So sánh bài kệ Thỉnh chư thiên và bài kệ Chúc tán Hộ pháp

so sanh bai ke

So sánh bài kệ Thỉnh chư thiên và bài kệ Chúc tán Hộ pháp

Thích Nguyên Ngộ

Thiên () tiếng Sanskrit là deva, có nghĩa là "người sáng rọi", "người phát quan”. Với phước báu đã tạo từ quá khứ, chư thiên thường có thọ mạng dài lâu, hưởng được sự sung sướng, tuy vậy vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi vòng luân hồi (saṃsāra). Việc thọ hưởng những khoái lạc mà thiên giới mang lại là chướng ngại to lớn khiến chư thiên không giải thoát được. Vì không tự giác tỉnh về vô thường (dù tuổi thọ rất dài), duyên sinh, vô ngã… nên họ không có sự nỗ lực tu tập để tiến đến các quả vị giải thoát. Và sau khi thọ hưởng hết phước của cõi trời, chư thiên sẽ tái sinh trở lại trong các thú, trôi lăn trong luân hồi; và phải thực hành thiện sự, tích luỹ phước báu mới có thể tái sinh lại vào thiên giới.

Phân loại chư thiên

Chư thiên được phân thành ba loại:

1. Samati Devatā: Chư thiên theo kiểu lạm xưng, tự tôn xưng, như các vị vua tự cho mình là thiên tử, tức con trời. Tuy nhiên, do phước báu quá khứ, được sinh làm vua, thì sự thụ hưởng ngũ dục của họ là đệ nhất ở thế gian, nên cũng được xem là “ông trời con”.

2- Upatti Devatā: Chư thiên hóa sinh trong 26 tầng trời, gồm Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.

3 - Visuddhi devatā: Thanh tịnh thiên, chỉ cho các bậc lậu tận, đã chấm dứt phiền não, đấy là chư Phật Toàn giác, Phật Độc giác, Phật Thanh văn giác. Trú xứ của các Ngài lúc còn thân xác hữu vi bao giờ cũng là cõi người. Có trường hợp các vị A-na-hàm đắc định Tứ thiền thì trú xứ tại Ngũ tịnh cư rồi Niết-bàn luôn ở đấy.

Trong kinh Sāleyyaka, Đức Thế Tôn đã thuyết về 26 tầng trời như sau:

-                 Chư thiên cõi Dục giới:

1- Cātummahārājikā: Tứ Đại thiên vương

2- Tāvatiṃsa: Đao Lợi thiên

3- Yāmā: Dạ-ma thiên

4- Tusita: Đâu Suất Đà thiên

5- Nimmāmuratī: Hóa Lạc thiên

6- Paranimmitavasavatī: Tha Hóa Tự Tại thiên

-                 Chư thiên cõi Sắc giới:

7- Brāhma parisajjā: Phạm chúng thiên

8- Brāhma purohita: Phạm phụ thiên

9- Mahābrāhma: Đại phạm thiên

10- Parittābhā: Thiểu quang thiên

11- Appamāṇābhā: Vô lượng quang thiên

12- Abhassara: Quang âm thiên

13- Parittā subhā: Thiểu tịnh thiên

14- Appamāṇa subhā: Vô lượng tịnh thiên

15- Subhā kiṇṇā: Biến tịnh thiên

16- Asaññā: Vô tưởng thiên

17- Vehapphalā: Quảng quả thiên

-                 Suddhāvāsā: Tịnh cư thiên

18- Avihā: Vô phiền thiên

19- Atappā: Vô nhiệt thiên

20- Sudassa: Thiện kiến thiên

21- Sudassī: Thiện hiện thiên

22- Akaṇiṭṭhā: Sắc cứu cánh thiên

-                 Chư thiên cõi trời Vô sắc giới:

23- Ākāsānañcāyatana: Không vô biên xứ thiên

24- Viññāṇanañcāyatana: Thức vô biên xứ thiên

25- Ākiñcaññāyatana: Vô sở hữu xứ thiên

26- Navasaññānāsaññāyatana: Phi tưởng, phi phi tưởng xứ thiên.

Trong A-hàm, kinh Thế ký, đề cập cõi Sắc như sau: “Chúng sinh cõi Sắc có 22 loại, đó là: 1. Phạm thân thiên, 2. Phạm phụ thiên, 3. Phạm chúng thiên, 4. Đại Phạm thiên, 5. Quang thiên, 6. Thiểu quang thiên, 7. Vô lượng quang thiên, 8. Quang âm thiên, 9. Tịnh thiên, 10. Thiểu tịnh thiên, 11. Vô lượng tịnh thiên, 12. Biến tịnh thiên, 13. Nghiêm sức thiên, 14. Tiểu nghiêm sức thiên, 15. Vô lượng nghiêm sức thiên, 16. Nghiêm sức quả thật thiên, 17. Vô tưởng thiên, 18. Vô phiền thiên, 19. Vô nhiệt thiên, 20. Thiện kiến thiên, 21. Đại thiện kiến thiên, 22. A-ca-nị-trá thiên”[1].

Còn theo luận Câu-xá, quyển 8, phẩm 3 - Phân biệt thế giới, nêu ra 18 tầng thiên Sắc giới. Sơ thiền có ba: 1. Phạm chúng thiên/梵眾天, 2. Phạm phụ thiên/梵輔天, 3. Đại Phạm thiên/大梵天. Nhị thiền có ba: 1. Thiểu quang thiên/少光天, 2. Vô lượng quang thiên/無量光天, 3. Cực quang tịnh thiên/ 極光淨天. Tam thiền có ba: 1. Thiểu tịnh thiên/少淨天, 2. Vô lượng tịnh thiên/無量淨天, 3. Biến tịnh thiên/遍淨天. Tứ thiền có tám: 1. Vô vân thiên/無雲天, 2. Phước sinh thiên/福生天, 3. Quang quả thiên廣果天, 4. Vô phiền thiên/無煩天, 5. Vô nhiệt thiên/無熱天, 6. Thiên hiện thiên/善現天, 7. Thiện kiến thiên/善見天, 8. Sắc cứu cánh thiên/色究竟天. Giữa tầng ba và bốn của Tứ thiền có một tầng cho chúng sinh Vô tưởng, được gọi là Vô tưởng thiên.[2]

Những trường hợp được sinh thiên

Về việc tái sinh vào thiên giới, trong kinh đề cập đến những trường hợp khác nhau như sau:

-         Trường hợp của Tôn giả Pukkusāti. Đã từ lâu, Pukkusāti quy ngưỡng Đức Phật và mong muốn xuất gia, tuy chưa chính thức gặp Ngài. Nhân một chuyến du hành, cả hai cùng trú trong căn nhà của người thợ làm gốm Bhaggava. Nơi đây, Pukkusāti lần đầu tiên được diện kiến Đức Phật, được nghe Đức Phật thuyết giảng và Tôn giả đã phát tâm xin xuất gia. Trong lúc đi tìm y bát để đầy đủ pháp thọ giới T-kheo, Tôn giả bị một con bò cuồng chạy, đoạt mất mạng sống. Đối với trường hợp này, Đức Phật xác chứng rằng Pukkusāti đã chứng đệ tam Thánh quả, sinh nơi thiên giới.

-         Có một phụ nữ nghèo đang rang lúa, khi biết Tôn giả Kassapa vừa xuất định sau bảy ngày nhập định, bà đã phát tâm cúng dường phần lúa ít ỏi của mình cho Tôn giả. Sau khi dâng cúng xong bà hoan hỷ trở về nhà với thiện sự vừa làm. Trên đường đi, tín nữ bất ngờ bị một con rắn độc cắn chết. Do vì chết trong tín tâm và với thiện sự vừa làm, nên tín nữ tức khắc sinh lên cõi trời Ba mươi ba với tên gọi mới là thiên nữ Lājā.

-         Thân phụ của Tôn giả Soṇa trước đó làm nghề săn bắn, về già ông bỏ nghiệp sát sinh phát tâm xuất gia và trở thành một vị T-kheo. Khi lâm chung, những ác nghiệp trong quá khứ đã diễn ra kinh hoàng khiến ông sợ hãi tột độ. Thấy vậy, Tôn giả Soṇa đã cho người khiêng cha đến gần một bảo tháp, cắt những cành hoa rồi yêu cầu cha hướng tâm cúng hoa lên tượng Phật và cây bồ-đề. Ngay khi ấy những cảnh tượng kinh hoàng kia biến mất và sau đó ông được sinh thiên.

-         Như được đề cập trong kinh Trung bộ, Bà-la-môn Dhānañjāni là một người ỷ thế vua, bóc lột các Bà-la-môn gia chủ, rồi lại ỷ thế các Bà-la-môn gia chủ, bóc lột vua. Vị Bà-la-môn này có thiện cảm với Tôn giả Sāriputta trong bài thuyết giảng trước đó, mặc dù chưa phát tâm quy y Tam bảo, nhưng lúc lâm chung, Bà-la-môn Dhānañjāni đã cho người mời Tôn giả Sāriputta đến thăm mình. Tại tư thất Bà-la-môn Dhānañjāni, Tôn giả Sāriputta trầm tư: Vị Bà-la-môn này rất luyến ái Phạm thiên giới, vậy ta hãy thuyết giảng con đường cộng trú với Phạm thiên, để nhờ đó Bà-la-môn Dhānañjāni sau khi mạng chung sinh lên Phạm giới.

-         Kinh Đại bát Niết-bàn ghi rằng, có bốn thánh tích, gọi là Tứ động tâm (saṃvejanīyāni ṭhānāni cattāri), đónơi Như Lai đản sinh, nơi Như Lai chứng Vô thượng chánh giác, nơi Như Lai thuyết pháp lần đầu tiên, và nơi Như Lai nhập Niết-bàn. Nếu như bất kỳ ai, trong khi chiêm bái những thánh tích ấy mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sinh cõi thiện thú, cảnh giới chư thiên. Đây là một câu điều kiện, với lưu ý quan trọng rằng, trong khi chiêm bái những thánh tích mà từ trần (kālaṁ) với tâm thâm tín hoan hỷ (pasannacittā), thì mới được sinh vào cảnh giới chư thiên (saggaṃ lokaṃ).

          Như vậy, qua những trường hợp trên chúng ta thấy, điều kiện để được sinh thiên chính là do phước báu hay thiện nghiệp. Tuỳ theo từng cấp độ mà hành giả được tương ứng với cõi trời nào, là thành viên của thiên cung nào. Các cấp độ được xét dựa trên tín (đức tin), giới (ngũ giới, bát quan trai giới), văn (nghe pháp), thí (bố thí, cúng dường), tuệ (biết nhân quả, thiện ác). Phước báu cũng có thể phát sinh từ 10 nguyên nhân sinh phước: bố thí, trì giới, tham thiền, cung kính, phục vụ, hồi hướng, công đức, tùy hỷ công đức, thuyết pháp, nghe pháp, chuyển tà kiến thành chánh kiến. Và còn nhiều thiện nghiệp, pháp hành khác cũng có khả năng giúp hành giả sinh thiên như Tứ vô lượng tâm, Thập thiện…

Hai bài kệ thỉnh chư thiên trong văn hệ Pāli và Hán ngữ

Bài kệ Thỉnh chư thiên trong văn hệ Pāli: “Sagge kāme ca rū pe girisikharatate cantalikkhe vimāne, Dīpe raṭṭthe ca gāme taruvanagahane gehavatthumhi khette, Bhummā cāyantu devā jalathalavisame yakkhagandhabbanāgā, Tiṭṭhantā santike yaṃ munivaravacanaṃ sādhavo me suṇantu”.[3]

“Xin thỉnh cthiên ngự trên cõi trời Dục giới cùng Sắc giới; cthiên ngự trên đnh núi không liền, hoặc nơi hư không; ngự nơi cồn bãi, đất liền hoặc các châu quận; ngự trên cây cối rừng rậm hoặc ruộng vườn; chư Dạ-xoa, Càn-thác-bà, cùng Long vương dưới nước trên bờ hoặc nơi không bằng thẳng, gần đây, xin thỉnh hội họp lại đây. Lời nào là kim ngôn cao thượng của Ðức Thích Ca Mâu Ni mà chúng tôi tụng đây, xin các bậc Hiền triết nên nghe lời ấy.”

Từ năm 1963 đến 1980, khi Phật giáo Nam tông truyền vào Việt nam, c Hòa thượng như Hộ Tông, Pháp Tri, Siêu Việt, v.v. đã biên soạn nghi lễ nhật hành của Phật giáo Nam tông dựa trên nguồn kinh điển Pāli. Từ đó bài kệ thỉnh chư thiên có mặt và được phổ biến trong các buổi lễ nghe pháp, tụng kinh, v.v. trong truyền thống Phật giáo Nam tông. Nội dung bài kệ thỉnh mời các vị chúng sinh ở các cõi trời, ở khắp mọi nơi, chư Dạ-xoa, Càn-thát-bà, hay long vương đến nghe pháp thoại và thọ nhận những lời dạy của Đức Phật Thích-ca mà hành trì tu học.

Bài kệ Chúc tán Hộ pháp trong kinh Vô thường, thuộc Đại chánh tạng:

天阿蘇羅藥叉等 來聽法者應至心

擁護佛法使長存 各各勤行世尊教

諸有聽徒來至此 或在地上或居空

常於人世起慈心 晝夜自身依法住

願諸世界常安隱 無邊福智益群生

所有罪業並消除 遠離眾苦歸圓寂

恆用戒香塗瑩體 常持定服以資身

菩提妙華遍莊嚴 隨所住處常安樂[4]

“Trời, A-tu-la, Dạ xoa thảy

Đến nghe pháp đó nên chí tâm

Ủng hộ Phật pháp khiến thường còn

Mỗi vị siêng tu lời Phật dạy.

Bao nhiêu người nghe đến chốn này

Hoặc trên đất liền hoặc hư không

Thường với người đời sinh lòng từ

Ngày đêm tự mình nương pháp ở.

Nguyện các thế giới thường an ổn

Phước trí vô biên lợi quần sinh

Bao nhiêu tội chướng thảy tiêu trừ

Xa lìa các khổ về viên tịch.

Hằng dùng giới hương xoa vóc sáng

Thường trì định phục để giúp thân

Hoa mầu bồ-đề khắp trang nghiêm

Tùy theo chỗ ở thường an lạc.”

Bài kệ Chúc tán Hán ngữ được sử dụng chủ yếu trong nghi lễ tụng kinh của Phật giáo Bắc truyền, để tán thán các vị Hộ pháp (Trời, A-tu-la, Dạ-xoa, v.v.) thọ trì lời Phật dạy và giữ gìn Chánh pháp lâu dài.

Hai bài kệ trên đều tán thán, thỉnh mời các vị thiên, dạ-xoa, long vương, thiện thần, mong họ lắng nghe được Chánh pháp mà thực hành và hộ trì Chánh pháp ấy được tồn tại lâu dài. Trong kinh Phật, chư thiên trong nhiều trường hợp cho thấy là một vị hộ pháp và thỉnh pháp. Trong kinh Thánh cầu (Trường bộ), có đề cập việc Phạm thiên Sahampati đã cầu thỉnh Đức Phật thuyết pháp sau khi Ngài chứng ngộ. Vì mong muốn chân lý được lưu truyền ở thế gian nên Sahamapati đã cầu thỉnh Đức Phật ba lần, và sau ba lần thỉnh, Ngài đã đồng ý.

Tuy nhiên, về mặt văn cú thì có một số điểm dị biệt. Bài kệ Thỉnh chư thiên chỉ mời thỉnh các vị thiên, dạ-xoa, long vương ở các nơi như cõi trời, rừng núi đến để nghe pháp thoại từ kim ngôn của Đức Thế Tôn. Còn bài kệ Chúc tán lại chứa đựng hàm nghĩa nhiều hơn:Đến nghe pháp đó nên chí tâm/ Ủng hộ Phật pháp khiến thường còn”. Ở đây sau khi thỉnh mời chư thiên, a-tu-la đến nghe pháp, còn khuyến hóa các vị ấy hãy chí thành, tinh tấn tu tập và hộ trì Phật pháp. Bài kệ chúc tán thể hiện tinh thần hộ pháp Bồ-tát: thường sinh từ tâm (常於人世起慈心) và làm lợi ích cho chúng sinh ( 無邊福智益群生 ).

Với tinh thần Bồ-tát của Phật giáo Đại thừa, vai trò của vị hộ pháp Bồ-tát vượt qua ý nghĩa của chư thiên thông thường như thọ và hành Phật pháp. Chư thiên ở đây còn thể hiện sự dấn thân phụng sự, giúp đỡ chúng sinh bằng Tứ vô lượng tâm, bằng giới hương, định phục và trí tuệ bồ-đề. Ở đây Phật giáo Đại thừa xem vai trò của chư thiên là vai trò của một vị Bồ-tát; chư thiên thực hành hạnh Bồ-tát để hướng dẫn và giúp đỡ chúng sinh, bằng cách tự thân thực hành Chánh pháp, dùng lòng từ quán xét chúng sinh, luôn sống trong chánh niệm, từ đó tạo nên năng lượng từ bi ảnh hưởng đến chúng sinh, giúp cho thế giới an hòa, chúng sinh được an lạc.

Những vấn đề liên quan đến chư thiên

Có nên cầu sinh thiên?

Theo Phật giáo, thiên giới là một trong các cõi mà con người sau khi chết sẽ tái sinh vào. Theo Kathavatthu, quyển VIII, trái ngược với bốn cõi khổ địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, a-tu-la thì cõi người và cõi trời là cõi lành. Cõi trời có đầy đủ phước báu và sự an lạc hơn cõi người, nhưng bên cạnh đó cõi người có vui có khổ nên Phật dạy là nơi thuận lợi để tu tập chứng quả. Vì vậy Đức Phật thị hiện vào cõi người mà không thị hiện nơi cõi khác. Trong kinh Đức Phật dạy hàng cư sĩ về cảnh giới hướng thượng qua việc được cộng trú với chư thiên, sinh vào thiên giới. Kinh Đại bát-niết-bàn, Trường bộ số 16, có đề cập đến số lượng các vị cư sĩ được sinh thiên: “Cư sĩ Kakudha đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, hóa sinh (thiên giới), và từ đó nhập Niết-bàn không còn trở lại đời này nữa. Cư sĩ Kālinga... cư sĩ Nikaṭa... cư sĩ Kaṭissabha... cư sĩ Tuṭṭha... cư sĩ Santuṭṭha... cư sĩ Bhadda... cư sĩ Subhadda đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sinh (thiên giới), và từ đó nhập Niết-bàn không còn trở lại đời này nữa. Này Ānanda, hơn năm mươi cư sĩ mệnh chung tại Nādikā, đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, hóa sinh (thiên giới) và từ đó nhập Niết-bàn không còn trở lại đời này nữa. Này Ananda, hơn chín mươi cư sĩ mệnh chung tại Nādikā, diệt trừ ba kiết sử, làm giảm thiểu tham, sân si, chứng quả Nhất lai, sau khi trở lại đời này một lần nữa sẽ diệt tận khổ đau. Hơn năm trăm cư sĩ, mệnh chung tại Nadika, diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, nhất định không còn đọa vào ác đạo, đạt đến Chánh giác”[5].

Đức Phật thuyết pháp nhằm mục đích giúp chúng sinh vượt thoát mọi khổ đau của sinh tử, luân hồi. Tuy nhiên, có những chúng sinh vì sợ hãi cảnh giới địa ngục, chán sự khổ đau của kiếp súc sinh, và những điều bất toại ý của loài người nên mong muốn được sinh nơi cõi sung sướng, vì vậy Đức Phật chỉ bày cảnh giới an lạc của chư thiên, mà đó dường như là nơi hạnh phúc nhất, đáng mong cầu nhất của người dân xứ Ấn lúc bấy giờ. Nhưng cõi trời không phải là mục đích tối hậu của người Phật tử, cho nên sau khi sinh vào thiên giới, người ta phải tiếp tục tu tập để trừ diệt các kiết sử phiền não, thoát khỏi tam giới, chứng đắc Thánh quả.

Các vị Thánh hữu học sinh về đâu?

Khi tu tập đạt đến tam quả A-na-hàm, hành giả chắc chắn sẽ tiến đến quả vị giải thoát hoàn toàn A-la-hán. Tăng sĩ hay cư sĩ đều có thể chứng đệ tam quả A-na-hàm, nhưng hàng xuất gia với sự ly dục, ly bất thiện pháp một cách hoàn toàn nên sẽ chứng được quả vị A-la-hán. Riêng hàng cư sĩ, trong sử chỉ ghi chép có một người chứng được Thánh quả A-la-hán, đó là vua Tịnh Phạn (Suddhōdana), do chính Đức Phật trực tiếp độ trước lúc lâm chung và do túc duyên đã đủ.

Với hành giả chứng đệ tam quả A-na-hàm thì được trú nơi cõi trời tầng trên cùng trong Đệ tthiền thiên, còn gọi là Tịnh cư thiên (Śuddhāvāsa), và không thối đọa trở lại cõi nào nữa nên cũng được gọi là Bất hoàn thiên. Tuỳ theo lúc tu tập, phát triển chi thiền nào mạnh sẽ được tái sinh vào một trong năm cõi đó: nếu vị Tam quả có Tín căn mạnh thì sẽ tục sinh ở cõi Vô phiền thiên; nếu vị Tam quả có Tấn căn mạnh thì sẽ tục sinh ở cõi Vô nhiệt thiên; nếu vị Tam quả có Niệm căn mạnh thì sẽ tục sinh ở cõi Thiện kiến thiên; nếu vị Tam quả có Ðịnh căn mạnh thì sẽ tục sinh ở cõi Thiện hiện thiên; nếu vị Tam quả có Tuệ căn mạnh thì sẽ tục sinh ở cõi Sắc cứu cánh thiên. Vị Tam quả dù không đắc thiền cũng được sinh về cõi Sơ thiền, từ đây các vị A-na-hàm tu tập và chứng được đệ tứ quả A-la-hán; vị ấy không còn tái sinh, hoàn toàn giải thoát.

Có nên lễ bái chư thiên?

Theo Phật giáo Nam truyền, một người khi đã quy y hay xuất gia với Đấng Vô thượng sư, thầy của trời người thì không nên lễ bái bất kỳ vị nào khác ngoài lễ bái Tam bảo. Chính vì các vị ấy còn trong luân hồi, còn tái sinh trong lục đạo, vẫn còn khổ đau phiền não nên không quy y và đảnh lễ các vị ấy. Cho nên các chùa theo hệ thống Nam truyền Phật giáo không hướng dẫn cư sĩ lễ bái chư thiên mà chỉ đảnh lễ Tam bảo.

Tuy nhiên, trong Phật giáo Bắc truyền, tinh thần Bồ-tát được nêu cao, và vai trò hộ pháp của Bồ-tát mang ý nghĩa quan trọng. Trong kinh điển Bắc truyền, các vị hộ pháp không chỉ là chư thiên ở các cõi trời trong tam giới mà còn là các vị Đại Bồ-tát, như Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Diệu Âm, Đắc Đại Thế, v.v. Chư vị này hóa hiện thànhsố hình tướng khác nhau để hoá độ chúng sinh, làm lợi ích chúng sinh và khiến Phật pháp trường tồn ở thế gian. Cho nên hình tượng chư thiên hộ pháp là vị vì đại nguyện xả thân để cứu độ chúng sinh, gìn giữ kho tàng giáo pháp của Đức Phật. Chính vì thế, các chùa Phật giáo Bắc truyền đều đảnh lễ vị hộ pháp chư thiên với đại nguyện Bồ-tát sâu rộng ấy.

 

 


 

[1] Kinh Trường A-hàm tập 1, Hán dịch: Phật Đà Da Xá Trúc Phật Niệm, Việt dịch: Tuệ Sỹ, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr.658.

[2] Đại tập 99, bộ Tỳ-đàm XI, số 1558 (quyển 1 - 30), luận A-tỳ-đạt-ma-câu-xá, quyển 8, phẩm 3: Phân biệt thế giới (phần 1), Sa-môn Thích Tịnh Hạnh dịch, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, 2000, tr.216.

[3] Kinh Nhật tụng (Phật giáo Nguyên thuỷ), Hộ Tông dịch, Thành hội Phật giáo TP.HCM, 1992.

[4] 「佛無常經」(CBETA 2022.Q1, T17, no. 801, p.745b7).

[5] Kinh Trường bộ 1, 16, kinh Đại-bát-niết-bàn, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.Hồ Chí Minh, 1991, tr.539.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle