Tâm và khoa học

tam va khoa hoc

 

TÂM VÀ KHOA HỌC

Đặng Công Hanh

 

 

Tâm Là Gì?

Theo tiếng Phạn thì Tâm có nghĩa là tích tập. Nói tâm là cái tích tập, nhưng tích tập cái gì? Nó là nền tảng của vũ trụ, là nguồn gốc qua đó nhân loại điều hành và làm mọi việc hàng ngày. Tâm không hình tướng, không màu sắc, không định xứ, không khởi thủy, không chung cuộc. Nó không thể nói là cái này hay cái kia, bên trong hay bên ngoài. Tâm không thể bị chia cắt, không bị thu hút hay hủy diệt. Nó vượt cả thời gian không gian, vượt tất cả mọi sự.

Kinh luận nói: "Tâm bất sinh, bất diệt, bất tăng bất giảm". Không thể nhận thức được tự thể của nó đã đành, cho đến các hình thái hoạt động của nó cũng không thể dễ dàng nhận biết. Tuy vậy, có thể biết nó tồn tại là do quan sát sự tồn tại của thiên nhiên, của vũ trụ của thân và tâm.

Dharmakĩrti, vị đại sư lỗi lạc người Ấn có nhắc nhở: "Cái gì thực hữu, cái đó có tác dụng. Cái gì có tác dụng, cái đó thực hữu". Thế nhưng, nơi nào đó có tác dụng, nơi đó Tâm mới được nỗ lực quán chiếu để phát hiện. Ta có thể nhận thức nội dung ý tưởng này qua thiên nhiên, qua cây cỏ. Cây được sinh ra là do nhân và phát triển theo dòng chảy tự nhiên. Theo dòng chảy tự nhiên, cây lớn dần và đâm hoa kết trái. Chúng ta thấy diện mạo của hoa trái, nhưng chúng ta thực sự không quan sát được tiến trình cụ thể của nó. Nhưng ai cũng biết rằng cây, lá, hoa, trái đó do tích tập bởi nhiều phân tử hợp thành, nhưng cái gì đã kết nối các phân tử lại với nhau, để phát khởi thành hiện hành, nghĩa là động lực tạo ra dòng vận động. Phật giáo nói đó là tâm, tức là kho chứa tích tập các hạt giống năng lực của mọi hiện hữu. Và sau một quá trình xử lý, các hạt giống năng lực này biến chuyển, biến thái thành thân - tâm và thế giới. Tâm (Chân như) là bản thể của thế giới tự nhiên, và là tự tính của nguồn gốc vạn hữu.

Tất cả mọi cõi giới và vũ trụ được liên kết với nhau qua cùng tâm chân như này. Bản tính của tâm giống như tấm gương trong sạch, không hoen ố. Khi một vật đặt trước gương, gương phản chiếu mọi góc cạnh một cách rõ ràng. Nhưng nếu đối tượng biến mất thì chẳng còn dấu vết nào trong gương, vì thế cho dù những ô nhiễm và ảo tưởng dường như dày đặc, chân tâm vẫn trong sáng và không bao giờ bị ô nhiễm.

Chân tâm không có chướng ngại, mọi hướng vốn đã rộng mở. Dù tâm không nắm bắt được, nó hoạt động bình đẳng và toàn vẹn khắp các lĩnh vực vật chất và phi vật chất. Tâm là năng lượng chân thật để mọi sinh vật tiến hóa và thế giới phát triển.

Một tư tưởng khởi lên từ chân tâm, giống như một người trung gian kết nối xác thân và bản tánh sẵn có. Trong thoáng chốc nó có thể đến bất cứ nơi đâu trong vũ trụ và pháp giới. Trong tích tắc nó có thể nghĩ về tương lai và quá khứ, đến cả những cõi bên kia đời sống. Nó di chuyển nhanh hơn ánh sáng, vì thế khoảng cách gần xa là vô nghĩa.

Có tâm ở trong tâm. Chữ tâm viết sau chỉ định cho tâm căn bản hay chân tâm. Chân tâm khởi thủy là thanh tịnh tuyệt đối, không bao giờ bị ô nhiễm. Mặt khác, cũng có tâm phân biệt (tâm - ý - thức) khiến ta trôi lăn trong vòng sinh tử. Tâm phân biệt không biết mình có tâm chân như và nghĩ rằng những phiền não luôn thay đổi mà ảo tưởng là yếu tính của nó. Để tiện giải thích, ta nói có hai loại khác nhau, nhưng kỳ thực chúng không thể tách rời.

Trạng thái ý thức của chúng ta ở nhiều mức độ khác nhau, tùy thuộc vào những tư tưởng sinh khởi, nhưng tận sâu thẳm là bản tâm (tâm chân như) sẵn có không bao giờ sinh diệt. Ta phải tìm ra tâm trong tâm. Nói cách khác chỉ vì vọng niệm nên có sự sai biệt, sự phân biệt lìa vọng niệm thì chỉ có chân như.

Nếu thế giới bên ngoài lìa thức phân biệt, lìa tâm tri giác thì không có ý nghĩa chân thật, càng không có sự tồn tại của thể chân thật. Bởi lẽ, có tâm thức mới có thế gian, nếu không có tâm thức thì không thể cảm thọ được sự tồn tại của thế gian. Thế cho nên, Đại sư người Ấn, Tăng Triệu đã phát biểu: "Trời đất có cùng gốc với ta, muôn vật cùng thể với ta". Còn Kinh Thủ Lăng Nghiêm viết: "Các pháp do tâm sinh, do tâm hiện. Tất cả nhân quả, vi trần, thế giới, đều do tâm mà hình thành".

Chúng ta, thường thông qua cái nghe, cái thấy, cái biết để quan sát thế giới, nhưng có một điều quan trọng hơn là chúng ta có một "điểm linh quang" có thể cảm ứng với tự nhiên, thậm chí bao dung Chân như tự tính của tự nhiên.

Thuyết Duy Thức của Pháp Tướng Tông nói rằng vạn pháp là do sự biểu hiện của thức A-lại-da. Thức này chiêu cảm nghiệp thọ và nhận quả báo: Các chủng tử chứa trong thức này, gặp duyên thì hiện hành, hiện hành xong rồi trở lại huân tập, huân tập rồi gặp duyên thì lại hiện hành, mà hiện hành tức là tất cả cảnh tượng trong thế giới mà chúng sinh có thể kinh nghiệm.

Phật giáo nhận định thế giới là Duyên khởi. Sự tồn tại và hủy diệt của thế giới là do sự hình thành và tan rã của các điều kiện. Như vậy, qui luật phát triển là gì? Đức Phật dạy: "Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt.”

Bài tụng này cho thấy mối quan hệ nội tại trong sự sinh tồn của sự vật. Mối quan hệ giữa người với người, người với thiên nhiên đều ảnh hưởng lẫn nhau. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học, bí ẩn của thiên nhiên không ngừng phơi bày trước mắt. Nhân loại bắt đầu trở nên cuồng vọng và dục vọng, vật chất trở thành vị ngọt hấp dẫn của thân - tâm.

Dùng qui luật Duyên khởi để quan sát các hiện tượng của nhân sinh, tức là tư tưởng báo ứng. Có nhân tất có quả, nghiệp thiện sẽ có quả báo an vui, nghiệp bất thiện sẽ gặp lấy quả báo khổ đau. Chúng sinh muốn giải thoát thì phải không ngừng sự sai lầm, dứt trừ nghiệp ác, gắng sức làm điều lành.

· Bản Chất Của Khoa Học

Một định nghĩa rộng rãi của khoa học nói rằng khoa học là khối kiến thức tích hợp về chủ yếu là định lượng. Khối kiến thức này đã được gom góp lại từ những nỗ lực năng động của con người, để hiểu được các sự vật hiện tượng chung quanh một cách có hệ thống, có thể giao lưu được và có thể biểu thị được theo ngôn ngữ toán học. Phương pháp luận tiến hành qua ba giai đoạn: giả  thuyết, thực nghiệm và kiểm chứng.

Khoa học tìm hiểu về thế giới đối với các biến cố ở trạng thái bộc lộ những đều đặn rõ ràng, có thể đo được một cách thuận lợi và khớp với một khung lý thuyết nào đó. Điều này đúng đối với những nghiên cứu về các vật thể, các cơ thể sống và ở một mức độ nào đó đối với các hiện tượng tâm lý.

Nhà khoa học tiếp cận một vật thể hay một hiện tượng có sự ham muốn hiểu biết về cấu trúc vật chất và diễn biến của nó. Ông ta muốn định nghĩa được các tính chất của nó theo cách có thể xác định được một cách chính xác và nếu có thể, biểu thị bằng các tính toán theo một lý thuyết toàn diện. Tóm lại, mục đích cuối cùng là đạt được một sự mô tả đầy đủ ở mức độ có thể được.

Khoa học nghiên cứu đối tượng có thể quan sát được và các lý thuyết vật lý tỏ ra các năng lực giải thích được các hiện tượng quan sát được. Niels Bohr,  một cây đại thụ của vật lý hiện đại nói rằng: "Mục đích của khoa học là làm tăng thêm và sắp xếp kinh nghiệm của chúng ta. Nó không có mục đích phát hiện ra được cốt lõi thực của hiện tượng". Ông đã bộc lộ tư tưởng này vì các thế hệ nhà bác học vào thời kỳ ông đang đối mặt với các trở ngại về bản chất thực tại, nhưng được cơ lượng tử và thuyết tương đối làm sáng tỏ sau đó.

Mặc khác, một phần cốt yếu của khoa học là các kỹ thuật được sử dụng để thu được các kết quả hàm chứa trong quan điểm khoa học về thế giới. Như thế các kỹ thuật phải tái hiện và lặp lại được cho bất kỳ ai và bất kỳ nơi nào với thiết bị và kỹ năng cần thiết cùng với sự kiểm chứng kết quả.

Khoa học Tây phương hầu như tập trung hẳn vào thế giới khách quan, và phát triển nó trên mặt thí nghiệm bằng những phương pháp nghiên cứu được chọn lọc và bằng nhận thức kinh qua trừu tượng trên những lý thuyết hoàn hảo. Nền khoa học đã đạt những thành tựu rực rỡ trong thế kỷ gần đây và mang lại nhiều tiện ích cho đời sống con người, nền văn minh vật chất cũng vì thế mà rực rỡ hơn.

Tuy nhiên, bản thân khoa học có tính cách trung tính, nó không sinh ra một thứ đạo lý nào cả nên khoa học không có gì để nói về phương thức sinh hoạt, về cách chúng ta tồn tại và sống trong xã hội.

Có thể nói đó là một thể dạng tri thức vị tri thức hơn là vị nhân sinh. Trí tưởng tượng là động cơ của sáng tạo và thoát ly mọi giá trị. Rất nhiều bằng chứng lịch sử xác nhận như thế.

- Khi Newton phát minh ra định luật hấp dẫn vạn vật, ông hoàn toàn không nghĩ sau nầy lại ứng dụng vào công nghệ hàng không vũ trụ.

- Einstein chứng minh sự tương đương giữa năng lượng và vật chất trong thuyết tương đối hẹp, ông đâu có ngờ rằng nó sẽ được dùng để chế tái bom hạt nhân, một vũ khí hủy diệt kinh hoàng.

- Maxwell với các định luật điện từ do ông phát minh lại làm được phương tiện truyền thông như điện thoại, ti vi hay các dàn âm thanh stereo...

- Max Planck phát minh định luật bức xạ mô tả sự phân bố năng lượng của bức xạ nhiệt, thực là cuộc cách mạng vật lý âm thầm khai sinh ra Vật lý lượng tử. Ông đâu có hình dung ra nó đã góp phần tạo ra công nghệ hiện đại nhất bây giờ.

-Và còn rất nhiều các nhà bác học cũng hành xử như vậy. Nếu chỉ do những nguy hiểm tiềm ẩn mang lại bởi nghiên cứu khoa học thì đó là điều không thể dự đoán được. Vì vậy, hoàn toàn không nên kiểm soát trước, áp đặt trước bởi vì không thể biết trước nó sẽ dẫn tới đâu.

Max Planck tâm sự rằng "chỉ có một sự kết hợp giữa sức mạnh của lý trí và sức mạnh của ý chí mới đem lại quả chín và thơm ngon nhất của triết học, đạo đức học. Bởi vì khoa học cũng đem ra những giá trị đạo đức như tính chân thật và sự tôn kính..."

Chỉ cần quan sát con người sống trong các nước tiên tiến về khoa học kỹ thuật: ở đó nếu như tiện nghi vật chất rất đầy đủ, thì các tiện nghi đó không giải quyết được những bất hạnh về tâm lý, tình cảm. Như thế thì chỉ một mình khoa học không thôi, sẽ không đủ phát triển những phẩm chất nhân văn mà cuộc sống hạnh phúc cần có và do đó không tránh khỏi và thậm chí còn có nhiều nhà khoa học có vấn đề về nhân phẩm đạo đức.

Lịch sử khoa học có nhiều ví dụ nói lên tính cách này. Newton thật vĩ đại về mặt trí tuệ khoa học, nhưng lại nhỏ nhen sai lầm nghi kỵ đối với nhà toán học kỳ tài G. Leibniz đánh cắp phát minh về lý thuyết vi tích phân của mình, trong khi G. Leibniz người Đức đã tư duy ra nó một cách độc lập. Thêm nữa, ông tỏ ra chuyên quyền độc đoán, kỳ thị hẹp hòi với nhà vật lý R. Hook và nhà thiên văn K. Flamsteed trong Hội Hoàng gia London. Vụ nhà khoa học Trofim Lyssenko đã hậu thuẫn cho Stalin và Đảng Cộng sản, bưng bít những khám phá về gen, phủ nhận những bằng chứng thực nghiệm về gen, đã làm cho sự tiến bộ của sinh học và di truyền học của Liên Xô tụt hậu.

Đứa con song sinh với khoa học là công nghệ. Về phần mình, công nghệ xem khoa học là phương tiện để nhìn và khai thác thế giới, thực hiện giấc mơ chế ngự thế giới. Công nghệ là một tri thức ứng dụng. Về phần mình, công nghệ phát triển cao sẽ tạo điều kiện cho khoa học khám phá thế giới sâu rộng hơn.

Nhưng mặt khác, các thế kỷ sau này, dưới sự dẫn dắt của tư tưởng duy vật luận Tây phương cho rằng vật chất quyết định ý thức, vật chất cao hơn tất cả. Khi việc chạy theo lợi ích vật chất trở thành mục tiêu cao cả nhất của cuộc sống, con người không tránh khỏi bị vật chất hóa. Hiện tại, văn minh vật chất phát triển dường như đỉnh điểm thì hiện thực phơi bày trước mắt là gì: khoảng cách giàu nghèo quá lớn, bất ổn về xã hội, về thế giới ngày càng tăng, tranh giành tài nguyên càng gay gắt, tinh vi, nên chiến tranh vẫn diễn ra ở nhiều tình thế khác nhau.

Vậy, vấn đề không phải cuộc sống vật chất đạt đến trình độ như thế nào, mà chính là vấn đề bản thân con người. Nói đúng hơn là vấn đề tâm linh con người. Tâm linh được hiểu là một quá trình tu chính bản thân, một nhu cầu hàng đầu của tồn tại, đòi hỏi một nghị lực bền bỉ liên tục đối với những ai có tâm niệm hướng thiện.

Tuy rằng khoa học đã tỏ ra tác động mạnh mẽ đến thế giới, không lãnh vực nào của đời sống mà không chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, các định hướng cho ứng dụng khoa học lại là vấn đề còn bàn cãi trên các chuẩn mực khác nhau về phẩm chất nhân văn. Rõ ràng, các phẩm chất nhân văn chỉ có thể đến từ một "khoa học tâm linh", tác dụng như "ngón tay chỉ trăng", soi sáng cho con người trong các lựa chọn mang ý nghĩa tinh thần và đạo đức để tri thức phục vụ tốt cho con người.

Nhìn từ góc độ giáo pháp, đạo Phật không hẳn là một tôn giáo theo nghĩa thông thường. Đạo Phật là một khoa học tâm linh, một khoa học chiêm nghiệm hay khoa học về giác ngộ - đạt được tri thức tối cao. Đó là ngành khoa học chủ yếu dựa trên kinh nghiệm cá nhân và chỉ có người chiêm nghiệm nào sống qua kinh nghiệm như thế mới có thể chia sẻ được. Thế nên, một giả thiết có thể được xác định hay phủ định dựa vào kinh nghiệm nội tâm, dựa vào những quan sát nhận được từ thiền định. Chẳng hạn, bằng phương pháp này, có thể thẩm định  được rằng ác tâm, lòng tham dục, đố kỵ sẽ không đưa đến sự toại nguyện mà chỉ đem đến khổ não sau này.

Lĩnh vực nghiên cứu Phật học không chỉ giới hạn trong thế giới khách quan mà còn bao hàm cả thế giới chủ quan của vốn sống nội tâm, tức là các hiện tượng phi vật chất. Đức Phật không phải là Chúa trời hay đấng Sáng thế. Ngài là con người, nhưng là người đã Giác ngộ, đã chứng nghiệm được chân lý vũ trụ.

Lời dạy của Ngài được gọi là Giáo pháp, không phải là giáo điều mà giống như cuốn sách chỉ đường: "Ta chỉ có thể chỉ ra con đường đưa đến Giác ngộ - chính các người phải tự mình bước đi trên con đường đó".

Theo Phật giáo, sự Giác ngộ không phải là sự tịch diệt trong thờ ơ, vô cảm, không phải là dập tắt các cảm giác và tất cả những gì tạo nên sự phong phú cho con người. Ngược lại, đó là sự giải thoát đi kèm với phẩm chất tích cực nhất như tình thương vị tha, lòng trắc ẩn, niềm vui trước hạnh phúc của người khác, sự thản nhiên trước mọi thứ. Chúng ta sẽ không còn là nô lệ của "cái tôi", cũng không còn là thứ đồ chơi của những cảm xúc phù phiếm mà đầy mâu thuẫn trước niềm vui, nỗi buồn, được mất, khen chê, nổi danh hay vô danh.

Giác ngộ không phải là thái độ bình thường hóa các cảm giác gây loạn động, không phải nỗ lực tái thiết an toàn cho "cái tôi" mà trái lại là một sự giải phóng hoàn toàn cái vòng xích của nó.

Matthieu Ricard, một nhà khoa học về sinh học phân tử, người Pháp, sau đó đã trở thành một nhà sư, sống tại Tu viện ở Népal, đã giải thích về con đường đó: "Mục đích của khoa học chiêm nghiệm Phật giáo, trước hết là chẩn đoán cách tri giác hiện tại sai lầm của chúng ta, sau đó phát hiện ra bản chất của tinh thần và của các hiện tượng, để đáp ứng nguyện vọng của chúng sinh muốn chấm dứt đau khổ và tìm thấy hạnh phúc đích thực".


Ngài Đạt-lai Lạt-ma có chỉ rõ con đường đó, qua bốn pháp ấn:

-Tất cả mọi hiện tượng cấu hợp đều vô thường.

-Tất cả những gì hư cấu đều là khổ đau.

-Tất cả mọi hiện tượng đều không có cái ngã.

-Niết bàn là an bình.

*

*     *

Bạn Đồng Hành

Nền khoa học kỹ thuật đã có lúc làm người ta tưởng là phép màu, nay đã không chứng tỏ được khả năng chế ngự tuyệt đối của nó đối với sức mạnh huyền diệu của thiên nhiên. Trái lại cách sử dụng khoa học theo cách nào đó như đã từng thấy, có thể sẽ đẩy nhân loại đến trước những đe dọa khó lường được, do sự thiếu cân bằng giữa tri thức khoa học và tri thức ứng dụng và được dẫn dắt bởi tham dục, bởi những động cơ cạnh tranh, giành quyền lợi kinh tế, quân sự...

Tình hình càng trở nên khẩn trương hơn khi con người đang có khả năng, bằng khoa học kỹ thuật hiện đại, làm đảo lộn sự cân bằng sinh thái của toàn bộ hành tinh.

Chúng ta đã làm ô nhiễm gần như tất cả những gì có thể bị ô nhiễm và nhiều thảm họa mới đang tàn phá hành tinh và cư dân trên trái đất. Sự suy ngẫm nội tại và được kiểm chứng bằng trải nghiệm cho thấy rằng chỉ có lòng trắc ẩn, hòa điệu với sự minh triết, thể hiện bằng những thay đổi sâu sắc trong con người mới có thể đứng vững được trước mọi thử thách đó.

Ngoại trừ các thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần... nói chung là thiên tai, còn hầu hết những khổ nạn khác đều là do ý đồ tội lỗi tham lam, sân hận, thù ghét, đố kỵ... tóm lại, là do lòng vị kỷ, tính hẹp hòi đã làm rào cản không cho ta nghĩ đến hạnh phúc, đến an vui người khác. Xóa đi hẳn thói vị kỷ sẽ là phương cách giảm nhẹ đau khổ cho người khác và cho mình.

Khoa học tâm linh nhằm cải thiện sự sung mãn nội tâm cho mình, để có khả năng cải thiện sự sung túc cho tha nhân. Vì thế nó phải là người bạn đồng hành đối với người làm khoa học - công nghệ để họ không quên lãng mất tính nhân văn của mình.

Tư duy phân tích và tư duy phê phán được hình thành có hiệu quả ở khoa học Tây phương, cùng với sự thành tựu thần kỳ của công nghệ, người ta hiểu biết rộng về cách thức hoạt động vật chất, nhưng hình như sự hiểu biết về cấu trúc tinh thần và loại thức ăn nào phải được dùng cho nó thì còn quá hạn hẹp. Trong một ý nghĩa nào đó, các vấn nạn trên phạm vi này có thể gợi lên một tâm tư trong giai thoại sau đây:

Một đạo sư và một nhà lý luận đang đứng trên một cây cầu bắt ngang sông Hào. Đạo sư nhìn xuống sông nói rằng: "Nhìn đàn cá bơi lội thật thoải mái!" Nhà lý luận hỏi lại, "Ông không phải cá, làm sao biết được nó đang vui?" Đạo sư đáp lại "Ông không phải là tôi, làm sao ông biết được tôi không biết cá đang vui?" Nhà lý luận đáp lại: "Vì tôi không phải ông, nên không biết được ông có biết thực sự cá vui hay không, còn ông không phải là cá, hẳn ông cũng không sao biết được cái vui của cá?" Đạo sư trả lời: "Tôi đang đứng trên cầu đây và biết cá  đang vui".

Qua câu chuyện ta thấy được, hình như nhà lý luận chỉ tư duy theo lối suy diễn, không hiểu được mỹ học hay cả huyền học sự thể nghiệm của Đạo gia trong khi thưởng thức chia sẻ niềm vui của đàn cá. Vai trò trọng tâm kinh nghiệm trở nên then chốt ở đây và đặt ra một thách thức rằng chúng ta tư duy không phải chỉ bằng cái đầu của mình mà bằng cả con tim rộng mở.

Chúng ta không thể cho phép mình chỉ có biết ngắm nhìn tán thưởng tòa tháp đôi kỳ vĩ cao vọi mà quên đi sự rung cảm mầu nhiệm của nhịp mõ công phu hòa cùng giọng kinh man mác, vang lên trong bóng đêm tịch mịch. Để làm một người trở nên toàn thiện có lẽ cần phải có cả hai.



 


Tài liệu tham khảo

1/ Junjiro Takakusu: Tinh hoa Triết học Phật giáo - Tuệ Sỹ dịch

                            NXB. Phương Đông - 2007

2/ Matthieu Ricard - Trịnh Xuân Thuận: Cái vô hạn trong lòng bàn tay

NXB. Trẻ - 2004.

3/ Thích Nhuận Đạt (dịch): Đạo Phật và Môi trường

NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh - 2010.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle