Tu viện Tashilhunpo

tu vien t

Tu viện Tashilhunpo

Nguyễn Đăng

Tu viện Tashilhunpo tọa lạc dưới chân ngọn núi Drolmari, phía Tây thành phố Shigatse - thành phố lớn thứ hai ở Tây Tạng, cách thủ phủ Lhasa vào khoảng 250 km. Tọa lạc trên một diện tích rộng đến 70.000 mét vuông, tu viện hiện là một cơ sở tôn giáo lớn nhất Tây Tạng,và là một trong sáu đại tu viện của phái Gelugpa (phái Mũ Vàng) ở Trung Quốc, và cũng được xem là đại diện cho nghệ thuật kiến trúc Tây Tạng.Tu viện thu hút hàng vạn Phật tử và du khách ở địa phương cũng như ở khắp mọi nơi đến chiêm bái và tham quan mỗi năm.

Tu viện Tashilhunpo do Gedun Drub[1], đệ tử của triết gia Phật giáo nổi tiếng Je Tsongkhapa, thành lập vào năm 1447. Về sau, Lobsang Chökyi Gyalsten, vị Ban Thiền Lạt-ma (Panchen Lama) thứ 4 đã mở rộng tu viện này. Kể từ đó tất cả những vị Ban Thiền Lạt-ma cư trú ở tu viện này đãkhông ngừng nỗ lực mở rộng và phát triển nó.Trải qua năm thế kỷ kể từ khi thành lập, Tashilhunpo trở thành một tu viện đồ sộ với hàng ngàn người cư trú, cũng là nơi lưu giữ vô số kinh sách và những di sản văn hóa quý giá khác.

Về tên gọi Tashilhunpo, nó có nghĩa là “tất cả sự kiết tường và phúc lạc đều hội tụ ở đây”. Ngay từ khi thành lập, Tashilhunpo là nơi cư trú truyền thống của những vị Ban Thiền Lạt-ma, những người xếp vị trí thứ hai ở trong dòng Tulku của truyền thống Gelugpa.

Từng có đến 4.000 tu sĩ cư trú tại tu viện Tashilhunpo và ở đây cũng có 4 trường cao đẳng Mật giáo.Dưới thời Ban Thiền Lạt-ma thứ 4, Tashilhunpo là một nơi lý tưởng dành cho các tu sĩ từ Tây Tạng, Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc tìm về tu học; và ở đây họ nhận được một nền giáo dục tốt và một đời sống thanh tịnh trong một cộng đồng tôn giáo hòa hợp cao.

Đứng ở lối vào tu viện Tashilhunpo, ta có thể nhìn thấy những tòa nhà uy nghi với mái vàng và tường trắng. Kiến trúc chính ở tu viện Tashilhunpo là Maitreya Chapel, hội đường chính, Gudong-cung điện của Ban Thiền Lạt-ma, thư viện, phong trưng bày, bảo tháp thờ xá-lợi các vị Ban Thiền Lạt-ma v.v…

Jamba Chyenmu (Chùa Di Lặc) được xây dựng vào năm 1914, và là tòa nhà lớn nhất ở Tashilhunpo. Vị Ban Thiền Lạt-ma thứ chín đã xây tòa nhà này đề thờ bực đại tượng Phật Di Lặc. Bức tượng này cao 26 mét, được làm bằng 279 kg vàng cùng 150.000 kg đồng. Hơn 100 thợ kim hoàn, thợ đúc đồng, họa sĩ và nhà điêu khắc cùng hàng trăm người lao động từ Tây Tạng và Nepal cùng tham gia để hoàn thành bức tượng này.

Hội đường chính: là một trong những công trình được xây dựng sớm nhất ở Tashilhunpo, có niên đại vào thế kỷ XV TL. Có một bảo tọa lớn được đặt ở trung tâm hội đường và đây là nơi dành cho vị Ban Thiền Lạt-ma. Trong hội đường được trang trí với nhiều bức thangka dài, mô tả những hình ảnh tái sanh khác nhau của Ban Thiền Lạt-ma. Tuy nhiên khung cảnh ở đây trông khá tối tăm với nền nhà trải đầy tọa cụ của những vị Lạt-ma…

Bên cạnh cung điện uy nghi và những bức đại tượng, tu viện Tashilhunpo cũng có những bức bích họa đặc biệt. Bởi vì sự đa dạng về kích cở, màu sắc nổi bật và những hình vẻ tinh tế, những bức bích họa này được xem là những kiệt tác nghệ thuật Phật giáo.

Dù được xem là không gặp phải những xâm hại từ bên ngoài như những tu viện khác, Tashilhunpo cũng trải qua những thăng trầm của nó trong lịch sử phát triển của mình. Tu viện từng bị cướp phá khi vương quốc Gorkha xâm lược Tây Tạng vào năm 1791. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, nhiều tòa nhà ở đây cũng bị phá hủy. Mặc dù vậy, những thiệt hại của tu viện trong thời kỳ này là không đáng kể so với những tu viện khác, bởi vì đây là nơi ở của Ban Thiền Lạt-ma, người ở trong tầm kiểm soát của Trung Quốc. Vị Ban Thiền Lạt-mathứ mười một Choekyi Gyalpo, một người do chính quyền Trung Quốc dựng lên cũng đang cư trú ở đây[2]. Tuy nhiên, vào năm 1966, Hồng vệ binh đã từng dẫn một đám đông phá hoại những bức tượng, thiêu đốt kinh sách và mở cửa những ngôi tháp lưu giữ xá lợi của những vị Ban Thiền Lạt-ma từ thứ 5 đến thứ 9 và ném chúng xuống sông. Một số được những người dân địa phương tìm cách giấu kín; và vào năm 1985, vị Ban Thiền Lạt-ma thứ mười là Choekyi Gyaltsen đã cho xây dựng một ngôi tháp mới để phụng thờ.

Lễ hội Tắm nắng Phật (Lễ hội Monlam)

Lễ hội Tắm nắm Phật tại tu viện Tashilhunpo là một lễ hội quan trọng và rất lớn ở Tây Tạng. Lễ hội Tắm nắng Phật vốn được Tsong Khapa, người sáng lập phái Gelugpa thành lập vào năm 1409. Lễ hội này thường được tổ chức vào ngày 4 và kết thúc vào ngày 15 tháng 1 lịch trăng. Tuy nhiên một số nơi lễ hội này được tổ chức vào những ngày khác. Mục đích của lễ hội này là để cầu nguyện cho Phật pháp được trường tồn và phổ truyền sâu rộng, thế giới hòa bình, những vị thầy (guru) của tất cả mọi truyền thống được trường thọ, dân chúng được bình an…

Vào buổi sáng ngày này, người dân Tây Tạng sẽ tập họp tại những ngôi chùa trong vùng để tổ chức lễ hội. Đi cùng với ban nhạc lễ là những vị Lạt-ma mang một bức thangka Phật rất lớn từ ngôi chùa đến một sườn đồi được dọn dẹp sạch sẽ và quang đãng. Bức đại thangka này sau đó sẽ được những vị Lạt-ma giăng lên sườn đồi và thực hiện buổi lễ. Những Phật tử sẽ quỳ xuống và trì tụng kinh chú dưới bức thangka này và cầu nguyện Đức Phật gia hộ cho họ. Lễ hội Tắm nắng Phật kéo dài nhiều giờ, sau đó những vị Lạt-ma sẽ xếp bức thangka này lại và khiêng nhiễu quanh ngôi chùa ba vòng để tỏ lòng thành kính.

Ở tu viện Tashilhunpo, lễ hội được tổ chức hàng năm từ ngày 14-16 tháng năm lịch Tây Tạng (vào khoảng tháng 7-8 TL). Trong suốt lễ hội, có ba bức thangka Phật được lần lượt trưng bày mỗi ngày. Ngày thứ nhất trưng bày bức thangka Phật tượng trưng cho quá khứ, ngày thứ hai tượng trưng cho hiện tại, và ngày thứ ba tượng trưng cho tương lai.

Tu viện Tashilhunpo là một trung tâm Phật giáo lớn của Tây Tạng, nơi có thể nói hội tụ đủ những yếu tố tôn giáo, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật… của Tây Tạng. Vì vậy nếu có dịp đến Tây Tạng, đến Tashilhunpo chiêm bái một lần sẽ là điều rất ý nghĩa cho những du khách muốn được trải nghiệm những nét văn hóa và tôn giáo đặc biệt ở một xứ sở được xem là huyền bí này.

 



[1] Gedun Drub về sau trở thành vị Dailai Lama thứ nhất.

[2] Trong khi Gedhun Choekyi Nyima, vị Ban Thiền Lạt-ma thứ 11 do Đức Dalai Latma thứ 14 xác nhận, đã bị chính quyền Trung Quốc “quản thúc” từ 1995 và biệt vô âm tín từ đó đến nay.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle