Duyên khởi và các mối quan hệ

duyen khoi 

Các pháp do điều kiện nhân duyên mà sinh và cũng do điều kiện nhân duyên mà diệt. Đó là pháp tính hay duyên khởi tính của vạn pháp. Đức Phật nói ai thấy pháp tính, thấy duyên khởi, chứng ngộ duyên khởi là thấy pháp, hay thấy được chân lý: “Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được pháp; ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý duyên khởi”[1]. Pháp cũng chính là Thế Tôn, nên thấy pháp là thấy Thế Tôn: “Thế Tôn tượng trưng cho pháp và những ai thấy pháp, sống theo pháp, người ấy mới gần Thế Tôn”[2].

Duyên khởi như thế là giáo lý căn bản của Phật giáo, nhưng sự ra đời của Đức Phật lại không liên quan gì đến duyên khởi, bởi duyên khởi là pháp tính, là ‘pháp dĩ như thị’, dù cho Đức Phật có ra đời hay không thì vạn pháp vẫn như vậy, vạn pháp vẫn cứ “vì cái này có nên cái kia có, vì cái này sinh nên cái kia sinh, vì cái này không nên cái kia không, vì cái này diệt nên cái kia diệt[3].

Mệnh đề cơ bản của giáo lý duyên khởi như thế thì xem ra cũng đơn giản và rất dễ hiểu! Tôn giả A Nan cũng đã từng nhận xét như vậy. Phải chăng?

Một thời, khi Đức Thế Tôn cư ngụ tại nước Câu-lưu-sa, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ-kheo. Bấy giờ, Tôn giả A Nan ở tại chỗ thanh vắng suy nghĩ: “Kỳ diệu thay! Hy hữu thay! Ánh sáng của mười hai duyên khởi mà Đức Thế Tôn đã dạy thật là sâu xa, khó hiểu, nhưng theo ý ta quán xét thì như thấy trước mắt, có gì mà gọi là sâu xa?”[4]

Rồi Tôn giả A Nan trình bày suy nghĩ của mình lên Đức Thế Tôn. Bấy giờ, Thế Tôn liền bảo: “Thôi, thôi, A Nan! Chớ nói như vậy. Ánh sáng của mười hai duyên khởi rất sâu xa, khó hiểu. Mười hai duyên khởi này khó thấy, khó biết. Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, những người chưa thấy duyên khởi, nếu muốn tư lương, quán sát, phân biệt nghĩa lý của nó, đều bị hoang mê không thể thấy nổi”[5].

Rồi Đức Phật phân tích cho Tôn giả A Nan nhận thấy mối liên hệ phức tạp giữa duyên khởi với các vấn đề xã hội nhân sinh.

1. Mối quan hệ dẫn đến tranh chấp và bất an

Quan sát thực tế xã hội, Đức Phật đặt vấn đề, do đâu mà có tranh chấp, đấu tranh, chiến tranh, bạo động, khủng bố, bất an, dẫn đến muôn vàn thống khổ cho nhân loại, khiến cho ‘mười phương loạn cả mười phương’ như vậy? Và Đức Phật thấy rõ, mọi vấn đề phát sinh từ khát ái.

Khát ái, mà ta vẫn quen gọi đơn giản là ái, nguyên Phạn ngữ là tṛṣṇā hoặc taṇha, ý muốn diễn tả giống như tình trạng một người khát nước đi tìm nước uống cho đỡ cơn khát. Có sáu chất liệu mà người ta thường nghĩ đến, thường tìm cầu, thường yêu thích, thường chiếm hữu bằng mọi giá để thoả mãn cơn khát, gọi là sáu ái: ái sắc, ái thanh, ái hương, ái vị, ái xúc và ái pháp. Duyên với nhận thức mà phát sinh ra một thứ cảm thọ là ưa thích, không ưa thích, hoặc trung tính. Đối với cảm thọ không thích, cảm thấy khổ đau thì chán ghét và ước muốn tìm cách tránh đi; còn đối với cảm thọ ưa thích thì yêu mến và hy vọng tìm cầu cho được. Trạng thái tâm lý hy vọng tìm cầu hết sức mạnh mẽ đó được gọi là khát ái. Cũng chính vì khát ái biểu thị đối với cảm thọ khổ, lạc mà sinh ra ý niệm ghét, thương.

Kinh ghi: “Này A Nan, nên biết, nhân tham ái mà có tầm cầu, nhân tầm cầu mà đắc lợi, nhân đắc lợi mà thọ dụng, nhân thọ dụng mà tham muốn, nhân tham muốn mà tham chấp, nhân tham chấp mà tật đố, nhân tật đố mà chấp thủ, nhân chấp chấp thủ mà phòng hộ. Này A Nan, do phòng hộ nên mới có dao gậy, tranh cãi, gây vô số điều ác”[6]. Ái, cầu, lợi, dụng, dục, trước, tật, thủ, hộ[7] là chín thứ tâm lý cùng có nguồn gốc từ khát ái tạo thành các mối quan hệ dẫn đến tranh cãi, chiến tranh, gây ra vô số tội ác, bất an và khổ đau cho xã hội hiện tại.

Rõ ràng, mọi quốc gia, từ nước lớn đến nước nhỏ, nước nào cũng lo phòng hộ, nâng cao năng lực phòng hộ, cũng lo bảo vệ ‘lợi ích cốt lõi’ của mình mà không ngừng chạy đua vũ trang, tạo ra khủng hoảng chính trị quân sự, khiến cho cả thế giới lâm vào chiến tranh, khủng bố.

Phòng hộ được thúc đẩy bởi thủ. Thủ (upādāna) tức nắm giữ, ôm giữ lấy. Gồm có dục thủ, ôm giữ những thứ mình yêu thích. Yêu quê hương, đất nước mà dẫn đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan là điều mà cả thế giới lo lắng, sợ hãi bởi những kinh nghiệm thương đau do nó để lại từ quá khứ! Ngày nay, các nước Châu âu đang lo lắng, bất an khi phong trào ủng hộ cho đảng cực hữu lên cao với xu hướng chống lại Châu âu hóa, điều mà nhiều thế hệ đi trước đã hy sinh để xây dựng nên khối liên minh này. Yêu tôn giáo đến cuồng tín, chấp nhận hy sinh bản thân mình và đồng loại để thoả mãn ước muốn; tham vọng xây dựng nhà nước tôn giáo của riêng mình là một thứ dục thủ đang nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố. Kiến thủ là ôm giữ những quan điểm, kiến thức, hiểu biết hẹp hòi, chống lại quy luật phát triển tự nhiên, chống lại khuynh hướng toàn cầu hóa, chống lại sự thật. Giới cấm thủ là chấp giữ những quy luật, những nguyên tắc, những giáo điều, những giới luật không đưa đến giải thoát và gây khổ đau cho mình, cho người, cho muôn loài. Giới cấm thủ trói buộc chính những con người ôm giữ nó vào những hình phạt dã man vô nhân tính. Ngã ngữ thủ (ātma-vādopādāna) là ôm giữ những lý luận về bản ngã, chấp giữ những lý thuyết hay quan điểm về bản ngã, linh hồn.

Khát ái là trạng thái khao khát ở trong tâm, làm phát sinh ra ý niệm thương ghét; còn thủ là hành động thực tế tương ứng với ý niệm thương ghét đó, hoặc sẽ chiếm đoạt, hoặc sẽ ghét bỏ đối tượng mà mình yêu thích hay không yêu thích. Những hành vi của thân và khẩu như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời hung ác, nói lời gây mâu thuẫn, nói những lời dụ dỗ… đều được thúc đẩy bởi thủ. Có thể nói thủ chính là yếu tố tạo nghiệp.

Sau khi tạo nghiệp thì nghiệp sẽ dẫn dắt chúng sinh đến môi trường sống tương ưng, gọi là hữu. Hữu (Phạn: bhava) có nghĩa là tồn tại. Có ba cõi giới chúng sinh tồn tại trong đó là Dục hữu, Sắc hữu và Vô sắc hữu. Hữu là thế giới trong đó có sự tồn tại của các sự vật, hiện tượng; nó cùng nghĩa với hành trong chư hành, hay hữu vi. Mười hai nhân duyên đều gọi là hữu, bởi vì 12 nhân duyên còn vận hành là còn sự hiện hữu của chúng sinh hữu tình và vô tình trong ba cõi, cho nên 12 nhân duyên còn có tên là thập nhị hữu chi. Ở đây, về phương diện ý thức, có thể phân làm nghiệp hữu và báo hữu. Nghiệp hữu là chỉ cho những hành vi tạo nghiệp thiện, ác; báo hữu là kết quả, là quả báo của nghiệp thiện, ác. Như vậy, hữu đồng nghĩa với hành. Nghiệp hữu bao hàm ba nghiệp thân, ngữ, ý và nó lưu giữ một năng lực, và chính cái năng lực này nó sẽ trở thành những tố chất hình thành nên tri năng, tính cách… của một chúng sinh. Quá trình lựa chọn hành vi thực tế của chi thủ sẽ tích luỹ một thứ năng lượng bên trong chi hữu. Cho nên, chi hữu không những là chứa đựng tập quán quá khứ mà còn quy định, phát triển hành vi tương lai, hay nói cách khác là nó tích luỹ một thứ năng lực dẫn đến tái sinh; trong sự sống mới nó biểu hiện những tính cách vân vân còn lưu lại thuở quá khứ.

Hai chi thủ và hữu có thể nói là tương đương với chi hành. Chi ái thì tương đương với chi vô minh.

Sự sống của chúng sinh hữu tình trong giống loại của chúng gọi là jāti, sinh. Ở ý nghĩa này, sự sống của chúng sinh hữu tình chính là biểu hiện của toàn bộ kinh nghiệm còn lại của quá khứ, bao gồm tri năng, tính cách, thể chất… Cho nên, mỗi cá nhân đều có một tố chất nhất định. Một ý nghĩa khác của sinh là chỉ cho kinh nghiệm sản sinh ra trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của mỗi chúng sinh hữu tình. Ở ý nghĩa này, sinh là tố chất (hữu) của mỗi cá nhân được tích luỹ làm cơ sở cho kinh nghiệm cuộc sống mới. Một cách tổng quát, cả hai ý nghĩa trên đều nói đến một sự sống mới, trong tương lai gần là hiện tại và tương lai xa là tái sinh.

Và, cuối cùng của mối quan hệ duyên khởi này là già chết. Từ ái đến già chết gồm năm chi, cho nên mối quan hệ này được gọi là duyên khởi năm chi. Già là tóc bạc, đầu hói, da nhăn, các căn suy sụp, tay chân yếu ớt, lưng còm, đầu cúi, rên rỉ, hơi thở ngắn, mệt nhọc, chống gậy đi, thân thể đen sạm, tay chân nổ ban đốm, lú lẫn, làm việc gì cũng khó khăn, kém cỏi... Chết là mỗi mỗi chúng sinh kia nơi mỗi mỗi chủng loại thân kia chết đi, tuổi thọ chấm dứt, thân hoại, đổi dời, hơi ấm lìa thân, mệnh sống kết thúc, là đã đến lúc từ bỏ cái ấm thân. Trong kinh chúng ta thường thấy liền sau già chết còn có thêm sầu (soka), bi (parideva), khổ (dukkha), ưu (domanassa) và não (upāyāsa), tức là trong diễn trình của sự sống, từ khi sinh cho đến già chết, chúng sinh gánh chịu bao khổ đau, phiền não. Đầu mối của diễn trình sinh tử với những tranh cãi, chiến tranh, tội ác, bất an, khủng bố, bạo động, kỳ thị, xung đột, khổ đau trong xã hội này đều tập trung nơi ái!

2. Mối quan hệ dẫn đến kiến chấp về ngã

Kiến chấp là giữ vững quan điểm, nhận thức riêng của mình. Những kiến chấp này rất khó thay đổi[8], bởi nó hình thành từ những kinh nghiệm thực tế hoặc kinh nghiệm thiền định nào đó[9]. Các kiến chấp đã phát sinh trong cuộc đời gồm các chủ trương có thần ngã, có chúng sinh, có nhân, có thọ, có mạng, có thế gian[10]. Hoặc có ba kiến chấp chính yếu là: 1. Thuyết tiền định, cho rằng tất cả nguyên nhân đã định sẵn từ đời trước; 2. Thuyết tạo hóa, cho rằng tất cả nguyên nhân do Thượng Đế biến hóa ra hay sáng tạo ra, tất cả đều do Thượng Đế an bài; 3. Thuyết tự nhiên, không có nguyên nhân và điều kiện[11]. Những kiến chấp này hình thành từ danh sắc và thọ. Kinh ghi: “Này A Nan, nói rằng chấp ngã, cho đến mức nào thì được gọi là ngã kiến? Danh sắc và thọ đều được chấp là ngã”[12].

2.1. Y cứ thọ

Kinh ghi: “A Nan, hoặc có kiến chấp thọ là ngã. Hoặc lại có kiến chấp không cho rằng thọ là ngã, nhưng thần ngã có cảm thọ, mà tính cách của ngã là khả năng cảm thọ. Hoặc lại có kiến chấp không cho rằng thọ là ngã và cũng không cho rằng ngã có cảm thọ, vì tính cách của ngã là khả năng cảm thọ, mà chỉ cho rằng ngã không cảm thọ gì cả”[13]. Tức là chấp thọ là ngã, hoặc ngã là thọ, hoặc ngã có cảm thọ, hoặc ngã không có cảm thọ.

Thọ (Phạn: vedanā) tương đồng với yếu tố thọ uẩn trong năm uẩn. Nó chỉ cho cảm thọ hạnh phúc, khổ đau, hay không vui không buồn khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Chẳng hạn, khi mắt tiếp xúc với hình sắc sẽ phát sinh ra cảm thọ, gọi là cảm thọ của mắt, cảm thọ này sẽ có ba trường hợp hoặc ưa thích, hoặc chán ghét, hoặc trung tính, không ưa không ghét. Cùng một sự vật, khi tham muốn thì cảm thấy ưa thích, nhưng khi nổi giận thì cảm thấy đáng ghét, nhưng một thứ cảm thọ đưa tới chấp ngã thì không đơn giản chỉ là những thương ghét thường tình mà là thứ cảm thọ lạc đến từ kinh nghiệm thiền quán của ngoại đạo. Tuy vậy, Đức Phật khẳng định “những ai chủ trương có ngã, nói rằng: ‘thọ là ngã; thọ không phải là ngã, ngã là thọ; thọ không phải là ngã, ngã không phải là thọ, thọ pháp là ngã; thọ không phải là ngã, ngã không phải là thọ, thọ pháp không phải là ngã, thọ là ngã’, người ấy sai lầm”[14].

2.2. Y cứ sắc

“Với những người chủ trương có ngã, cho đến giới hạn nào thì được xác định?

“Với những người chủ trương có ngã, hoặc nói: ‘Hữu hạn, sắc là ngã’; hoặc nói: ‘Vô hạn, sắc là ngã’; hoặc nói: ‘Hữu hạn, vô sắc là ngã’; hoặc nói: ‘Vô hạn, vô sắc là ngã.’

“A Nan, những người nói hữu hạn, sắc là ngã, xác định rằng ‘Hữu hạn, sắc là ngã: sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai.’ Những người nói vô hạn, sắc là ngã, xác định rằng ‘Vô hạn, sắc là ngã: sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai.’ Những người nói hữu hạn, vô sắc là ngã, xác định rằng ‘Hữu hạn, vô sắc là ngã: sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai.’ Những người nói vô hạn, vô sắc là ngã, xác định rằng ‘Vô hạn, vô sắc là ngã: sở kiến của ta là đúng, ngoài ra đều sai.’[15]

Sợ hãi, lo buồn đều phát sinh từ sự chấp ngã, ngã sở bên trong hoặc bên ngoài, đến khi những thứ được cho là ta, của ta ấy biến dịch, vô thường thì sinh ra sợ hãi, lo buồn[16]. Đức Thế Tôn phân tích cho thấy các cảm thọ và sắc đều là pháp vô thường, khổ, hoại diệt. Cho nên, y cứ trên thọ và sắc mà quan niệm và chấp ngã là vô cùng sai lầm.

3. Mối quan hệ dẫn đến hình thành nhận thức

Các mối quan hệ này tập trung nơi xúc. Từ xúc đến già chết có bảy chi, nên mối quan hệ này gọi là duyên khởi bảy chi.

Xúc có hai loại: hữu đối xúc, tức là xúc chạm vật chất, và tăng ngữ xúc hay tâm xúc tức những xúc chạm tâm lý.

Năm thức trước tương ưng với tâm sở xúc, tạo thành ngũ xúc, gọi là hữu đối xúc, bởi nhãn xúc vân vân lấy sự hữu đối với năm căn làm sở y nên gọi tên là hữu đối xúc. Kinh ghi: “Với những hình thái, những dấu hiệu, những hình tướng, những biểu hiện mà có khái niệm về sắc thân; nếu những cái ấy không tồn tại, thì có thể có khái niệm về xúc chạm bởi vật chất (sắc) nơi danh thân được không? - Đáp: Không. - Nếu không có danh sắc, thế thì có xúc không? - Đáp: Không. – A Nan, Ta do lẽ đó, biết xúc do danh sắc; duyên danh sắc mà có xúc”[17].

Thức thứ sáu tương ưng với ý xúc, gọi là tăng ngữ xúc, bởi ý xúc chỉ duyên với tên gọi của sự vật để phân biệt mà thôi[18]. Tăng ngữ xúc còn gọi là danh mục xúc, sự xúc chạm do bởi các yếu tố tinh thần hay tâm lý (danh).

Hữu đối xúc dẫn đến tham đắm ngũ dục. Tăng ngữ xúc làm sở y cho sự phát sinh các tưởng, hay khái niệm, từ đó dẫn đến hình thành nhận thức, là cơ sở của kiến chấp.

Tựu chung, sáu căn tiếp xúc sáu trần hình thành sáu thức, tức do căn, cảnh, thức hòa hợp mà có cảm giác, tri giác, và do tri giác mà hình thành nhận thức, quan điểm, kiến chấp.

4. Mối quan hệ dẫn đến tái sinh

Tập trung trên hai quan hệ thức và danh sắc. Quan hệ các chi duyên khởi này tạo thành một chỉnh thể gọi là sinh mạng. Vòng quay này có mười chi, nên gọi là duyên khởi mười chi.

Thức (Phạn: vijñana, viññna) là thức lúc nhập thai - kết sinh thức, tức thức lúc đi tái sinh, khởi đầu một sự sống mới. Thức này cũng được nói đến trong năm uẩn, trong mười tám giới, là thức thứ sáu, là tác dụng của nhận thức hoặc nhận thức chủ quan, yếu tố hình thành chủng tử đưa tới tái sinh. Kinh ghi:

“A Nan, nếu thức không vào thai mẹ mà chỉ có danh sắc, thì có thành thân này chăng?

“Bạch Thế Tôn, không.

“A Nan, nếu thức mới vào thai, liền ra tức khắc thì danh sắc hợp với tinh chăng?

“Bạch Thế Tôn, không.

“A Nan, nếu thức của trẻ nhỏ, con trai hay con gái, bị đoạn hoại không còn, thì danh sắc tăng trưởng dần được chăng?

“Bạch Thế Tôn, không.

“A Nan, cho nên biết rằng nhân của danh sắc, tập khởi của danh sắc, căn bản của danh sắc, duyên của danh sắc, gọi đó là thức. Vì sao? Vì duyên thức nên có danh sắc”[19].

Danh sắc (Phạn: nāma-rūpa) là danh và sắc. Danh là tinh thần, gồm thọ, tưởng, hành, thức; sắc là vật chất, gồm đất, nước, gió, lửa. Duyên thức có danh sắc, tức là nhờ thức nhập thai mà một chúng sinh hình thành với đầy đủ năm uẩn.

Khi nói thức duyên danh sắc là chỉ cho 5 giai đoạn phát triển thai nhi trong bụng mẹ: Tuần lễ đầu tiên gọi là kiết-thích-lam (kalalaṃ), còn gọi là ka-la-la, yết-thích-lam, chỉ cho tinh cha và huyết mẹ bắt đầu kết hợp lại như tơ sương (phôi). Tuần lễ thứ 2 gọi là án-bộ-đàm (arbuda), còn gọi là a-bộ-đàm, tức thai nhi từ phôi chuyển thành phôi bào. Tuần lễ thứ 3 gọi là bế-thi (peśī), còn gọi là tế-thi, tức là phôi bào thành tế bào, có máu và thịt. Tuần lễ thứ 4 gọi là kiện-nam (ghana), còn gọi là kiết-nam, tức là thai nhi hình thành. Từ tuần lễ thứ 5 đến tuần lễ thứ 38 gọi là bát-la-xa-khư (praśākhā), là giai đoạn các chi như tay, chân v.v… hình thành.

Khi thai nhi trong bụng mẹ đã hoàn thành các căn mắt, tai… thì gọi lục xứ. Lục xứ (Phạn: ṣaḍ-āyatana) còn gọi là lục nhập, lục nhập xứ: sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu căn là nơi tiếp thu đối tượng nên gọi là xứ.

Đức Phật kết luận: “A Nan, đó là duyên danh sắc có thức; duyên thức cũng có danh sắc trong giới hạn có thể sinh, có thể chết, có thể tái sinh; trong giới hạn ấy có con đường danh ngôn, con đường truyền thuyết, con đường khái niệm; trong giới hạn ấy là sự lưu chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, tức là danh sắc cùng với thức hỗ tương làm duyên cho nhau”[20].

5. Duyên khởi mười hai chi

Duyên khởi (pratītya-samutpāda) là nội dung giác ngộ của Đức Phật. Không có một kinh điển hay truyền thống nào, Nam truyền hay Bắc truyền, nói khác đi về nội dung giác ngộ ấy. Chính Đức Phật đã xác định: “Ta nhớ về thuở trước, khi chưa thành Chánh giác, một mình ở chỗ vắng, tinh tấn chuyên cần thiền định tư duy, khởi nghĩ như vầy: ‘Do có pháp gì nên có già chết; duyên pháp gì nên có già chết?’ Ta liền tư duy chân chính và như thật phát khởi vô gián đẳng và khởi lên nhận thức: ‘Vì có sinh nên có già chết; vì duyên sinh nên có già chết; và đối với hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập, danh sắc cũng như vậy”. Cái thấy này đã đưa Đức Thế tôn trở thành Bậc Vô thượng Chánh đẳng giác. Ngài nói: “Pháp duyên khởi chẳng phải do Ta tạo ra, cũng chẳng phải do người khác tạo ra. Nhưng dù Như Lai có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp giới này vẫn thường trụ. Như Lai tự giác ngộ pháp này, thành Đẳng chánh giác, vì tất cả chúng sinh mà phân biệt, diễn nói, chỉ dạy hiển bày; đó là: Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi. Tức là do duyên vô minh nên có hành,… cho đến việc tụ tập thuần một khối khổ lớn. Do vô minh diệt nên hành cũng diệt,… cho đến việc thuần một khối khổ lớn tụ tập cũng bị diệt.[21]

Như vậy, 12 nhân duyên (dvādaśāṅgapratītya-samutpāda) được Đức Phật định nghĩa theo hai chiều hướng, chiều hướng sinh khởi (còn gọi là lưu chuyển) và chiều hướng đoạn diệt (còn gọi là hoàn diệt). Qua đây, chúng ta thấy rõ ràng rằng, tính duyên khởi đối với tình thế gian hay nơi con người là sự hiện hữu của 12 nhân duyên, theo chiều hướng sinh khởi, vô minh duyên hành… 12 yếu tố này làm nhân làm duyên cho nhau, sinh khởi liên tục trong vòng nhân quả, khiến con người bị chìm đắm trong sinh tử luân hồi. Và nhân quả của 12 nhân duyên này cứ sinh khởi khắp cả ba thời gian, tạo thành cả một dòng sông sinh tử vô tận. Trong 12 nhân duyên này, mỗi yếu tố có thể là nhân, có thể là duyên, và không có yếu tố nào là nhân hoàn toàn hay duyên hoàn toàn. Chính 12 yếu tố duyên khởi này đã làm nhân làm duyên cho nhau để sinh khởi và chi phối toàn bộ sinh mạng cũng như đời sống của con người. Nói cách khác, khi 12 nhân duyên được tập khởi là năm uẩn tập khởi, và đây là chiều hướng của khổ đau, luân hồi. Nhưng ngược lại, khi 12 nhân duyên này bị phá vỡ thì cấu trúc năm uẩn cũng tan rã, và đây là con đường dẫn đến an lạc, giải thoát.

Tùy theo bối cảnh thuyết pháp, Đức Phật có thể nói duyên khởi theo mối quan hệ hai chi, ba chi, bốn chi, năm chi, cho đến chín chi, mười chi, mười hai chi, thậm chí còn nhiều hơn. Chẳng hạn, trong giáo lý Tứ diệu đế cũng có giáo lý duyên khởi, và duyên khởi được trình bày trong đó chỉ có hai chi: khát ái (tập đế) là nguyên nhân dẫn đến sự lưu chuyển trong khổ đau (khổ đế); ngược lại, Bát chánh đạo (chánh kiến, hay minh, đạo đế) là con đường đi đến ái diệt (Niết-bàn, diệt đế). Có rất nhiều kinh, cũng như trong kinh nói về Tứ diệu đế, Đức Phật không hề dùng đến từ ‘duyên khởi’, nhưng lại giảng rất rõ ràng về mối quan hệ duyên khởi.

Các bộ phái Phật giáo đều phân chia 12 chi nhân duyên thành hai lớp nhân quả liên hệ đến ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong đó, vô minh và hành là hai chi nguyên nhân của đời quá khứ; thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ là năm chi kết quả của đời hiện tại. Đây là lớp nhân quả thứ nhất, nhân quá khứ, quả hiện tại. Tiếp theo, ái, thủ, hữu là ba chi nguyên nhân của đời hiện tại; cuối cùng, sinh, lão tử là hai chi kết quả của đời vị lai. Đây là lớp nhân quả thứ hai, nhân hiện tại, quả tương lai. Tuy nhiên, Pháp tướng tông của Du-già hành pháp (hệ thống của ngài Hộ Pháp) lại phân tích 12 duyên khởi thành một lớp nhân quả liên hệ đến hai đời mà thôi, tức từ Vô minh đến Hữu, gồm 10 chi là nhân hiện tại; Sinh và Già chết là hai chi quả ở đời sau.

Theo trường phái Sarvāstivāda (Thuyết nhất thiết hữu bộ), 12 duyên khởi cũng được phân tích thành tam thế lưỡng trùng nhân quả, nhưng điểm đặc biệt của bộ phái này là chia 12 duyên khởi thành bốn loại khác nhau, gồm Sát-na duyên khởi, Liên phược duyên khởi, Phân vị duyên khởi và Viễn tục duyên khởi. Trong đó,

1. Sát-na duyên khởi: 12 duyên khởi cùng khởi tác dụng trong một sát-na.

2. Liên phược duyên khởi: Thuyết minh 12 duyên khởi tạo nên thân thể, tinh thần, luôn luôn thay đổi, tiến triển, biến hoá. Những hoạt động của thân và tâm mà chúng ta có thể kinh nghiệm được trong cuộc sống hằng ngày là y cứ vào mối quan hệ của loại duyên khởi này mà phát sinh.

3. Phân vị duyên khởi: 12 chi duyên khởi được phân làm hai lớp nhân quả liên hệ đến ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai.

4. Viễn tục duyên khởi: Nói rõ 12 chi duyên khởi không những chỉ biểu thị liên hệ trong ba đời, mà nhiều đời nhiều kiếp, từ vô lượng kiếp quá khứ đến vô biên kiếp vị lai.

Kết luận

Mười hai chi phần nhân duyên tạo nên các mối quan hệ nhân quả, khẳng định hạnh phúc hay khổ đau của con người không tự nó sinh ra, cũng chẳng phải do người khác đặt vào, mà do duyên sinh. Cách khác, thuyết duyên khởi phủ định thuyết định mệnh, phủ nhận quyền ban phước giáng họa từ một đấng thần linh đầy quyền năng nào đó. Đồng thời, giáo lý duyên khởi cho hay, vì không nhận biết sự hiện hữu của con người và thế giới là do nhân duyên hòa hợp mà sinh khởi, tồn tại và hoại diệt, nên trong bản chất của nó là vô thường và vô ngã, con người đã nhận thức một cách sai lầm và luôn ảo tưởng về một tự ngã: đây là tôi, đây là cái của tôi (vô minh). Chính nhận thức sai lầm và ảo tưởng này đã quấy động tâm thức, làm sinh khởi lòng tham ái, chấp thủ… và tạo động cơ cho các hành động của thân, khẩu, ý (hành). Yếu tố hành lại tác động, thúc đẩy và làm gợn sóng bản tâm vốn thanh tịnh và bình đẳng, tạo thành những con sóng mà ta gọi là thức. Nhận thức luôn là nhận thức về một cái gì, do đó, không thể có nhận thức nếu vắng mặt chủ thể nhận thức và đối tượng của nó (danh sắc, lục nhập). Sự gặp gỡ giữa căn và trần (xúc) tạo ra cảm thọ (thọ). Cảm thọ thì luôn trôi chảy như một dòng thác và mang theo những phản ứng tâm lý trước đối tượng như là vui, buồn, thương, ghét… Nếu là cảm thọ như ý, dễ chịu thì lập tức sinh lòng yêu thích (ái). Mà một khi đã yêu thì muốn đối tượng mình yêu chỉ là của riêng mình (thủ). Ái và thủ được biểu hiện dưới nhiều hình thức, cảnh giới khác nhau, tùy theo mức độ (hữu), rồi từ đó mà nhận chịu sinh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não…

Mười hai chi phần nhân duyên nương tựa, nối kết với nhau thành một chuỗi dây chuyền. Bất cứ một chi phần nào trong chuỗi mắt xích 12 nhân duyên tập khởi thì toàn bộ những mắt xích còn lại cũng đồng thời tập khởi. Vì vậy, mỗi khi đoạn diệt bất kỳ một chi phần nào trong chuỗi 12 mắt xích thì lập tức toàn bộ dây chuyền tan rã.

Tóm lại, thực tướng của các pháp là duyên sinh, vô ngã. Mọi sự vật hiện tượng đều nương vào nhau mà tồn tại. Một là tất cả, tất cả là một. Vì vậy, chừng nào còn tư duy hữu ngã là còn khổ đau, còn chiến tranh, hận thù và thế giới này chẳng thể nào có được hòa bình. Chừng nào “Không suy lường, không vọng tưởng thì sẽ không bị sai sử khiến thức duyên níu mà tồn tại. Vì không có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó không nhập vào danh sắc. Vì không nhập vào danh sắc nên không qua lại. Vì không qua lại nên không sinh tử. Vì không sinh tử nên sinh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai đều bị diệt và thuần một khối khổ lớn như vậy cũng bị diệt.”[22]



[1] Trung bộ 28, kinh Đại kinh dụ dấu chân voi.

[2] Tiểu bộ I, (XCII) (Tik. V, 3) (It. 90).

[3] Tạp A-hàm, 350, Thánh đệ tử.

[4] Trường A-hàm, kinh Đại duyên phương tiện.

[5] Kinh dẫn trước.

[6] Kinh đã dẫn.

[7] Tham chiếu Trung A-hàm 97, kinh Đại nhân. Chín thứ ái bản: ái, tầm cầu, lợi đắc, phân phối, nhiễm dục, đắm trước, keo kiệt, tư hữu, canh giữ. Duyên canh giữ nên có dao gậy, đấu tranh, dua siểm, lừa gạt, nói láo, nói hai lưỡi, khởi lên vô lượng pháp ác bất thiện. Như vậy là trọn đủ toàn khối khổ đau to lớn.

[8] Tăng chi bộ kinh III. 61. Tittha.

[9] Trường bộ kinh 21, kinh Sakkapañha.

[10] Trung A-hàm 91, kinh Chu-na vấn kiến.

[11] Trung A-hàm 13, kinh Độ.

[12] Trường A-hàm 13, kinh Đại duyên phương tiện.

[13] Trung A-hàm 97, kinh Đại nhân.

[14] Trường A-hàm 13, kinh Đại duyên phương tiện.

[15] Kinh đã dẫn.

[16] Trung A-hàm 200, kinh A-lê-tra.

[17] Trường bộ kinh, 15.

[18] Xem Câu-xá luận, quyển 10.

[19] Trung A-hàm 98, kinh Đại nhân.

[20] Kinh đã dẫn.

[21] Tạp A-hàm, Tương ưng duyên khởi.

[22] Tạp A-hàm, Tương ưng duyên khởi.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle