Bản chất của Nhận thức luận trong Phật giáo
ban chat cua nhan thuc
Bản chất của Nhận thức luận trong Phật giáo
Andrew Bakaki - Vô Ưu dịch
Giới thiệu
Nhận thức luận là một trong những phần trọng tâm của việc nghiên cứu triết học.
Các triết gia như Plato thực sự đã được truyền cảm hứng bởi sự nghiệp triết học
của những người như Socrates, người đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại và tranh
luận khác nhau nhằm làm sáng tỏ học thuyết tri thức. Cho đến thời điểm hiện tại,
các triết gia phương Tây về cơ bản đã tham gia vào các cuộc đối thoại như vậy để
xem xét và biện minh cho học thuyết này.
Mặc dù trọng tâm chính của bài này là xem xét học thuyết tri thức (nhận thức
luận) của Phật giáo và làm thế nào để người ta đạt được tri thức về một thứ gì
đó, nhưng nếu không có một bức tranh rõ ràng về nhận thức luận từ quan điểm
triết học phương Tây thì bài viết này sẽ vô ích. Do đó, chúng ta cần nói qua về
nhận thức luận ở trong triết học phương Tây. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của thuật
ngữ “nhận thức luận”, chúng ta cần phân tích ngữ cảnh từ nguyên của nó.
Thuật ngữ “nhận thức luận” được ghép từ hai từ tiếng Hy Lạp là “episteme” có
nghĩa là “tri thức” và “logos” có nghĩa là “nghiên cứu về”. Như vậy, “nhận thức
luận” có thể hiểu là “nghiên cứu về tri thức”. Giáo sư P.D. Premasiri trao cho
chúng ta một định nghĩa rõ ràng về thuật ngữ nhận thức luận. Ông cho rằng nhận
thức luận là lĩnh vực “cố gắng phân tích khái niệm tri thức nhằm xác định các
tiêu chí thích hợp để phân biệt các tuyên bố hợp lệ và không hợp lệ về tri thức.”
Về cơ bản, nhận thức luận giải quyết một số vấn đề chủ yếu liên quan đến (1) bản
chất của tri thức: hiểu tri thức thực sự là gì, và làm thế nào chúng ta có thể
phân biệt giữa người biết và người không biết; những trường hợp hay yếu tố nào
chúng ta đã xem xét để đưa ra sự khác biệt như vậy? (2) Nhận thức luận cũng quan
tâm đến phạm vi hiểu biết của con người: làm thế nào chúng ta biết được điều gì
đó? Chúng ta biết được bao nhiêu hay chúng ta có thể biết được bao nhiêu? Và
liệu chúng ta có thể sử dụng các giác quan, hay các nguyên tắc suy luận lôgic để
thu nhận tri thức hay không. Phạm vi mà chúng ta có thể biết điều gì đó: có một
sự giới hạn khi biết một thứ gì đó hay không.
Tuy nhiên, một trong những mục đích chính của nhận thức luận là xác định các
phương thức hay nguyên tắc mà thông qua đó chúng ta có thể thu được tri thức
về một hiện tượng. Và thường là, việc chúng ta tuyên bố rằng chúng ta biết một
điều gì đó luôn đối mặt với thách thức. Ví dụ, nếu ai đó tuyên bố rằng “Tôi biết
Thượng đế tồn tại”, thì có nhiều khả năng một mệnh đề như vậy sẽ bị thách thức,
“Làm thế nào bạn biết Thượng đế tồn tại? Do đó, tri thức của chúng ta đòi hỏi
rằng niềm tin của chúng ta là đúng và có thể được biện minh bằng những bằng
chứng cụ thể và thực tế.
Mặt khác, từ “tri thức” là một thuật ngữ chung chung nhưng thường được định
nghĩa là một “niềm tin đúng đắn được chứng minh”.
Thường, khi chúng ta tuyên bố biết điều gì đó, chúng ta phát triển một mức độ
niềm tin nào đó đối với điều mà chúng ta tuyên bố biết. Ví dụ, khi một người
tuyên bố rằng anh ta biết Thượng đế tồn tại, người ấy coi đó là niềm tin của anh
ta. Những niềm tin này được đặt cơ sở trên các mệnh đề có thể đúng hoặc sai
nhưng có thể được chứng minh. Ở ví dụ trên, vì cho rằng "Thượng đế tồn tại" nên
người ấy phải ở vị trí chứng minh tuyên bố của mình với những bằng chứng thích
hợp và rõ ràng, hay trong trường hợp này người ấy có thể mô tả hoặc xác chứng
rằng Thượng đế thực sự tồn tại.
Theo truyền thống triết học phương Tây, có nhiều học thuyết ở đó người ta có thể
đạt được tri thức về một thứ gì đó: 1. Những tuyên bố mà chúng ta đưa ra về điều
gì đó phải tương ứng với thực tế của điều mà chúng ta tuyên bố mình biết. Ví dụ,
"Có một hồ chứa nước ở thành phố Kandy". Điều này ngụ ý rằng, để thẩm tra khẳng
định này, người ta phải nhận biết hồ chứa nước ở thành phố Kandy bằng các giác
quan. Tri thức như vậy được cho là tri thức thực nghiệm bởi vì nó được thu nhận
thông qua các giác quan ở nơi thế giới tồn tại vật lý của một người: quan sát (bằng
mắt), nghe (bằng tai), ngửi (bằng mũi), cảm nhận (bằng xúc chạm). 2. Đối với
những người thừa nhận học thuyết suy luận, tri thức chỉ có thể đạt được thông
qua quá trình tiên nghiệm. Họ phản đối học thuyết kinh nghiệm, cho rằng tri thức
không thể đạt được nhờ vào kinh nghiệm, mà chỉ nhờ vào lý luận “trực quan”. Đối
với họ, dữ liệu thu thập được phải được phân tích nghiêm túc để có thể rút ra
các suy luận dựa vào nhận thức của chúng ta. 3. Cũng có những người khẳng định
rằng trí nhớ cho phép người ta biết điều gì đó dựa vào những kinh nghiệm trong
quá khứ và cũng cả những điều mà chúng ta đã biết trong quá khứ, những lời chứng
nhận của người khác có thể truyền tải tri thức. 4. Cũng có những người cho rằng
học thuyết “xu hướng tạo dựng” là một nguồn tri thức. Đối với họ, tất cả tri
thức chỉ là một sự tạo dựng của trí óc, nó dựa vào quy ước, kinh nghiệm của con
người cũng như bầu không khí xã hội của một người.
Với phần giới thiệu ngắn gọn về lý thuyết nhận thức luận này, bây giờ chúng ta
có thể chuyển sang chủ đề chính, nhưng trước khi đi sâu vào bản chất nhận thức
luận của Phật giáo, chúng ta cần có một bức tranh tổng quát về bản chất của nhận
thức luận tiền Phật giáo. Điều này sẽ cung cấp cho chúng ta một sự hiểu biết cặn
kẽ về cách tri thức đã được khẳng định vào thời kỳ tiền Phật giáo như thế nào,
và như vậy chúng ta có thể có nền tảng về cách mà học thuyết tri thức của Phật
giáo đã phát triển như thế nào.
Những phương cách đạt lấy tri thức vào thời kỳ tiền Phật giáo
Nếu xem xét thời điểm khi những người Arya đến Ấn Độ cho đến cuối thời kỳ
Upanishad, chúng ta sẽ thấy rằng tri thức là một vấn đề trọng tâm mặc dù
người dân ở đó không xem nó là một vấn đề quá quan trọng. Việc tìm kiếm tri
thức dần dần bắt đầu gia tăng khi các nền văn minh ngày càng phát triển mạnh
cho đến thời kỳ Vệ-đà, ở đó chúng ta tìm thấy nhiều khía cạnh tôn giáo và
triết học. Chúng ta thấy rằng các tác phẩm vào thời kỳ này nêu ra nhiều phương
cách để thu nhận tri thức khác nhau. Ví dụ, nơi các Upanishad sơ kỳ,
chúng ta thấy có ba phương cách chính để đạt lấy tri thức: 1. Đọc kinh sách;
2. Luận chứng trong các cuộc tranh luận khác nhau mà họ tổ chức; 3. Kinh nghiệm.
Đối với các Upanishad trung và hậu kỳ, họ chuyển sự quan tâm sang thiền
định, xem đó như là phương tiện của tri thức; họ không xem luận chứng như một
cách đạt lấy tri thức.
Khi chúng ta đọc thêm các bản viết tay lịch sử, chúng ta biết được thời kỳ mà
các Aranyaka đại diện, đó là thời kỳ chứng kiến sự nở rộ của nền văn
hóa Bà-la-môn. Bấy giờ người ta cho rằng tri thức Vệ-đà đến từ Phạm
thiên, đấng đã tiết lộ nó cho Prajāti, vị đến lượt đã nói với Manu (con người
đầu tiên). Sau đó, Manu đã truyền lại cho con người. Các Vệ-đà được cho
đã được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua một chuỗi dài các
nhà hiền triết, và do đó, một trong những cách đạt lấy tri thức quan trọng là
từ các nhà hiền triết. Tuy nhiên, vào thời kỳ Upanishad, sự nhấn mạnh đã được
chuyển từ nghi lễ (karma) sang tri thức (jñanā), và từ tri thức về
thế giới vĩnh hằng sang một sự hiểu biết về bản ngã cá nhân (Ᾱtman). Đặc
biệt, việc đạt được tri thức chỉ có thể có được thông qua sự thực hành thiền
định lâu dài, khía cạnh quan trọng nhất của truyền thống ẩn sĩ.
Vào thời điểm Phật giáo sinh khởi, Ấn Độ đang trải qua một quá trình chuyển đổi,
hay một sự thay đổi mô hình không chỉ ở nơi bầu không khí chính trị và xã hội,
mà còn mạnh mẽ hơn ở nơi bầu không khí tôn giáo và triết học hỗn loạn của nó.
Chúng ta thấy rằng các triết gia vào thời kỳ này không chỉ bị mắc kẹt trong vấn
đề tồn tại, mà còn bị sa lầy vào trong nhận thức luận. Vào thời kỳ này, có một
số phương cách mà thông qua đó người ta cho rằng có thể đạt lấy tri thức.
Trong khi phân tích lịch sử của các nhà tư tưởng tiền Phật giáo, hầu hết các học
giả đồng ý rằng có ít nhất ba nhóm: 1. Những người theo thuyết hữu thần, đôi khi
những người này được gọi là những người ủng hộ chủ nghĩa truyền thống; 2. Những
người duy vật; 3. Những người theo thuyết bất khả tri hay những người hoài nghi.
Để có một bức tranh rõ ràng về việc ai thuộc nhóm nào, chúng ta sẽ phải phân
tích lần lượt.
Nhóm thứ nhất, những người hữu thần, còn được gọi là triết học Ajivaka. Theo
K.N. Jayatilleke,
Makkali Gosāla là nhân vật lãnh đạo và nhóm này tin vào mối quan hệ nhân quả
huyền bí của sự tồn tại vũ trụ. Ở nhóm này, chúng ta thấy có nhiều điểm tương
đồng với các tác phẩm trước đó, chẳng hạn như các Aranyaka và các
Upanishad sơ kỳ mà các Ajivaka có thể đã nhận lấy nguồn cảm hứng
từ đó. Thế giới đối với họ được tạo ra bởi một vị thần và thế giới tiếp tục mở
rộng, và chúng sinh tiến hóa cho đến khi đạt được sự giải thoát cuối cùng; chúng
sinh lang thang trong cõi luân hồi và một người phải tái sinh thành mỗi trong
các loài chúng sinh. Khi nói đến khía cạnh luận lý và nhận thức luận, triết học
Ajivaka đưa ra ba góc độ chính mà qua đó chúng ta nên xem xét vũ trụ: 1. Quan
điểm duy vật; 2. Quan điểm tuyệt đối; 3. Cả quan điểm duy vật lẫn tuyệt đối.
Nhóm thứ hai, những người theo chủ nghĩa duy vật. Ajīta Kesakambāli là người
sáng lập và là nhân vật lãnh đạo của nhóm này. Nhóm này cho rằng không có cái
gọi là cuộc sống sau khi chết. Với cái chết và sự tan rã của cơ thể vật lý, đánh
dấu sự tan rã và hoại diệt hoàn toàn của một chúng sinh. Về tri thức luận, nhóm
này không đồng ý với việc những người theo thuyết truyền thống (Vệ-đà)
tuyên bố rằng thẩm quyền kinh điển là một nguồn tri thức đáng tin cậy. Họ đặt
tri thức của họ ở nơi nhận thức và luận chứng lôgic có thể chứng minh.
Nhóm thứ ba là những người bất khả tri, do Sanjaya Bellaṭṭhiputta lãnh đạo. Nhóm
này hoài nghi về mọi thứ và đặt câu hỏi về khả năng của tri thức. Sanjaya
Bellaṭṭhiputta nghi ngờ rằng không thể biết được bất kỳ thứ gì mà nó thực sự tạo
nên ý nghĩa theo cách này hay cách khác. Một lý do là rằng tri thức thì chủ quan
và do đó người ta không thể tuyên bố rằng mình biết tất cả mọi thứ. Có thể rằng
Sanjaya đã dùng lập trường này để bảo vệ những người phàm phu khỏi bị lừa dối
bởi những gì được cho "bị bóp méo" hay "tư biện sai trái". Ông tin rằng các học
thuyết siêu hình như sự cứu rỗi, đời sống sau khi chết, sự vĩnh hằng của linh
hồn thì vượt qua khỏi nhận thức của con người. Do đó, người ta không thể thừa
nhận những quan niệm đó chỉ bằng lý luận hay thông thạo các Vệ-đà. Vì
vậy, Sanjaya và các đệ tử đã tránh các cuộc tranh luận. Thay vào đó, ông đã phát
triển năm phương pháp thay thế để phủ định và bác bỏ các quan niệm:
1. Tôi không nói điều này (evampi me no)
2. Tôi không nói điều đó (tathapi me no)
3. Tôi không nói điều này và điều đó (evampi ca tathapi ca no)
4. Tôi không nói không (nopi me no)
5. Tôi không nói không phải không (nopi nopi me no).
Phật giáo phản bác học thuyết tri thức của những người theo thuyết truyền thống,
duy lý và kinh nghiệm
Vào thời điểm Phật giáo sinh khởi, Ấn Độ mang một diện mạo mới và người ta nêu
ra một số cách thức đạt lấy tri thức. Khi xem xét giáo lý Phật giáo, trước hết
chúng ta thấy rằng Đức Phật đã bác bỏ những lý thuyết về tri thức mà những người
trước và cùng thời với Ngài đã đưa ra. Đối với Ngài, những phương tiện đạt lấy
tri thức như vậy đã tạo ra tri thức không thỏa đáng: tri thức đó không thể giải
thoát chúng ta khỏi những bối rối và đau khổ. Điều này thực sự được chứng minh ở
nơi một số bản kinh. Đầu tiên, chúng ta cần xem xét kinh Tihāyatana thuộc
Anguttara Nikāya. Trong bản kinh này, Đức Phật đã bác bỏ những tuyên bố của
Bà-la-môn giáo về nguyên nhân huyền bí của vũ trụ và đấng điều khiển các hoạt
động và vận mệnh của một người. Như đã nói rõ trong bài kinh này, những
Bà-la-môn khẳng định rằng có một số thứ nào đó đã xảy ra do nghiệp quá khứ của
một người (sabbaṃ pubbekatahetuvāda), trong khi một số được định trước
bởi một vị thần (sabbaṃ Issaranimmānavāda), và có những thứ khác xảy ra
tự động (sabbaṃ ahetva appaccayavāda). Những quan niệm này thuộc về chủ
nghĩa truyền thống và một số nhóm duy vật. Nếu một người chấp nhận thứ gì đó vì
tin vào ba cơ sở này hay tính thẩm quyền của chúng, thì không có chỗ cho quyền
tự do thẩm tra của một người.
Trong kinh Sangarava (Trung bộ), có một cuộc thảo luận giữa Đức Phật và
một đệ tử Bà-la-môn tên là Sangarava. Đức Phật tự xếp mình vào nhóm những người
theo thuyết kinh nghiệm, không phải là người theo chủ nghĩa truyền thống cũng
không phải là người theo chủ nghĩa duy lý, vì Ngài đã trực tiếp trải nghiệm sự
thật và có được tri thức hoàn hảo.
Trong kinh Tam minh (Tevijja sutta, Trường bộ), Đức Phật đã phê
bình tuyên bố của Bà-la-môn giáo rằng người ta có thể đạt được tri thức nhờ vào
điều mình nghe được (anussava: tùy văn). Đức Phật lập luận rằng ngay cả
những người viết các Vệ-đà cũng không trực tiếp nhìn thấy Phạm thiên.
Cuộc thảo luận về vấn đề này một lần nữa được nhấn mạnh trong kinh Cankī
(Trung bộ), ở đó Đức Phật đã phê bình thẩm quyền của các Vệ-đà.
Ở bản kinh này, những căn cứ mà người ta dựa vào để
cho rằng điều mình biết là đúng sự thật là đức tin, sở thích hay khuynh hướng
của một người, và chấp nhận các học thuyết dựa trên suy ngẫm tư biện (diṭṭhinijjhānakkanti).
Theo Phật giáo, những cơ sở này không đảm bảo tính hợp lệ hay trung thực của một
mệnh đề cụ thể được viết trong kinh điển hay được nói ra. Bản chất của tri thức
xuất phát từ những cách thức truyền thống và duy lý như vậy có thể đúng hoặc có
thể không đúng bởi vì nó có thể được trình bày theo bốn cách: (1) Đúng do được
lý luận đúng (sussatam tathā); (2) Sai do lý luận đúng (dussatam tathā);
(3) Đúng do lý luận sai (sussatam aññathā); (4) Sai do lý luận sai (dussatam
aññathā).
Ngoài ra, trong kinh Kālāma, có những cơ sở tương tự bị chỉ trích, sáu
trong số đó liên quan đến mặc khải và tính thẩm quyền và bốn liên quan đến suy
luận lôgic hay suy luận tư biện. Ở đây bản kinh bác bỏ tính thẩm quyền, mặc khải
và suy luận như những phương tiện tri thức thích hợp. Ở điểm này cần phải nói rõ
rằng Đức Phật thực sự không “bác bỏ” các phương tiện tri thức duy vật và duy lý
như hầu hết các học giả cố gắng khẳng định, mà đúng hơn Ngài gọi chúng là phương
tiện đạt được tri thức “không thỏa đáng”. Chúng không đáng tin cậy, không thể hỗ
trợ và không cung cấp cho chúng ta tri thức giải thoát.
Học thuyết tri thức của Phật giáo
Khi chúng ta tìm hiểu sâu hơn về giáo pháp của Đức Phật, chúng ta ngạc nhiên bởi
sự quan tâm khá lớn dành cho các vấn đề nhận thức luận. Mối quan tâm hàng đầu
của Phật giáo là đạt được tri thức giải thoát (yathābhūtaññaṇadassana).
Để đạt được tri thức trực tiếp (tri thức sống hoặc giải thoát), Phật giáo đề
xuất một kinh nghiệm cá nhân trực tiếp, vì “Đức Phật được mô tả là một người
biết và thấy”,
và bất cứ ai đi theo con đường của Ngài cũng trực tiếp trải nghiệm, nhìn thấy,
chứng đắc và nhận ra chân lý cho chính mình.
Từ ñāṇa (tri thức, kiến thức) bắt nguồn từ gốc ñā (biết). Như đã thảo
luận ở trước, chúng ta thấy có những phương pháp để đạt lấy tri thức: 1. Bằng
thiền định; 2. Bằng diễn dịch và thẩm tra.
Bằng cách thực hành những điều này, người ta có thể
có được một sự nhận thức hạn chế về tri thức. Nhưng nếu chúng ta muốn phát triển
thêm nữa sự hiểu biết của mình về thế giới hiện tượng và vấn đề tồn tại, chúng
ta cần phải nâng cao khả năng nhận thức của mình. Điều này không chỉ giúp chúng
ta nhìn thấy mọi thứ ở nơi thực tại cuối cùng của chúng mà còn giải phóng chúng
ta ra khỏi những trói buộc của luân hồi. Trong một số bản kinh, có những đoạn
dành nói về vấn đề tri thức luận, giải thích cách chúng ta có thể nhận biết mọi
thứ ở trong thế giới.
Trước hết, Đại kinh phương quảng (Mahāvedalla sutta, Trung bộ) và Tiểu
kinh ví dụ dấu chân voi (Cullāhaṭṭhipadopama, Trung bộ) đã giải thích hai
cách thức đạt lấy tri thức. Đó là: 1. Lời chứng nhận của người khác (paratoghosa);
2. Tư duy đúng đắn (yonisomanasikāra). Hai cách này có thể giúp người ta
có được sự hiểu biết đúng đắn (samma diṭṭhi). Tuy nhiên, sự phát triển
hiểu biết đúng đắn được hỗ trợ bởi phạm hạnh, hỗ trợ bởi học tập, hỗ trợ bởi
thảo luận, hỗ trợ bởi định, hỗ trợ bởi tuệ.
Tư duy đúng đắn được nhấn mạnh thêm ở nhiều nơi khác nhau trong kinh Giáo
giới La-hầu-la ở Am-bà-la (Trung bộ).
Trong trường hợp này, Đức Phật tán dương một cuộc
thẩm tra kỹ lưỡng về các hiện tượng. Ngài thậm chí còn thách thức các đệ tử thẩm
tra kỹ lưỡng xem sự giác ngộ của Ngài có đúng hay không, và Ngài đưa ra một
thước đo để có thể thực hiện nhiệm vụ đó: 1. Bằng cách lắng nghe những nhận xét
và lời chứng nhận của những người khác mà họ đã biết một người (vị thầy) như vậy
trong một thời gian; 2. Sự gặp gỡ và tương tác (của người thẩm tra) với vị thầy;
3. Ở lại với vị thầy trong một khoảng thời gian để quan sát những điểm nhất quán
và không nhất quán của vị thầy.
Thêm nữa, học thuyết tri thức ở trong Phật giáo không chỉ giới hạn ở nơi những
lời chứng nhận và những thẩm tra tư duy. Chúng ta tìm thấy các thuật ngữ như
sāñña (tri thức đạt được thông qua nhận thức giác quan), abiñña (nhận
biết bằng thần thông), viññana (ý thức) và pañña (trí tuệ - tri
thức giải thoát) ở trong kinh điển Phật giáo. Trong kinh Mật hoàn
(Madhupindika sutta),
chúng ta thấy nói về nhận thức giác quan và cách chúng ta phát triển loại tri
thức này về thế giới xung quanh chúng ta. Như Đức Phật đã mô tả quá trình này:
“Chư Hiền, do nương vào con mắt và các sắc pháp, nhãn thức khởi lên. Sự gặp
gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc nên có cảm thọ. Do cảm thọ người ta có
tưởng; do có tưởng người ta suy tầm; do suy tầm người ta có hý luận. Do hý luận
ấy làm nhân nên một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người, đối với các sắc pháp
do con mắt nhận thức, quá khứ, tương lai và hiện tại”.
Đức Phật cho rằng dữ liệu giác quan (phassa/ sañña) là nguồn tri thức và hiểu
biết chính yếu về thế giới. Tuy nhiên, Đức Phật nhấn mạnh một thực tế rằng, nhận
thức giác quan có xu hướng đánh lừa con người. Do đó, những tri thức như vậy
không được xem là tối hậu.
Phật giáo đề cao khả năng tiếp thu tri thức cao hơn hay tri thức tối hậu.
Thách thức duy nhất mà chúng ta gặp phải là rằng tâm trí của chúng ta bị che lấp
bởi những chướng ngại. Tâm giống như quặng vàng bị đồng, sắt, chì và bạc làm ô
nhiễm. Nhưng khi được tẩy rửa, nó sẽ tỏa sáng với ánh sáng tự nhiên và có được
sự thấy biết siêu việt. Tương ưng bộ nói đến năm thứ chướng ngại tạo nên
sự mù quáng, làm tổn hại trí tuệ, khiến xa rời Niết-bàn. Chúng bao gồm: dục tham
(kamacchanda), ác ý (vyapada), hôn trầm (thina middha),
phóng dật-lo âu (uddacca kukkucca), hoài nghi (vicikicca).
Ở cùng bản kinh, chúng ta thấy có bảy cách hỗ trợ cho sự phát triển tri thức và
trí tuệ - bảy yếu tố đưa đến giác ngộ (bojjhanga). Đó là: 1. Chánh niệm -
nhận biết về pháp; 2. Thẩm tra về pháp (dhamma vicaya); 3. Tinh tấn/nỗ
lực quyết tâm (viriya); 4. Hỷ (pīti); 5. Khinh an/tĩnh tại (passaddhi)
của cả thân và tâm; 6. Định (samādhi); 7. Xả (upekkha).
Nhìn chung, Phật giáo bác bỏ tính thẩm quyền dưới bất kỳ hình thức nào; bác bỏ
đức tin mù quáng, lý luận thuần túy như là phương tiện của tri thức chân thực;
và thay vào đó nó đưa ra ba cách thức đạt lấy tri thức về vũ trụ bên ngoài và
bên trong chúng ta. Đây là ba trụ cột của Phật giáo, bao gồm giới (sīla),
định (samādhi) và tuệ (pañña) - tri thức tối thượng. Giới, định và
tuệ giống như ba bánh của một chiếc xe ba bánh. Tất cả ba bánh xe phải bằng nhau
về sức mạnh và kích thước, nếu không, một chiếc xe không thể đi đến ga cuối
cùng.
Kết luận
Bài viết này cố gắng nêu ra bản chất của nhận thức luận hay học thuyết tri thức
ở trong Phật giáo. Bài viết cũng cung cấp một sự hiểu biết ngắn gọn về vấn đề
triết học của nhận thức luận, bản chất của tri thức vào thời kỳ tiền Phật giáo,
và con đường Phật giáo dẫn đến tri thức. Như chúng ta đã thảo luận ở trên, mục
tiêu của Phật giáo là đạt được tri thức tối thượng, và bất cứ điều gì mà các đệ
tử của Đức Phật làm, về cơ bản phải cấu thành loại tri thức này.
Với việc thực hành giới, định và tuệ, người ta có thể đạt được tri thức tối
thượng. Mặc dù nhận thức luận vẫn còn là một vấn đề triết học được tranh luận
rộng rãi, nhưng Phật giáo đề xuất rằng để biết thế giới xung quanh chúng ta,
điều cần thiết là phải nhìn vào bên trong chúng ta, khám phá năng lượng nhận
thức hay sức mạnh bên trong mỗi cá nhân. Do đó, trong trường hợp này, lý luận
hay suy luận thuần túy chỉ đưa đến hiểu lầm và là nguyên nhân của sự nhầm lẫn
nội tại.
Tài liệu tham khảo
Bodhi, B. (Ed.). (2005).
In the Buddha's Words: An Anthology of Discourses.
Boston, MA:
Wisdom
Publications.
The Middle Length Discourses of the Buddha: A Translation of the Majjhima Nikaya
(1995). (3rd
ed.). (B.
Nanamoli & B. Bodhi, Trans.). Boston: Wisdom Publications.
The Connected Discourses of the Buddha: A New Translation of the Samyutta Nikaya.
(2000). (B.
Bodhi,
Trans.). Boston, MA: Wisdom Publications.
The Long Discourses of the Buddha: A Translation of the Digha Nikaya.
(2012). (M. Walshe,
Trans.).
Boston: Wisdom Publications.
The Numerical Discourses of the Buddha: A Translation of Majjhima Nikaya
(pp. 279-283).
(2012). (B.
Bodhi, Trans.). Boston, MA: Wisdom Publications.
Epistemology. (1978). In
Encyclopedia of Britannica
(Vol. 6, pp. 925-948).
Gotterbarn, D. (1985). Epistemology. In
Lexicon Universal Encyclopedia
(Vol. 7, pp. 221-22).
Jayatilleke, K. N. (1963).
Early Buddhist Theory of Knowledge.
London, United Kingdom:
George
Allen & Unwin Ltd.
Jayatilleke, K. N. (2009).
Facets of Buddhist Thought: Collected Papers.
Kandy, Sri Lanka:
Buddhist
Publication Society.
Matthias, S. (2016). Epistemology. In
Stanford Encyclopedia of Philosophy.
Retrieved
December
17, 2016, from
https://plato.stanford.edu/entries/epistemology/
Motte, T. (1976).
History of Indian Buddhism, From the Origins to the Saka Era.
(S. WebbBoin, Trans.). Paris: Peters Press Louvaiu.
Oldeberg, H. (1997).
The Doctrine of the Upanisads and the Early Buddhism.
(S. B. Shrotri,
Trans.).
New Delhi: Motilal Banarsidass.
premasiri, P. D. (1990).
Epistemology. In G. P. Malalasekera (Ed.),
Encyclopedia of Buddhism
(Vol. V, pp. 95-112).
Truncellito, D. A. (n.d.). Epistemology. In
Internet Encyclopedia of Philosophy.
Retrieved
December
17, 2016, from http://www.iep.utm.edu/epistemo/#SH4a