Đức Phật & chúng ta

duc phat va chung ta
ĐỨC PHẬT & CHÚNG TA
 

Đạo Sinh


 

Các nhà truyền bá Phật Pháp từ Ấn-độ, khi đi đến một nước nào đó nằm ngoài biên giới, họ chỉ mang theo những lời dạy, chứ không phải xá-lợi, của đức Phật. Cho dù có mang theo xá-lợi thì xá-lợi đó cũng được người khác truyền lại cho họ, chứ bản thân họ cũng không tận mắt nhìn thấy được đức Phật. 

 
Sự thật này nói lên một điều: tất cả những gì chúng ta biết về đức Phật đều do người khác kể lại. Cái biết này tạo ra một hình ảnh và một ý tưởng nào đó trong tâm mỗi người chúng ta về cái gọi là “đức Phật”. Kết quả là, không có một đức Phật chung chung, mà chúng ta có bao nhiêu người thì sẽ có bấy nhiêu đức Phật, với những tính cách nào đó được mỗi người chúng ta tưởng tượng ra.

 
Nếu nhận ra được sự thật này, chúng ta sẽ có sự tự do tuyệt đối, đồng thời thoát ra được những phiền não không đáng có, về những gì liên quan đến “con người” của đức Phật. Chúng ta tự do tạo dựng cho mình một hình ảnh ở trong tâm, hoặc một vật thể ngoài không gian, hoặc cả hai, về đức Phật, tuỳ theo niềm tin và sở thích của mỗi người chúng ta.

 
Sau khi có được một hình tượng như thế rồi, chúng ta bắt đầu gắn lên đó bất kỳ danh hiệu, tính chất, đặc điểm, dấu hiệu, ký hiệu nào chúng ta thích.

 
Trước tiên, chúng ta hãy gắn lên ba phẩm tính cao quý nhất đã được chúng ta tự nguyện chọn làm ý nghĩa, làm lý tưởng cho cuộc sống hàng ngày là THANH TỊNH - GIẢI THOÁT - GIÁC NGỘ. 

 
Nếu chúng ta thích Phật là một nhà hiền triết, tĩnh mặc trong tư thế nhập định, thì chúng ta gọi đó là Thích-ca Mâu-ni.

 
Nếu chúng ta thích Phật sẽ hiện thân dẫn dắt chúng ta về với cảnh giới của Ngài, thì chúng ta gọi đó là A-Di-Đà.

 
Nếu chúng ta thích Phật sẽ xuất hiện trở lại một khi Chánh Pháp đã hoàn toàn biến mất trên thế gian này, thì chúng ta gọi đó là Di-Lặc.

 
Nếu chúng ta thích Phật hiện thân dưới hình tướng của một bậc Đại Sỹ, luôn lắng nghe tiếng kêu trầm thống của tất cả chúng sinh đang ngập chìm trong biển khổ, thì chúng ta gọi đó là Quán Thế Âm; v.v.

 
Một hình tượng đầy đủ các thuộc tính như thế, một khi đã được kiến lập cụ thể, rõ ràng trong tâm mỗi người chúng ta, sẽ trở thành một trú xứ tu tập, một đạo tràng thanh tịnh vượt ra ngoài mọi giới hạn của thế giới thời-không. Không chỉ có thể tu tập vào lúc vừa thức dậy, vào lúc sắp đi ngủ, mà chúng ta có thể tiếp xúc với Phật vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Không chỉ có thể gần Phật khi ngồi trong không khí yên tĩnh của thư phòng, mà chúng ta còn có thể nhìn thấy Phật khi ngồi trong thánh đường, trong công sở, giữa chốn thị thành, trong thanh lâu tửu điếm, trên tàu lửa, trên máy bay, trong công viên, trên giường bệnh, v.v.

 
Và điều vô cùng thú vị là không có một tai hoạ, một thế lực nào, đến từ thế giới tự nhiên hay thế giới của các loại chúng sinh hữu tình, có thể phá huỷ đạo tràng tu tập trong tâm tưởng của chúng ta—ngay cả cái chết. Một khi đã được tạo thành, không phải bằng các nguyên tố đất-nước-gió-lửa, mà bằng chính tâm nguyện của chúng ta, thì đức Phật sẽ vĩnh viễn đồng hành với chúng ta, cho dù chúng ta được tìm thấy trong bất cứ hình tướng nào, trong bất kỳ a-tăng-kỳ-kiếp nào trong chuỗi luân-hồi-sinh-tử bất tận này.
Chia sẻ: facebooktwittergoogle