Hóa giải xung đột dưới quan điểm của Phật giáo
hoa giai
HÓA GIẢI XUNG ĐỘT DƯỚI
QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO
Thích Thanh Hòa
I. Giới thiệu chung
Xung đột là một hiện tượng
phổ biến. Nó hiện diện khắp mọi ngõ ngách của cuộc sống, từ trong những mối quan
hệ cá nhân, gia đình, thậm chí trong từng cá nhân, đến giữa các tổ chức hội
đoàn, và lớn hơn nữa, trong các mối bang giao quốc tế. Xung đột cũng là một vấn
đề xưa cũ như lịch sử của con người bởi từ khi con người đặt chân lên trái đất
thì xung đột cũng đã tùy theo đó mà hiện diện và nó sẽ còn tồn tại cùng với sự
hiện diện của con người. Ở một chừng mực nào đó, xung đột là điều cần thiết cho
sự phát triển.
Nhưng nếu không được giải quyết hay hóa giải, nó sẽ là nguồn cội của đau khổ và
đổ vỡ.
Trong khuôn khổ tham khảo
và bổ sung để làm giàu thêm các nguyên tắc hóa giải xung đột, Phật
giáo
với đặc trưng hướng nội sẽ giúp người làm công tác hóa giải nhìn sâu hơn vào gốc
rễ của vấn đề, tạo cơ hội để chuyển hóa xung đột thành an bình bền vững.
Bài viết này là sự tiếp cận
vấn đề xung đột và hóa giải xung đột từ quan điểm của Phật
giáo,
bao gồm ba phần chính ngoài phần giới thiệu và kết luận. Trong ba phần chính,
phần đầu trình bày sơ lược về xung đột và các lý thuyết về nó; phần thứ hai,
dùng quan điểm Phật giáo
đào sâu vào gốc rễ của động lực xung đột để làm rõ quan niệm hữu ngã vốn là
nguyên nhân sâu xa của xung đột; phần thứ ba đề xuất giải pháp Phật
giáo,
lần lượt tìm hiểu giáo lý làm cơ sở lý luận và các pháp tu ứng dụng.
II. Các thuyết xung đột
Định nghĩa xung đột
Xung đột là một khái niệm
phức tạp bởi nó bao hàm nhiều phạm trù sai biệt. Tuy nhiên, về căn bản, xung đột
chính là sự bất đồng về các giá trị và lợi ích, là mối căng thẳng của con người
về sự không cân xứng giữa những gì đang có và những gì họ mong đợi (Coser, 1957,
197). Một cách đơn giản, có thể nói xung đột là sự bất đồng giữa các cá thể hay
nhóm người về các nhu cầu, ý tưởng, đức tin, giá trị hay mục đích chống trái
nhau; sự bất đồng đó thậm chí xảy ra ngay trong chính bản thân của một người.
Các mối xung đột có thể
thuộc vào một trong hai phạm trù: thực thể và phi thực thể. Xung đột thực thể có
nguyên nhân là những bất đồng về lợi ích trong xã hội và gây ra những hậu quả cụ
thể. Xung đột phi thực thể lại có nguyên nhân sâu xa hơn từ trong những tình
huống không hài lòng và hậu quả của nó là tạo nên thái độ thù địch, căng thẳng
(Jeong, 2008, 2111).
Sơ lược về các thuyết
xung đột
Hiện tượng xung đột rất
phức tạp, vì thế nhiều thập niên kỷ qua, đã có nhiều lý thuyết được xây dựng
nhằm tìm hiểu nó từ nhiều góc độ khác nhau. Với các nhà tâm lý học, họ thường
chú trọng đến những động lực xung đột trong bản thân của mỗi người. Các nhà tâm
lý xã hội học thì tập trung quan sát sự xung đột giữa người với người hay giữa
các nhóm. Nhân chủng học thì nghiên cứu các xung đột sắc tộc. Nhà kinh tế học
lại ưu tiên xem xét những mối cạnh tranh thương mại, lao động. Người theo đuổi
thuyết chính trị thì quan tâm đến những xung đột chính trị hay bang giao quốc
tế... Những lý thuyết này đã trở thành những công cụ đắc lực giúp nhà phân tích
nhận diện các nguyên nhân và động lực sâu xa của các cuộc xung đột ở nhiều giai
tầng khác nhau trong các mối quan hệ của con người.
Nói đến các luận thuyết
xung đột, mô hình truyền thống chính là thuyết Duy
thực
(Realist Theory) của các nhà chính trị được hình thành từ hệ luận của các cuộc
chiến tranh, kéo dài từ thời Hy Lạp đến cuộc Chiến Tranh Lạnh. Theo đó, nguồn
gốc của xung đột được giải thích là sự cạnh tranh về nguồn tài nguyên giới hạn.
Xung đột ở đây chủ yếu là giữa các nhóm, cộng đồng hay quốc gia. Khi nguồn tài
nguyên phong phú, dư thừa thì các nhóm sẽ hợp tác và sống chung hòa bình. Một
khi nguồn tài nguyên có dấu hiệu thiếu hụt thì xung đột, chiến tranh giữa các
nhóm sẽ có nguy cơ nổ ra (Khan and Samarina, 2007, 725).
Khi các cuộc chiến tranh
không chỉ là sự đổ vỡ của mối quan hệ xuyên quốc gia mà còn là sự xung đột chết
chóc trong các cuộc nội chiến như ở Bắc
Ai-len, Colombia, Sri Lanka, và nhiều quốc gia khác trên thế giới, các nhà lý
thuyết nhận thấy luận thuyết Duy thực không thể diễn tả được nguồn gốc sâu xa
của các cuộc xung đột. Thay vào đó, họ xây dựng thuyết Nhu cầu con người (Human
Needs) để nói lên sự thất bại trong việc theo đuổi các nhu cầu căn bản của kiếp
sống đã dẫn đến xung đột (xem thêm: Burton, 1995; Azar, 1990). Theo thuyết này,
xung đột được dẫn khởi bởi các nhu cầu căn bản của một nhóm người như sự duy trì
bản sắc, sự thừa nhận, an toàn, và tham gia hội đoàn. Những người cổ xúy thuyết
này, tiêu biểu như John Burton và Edward Azar, cho rằng đối với các cuộc xung
đột nội bộ và bản sắc, việc sử dụng các biện pháp đàn áp như quân đội hoặc các
hình thức cưỡng bức bằng vũ lực sẽ chẳng đem lại kết quả như mong đợi; thay vào
đó bản thân các tổ chức cần phải được định hướng lại sao cho đáp ứng được các
nhu cầu của tất cả mọi người (xem thêm: Burton, 1998).
Ngoài hai mô hình Duy thực và Nhu cầu
con người, xung đột còn được nghiên cứu từ phương diện động lực của các mối
tương tác nhóm. Đây là hướng đi quan trọng của lĩnh vực nghiên cứu xung đột và
hòa bình, nó lý giải được những nguyên nhân sâu xa của xung đột trong tâm lý con
người.
Theo hướng nghiên cứu này, cội nguồn của các xung đột được các nhà tâm lý xã hội
phân tích từ cấp độ vi mô cho đến vĩ mô. Từ góc độ này, nguồn gốc của xung đột
được tìm thấy trong tính chất hung hăng, sự mất mát tương đối, sự thất bại của
các chức năng trong tổ chức, mối tương quan quyền lực không đối xứng, và cấu
trúc xã hội chiếm ưu thế,
với các lý thuyết tiêu biểu như thuyết Mất mát tương đối (Relative Deprivation
Theory), thuyết Nhân cách độc đoán (Authoritarian Personality Theory), thuyết
Bản sắc xã hội (Social Identity Theory). Các nhà tâm lý xã hội tin rằng căn
nguyên của xung đột được hình thành từ trong các môi trường tâm lý nội tại; xung
đột, bạo động, chiến tranh là bản chất vốn có của loài người. Một khi không
thích nghi được với những sự bất như ý thì xung đột sẽ trở thành phương tiện để
khẳng định bản thân.
III. Động lực xung đột
dưới quan điểm của Phật giáo
Mặc dù xung đột có thể bắt nguồn từ
những vấn đề rất cụ thể như sự bất công trong cấu trúc tổ chức, nhưng đó chỉ là
nhìn từ bề mặt hiện tượng. Khi đào sâu vào gốc rễ của hiện tượng này, các nhà
tâm lý xã hội đã thừa nhận cội nguồn sâu xa của chúng chính là nguồn động lực
thúc đẩy từ bên trong. Hơn nữa, tuy các nhà tâm lý xã hội đã tìm thấy các động
lực xung đột trong tâm con người, nhưng với truyền thống hướng ngoại của
Tây
phương, sau cùng, họ vẫn quy nguyên nhân sâu xa của chúng, cái đã hình thành nên
những động lực xung đột này, cho môi trường xã hội bên ngoài. Đối với điều này,
quan điểm hướng nội của Phật giáo có thể bổ sung một khía cạnh quan trọng trong
nhận thức sự hình thành nguyên nhân của động lực xung đột (xem thêm: Tanabe,
2013, 2016).
Với Phật giáo, tâm tánh con người vốn
là vô ngôn tịch tĩnh, vô vi rốt ráo, nhưng do vô minh che lấp nên từ vô thủy,
tham, sân, và vô số phiền não theo đó mà khởi lên và mặc sức kiến tạo cái thế
giới của riêng mình. Từ đó, cái tâm chân thật bị phủ lên bởi một lớp hiện tượng
hữu vi, phiền não và lậu thất. Con người nhận thức thế giới với cái tâm đã bị
nhiễm ô đó và để mặc sự thật rốt ráo bị lãng quên sau cái lăng kính tư kiến mê
mờ. Con người tạo dựng những mẫu hình khái niệm và ngôn ngữ rồi sử dụng nó như
những công cụ để nhận thức thế giới và tương tác với mọi người. Như một sự huân
tập, cái tâm hữu lậu của con người khó tránh khỏi bị khuôn rập bởi những mẫu
hình của xã hội, môi trường, để rồi chúng ta chấp vào đó và sống theo đó.
Mặc dù những mẫu hình quy
ước xã hội giữ vai trò quan trọng trong việc giúp con người tìm kiếm ý nghĩa của
cuộc đời trong thế giới hiện tượng nhưng đồng thời nó cũng tiềm ẩn những nguy
hại trong đó như thể con người tự tạo cho mình những chiếc bẫy để rồi giẫm lên
chúng. Vấn đề nằm ở chỗ cái tâm thức được khuôn rập bởi xã hội luôn luôn có
khuynh hướng tuyệt đối hóa
và lý tưởng hóa
mọi mẫu hình. Một khi những mẫu hình lý tưởng được hình thành, chúng ta bám víu
vào chúng và xem chúng như những thực thể, cái này cái kia, người này người kia,
với những thuộc tính không thay đổi, chúng phải như thế này, chúng phải như thế
kia. Đem cái thói quen đầy định kiến đó áp đặt lên trên hiện thực lưu động, tất
nhiên điều đó sẽ dựng lên những rào cản trong nhận thức và cách tiếp cận vấn đề
của con người. Cái gì đi ra ngoài điều mình mong đợi thì sẽ lập tức bị xem như
là tiêu cực, nguy hại cho sự an toàn và ổn định của mẫu hình mình đang theo
đuổi, từ đó tạo khoảng cách cho xung đột xen vào.
Đối với sự hình thành các
mẫu hình nhận thức, Phật giáo
hướng vào bên trong và đào sâu
gốc rễ của vấn đề, từ đó nhận thấy rằng mọi sự phân đôi tự - tha đều bắt nguồn
từ quan niệm sai lầm về một tự ngã (ātman). Quan niệm về một tự ngã bất
biến là căn để của mọi bất hòa bởi nó tạo ra một khoảng cách giữa ta với người,
nó khiến cho hiện thực rơi vào một sự phân chia đối cực, và dẫn đến khuynh hướng
phủ nhận những quan điểm, giá trị của những người khác với ta. Sự phân biệt tự -
tha sẽ tạo ra một ranh giới trong nhận thức rồi từ đó dễ dàng tạo ra xung đột
với những gì bên ngoài ranh giới đó, dù đó là cá nhân đơn lẻ hay tập thể đông
người (Yeh, 2006, 96; Waldron, 2003, 196). Do đó, để hóa giải xung đột một cách
rốt ráo, chúng ta phải vượt lên trên sự phân biệt tự - tha này. Khi không còn
ranh giới tự - tha trong nhận thức, những khác biệt mới không còn, xung đột mới
không còn hiện diện.
IV. Giải pháp của Phật giáo
Những giáo lý làm cơ sở lý luận
cho hóa giải xung đột
Để làm cơ sở lý luận cho sự hóa giải
xung đột trên nền tảng Phật pháp, phần này sẽ phân tích một số giáo lý căn bản
liên quan trong khuôn khổ cho phép.
Tứ Thánh đế
Đây là giáo lý căn bản cho mọi sự tìm
hiểu và giải quyết những vấn đề nhân sinh. Trước hết là Khổ Đế: cuộc đời này vốn
là khổ. Khổ ở đây không đơn thuần là những cảm thọ đau khổ xác thịt hay tâm lý
mà đó còn là sự bất như ý của cuộc sống, là các hành vô thường. Chúng ta sống
trong cuộc đời vốn là đau khổ nên tất nhiên khó tránh khỏi những điều xung đột,
trái ý. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm hiểu để thấy được nguyên nhân của
chúng, đó chính là Khổ tập đế.
Khổ tập đế là sự thật về các nguyên
nhân của khổ đau. Với tuệ giác
giải thoát,
Đức Phật
đã thấy rõ các phiền não, mà cụ thể là ba độc tham, sân và si, là gốc rễ của mọi
đau khổ. Những phiền não này là những nhân tố khuấy động gây nên mọi sự tranh
chấp, xung đột; chúng khiến cho mọi sự khác biệt càng thêm lớn, khoảng cách càng
thêm sâu.
Thánh đế thứ ba là
Diệt
đế,
là sự thật về trạng thái đã diệt trừ mọi khổ đau. Xung đột một khi đã được hóa
giải hay giải quyết thỏa đáng sẽ đem lại sự hiểu thấu nhau hơn, đem lại hòa bình
và phát triển cho mọi người.
Thánh đế thứ tư là Diệt đạo đế, là sự
thật về con đường tu tập để đạt được
Diệt
đế,
là các pháp tu mà Đức Phật đã dạy xuyên suốt trong
Tam
tạng giáo điển. Đây là điểm mấu chốt của tiến trình tu học cũng như hóa giải
xung đột. Đối với vấn đề xung đột, chúng ta cần tìm ra những pháp môn thích hợp
để áp dụng. Phần các pháp tu bên dưới sẽ giới thiệu một vài pháp môn căn bản cần
thiết cho quá trình hóa giải xung đột.
Duyên sinh
vô ngã
Một giáo lý mang tính chất nền tảng
quan trọng khác cho giải pháp hóa giải xung đột chính là giáo lý Duyên sinh vô
ngã. Như đã phân
tích ở phần động lực xung đột, quan niệm về một tự ngã chủ tể thường tại là căn
để của mọi sự phân đôi tự - tha, là đầu mối của mọi xung đột, đặc biệt là những
vấn đề liên quan đến tư tưởng, những xung đột mang tính phi thực thể.
Tin và chấp vào tự ngã là
một quan niệm sai lầm mà Đức
Phật Thích Ca đã giác ngộ và chỉ dạy. Đức Phật dạy:
Các
pháp vốn vô ngã, do duyên mà tạo thành
(Keown and Prebish, 2010, 570).
Vô ngã là một trong ba dấu ấn biểu trưng cho giáo pháp giải thoát của Phật giáo.
Các pháp, trong đó có con người, chỉ là sự
hòa
hợp của các duyên cộng thành. Các hành vô thường, các pháp vô
ngã là bản chất của thế giới hiện tượng. Và cũng nhờ tính chất vô ngã và vô
thường chúng ta mới có khả năng chuyển
hóa
đau khổ hay những xung đột trong đời sống. Do bởi vô minh che lấp nên chúng ta
mới tự trói buộc bản thân với một quan niệm không thực có, để rồi mọi hoạt động
của chúng ta đều xoay quanh cái hư vọng hão huyền đó, gây khổ cho bản thân cũng
như mọi người. Hiểu được các pháp vốn là duyên sinh vô ngã thì sự phân đôi tự -
tha cũng theo đó mà biến mất, xung đột cũng dễ dàng được
hóa
giải.
Tâm tịnh thế giới
tịnh
Thế giới đang được tri nhận
này là thế giới được phóng chiếu từ tâm thức của chúng ta
(Kochumuttom, 1989, 14).
Mọi đau khổ hạnh phúc đều là phản ánh tâm cảnh từ bên trong. Kinh Duy-ma-cật
nói: tâm tịnh thế giới tịnh.
Đây thực sự là một tư tưởng nhập thế làm cơ sở lý luận cho sự nghiệp tịnh độ
hóa
thế gian. Có xung đột bên ngoài là bởi xung đột đã nảy mầm trong tâm chúng ta.
Nếu trong lòng tìm được sự an lạc thanh tịnh thì mọi mối quan hệ trong cuộc sống
cũng theo đó được tịnh hoá.
Các pháp tu nuôi dưỡng an bình
nội tâm và giúp hóa giải xung đột
Để tìm một giải pháp viên mãn cho mọi
xung đột trên cuộc đời là chuyện không tưởng (Furlong, 2005, 11). Tuy nhiên,
trong
chừng mực tham khảo và bổ sung, việc áp dụng giáo lý và một số pháp tu Phật giáo
vào quá trình hóa giải xung đột chắc chắn sẽ mang lại những kết quả tích cực.
Thực tập chánh niệm
Như trên đã phân tích, tâm chúng ta
bị các phiền não, những mẫu hình xã hội làm cho ô nhiễm và mê mờ. Để hóa giải
xung đột, trước hết cần phải trang bị cho bản thân một tâm trí trong sáng để
nhận chân tình huống. Trong Phật giáo có nhiều phương pháp để làm điều đó, nhưng
dễ thực hành và hiệu quả nhất chính là thực tập thiền Chánh niệm (smṛti),
bởi chánh niệm chính là sự nhận thức trọn vẹn cả những đặc tính thô phù và tinh
tế của hiện tượng ngay khi chúng lọt vào tầm quán sát (Harvey, 2015, 116).
Ngày nay thiền Chánh niệm đã trở nên
rất phổ biến và được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau do vậy cũng có nhiều
phương pháp và kỹ thuật thực hành không giống nhau. Tuy nhiên, điểm chung và cốt
lõi của Chánh niệm chính là tập trung tâm tưởng vào một đối tượng nào đó để có
được định lực, thường thì lấy hơi thở làm đối tượng.
Thiền Chánh niệm chính thống của Phật
giáo bắt nguồn từ các kinh về quán niệm hơi thở như Kinh Nhập tức, Xuất tức
niệm (Ānāpānasati-sutta) và kinh Niệm xứ trong kinh
Trung bộ; Tương ưng hơi thở vô, hơi thở ra (Ānāpāna-saṃyutta)
trong kinh Tương ưng; hoặc An ban thủ ý kinh trong Hán tạng (Đại
15, số 602, 163c12; Minh Châu, 1992a, 1992b, 1993). Theo đó, hành giả tập trung
sự chú ý vào hơi thở của mình qua mười sáu bài thực tập (về 16 bài niệm hơi thở,
xem thêm: Nhất Hạnh, 1987; Kuan, 2008, 70).
Để đơn giản hóa cho phù hợp với người
không chuyên, nhiều thiền giả và nhà trị liệu đã thu gọn kỹ thuật thực hành theo
mẫu thức sau: (1) Chú tâm vào đối tượng hiện tại, (2) Giám sát những sự nhiễu
loạn khởi lên nhưng không phán xét, (3) Cắt đứt sự chú tâm đối với nhiễu loạn,
(4) Định hướng lại sự chú tâm đến đối tượng mục tiêu (Dunne, 2015, 254).
Việc thực hành thiền nói chung, thiền
Chánh niệm nói riêng, là để giúp hành giả thấy rõ bản chất của các tâm hành,
thấy rõ các trạng thái tâm lý là vô thường, là khổ, từ đó làm yếu đi các tâm lý
chấp thủ cho đến cuối cùng là diệt trừ chúng (Harvey, 2015, 120).
Tu tập tâm từ và bi
Từ (P.: maitrī, P.: mettā) là
mong muốn đem hạnh phúc đến cho người khác, là một trong bốn tâm vô lượng mà mỗi
hành giả tu Phật đều cần phải tu tập. Theo Tôn giả Buddhaghosa, tu tập tâm từ là
để trừ bỏ sự căm ghét, oán thù và chuyển hóa những tâm lý này thành những trạng
thái tích cực mang tính hòa giải (Buddhaghosa and Ñāṇamoli,
2010, 9.1-39).
Tu tập tâm từ là quán chiếu trên tâm
từ. Hành giả giữ tâm yên tịnh, hướng tâm về đối tượng và lặp lại trong tâm câu
nói “Nguyện cầu (đối tượng) được hạnh phúc và hết đau khổ.” Đối tượng để
hướng tới trong quá trình thực hành từ quán nên theo thứ tự từ dễ đến khó, từ
bản thân cho đến kẻ thù (Buddhaghosa and Ñāṇamoli,
2010, 9.12).
Thực hành từ quán cũng nên thực hành
thêm bi quán để phát triển trọn vẹn tình thần từ bi. Bi quán là thực hành sự
thương xót đến những kẻ đau khổ.
Việc thực hành từ bi có công năng kết
nối và mở rộng sự thân thiết với người khác. Trong việc hóa giải xung đột, nó là
cánh cửa mở rộng để đón nhận người khác một cách thân thiện và hòa bình.
Các nguyên tắc khác
Ngoài ra, trong quá trình giải quyết
xung đột, đặc biệt đối với những xung đột mang tính thực thể, bên cạnh những
nguyên tắc thông thường như công bằng, dân chủ, đối thoại, tôn trọng lẫn nhau,
đáp ứng nhu cầu, mưu cầu lợi ích chung…, chúng ta cũng nên quan tâm đến các
nguyên tắc Phật giáo như phương tiện thiện xảo, lục hòa, tứ nhiếp pháp, bất hại.
Những nguyên tắc này sẽ giúp cải thiện tình huống và dung hòa những sự khác
biệt, thúc đẩy tiến trình giải quyết thuận lợi hơn và mang đến sự hòa giải bền
vững hơn.
V. Kết luận
Sống trong một xã hội đầy dẫy
tham-sân-si tất nhiên không tránh khỏi những xung đột. Việc giải quyết xung đột
vì thế trở thành một nhu cầu cấp thiết để tái thiết nền hòa bình. Để làm được
điều đó, việc trước hết là phải kiến tạo một xã hội công bằng, cởi mở và hiểu
nhau, đáp ứng được những nhu cầu căn bản của mọi người.
Với Phật giáo, ngoài những tác động
bên ngoài, xung đột còn là biểu hiện của một tâm thái phân biệt từ bên trong. Do
vậy, Phật giáo chú trọng đến sự tu bồi an bình nội tâm. Tâm tịnh thế giới tịnh
là nguyên tắc cốt lõi của con đường hóa giải xung đột dưới con mắt Phật giáo.
Việc áp dụng các pháp tu để trau dồi nội tâm, chuyển hóa nhận thức, mở rộng tâm
trí chính là thiết lập nên móng vững chãi cho việc hóa giải những xung đột hiện
tại và trong tương lai, đem lại nền hòa bình vững bền cho nhân loại.
Hải Lạc, 20.6.2019
Thư mục tham
khảo:
Đại 14, số 475. Duy-ma-cật sở
thuyết kinh [維摩詰所説經].
Hán dịch bởi Cưu-ma-la-thập.
Đại 15, số 602. Phật thuyết Đại an
ban thủ ý kinh [佛説大安般守意經].
Hán dịch bởi Tam Tạng An Thế Cao.
Azar, Edward E. 1990. The
Management of Protracted Social Conflict. Aldershot: Gower Pub. Co.
Buddhaghosa, and Bhikkhu Ñāṇamoli.
2010. The Path of Purification: Visuddhimagga. 4th ed. Kandy: Buddhist
Publication Society.
Burton, John. 1995. Conflict:
Human Needs Theory. Basingstoke: MacMillan.
——————. 1998. "Conflict Resolution:
The Human Dimension." The International Journal of Peace Studies 3 (1).
Coser, Lewis A. 1957. "Social
Conflict and the Theory of Social Change." The British Journal of Sociology
8 (3): 197-207.
Dunne, John D. 2015. "Buddhist Styles
of Mindfulness: A Heuristic Approach." In Handbook of Mindfulness and
Self-Regulation, edited by Brian D. Ostafin, Michael Robinson and Brian P.
Meier, 251-270. New York: Springer.
Furlong, Gary T. 2005. The
Conflict Resolution Toolbox: Models & Maps for Analyzing, Diagnosing, and
Resolving Conflict. Mississauga, Ontario: J. Wiley & Sons Canada.
Harvey, Peter. 2015. "Mindfulness in
Theravāda Samatha and Vipassanā Meditations, and in Secular Mindfulness." In
Buddhist Foundations of Mindfulness, edited by Edo Shonin, William Van
Gordon and Nirbhay N. Singh. Cham: Springer.
Jeong, Ho-won. 2008. "Theories of
Conflict." In Encyclopedia of Violence Peace and Conflict, edited by
Lester Kurtz, 2105-2112. Amsterdam: Academic Press.
Keown, Damien, and Charles S.
Prebish. 2010. Encyclopedia of Buddhism. London; New York: Routledge
Taylor & Francis Group.
Khan, Saera R., and Viktoriya
Samarina. 2007. "Realistic Group Conflict Theory." In Encyclopedia of Social
Psychology, edited by Roy F. Baumeister and Kathleen D. Vohs, 725–726. SAGE
Publications, Inc.
Kochumuttom, Thomas A. 1989. A
Buddhist Doctrine of Experience: A New Translation and Interpretation of the
Works of Vasubandhu the Yogācārin. Delhi: Motilal Banarsidass.
Kuan, Tse-fu. 2008. Mindfulness in
Early Buddhism: New Approaches through Psychology and Textual Analysis of Pali,
Chinese and Sanskrit Sources. London; New York: Routledge.
Minh Châu, Thích. 1992a. "Kinh Nhập
tức, xuất tức niệm." Trong kinh Trung bộ. Viện Nghiên cứu Phật học Việt
Nam.
——————. 1992b. "Kinh Niệm xứ." Trong
kinh Trung bộ. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
——————. 1993. "Tương ưng hơi thở vô,
hơi thở ra." Trong kinh Tương ưng bộ. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
Thích Nhất Hạnh. 1987. Kinh Quán
niệm hơi thở. Lá Bối.
Tanabe, Juichiro. 2013. "Buddhism and
Conflict Transformation: Philosophical and Conceptual Expansion of the Nature of
Human Mind for Conflict Transformation." Journal of Conflict Transformation
and Security 3 (1): 5-26.
——————. 2016. "Buddhism and Peace
Theory: Exploring a Buddhist Inner Peace." International Journal of Peace
Studies 21 (2).
Waldron, William S. 2003. "Common
Ground, Common Cause: Buddhism and Science on the Afflictions of Identity." In
Buddhism and Science: Breaking New Ground, edited by Alan Wallace,
145-191. New York: Columbia University Press.
Yeh, Der-lan. 2006. "The Way to
Peace: A Buddhist Perspective." International Journal of Peace Studies 11
(1): 91-112.