Lục kiến xứ (六見處) - sáu nơi trú ngã
luc kien xu
Lục kiến xứ (六見處)
- sáu nơi trú ngã
Thạnh Châu
Vào thời Đức Thế Tôn tại thế,
tư tưởng Veda[1]
phổ biến rộng rãi trong đời sống xã hội và tâm linh của người Ấn Độ. Theo tư
tưởng Veda, mỗi người là một Tiểu ngã (Atman), và cần phải tu tập
để được trở về với Đại ngã (Brahman). Với niềm tin có một cái ngã hiện
hữu, các nhà hiền triết Ấn Độ suy tư về các vấn đề liên quan đến ngã, ví như
hình dáng ngã, nơi trú của ngã. Và vấn đề được đặt ra là, cái ngã đó ở đâu trong
cơ thể con người?
Con người nhận biết thế giới
thông qua các giác quan, qua đó hình thành những nhận thức, quan điểm về mọi sự
vật, hiện tượng trên thế gian, kể cả bản thân mình. Các nhà hiền triết Ấn Độ
quan niệm rằng “con người” là sự kết hợp của nhiều bộ phận khác nhau, nhưng tựu
chung có thể bao gồm hai phần chính, đó là
danh (nāma) và sắc
(rūpa). Ở đây sắc chính là phần thân thể vật lý, còn danh chỉ cho các
trạng thái tâm lý, như thọ, tưởng, hành, thức... Các triết gia Ấn Độ cho đây là
nơi trú ẩn của ngã. Đức Thế Tôn gọi quan điểm này là Lục kiến xứ (六見處),
tức sáu quan điểm về nơi chấp ngã. Thực tế,
ngã là một sản phẩm của tâm
thức có tính trừu tượng. Vì thế các nhà hiền triết Ấn Độ không thể mô tả cụ thể
hình tướng của ngã, như cách làm thông thường đối với mọi sự vật, hiện tượng
trên thế gian. Thay vào đó, họ nghĩ về nơi trú của ngã, nhằm đáp ứng mục đích
khẳng định có ngã hằng hữu, dù bên trong hay bên ngoài cơ thể con người.
Trình bày về sáu nơi trú của
ngã, trong kinh Sanh tử lưu chuyển (kinh Tạp A-hàm)[2]
Đức Phật có dạy các đệ tử: “Này các Tỷ-kheo, vì có sắc, sinh khởi sự của sắc,
hệ lụy sắc, nơi sắc mà thấy ngã, khiến cho chúng sinh bị vô minh che lấp, bị ái
cột cổ, phải dong ruổi nơi đường dài, luân hồi theo sinh tử, lưu chuyển trong
sinh tử. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
…
Cho nên, này các Tỷ-kheo,
những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc
ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng
đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.
Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy
Cũng vậy, cái thấy, cái
nghe, cái hay, cái biết, cái sở cầu, cái sở đắc, cái được nhớ nghĩ; tất cả đều
chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.”[3]
Qua đoạn trích trên chúng ta
có thể thấy rằng khái niệm sắc, thọ, tưởng, hành, thức đã phổ biến ở Ấn Độ cổ
đại, có trước hoặc cùng thời với Đức Phật Thích Ca. Người Ấn cổ đại cho rằng cơ
thể con người được cấu thành bởi các yếu tố khác nhau, rồi phân biệt và đặt tên
cho chúng là sắc, thọ, tưởng, hành, thức; đồng thời xem chúng làm nơi nương gá
của ngã. Không những thế, các khái niệm này còn được mở rộng theo chiều thời
gian: quá khứ, hiện tại, tương lai; theo chiều không gian: trong - ngoài, trên -
dưới…, tạo thành bức tranh đa chiều, có nhiều góc nhìn khác nhau cho cùng một
đối tượng. Lý giải điều này, Đức Phật cho rằng do vì con người nhận thức được
yếu tố sắc (thân thể vật lý) nên sinh khởi các quan điểm, tư tưởng liên quan đến
sắc, chấp chặt (hệ luỵ) vào đó và phân biệt đúng sai với các nhận thức khác.
Việc này cũng xảy ra tương tự đối với các thành phần khác, thuộc về trạng thái
tâm lý như cảm thọ, tri giác, suy tính, nhận thức… Tất cả những thứ này đều
không phải ngã, không phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Như vậy, ở đây Đức Phật
phủ nhận mọi quan điểm về ngã, bao gồm cả quan điểm có hay không có ngã.
Tương tự, trong kinh Đại
duyên phương tiện (kinh Trường A-hàm), Đức Phật cũng giảng giải cho Tôn giả
A Nan các quan điểm khác nhau về sự liên hệ giữa ngã và các yếu tố sắc, thọ,
tưởng và thức[4].
Theo đó, có bốn quan điểm về sắc[5],
bốn loại cảm thọ[6],
bảy loại thức[7]
và hai loại tưởng[8]
liên hệ đến tư duy chấp ngã. Mỗi người đều cho rằng quan điểm của mình đúng, còn
quan điểm của người khác thì sai, từ đó đưa đến những tranh luận bất đồng. Trái
lại, với sự chứng biết như thật đối với các pháp, Đức Phật nhận thấy tất cả quan
điểm của người thế tục không đúng với chân lý. Thế nên, Ngài dạy các Tỷ-kheo nên
nói: “Cái ấy không phải là ta. Ta không phải là cái ấy”[9].
Người đệ tử Phật với tri kiến như thật có thể giải thoát khỏi mọi kiến chấp sai
lầm.
Ngoài ra, trong nhiều bản
kinh A-hàm khác, Đức Phật đã nói đến chính kiến về các thành phần cơ thể con
người có liên hệ đến các tư tưởng chấp ngã. Cụ thể, trong kinh Thuyết vô
thường (kinh Trung A-hàm) Đức Thế Tôn dạy: “Sắc là vô thường, vô thường
nên khổ, khổ nên phi ngã. Thọ cũng vô thường, vô thường nên khổ, khổ nên phi
ngã. Tưởng cũng là vô thường, vô thường nên khổ, khổ nên phi ngã. Hành cũng là
vô thường, vô thường nên khổ, khổ nên phi ngã. Thức cũng là vô thường, vô thường
nên khổ, khổ nên phi ngã.”[10]
Kinh Phi ngã (kinh Tạp A-hàm) cũng viết:
“Sắc không phải là ngã.
Nếu sắc là ngã, không nên ở nơi sắc mà bệnh, khổ sinh và cũng không thể có ước
muốn khiến như vậy hay không như vậy đối với sắc. Vì sắc là vô ngã cho nên ở nơi
sắc có bệnh, khổ sinh và nó cũng có ước muốn khiến như vậy, hay không như vậy
đối với sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy”[11]
Ở đây, Đức Phật đã căn cứ vào
hình tướng thực tế để lý giải về sự vô thường, vô ngã của các pháp. Nếu như sắc
là ngã thì sắc ấy không bị bệnh đau. Con người, từ lúc sinh ra và đến khi qua
đời, không ai không một lần trải qua sự đau bệnh đối với thân thể vật chất, và
cả bệnh về tâm lý. Dù là người giàu hay nghèo, ở quốc gia này hay xứ sở khác đều
có những căn bệnh do luật vô thường chi phối. Ai có bệnh thì có khổ, khổ là vì
chúng ta không làm chủ được sự thay đổi của thân và tâm. Thế nên, các pháp (sắc,
thọ, tưởng, hành, thức) là vô ngã. Nói cách khác, năm uẩn là vô ngã. Đó là quan
điểm của Phật giáo. Triết lý này không chỉ có trong văn hệ A-hàm (thuộc Hán
tạng) mà có cả trong văn hệ Pāli. Khi nghiên cứu về bản chất của con người (nhân
tính) trong kinh tạng Pāli, Hòa thượng Thích Chơn Thiện có đưa ra nhận định: “Cái
gọi là con người là một tập hợp của năm uẩn vốn rỗng không, nên con người hẳn
phải là vô ngã và không phải là ‘Ta’, không phải ‘của Ta’, không phải là ‘tự ngã
của Ta’. Ðiều này nghe khá lạ, nhưng là sự thật”[12].
Kết quả nghiên cứu này[13]
một lần nữa khẳng định quan điểm của Phật giáo về các thành tố cấu tạo nên con
người: Năm uẩn đều rỗng không, đều vô thường, vô ngã. Và, phải chăng thuyết năm
uẩn này có nguồn gốc hoặc có liên hệ với quan điểm về sáu xứ trú ngã của các nhà
ngoại đạo? Mọi sự vật, hiện tượng trên thế gian được con người nhận biết qua sự
tiếp xúc giữa các căn bên trong và cảnh vật bên ngoài, hình thành khái niệm và
phân biệt các đối tượng. Bản thân con người được phân thành hai đối tượng nhận
thức chính: thân thể vật lý và trạng thái tinh thần; hoặc có thể phân chia nhỏ
hơn thành các bộ phận thuộc thân thể như đầu, mình, tay, chân….; và các tâm lý
như buồn, vui, thương, ghét… Tuy nhiên, theo quan điểm Phật giáo, bản thân con
người cũng như vạn pháp đều là những hình tướng do nhiều yếu tố hợp lại mà
thành, chúng luôn luôn biến đổi. Trong cái tổ hợp nhân duyên đó, không có bất kỳ
thành tố nào cố định, bất biến để được cho là tương đồng với ngã hay là nơi lưu
trú của ngã.
Như thế, chúng ta có thể hiểu
Lục kiến xứ - sáu nơi trú của ngã, xuất phát tử quan điểm của
các nhà ngoại đạo. Đức Phật
đã tổng hợp và chỉ ra sự sai lầm của họ. Đây có thể gọi là tuỳ thuận thế gian mà
Đức Phật phân biệt sáu xứ, kỳ thật không có pháp nào thật có để lập thành xứ,
làm nơi chốn để cho đối tượng khác có thể đánh đồng hay nương gá.
[1][1]
Kinh Veda là thánh điển của
Bà-la-môn giáo. Theo Phạn ngữ,
Veda có nghĩa là tri thức, kiến thức. Người Ấn xưa xem kinh Veda
là tri thức truyền thống. Theo các nhà nghiên cứu, hiện nay kinh này còn
lại bốn bộ, đó là:1. Rig-veda (Lệ Câu Vệ Đà), Tri thức về các
thánh ca tán tụng; 2. Sama-veda: Dạ Nhu Vệ Đà, Tri thức về các
giai điệu; 3. Yajur-veda, Tri thức về các lời khấn khi tế lễ; 4.
Atharva-veda, Tri thức về các thần chú.
[2] Trong phần Tương ưng kiến (kinh Tạp A-hàm)
có hai bài kinh cùng nội dung, cùng mang tên Sanh tử lưu chuyển (số
135, tr.296 và số 138, tr.299). Sau mỗi bản kinh, có hai kinh kế
tiếp có cùng nội dung chính, chỉ khác nhau phần cuối mỗi kinh. Ngoài ra,
nội dung hai kinh này trùng với kinh Ưu não sanh khởi (số
141, tr.303). Theo chú thích của Tuệ Sỹ, phần Tương ưng kiến này
có đến 93 kinh, nhưng chỉ có 6 kinh có nội dung. (Thích Đức Thắng dịch,
Kinh Tạp A-hàm, cuốn Chú thích số 1, phần Tương ương kiến,
NXB.Hồng Đức, Hà Nội, 2019, tr.296).
[3] Thích Đức Thắng dịch, Kinh Tạp A hàm, cuốn
1, số 135, Kinh Sanh tử lưu chuyển, NXB.Hồng Đức, Hà Nội, 2019,
tr.296-297.
[4] Tuệ Sỹ dịch, Kinh Trường A-hàm, tập 1, kinh
Đại duyên phương tiện, số 13, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr.302-
306.
[5] Bốn quan điểm liên hệ giữa ngã và sắc, như 1. Hữu
hạn, sắc là ngã; 2. Vô hạn, sắc là ngã; 3. Hữu hạn, vô sắc là ngã; 4. Vô
hạn, vô sắc là ngã.
[6] Bốn quan điểm liên hệ giữa ngã và cảm thọ, gồm 1.
Thọ là ngã; 2. Thọ không phải ngã, ngã là thọ; 3. Thọ không phải ngã,
ngã không phải thọ; nhưng thọ pháp là ngã; 4. Thọ không phải ngã, ngã
không phải thọ, thọ pháp không phải ngã; nhưng thọ là ngã.
[7] Bảy quan điểm liên hệ ngã và thức gồm: 1. Hạng
chúng sinh, với nhiều thân khác nhau và nhiều tưởng khác nhau, tức chư
Thiên và loài Người; 2. Hạng chúng sinh với thân đồng nhất nhưng với
nhiều tưởng khác nhau, như trời Phạm chúng; 3. Hạng chúng sinh có thân
sai biệt nhưng tưởng đồng nhất; đó là trời Quang âm; 4. Hạng chúng sinh
với thân đồng nhất, tưởng đồng nhất, tức trời Biến tịnh; 5. Hạng chúng
sinh trú nơi không vô biên xứ; 6. Hạng chúng sinh trú nơi thức vô biên
xứ; 7. Hạng chúng sinh trú nơi vô sở hữu xứ.
[8] Hai quan điểm liên hệ ngã và tưởng, gồm: 1. Vô
tưởng xứ; 2. Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
[9] Tuệ Sỹ dịch, Kinh Trường A-hàm, tập 1, kinh
Đại duyên phương tiện, số 13, NXB.Tôn giáo, Hà Nội, 2007, tr.306.
[10]
Tuệ Sỹ dịch, Kinh Trung A-hàm, tập 1, số 120, kinh Thuyết vô
thường, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, tr.877.
[11] Thích Đức Thắng dịch, Kinh Tạp A-hàm, cuốn
1, số 79, kinh Phi ngã, NXB.Hồng Đức, Hà Nội, 2019, tr.163.
[12] Thích Chơn Thiện, Lý thuyết Nhân tính qua tạng
kinh Pāli, NXB.Phương Đông, TP.Hồ Chí Minh, 2009, tr.153.
[13] Tác phẩm Lý thuyết Nhân tính qua tạng kinh
Pāli là luận án tiến sĩ Phật học của Hòa thượng Thích Chơn Thiện.
Đây là bản tiếng Việt do Tâm Ngộ dịch tử bản nguyên tác tiếng Anh:
The Concept of personality revealed through The pancanikaya.