Hãy tin vào bản thân

hay tin vao ban than

                                                            Thích Nữ Minh Ngọc

 

Giáo lý Phật giáo giúp chúng ta cải thiện bản thân bằng cách tin vào khả năng chuyển mê khai ngộ của mình; và niềm tin đó phải tự chúng ta suy tư, nhận thức, tuy nhiên không nhiều khó khăn vì Đức Phật đã hướng dẫn cho chúng ta phương pháp và chỉ cho chúng ta con đường.

Nền tảng niềm tin (saddhā)

Theo Phật giáo, nếu muốn tin những điều như được đề cập trong kinh Kālāmā (tin vì nghe truyền thuyết, tin vì theo truyền thống, tin vì được kinh điển truyền tụng, tin vì lý luận suy diễn, tin vì diễn giải tương tự, tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện, tin vì phù hợp với định kiến, tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình), thì cần dựa vào 3 tiêu chí để khảo sát, xem điều đó có đáng tin và có giá trị hay không.

Kiểm chứng bằng cách chính mình thực hiện.

                        Bằng sự suy luận không thể bác bỏ được.

                        Bằng những chứng cứ đáng tin cậy.

Đây chính là cơ sở để đặt niềm tin vào. Đức Phật tôn trọng phẩm giá và trí tuệ con người. Vì vậy, chúng ta cần tin tưởng bản thân, không từ bỏ thân phận làm người để cúi đầu trong vâng phục, bảo sao nghe vậy, chỉ đâu đi đó. Tin mà không cần biết, không cần hiểu.

Kinh Kālāmā giúp chúng ta hoài nghi bản thân, từ đó tư duy, phân tích, tranh luận, học hỏi kinh nghiệm của người giỏi hơn, bậc thiện tri thức, để nhìn ra vấn đề từ nhiều góc độ, bằng nhận thức của chính mình, không lệ thuộc vào ai. Nền tảng đó giúp chúng ta đặt niềm tin (saddhā) đúng nơi, đúng người. Bên cạnh đó, chúng ta dựa vào cơ sở đó để tăng cường tư duy, cải thiện khả năng nhận thức. Nếu không, một khi vội tin và sau đó biết mình sai lầm, điều đó sẽ kìm hãm và làm tổn thương cuộc sống của mình. Vì vậy, chúng ta cần kiểm chứng trước khi đặt niềm tin, từ điều nhỏ nhất cho đến các vấn đề quan trọng.

Tư duy tích cực để vui sống

Những đau khổ, khủng hoảng thường bắt nguồn từ sự chia cắt bởi cái chết của một người thân yêu, bởi được chẩn đoán mắc một căn bệnh nghiêm trọng, bởi mất danh vọng, địa vị… Làm thế nào chúng ta vượt qua được những đau khổ này? Đức Phật dạy rằng:

                                                            “Con tôi, tài sản tôi,

Người ngu sinh ưu não, 

Tự ta, ta không có,

Con đâu, tài sản đâu?”[1]

Thông qua Tứ đế và hiểu rõ sự vô thường (anicca) của vạn vật, chúng ta sẽ nhận ra thế giới đầy đau khổ (dukkha). Vì vậy, đau khổ của chúng ta là không thể tránh khỏi.

Alan Watts, một nhà triết học nổi tiếng ở thế kỷ XX, người làm sáng tỏ nhiều sự khác biệt giữa tư tưởng Đông phương và Tây phương, cho rằng: Niết-bàn (Nibbāna) không phải là một cõi tâm linh, đó đơn giản chỉ là hành động buông tay trong khi phản ứng tự nhiên của cảm giác lo lắng là nắm chặt hơn nữa. Niết-bàn không phải là thiên đường, đó là hành động sống cuộc sống không tham ái, không giữ quá nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, đó không phải là rũ bỏ cảm xúc, chúng ta có cảm xúc và suy nghĩ nhưng không bám lấy chúng, vì đeo bám là nguyên nhân gây ra đau khổ. Trong cuộc sống, chúng ta gần như không bao giờ nghĩ những điều khủng khiếp xảy đến với mình mặc dù biết rằng đôi khi chúng ta sẽ bị bệnh, sẽ thất bại, rằng mọi người thân, người xung quanh chúng ta sẽ chết vào một ngày nào đó.

Thật vậy, nhiều sự việc đã xảy ra không đúng với những kỳ vọng định sẵn của chúng ta. Cho nên khi các biến cố xảy ra, chúng ta không kiểm soát nổi cảm xúc của mình. Lúc đó, một số thì than trời, oán đất, cho rằng số phận mình thảm thương; số khác thì tin rằng chúng ta đã rất xui xẻo, hay nghĩ điều đó không công bằng nên tìm kiếm ai đó chịu trách nhiệm.

Theo đạo Phật, điều tốt nhất khi đối mặt với những thứ tồi tệ xảy ra là chúng ta nên giải tỏa tâm lý và chọn cách ứng phó phù hợp như nhìn nhận sự thật, thay vì bấn loạn, đả kích, điều có thể làm tổn thương người khác hoặc chính chúng ta. Thay vì làm cho tình hình tồi tệ thêm, chúng ta có thể hành động trí tuệ, hiểu được năng lực của chính mình để chuyển hóa đau khổ. Đức Phật dạy:

 “Ai tự tìm hạnh phúc
Hãy tự mình rút tên
Mũi tên là than khóc
Tham cầu tư ưu sầu.”
[2]

Suy nghĩ của ta có thể ảnh hưởng lời nói của chúng ta, vì vậy hãy suy nghĩ kỹ trước khi nói. Nếu có phán xét gì đó thì chúng ta cần có tất cả các sự kiện và thông tin để đưa ra quyết định chính xác. Đức Phật khuyên rằng chúng ta nên buông bỏ tất cả những gì đang kìm hãm chúng ta trong cuộc sống, để có cuộc sống tự do hơn và tìm thấy con đường tâm linh của mình.

                        “Tự sách tấn chánh niệm

                        Không thích cư xá nào

                        Như ngỗng trời rời ao

                        Bỏ sau mọi trú ẩn.”[3]

Giữa những tình huống khó khăn, đôi khi chúng ta tự nói với bản thân mình rằng cuộc sống của chúng ta sẽ không bao giờ trở lại như cũ. Trong thực tế, sự thay đổi luôn xảy ra trong từng khoảnh khắc, và chúng ta không bao giờ có thể biết trước kết quả cuối cùng của một sự thay đổi. Tuy nhiên có đôi khi, những gì có vẻ khủng khiếp ngày nay, có thể trong thời gian dài hóa ra lại là những gì chúng ta cần, để đưa chúng ta đến bước tiếp theo của cuộc đời. Nếu chúng ta có thể học cách đối diện thực tế, dựa vào thay đổi thay vì chống lại nó, chúng ta sẽ tìm thấy giải pháp cho chính mình.

Trong thế giới ngày nay, con người rất dễ bị cuốn vào những tham muốn vật chất. Đức Phật khuyên chúng ta nên biết hài lòng với những gì đang có, sống tri túc không vay mượn, dính mắc. Người ta thường nghĩ rằng họ cần hoàn thành trước điều gì đó nên lao vào thực hiện đến quên mất bản thân. Tuy nhiên mọi hiện hữu đều vô thường, vì vậy tốt hơn hết là chúng ta nên tập trung vào những gì đang diễn ra ngay bây giờ. Nếu chúng ta muốn sống một cuộc sống nhẹ nhàng, hãy chú ý đến suy nghĩ của mình và nhắc nhở bản thân rằng trên thực tế, kết quả không phải lúc nào cũng như mong đợi.

Khơi dậy sức mạnh niềm tin vào bản thân

                                                “Tự mình y chỉ mình,

Tự mình đi đến mình, 

                                                Vậy hãy tự điều phục,

Như khách buôn ngựa hiền.”[4]

Sự ra đời của Đức Phật nhắc chúng ta rằng, chúng ta cũng có tiềm năng trở thành một vị Phật. Nhưng chúng ta cần kích hoạt tiềm năng này giống như Đức Phật đã làm. Đức Phật không chờ đợi, cũng không mong đợi người khác làm điều đó cho mình. Ngài đã sử dụng sức lực, tâm trí của mình để tìm hiểu, tu tập và rồi nhận ra sự thật của mọi đời sống trên quả địa cầu này. Nghĩ về Đức Phật như vậy giúp chúng ta nhớ đến những khả năng tiềm tàng của mình, để ta vững tin và nỗ lực hơn nữa trên con đường hướng đến giác ngộ. Nếu chúng ta không có sự tự tin thì chúng ta không nỗ lực. Đức Phật đã giúp chúng ta khơi dậy sự tự tin ở bản thân. Đó là niềm tin vào khả năng giác ngộ của chính mình, tin rằng mình sẽ thành Phật nếu nỗ lực tu hành đúng theo con đường Đức Phật đã dạy.

                                    “Ra đi nỗ lực tầm tư

Như Lai là bậc đạo sư chỉ bày

Ai người giới hạnh đủ đầy

Ma vương đâu dễ buộc dây kéo hoài.”[5]

Để khơi dậy sự tự tin vào bản thân trước hết chúng ta phải khai thác khả năng tiềm tàng của mình; biết điểm mạnh, điểm yếu của mình là điều cần thiết để thành công. Chúng ta phải rèn luyện tâm mình, bởi vì hết thảy mọi sự trong cuộc đời của một người đều bắt nguồn từ tâm của người ấy.

Nic Peeling nói rằng, “Bạn không thể thay đổi hướng gió, nhưng bạn có thể điều chỉnh những cánh buồm”[6] để đến nơi bạn đã định. Tâm thái của một người thực sự có thể làm thay đổi vận mệnh của họ. Cho nên, tinh thần, tâm thái tích cực là tài sản đứng đầu của con người. Song song đó, chúng ta cần phát triển một thể trạng khỏe mạnh, dựa trên tinh thần, ý thức khỏe mạnh. Con người chỉ thực sự có một cơ thể khỏe mạnh khi tư tưởng, nội tâm không bị ràng buộc, không bị quá nhiều thứ xấu đè nặng.

Tiếp theo chúng ta cần thoát ly khỏi sự sợ hãi. Đời người có nhiều sự sợ hãi: sợ nghèo khổ, sợ bị phê bình, sợ bệnh tật, sợ mất đi tình yêu, sợ già, sợ chết… Theo giáo lý đạo Phật, sống nên thuận theo duyên, đừng cưỡng cầu, sợ mất đi thứ này, mất đi thứ kia. Người nào có thể tự khắc chế bản thân, soi xét mọi hành vi, lời nói thì sẽ không chùn bước khi gặp hoàn cảnh khó khăn, và khi đạt được sức mạnh nội tâm thì những sợ hãi kia sẽ không còn.

“Tự thắng, tốt đẹp hơn,

Hơn chiến thắng người khác.

Người khéo điều phục mình,

Thường sống tự chế ngự.”[7]

Mở rộng niềm tin chân chính để tìm thấy ý nghĩa cuộc sống 

Phật giáo rất thực tiễn và có một cái nhìn thực tế về cuộc đời và thế giới. Phật giáo nói lên một cách chính xác và khách quan về chúng ta và thế giới chung quanh chúng ta là gì. Đức Phật chỉ cho chúng ta con đường đi đến tự do, bình an, tịch tịnh và hạnh phúc hoàn toàn. Đạo Phật khuyên chúng ta mở rộng tâm hồn nhìn ra thế giới xung quanh để có thể sống một cuộc sống đầy đủ và bổ ích hơn. Đức Phật dạy chúng ta hãy buông bỏ sự tức giận và tư lợi, bỏ lại tiêu cực phía sau, cởi mở, tha thứ để chúng ta không lãng phí cuộc sống của mình.

                                    “Như đất không hiềm hận,

Như trụ cột kiên trì

                                    Như hồ không bùn nhơ,

Không luân hồi vị ấy.”[8]

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng nói: “Đôi khi niềm vui của bạn là nguồn gốc của nụ cười, nhưng đôi khi nụ cười của bạn có thể là nguồn vui của bạn.” Đây là một lời nhắc nhở tuyệt vời rằng chúng ta có nhiều sức mạnh để thay đổi tâm trạng hơn là chúng ta nhận ra. Một điều gì đó đơn giản, như tìm thấy nụ cười bên trong chúng ta, ngay cả khi cuộc sống đau khổ, có thể giúp chúng ta tiếp cận với niềm vui sâu sắc đó. Ban đầu nó có thể cảm thấy bị ép buộc, nhưng hãy xem điều gì xảy ra với trạng thái tâm của chúng ta khi thực hành mỉm cười; và chú ý cách mọi người phản ứng khác nhau khi chúng ta cười với họ. Sự phản hồi tích cực này, có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc vượt qua nỗi khổ của chính chúng ta thay vì cố thủ trong đó. Thiền chánh niệm là một cách rất hiệu quả để làm việc với tâm trí của chúng ta, giải phóng bản thân khỏi xu hướng này bằng cách thực hành Bát Chánh đạo (Ariyā aṭṭhagika magga).[9]

Xã hội đang có những khủng hoảng, nhưng đừng để điều đó làm bấn loạn tâm hồn chúng ta. Bằng việc áp dụng những phương pháp như giữ chánh niệm, tập trung khi làm bất cứ điều gì, phát triển chánh kiến…, chúng ta có thể chuyển hóa bản thân để cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy dành thời gian và không gian riêng để chú ý, quan sát những điều xảy ra trước mắt, giúp chúng ta gắn bó, nhận thức và biết ơn hơn về thế giới này. 

Chúng ta nên hạnh phúc vì biết rằng chúng ta đang sống ở một nơi tốt hơn nhiều so với những thế giới khác, như địa ngục, ngạ quỷ… Từ đó, chúng ta mở lòng chia sẻ với người khác để hạnh phúc được nhân đôi, bởi chia sẻ chính là con đường khiến mọi người xích lại gần nhau hơn. Hãy tìm thấy ý nghĩa trong từng giây phút của đời sống này theo cách:

“Vui thay, bạn lúc cần!

Vui thay, sống biết đủ,

Vui thay, chết có đức!

Vui thay, mọi khổ đoạn.”[10]

 


 

[1] Kinh Pháp cú, kệ 62, HT.Thích Minh Châu dịch, 1999, tr.44.

[2] Kinh Tiểu bộ 1, HT.Thích Minh Châu dịch,1999, tr.654

[3] Kinh Pháp cú, kệ 91, HT.Thích Minh Châu dịch (1999), tr.49-50.

[4] Kinh Pháp cú, kệ 380, HT.Thích Minh Châu dịch, 1999, tr.642.

[5] Kinh Pháp cú, kệ 276, TT.Thích Giới Đức dịch, 2009, tr.455.

[6] Nic Peeling (2015), Bạn không thể đổi hướng gió, nhưng có thể điều chỉnh cánh buồm, Phan Hằng (viết). https://vnwriter.net/book/ban-khong-the-doi-huong-gio-nhung-ban-co-the-dieu-khien-canh-buomong-the-oi-huong-gio-nhung-ban-co-the-dieu-khien-canh-buom.

[7] Kinh Pháp cú, kệ 104, HT.Thích Minh Châu dịch, 1999, tr.52.

[8] Kinh Pháp cú, kệ 95, TT. Thích Minh Châu dịch, 1999, tr.167.

[9] Kinh Trung bộ 1, kinh Các pháp môn căn bản, Thích Minh Châu dịch, 1991, tr.369.

[10] Kinh Pháp cú, kệ 133, HT.Thích Minh Châu dịch, 1999, tr.550.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle