Một số điểm tương đồng giữa Giáo hội Trúc Lâm và Giáo hội Phật giáo Viêt Nam

mot so

Một số điểm tương đồng giữa Giáo hội Trúc Lâm

và Giáo hội Phật giáo Viêt Nam

Thích Hạnh Chơn

 

Phật giáo sau khi có đủ Tam bảo thì Tăng đoàn hay Giáo hội được thành lập. Giáo hội Phật giáo được hình thành ngay khi năm anh em Kiều-trần-như trở thành đệ tử xuất gia của Đức Phật, số lượng Tỳ-kheo đủ để tạo thành một Tăng đoàn. Tuy nhiên, Giáo hội lớn mạnh và có sự ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội là từ khi Da-xá (Yasa) và các bạn của ông xuất gia hình thành Tăng đoàn gồm 60 vị Thánh tăng.[1] Giáo hội sau đó không ngừng phát triển và để hoạt động của Giáo hội được ổn định và phát triển bền vững, các quy tắc hay giới luật ra đời dựa trên cơ sở thực tiễn có người tạo nghiệp ác. Giới luật là nền tảng để Giáo hội tồn tại và lan rộng khắp nơi cho đến ngày nay. Trải qua các thời kỳ và các triều đại hay chế độ khác nhau, Phật giáo Việt Nam cũng có những Giáo hội phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Bài viết sẽ nêu vài điểm tương đồng giữa Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đương thời. Qua đó, chúng ta thấy được sự kế thừa chọn lọc qua các thời kỳ lịch sử Việt Nam.

Sự ra đời của hai Giáo hội

Phật giáo được truyền vào và có nền móng phát triển ở Việt Nam từ thế kỷ thứ II Tây lịch. Từ thời kỳ đầu ấy cho đến đầu thế kỷ thứ XIII, có ba dòng thiền du nhập vào và phát triển là dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi, dòng Vô Ngôn Thông và dòng Thảo Đường. Ba dòng thiền ấy đi vào Việt Nam trong các thời gian khác nhau và cùng tồn tại không có sự cạnh tranh lẫn nhau. Đến thế kỷ thứ XIII, dòng thiền Trúc Lâm được vua Trần Nhân Tông kế thừa truyền thống do cha của ông sáng lập nên. Dòng thiền Trúc Lâm đã thống nhất ba dòng thiền trước đó ít nhất về mặt quản lý sinh hoạt để tạo nên một Phật giáo nhất tông, còn được gọi là Phật giáo thống nhất hay Giáo hội Phật giáo thống nhất lúc bấy giờ.[2]

Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm ra đời theo nhu cầu và điều kiện xã hội thuận lợi dưới triều đại nhà Trần. Vua Trần Nhân Tông xuất gia năm 36 tuổi (1294) hay năm 41 tuổi (1299) là vấn đề do sử liệu ghi chép lại có sự chênh lệch về thời gian. Do vậy, có ý kiến cho rằng năm 1294 vua có ý định xuất gia nhưng đến năm 1299 mới có thể thực hiện ý định của mình.[3] Sau khi trở thành thành viên chính thức của Tăng đoàn, vua kế thừa sự nghiệp chư vị Tổ sư đi trước để xây dựng Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm theo đường hướng thống nhất về quản lý hành chánh và tư tưởng nhập thế. Cụ thể, vua áp dụng tư tưởng Phật giáo nhập thế vào trong thực hành và truyền bá đạo pháp. Vậy thì điều kiện nào giúp cho vua có thể thực hiện được ý tưởng thống nhất này? Thứ nhất, vua thấy rằng Phật giáo có thể liên kết toàn dân để tạo sức mạnh xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Thứ hai, sự truyền thừa của dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi và dòng Vô Ngôn Thông bị thiếu vắng những vị lãnh đạo hay thiền sư có tầm ảnh hưởng lớn nên cần sự trợ giúp của các Tăng sĩ có năng lực từ nơi khác. Hơn nữa, sự sinh hoạt của hai dòng thiền này cũng không khép kín, bảo thủ mà có sự giao lưu học tập lẫn nhau. Kết quả là Thiền sư Thường Chiếu thuộc dòng Vô Ngôn Thông qua sinh hoạt bên chùa của dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi và sau đó hợp nhất lại thành dòng thiền chung. Đây là điều kiện rất thuận lợi để dòng thiền Trúc Lâm được hình thành sau đó. Bên cạnh đó, dòng Thảo Đường ra đời chưa lâu và chủ yếu đóng góp về mặt tư tưởng nên việc sáp nhập là không khó. Thứ ba, vua Trần Nhân Tông là một bậc minh quân với tài năng xuất chúng lãnh đạo dân tộc nhiều lần chiến thắng quân xâm lược hùng mạnh đem lại hòa bình thịnh trị cho đất nước. Với phẩm chất siêu việt như thế, nên nhân dân trong nước đều ủng hộ vua là điều dễ hiểu.[4] Do vậy, với uy đức thanh cao và trí tuệ vượt bậc, với sự chứng ngộ giáo pháp Đức Phật và biết vận dụng vào điều kiện thực tế để bảo vệ hòa bình và mở mang bờ cõi thì việc làm của vua không ai không ủng hộ. Hơn nữa, những người dưới trướng của vua trước đây giờ là lãnh đạo triều đình đều là Phật tử, dân chúng đều tin Phật giáo thì việc lập nên Giáo hội Trúc Lâm thống nhất là không khó. Sự ra đời của Giáo hội Trúc Lâm giúp việc điều hành sinh hoạt Tăng sĩ quy về một mối quản lý và tạo điều kiện cho Phật sự hoằng pháp được thống nhất theo đường lối nhập thế chung. Tuy nhiên, các tài liệu ghi chép về quản lý Giáo hội không còn nhiều do các sinh hoạt ít được ghi chép hay bị thất lạc. Các tài liệu còn lại phần lớn nói về các Tổ sư bao gồm sự nghiệp và tác phẩm văn thơ trong khi tài liệu ghi chép về Giáo hội địa phương hầu như không được đề cập nên chúng ta không biết mức độ phát triển hoàn chỉnh của Giáo hội Trúc Lâm như thế nào dù rằng các thế hệ truyền thừa được ghi chép lại.[5]

Sau đời nhà Trần 7 thế kỷ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập với mục đích cũng là thống nhất các tổ chức Phật giáo đương thời dù khái niệm thống nhất không được thêm vào do khái niệm ấy đã được sử dụng trước đó. Năm 1981, sau 6 năm thống nhất đất nước, chư tôn đức lãnh đạo 9 tổ chức Phật giáo đã tán thành sự kêu gọi của chư tôn túc trong Ban vận động Phật giáo thống nhất nên đã cử đại diện tham dự đại hội Phật giáo toàn quốc vào tháng 11 năm 1981.[6] Đại hội đã thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam với Hội đồng chứng minh có vai trò giám sát và chứng minh các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và Hội đồng trị sự có vai trò điều hành, quản lý hành chính của Giáo hội. Hiến chương là văn bản quy phạm pháp luật quy định chức năng, vai trò, nhiệm vụ của Giáo hội. Theo lý tưởng, sự hợp nhất các tổ chức Phật giáo nhỏ tạo nên một Giáo hội Phật giáo “thống nhất” nhằm phát huy sự đoàn kết trong hành động, thống nhất về quản lý hành chánh, về tư tưởng đường lối truyền bá Chánh pháp là thành công to lớp của Phật giáo Việt Nam đương đại. Đó là sự kế thừa những thành tựu của Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm và của các tổ chức Giáo hội trước đó.

Cũng như Giáo hội Trúc Lâm, sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có những điều kiện tác động nhất định. Thứ nhất, Phật giáo Việt Nam cần có một Giáo hội thống nhất để điều hành Phật sự như trước đó đã tồn tại nhưng chưa trọn vẹn. Thứ hai, Phật giáo cần một Giáo hội thống nhất để tạo sự đoàn kết, xây dựng cách thức điều hành thích hợp và có định hướng chung cho phát triển Phật giáo. Thứ ba, sự thành lập Giáo hội là chủ trương chung của đất nước và được sự đồng thuận từ các cơ quan nhà nước. Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ có một điều khác với sự ra đời của Giáo hội Trúc Lâm là chưa nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ tín đồ do hoàn cảnh xã hội đương thời chi phối.

Sự thống nhất về tổ chức sinh hoạt

Giáo hội Phật giáo thời nào cũng tuân thủ theo pháp và luật của Đức Phật. Ngay thời Đức Phật còn tại thế, pháp và luật vẫn luôn là trung tâm để các thành viên trong Tăng đoàn căn cứ sinh hoạt. Dù các điều luật được Phật chế ra nhưng chính Phật cũng không đứng ngoài các điều ấy. Phật cũng đi khất thực, cũng tham dự bố-tát, tự tứ cùng Tăng đoàn.

Đến thời Giáo hội Trúc Lâm, các quy định về quản lý tu sĩ, tự viện đã được ban hành áp dụng. Mục đích là để hoạt động của Giáo hội được thống nhất và Tăng sĩ tuân theo giới pháp và đường hướng của Giáo hội. Căn cứ vào tài liệu hiện còn, Tổ Pháp Loa đã phụng chiếu về ở chùa Vĩnh Nghiêm, nơi đặt văn phòng trung ương của Giáo hội, để điều hành Phật sự Giáo hội. Giáo hội Trúc Lâm đã có những điều luật quy định chức vụ của Tăng sĩ trong Giáo hội, kiểm tra tự viện, tổ chức giới đàn 3 năm một lần và quản lý tu sĩ bằng sổ Tăng tịch. Điều này được Giáo sư Nguyễn Lang nhận định: “Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tăng sĩ có hồ sơ tại Giáo hội trung ương.”[7] Tuy nhiên, sau Tổ thứ ba, hoạt động của Giáo hội Trúc Lâm không còn được ghi chép lại nữa. Tuy Phật giáo vẫn tiếp tục tồn tại trong quần chúng nhân dân nhưng với hình thức văn hóa tín ngưỡng, hoạt động mang tính tổ chức Giáo hội không còn được duy trì nữa. Đó là lý do nhiều người cho rằng Phật giáo suy thoái sau thời Trần.

Về tư tưởng, Giáo hội Trúc Lâm rất tích cực trong việc truyền bá Chánh pháp theo đường hướng Phật giáo nhập thế. Các tài liệu hiện còn đã ghi lại sự nghiệp của các Tổ sư lãnh đạo Giáo hội. Tổ sư Trần Nhân Tông thường xuyên vân du khắp nơi để thấy đời sống nhân dân nhằm giúp cho họ có cuộc sống tốt hơn. Đồng thời, đó cũng là dịp để Tổ sư khuyên dân thực hành đạo đức thông qua việc giữ giới, tu 10 điều thiện, bỏ mê tín, thực hành lời Phật dạy.[8] Là một Tăng sĩ, Tổ sư vẫn luôn quan tâm và tham gia việc nước như tiếp các phái đoàn ngoại giao, xây dựng mối quan hệ với Chiêm Thành, mở rộng bờ cõi qua việc gã công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm Thành…[9] Đối với Tổ sư thứ hai thì việc giáo dục đào tạo, quản lý Tăng Ni, tự viện và truyền bá kinh luật là nổi bật. Trong đó, Tổ sư có công lớn trong việc khắc bản gỗ đại tạng kinh.[10] Giáo hội Trúc Lâm qua sự nghiệp của sơ Tổ chứng minh là một Phật giáo nhập thế toàn diện. Tuy nhiên, Giáo hội thiếu vắng những bậc anh tài xuất chúng như sơ Tổ nên lý tưởng nhập thế của Phật giáo Trúc Lâm không được phát huy lâu dài.

Thời hiện đại khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời với các văn bản pháp luật cụ thể hơn thì việc quản lý tự viện, tu sĩ càng rõ ràng hơn về phương diện hành chánh. Phật giáo nhập thế cũng được Giáo hội chú trọng và có những kết quả tích cực. Nếu Giáo hội hay Tăng đoàn thời Đức Phật dựa vào giới luật để sinh hoạt thì Giáo hội Trúc Lâm và Giáo hội Phật giáo Việt Nam bên cạnh giới luật là nền tảng không thể thiếu còn có thêm các văn bản pháp luật khác để hướng dẫn điều hành các Phật sự của Giáo hội phù hợp với hoàn cảnh xã hội như Hiến pháp, nội quy. Giáo hội hiện tại đang làm tốt vấn đề quản lý Tăng Ni và tự viện với các ban ngành từ trung ương đến địa phương và có văn phòng trung ương cấp phát và lưu trữ Tăng tịch hay giấy chứng nhận Tăng Ni và các loại giấy tờ liên quan khác. Đó là điểm tương đồng trong quản lý hành chánh Giáo hội.

Về vấn đề nhập thế, Giáo hội hiện tại có các ban ngành hoạt động nhằm đưa Phật pháp đến với tín đồ. Ban Hoằng pháp, Ban Giáo dục, Ban Văn hóa, Ban Thông tin và Ban Hướng dẫn Phật tử là những ban trực tiếp phổ biến lời Phật dạy và văn hóa Phật giáo đến với mọi người. Ban Nghi lễ và Ban Từ thiện trực tiếp xoa dịu nỗi đau, chạm vào tình cảm tôn giáo hay sự xúc cảm của con người nên dễ đưa tín đồ đến với đạo Phật. Thời xưa Điều ngự Giác hoàng tự do vân du thuyết giảng trong dân chúng thì ngày nay Tăng Ni cũng có thể tiếp cận quần chúng qua các nghi lễ cầu an, cầu siêu tại các tư gia tín đồ. Qua đó, chư tôn đức có thể giảng pháp, khuyên tín đồ tu thiện, bỏ ác làm lành…

Tinh thần nhập thế cũng được thể hiện rõ ràng qua sự tham gia của chư tôn đức Tăng Ni vào các cơ quan nhà nước như quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp để có thể đóng góp trí tuệ của người con Phật cho sự phát triển phồn vinh, an bình của tổ quốc. Thời xưa, Đức sơ Tổ trực tiếp tham gia công tác ngoại giao mở rộng biên cương thì ngày nay Giáo hội cũng đang đóng góp công sức góp phần xây dựng các mối quan hệ quốc tế tốt đẹp thông qua các hội nghị, hội thảo, đại lễ vesak… Đó là tinh thần nhập thế của Phật giáo được phát huy nhiều thế kỷ qua ở Việt Nam.

Lời kết

Mỗi thời điểm, mỗi Giáo hội có những điều kiện thuận lợi khác nhau để phát triển Phật giáo đem đến lợi lạc cho nhiều người. Vài điểm có thể xem là tương đồng được nêu trong bài viết nhằm nêu rõ Phật giáo Việt Nam từ khi đất nước độc lập luôn đi theo hướng nhập thế, thực hành Bồ-tát hạnh làm lợi lạc quần sanh, hộ quốc an dân. Đó là con đường đúng đắn xuyên suốt theo chiều dài lịch sử dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

Sự thành tựu của Giáo hội nói riêng hay của Phật giáo nói chung luôn phụ thuộc vào các điều kiện, hoàn cảnh xã hội mà theo thuật ngữ Phật giáo gọi là “nhân duyên”. Nhân tốt cần có duyên tốt thì mới đưa đến kết quả tốt đẹp. Trường hợp của Giáo hội Trúc Lâm là một ví dụ cụ thể. Đối với Giáo hội hiện tại, nhân tức nguồn nhân lực và duyên tức điều kiện xã hội ngày càng tốt hơn thì Phật giáo Việt Nam ngày càng hưng thịnh hơn.

 


 

[1] Narada, Đức Phật và Phật pháp, (Phạm Kim Khánh dịch), TP. Hồ Chí Minh: NXB. Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2013, tr.116.  (Nếu tính Đức Phật nữa là 61 vị)

[2] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Hà Nội: NXB. Văn Học, 1994, tr. 257.

[3] Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Nhân Tông, Tp. Hồ Chí Minh: NXB. TP. Hồ Chí Minh, tr. 198; Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Hà Nội: NXB. Văn Học, 1994, tr. 356, 359.

[4] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Hà Nội: NXB. Văn Học, 1994, tr. 355.

[5] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Hà Nội: NXB. Văn Học, 1994, tr. 259; Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Nhân Tông, TP. Hồ Chí Minh: NXB. TP. Hồ Chí Minh, tr. 348, 349.

[6] Chín tổ chức Phật giáo gồm: Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam, Ban liên lạc Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Tây nam bộ, Giáo hội Tăng-già khất sĩ Việt Nam, Giáo hội Thiên Thai giáo quán tông và Hội Phật học Việt Nam. (Nguyễn Cao Thanh, Khái lược Phật giáo Việt Nam, Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, tr. 73, 74.

[7] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Hà Nội: NXB. Văn Học, 1994, tr. 406, 407.

[8] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Hà Nội: NXB. Văn Học, 1994, tr. 363.

[9] Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Nhân Tông, TP. Hồ Chí Minh: NXB. TP. Hồ Chí Minh, tr. 308, 309.  

[10] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Hà Nội: NXB. Văn Học, 1994, tr. 402.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle