Tử sinh là cửa ngõ ra vào

tu niem

Nguyên Giác

 

Thơ, nhạc, thiền tập… Đó là những gì tôi hình dung về Giới Trẻ Mây Từ, trong đó có một số Phật Tử trẻ tôi có cơ duyên quen biết mấy năm nay.

Tấm lòng của họ đơn sơ, hồn nhiên. Những người tôi quen thân trong nhóm bạn trẻ này là các con của nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Từ họa sĩ Doãn Quốc Vinh, tới nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Hưng, tới cô Doãn Liên, rồi cô Út Doãn Hương.

Họ tu học nhiệt tâm ngay từ những ngày đầu sang Hoa Kỳ, trong khi ghi tên vào học Cao Đẳng Cộng Đồng, hàng ngày lo mưu sinh mệt nhọc, và những ngày cuối tuần là hướng đạo và thiền tập. Và trong tâm của nhóm bạn này, luôn luôn là lời thơ và ý nhạc để ngợi ca Đức Phật.

*

Tôi nhận được ca khúc “Tử Sinh Là Cửa Ngõ Ra Vào” từ mấy tuần nay. Bạn trẻ Nguyễn Đình Hiếu đã phổ nhạc bài thơ “Không Đến Không Đi” của Thầy Thích Nhất Hạnh.

Đây là một bài thơ hay. Nhìn cho đúng, tôi nghĩ rằng Thầy Nhất Hạnh là nhà sư Việt Nam viết văn, làm thơ hay nhất hiện nay. Dù viết văn bằng tiếng Việt hay tiếng Anh, tác phẩm cuả Thầy Nhất Hạnh có sức lôi cuốn về văn chương tuyệt hảo. Một khi đã đọc qua, khó ai quên được sức rung động lòng người của Bông Hồng Cài Áo, hay Nẻo Về Của Ý, hay Nói Với Tuổi Hai Mươi… Tự thân, Thầy Nhất Hạnh đã trở thành một  tượng đàì văn học của Việt Nam.

Tôi cũng có một số cơ duyên hạnh ngộ với Thầy Nhất Hạnh. Đó là chuyện từ hơn 25 năm trước, khi tôi còn ở Virginia, quen thân với Thầy Giác Thanh khi cùng học ở trường cao đẳng NOVA. Thầy Giác Thanh là môn đệ của Thầy Thích Thanh Từ thời ở Việt Nam. Khi Thầy Giác Thanh nghĩ ra chương trình mời Thầy Nhất Hạnh và tăng đoàn Làng Mai tới Virginia mở khóa tu ba ngày – và như thế, mời tôi giúp về mặt tổ chức. Lúc đó, chỉ đơn giản là vì tình thân, và vì cần hỗ trợ của Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ, nơi tôi đang sinh hoạt, và nhờ thế đã mời được Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích (Chủ tịch VBMĐHK) đọc bài diễn văn giới thiệu. Thời đó cộng đồng đầy sóng gió. Cũng trong cơ duyên này, tôi lần đầu gặp được hai nhà văn từ Canada lái xe sang tham dự: nhà thơ Đỗ Quý Toàn và dịch giả Chân Huyền. Nhìn lại, lòng tôi lúc nào cũng mang ơn Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích và tất cả những người đã giúp khóa tu này thành tựu.

Cũng trong những ngày đó, tôi nhận ra Thầy Nhất Hạnh dạy Thiền khác với những gì tôi từng học ở Chùa Tây Tạng Bình Dương. Sau đó, tôi có trình bày với Thầy Giác Thanh về những dị biệt; tuy nhiên, nơi đây sẽ không nói về những thiền tập bất đồng này làm chi. Điều tôi học được lớn nhất ở Thầy Nhất Hạnh là ước muốn làm cho mọi chuyện đơn giản, dễ hiểu, thực dụng… Đặc tính này cũng là một lý do, pháp môn Thiền Làng Mai của Thầy đã lan rộng ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng tới nhiều giới trí thức quốc tế.

*

Bài thơ của Thầy có tên là “Không Đến Không Đi.” Khi bạn Nguyễn Đình Hiếu phổ nhạc, đã đặt tên ca khúc là “Tử Sinh Là Cửa Ngõ Ra Vào.” Không rõ lý do tại sao đặt tên ca khúc như thế. Có thể vì nhạc sĩ trẻ này nghĩ rằng Thầy đang bệnh nặng, và muốn cúng dường bằng cách soạn ra ca khúc này để góp lời cầu nguyện? Nguyễn Đình Hiếu đã cắt bớt một số chữ khi phổ nhạc.

Nguyên văn bài thơ này lấy trên trang nhà langmai.org, nơi mục Thiền ca, cũng đã được Thầy Nhất Hạnh soạn làm một ca khúc. Cả 2 ca khúc của Thầy Nhất Hạnh và của bạn trẻ Nguyễn Đình Hiếu đều có hay riêng. Nhạc của Thầy Nhất Hạnh phức tạp hơn. Nhạc của Hiếu đơn sơ hơn.

Nơi đây, xin ghi nguyên văn bài thơ này như sau:
 

Không đến không đi
Thân này không phải là tôi
Tôi không kẹt vào nơi thân ấy
Tôi là sự sống thênh thang
Tôi chưa bao giờ từng sinh mà
cũng chưa bao giờ từng diệt
Nhìn kia biển rộng trời cao
Muôn vàn tinh tú lao xao
Tất cả đều biểu hiện tôi từ
nguồn linh tâm thức
Tự muôn đời tôi vẫn tự do
Tử sinh là cửa ngõ ra vào
Tử sinh là trò chơi cút bắt
Hãy cười cùng tôi
Hãy nắm tay tôi
Hãy vẫy tay chào để rồi tức thì gặp lại
Gặp lại hôm nay
Gặp lại ngày mai
Chúng ta đang gặp nhau nơi suối nguồn
Chúng ta sẽ gặp nhau từng phút giây trên muôn ngàn nẻo sống.

*

Độc giả có thể nghe nhạc của Thầy Nhất Hạnh (không thấy ghi tên người hát, người đệm nhạc) ở trên hay truy cập:http://langmai.org/dai-may-tim/thien-ca/bong-hoa-vang-trong-co/khong-den-khong-di

Và có thể nghe nhạc Nguyễn Đình Hiếu, phổ thơ của Thầy Nhất Hạnh ở đây: (bên phải)hay truy cập:

http://youtu.be/OHq-Qy7VgTE Bài này do cô Doãn Hương hát.

Một điểm đặc biệt, bản Anh ngữ bài thơ này được ghi là kinh nguyện trong Lễ Nhập Quan (Ceremony for Closing the Coffin) trong sách “Chanting and Recitations from Plum Village,” by Thich Nhat Hanh, trang 188. Bản dịch tiếng Anh này cũng tuyệt vời, có thể đọc ở ghi chú (1).

*

Và nơi đây, tôi cũng xin góp lời cầu nguyện, bằng mấy đoạn thơ Việt-Anh như sau.
 

Đôi Dòng
Viết đôi dòng thư pháp
ca ngợi Đức Thế Tôn
mực loang như nước mắt 
ngấm ơn sâu vào hồn.
     The Two Lines
     Praising the Buddha
     with two calligraphic lines
     I saw the ink flow like 
     thankful tears warming my heart
Viết đôi dòng thư pháp
cúng dường Thầy Làng Mai
ngẩng đầu nghe tiếng hạc
lưng trời gọi tên ai.
     Making offerings to Thay Lang Mai
     with two calligraphic lines
     I raised my head, hearing on high
     a crane creak a mystic name.
Từ đôi dòng thư pháp
nét mực hóa rừng hoa
ướp lời thơ thơm ngát
khắp trời hát đạo ca.
     Flowing from the two calligraphic lines
     the ink became a floral sea
     added fragrance on words of poetry
     and echoed far on high a dharma melody.

 
GHI CHÚ:
(1) Bản Anh ngữ của “Không Đến, Không Đi” như sau.
This body is not me.
I am not limited by this body.
I am life without boundaries.
I have never been born,
and I have never died.
Look at the ocean and the sky filled with stars, manifestations from my wondrous true mind.
Since before time, I have been free.
Birth and death are only doors through which we pass, sacred thresholds on our journey.
Birth and death are a game of hide- and seek.
So laugh with me,
hold my hand,
let us say good-bye,
say good-bye, to meet again soon.
We meet today.
We will meet again tomorrow.
We will meet at the source every moment.
We meet each other in all forms of life.
~By Thich Nhat Hanh, Chanting and Recitations from Plum Village. Page 188.
Chia sẻ: facebooktwittergoogle