Cảm niệm Phật Đản
cam niem pd
CẢM NIỆM PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2563
Thích Thái Hòa
Phật Đản Phật lịch 2563 trở về với Tăng Ni, Phật tử Việt Nam và Thế giới loài
người của chúng ta, là Đệ tử xuất gia và tại gia của Đức Thế Tôn, chúng ta lại
có cơ hội lắng nghe, học hỏi, chiêm nghiệm lời dạy của Đức Thế Tôn, để ứng dụng
vào đời sống của mỗi chúng ta:
1.TÂM
LÀM CHỦ
Đức Thế Tôn của chúng ta đã từng dạy: “tâm nghĩ thiện, miệng nói thiện, thân
hành thiện, thì thiện nghiệp sẽ xãy ra và thành tựu trong đời sống của mỗi chúng
ta làm cho chúng ta hân hoan với cuộc sống và sống một đời sống có ý nghĩa”;
“Tâm nghĩ ác, miệng nói ác, thân hành ác, mọi ác nghiệp sẽ xãy ra trong đời sống
của chúng ta, khiến chúng ta nhàm chán với cuộc sống và luôn luôn đối mặt với
một cuộc sống đầy thất vọng và khổ đau”.
Vì vậy, chúng ta cần thanh tịnh tâm ý để cho ba nghiệp của chúng ta ở trong sự
an tịnh , dẫn đến đời sống an lạc và cao quý.
Nên ai làm chủ được tâm là người ấy làm chủ được điều thiện, tránh xa được điều
ác; người ấy sống hạnh phúc và tránh xa mọi khổ đau ngay trong đời sống này.
2.BA CÕI BẤT AN
Đức Thế Tôn đã từng dạy cho các Đệ tử của Ngài : “hãy quán sát ba cõi Dục giới ,
Sắc giới và Vô sắc giới là bất an, ví như nhà lửa” để khuyến tấn chúng ta nỗ lực
làm những điều đáng làm; nói những điều đáng nói; nghĩ những điều đáng nghĩ để
cùng nhau dập tắt mọi nhân duyên sinh khởi, những ngọn lửa tham dục, hận thù, si
mê mù quáng, kiêu mạn, khiến cho muôn loài chúng sanh đều sống trong ngôi nhà an
bình và hạnh phúc.
3.HÃY TỰ MÌNH THẮP ĐUỐC LÊN MÀ ĐI
Đức Thế Tôn từng dạy: “hết thảy chúng sinh đều có Phật tính và có khả năng thành
Phật như chính Ngài; Như Lai là Phật đã thành, hết thảy chúng sinh là Phật sẽ
thành”.
Lời dạy ấy của Đức Thế Tôn đã giúp cho chúng ta thấy được nội lực và tiềm năng
lớn lao ở tự thân của mỗi chúng ta và tiềm năng vô hạn nơi hết thảy chúng sinh
để sách tấn chúng ta hãy đứng dậy ngay nơi nội lực hay tiềm năng vốn có của
chính mình mà không chạy theo và vay mượn ngoại cảnh để sống, khiến cho chúng ta
bị sống trong hoàn cảnh của những kẻ nô lệ nợ nần, không có chủ quyền , sống thụ
động và mất hết tự do.
4.GIỚI LÀ CĂN BẢN CỦA ĐẠO ĐỨC
Đức Thế Tôn dạy:”những ai sống đầy đủ Giới hạnh, đầy đủ Giới bổn, sống phòng hộ
với sự phòng hộ của Giới bổn , đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong
các lỗi nhỏ, chơn chánh lãnh thọ và tu học theo Giới. Như vậy, hễ đã nói gì,
chính duyên ở đây mà nói vậy”.
Và Đức Thế Tôn cũng đã từng dạy:” Giới chính thuần với căn bản giải thoát, nên
Ta mệnh danh là Ba-la-đề-mộc-xoa. Nhờ Giới mà phát sinh thiền định và trí tuệ,
có năng lực hủy diệt mọi thống khổ …Do đó nên biết, tịnh giới là chổ an ổn nhất,
là nơi trú ẩn cho mọi thứ công đức”
Qua lời dạy của Đức Thế Tôn trong Giới kinh đã giúp cho chúng ta thấy rỏ Giới là
căn bản của đạo đức và giải thoát; Giới là nguồn gốc của mọi sự an ổn và phước
đức.
Vậy, chúng ta muốn thăng hoa bản thân thì phải dựa trên nền tảng của Giới để
thăng hoa; muốn an ổn gia đình thì phải dựa trên nền tảng của Giới để mà an ổn;
muốn đem lại hòa bình cho xã hội, trật tự cho nhân quần thì đều cũng phải dựa
trên nền tảng của Giới.
Phật Đản Phật lịch 2563 đã trở về với hàng Đệ tử của Đức Thế Tôn, cũng như đối
với những ai có lòng tin, và sự kính ngưỡng đối với Đức Thế Tôn, thì chúng ta
hãy cùng thực tập những gì Ngài đã dạy trong điều kiện mà mỗi chúng ta đang có
thể để dâng lên Cúng dường Ngài trong ngày Lễ trọng đại này, ấy là chúng ta làm
lễ kỷ niệm Phật Đản của Ngài một cách thiết thực và có ý nghĩa
Cũng mùa Phật Đản năm này, Đại Lễ Vesak Phật lịch 2563 của Liên hiệp quốc tổ
chức ở Việt Nam có ý nghĩa gì ?
Với ý nghĩa trí tuệ và từ bi của Đức Phật mà những nhà Lãnh đạo thế giới loài
người , cụ thể là tổ chức Liên hiệp quốc đang ngưỡng mộ và khát khao noi theo
trí tuệ và từ bi của Đức Phật để thiết lập một trật tự cho xã hội loài người
cùng sống trong hòa bình và an lạc, thống nhất với nhau trong một đời sống đầy
sinh lực trí tuệ và từ bi, nhằm hóa giải mọi xung đột về Tôn giáo, về ý thức hệ
chính trị, giảm thiểu quyền lực quân sự đưa tới sự phân phối kinh tế hợp lý giữa
cung và cầu cho các quốc gia sản xuất và tiêu thụ trên toàn thế giới, không bằng
mưu lợi mà bằng trí tuệ và từ bi để các quốc gia tự ý thức về nội lực và tiềm
năng của chính mình nhằm đóng góp vào nền hòa bình của thế giới.
Lại nữa Đại lễ Vesak là đại lễ hợp nhất 03 ngày lễ lớn của Phật giáo gồm: ngày
Phật Đản sinh, ngày Phật thành đạo và ngày Phật Niết Bàn.
- Ngày
Phật Đản sinh là tiêu biểu cho ngày Đức Phật có mặt giữa cuộc đời để: “hàn gắn
lại những gì đã bị đổ vỡ cho nhân loài; dựng đứng lại những gì bị xiêu vẹo; bật
ngọn đèn cho mọi người thấy; dẫn đường cho mọi người đi”.
Vì vậy, ngày Phật Đản là ngày Tăng Ni, Phật tử Việt Nam và thế giới kỷ niệm ngày
Ứng hóa thân của Đức Phật xuất hiện giữa cõi đời từ đại nguyện Bồ đề để làm lợi
ích cho đa số.
-
Ngày
Phật thành đạo là ngày Tăng Ni, Phật tử Việt Nam và Thế giới làm lễ kỷ niệm sự
thành tựu viên mãn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni , viên mãn đối với báo thân
nghĩa là ngày Ngài chứng giác ngộ vô thượng Bồ đề từ tu nhân trí tuệ và từ bi.
-
Ngày
Phật Niết Bàn là ngày Tăng Ni, Phật tử Việt Nam và Thế giới làm lễ kỷ niệm sự
nghiệp Hoằng Pháp độ sinh của Đức Phật đến chổ hoàn thành viên mãn. Ấy là kỷ
niệm ngày Đức Phật thể nhập Đệ nhất nghĩa đế, nghĩa là ngày đánh dấu Đức Phật
Thích Ca Mâu Ni viên mãn thanh tịnh Pháp thân.
Nên, đại lễ Vesak đối với Tăng Ni, Phật tử Việt Nam và Thế giới không phải là
ngày lễ hội văn hóa đơn thuần; lại càng không phải là ngày lễ hội văn hóa tâm
linh mà ngày mở đầu cho đời sống trí tuệ và từ bi đầy sinh lực nhằm đưa chúng
sinh thoát khỏi đêm dài tâm tối của tham dục, thù hận và si mê; khẳng định tiềm
năng và những giá trị cao đẹp, tuyệt hảo vốn có nơi con người và chúng sinh và
giúp con người tự mình đứng dậy, tháo tung mọi lưới võng tà kiến, mọi xiềng xích
chấp ngã để bước tới với đời sống tình tự của con người đầy đủ nhân tính để
thăng hoa thành Phật tính. Và ngày ấy cũng là ngày Tăng Ni, Phật tử Việt Nam và
Thế giới kỷ niệm ngày Đức Phật sinh mà bất sinh, giữa dòng sinh diệt thế gian;
ngày Đức Phật diệt độ mà bất diệt giữa dòng sinh diệt của cõi đời.
Với ý nghĩa ấy, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam và Thế giới qua đại lễ Vesak tổ chức
tại Việt Nam “nguyện sửa mình ngày thêm tinh khiết” đúng trong Giới luật của
Phật dạy, để xứng đáng đứng vào tịnh địa của Phật giáo, góp vào phần sự nghiệp
trí tuệ và từ bi, đem lại hòa bình cho nhân loại, bảo vệ sinh moi làm chổ an
toàn cho muôn loài chúng sinh, sống an toàn trên hành tinh trái đất này.