Sinh hoạt của Tăng Ni và tín đồ góp phần tạo nên Văn hóa Phật giáo
sinh hoat cua tang ni
Sinh hoạt của Tăng Ni và tín đồ góp phần tạo nên Văn hóa Phật giáo
Thích Hạnh Chơn
Phật giáo là một tổ chức lớn trong xã hội nên hoạt động của Phật giáo có sự ảnh
hưởng nhất định trong xã hội mà Phật giáo hiện hữu. Ngay từ ban đầu khi Phật
giáo được hình thành từ vài chục đến vài ngàn chư Tăng và tín đồ, Phật giáo đã
có sức ảnh hưởng lớn mạnh trong xã hội Ấn Độ cổ đại, nhất là hình ảnh Đức Phật
và Tăng đoàn. Khi được truyền sang các quốc gia khác, Phật giáo đã thích nghi để
tồn tại và đóng góp tích cực vào nền văn hóa của quốc gia đó. Việt Nam là một
trường hợp Phật giáo có đóng góp to lớn tạo nên nền văn hóa chủ đạo trong nhiều
giai đoạn lịch sử dân tôc và có thể nói ngay cả ngày nay. Yếu tố nào tạo nên sự
ảnh hưởng to lớn ấy và làm sao để duy trì vai trò của Phật giáo trong nền văn
hóa dân tộc, đó là điều nhiều tôn đức và tín đồ Phật giáo ưu tư và đề ra nhiều
giải pháp tích cực.
Trong bài viết ngắn này, người viết đề cập đến yếu tố sinh hoạt của Tăng Ni và
tín đồ Phật giáo trong sinh hoạt thường nhật và tham gia lễ hội.
Trong bài này, người viết tạm dùng khái niệm Tăng Ni chỉ cho hàng xuất gia và
tín đồ chỉ cho hàng Phật tử tại gia để có sự phân biệt trong quy ước của bài
viết, vì thực tế tín đồ ở nghĩa rộng bao gồm cả hai thành phần vừa nêu.
Sinh hoạt của Tăng đoàn
Sinh hoạt Tăng đoàn thời Đức Phật đơn giản nhưng mang dấu ấn riêng của Phật giáo
và có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng xã hội lúc bấy giờ. Sau khi Tăng đoàn được
thành lập và giới luật được chế tác, chư Tăng sinh hoạt theo quy tắc của Tăng
đoàn. Những quy tắc đó tạo thành văn hóa Phật giáo. Thứ nhất, chư Tăng nuôi sống
bằng khất thực theo tập tục xã hội Ấn Độ dành cho người tu sĩ bất cứ tôn giáo
nào. Hình ảnh Tăng đoàn trang nghiêm, thánh thiện bước đi nhẹ nhàng trong màu
vàng đồng bộ (đồng phục) và đầu tròn (cạo tóc) tạo nét riêng của Phật giáo. Mặc
dù một số tôn giáo/giáo phái khác cũng sinh hoạt tập thể, cũng đi khất thực
nhưng không giống như Phật giáo về hình tướng nên không thể lẫn lôn với Tăng
đoàn Phật giáo. Thứ hai, mỗi nửa tháng chư Tăng thực hiện yết-ma bố-tát một lần,
tức hội họp đúng pháp để ôn lại lời dạy của Đức Phật bao gồm giới luật và có thể
thêm giáo pháp. Mỗi kỳ bố-tát là dịp các tín đồ tập trung về trú xứ Tăng để cúng
dường và nghe pháp. Đó là hình thức tu học phổ biến thời Phật và tại các nước
Phật giáo Nam truyền ngày nay. Thứ ba, mỗi năm chư Tăng an cư ba tháng mùa mưa.
Ba tháng chư Tăng hạn chế đi lại để tập trung một trú xứ tu tập là dịp tín đồ
thường xuyên về các trú xứ an cư để cúng dường và nghe pháp. Sinh hoạt an cư đã
trở thành truyền thống văn hóa Phật giáo từ đó đến ngày nay. Thứ tư, sau mùa an
cư có lễ thọ y Ca-thi-na (Kathina) mà ngày nay thường gọi là lễ dâng y.
Tín đồ tập trung về các trú xứ cúng dường y cho những Tỷ-kheo có những bước
thăng tiến trong tu tập nhằm tán dương công đức của các Tỷ-kheo và cũng là dịp
tạo phước lành cho chính tín đồ, Phật tử.
Đây là những sinh hoạt không thể thiếu trong Phật giáo, và chính những sinh hoạt
ấy tạo nên đặc trưng văn hóa Phật giáo.
Sinh hoạt của Tăng đoàn tại Việt Nam ngày nay dù có nhiều thay đổi để thích nghi
với xã hội nhưng vẫn giữ nét văn hóa Phật giáo góp phần tạo nên văn hóa Việt.
Việt Nam là nước Phật giáo có đủ các hệ phái Nam truyền (Theravada), Khất
sĩ và Bắc truyền (Đại thừa/Mahayana), nhưng Phật giáo Đại thừa chiếm ưu thế và
là hình ảnh đại diện cho Phật giáo Việt Nam. Tăng đoàn Phật giáo Bắc tông ở Việt
Nam ngày nay sử dụng màu nâu, lam đối với thường phục dùng cho sinh hoạt thường
nhật và vàng đối với pháp phục dùng cho lễ nghi. Sau thời gian khá dài Phật giáo
chưa thể có quy định màu sắc y phục đồng bộ thì gần đây Ban Văn hóa Phật giáo đã
đưa ra được mẫu và màu y hậu đồng bộ cho Tăng Ni. Chưa biết khi nào mới thực
hiện đồng bộ đề án tích cực này trên cả nước nhưng đó cũng là dấu hiện tích cực
trong hoạt động văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Hình ảnh chư Tăng Ni trong y phục tu sĩ Phật giáo ít nhiều phản ảnh văn hóa Phật
giáo. Thật vậy, sinh hoạt của Tăng Ni trong các trú xứ tự viện hay khi du
phương, tham gia công tác xã hội, tham gia các Phật sự, phục vụ lễ nghi tín
ngưỡng… đều tạo nên nét đẹp riêng của Phật giáo. Do đó, hình ảnh Tăng Ni bao giờ
cũng phải thể hiện đúng theo các oai nghi mà luật đã dạy thì mới có thể giữ nét
đẹp văn hóa Phật giáo. Ngược lại, hình ảnh đùa vui dù chỉ là hình ảnh của các
chú tiểu, hình ảnh của những thầy cúng (không phải tu sĩ Phật giáo chính thức)
không có oai nghi, của những sư giả đều làm ảnh hưởng đến văn hóa Phật giáo, đến
uy tín Phật giáo. Hơn nữa, Tăng bảo là một trong ba bảo trong Phật giáo gồm
Phật, Pháp, Tăng. Trong đó, Tăng bảo đóng vai trò rất quan trọng vì chính Tăng
bảo mới có thể giữ gìn, duy trì và phát triển Phật giáo. Có thể nói, Tăng bảo
còn thì Phật giáo còn và văn hóa Phật giáo được hiện hữu cho nên giữ gìn hình
ảnh sinh hoạt đẹp của Tăng Ni là giữ gìn văn hóa Phật giáo.
Trong các lễ hội Phật giáo lớn, hình ảnh Tăng Ni trong pháp phục đồng bộ càng
làm cho buổi lễ trang nghiêm hơn và long trọng hơn. Có lẽ chúng ta không thể phủ
nhân sự trang nghiêm và đẹp mắt khi nhìn vào lễ hội Phật giáo được tổ chức mà ở
đó Tăng Ni tham dự trong đồng phục từ màu sắc đến kiểu dáng, từ cách đi đứng,
xếp hàng… Có lẽ cũng cần nói là đáng tiếc tại Việt Nam hiếm thấy các lễ hội như
thế. Các lễ trai đàn, trai tăng, lễ hội... với số lượng đông thì hình ảnh chưa
trang nghiêm, chưa đồng bộ của một số Tăng Ni vẫn còn. Đó là điều Phật giáo còn
phải suy nghĩ nhiều để tìm ra giải pháp.
Cũng như thời đức Phật, Tăng đoàn ngày nay vẫn tuân giữ các sinh hoạt Phật chế.
Ngoại trừ khất thực hàng ngày không còn duy trì, các sinh hoạt như yết-ma bố-tát
hàng tháng, an cư ba tháng, tự tứ, dâng y, và thêm các ngày kỷ niệm khánh đản
Phật và Bồ-tát được duy trì thực hiện. Trong đó, an cư, tự tứ kết hợp với lễ Vu
lan tháng Bảy và lễ dâng y mùa an cư có sự ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng
tín đồ nên đã góp phần làm phong phú văn hóa Phật giáo. Vào các dịp này, tín đồ
vân tập về các chùa với số lượng đông tạo không khí sinh hoạt đậm chất tín
ngưỡng Phật giáo.
Sinh hoạt của tín đồ
Trong Phật giáo, đệ tử Phật có Tăng Ni xuất gia và tín đồ tại gia. Vào thời Phật,
tín đồ tiếp xúc thường xuyên hằng ngày với chư Tăng qua việc cúng dường thức ăn
khi chư Tăng đi khất thực. Ngoài ra, họ cũng thường đến các tự viện để nghe pháp,
tư vấn, cúng dường tạo phước. Kinh Người áo trắng
dạy người cư sĩ năm điều đạo đức (thường gọi năm giới) và tu bốn tâm cao
thượng. Ở đây, bài viết muốn nhấn mạnh đến hình thức để nhận ra tín đồ Phật giáo
thời Phật ở Ấn Độ và hiện nay tại các nước Phật giáo Nam truyền trong đó có Việt
Nam. Đó là tín đồ mặc đồng phục màu trắng khi tham gia khóa tu, lễ hội Phật giáo.
Đây là nét đẹp văn hóa Phật giáo phản ánh sinh hoạt của tín đồ Phật giáo trong
đời sống tinh thần, tín ngưỡng, tôn giáo.
Đối với Phật giáo Bắc tông Việt Nam, màu áo lam hay áo tràng lam
thay cho màu áo trắng là một sáng kiến hay tạo thành nét văn hóa riêng cho Phật
giáo Việt Nam. Nếu tín đồ sử dụng áo tràng lam một cách đồng bộ khi tham gia các
khóa tu, lễ hội Phật giáo như lễ tưởng niệm, hoa đăng, dâng y… như một vài tự
viện đã thực hiện thì nét đẹp văn hóa Phật giáo càng thêm rõ hơn và đẹp hơn. Tất
nhiên, tín đồ mặc áo tràng lam phải thể hiện oai nghi của người Phật tử.
Hình ảnh Phật giáo lan tỏa
Như đề cập ở trên, văn hóa Phật giáo được biết đến một phần quan trọng thông qua
sinh hoạt của Tăng Ni và tín đồ. Bên cạnh việc sinh hoạt trong phạm vị tự viện,
Tăng Ni và nhất là tín đồ có các hoạt động bên ngoài xã hội. Đối với Tăng đoàn,
việc hạn chế những mặt tiêu cực do các “sư giả”, “thầy cúng” mất oai nghi hay
chính Tăng Ni tạo ra là rất cần thiết. Phát huy những hình ảnh đẹp mà Tăng Ni đã
thực hiện qua công tác từ thiện, cứu trợ… đến với bà con nghèo khó, bệnh tật…
Đối với tín đồ, trong các hoạt động xã hội làm lợi ích tha nhân nếu có thể sử
dụng đồng phục để tạo hình ảnh tốt đẹp cho Phật giáo thì rất nên tận dụng cơ hội
như gia đình Phật tử dùng đồng phục của ngành, tín đồ dùng đồng phục lam…
Vài năm gần đây, một số chùa “bắt chước” hình thức ông già Noel nhưng xem ra khó
thành công bởi trong Phật giáo chưa có một hình tượng phổ biến nào tương xứng.
Thay vì hóa trang hình ảnh “Phật Di Lặc” tặng quà dịp Tết, Tăng Ni vẫn có thể cứ
sử dụng thường phục khi làm thiện sự tặng quà vào các dịp lễ Phật giáo, còn tín
đồ thì sử dụng đồng phục áo tràng màu lam cộng thêm lá cờ Phật giáo năm sắc vì
chỉ có lá cờ năm sắc mới biểu trưng cho Phật giáo khắp năm châu. Điều cần quan
tâm là những món quà tặng làm sao mang tính đặc trưng của Phật giáo để nó có thể
lan tỏa sâu rộng.