Thầy tôi, Hòa thượng Thích Minh Kiến (3)

thay toi
Minh Thạnh

BỐI CẢNH NHỮNG CỐNG HIẾN CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH MINH KIẾN

Viết về thầy tôi và những đóng góp của ông cho Phật giáo Việt Nam với vai trò Phó Tổng Thư ký Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất trong giai đoạn hết sức đặc biệt 1977-1981 thì không thể không đề cập đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất giai đoạn này, một việc rất tế nhị, khó khăn. Tôi không tán thành nhiều quan điểm, chủ trương của nhiều nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, tất yếu sẽ có những đánh giá, bình luận không thể tốt về Giáo hội này. Chắc chắn điều đó không làm một số bạn đọc hài lòng và có thể có những ý kiến chỉ trích.

Nhưng đây là những nhìn nhận chủ quan của riêng tôi, điều tôi vẫn nhắc đi nhắc lại suốt loạt bài viết về thầy tôi, Thích Minh Kiến. Ý kiến chủ quan của tự mỗi người thì luôn có sự khác biệt. Tôi cố gắng trình bày có tính thuyết phục về những cơ sở dẫn đến những ý kiến đó và trình bày như những tư liệu có thể tham khảo. Bạn đọc có thể cho rằng nó  đúng hoặc không đúng, nhưng điều mong mỏi là nó có những giá trị tham khảo nhất định khi tìm hiểu về một nhà lãnh đạo Phật giáo, và qua đó tìm hiểu về Phật giáo Việt Nam thời kỳ liên hệ.

Cũng xin nhấn mạnh rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất chỉ được đề cập đến như một bối cảnh, môi trường, mà ở đó, thầy tôi đã cống hiến cho Phật giáo Việt Nam. Mục tiêu của tôi được xác định không phải nhằm vào việc viết về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

CHÙA ẤN QUANG VÀ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

Trước năm 1980, tôi ít quan tâm đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, chỉ biết sơ lược qua sách vở, nhưng không lưu ý nhiều. Đến khi tôi quyết định cố gắng tác động đến thầy tôi, tôi mới tìm hiểu nhiều về giáo hội, mà phần lớn kết quả sẽ được trình bày trong loạt bài viết này.

Tôi đi chùa từ nhỏ, nhưng tất nhiên tôi không thể có ý niệm gì về giáo hội Phật giáo. Đến khi bà ngoại tôi không dẫn tôi đi chùa Ấn Quang nữa sau cuộc “hành quân” tái chiếm Việt Nam Quốc Tự do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất phái Ấn Quang tổ chức, có gây chết người. Khi được bà tôi giải thích lý do không đi chùa Ấn Quang, ý niệm về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ở tôi mới bắt đầu hình thành, trong sự nặng nề và u ám của sự chia rẽ, xung đột đến mức đổ máu, một ấn tượng khởi đầu rất xấu.

Trong khi đó, cậu tôi, một người cải đạo sang Thông Thiên học, cấm bà tôi dẫn tôi đi chùa Ấn Quang, vì nói rằng ở chùa đó toàn “thầy chùa lửa”, “thầy chùa cọp” làm chính trị.

Tuy vậy, năm 1973, tôi vẫn được gia đình đưa đến quy y tại chùa Ấn Quang, với vị hòa thượng mà gia đình tôi hết sức tôn kính là Hòa thượng Thích Thiện Hòa. Tôi còn nhớ phái quy y của tôi khổ to in màu đỏ, chỉ ghi nội dung tam quy, khác với phái của mẹ tôi có ghi thêm ngũ giới in chữ màu xanh lá. Tôi được đặt pháp danh Minh Thạnh, bên trên tờ phái có ghi dòng chữ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Tôi biết được một cách rõ ràng, cụ thể về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất từ lúc này.

Trở lại chùa Ấn Quang quy y, tôi rất vui sướng, thích thú, muốn được đi chùa Ấn Quang thường xuyên, vì chùa rộng rãi, có sân lớn, không khí sinh động hơn chùa Từ Nghiêm, nhưng bà tôi từ chối với lý do xa nhà, đi chùa Từ Nghiêm được rồi, chùa nào cũng là chùa. Nhưng tôi biết bà ngoại tôi vẫn còn buồn vì chuyện chia rẽ Việt Nam Quốc Tự/Ấn Quang đến nỗi gây thiệt hại nhân mạng.

Nguyện vọng đi chùa Ấn Quang bị từ chối càng khắc sâu hơn ý niệm không hay của tôi về Giáo hội. Việc bà tôi vừa muốn gia đình mình là đệ tử chùa Ấn Quang vừa từ khước đi chùa Ấn Quang cho thấy mâu thuẫn nơi bà tôi về giáo hội. Mâu thuẫn này được truyền qua tôi mà về sau xen kẽ trong tôi vừa là sự chấp nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Ấn Quang, lại vừa là không phục, không tán thành. Mâu thuẫn đó như đã nói trong phần trước, cũng có và dường như là khá nặng nề ở thầy Thích Minh Kiến.

Khái niệm về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất của tôi đã trở nên rõ ràng trong sự kiện 1977 (về sự kiện này sẽ đề cập chi tiết hơn về sau nếu có dịp). Nhà tôi ở ngay dưới loa phóng thanh của phường. Trong nhiều ngày sau khi xảy ra tình huống cao điểm, loa phóng thanh liên tục phát thông báo của Ủy ban Nhân dân Thành phố giải thích về sự việc cũng như kêu gọi Phật tử, từ sáng đến tối, thay vì phát thanh theo giờ hàng ngày. Cụm từ “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất phái Ấn Quang” được lặp đi lặp lại trong lời lẽ rất căng thẳng, quyết liệt và nghiêm trọng của thông báo, gieo vào lòng tôi sự sợ hãi. Ấn tượng về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất sâu đậm hơn nữa trong tôi với sự kiện này. Từ đó, tôi bắt đầu lưu ý nhiều hơn về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Những năm cuối cấp 2, tôi có một người bạn gia đình Thiên Chúa giáo người Bắc di cư khu ông Tạ. Nhà người bạn này có rất nhiều sách Thiên chúa giáo và anh rất muốn tôi đọc, sẵn lòng cho mượn. Tôi rất thích đọc sách, nhưng lúc đó sách báo rất hiếm, nên được mượn hàng chồng sách báo về nhà tôi đọc ngấu nghiến. Lần đầu tiên tôi biết đến cải đạo khi đọc quyển sách dường như có tựa đề “Đi về đâu?” của một tác giả linh mục không nhớ tên. Quyển sách phê phán khá nặng Phật giáo, hướng người đọc chọn theo đạo Công giáo. Anh bạn cho mượn sách lớn hơn tôi một chút, rất ngoan đạo. Như những tín đồ tôn giáo, anh biết vững về giáo lý và tổ chức giáo hội Thiên chúa giáo.

Ý niệm về cải đạo mà anh này hình thành nơi tôi trực tiếp cũng như qua sách vở sau này là một nội dung quan trọng trong tác động của tôi đến thầy tôi.

Là Phật tử, nhưng lúc đó, tôi đọc sách Thiên chúa giáo nhiều hơn sách Phật giáo. Tôi cũng thấy điều đó là không bình thường, nên cố tìm mượn sách Phật giáo để đọc. Rất may, mẹ một người bạn khác gần nhà tôi, sau khi cho tôi mượn lần lượt các quyển trong bộ sách Phật học Phổ thông tác giả Hòa thượng Thích Thiện Hoa, cũng như kiểm tra kiến thức của tôi sau khi đọc, cho là tôi có “căn tu”, đã cố gắng đưa tôi tham gia tu học theo đạo tràng Pháp Hoa, do Thượng tọa Trí Quảng lúc ấy tổ chức hàng tuần từ sáng đến chiều ngày chủ nhật tại chùa Ấn Quang.

Sau thời gian đầu được dẫn đi, tôi đã tự mình đến chùa Ấn Quang hàng tuần. Trong khóa tu, mỗi buổi chiều chủ nhật tôi được nghe thuyết pháp, rồi tiến tới đi tụng kinh vào những buổi tối rãnh rỗi. Từ năm 1978, tôi trở thành Phật tử thuần thành chùa Ấn Quang. Nhưng tuy trong chúng La Hầu La của thầy Thích Trí Quảng, tôi lại được thầy Thích Minh Kiến cho mượn sách Phật đọc và tận tình dạy dỗ. Trong quá trình nghe thuyết pháp, tôi lại quy ngưỡng Phật giáo Nguyên thủy, đặc biệt là từ tác phẩm “Đức Phật và Phật pháp” của ngài Narada, tôi xin thọ ngũ giới với vị giảng sư Phật giáo Nguyên thủy mà tôi rất thán phục là Thượng tọa Thích Hộ Giác.

Có duyên được thọ học với nhiều vị tôn đức như thế, nhưng tôi chỉ gần gũi nhiều với thầy Thích Minh Kiến, và chỉ thầy thương tôi nhất. Đến với thầy Minh Kiến thường xuyên, dù không chủ ý, nhưng do thầy Thích Minh Kiến là Phó Tổng thư ký Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, tôi biết nhiều về việc giáo hội, và qua thầy chứng kiến những sự kiện quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất trong thời điểm đặc biệt này, những sự kiện gắn chặt với những đóng góp của thầy tôi cho Phật giáo Việt Nam.

Để hiểu kỹ hơn về bối cảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, có phải trở về từ Đại hội kỳ VII năm 1977 hay xa hơn, từ năm 1975.

Có hiểu kỹ về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất trong thời kỳ này mới hiểu về những đóng góp của thầy tôi. Những điều tôi ghi nhận dưới đây không phải là suy nghĩ vào thời điểm đó, mà  được rút ra dần trong suốt thời gian từ đó  đến nay. Đó là những điều mà tôi không thể không nghĩ  đến khi nghĩ về công sức của thầy tôi.

Thầy tôi không được suy cử vào Ban chỉ  đạo Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất trong Đại hội kỳ 7, những đóng góp thầy cho Phật giáo Việt Nam gắn chặt với bối cảnh mở ra từ đại hội này, với nhiều điều mà tôi cho là sai lầm, hết sức sai lầm. Đại đức Thích Minh Kiến lúc đó khi nhận chức vụ Phó Tổng thư ký Viện Hóa đạo, phải giải quyết những vấn đề phát sinh từ những sai lầm của Đại hội kỳ VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

SAI LẦM TỪ ĐẠI HỘI KỲ VII GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

Khi đại hội kỳ VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất diễn ra, tôi chưa đi chùa Ấn Quang, cũng không có nhiều tài liệu. Suy nghĩ của tôi rút ra từ thông tin tìm hiểu qua thầy tôi, cũng như một vài tài liệu ít ỏi, mà thông tin đã mờ nhạt một phần trong ký ức.

Tôi không có danh sách chi tiết các vị lãnh đạo Phật giáo suy cử trong đại hội kỳ VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, chỉ nhớ nhân sự qua các cuộc họp Viện trưởng Viện Hóa đạo là Hòa thượng Thích Trí Thủ, các Phó Viện trưởng là Thượng tọa Huyền Quang (đệ nhất Phó Viện trưởng), Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Pháp Tri (đại diện cho Phật giáo Nguyên thủy). Tổng Thư ký: Thượng tọa Thích Quảng Độ, Tổng thủ bổn: Thượng tọa Thích Từ Nhơn. Các vị Tổng vụ trưởng là Thượng tọa Thích Minh Châu, Thượng tọa Thích Hộ Giác, Thượng tọa Thích Thuyền Ấn, Thượng tọa Trí Quảng… Riêng về 2 vị Hòa thượng Thích Hành Trụ, dường như phụ trách tăng sự, Hòa thượng Thích Thiện Tường phụ trách Kiến thiết, thì tôi không nhớ chắc chắn lắm. Mỗi lần Ban chỉ đạo Viện Hóa đạo họp, ít khi có mặt đông đủ túc số, việc vắng mặt càng nhiều hơn trong thời gian về sau.

Về mặt lý luận, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất chưa đạt đến tầm mức xây dựng văn kiện thông qua tại các kỳ đại hội. Đó là khó khăn mà thầy tôi gặp phải khi đảm nhận công việc Phó Tổng Thư ký Viện Hóa đạo. Hồi ấy, hỏi thầy Đại hội Giáo hội có thông qua văn kiện chỉ đạo gì thì thầy chỉ lắc đầu. Lúc đó tôi nghĩ là thầy cố ý không nói. Dần dần, qua sự khó xử của thầy, tôi mới biết các đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất không có thông qua văn kiện gì về lý luận, phương hướng, đường lối, chủ trương cụ thể. Dường như chỉ có việc quyết định nhân sự và chấp nhận các việc quan trọng ghi biên bản. Tôi cho rằng văn kiện chỉ là biên bản vì tôi thấy thầy tôi là người lập biên bản các cuộc họp, không có việc soạn thảo văn kiện mà bây giờ gọi là nghị quyết. Thầy tôi không bao giờ cho tôi xem các biên bản đó và tôi cũng không có ý định muốn xem. Về sau, khi tôi quyết chí tìm cách tác động đến thầy, tôi có quan tâm hơn đến các cuộc họp Ban Chỉ đạo Viện Hóa đạo, nhưng đến mức đó thầy càng giữ kín hơn đối với tôi. Thấy vậy, nên tôi thôi không tìm hiểu các biên bản họp Ban Chỉ đạo Viện Hóa đạo. Tôi chỉ biết, ngoài các cuộc họp công khai tại Văn phòng Viện Hóa đạo, có các cuộc họp mật tại căn phòng nơi trước đây là phòng của Đức Tăng thống, đối diện phòng Hòa thượng Thích Trí Quang. Việc chỉ đạo hoạt động Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất càng về sau càng tùy tiện theo ý cá nhân các nhà lãnh đạo.

Nhưng khi quan tâm tìm hiểu quan điểm, đường lối, chính sách của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất thì không khó để nhận ra những sai lầm từ  Đại hội kỳ VII và tôi trong quá trình tác động đến thầy tôi, tôi có trình bày những nội dung này.

Quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất từ năm 1975 và rõ hơn từ Đại hội kỳ VII năm 1977 là không tìm kiếm một sự thích nghi với thực trạng mới của đất nước, mà trái lại.

Sau năm 1975, sự phân hóa Ấn Quang/Việt Nam Quốc Tự chấm dứt với việc tự giải thể của khối Việt Nam Quốc Tự. Đây là một tình huống thuận lợi cho sự đoàn kết Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Ấn Quang dường như không quan tâm đến cơ hội này và tỏ ra không thực tế trong cơ hội có thể trở lại Việt Nam Quốc Tự, một trong những mục tiêu lớn trước 1975 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Ấn Quang.

Chúng tôi có tìm một tài liệu mà tôi còn nhớ mang máng tựa đề là “Phật giáo trước tình thế mới” tác giả Hòa thượng Thích Huyền Quang, viết trước sự kiện 1977, liên hệ đến tình hình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất sau 1975, nhưng chưa thể tìm ra.

Tuy nhiên, vẫn có thể ghi nhận rõ quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Ấn Quang từ 1975 và rõ hơn từ Đại hội kỳ VII là sẵn sàng duy trì một tình thế như trước 1975, điều mà chúng tôi cho là rất sai lầm.

Phương hướng này trái ngược hoàn toàn với phía Ca tô La Mã ở lãnh đạo cấp cao nhất. Sự xung đột của đạo Ca tô La Mã với chính quyền có phát sinh, nhưng ở cấp dưới, cấp giáo xứ và dòng tu, tầm mức đơn lẻ. Còn ở cấp cao hơn, hàng giám mục, thì tìm cách thích nghi. Ở TPHCM việc bàn giao các cơ sở giáo dục, y tế của đạo Ca tô La Mã cho nhà nước về cơ bản diễn ra khá suông sẻ (tất nhiên cũng có những trường hợp khác, nhưng ít hơn), còn lại việc giữ các cơ sở thờ tự (nhà thờ) thì cơ bản là thành công. Có thể thấy điều này qua trường hợp so sánh Việt Nam Quốc Tự và nhà thơ Vinh Sơn ở gần sát nhau. Nhà thờ Vinh Sơn là một vụ án lớn, đấu súng, có điện đài, máy phát sóng, máy in tiền giả, có chiến sĩ công an hy sinh, nhưng giáo hội Ca tô La Mã vẫn giữ lại được nhà thờ, trong khi Việt Nam Quốc Tự không xảy ra chuyện gì đáng kể, thì lại bị tịch thu, bỏ hoang trong nhiều năm.

Điều rất rõ ràng là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất có thuận lợi để tìm kiếm mối quan hệ tốt với chính quyền, giữ lại những cơ sở thờ tự, hạn chế những khó khăn trong thời cuộc lúc đó, nhưng so với Giáo hội Ca tô La Mã, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã vụng về hơn rất nhiều. Từ đó, chất chứa những mâu thuẫn không có lợi cho Phật giáo Việt Nam. Những mâu thuẫn như thế đưa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất vào những va chạm rất đáng tiếc.

Trước câu hỏi tình trạng như thế có tránh được không, có một lựa chọn nào khác không, thì câu trả lời rõ ràng là nếu các nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất lúc bấy giờ thận trọng hơn, khôn ngoan hơn, khéo léo hơn, mềm dẻo hơn, ôn hòa hơn, thì có thể tránh rất nhiều điều đáng tiếc, kể cả vụ 1977. Như thế, thì thầy tôi đại đức Thích Minh Kiến có thể không phải gánh lấy trách nhiệm Phó Tổng Thư ký Viện Hóa đạo nặng nề, khó khăn, phức tạp, không gặp phải hoàn cảnh khó xử, éo le, không đối phó với tình huống nguy hiểm, căng thẳng trong những ngày tháng về sau. Nhưng điều hơn hết là nếu thế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất sẽ tránh được nhiều bất lợi không đáng có.

(còn tiếp)

MT

Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle