Thiền đạo và vẻ đẹp văn chương qua thi kệ và ngữ lục của Thiền sư Viên Chiếu
thien dao
THIỀN ĐẠO VÀ VẺ ĐẸP VĂN CHƯƠNG
QUA THI KỆ VÀ NGỮ LỤC CỦA THIỀN SƯ
VIÊN CHIẾU
PGS.TS.NGUYỄN CÔNG LÝ
1. Sách Thiền uyển tập anh ngữ lục
(禪苑集英語綠)
bản in năm Vĩnh Thịnh thứ 11
(1715) đời Lê Dụ Tông
có chép về Viên Chiếu như sau: Thiền sư sinh năm 999 và tịch năm
1090, tên là Mai Trực, quê ở Phúc Đường, Long Đàm,
là thế hệ thứ 7 dòng Thiền Vô Ngôn Thông.
Thiền sư là con của người anh của bà Linh Cảm Thái hậu nhà Lý (vợ vua Lý Thái
Tông, mẹ của vua Lý Thánh Tông). Sư gọi bà bằng cô ruột. Thuở nhỏ thông minh
hiếu học, nghe lời vị Trưởng lão ở chùa Mật Nghiêm nên Sư đã đến chùa Tiêu Sơn (Bắc
Ninh) theo học với Định Hương Trưởng lão. Thiền sư tinh thông Thiền học, lại trì
kinh và chứng ngộ được yếu chỉ của kinh Viên giác nên đã tinh thông phép
Tam quán, hiểu rõ các lẽ tử sinh, thông tỏ quy luật tuần hoàn của vạn pháp.
Tam quán là ba phương pháp quán tưởng (ba phép tu thiền định) được nêu ra
trong kinh nhằm giúp hành giả đạt đến giác ngộ hoàn toàn, gồm: 1. Samatha
(Sa-ma-tha) dịch là Chỉ, tức phương pháp giữ cho tâm thanh tịnh, ngừng
mọi tâm niệm mà nhập vào Niết-bàn (Chỉ: dừng, ngừng); 2. Samāpatti
(Tam-ma-bạt-đề) dịch là Quán, tức quán xét tất cả hiện tướng như hư huyễn
mà chứng đắc tịnh hạnh huyễn hoá. Nói cách khác, đem cái tâm giác ngộ thanh tịnh
để hiểu biết rằng tâm tính và căn trần đều do huyễn hoá mà dấy lên các huyễn để
trừ huyễn, biến ra các huyễn để phơi bày mọi thứ huyễn, nên bên trong phát ra
lòng đại bi nhẹ nhàng; 3. Dhyāna (Thiền na) dịch là Tư duy, không
lấy tĩnh tướng và huyễn hoá, mà dùng tư duy để chứng đắc thực tướng trung đạo.
Tư tưởng trung quán là yếu chỉ của kinh Hoa nghiêm “Phi hữu phi không;
diệc hữu diệc không” (Chẳng phải có chẳng phải không; cũng vừa có lại vừa không).
Chính tư tưởng này của kinh là nền tảng để sau đó ngài Long Thọ đã viết nên bộ
Trung quán luận nổi tiếng trong Tam tạng kinh điển Đại thừa Phật giáo,
làm tiền đề cho Thiền học ở Trung Hoa. Ba pháp tu đốn tiệm này kết hợp với nhau
có 25 loại. Các vị Như Lai, hành giả, thập phương trong ba đời không có ai không
nương theo các phép quán mà chứng quả bồ-đề, như kinh văn có ghi.
Cũng xin lưu ý là đừng nhầm lẫn Tam quán trong kinh
Viên giác với phép Tam quán của Thiên Thai tông ở Trung Quốc, bởi tông phái
này cũng nêu ra Tam quán là Không quán, Giả quán và Trung quán. Không quán
là cách thức quán tưởng (xem xét) vạn pháp đều là không: không có thật tính,
không có thật t
ướng; Giả quán là cách xem xét các sự vật,
hiện tượng vốn là vô thường, giả hợp, không tồn tại vĩnh cửu. Trung quán
là cách xem xét các sự vật, hiện tượng vừa là phi không (không phải không), vừa
là phi giả (không phải giả).
Về tác phẩm của Thiền sư, theo Thiền uyển tập
anh, Viên Chiếu đã soạn Dược Sư thập nhị nguyện văn, Tán Viên giác kinh,
Thập nhị Bồ-tát hành tu chứng đạo trường, Tham đồ hiển quyết và một bài kệ
đọc trước lúc lâm chung. Hiện chỉ còn một bài kệ thị tịch và một bản ngữ lục mà
sau này bộ Thơ văn Lý - Trần, tập 1, NXB.KHXH, HN, 1977 đã chép
lại đầy đủ.
2. Kệ
(偈)
là một thể loại đặc thù trong kinh văn và là thể loại đặc thù của văn học
Phật giáo. Về nguồn gốc, kệ là
những bài văn vần thường là bốn câu, có khi tám câu với nhiệm vụ thâu
tóm một cách cô đọng lời kinh bằng văn xuôi đã giảng thuyết ở
phần trước. Chính từ ghép “kinh kệ” đã nói lên mối quan hệ gắn bó đó.
Kệ bao gồm kệ tán, kệ tụng, kệ ngộ giải. Đây là những bài
kệ trực tiếp trình bày giáo lý, tư tưởng nhà Phật bằng hình thức
thơ ngắn gọn, cô đúc, chuyển tải những nội dung súc tích, những tư
tưởng uyên áo của Thiền học, Phật học, nó có mã ngôn ngữ riêng, muốn
hiểu được, người đọc phải có chìa khóa để giải mã thì mới có thể
thấu đạt, thể nhập được chân lý ẩn tàng trong đó. Trong văn học Phật
giáo Việt Nam có nhiều bài kệ dạng này như: Thị chư Thiền Lão tham vấn
thiền chỉ (Lý Thái Tông); Hữu không (Từ Đạo Hạnh); Sắc không (Lê
Thị Ỷ Lan); Thị đạo của Trường Nguyên; Hiến hương kệ, Thử
thời vô thường kệ,… của Trần Thái Tông; Kiến giải, Thị học
của Tuệ Trung Thượng sĩ, v.v.
Kệ còn
là lời răn dạy đệ tử, hoặc lời trối trăng của các thiền sư trước
lúc lâm chung, được gọi là kệ thị tịch như các bài Thị đệ tử
của Vạn Hạnh; Thị đệ tử Bản Tịch của Thuần Chân; Thị tịch
của Ngộ Ấn; Cáo tật thị chúng của Mãn Giác; Thị chúng của
Tuệ Trung Thượng sĩ, v.v. Có nhiều bài kệ đầy hình ảnh đẹp với ngôn ngữ
lung linh, giàu chất thơ, nhưng đằng sau cái vỏ hình thức ngôn ngữ ấy
ẩn tàng triết lý nhiệm mầu của nhà Phật, như: Vạn sự quy như, Nhập
trần (Tuệ Trung Thượng sĩ); Sinh tử, Chân tâm chi dụng
(Trần Thánh Tông), v.v.
Sau đây là bài kệ thị tịch của Viên Chiếu:
身
如
墻
壁
已
頹
時,
舉
世
匆
匆
熟
不
悲.
若
達
心
空
無
色
相,
色
空
隱
現
任
推
移.
Thân như tường bích dĩ đồi thì,
Cử thế thông thông thục bất bi.
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng,
Sắc không ẩn hiện nhậm thôi di.
Tạm dịch: Thân như tường vách đã lung lay,
Vội vã người đời luống xót thay.
Nếu đạt tâm không, không sắc tướng,
Sắc không ẩn hiện mặc vần xoay.
Bài kệ được Thiền sư đọc trước lúc lâm chung vào
ngày lành tháng chín năm Canh Ngọ, niên hiệu Quảng Hựu thứ 6 (1090) triều vua Lý
Nhân Tông (1072-1127). Lúc này, Thiền sư không bệnh đau gì, đã gọi đồ chúng đến
dạy rằng: “Trong thân ta đây, thịt xương gân cốt, tứ đại giả hợp, đều là vô
thường, ví như ngôi nhà kia sụp đổ. Nay cùng các con giã từ, hãy nghe bài kệ của
ta đây” (bài kệ nêu trên). Nói kệ xong, sư ngồi ngay thẳng viên tịch, thọ
92 tuổi đời và 56 tuổi hạ.
Theo quy luật, vòng đời của mỗi kiếp người phải
trải qua bốn cảnh: sinh, lão, bệnh, tử. Khi con người ta qua bên kia dốc của
cuộc đời, cũng là lúc bệnh tật kéo đến, cận kề cái chết, thì lúc này thân thể
chẳng khác nào bức tường bức vách đã lung lay, sắp đổ sập. Trước cảnh trạng ấy,
người đời đều vội vã lật đật, ai mà chẳng buồn. Có hiện tượng này bởi do người
ta bị vô minh che lấp, nên không hiểu được cảnh trạng trên chỉ là giả tướng,
thân con người cũng vậy, chỉ là tạm bợ và cuộc đời chỉ là phù du. Thông điệp mà
Thiền sư muốn nhắn nhủ với đồ chúng là cần nhận thức rõ quy luật tuần hoàn ấy để
chấp nhận thực tại, có như thế mới rõ cái lẽ “nhậm vận”, hiểu được cái quy luật
thịnh suy của cuộc đời, thì mới có tinh thần “vô uý” (không sợ hãi) trước bất kỳ
hiện tượng thực tế nào. Vấn đề mà trước đó Thiền sư Vạn Hạnh (? - 1018) đã dặn
dò đệ tử: “Nhậm vận thịnh suy vô bố uý/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”任運盛衰無怖畏/
盛衰如露草頭舖.
(Mặc cho cuộc đời dù thịnh hay suy, đừng sợ
hãi/ Vì sự thịnh suy [cũng mong manh] y như giọt sương trên đầu ngọn cỏ). Bài kệ
của Viên Chiếu cũng cùng một quan điểm với bài kệ của Vạn Hạnh. Đây là cái nhìn
Trung quán, đạt đến Trung đạo: Chẳng phải có chẳng phải không, vừa có vừa
không của kinh Hoa nghiêm mà ở trên có nêu. Bằng cái nhìn này, Thiền sư
Viên Chiếu đã khuyên đồ chúng rằng: nếu con người ta nhận thức rốt ráo được cái
tâm là không, sắc tướng cũng là không, thì con người đó mới đạt đến cảnh giới tự
tại, lòng lặng lẽ trong suốt an nhiên thanh tịnh, bởi lúc này sắc và không cũng
như nhau, dù chúng có ẩn hiện, đổi dời cũng mặc, chẳng có gì đáng để bận tâm.
Cảnh giới ấy là Niết-bàn, là Như Lai, là Phật tính, bởi “Tâm tịch nhi tri,
thị danh chân Phật” (心寂而知,
是名真佛:
Lòng lặng lẽ mà biết, đó chính là Phật vậy)
như lời Quốc sư Viên Chứng dặn dò vua Trần Thái Tông.
Một tư tưởng Thiền học uyên áo, sâu sắc bàn về quy
luật vô thường của cuộc đời, của kiếp người, về lẽ sắc không của tất cả các hiện
tượng trong thế giới khách quan: chúng có đó, hiện hữu đó, người ta ai cũng thấy
đó, nhưng tất cả không phải là thật tướng. Tư tưởng ấy được Thiền sư diễn đạt
bằng hình ảnh văn chương cụ thể, sinh động qua lối so sánh ví von thường gặp
trong cách nói của dân tộc, nhờ vậy mà người nghe người đọc, ai cũng có thể hiểu
và nhận thức được ý nghĩa của nó.
3. Ngữ lục
(語綠)
là một thể loại khá đặc biệt trong
văn học trung đại. Văn ngữ lục là dạng văn nói. Đó là lời nói của
những nhân vật lịch sử nổi tiếng được người đương thời hoặc người
đời sau ghi lại một cách trung thành trong sách vở, thường là trong
các bộ chính sử. Trong văn học Phật giáo, đặc biệt là ở Trung Quốc, thể
loại ngữ lục đã được cố định hóa bằng văn bản hiện còn với một số
lượng có thể nói là nhiều. Về hình thức, ngữ lục là lời hỏi - đáp
giữa hai đối tượng giao tiếp, thường là giữa trò và thầy, giữa hai
vị Thiền sư. Lời đối thoại hay vấn đáp này có khi diễn đạt bằng
khẩu ngữ và được ghi lại dưới dạng văn xuôi, cũng có khi được diễn
đạt bằng lời thơ bóng bẩy, giàu hình ảnh sinh động với lối ẩn dụ
kín đáo nhằm mục đích gợi mở hay đánh mạnh vào tâm thức của người
hỏi (người học đạo) giúp họ bừng tỉnh, thông tỏ chân lý. Về nội dung,
lời đối thoại hay vấn đáp trên thường đề cập đến những vấn đề thuộc
lĩnh vực Phật học, Thiền học.
Riêng ở Việt Nam, điều đáng tiếc là do binh
hỏa thiên tai, những tác phẩm thuộc thể loại này hiện còn chẳng là
bao so với thư tịch cổ cho biết. Văn học Phật giáo đời Lý hiện chỉ
còn lại Tham đồ hiển quyết (Viên Chiếu); Nhất nhật hội
chúng (Tịnh Không); Đáp đệ tử diệu đạo chi vấn (Chân Không).
Còn trong văn học Phật giáo đời Trần theo thư tịch cho biết thì được
mùa hơn và dung lượng tác phẩm có dáng vẻ bề thế, quy mô hơn như
Thiền uyển tập anh ngữ lục của Thường Chiếu, Ẩn Không, Thần Nghi và có
thể là Kim Sơn (?) thay nhau chép tiếp các thế hệ truyền thừa Thiền tông Việt
Nam, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục của Trần Tung do Pháp Loa ghi
lại, Thạch thất mỵ ngữ và Thiền lâm thiết chủy ngữ lục
đều của Phật hoàng Trần Nhân Tông (đã thất truyền). Đoạn sách lục
của Pháp Loa (hiện chỉ còn vài đoạn); Phổ Tuệ ngữ lục của
Huyền Quang (đã thất truyền), Thánh đăng ngữ lục (chưa rõ tác
giả)…
Sau đây là tư tưởng Thiền uẩn súc được thể hiện qua
ngôn ngữ thơ diễm lệ giàu hình ảnh văn chương trong ngữ lục Tham đồ hiển
quyết (參徒顯決:
Chỉ rõ bí quyết đạo Thiền cho môn đệ) của Thiền sư:
3.1 Một hôm, Sư Viên Chiếu đang ngồi trước thềm, có
vị Tăng đến hỏi: Phật và Thánh, nghĩa thế nào?. Sư đáp: Ly hạ trùng
dương cúc/ Chi đầu thục khí oanh (Tiết trùng dương cúc vàng dưới giậu/ Xuân
ấm về oanh hót đầu cành).
Vào tiết trùng dương (trùng cửu) tức ngày mùng 9
tháng 9 âm lịch, lúc đất trời đã sang thu thì hoa cúc rực rỡ khoe sắc toả hương.
Cũng vậy, khi xuân về, khí trời ấm áp thì chim hoàng oanh mới cất tiếng hót líu
lo. Nhưng vị Tăng kia vẫn chưa hiểu, xin Thiền sư chỉ giáo lại, Sư đọc tiếp:
Trú tắt kim ô chiếu/ Dạ lai ngọc thố minh. Kim ô là con quạ vàng, chỉ mặt
trời; Ngọc thố là con thỏ ngọc, chỉ mặt trăng. Hai câu này có nghĩa là: ngày thì
vầng ô chiếu sáng; đêm thì bóng trăng rạng soi.
Thế thì qua hai câu trả lời như trên, Viên Chiếu đã
bàn về Phật và Thánh như thế nào? Đây là biện pháp “cơ phong” (cơ: máy, khéo
léo; phong: mũi giáo) của Thiền tông. Những lời đáp của vị thầy thông thường
không luận chứng trực tiếp vào giáo lý, cũng không trả lời trực diện câu hỏi của
trò mà dùng những hình ảnh ngẫu nhiên, đột ngột nhằm kích thích trực giác của
người hỏi. Điều đáng chú ý là trong ngữ lục, để bàn về những vấn đề tư tưởng,
giáo lý rất uyên nguyên, trừu tượng và khô khan như: thể và dụng, chân và vọng,
sinh và tử, sắc và không, vô thường và hằng thường, Chân như, Niết-bàn,
Bồ-đề, Phật tính, v.v. hay sự giống và khác nhau giữa Phật và Thánh, quan hệ
giữa Phật và chính sinh, thì được đáp bằng những câu thơ rất bóng bẩy, giàu hình
ảnh đẹp và gợi cảm. Để qua đó nói lên một chân lý, mà cụ thể là bản thể, Chân
như, Niết-bàn, Phật tính không phải là một cái gì cao xa, mầu nhiệm, trái lại
vấn đề này rất phổ biến, hiển nhiên. Phật tính có sẵn trong tâm của mỗi người, ở
trong tất cả mọi vật, kể cả trong con chim hoàng oanh, trong bông hoa cúc; chân
lý đó cũng hiển hiện rõ ràng như là quy luật của tự nhiên, mà quy luật tự nhiên
cũng là quy luật của sự sống con người: mùa thu hoa cúc nở, mùa xuân chim oanh
hót, ban ngày thì có mặt trời soi tỏ, ban đêm thì có ánh trăng chiếu sáng. Những
hiện tượng tự nhiên ấy biểu lộ rất rõ và tất cả đều có ích cho con người, tuỳ
thời điểm mà chúng có những biểu hiện khác nhau. Phật và Thánh cũng vậy, dù tuỳ
duyên mà hoá độ có thể khác nhau, nhưng cuối cùng đều đi đến một cái đích, một
cứu cánh. Đây là tinh thần Phật và Thánh phân công hợp tác, tinh thần “đồng quy
nhi thù đồ”, một quan niệm thể hiện sự dung hợp giữa Phật và Nho vào thời Lý -
Trần. Nếu người học đạo nhận thức rõ thì sẽ giác ngộ, hiểu được bản tâm, thấy
được tự tính. Còn nếu chưa thấu triệt cái lẽ ấy, còn câu chấp vào hình thức, vào
quy chế lễ nghi khe khắt máy móc với thành kiến thiển cận, thì cho dù người đó
có trì giới, ăn chay, tụng kinh niệm Phật dài lâu đi nữa cũng không bao giờ đạt
được bản thể chân như, thật chẳng khác nào người nông dân ôm cây mà đợi thỏ!
3.2 Có vị Tăng hỏi: Tất cả chúng sinh từ đâu mà
đến và sau khi chết thì đi về đâu? thì được Sư Viên Chiếu trả lời: Manh
quy xuyên thạch bích/ Ba miết thướng cao sơn. (Con rùa mù xoi vách đá/ Con
ba ba què trèo núi cao). Câu trả lời bằng thơ là một dạng công án Thiền dùng
hình thức nghịch ngữ phi lôgic. Thực tế là con rùa mù thì không thể dùi xoi được
vách đá, con ba ba què thì không thể trèo lên núi cao, thế thì người đặt câu hỏi
con người từ đâu mà hiện hữu, rồi khi chết đi về đâu là chuyện vớ vẩn, hỏi vô
ích chẳng khác nào như con rùa mù và con ba ba què kia. Điều mà người mới học
đạo nào cũng biết là giáo lý Duyên sinh mà Đức Phật đã từng dạy: Con
người ta do tứ đại (đất nước gió lửa) duyên hợp mà thành, lúc mất thì trở về lại
nơi ban đầu sinh ra, tức về lại tứ đại. Nếu nhận thức sâu hơn, người hỏi chưa rõ
lẽ Tam minh thì làm sao mà biết mình từ đâu tới và chết đi về đâu. Tam minh là:
Túc mạng minh (biết trước kia mình ở đâu); Thiên nhãn minh (biết được thấy được
sau khi mình nhắm mắt xuôi tay sẽ đi về đâu); Lậu tận minh (không biết quá khứ
mình đã tạo ra nghiệp gì thì làm sao biết tương lai sẽ dẫn mình đi tới đâu). Con
người nếu chưa tỉnh ngộ, còn trong mê muội thì làm sao biết được quá khứ và
tương lai của mình, giống như rùa mù, ba ba què với việc làm vô ích, vượt quá
khả năng. Cho nên câu hỏi trên của vị Tăng kia là câu hỏi vô ích, dù Thiền sư
trả lời với kiến giải tường minh đi nữa thì người hỏi cũng không thể nào hiểu
được, nên ngài mới dùng hình ảnh thực tế để đánh vào trực giác, nhằm giúp người
hỏi tự nhận thức lại về mình, để mà cố gắng công phu tu tập hành trì nhiều hơn
mới mong giác ngộ.
3.3 Còn đây là một hình ảnh khác. Khi có vị Tăng
hỏi: Lý không phân biệt được, tướng không thể thấy được, vì sao mà
không thấy? thì Viên Chiếu trả lời bằng hai câu thơ tả cảnh thật
gợi cảm: Uyển trung hoa lạn mạn/ Ngạn thượng thảo ly phi (Hoa
rực rỡ vườn hồng/ Cỏ thưa thớt bờ sông). Người hỏi nhờ đã đọc kinh luận
nên ít nhiều đã hiểu được hiện tượng thực tướng trong tầm mắt của mình, chúng
hiển hiện bao trùm khắp cả, nhưng anh ta vẫn chưa phân biệt cái nào thuộc về lý
(tâm), cái nào thuộc về tướng (thân) và thắc mắc tại sao không thấy không biết
chúng? Câu thơ trả lời của Viên Chiếu đã dùng hình ảnh thực tướng của tự nhiên
để khơi gợi người hỏi, giúp anh ta phân biệt lý và tướng (nhưng xét đến cùng,
nếu hành giả mà còn phân biệt là còn đối đãi nhị nguyên, nên chưa đạt đến cứu
cánh, muốn triệt ngộ hoàn toàn cần phải đạt đến tâm và pháp nhất như thì mới
thông tỏ). Ở đây, cái nhìn thấy trước mắt là hoa khoe sắc màu rực rỡ, là bờ cỏ
xanh thưa thớt, nhưng cần nhận thức rõ ràng, nếu không khéo nhận thấy thì làm
sao chỉ ra được cái tâm hằng giác hằng trí. Hoa dù đang rực rỡ khoe sắc trong
vườn, cỏ dù đang lưa thưa ngoài nội, tất cả đều là những cái có thật
trong hiện thực khách quan (thực tướng) mà mắt người đã nhìn thấy. Nhưng
chúng có tồn tại mãi không? Theo quy luật thời gian, hoa sẽ tàn, cỏ sẽ
héo. Như thế thực tướng cũng chính là giả tướng. Vấn đề ở chỗ
người học đạo cần phải đạt đến cái tâm không phân biệt, tâm nhất như
thì mới nhận chân cái thể tính, đến lúc này thì dù nhìn thấy hoa hay cỏ thì
cũng là một mà thôi. Vì thế, vị Tăng lại hỏi: Tuế hàn quần miêu lạc/ Hà dĩ
khả tuyên dương? (Năm lạnh các mầm thối/ Lấy gì để khoe xinh?), bởi trước
đó, Viên Chiếu đã dùng hình ảnh hoa khoe sắc rực rỡ nên vị Tăng mới hỏi mùa lạnh
các mầm đều thối hết thì lấy gì mà nở hoa khoe sắc? Mỗi khi hành giả hết vọng
niệm lăng xăng (tức các mầm đã thối hết), đạt cái tâm lặng lẽ, thì cần gì nói
đến cái tâm trí tuệ tịch tĩnh nữa. Đến đây, Viên Chiếu đã biết vị Tăng kia đã sở
đắc, nhận chân vấn đề lý và tướng nên đã nói: Mừng ông đã thấu suốt/ Cũng
chẳng vui hay sao? Trả lời mà không trả lời, bởi đây là lời ấn chứng của
Thiền sư cho vị Tăng kia về sự giác ngộ về lý và tướng, tâm và thân.
3.4 Một lần khác, có vị Tăng hỏi: Kiến tính
thành Phật, nghĩa này thế nào? Sư đáp: Khô mộc phùng xuân hoa cạnh phát/
Phong xuy thiên lý phức thần hương (Cây khô gặp xuân hoa đua nở/ Gió thổi
hương thần thơm rất xa). Vị Tăng nói: Đệ tử chưa hiểu, xin thầy chỉ lại.
Sư đáp: Vạn niên già tử thụ/ Thương thuý tủng vân đoan (Muôn năm cây cà
ấy/ Xanh tươi mấy tầng mây). Thấy được bản tính, rõ được bản tâm, Phật tính liền
hiển hiện, tức thành Phật. Ý này trong kinh văn và cũng là tông chỉ của pháp môn
Thiền đốn ngộ: Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật. Câu đáp của Sư
Viên Chiếu đã dùng hình thức nghịch ngữ qua cách biểu đạt giàu hình ảnh diễm lệ,
bởi theo lẽ thường, cây khô đã chết thì sao trổ hoa được, dù đó là mùa xuân!
Hương thần là hương mầu nhiệm. Gặp tiết xuân, cây khô trổ hoa tỏa hương theo gió
bay đi rất xa. Viên Chiếu đã dùng nghịch ngữ để khai thị cho vị Tăng về nghĩa
của “kiến tính thành Phật”. Đó là diệu dụng không thể lường nổi. Cây khô là hình
ảnh hiện dụ chỉ cho ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) mê muội của con người,
nhưng khi tu tập giác ngộ thì sẽ kiến tính (thấy rõ bản tính chân như) tức thành
Phật, chẳng khác nào cây khô gặp tiết xuân sẽ nở hoa, hương thơm theo gió bay đi
khắp nơi. Vị Tăng lúc này vẫn chưa hiểu, xin chỉ lại, Sư đáp: Muôn năm cây cà
ấy/ Xanh tươi mấy tầng mây. Cây cà trong vườn là hình ảnh hiện dụ ai cũng thấy,
để chỉ cho cái thân mê muội chẳng có giá trị gì, nhưng nó xanh tốt vượt đến mây
xanh, tức nếu gặp thời tiết nhân duyên thì nó sẽ tốt tươi, y như thân con người
nếu gặp thiện duyên thì sẽ giác ngộ kiến tính thành Phật. Điều đó có nghĩa từ mê
đến giác con người có những diệu dụng phi thường, cái diệu dụng này con người
không thể hiểu, không thể biết hết được nếu tâm chưa tịch tĩnh.
3.5 Tăng lại hỏi: Thế nào là một câu sáng tỏ
siêu trăm ức? Sư đáp: Viễn hiệp Thái sơn siêu Bắc hải, Ngưỡng phao trụ
trượng nhập Thiềm cung (Xa ném Thái sơn qua biển Bắc/ Ngước tung cây gậy đến
cung trăng). Câu hỏi của vị Tăng lấy từ Chứng đạo ca của Thiền sư Huyền
Giác (Trung Quốc). Đáp lại câu hỏi trên, Viên Chiếu đã dùng hình ảnh trong thực
tại: núi Thái sơn, biển Bắc, cung Thiềm. Núi Thái sơn cao lớn, đâu phải là vật
nhỏ mà tay người có thể cầm để ném nó xa tới tận biển Bắc? Thiềm cung là cung
trăng, cách quá xa trái đất chúng ta, làm sao có thể ngước lên để tung cây gậy
đến đó? Nhưng hành giả nếu thông tỏ được một câu của Phật Tổ, tức đã chứng được
diệu dụng phi thường thì có thể vượt qua một cách dễ dàng những tầm thường của
thế gian. Ném núi Thái sơn đến biển Bắc, tung cây gậy đến cung trăng là hành
động vượt lên trên xa đến siêu trăm ức cây số không thể đếm được. Thông tỏ một
câu của Phật Tổ là ngộ được tất cả nghĩa lý siêu bách ức kinh văn. Khi xưa ở
Trung Quốc, lục Tổ Huệ Năng đâu có đọc được chữ, vậy mà nghe đến câu “Ưng vô sở
trụ nhi sinh kỳ tâm” thì hốt nhiên đại ngộ và được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn ấn chứng
truyền y bát làm Tổ sư thứ sáu Thiền tông Đông độ. Ở Việt Nam ta, Trần Thái Tông
cũng đại ngộ nhờ câu này khi đọc tụng kinh Kim cang Bát-nhã ba-la-mật mà
nhà vua - Thiền sư có ghi lại trong bài Tựa sách Thiền tông chỉ nam. Đó
chính là ý nghĩa của “một câu mà sáng tỏ siêu trăm ức”.
3.6 Lại hỏi: Bất hướng Như lai cầu diệu tạng/
Bất cầu Tổ diệm tục đăng chi. (Chẳng hướng Như lai cầu diệu tạng/ Không mong
đuốc Tổ nối đèn chi). Ý câu này là thế nào? Sư đáp: Thu thiên đoàn tử
lệ/ Tuyết cảnh mẫu đơn khai (Trời thu hoàng oanh hót/ Trong tuyết mẫu đơn
khoe). Người học đã dẫn lại lời trong sách Thiền Trung Hoa để hỏi, muốn biết ý
nghĩa của việc không làm người tiếp nối chư Tổ, không cần diệu tạng kinh của
Phật. Mục đích của việc tu hành là hướng về Tổ, về Phật để cầu tìm giác ngộ,
giải thoát, nhưng tại sao ở đây lại nói không cầu Phật, không tiếp nối Tổ? Viên
Chiếu đáp lại bằng hai câu rất thơ để khơi dẫn người học thoát ra khỏi con đường
mòn cũ bằng một nghịch ngữ. Chim hoàng oanh cất tiếng líu lo mỗi độ xuân về, hoa
mẫu đơn trổ bông khoe sắc lúc sang hè. Vậy mà ở đây Sư lại nói chim oanh hót lúc
trời thu, hoa mẫu đơn nở trong tuyết mùa đông. Nói không nối đèn Tổ, không cầu
Phật là câu nói ngược với ý người xưa, không có ý nghĩa thật, thế mà người sau
cứ lấy đó làm chuẩn để noi theo là sai lầm, chẳng khác nào oanh hót mùa thu, mẫu
đơn nở trong tuyết mùa đông! Đây còn là tinh thần vô trụ (không bám víu), phá
chấp của Thiền tông. Diệu Nhân Ni sư (1041-1113) từng phát biểu: Thiền Phật
bất cầu/ Đỗ khẩu vô ngôn (Thiền Phật chẳng cầu/ Mím miệng không nói); hay
như Quảng Nghiêm (1121-1190) đã khuyên người tu hành đừng đi theo vết chân của
Như Lai đã đi: Hưu hướng Như lai hành xứ hành; hoặc như Điều ngự Giác
hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) từng nói : Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền
(Trước cảnh vô tâm, đừng hỏi Thiền) chính là sự thể hiện tinh thần phá chấp
triệt để, không bám víu đó.
3.7 Tăng hỏi: Tâm pháp cả hai đều quên, tính tức
chân. Thế nào là chân? Sư đáp: Vũ trích nham hoa Thần nữ lệ/ Phong xao
đình trúc Bá Nha cầm (Hoa núi mưa sa Thần nữ khóc/ Tre sân gió thổi Bá Nha
đàn). Vị Tăng muốn hiểu thế nào là chân, mà muốn hiểu chân cần phải nhận rõ tâm
và pháp. Tâm là nội tâm, pháp là ngoại cảnh. Nếu hành giả nhận thức giữa nội tâm
và ngoại cảnh đều không dính mắc, tức không còn phân biệt chúng, thì đó là chân.
Thể tính là chân, chân là thể tính. Để trả lời câu hỏi thế nào là chân, Viên
Chiếu đã dùng hình ảnh hoa trên núi dưới trời mưa, tre trước sân khi gió thổi,
qua những điển cố từ sử sách Trung Hoa. Rõ ràng là hoa trên núi dưới trời mưa,
giọt mưa đọng lại trên cánh hoa chẳng khác nào như giọt nước mắt của Thần nữ.
Khi gió thổi, tre trúc trước sân cọ xát vào nhau vang lên âm thanh trầm bổng,
giống như tiếng đàn của Bá Nha gãy cho Chung Tử Kỳ nghe, mà lúc ấy chí của Bá
Nha để ở nơi núi cao, ở dòng nước chảy. Thế thì câu trả lời dùng hình ảnh ví von
sinh động như thế có giải đáp được gì về câu hỏi của người học? Những hình ảnh:
hoa trên núi, mưa rơi, giọt mưa đọng trên cánh hoa là hình ảnh có thật, là thực
tướng, thế mà người nhìn thấy cứ ngỡ đó là những giọt nước mắt khóc than của vị
Thần nữ. Cũng vậy, hình ảnh: gió thổi, tre trúc, âm thanh cọ xát là hình ảnh có
thật, nhưng người nghe lại tưởng tượng đó là tiếng đàn của Bá Nha. Cái ngỡ là,
sự liên tưởng hay tưởng tượng ấy chỉ là vọng, không thật. Nói cách khác muôn sự
muôn vật trong thế giới hiện thực khách quan (vạn pháp) đều bộc lộ cái hình
tướng thật của nó, cái hình tướng thật này là chân, nhưng do con người tưởng
tượng nên không nhận ra tính chân. Như vậy, nếu không tưởng tượng thì nhận rõ
cái chân, còn nếu khởi tưởng thì sẽ mất hết tính chân, sẽ không thấy được thực
tướng của vạn vật.
4. Tóm lại, trong bài kệ tứ cú và phần nhiều các
câu trả lời bằng hình thức thơ trong Tham đồ hiển quyết, Thiền sư Viên
Chiếu đã dùng những hình ảnh nghệ thuật như ví von so sánh, ẩn dụ sinh động,
liên tưởng thú vị để giải đáp chân lý, gợi mở những tư tưởng uyên áo, sâu sắc
của Thiền. Bài kệ thị tịch và ngữ lục Tham đồ hiển quyết vừa là tác phẩm
triết học tư tưởng, lại vừa là áng văn chương tuyệt diệu với đạo lý u huyền. Nếu
người đọc chưa từng trải nghiệm, chưa có vốn tri thức về Thiền về Phật thì khó
lòng nghiền ngẫm để nhận ra chân lý nhiệm mầu mà Thiền sư đã gởi gắm qua hình
thức ngôn ngữ thi ca lung linh ấy.
Tài liệu tham khảo:
1. Thiền uyển tập anh ngữ lục, chữ Hán, bản
in Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), ký hiệu A.3144.
2. Nguyễn Công Lý, Văn học Phật giáo thời Lý -
Trần: diện mạo và đặc điểm, NXB.ĐHQG TP.HCM, 2002, tái bản lần 5 (có bổ
sung) 2016.
3. Thích Thanh Từ, Tham đồ hiển quyết và thi
tụng các Thiền sư đời Lý, NXB.TP.HCM - Thiền viện Thường Chiếu, Phật lịch
2541- Dương lịch 1997.
4. Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập 1,
NXB.KHXH, HN, 1977.