Điều thao thức thiêng liêng

Đặng Công Hanh
 

 

Đặng Công Hanh

“Con chim từ bỏ ruộng đồng

Là thôi cánh nhỏ chập chùng sương vây”

                                                      Hoài Khanh

Sự sống của con người là một phép mầu kỳ diệu. Chúng ta có cảm quan để có thể buồn bã, si tình và có lòng trắc ẩn đối với những người khác. Nhiều khi chúng ta có thể vận dụng đầu óc suy tư để phân tích và cố mường tượng ra vì sao một điều gì đó đã xảy ra, vì sao chúng ta có mặt ở đấy, và những gì sẽ xảy ra trong ngày mai ở chừng mực nào đó.

Có thể có những lúc chúng ta phải trải qua những thách thức cùng cực và  đau khổ khôn xiết. Đây là lúc giữ mình được tỉnh táo làm một con người không phải là chuyện dễ. Vào một lúc khác thì được làm con người thật là thú vị, đó là lúc làm được những công việc mình thấy hấp dẫn hào hứng; khi say mê những vẽ đẹp, vẽ hùng vĩ của thiên nhiên hay của nhân tạo, hoặc là chúng ta ngồi quanh cùng nhau thưởng thức tách ra ngon nghe kể chuyện trăng tàn.

Rồi cuối cùng, trạng thái tâm lý chung được làm con người là một phép mầu, và được sống là một ân huệ. Chúng ta ai ai cũng muốn như vậy và mong muốn được hạnh phúc. Đây là một động lực mạnh mẽ nhất của con người. Tìm kiếm bằng cách này hay cách khác, nhưng từ khát vọng tới thực hiện được nó là cả một quá trình rối rắm gian nan. Đó là bi kịch của con người. Họ rất sợ khổ đau nhưng lao vào nó. Họ ao ước hạnh phúc nhưng rõ ràng vẫn quay lưng lại nó.

Đã từ lâu, từ thuở hồng hoang của loài người cho đến ngày nay, con người đã tìm cách trả lời câu hỏi làm sao để có được hạnh phúc. Để có hạnh phúc ta phải sống như thế nào, ta phải biết điều gì?

Từ thế kỷ 17, thời điểm của cách mạng khoa học công nghệ, cho đến ngày nay, một số đông và ngày càng gia tăng số người cho rằng khoa học công nghệ đồng nghĩa với sự hiểu biết. Sự thu nhập thông tin được nuôi dưỡng bởi khoa học ngày càng phát triển và không có điểm dừng. Khoa học và công nghệ có thể làm nên nhiều điều kỳ diệu, nhưng có thể nói rằng không phải điều kỳ diệu nào cũng đem đến hạnh phúc cho con người. Tuy nhiên, phải thấy việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản có thể giúp cho chúng ta có sự tươi vui về mặt thể chất và giảm nhẹ đi những nỗi lo toan nhọc nhằn cho chuyện cơm áo, tuyệt nhiên đấy không phải là một hạnh phúc chân thực, mà chỉ là sự an ủi về mặt tâm lý, sự thoải mái về mặt tình cảm và những ảo tưởng đẹp đẽ quen thuộc. Nếu chỉ đi tìm và tìm được một điểm cần tìm thì đó không phải là hạnh phúc thực sự. Bí mật của hạnh phúc là chúng ta không bao giờ có thể tìm kiếm nó ở bên ngoài. Bởi vì, ham muốn thì vô cùng, trong khi khả năng kiểm soát thế giới là hữu hạn, nhất thời và hảo huyền. Chúng ta cảm thấy hạnh phúc chủ yếu là do tâm trạng của mình và tuy nhiên chúng ta không thể phải nhận một thực tế là hoàn cảnh bên ngoài cũng có một vai trò to lớn.

Thế nhưng, càng ngày chúng ta càng thấy rằng hạnh phúc đích thực vốn từ bên trong nội tâm mà ra. Hạnh phúc này có được do việc buông bỏ sự bám chấp vào những điều sai lầm về cuộc đời, về con người và nhất là trả lời được câu hỏi làm thế nào cho đời sống có ý nghĩa, không dẫn đến sự chán nản kéo lê cái cảm giác sống vô vị, buông theo dòng đời, đục nước, béo cò mà sống cho vui sướng?

Các nhà hiền triết và các bậc đạo đạo sư đều cho rằng hạnh phúc nhất thiết hàm ý nền tảng là sự khôn ngoan, vì không có nó thì sẽ không xác định đúng nguyên ủy của sự tri giác được như thế nào là nỗi bất hạnh cho đời mình, nên tạo ra sự bất mãn triền miên chế ngự tâm trí. Sự bất mãn đó không thoát qua được manh vuốt của độc tố tâm thần như tham lam, si mê, sân hận, được khởi sinh từ thế giới quan “di ngã vi trung“.

Duy Thức học hay Tâm lý học Phật giáo cho rằng tâm trí đóng vai trò căn bản trong sự thỏa mãn cũng như hạnh phúc và đau khổ. Tâm trí đứng đằng sau mọi trải nghiệm, là cánh cửa nhìn ra thế giới bên ngoài. Vì vậy, chỉ cần một sự thay đổi nhỏ của tâm trí, trong cách chúng ta tri giác con người và sự vật thì thế giới đó đã đổi thay.

Chẳng hạn, với chúng ta lúc này đây con người mình hiện trong đầu không phải là con người thực của mình, đây chính là hình ảnh trong tâm trí mà thôi. Có lẽ có quá nhiều kiểu cách nhận thức về hình ảnh của mình trong tâm trí về việc đôi khi nó rất tốt đẹp đôi khi nó không, đôi khi nó thông minh, đôi khi nó khờ khạo si mê. Và như thế các ý nghĩa về mình đều hoàn toàn sai lầm, hoàn toàn ảo tưởng, một cái gì đó không thật và có khi biến thái đến mức có những nhận thức không lành mạnh và tiêu cực.

Ông Bùi Giáng Cố thi sĩ lại vừa uyên thâm triết học, khi nhìn về tồn tại trong cảnh giới cao của tâm thức với tư cách một người đã an trú trong cảnh giới ấy, và những ấn tượng ông đã tạo ra trong thơ mang nhiều biểu tượng của tâm linh.

“Ta mở mắt mở hai mi và mở

Thấy chân trời trùng điệp ở bên trong

Nguồn thao thức tự bao giờ gãy đổ

Đã chơi vơi hòa mộng múa trăm vòng”

Có hai nếp sống diễn ra trong đời sống con người: nếp sống thông thường và nếp sống tâm linh. Không ít người nghĩ rằng nếp sống tâm linh bao gồm hạn định ăn chay thuần túy, không uống rượu, không hút thuốc lá. Thật ra nếp sống tâm linh chú trọng vào sự nội quán và khi thực hành nội quán là bắt đầu nếp sống tâm linh qua những dấu hiệu lòng khoan dung, sự thiện tâm…

Hơn thế nữa, lòng tin sâu xa về con đường tâm linh không phải mọc lên ngay sau vài sự bên ngoài. Phải xác định rằng, lòng tin ấy bắt rể từ sự khẳng định những chân lý cụ thể siêu hình và được chiêm nghiệm từng bước đối với những ai đã khai mở tâm trí mình.

Khai mở tâm trí khi tâm thức được lay động lôi ra khỏi sự giam cầm sâu xa của quy định thế tục và những thói quen nương náu trong những thánh đường giả tạo một thời gian như tích lũy tài sản, sự thành tựu công danh quyền lực theo ước mơ hoặc buông mình vào các trò giải trí, khi khuây khỏa tiệc tùng… Có rất nhiều những ảo tưởng tốt đẹp mà ta có thể tạo ra trong cuộc đời này, nhưng thực tế là những chuyện tầm thường xoay quanh nỗi ám ảnh được và mất, hài lòng và đau đớn, ca ngợi và buộc tội, danh tiếng và vô danh bé mọn..

Phải nhìn nhận rằng, ít nhiều chủng ta cảm nhận thấy triệu chứng của sự trống rỗng nội tâm và đây là động lực khiến ta đi tìm kiếm một cái điều gì đó, như thi sĩ Bùi Giáng, trong khoảnh khắc trầm tư biểu lộ qua tâm sự mình khi đối diện với nỗi cô đơn mênh mông.

“Ta ngó mãi những chiều về trở lại

Mang những gì về trong cõi trăm năm”

Chúng ta tìm kiếm tình bạn, tìm kiếm tình thương, tìm kiếm sự thành tựu. Trong lòng chúng ta lúc nào cũng tràn đầy khao khát không nguôi nỗi đau từ sự trống trải nội tâm, có thể mạnh mẽ đến mức làm cho ta sống nghiện ngập theo các quyến rũ từ những cái phù phiếm, làm xói mòn tâm trí và quấy rối niềm thanh thản. Và như thế ta đã nhân bội những nhu cầu thay vì học cách không có nhiều nhu cầu để giảm thiểu sự hành hạ bản thân mình hoang mang, cố tìm những thứ mà ta không thật sự cần.

Sự quyến rũ của việc luôn luôn ngày càng có nhiều thứ hơn và sự dàn hàng ngang của trí thức đều là những nhân tố đưa ta xa rời sự chuyển hóa nội tâm, làm gia tăng sự đau khổ. Bên trong nội tâm, chúng ta luôn luôn bị chi phối bởi những thúc giục của bản năng và đối với bối cảnh bên ngoài thì chúng ta không ngừng chạy theo  các xu hướng và biến động của xã hội khiến chúng ta không còn thấy đích thực bản chất của mình và của hiện thực. Trong suốt cuộc đời ta, xúc cảm đi qua tâm trí như một giòng sông dậy sóng và quyết định biết bao nhiêu trạng thái hạnh phúc và khổ đau.

Từ đó ta thấy rằng, một cuộc sống vẹn toàn không phải chỉ đơn giản là một chuỗi dài các giác cảm thích thú tiếp nối nhau từ ngày này sang ngày nọ, mà thật ra là một sự biến cải những cảm quan của ta về các biến cố bất an của hiện hữu, hầu giúp ta vượt lên trên các biến cố đó, dễ dàng đương đầu với sự thăng trầm của cuộc sống, vượt qua nỗi cô đơn và sự đau khổ thầm lặng ngấm ngầm bên trong của mình.

Cửa địa ngục hai bên lồng ngực

Phải vác theo trăm tuổi đường dài

Nên có gửi cho ai vài giọng nói

Cũng nghe buồn da diết chạy trên môi

                                             (Nguyên Sa)

*

*        *

Đức Phật nói rằng cảm giác giống như là những bong bóng nước và nhận thức của chúng giống như các ảo ảnh. Các bong bóng trông rất thật nhưng khi chạm vào thì chẳng còn và ảo ảnh thì không nắm bắt được.  Tương tự như vậy, chúng ta chẳng thấy chất liệu nào khi nhìn vào những suy nghĩ, cảm xúc và tâm thức của mình.

Rõ ràng, chúng giống như những thực thể vô hình, trống rỗng, phù du tựa như những bóng ma ám ảnh chúng ta và dĩ nhiên chúng ta phải phiền muộn khổ sở vì việc bám víu hay chấp thủ các ý nghĩa và cảm xúc đó. Vì thế, chúng ta phải buông bỏ những ảo tưởng đã hành hạ mình không để ta được bình an vui sướng, thảnh thơi trong tâm hồn, hòa mình vào những khía cạnh bao dung thánh thiện và thiêng liêng.

Sự thiêng liêng hoàn toàn không phải là một hệ thống tín ngưỡng nào cả. Đây là một chân lý muôn đời, là một phần của cuộc sống. Nó luôn luôn hiện diện giống như đám mây trên trời, như cây cối mọc ở núi non. Cuộc đời rồi có những bình minh trời hồng, những vệt nắng chiều tà, có ngày trời xanh mây trắng và những đêm thiếu ánh sao.

Phải tỉnh thức để thấy mọi sự việc đang xảy ra theo sự vận hành, đến đi theo tự nhiên và như nó đang là và đi theo luật nhân quả đúng như bản chất của nó. Tuệ giác sẽ làm phát sinh trong ta một tình thương lớn rộng vị tha, dù ta đang đắm chìm trong ảo tưởng hay trong một hoàn cảnh cùng cực bi đát. Sự an lạc viên mãn sẽ kéo dài được khi chúng ta thoát khỏi sự mù quáng của tâm trí và những cảm xúc xung đột đang bủa vây quanh mình.

Lặng ngồi nghe nước chảy xuôi

Nghe như phế tích dập vùi ngàn thu.

                                     (Hoài Khanh)

*

*        *

Trong mọi thời đại và nhất là thời đại ngày nay với nhiều thành tựu thần kỳ của khoa học kỹ thuật, hầu hết các nền văn hóa, con người thường xuyên bị ám ảnh bởi diện mạo, ngoại hình và kích thước nguồn lực vật chất. Kết quả là chúng ta để cho bình an và hạnh phúc của mình lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Đã như thế thì cái “con người thực” đã bị quên đi và chúng ta chỉ biết sống với danh vọng, sự nghiệp, quyền lực và tiền tài cùng với tiện nghi vật chất phong phú, dẫn đến tình trạng hiện có lắm kẻ có tâm hồn rách nát, hoang vu, tàn phế bi  thảm đáng thương. Chúng ta hãy dừng lại, thôi mãi miết bôn ba gió bụi như khách lãng đảng phong trần, cứ mỗi ngày mỗi xa cách cái “cố quận” hàng vạn dặm đường, mà phải trở về với quê hương cũ, với bản lai chân diện mục nguyên sơ, mà ở đấy mọi ưu phiền khổ ải không có chỗ dung thân như Vua Trần Thái Tông ngày xưa đã dạy như thế này:

Vĩnh vi lãng đảng phong trần khách

Nhật viễn gia hương vạn lý trình.

                                 Trần Thái Tông

Chia sẻ: facebooktwittergoogle