Vĩnh Hảo
Mai
năm nay nở sớm
trước Tết. Qua
Tết thì những
cánh hoa vàng đã
rụng đầy cội, và
trên cây, lá
xanh ươm lộc
mới. Quanh vườn,
các nhánh phong
lan tiếp tục
khoe sắc rực rỡ
giữa trời xuân
giá buốt. Đêm
đến, trời trong
mây tịnh, vườn
sau đón ngập ánh
trăng, tạo một
không gian huyền
ảo lung linh.
Đã không có
những ngày xuân
rực nắng, không
có những đêm
xuân ấm cúng
tiếng đàn câu ca
và những chung
trà bằng hữu;
nhưng chân tình
của kẻ gần người
xa, vẫn luôn tỏa
sự nồng nàn, tha
thiết. Cái gì
thực thì còn mãi
với thời gian
thăm thẳm, vượt
khỏi những cách
ngăn của không
gian vời vợi.
Nhân loại ngày
nay đang tiến,
và còn tiến xa
hơn, trong công
nghệ thông tin
điện tử, thế
giới mạng, không
gian mạng. Kỹ
thuật hiện đại
như trao cho mỗi
cá nhân phép
thần thông biến
hóa để giao
tiếp, liên lạc,
tìm và thấy nhau
qua cầu nối có
dây (internet),
cầu nối không
dây (wifi), trên
màn ảnh lớn, màn
ảnh nhỏ, nơi bàn
làm việc, và
ngay cả trên bàn
tay nhỏ bé.
Nhưng thần thông
cách nào thì thế
giới mà họ đang
đắm mình, tiêu
phí gần hết thời
gian của mình
vào đó, vẫn được
xem như là thế
giới ảo (the
virtual world),
không gian ảo
(the virtual
landscape,
cyberspace).
Ảo
ở đây không
có nghĩa là
không có, mà là
có trong ý nghĩa
không thực,
không hiện hữu
như thực tế
(fact, reality).
Biết là ảo,
nhưng người ta
không thể phủ
nhận nó; trái
lại, đối với một
số người, đó là
cả đời sống thực
của họ, không
thể thiếu vắng
mỗi ngày. Hậu
quả là có những
nhân vật ảo,
công ty ảo, hàng
hóa ảo, tiền bạc
ảo, trò chơi ảo,
tình yêu ảo… tạo
thêm khổ đau,
khủng hoảng, bất
an cho cuộc đời
và những con
người đang tìm
kiếm hạnh phúc.
Các nhà giáo dục
luôn cảnh giác
tuổi trẻ (mà
cũng ngầm nhắc
luôn cho những
người lớn ham
vui), chớ đắm
mình trong thế
giới ảo mà hãy
trở về với thực
tế đời sống—tức
là phải đủ can
đảm và nghị lực
để rời khỏi máy
vi tính, máy
chơi game, điện
thoại cầm tay…
Nhưng theo khảo
sát của các nhà
tâm lý, đa phần
những người
nghiện “thế giới
ảo” đều không có
hạnh phúc, hoặc
có nhiều khúc
mắc trong đời
sống thực—những
người này tìm
quên trong thế
giới ảo, hy vọng
có thể khỏa lấp
sự bất toàn của
cuộc sống hoặc
biết đâu, may
mắn tìm ra một
nhân dáng hay sự
việc ảo (mà cũng
là người thật,
việc thật) cho
đời mình.
Suy cho cùng, dù
có ra khỏi thế
giới ảo, trở về
với đời sống gọi
là “thật” đi
nữa, chưa hẳn là
con người có thể
tìm thấy hạnh
phúc, an lạc cho
đời mình. Bởi
vì, hãy tự hỏi
đời sống “thật”
này có thực sự
là “thật” không.
Nếu là thật thì
phải còn mãi
trong không
gian, thời gian.
Thực tế cho thấy
không có gì, từ
vật chất đến
tinh thần, có
thể giữ nguyên
vẹn tính nguyên
thủy của nó.
Những lâu đài,
tượng đài nguy
nga kiên cố có
thể tan thành
tro bụi trong
vài phút; những
ngai vàng, các
chế độ, các tổ
chức và đảng
phái được cho là
bền vững, trường
trị muôn năm, có
thể bị lật đổ
bởi các cuộc
cách mạng, canh
tân; và tình
yêu, dù là tình
yêu chân thật,
keo sơn, thủy
chung nhất, cũng
phải có lúc dẫn
đến chia lìa khổ
đau.
Thực tế cũng cho
thấy, ngay trong
đời sống thực,
chúng ta lại
luôn sống trong
ảo tưởng, quá
nhiều ảo tưởng.
Từ người ít học
đến hàng trí
thức, từ kẻ vô
danh đến kẻ nổi
danh, từ hàng
thuộc cấp để kẻ
lãnh đạo… từ
chuyện nhỏ đến
chuyện lớn, từ
văn học đến
chính trị, xã
hội, tôn giáo…
đều dễ vướng cái
bệnh ảo tưởng,
hoang tưởng—được
vài tiếng khen
đã cho mình là
thiên tài, trung
tâm vũ trụ; được
người khác bầu
chọn (hoặc ép họ
bầu chọn, hoặc
tự mình bầu chọn
mình) đã cho
mình là trên
hết, nổi trội
hơn hết. Tự cao
tự mãn, say đắm
trong ảo tưởng
về sự vĩ đại của
bản ngã, thì sẽ
không bao giờ
thấy được thực
tánh, thực chất
của con người và
cuộc đời.
Theo kinh nghiệm
và tuệ giác của
những bậc minh
triết để lại,
muốn tìm ra sự
thực, chân lý,
trước hết phải
nhận thức đúng
đắn về cái ảo,
cái không thực.
Phải “giải
ảo” thì may
ra mới thấy được
cái Chân. Một
khi cái Chân
xuất hiện, mọi
điều tốt (Thiện)
và đẹp (Mỹ) mới
thực sự có mặt,
trong cuộc sống
toàn diện, cũng
như trong văn
học nghệ thuật.
Và điều mà tất
cả chúng ta có
thể áp dụng là
hãy sống rất
thực, rất chân
tình, như là
bước khởi đầu để
thoát khỏi thế
giới ảo và các
ảo tưởng.
Dù thế nào, hai
vầng nhật nguyệt
vẫn luôn lơ lửng
trên bầu trời
ngày đêm. Có hay
không nền công
nghệ thông tin
hiện đại, có hay
không thế giới
ảo và không gian
ảo, thì trời và
trăng vẫn thế,
vẫn tỏa sáng từ
vạn cổ.
Dưới ánh trăng
xuân, chiêm
nghiệm trần gian
ảo hóa: Như
giấc chiêm bao
của người mỏi
mệt, như trò
huyễn mị của ảo
thuật gia, như
bọt nước lao xao
bờ sông mé biển,
như ảo ảnh xuất
hiện trên sa mạc
bỏng cháy khô
khan, như sương
mai đọng trên
đầu ngọn cỏ, như
ánh chớp xuyên
qua trời đêm mịt
mùng… (*)
Thế giới ảo
không có gì xấu
xa, tội lỗi. Nó
huyền diệu và
đẹp như thơ, nếu
được lặng nhìn
và lắng nghe như
là chính nó.
___________________
(*) Ý kinh Kim
Cang Bát-nhã
Ba-la-mật. |