Bạo Lực Từ Đâu

bao luc
BẠO LỰC TỪ ĐÂU
Nguyên Cẩn

 

Nhìn đâu cũng thấy bạo lực

Chưa lúc nào trên các trang báo, trên mạng lại nhiều những tin tức về các hành vi bạo lực như hiện nay. Không kể những vụ án giết người để cướp của hay cưỡng bức, tình trạng bạo hành diễn ra từ đường phố, trên sân cỏ, trong trường học, nghĩa là, khắp nơi. Thử điểm qua vài tin: Tối 28 tháng 5, tại quán càfê Tình Khúc, đường Thạch Lam, ba nhân viên của quán bị chém., trong đó có một người tử vong lý do họ không chỉnh nhạc theo yêu cầu của 6 thanh niên đang uống nước trong quán (!). Ngày 16 tháng 5, một thanh niên bị đánh dập lá lách chỉ vì cãi vã sau khi va quệt xe. Tương tự, các ngày 25 tháng 5, 26 tháng 5, có 6 người nhập viện ở quận 1 và quận 10 phải vào cấp cứu không vì tai nạn mà bị đánh do tranh cãi sau khi va quệt xe. Ngày 10 tháng 6 tại Hà Nội, một học sinh từ quê ra thi đại học bị đâm chết chỉ vì một cái nhìn “khiêu khích” với một nhóm thanh niên khác trong công viên (?). Từ những ngọn lửa thù hận thắp sang trên sân Vinh hay Hàng Đẫy trong những trận cầu V – league và những thương vong của cổ động viên cho đến những cái chết đau thương trước cổng trường trung học nói lên điều gì? Phải chăng chúng ta đã không còn có thể giải quyết những mâu thuẫn trong đời sống bằng ngôn ngữ hay những giải pháp ôn hoà hơn?

Vì sao lòng nhân từ vắng bóng?

Thử mở lại trang sách giáo khoa, chúng ta không khỏi giật mình khi thấy đã từ lâu chúng ta quên dạy dỗ con trẻ lòng yêu kính cha mẹ, cô thầy, lòng tôn trọng tình làng nghĩa xóm, quên câu “Xin lỗi”, “Cảm ơn” mà đã có lúc thậm chí bị gán cho là tàn dư nghi lễ thời phong kiến (!). Trong gia đình và trường học, bản thân cha mẹ và thầy cô cũng nhiều khi dùng roi vọt và những biện pháp thô bạo để thực thi kỷ luật. Chúng ta có thể kể hàng loạt các vụ việc mà nhà trường nhờ dân phòng và công an tra vấn học sinh. Một khi mầm yêu thương con người vắng mặt trong khu vườn thơ ấu, những hoa cỏ dại của hận thù sẽ sinh sôi nảy nở. Chúng ta thường đáng giá suy luận một cách hết sức giản đơn là “những tội lỗi hay thậm chí tội ác ấy là do mặt trái của cơ chế thị trường (?) hay do hậu quả của việc xem phim phim hình sự nước ngoài, nhất là phim Mỹ (?). Chưa hề có một đánh giá nào đủ can đảm trung thực nhìn nhận tình trạng bạo lực ấy là do sự thiếu vắng lòng nhân hay giáo dục lòng nhân trong nhà trường và thể hiện lòng nhân ấy trong xã hội chúng ta hôm nay.

Bắt đầu lại từ đâu?

Tinh thần tượng tôn pháp luật cần phải được thực thi từ những việc nhỏ nhất và từ những người lãnh đạo cao nhất. Ngày nào trẻ thơ không nhìn thấy người lớn chạy xe vượt đèn đỏ hay vứt rác ra đường, lao vào nhau khi có chuyện tranh chấp thì chúng ta có quyền hy vọng vào những công dân giữ gìn kỷ luật tự giác trong tương lai. Muốn thế, phải giáo dục thường xuyên và bền bỉ không chỉ trên ghế nhà trường mà trong các phiên họp tổ dân phố hay đoàn thể ở địa phương. Singapore là một đất nước mà chúng ta cần học hỏi về phương diện này vì chính họ cũng phải học tập cách tổ chức cộng đồng từ Israel.

 

 

Giáo dục theo tinh thần Phật giáo

Phật giáo chủ trương tránh xa mọi hành vi bất thiện một cách rốt ráo triệt để từ trong tâm thức. Trong Thập bất thiện đạo hay thập ác nghiệp có ba điều thuộc về thân là giết hại, trộm cắp tà dâm, bốn thuộc về lời nói và ba thuộc về ý,, trong đó có ý định gây hại cho người khác. Là Phật tử, chúng ta phải tránh xa tất cả những hành vi bất thiện ấy. Tinh thần thượng tôn pháp luật như đề cập ở trên chỉ là phần biểu hiện bên ngoài của sự tuân thủ Giới trong nhà Phật. Một số người tuân thủ giới luật vì sợ trừng phạt của một đấng thiêng liêng nào đó theo niềm tin tôn giáo hay e sợ quả báo do những hành động bất thiện mang lại. Nói theo Đại lão Hoà thượng Sri Dhamananda: “Khi người Phật tử giữ giới ‘không giết hại’, họ không bận tâm đến một hình phạt nào nhưng họ quan tâm đến cái nguy hiểm của độc ác và khổ đau mà họ mang lại cho người khác (How to practice Buddha’s Teachings and the Aim of Life)

Đức Phật nói: Nếu bạn không hiểu rằng giết hại là một việc xấu xa, thì hãy nghĩ như thế này: Khi có một người muốn giết bạn, lúc đó cảm nghĩ của bạn như thế nào/ Làm thế nào để thoát được, và bạn phải chịu đựng những đau đớn về tinh thần và thể xác cùng sự thống khổ ra sao?”.

Trong kinh Pháp Cú, Phật cũng đã dạy:

Ai cũng sợ gậy gộc
Ai cũng sợ chết
Nếu ta biết như vậy
Thì chẳng nên đánh đập
Cũng chẳng nên giết chóc.

Albert Einstein đã từng nói: “Năng lực nguyên tử đã làm rung động và thay đổi toàn thế giới nhưng dù năng lực nguyên tử mạnh đến thế nào cũng không thể thay đổi bản tính con người”.

Vậy nên mục đích của mọi nền giáo dục là luôn dạy dỗ con người hướng thiện và hướng thượng thông qua nội dung chương trình, bản thân nhà giáo dục và cả xã hội mà nền giáo dục đặt nền móng trên đó. Tất cả các tôn giáo với những điều răn cũng không ngoài mục đích ấy. Riêng với đạo Phật, người Phật tử phải hành động hoà hợp với giáo lý để đi đến việc tự giải thoát bằng cách làm việc thiện thanh tịnh hoá tâm trí. Giáo lý ấy không đặt nặng vào nghi lễ, cầu nguyện hay tuân phục. Hay nói đúng hơn, phải phòng hộ thân, khẩu, ý tránh xa các hành vi bất thiện chính là bước khởi đầu chế ngự phiền não giải thoát khỏi vô minh căn bản trên bước đường tu tập.

Tóm lại, giáo dục tinh thần thượng tôn pháp luật phải kết hợp với việc gieo trồng lòng nhân ái, sự ghét bỏ tội ác là những điều mà có thể hôm qua chúng ta đã không thật sự chú trọng và hôm nay chưa quan tâm đúng mức. Hãy hành động ngay trước khi xã hội phải đối đầu với những làn song tội ác mới mà không một bộ máy pháp luật nào có thể giải quyết rốt ráo. Mầm nhân ái sẽ cho ta một vườn hoa ấm áp tình người và đáng yêu thương trân trọng.
Nguyên Cẩn
Văn Hóa Phật Giáo số 61
Thư Viện Hoa Sen

Chia sẻ: facebooktwittergoogle