Pháp ấy rõ ràng ngay trước mắt

phap ay
Pháp ấy rõ ràng ngay trước mắt
Thiền sư Lâm Tế có nói về “địa hành thần thông” phép lạ là đi trên mặt đất. Tôi tu học không phải để được đi trên mây, trên nước, hay bước trên lửa. Tu học không phải để tôi có được những khả năng phi thường, để khiến mình trở nên kỳ dị và khác thường với những người chung quanh. 
    Tôi tu học để tôi có thể thật sự sống và ý thức được những gì đang xảy ra chung quanh ta với một tâm tĩnh lặng và trong sáng.
    Trong nhà thiền có câu "Bước trên thật địa, thở giữa chân không." Khi ta thật sự đặt những bước chân trên mặt đất này, thì bất cứ ở nơi nào cũng sẽ trở thành "thật địa". Chúng ta tuy sống trong hiện tại nhưng thường đi trên mặt đất tiếc nuối của ngày hôm qua, hoặc lo âu của những ngày sắp tới. Phép lạ là làm sao ta có thể thật sự đi trên mặt đất này bằng những bước chân trọn vẹn trong giờ phút hiện tại!
Rõ ràng ngay trước mắt.
Với một rừng kinh điển mênh mông, chúng ta có thể nghĩ rằng những điều Phật dạy rất là huyền bí cao siêu, khó hiểu, khó thấy, nhưng thật ra chúng cũng rõ ràng ngay trước mắt ta. Tăng Chi Bộ Kinh ghi, có một người ngoại đạo tên Sivaka đến hỏi Phật "Con nghe nói giáo pháp của Ngài là rõ ràng ngay trước mắt, (the dhamma is directly visible), thưa Ngài thế nào là rõ ràng ngay trước mắt?"
    Đức Phật đáp, “Nếu nội tâm có tham, ông có biết ‘nội tâm ta có tham’; nội tâm không có tham, ông có biết ‘nội tâm ta không có tham’ chăng?” Ông Sivaka thưa: “Thưa có.”  Phật bảo: “Này Sivaka, nội tâm có tham, ông có biết ‘nội tâm ta có tham’, nội tâm không có tham, ông có biết ‘nội tâm ta không có tham’. Như vậy này Sivaka ‘pháp ấy là rõ ràng ngay trước mắt, (the dhamma is directly visible)’
    Chúng ta đâu cần phải tìm kiếm đâu xa xôi để chuyển hóa những muộn phiền và khó khăn của mình, phải không bạn?  Tôi nhớ câu chuyện của một người ngoại đạo đến hỏi Phật, "Tôi nghe người ta nói ông dạy đạo sống an lạc và giác ngộ, thế thì mỗi ngày các ông ở đây thực tập như thế nào?" 
    Phật đáp, "Ở đây mỗi ngày chúng tôi ăn, uống, đi, đứng, nằm, ngồi." "Như vậy có gì là khác biệt, là khó đâu, ai mà lại chẳng đi, đứng, nằm, ngồi?" Phật đáp, "Nhưng chúng tôi ở đây khi đi mình biết là mình đi, khi đứng biết là đứng, khi ngồi biết là mình ngồi, và khi nằm chúng tôi biết là chúng tôi nằm!"
    Tôi nghĩ, có người sẽ hỏi thêm rằng, ai mà đi lại không biết mình đi, ngồi mà lại không biết mình ngồi, thở mà không biết mình đang thở đâu? Nhưng thật ra, vấn đề là chúng ta đang biết với một tâm nào! Ta có thật sự thấy biết, hay chỉ là nghĩ tưởng và đang bị chúng cuốn trôi theo! Chúng ta có thể mất công giải thích hết giấy mực, nhưng thật ra ta chỉ cần chính mình trải nghiệm và khám phá lấy mà thôi.
Thiết thực hiện tại
Trong đạo Phật, trên con đường tu học có một sự thực tập gọi là hành động chân chánh, (samyak-karmānta, wise action). Nó cũng có nghĩa là trong giờ phút này ta chỉ có một việc để làm, một lời để nói, ta chỉ có mỗi bước chân này và con đường mình đang đi... 
    Và dầu có bận rộn vì bổn phận, hoặc là công việc có nhiêu khê đến đâu, ta hãy nhớ thể hiện hành động ấy sao cho chân chánh, cho đẹp và thật trọn vẹn, ngay trong giây phút này, với tình thương và tuệ giác.
 
    Mà thật ra, đó cũng không phải là một sự cố gắng nào hết, vì ta cũng đâu thể hành xử theo cách nào khác hơn được, phải không bạn?  Thật ra đó cũng là sự sống của mình mà thôi. Trong giờ phút này ta chỉ cần biết trở về để ý thức được những gì đang có mặt trong ta và chung quanh ta một cách trọn vẹn. Ta chỉ cần sống cho chân thật, với một ý thức sáng tỏ, và rồi tất cả sẽ tự nhiên chăm sóc cho tương lai của mình.
Một con đường tốt đẹp.
Hạnh phúc bao giờ cũng có mặt trên con đường tu học, như Phật nói, "Con đường của ta tốt đẹp ở đoạn đầu, tốt đẹp ở đoạn giữa và tốt đẹp ở đoạn cuối." Hạnh phúc không phải chỉ có mặt ở giai đoạn cuối của con đường tu tập mà thôi. Con đường tu học của ta là một con đường hay đẹp, ta có thể bắt đầu bất cứ khi nào, và bất cứ ở đâu.
    Trong kinh Tương Ưng có lần Phật nói, "Này các thầy, ví như có ai đến nói với một người rằng, 'Này bạn, vào buổi sáng bạn hãy đâm một trăm cây thương vào thân mình, vào buổi trưa bạn sẽ đâm một trăm cây thương, vào buổi chiều bạn sẽ đâm một trăm cây thương nữa... sau một trăm năm bạn sẽ giác ngộ được Tứ Diệu Đế.' Này các thầy, một người hiểu biết có thể nào chấp nhận điều ấy chăng? Này các thầy, tôi không bao giờ nói rằng nhờ khổ và ưu mà Tứ Diệu Đế được chứng ngộ. Nhưng này các thầy, tôi dạy rằng nhờ lạc và hỷ mà Tứ Diệu Đế được chứng ngộ!"
    Có người nghĩ rằng, trên con đường tu học chúng ta phải nỗ lực và khổ cực bây giờ để ngày mai được giải thoát. Việc ấy có lẽ chỉ đúng được phần nào mà thôi. Lẽ dĩ nhiên, sự tu tập đòi hỏi một sự tinh cần, nhưng không có nghĩa là ta phải chịu khổ đau hoặc trốn tránh cuộc đời. Vì thật ra, sự tinh cần ấy chính là sự buông bỏ thái độ buông lung, tìm cầu của mình, để quay trở về sống trọn vẹn trong giờ phút hiện tại, chứ không phải là một nỗ lực nào khác. 
    Và đó cũng là ý nghĩa của thiết thực hiện tại, một con đường tốt đẹp.
Duy Nhiên
Chia sẻ: facebooktwittergoogle