã dùng quyền trượng
của mình đánh xuống đất khiến mùa xuân xuất hiện.
“Giếng rửa mắt”
tại Enkōji, tỉnh Kōchi, Nhật Bản được cho là được tạo ra
bởi một khakkhara. Truyền thuyết huyền thoại về ngôi chùa kể rằng vào năm
795, Không Hải (Kōbō) đã sử dụng quyền trượng của mình để phá đất và
kéo nước để cứu ngôi làng gần đó khỏi hạn hán.
6.
Nghệ thuật quân sự
Khakkhara có cán gỗ dài
dùng làm gậy chống hoặc ngắn để đệm trong tụng kinh. Là một cây quyền
trượng, khakkhara còn được sử dụng như một vũ khí. Trong các tiểu thuyết kiếm
hiệp của Trung Quốc, khakkhara thường
là vũ khí của các nhà sư chiến binh, đặc biệt là của tu viện Thiếu
Lâm. Nó đã được sử dụng trong các kỹ thuật phòng thủ của chư Tăng du hành
khắp Đông Á trong nhiều thế kỷ, và các nhà sư tại chùa Thiếu Lâm ở Trung Quốc
chuyên sử dụng nó.
Ở Nhật Bản, shakujō đã
trở thành một thứ vũ khí của một nhà sư. Nó có thể được sử dụng như một quyền
trượng để ngăn chặn các cuộc tấn công, và những chiếc vòng kim loại nhỏ ở đầu trượng
có thể đập vào mặt đối phương để làm đối phương bị mù. Ở đầu của mảnh kim
loại cầu kỳ là một điểm sắc nhọn có thể được sử dụng để tấn công các điểm yếu
của cơ thể. Phần cuối dưới cùng của khakkhara có một báng bằng kim loại có
thể được sử dụng để đâm và đánh đối thủ.
Shorinji Kempo (một trong chín môn võ thuật lớn của Nhật Bản và là một
chi phái của võ Thiếu Lâm, do Tôn Đạo Thần/Sō Dōshin sáng lập vào năm 1947 trên
cơ sở kungfu của Trung Quốc) chứa đựng các phương pháp tự vệ bằng khakkhara,
nhưng ngày nay hiếm khi được thực hành.
Nói chung, quyền trượng
khởi đi từ nguồn gốc thế tục song khi được tích hợp vào Phật giáo ngoài những
chức năng ích dụng, nó còn có nhiều biểu trưng phong phú, hàm chứa nhiều ý
nghĩa.
HUỲNH THANH BÌNH
Chú thích hình:
K1: Đỉnh chóp quyền trượng
khakkhara, Đông Java, thế kỷ 12-13, đồng.
Hiện vật Bảo tàng Dân tộc học Đức.
K2: Đỉnh chóp đồng quyền
trượng khakkhara, năm 1142, sưu tập của
ngôi chùa Tesshu-ji, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản. Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Quốc
gia Nhật Bản.
K3: Đỉnh chóp đồng quyền
trượng khakkhara, Hàn Quốc.
K4, K5, K6, K7: Một số
quyền trượng khakkhara.
K8: Địa Tạng Vương Bồ-tát
với quyền trượng khakkhara trong tay.
Chú thích:
[1] Kieschnick, John (2003). The
Impact of Buddhism on Chinese Material Culture. Đại học Princeton xb, tr.113-15.
[2] Thích Minh Cảnh
(chủ biên). Từ điển Phật học Huệ Quang,
Tập 10: U-V-X-Y, tr. 8751-8752.
[3] Louis Frederic,
Phan Quang Định dịch (2005). Tranh tượng
& thần phổ Phật giáo, NXB.Mỹ Thuật, tr. 110-112.
[5] Louis Frederic,
Phan Quang Định dịch (2005). Sđd.
[6] Louis Frederic,
Phan Quang Định dịch (2005). Sđd.
[7] Robert Beer
(2003). The handbook of Tibetan Buddhist
symbols, Shambhala xb, tr.184-185.
[8] Xem:
-
Watters,
Thomas (1889). Essays on the Chinese Language. Presbyterian Mission
xb, tr.452.
-
Yang, Hsüan-chih (2014). A Record of Buddhist Monasteries in
Lo-Yang. Đại học Princeton xb, tr.244.
[9] Louis Frederic,
Phan Quang Định dịch (2005). Sđd.
[10] Thích Minh Cảnh
(chủ biên). Từ điển Phật học Huệ Quang,
Tập 10: U-V-X-Y, Sđd.
[11] Meher McArthur,
Phan Quang Định dịch (2005). Tìm hiểu mỹ
thuật Phật giáo, NXB.Mỹ Thuật, tr.193.
[12] Thích Minh Cảnh
(chủ biên). Từ điển Phật học Huệ Quang,
Tập 7: QU, S, T, tr 6650-6651.
[13] Thích Minh Cảnh
(chủ biên). Từ điển Phật học Huệ Quang,
Tập 7: QU, S, T, Sđd.
[14] Vũ Thỏa. Nguyên
Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). 1.000
vấn đề về Mật tông, NXB.Thời Đại, tr.490-491.
[15] Louis Frederic,
Phan Quang Định dịch (2005). Sđd.
[16] Kieschnick, John (2003). Sđd.
[17] Thích Minh Cảnh
(chủ biên). Từ điển Phật học Huệ Quang,
Tập 10: U-V-X-Y, Sđd.
[18] Thích Minh Cảnh
(chủ biên). Từ điển Phật học Huệ Quang,
Tập 7: QU, S, T,
[19] Xem:
-
Kieschnick,
John (2003). Sđd.
-
Robert
Beer (2003). Sđd.
[20] Thích Minh Cảnh
(chủ biên). Từ điển Phật học Huệ Quang,
Tập 10: U-V-X-Y, Sđd.
[21] Thích Minh Cảnh
(chủ biên). Từ điển Phật học Huệ Quang,
Tập 7: QU, S, T, Sđd.
[22] Shohei, Ichimura (2006). The
Baizheng Zen Monastic Regulations. Bukkyō Dendō Kyōkai xb.
[23] Thích Minh Cảnh
(chủ biên). Từ điển Phật học Huệ Quang,
Tập 10: U-V-X-Y, Sđd.
[25] Vũ Thỏa. Nguyên
Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). Sđd.
[26] Robert Beer
(2003). Sđd.
[27] Kieschnick, John (2003). Sđd.
[28] Vũ Thỏa. Nguyên
Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). Sđd.
[29] Robert Beer
(2003). Sđd.
[30] Louis Frederic,
Phan Quang Định dịch (2005). Sđd.
[31] Vũ Thỏa. Nguyên
Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). Sđd.
[32] Louis Frederic,
Phan Quang Định dịch (2005). Sđd.