Kính Mừng Ngày Phật Thành đạo - ĐỨC PHẬT & LOÀI NGƯỜI
duc phat va loai nguoi
Kính Mừng Ngày Phật Thành đạo - ĐỨC PHẬT & LOÀI NGƯỜI
Trong cấu trúc thân-tâm của một con người bình thường có 3
trạng thái tâm được đức Phật xem như chất độc là THAM-SÂN-SI. Ba chất độc
này lan toả qua 3 loại hoạt động thường xuyên nhất của một con người:
- nghĩ gì cũng phải có lợi cho mình;
- nói gì cũng phải có lợi cho mình;
- làm gì cũng phải có lợi cho mình.
“Lợi cho mình” là yếu tố chính khiến cho mỗi người tự tách
rời mình với thế giới xung quanh; trong lúc yếu tính tồn tại của con người
là không thể tách rời, mà phải nương tựa vào cái khác mới có thể sống còn.
Dù có ở một mình nơi cô tịch không có bóng người hay dã thú đi nữa thì con
người vẫn cần đến không khí để thở, mặt đất để đứng vững, nước suối để uống,
lá cây để ăn, vỏ cây để mặc.
Trong một tương quan tồn tại như thế, nếu con người, vì không
nhìn thấy điều đó (si) mà chỉ muốn cái gì tốt đẹp nhất cũng thuộc riêng mình
(tham), và đẩy tất cả những gì xấu xa độc hại cho thế giới xung quanh (sân)
thì rõ ràng con người đang tự huỷ hoại những gì đang làm nơi nương tựa cho
chính mình, huỷ hoại chính nền tảng tồn tại của bản thân mình.
Đây là thực trạng tồn tại của con người
mà mỗi người chúng ta đều có thể dễ dàng nhận ra. Và chúng ta còn nhận ra
mọi xung đột, xáo trộn, hỗn loạn trong cộng đồng loài người đều xuất phát từ
3 loại hành động “phải có lợi cho mình” nói trên. Thế thì, xưa và nay, cả
Đông và Tây, con người đã làm gì để thoát ra khỏi tình trạng này? Ở đây,
chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời trong khuôn khổ những lời giáo huấn của đức
Phật.
Trước tiên, đức Phật mô tả hay chỉ ra
cho con người thấy một sự thật: mọi khổ đau, xung đột, hỗn loạn thường xuyên
xảy ra trong đời sống cộng đồng loài người đều xuất phát từ “ý nghĩ phải có
lợi cho mình”, hay nói một cách ngắn gọn và rõ ràng hơn, từ Ý NGHĨ VỀ MÌNH.
Tất cả chúng ta thường nghĩ rằng mình là “có thực”, và điều bi đát nhất là
mình đang tồn tại “độc lập” với xung quanh. Đức Phật chỉ ra đây là suy nghĩ
ngu xuẩn nhất của con người. Chỉ riêng về hoạt động “thở” thôi: nếu không có
môi trường xung quanh cung cấp dưỡng khí thường xuyên, đồng thời tạo lối
thoát cho thán khí, thì có còn cái gọi là “tồn tại độc lập” của con người
hay không?
Vì thế, giải pháp đức Phật đề ra là
trước tiên con người phải nhận ra một sự thật: không có thực một tồn tại gọi
là “con người” tách rời với các tồn tại khác; mà “con người” chỉ là một tập
hợp của các điều kiện ở cả “bên trong” lẫn “bên ngoài” con người. Và muốn
nhận chân điều này, con người phải nỗ lực khai phát một tiềm năng có sẵn
trong mỗi người, được nhà Phật gọi là TRÍ TUỆ.
Tuy nhiên, trí tuệ mới chỉ là sự nhìn
thấy của riêng từng con người. Muốn giải quyết tận gốc rễ mọi vấn đề trong
xã hội, con người phải nỗ lực khai phát một tiềm năng khác nữa: đó là sự
quan tâm đích thực đến thế giới xung quanh. Sự quan tâm này phải được làm
cho trở thành hiện thực qua hai loại hành động được đức Phật gọi là TỪ-BI:
mang đến niềm vui nhiều như có thể, và chia sẻ khổ đau nhiều như có thể với
tất cả mọi tồn tại xung quanh, bao gồm cả môi trường sống và tất cả các sinh
vật khác.
Giải pháp đức Phật đề ra chỉ có thế.
Hành tinh này không phải là tồn tại duy nhất trong ba ngàn
đại-thiên-thế-giới. Và con người trên hành tinh này cũng không phải là cộng
đồng sinh vật duy nhất tồn tại trong vũ trụ bao la rộng lớn này. Ngài đến
đây chỉ để gởi một thông điệp với nội dung như thế. Có nghe hay không hoàn
toàn tuỳ thuộc vào quyết định của mỗi con người trên trái đất.
Nguồn: FB. Đạo Sinh