Đời không thiếu tri âm

doi khong the

Đời không thiếu tri âm

Chân Hiền Tâm

Bá Nha làm quan. Tử Kỳ chỉ là người đốn củi ở ven rừng. Bá Nha đàn, ngón đàn nghe nói điêu luyện lắm. Một hôm trên đường từ Tấn về Sở, ngang sông Hán đúng vào đêm Trung thu, trăng thanh gió mát, ông dừng chân gảy một khúc đàn. Không ngờ gảy chưa hết bài, dây đàn đứt. Bá Nha giựt mình, là có người nghe lén? Ông cho quân tìm kiếm thì Tử Kỳ cũng vừa lên tiếng…

Không phải Tử Kỳ chỉ thích ngón đàn của Bá Nha và hiểu rành rẽ về ngón đàn đó, mà còn hiểu được tâm trạng của Bá Nha khi Bá Nha đàn. Bá Nha đã coi Tử Kỳ không chỉ là tri âm mà còn là tri kỷ của mình.

Việc viết lách truyền bá Phật pháp cũng không khác mấy Bá Nha đàn, Tử Kỳ nghe. Có khúc như biết người, tri âm vang vọng. Có khúc như gió thoảng lướt qua rồi thôi. Đôi lúc tưởng như một mình mà tri âm không thiếu.

Những ngày đầu mới viết, tôi nhận được khá nhiều lời tán thán. Bởi tôi đã biến Phật pháp trở thành những câu chuyện nhỏ qua đời sống thường nhật. Phật pháp của tôi là những gì tôi đã cảm nhận được qua cuộc sống của mình. Cuộc sống thì gần gũi và sống động nên Phật pháp của tôi không khô khan. Phật pháp không lìa dòng đời. Tôi không muốn có khoảng cách giữa đời sống thường nhật của một chúng sinh với lời dạy của Đức Phật. Nhưng sự thực là tôi cũng không có khả năng để viết về những hiểu biết ngoài cuộc sống của mình. Chỉ là những chuyện nhỏ nhặt chung quanh, những gì đang hiện khởi trong tâm, những gì đọc được trong kinh luận, v.v. Mọi thứ chỉ loanh quanh và gần gũi như thế. Một vài lúc, có những điều thấy có vẻ cao siêu, nhưng thật ra nó không ngoài cuộc sống của tôi. Chỉ là đôi khi, tôi đã ăn một thứ gì đó mà các bạn chưa dùng tới. Vì thế nó trở thành cao siêu và xa lạ. Kỳ thực chẳng có gì ra ngoài cuộc sống hiện tại của tôi.

“Pháp của ta chỉ có một vị là giải thoát”. Nghe hai chữ giải thoát thấy sao mầu nhiệm và cao siêu, chỉ có thể dành cho những bậc siêu phàm, những người có đời sống thoát tục cao quý. Nhưng không, không còn cảm thấy phiền não với những việc quanh mình là giải thoát. Không còn phải động tâm bởi những lời nói không mấy êm tai là giải thoát. Không còn bị lệ thuộc vào việc ăn ngon hay ăn dỡ là giải thoát. Không còn bị những thói quen trói buộc là giải thoát. Bình thản được với cái chết là giải thoát, v.v. Tất cả đều là giải thoát. Chỉ là ít hay nhiều, sâu hay cạn. Một loại giải thoát không lệ thuộc vào chỗ mình ở hay màu áo mình mặc mà ở ngay chính ở thân tâm này. Biết nương vào giáo pháp của Như Lai và vận hành nó sao cho phù hợp với đời sống của mình thì đâu cũng có thể tìm thấy giải thoát. Vì thế chất vị giải thoát không chỉ dành cho người xuất gia mà cho cả người tại gia. Giải thoát không phải là một khái niệm xa lạ và tách rời cuộc sống của mình. Phật pháp không lìa dòng đời. Kinh Pháp bảo đàn, một cuốn kinh thuộc hệ thượng thừa đốn giáo, là kim chỉ nam của Thiền tông, trong đó dạy luôn cho người tại gia. Phật pháp dù có xuất thế cũng không thể lìa thế gian này mà xuất.

Những mối nhân duyên trong đời cũng bắt đầu từ cái mục tri âm trong sự nghiệp viết lách này.

Một cậu nhóc bỗng xuất hiện, bảo với tôi đã đọc hết sách tôi viết, những cuốn nho nhỏ. Giờ nó muốn tôi làm cho nó một việc. Nó biết tôi sẽ làm được, không thể ai khác, nên đã chọn tôi làm việc này. Mô Phật! Tôi chần chừ, không biết mình có làm được không, nhưng cậu nhóc thì cam chắc tôi làm được. Đúng như nó nói, tôi làm được. Chẳng phải do tài cán mà vì mọi thứ đều có nhân duyên. Nhân như thế, duyên như thế thì cho ra quả như thế. Cái nhân thiện nghiệp cô bạn kia đã gieo từ quá khứ, giờ đủ duyên thì ra quả, tôi chỉ là cái duyên giúp sự việc thành tựu, như giọt nước tràn ly. Không có cái nhân đã gieo trước đó thì không thể nào làm gì cho xong việc. Pháp nhân duyên là như thế. Cái quyết định không phải chỉ ở nhân hay duyên mà bao gồm cả nhân, đủ duyên mới thành quả. Hiểu mọi thứ trên đời đều do nhân duyên mà thành thì không ai dám vỗ ngực xưng mình tài ba trước một cơ ngơi đồ sộ, cũng không dám khoe khoang mình là người quyết định mọi thành công trong công việc của mình. Thành công hay thất bại nằm ở những thiện nghiệp mà bạn đã tạo ra từ quá khứ. Không có phần thiện nghiệp này - là những thứ như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định... - thì hiện tại dù tài giỏi bao nhiêu bạn cũng khó có thể thành công. Cho nên, nhận ra được mặt nhân duyên này của pháp, chấp ngã cũng vơi đi, ít nhất là vào lúc đó.

Việc làm cố vấn cho một đạo tràng cũng vậy. Cũng là theo sắp đặt của một cậu nhóc. Cũng từ vụ đọc sách mà ra. Chẳng phải là thứ tôi tự nghĩ ra và quyết tâm tạo lập như cách của bao người. Từ nhỏ đến lớn, không tự mình nghĩ ra được cái gì cho cuộc đời mình. Chuyện viết báo cũng vậy. Đâu phải tự mình quyết định, tự viết rồi tự gửi cho báo. Một chiều, bỗng dưng nhận được tiền nhuận bút từ báo gởi tới. Quý Thầy tự lấy bài trên mạng đăng báo và gửi cho tiền nhuận bút. Rồi quý Thầy đề nghị viết bài cho báo. Mọi thứ được sắp đặt như thế. Thứ gì tự nó đến thì có vẻ dài lâu. Còn thứ gì do cái đầu này dựng lập ra thì gần như không có việc gì thành tựu. Có lẽ vì thế mà tôi trở nên ù lì, việc tới đâu cứ theo tới đó giải quyết. Chẳng màng sáng tác thêm cái gì.

Ngay cả khi làm cố vấn cho một đạo tràng, mọi hoạt động sắp xếp cũng do huynh trưởng hoạch định, lên kế hoạch. Ngay cả chức cố vấn và việc giảng dạy của hai vợ chồng cũng do anh chàng nghĩ ra rồi vào xin Hòa thượng. Tôi chỉ có một việc là gật đầu hay không. Trong toàn bộ mọi công việc đều như thế. Thứ nào thấy không xong thì giải thích. Giải thích rồi mà vẫn muốn làm thì để cho làm, thất bại xảy ra thì rút kinh nghiệm. Có điều phải công nhận cậu nhóc rất có tố chất của một người lãnh đạo. Giỏi sắp đặt, tổ chức, giao tiếp và biết linh động trong việc tiếp thu ý kiến người khác, không cố chấp với những gì mình đã đưa ra. Quan trọng là cậu hết lòng hết ý với đạo tràng. Hình như ngoài đạo tràng ra, cậu không còn cái gì khác. Trên Tam bảo. Dưới đạo tràng. Hết. Nhờ đó mà đạo tràng ngày một lớn mạnh. Ngoài những mạnh thường quân có lòng với đạo tràng, còn chiêu tập được một lớp trẻ không chỉ có tri thức đời thường mà tâm thức cũng khá lanh lợi, dễ tiếp thu ý kiến người trên, nhiệt tâm với đạo pháp, biết đặt cái chung trên cái riêng, dễ thấy lỗi mình hơn là hướng ra ngoài nhìn ngó thiên hạ, v.v. Nói chung, thiện nghiệp tạo lập từ quá khứ khá tốt nên mọi thứ đều thuận buồm xuôi gió. Không cần tính toán hơn thua chi li, chỉ cần giữ thân, khẩu, ý cho thanh tịnh, dù một chút duyên nhỏ an vui cho mọi người cũng không bỏ sót[1] thì mọi việc tự an bày. Hiện tại an ổn mà tương lai cũng có cái quả tốt đẹp.        

Huynh trưởng giỏi quá nên khi câu ta chuẩn bị xuất gia, tôi đã xin lui chức cố vấn, viện cớ dưỡng già. Nhưng cậu nhóc không cho. Bắt tôi hứa không được bỏ đạo tràng. Bằng lòng cho tôi chọn huynh trưởng kế tiếp để tôi tiếp tục việc của mình. May mắn là vẫn còn một người, trình độ chưa được như huynh trưởng cũ, nhưng cũng có ít nhiều tố chất của một huynh trưởng, để mà chọn. Thêm vào đó là mớ choi choi, chúng cũng không cho tôi lui. “Hòa thượng lớn tuổi bệnh vậy mà giờ còn điều hành cả một hệ thống. Cô có chút bẹo đó đã đòi nghỉ”. Bởi cớ sự đó mà bệnh thì bệnh, vẫn cứ tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của mình.                   

Nói chung, trong quá trình học đạo và hành đạo, tôi có khá nhiều chuyện thú vị để kể.

Học đạo thì thu thúc thân tâm, giao tiếp không nhiều. Hết lên thiền viện nghe pháp thì về nhà bơi với công phu cùng với công việc nhà. Ít giao tiếp. Chỉ có giai đoạn hành đạo, dù hành đạo cũng không ngoài việc học đạo, mới có nhiều việc lý thú xảy ra.

Cái khoảng trước, gặp một anh chàng, thật tình không biết có phải là chàng không nữa. Nhưng thơ văn và cái giọng tán phụ nữ khá điêu luyện. Nếu là phụ nữ thì quả tình người phụ nữ ấy rất tuyệt. Nhưng tôi không chú tâm đến cái giọng tán gái của anh ta. Với tôi, thứ gì bùm xùm miệng lưỡi quá thì thường chỉ có trên bờ môi, còn lòng thì không thật. Nam nhi kiểu đó không phải là loại đàn ông tôi thích. Thành việc đó không ảnh hưởng đến tôi nhiều như các phụ nữ khác. Nhưng tôi quý cái tài làm thơ của anh ta. Anh ta huân tập việc làm thơ không biết bao nhiêu kiếp rồi mà thơ làm rất ngọt. Cái gì cũng làm thơ được. Vần điệu rất chuẩn. Phải nói là giỏi.

Ngày đó, tôi đã chất một đống thơ anh ta làm tặng tôi cộng thêm mấy bài thơ họa lại trong cái trang blog yahoo. Sau đó blog yahoo biến mất. Tôi không tìm cách giữ lại nên mất hết.

Cũng không tha thiết với chủ nhân của những bài thơ ấy cho lắm. Dù có vẻ tâm đầu ý hợp, dù có vẻ trong lòng chàng ta rất quý Chân Hiền Tâm.

Một sự giao tiếp không dính mắc, phải nói thoải mái và hạnh phúc vô cùng.

Người nói thế nào chuyện của người

Ta nghe như nước chảy qua mương

Tương phùng vui vẻ, không lưu dấu

Ly biệt thì thôi, chẳng vấn vương.

Chắc cũng đến mười mấy năm không còn gặp.

Cách đây mấy năm lại thấy hai đoạn thơ viết tặng trên yume, ghi dưới góc của bài giảng “Bài tựa Trung luận của ngài Tăng Duệ”. Cũng lại cái giọng tán thán phụ nữ, cũng gieo vần khá chỉnh. Chắc cũng là chàng ta. Cố nhân. Bài thơ viết tặng đã một năm nhưng đến lúc đó mới thấy.

Tiếng đã nghe rồi chửa thấy người

Ai kia khi nói có cười tươi? 

Má, môi có điểm màu son phấn? 

Mắt trụ vào đâu lúc mỉm cười? 

Say đắm nghe con gái tóc dài

Tự tin rao giảng chỗ không hai

Giọng trầm, mềm, ấm như bia rượu

Thấm hết vào tim, hồn đắm say.

Thơ chàng ta làm thế đó.

Người ta nói khi tôi mệt nhọc, thấy da tôi tím tái, nhăn nhúm và già hơn tuổi rất nhiều. Ngủ một giấc dậy, thấy tôi khác hẳn. Khi tôi nói cười, lại thấy rất trẻ trung. Ba tướng trạng đó chỉ xảy ra trong một buổi sáng với cùng cái nhìn của một người đối diện. Không biết tướng nào mới thật là tướng của tôi?

Nói đến tướng thật thì không có tướng để thấy, nói là đến ba tướng? Chẳng có tướng nào thật. “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Kinh Kim cang nói thế.

Tướng thật thì không già cũng không trẻ, không tím tái cũng không hồng hào, cũng chẳng có tóc hay không tóc.

Mọi thứ tùy duyên thảy vô thường

Xá chi một chút sắc, thanh, hương

Duyên xưa gặp lại thành tri kỷ

Quý ở tri âm được mấy người.

Dung mạo không già, không gái tơ

Tóc dài môi thắm trở thành mơ

Mắt trụ ở đâu ngoài vô trụ?

Vô trụ mà thân vẫn cõi mơ.

Tướng chúng ta có thể thấy chỉ là những tướng theo duyên hiện khởi. Thứ gì theo duyên thì không cố định. Bản thân nó vốn không cố định mà còn không cố định do cái nhìn của người hữu duyên hay vô duyên. Hữu duyên mà thuận duyên thì mọi thứ thành đẹp đẽ. Hữu duyên mà nghịch duyên thì lại tạo cảm giác khó chịu cho người xem. Vô duyên thì thôi, như nước đọng trên lá, rồi trôi.

Cũng không biết thấm cái gì vào tim. Thấm cái trầm, mềm, ấm hay nội dung của bài giảng?

Giọng có hay thì chủ yếu cũng chỉ là phương tiện giúp người nghe hiểu nội dung được tốt hơn. Phần hiểu nội dung nếu không có thì coi như người giảng chỉ cúng dường lời rao giảng của mình. Cũng được. Bệnh không ngủ được, giờ nghe mà ngủ được cũng có chút lợi ích. Hễ nghe lại giọng mình giảng là hai con mắt tôi trĩu xuống muốn ngủ, dù thiên hạ vẫn có người khen giọng giảng hay.

Cũng lại do duyên.

Thuận duyên với nhau thì thấy hay. Nghịch duyên với nhau thì thấy tệ.

Từng có vị phát biểu trên facebook là cô ta không thích tôi. Chỉ nhìn tướng tôi là đã thấy không ưa, đừng nói là đọc sách của tôi. Một lần, ông bạn kia lấy bài viết của tôi đưa lên facebook, nhưng không đề tên tôi mà đề tên tác giả là thầy Đạo Tâm. Tôi lướt qua, thấy giọng văn quen quen, quan trọng là con người không ưa mình kia lại khen nức khen nở bài viết đó, nên tôi phải tìm cho ra bài viết đó là của ai. À, của tôi. Không biết anh bạn do cố ý hay vô tình đã đặt lầm cái tên kia và gửi cho người không thích mình.

Nếu ghi đúng tên thì nhất định cô ta đã không đọc. Cũng nhờ lộn tên mới biết không phải bản chất của sự việc là dở hoặc hay. Chỉ do tâm phân biệt yêu ghét mà tri âm chối từ hai chữ tri âm. Phải nói cảm ơn phần lầm lẫn của ông bạn. Nó đã phá đi sự chấp trước của một người. Thành nhiều khi có những thứ nó trẹo trẹo như thế mà lại giúp mình hàn gắn những nhân duyên.

Có vị còn lý thú hơn.

Một ngày đẹp trời, vừa viết vài câu trên facebook xong, một chị thân yêu đã nhảy vào bảo “Vì sao lại lôi người ta ra nói như thế?”. Chưng hửng! Không hề biết đó là ai. Khi viết cũng không nhắm đến ai. Cớ sao lại ra nông nổi? Hỏi, tui và chị có biết nhau không, có gặp bao giờ chưa? Chưa. Vậy sao tui biết gì về chị mà bảo lôi chị ra nói? Hình như có chút gì đó tỉnh ngộ. Ừ há. Quên. Không biết như thế có gọi là tri âm không nữa. Cũng là tri âm ấy nhỉ.

Bù lại, cũng có những nhân duyên khá thuận. Không phải ở những mẫu chuyện nho nhỏ trong đời sống thường nhật mà ở những bài viết chuyên sâu về công phu. Lâu lâu chị lại viết cho vài dòng. Có cái gì đó sâu và đậm trong từng con chữ. Những ngày qua tôi vẫn thường đọc lại những bài cô viết. Khi đọc bài “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”, cứ ngỡ như thầy viết bài này cho mình. Đoạn văn giảng về "Đó là con đường độc nhất đưa đến sự thanh tịnh", "tinh thần không thể thiếu..." đã làm sáng tỏ trong tôi về "con đường duy nhất hay độc nhất". Cô luôn là người thầy kính quý của tôi. Và tôi thường trân trọng, cảm ơn đời này, trong sự tu tập đã gặp được cô và anh Chánh Tấn Tuệ. Những lúc thế này tôi thường xúc động, nhớ cô biết bao. Nghĩ đến cô, tôi càng siêng năng tinh tấn tu tập. Cảm ơn cô rất nhiều! Bình an luôn ở bên cô! Những con chữ mang đến động lực cho người viết rất nhiều. Như nói với người viết rằng hãy cứ viết đi, đừng nghĩ là không ai đọc, là dài dòng, là rắc rối, v.v. Ở cái chốn nào đó, vẫn hiện diện những tri âm chưa từng quen biết. Đời không thiếu tri âm.

Những lúc thế đó lại thấy mang ơn quý Thầy ở báo Giác Ngộ. Đã làm cầu nối giúp tôi có thể chuyển tải những gì mình muốn nói cho những người hữu duyên.

Tri âm nhiều, việc lợi tha coi như thành công. Tri âm ít, việc lợi tha cũng thành công. Bởi thành công trong lợi tha chủ yếu là nằm ở chỗ chất lượng. Một vạn người tu phước không bằng được một người đọc cuốn Đại thừa khởi tín luận mà chịu phát tâm tu hành. Vì thế ít tri âm, lợi tha vẫn thành công. Nói chung, ít nhiều gì cũng là thành công. Dù sự thành công đó, với một người tu Phật, chúng không có chỗ đứng trong tâm thức của vị ấy. Vì mọi thứ đều huyễn hóa.

Trở thành tri âm của nhau vì những gì tôi viết ra, chúng là một phần trong cuộc sống của bạn. Kinh luận nói chúng ta có duyên với nhau từ những kiếp trước. Vì thế, khi tôi viết về những gì tôi đã trải qua, bạn thấy có mình trong đó. Nó giúp bạn giải quyết được một số vấn đề. Tri âm có thể nhiều mà tri kỷ thì hiếm. Chúng ta có thể là tri âm của nhau nhưng tri kỷ thì chưa. Vì tôi hoàn toàn không biết gì về bạn. Tôi cũng chưa hiểu thấu được tâm thức của bạn như Tử Kỳ hiểu Bá Nha. Và những gì tôi viết cũng không phải là toàn bộ con người tôi. Không. Chỉ là một góc nhỏ trong đời sống thường nhật. Có thể đó là chính tôi, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn trong vô biên kiếp tu hành. Cũng có khi không phải là tôi, vì nó là hình ảnh tôi đã cảm nhận được từ một ai đó. Thành những gì tôi viết không hẳn đã là toàn bộ con người tôi như một số bạn đã nghĩ. Thứ mà bạn cảm nhận được cũng chưa hẳn là những điều tôi muốn nói với bạn. Có thể nó đã giải quyết được ít nhiều những vướng mắc bạn đang gặp, nhưng đó chỉ là những hiện tượng bên ngoài. Bạn kết nó trên cái sự, còn tôi lại chỉ mượn sự để hiển cái lý Đức Phật muốn nói, lý tánh không - duyên khởi.

Nhưng dù thế nào đời này vẫn không thiếu tri âm. Chỉ cần nghe một người chê thôi thì biết đâu đó đang có một tri âm. Bởi thế giới này là thế giới duyên khởi. Đã có người chê thì nhất định phải có người khen. Người khen là tri âm trong hiện tại của mình. Người chê là duyên giúp mình biết có tri âm, cũng là duyên tri âm trong tương lai. Chê hay khen đều là duyên tri âm của mình. Chỉ là sớm hay muộn. Chỉ có vô duyên thì vô phần.

 



[1] Lời dạy của Hòa thượng Thường Chiếu.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle