Chân đế thứ ba rưỡi
Ðức Phật có dạy về Tứ Diệu Đế, tức Bốn Sự thật Mầu nhiệm. Trong Chân đế thứ ba, Phật dạy rằng chấm dứt khổ đau là chuyện có thể được.
Ngài dạy, chúng ta có thể chuyển hóa tâm mình, giữ cho nó được trong sáng và rộng lớn, để mọi kinh nghiệm của ta đến và đi trong một đại dương bao la của tuệ giác. Khổ đau và an lạc sẽ đến rồi đi, thỏa mãn và thất vọng sẽ đến rồi đi, và tâm ta vẫn giữ được sự tĩnh lặng muôn thuở của nó.
Ý thức được rằng, ta không cần phải thỏa mãn những mong cầu mới có hạnh phúc, là một tự do rất lớn.
Nhưng dù sao thì tôi vẫn chưa chấm dứt được khổ đau! Tôi biết không phải là vì tôi chưa muốn và không có niềm tin đủ. Tôi muốn lắm chứ! Cũng không phải vì tôi không tin. Trong thâm tâm, tôi hiểu và tin giải thoát là chuyện có thể được.
Tôi biết, chúng ta vất vả tranh đấu là vì ta bám chấp và cho những chuyện xảy ra là của riêng mình, thay vì nhìn chúng như chỉ là một phần của vở tuồng vũ trụ to lớn đang khai mở. Tôi hiểu là mọi việc đều do duyên khởi, và ít nhiều tôi cũng tin vào karma, luật nghiệp quả.
Tuy nhiên, tôi vẫn còn tranh đấu vất vả và tôi đau khổ. Nhưng dù sao thì bây giờ, tôi cũng ít khổ đau hơn, và tôi cũng không còn bị tuyệt vọng vì những nỗi khổ như lúc trước.
Vì vậy, tôi cộng thêm vào một nửa Chân đế nữa: Chân đế thứ ba rưỡi. Nửa Chân đế ấy là “Khổ đau có thể chăm sóc được (suffering is manageable).” Còn thiếu một chút nữa là chấm dứt được khổ đau, điều mà tôi hoàn toàn tin là có thể được. Nhưng tôi hài lòng với việc bây giờ mình có thể đối diện với khổ đau một cách tốt đẹp hơn. Và vì biết rằng tôi có thể săn sóc được những khổ đau của mình, tôi không còn sợ hãi chúng như lúc trước.
Ngày nay, tôi thường nói thẳng với các học trò của mình rằng, mặc dù đức Phật có dạy là ta có thể chấm dứt được khổ đau, nhưng chính tôi thì chưa đạt đến trình độ ấy.
Học trò của tôi nghe vậy nhưng không hề thất vọng. Và tôi cũng không hề mất đi một điểm nào với họ. Nghe được rằng ta có thể săn sóc được những khổ đau của mình, đối với họ đã là một điều tuyệt vời lắm rồi.
Một nửa Chân đế phụ thêm đó còn giúp cho tôi có lòng từ bi đối với chính mình và người khác hơn.
Tôi có thể thấy được tôi đã bị dính mắc ra sao, tôi đã vất vả chống đối và khổ đau như thế nào, tôi đã mong muốn những gì, và cuối cùng rồi thì mọi việc cũng đã thay đổi và được giải quyết ra sao. Tôi biết thương mình hơn, khi hiểu rằng mình đã tạo nên bao nhiêu những khổ đau trong tâm, cũng vì những bám víu còn bị điều kiện của mình.
Ý thức được nỗi khổ của mình, mặc dù với sự tu tập và cũng đã có một hiểu biết nào đó, tôi vẫn còn rất xúc cảm khi nghĩ đến một nỗi đau, chắc phải là rất to tát của tất cả mọi người, đang cùng với tôi chia sẻ trái đất này. Ý thức đó giúp tôi thôi bám chấp, và có một tình thương rộng mở ra đối với mình và tất cả mọi người hơn.
Trích trong “Đơn giản hơn ta nghĩ” - Sylvia Boorstein,
Nguyễn Duy Nhiên dịch