Giấc mơ không tưởng

giac mo khong tuong

Giấc mơ không tưởng

 

TRƯƠNG BỒI CANH - NHÃ TUỆ dịch

 

Do không thể đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ, lại không thể tự nhìn nhận lại mình, tự kiểm điểm bản thân, nên tâm hồn và cuộc sống của con người đã tự tạo ra hố sâu khoảng cách với người khác.

Vào tháng 8 năm năm 1976, tôi dẫn theo sáu sinh viên trường Chuyên khoa Chia Nan, nhóm thành một đội thầy trò leo núi, đi dọc theo con đường cổ Bát Thông Quan, và cũng đã leo lên tới ngọn núi Đạt Phân. Núi Đạt Phân cao 3.222 mét. Đỉnh núi nhọn như cái dùi, xuyên mây chọc trời. Ngọn núi này cùng với núi Đại Bá và núi Trung Ương được gọi chung là “xung thiên tam tiêm” (ba mũi chọc trời).

Ngày 7 tháng 8 xuất phát từ Đông Phố, 7 giờ rưỡi thì tới sườn núi Phụ Tử, một đoạn đường nguy hiểm khó đi. Cơn bão Nina bất ngờ ập tới, vách núi sạt lở không có nơi nào để dừng chân. Ngước nhìn vách núi dựng đứng, nhìn xuống sườn núi sạt lở như thác chảy, khiến người ta rùng mình! Trước kia chỉ mất mấy phút là có thể vượt qua đoạn nguy hiểm, lần này lại mất đến 40 phút, thì có thể hiểu được nó gian nan nguy hiểm thế nào.

Không lâu sau thì mưa phùn cứ rả rích không ngừng. Từ Đông Phố đi thẳng đến dãy núi Trung Ương, ngày đầu tiên phải đi đến Bát Thông Quan, vì mưa phùn không dứt, năng lượng nhanh chóng biến mất. Đến chạng vạng tối thì tới được Quan Cao, không ai muốn đi tiếp nữa. Đúng lúc đó có một nhóm người đi săn đến từ miền Đông đang tụ lại nhóm lửa sưởi ấm, và mời chúng tôi gia nhập, đó là điều khiến cho người ta cảm nhận được thịnh tình nồng ấm giống như ngày tuyết lại được tặng than hồng vậy, cảm thấy rất ấm áp.

Cả ngày mệt lả nên sau khi vào trong trại thì hồn tôi nhanh chóng chìm vào giấc mộng.

“Hãy để tôi thư giản một chút!”, cái chân như van nài. “Leo núi cái gì? Thực sự chịu hết nổi rồi! Kết quả nó đã hại tôi chịu khổ cực. Để leo lên được, tất cả đều phải dựa vào sự vận động của tôi, tôi rất mệt”! Ngẩn ngơ giây lát, tôi rõ ràng nghe thấy đôi chân của tôi như đang than thở.

“Ở dưới chân, thì cậu rất mệt”, vai nói, “nhưng gánh nặng của tôi thậm chí nặng hơn! Cái túi ngủ cậu đang dùng cũng là do tôi cõng đi đấy. Không có tôi thì có ổn không?

“Thôi đi!”, lưng nói, “Những gì vai gánh vác đều là nhờ tôi chống đỡ, những bước đi của chân cũng nhờ tôi mà hoạt động. Nếu tôi không chống đỡ nổi các cậu cũng trở nên vô dụng. Thẳng lên khom xuống xoay đi quay lại liên tục, tôi mới là quan trọng nhất, tôi cũng vất vả nhất!

“Các cậu yên lặng một chút đi!”, não nói, “Bây giờ đã là thời đại nào rồi? Trào lưu ngày nay thì trí tuệ là số một, mưu lược là trên hết. Không có tôi chỉ huy, các cậu căn bản không biết đi đâu về đâu! Cho nên tôi mới là chủ nhân của các cậu”.

“Nực cười! Các cậu đùa quá trớn đấy!”, tâm nói, “Chủ nhân? Chỉ có tôi mới là chủ nhân của ông Zhang Peigeng, trong tư tưởng tam giáo là Nho, Phật và Đạo đều nói như vậy. Một bộ não đần độn thì cậu là tay gì đây? Ngữ khí của “tâm” cho thấy nó đã đánh mất đi sự tự chế ngự bản thân.

“Tâm a”! Nghe xong những giọng điệu này tôi không thể không đứng ra gánh vác mọi trách nhiệm. “Bạn phải làm chủ, nhưng mở miệng nói thì sai trái; bạn tranh luận với họ chứng tỏ bạn cũng tự cho mình là đúng, hơn nữa chưa đủ khiêm tốn. Bạn thật sự làm tôi thất vọng!”

“Thất vọng cũng là một loại chấp trước”, có giọng nói vọng lên, “tùy duyên phóng khoáng, tự do tự tại, thong dong vô ngại, vẫy vùng ngang dọc, mới được xem là đi lên từng bước”. Trong lúc nửa tỉnh nửa mơ thì tôi như đã tỉnh ngộ ra nhiều điều…

Người hiện đại hay ảo tưởng tự cho mình là trung tâm, cá nhân chủ nghĩa, bảo thủ cố chấp, tự đề cao mình quá mức. Có công thì vơ hết về mình, có lỗi thì đùn đẩy cho người; đã không biết đặt mình vào vị trí của người khác mà nghĩ, lại không thể tự nhìn lại mình để kiểm điểm bản thân. Vì nguyên nhân này mà tâm hồn và cuộc sống của con người đã tự tạo ra hố sâu khoảng cách với người khác.      

Giấc mơ hoang dã này chính là bức tranh khắc họa con người hiện đại với giấc mơ điên đảo, tự làm kén nhốt mình.

Nguồn: Trương Bồi Canh (2003), Trí tuệ đích thược thi, NXB.Từ Tế Văn Hóa Chí Nghiệp, thành phố Đài Bắc, tr.150-152.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle