Thầy tôi, Hòa thượng Thích Minh Kiến (2)

thay toi

 Minh Thạnh

 

Tất cả nội dung viết về thầy tôi, Hòa thượng Thích Minh Kiến, đều là những ghi nhận, những suy nghĩ và cảm xúc chủ quan của tôi. Có thể đúng, có thể không đúng, có thể chỉ đúng một phần.

 

Ngay cả những ghi nhận vẫn có thể sai lệch, sau thời gian đã 30 năm. Còn những suy nghĩ và cảm xúc là riêng của cá nhân tôi, không chắc là tôi nghĩ đúng về thầy tôi, vì tôi chỉ biết một phần rất nhỏ về công việc của ông. Nhưng tôi xin phép ghi lại đây để tưởng nhớ thầy, cũng như lưu lại một số sự kiện và bình luận, có thể giúp ích cho việc tìm hiểu Phật giáo miền Nam Việt Nam thời kỳ này, thời kỳ mà theo tôi, còn cần bổ sung nhiều tư liệu cho việc tìm hiểu.

 

Thầy tôi, khi đó là đại đức Thích Minh Kiến, Phó Tổng thư ký Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã là một trong những chứng nhân lịch sử quan trọng, là người trong cuộc trực tiếp đối với khúc quanh quan trọng của Phật giáo Việt Nam. Còn tôi là đệ tử gần gũi với thầy trong thời gian đó.

 

Thầy Thích Minh Kiến tuy cũng biết tôi thọ giới với Thượng tọa Thích Hộ Giác khi đó, luôn tự xác định mình là Phật tử Phật giáo Nguyên thủy, nhưng thầy vẫn rất yêu mến tôi, coi tôi như đệ tử. Một phần vì tôi học ngành sư phạm ngữ văn, ngành mà thầy yêu thích nhưng dang dở trong sự nghiệp (sau 1975, thầy phải từ giã công việc hiệu trưởng trường Bồ Đề). Tôi nghĩ, đã có yếu tố, thầy coi tôi là tương lai của thầy trong khoa học về văn chương và sư phạm, những ngành thầy đã theo đuổi có dáng dấp tình cảm cha con bên cạnh tình cảm thầy trò.

 

Thật ra, tôi không chọn ngành sư phạm, mà chỉ xem đây là bước quá độ, để sau đó lại tiếp tục học một ngành khoa học xã hội để trở thành người làm công việc nghiên cứu. Tôi là học sinh giỏi văn trong đội tuyển của TPHCM, nên theo quy chế được tuyển thẳng vào Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm. Nhưng tôi ngại học Đại học Sư phạm, thuộc Bộ Giáo dục, phải cắt hộ khẩu, và phân công đi tỉnh, nên chọn học Cao đẳng Sư phạm, thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ công tác ở TPHCM, không cắt hộ khẩu, để sau này thi lại đại học.

 

Thầy biết tôi bỏ Đại học Sư phạm thì buồn phiền, nhưng cũng phải chấp nhận. Cho nên tuy vậy thầy cũng hãnh diện về tôi, một trong những đệ tử ít ỏi học tiếp lên trên sau phổ thông, và cũng ngành sư phạm, ngành của thầy.

 

Vì là đệ tử nam, ít nhiều có trình độ, nên dù hết sức hạn chế nói về công việc giáo hội với đệ tử, nhưng thầy đôi khi vẫn chia sẻ những suy nghĩ với tôi. Vì vậy, tôi trở thành một Phật tử biết khá nhiều về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, dù tôi không có chủ định tìm hiểu sâu. Rất tiếc, cũng vì không định tìm hiểu, nên tôi không ghi chép lại gì cả, bây giờ chỉ viết theo trí nhớ, nên rất có thể sai sót.

 

Lúc bấy giờ, đại đức Thích Minh Kiến nhận trách nhiệm Phó Tổng thư ký Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong tình trạng rất khó khăn, cả về hoàn cảnh chung của hội lẫn đối với riêng cá nhân thầy.

 

Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, lúc này, vừa xảy ra sự kiện, sau này thường gọi là “vụ 1977”, hay “vụ Thông tư số 2”, nhiều vị lãnh đạo của Viện Hóa đạo vướng vào vòng lao lý. Những vị lãnh đạo còn lại thì lúng túng, một số vị tìm kiếm quan hệ tốt hơn với chính quyền, nhưng nói chung đều có tâm trạng bất an.

 

Đối với đại đức Thích Minh Kiến lúc đó, thầy tuy trở thành thành viên Ban Chỉ đạo Viện Hóa đạo, nhưng cũng có lúng túng, riêng thầy, vì thầy nhậm chức không thông qua đại hội (kỳ 7). Điều đó, khiến thầy không hoàn toàn thoải mái trong công việc.

 

Đây là công việc rất nặng nề, vì phải thường trực giải quyết công việc, chỉ sau Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa đạo. So với các vị Phó Viện trưởng, Tổng Vụ trưởng, thì làm Phó Tổng thư ký, thực chất là làm công việc Tổng thư ký trong khi vị Tổng thư ký vắng mặt, khó khăn vất vã hơn rất nhiều. Vì vậy, trách nhiệm của Đại đức Thích Minh Kiến bấy giờ rất lớn, không chỉ từ năm 1977 đến năm 1981, mà cả những năm sau đó, khi có nhiều người đòi hỏi ở thầy “trách nhiệm” của một vị Phó Tổng thư ký Viện Hóa đạo.

 

KHÓ KHĂN, MÂU THUẪN

 

Chúng ta đã nói đến mâu thuẫn đè nặng lên thầy trước hết là mâu thuẫn giữa trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn. Thầy nhận trách nhiệm với xác định chỉ là người thừa hành chỉ đạo từ các hòa thượng, thượng tọa mà hầu hết các vị đó đều ở vị trí sư phụ của thầy, thầy xưng “con” ở phần lớn trường hợp. Thầy cũng không tránh khỏi điều có thể tạm gọi là “mặc cảm”, do không phải được bầu từ đại hội.

 

Nhưng công việc của thầy không phải là một người thư ký, mà là người làm nhiệm vụ chánh văn phòng, tổng thư ký kiêm cả điều hành Tổng vụ Hoằng pháp. Mâu thuẫn đó đặt thầy ở tư thế giằng co, dao động, giữa một bên thực chất là người quyết định trong công việc thường trực và tham mưu để đi đến những quyết định quan trọng và một bên não trạng người thừa hành, hàng đệ tử không qua suy cử từ đại hội. Thực tế thầy phải chỉ đạo giải quyết nhiều công việc, nhưng tôi chưa từng thấy một văn bản nào thầy ký tên, đóng dấu tên mình trong chức vụ Phó Tổng Thư ký Viện Hóa đạo bao giờ, kể cả đối với những việc thường trực, không đòi hỏi chịu trách nhiệm. Một số văn bản thầy tế nhị chỉ đóng dấu treo nếu có thể, như lịch thuyết pháp chẳng hạn. Theo tôi, không phải thầy lẫn tránh trách nhiệm, hay tỏ vẻ khiêm nhường, mà vì thật sự thầy luôn xác định mình là người thừa hành.

 

Chính vì việc xác định là cấp thừa hành nên thầy rất khó xử, thậm chí khổ tâm, trong các năm 1979, 1980, 1981, khi Viện Hóa đạo phân hóa sâu sắc thành 2 cực, mà cả các vị hòa thượng, thượng tọa 2 bên thầy Minh Kiến đều coi là những vị thầy (chỉ có Thượng tọa Thích Trí Quảng là người đồng thế hệ). Cả hai bên đều tranh thủ thầy Thích Minh Kiến, cũng như chỉ đạo thầy bằng những quan điểm, mệnh lệnh ngược hẳn nhau.

 

Nhưng trước khi đi vào mâu thuẫn cơ bản đó, xin phép điểm lại một số mâu thuẫn đã đè nặng lên vai thầy.

 

Tôi cảm nhận những mâu thuẫn này khi thấy sự nặng nề phiền muộn, có phần bối rối lúng túng của thầy khi tôi nêu ra những câu hỏi liên hệ về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

 

Thầy Thích Minh Kiến thực tế, là hình ảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thu nhỏ trong một con người điển hình, là người lãnh đạo Giáo hội, gắn bó với hoạt động Giáo hội từ lúc xuất gia, tham gia các hoạt động của Giáo hội trong suốt thời kỳ tu học tại chùa Ấn Quang, trụ sở trung ương tạm thời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

 

Là một người được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất giáo dưỡng, đào tạo cho việc kế thừa vị trí lãnh đạo, thầy tôi luôn có lòng tự hào và biết ơn sâu sắc đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

 

Thầy thường nói với tôi về vai trò tổ chức, hoạt động lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong những bữa cơm. Khi ở chùa Ấn Quang, buổi chiều thầy thường không ăn cơm, còn nếu có thầy tự nấu cơm. Do đó, không ít lần thầy nấu thêm gạo để 2 thầy trò cùng ăn. Những câu chuyện diễn ra trong những bữa cơm thầy trò đó.

 

Tôi thấy thầy đăm chiêu, suy nghĩ, buồn lòng, trầm tư có phần lúng túng, bối rối, thường là không trả lời, mỗi khi tôi hỏi thầy về việc đánh giá về hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ khi thành lập, về cuộc phân hóa Ấn Quang/Việt Nam Quốc Tự, về sự kiện năm 1977.

 

Tôi nhớ rõ, có một lần, trước câu hỏi của tôi, thầy đã quát lên: “Thôi, đừng nhắc đến nữa!”.

 

Tôi cảm nhận trong lòng thầy Thích Minh Kiến có 2 Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Một giáo hội mà thầy rất hết sức ngưỡng mộ, yêu quý, tâm nguyện phục vụ, và một Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất làm thầy thất vọng, có một chút ít bất mãn xen vào sự bối rối thường xuyên. Khi nói về cơ cấu tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thầy cao hứng, phấn khởi bao nhiêu, thì khi được hỏi là đánh giá lịch sử Giáo hội, yêu cầu giải thích về các sự kiện liên hệ đến Giáo hội, thì thầy khó chịu, lúng túng bấy nhiêu. Càng về sau, khi tôi càng hiểu về những vấn đề của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì tôi càng nhận thức rõ các vấn đề ấy bộc lộ cụ thể qua thầy tôi.

 

Có một điểm tôi cho là thật sự không có vấn đề của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tồn tại trong thầy, đó là đánh giá về hoạt động giáo dục. Hoạt động giáo dục, hệ thống trường Bồ Đề, đó là điều thầy hết sức nuối tiếc. Thầy vẫn tâm sự với tôi “Nếu còn trường Bồ Đề, nhất định con là giáo sư Việt Văn của trường mình”. Vấn đề có chăng là thầy cho rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã không đầu tư nhiều hơn nữa cho hệ thống trường Bồ Đề.

 

Tôi cảm nhận rằng thầy tự hào và sung sướng hơn rất nhiều khi phục vụ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong cương vị Hiệu trưởng Trường Bồ Đề, so sánh với việc phục vụ Giáo hội trong cương vị Phó Tổng Thư ký Viện Hóa đạo.

 

Sau này, khi thầy ít khi nhắc đến giai đoạn làm Phó Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất so với việc nhắc đến công việc Hiệu trưởng Trường Bồ Đề, dù cả 2 công việc đều phục vụ Giáo hội, nhưng chức vụ Hiệu trưởng Trường Bồ Đề nhỏ hơn nhiều.

 

Thấy thầy chỉ vui khi nhắc đến công việc hiệu trưởng, về hoạt động giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tôi thường chủ động nhắc nhở chuyện đó những lần thầy vui vẻ, cao hứng với nghề sư phạm, vì những lúc như vậy thầy lại hoan hỷ mở tủ sách lấy đưa tôi một, hai quyển sách chuyên ngành giáo dục học, tâm lý học xuất bản trước năm 1975. Thầy không phải cho hẳn, chỉ nói rằng tôi đọc, rồi giữ kỹ cho thầy, biết đâu sau này thầy lại có dịp dùng đến. Thầy vẫn mơ ước một ngày nào trở lại với công việc sư phạm.

 

Bây giờ tôi có dịp viết nhiều bài về giáo dục Phật giáo Việt Nam, thì đó là do tôi được truyền thụ tinh thần một vị tu sĩ điển hình cho hoạt động giáo dục của Phật giáo, là thầy Thích Minh Kiến, một vị hiệu trưởng trường Bồ Đề.

 

Tuy nhiên, khi đó, tôi chưa có được nhận thức tế nhị, cứ ranh mãnh, tinh quái hỏi thầy về bình luận quá trình hoạt động của giáo hội. Phần cũng vì tò mò, với tính xấu thích hỏi cái gì người cố ý tránh nói, đến nỗi nhiều lần làm thầy tôi phiền lòng. Mỗi lần như thế, thầy tôi thở dài, từ đó lại kích thích sự tò mò của tôi để lại hỏi khi có dịp.

Mà không hỏi cũng không được, vì những mâu thuẫn cứ bày ra trước mắt tôi.

 

Thầy tôi dạy tôi rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là tổ chức Phật giáo tiêu biểu nhất, lớn nhất của Phật giáo miền Nam, nhưng trong thực tế tôi thấy Văn phòng Viện Hóa đạo chỉ có vài bàn giấy, chỗ làm việc của Hòa thượng Viện trưởng chung với các cấp dưới và chỗ tiếp khách, trông chỉ có vẻ như văn phòng một trường tiểu học. Thầy tôi, Phó Tổng Thư ký của tổ chức được coi là có vài chục triệu tín đồ, hàng ngàn tu sĩ chỉ có một bàn giấy nhỏ, không có nhân viên giúp việc.

 

Lễ Phật Đản của trung ương Giáo hội thì số người dự lễ không bằng thánh lễ hàng tuần của một giáo xứ lúc đó. Hoạt động Tổng vụ Hoằng pháp chỉ là một lớp giảng vài ba trăm người ngày chủ nhật, có buổi ngồi không kín giảng đường chùa Ấn Quang.

 

Còn Ban Chỉ đạo Viện Hóa đạo thì trước 1978 cũng có vài người, tới năm 1980, khi có chiều hướng thống nhất, thì cũng chỉ còn vài người (một số vị thấy chiều hướng này nên không đi dự họp nữa). Văn phòng Viện Hóa đạo thì chỉ có duy nhất một mình thầy tôi ngồi đó mỗi sáng. Vậy thôi. Giáo hội của tôn giáo lớn nhất Việt Nam chỉ vỏn vẹn như thế!

 

Tự hào về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhưng thầy tôi cũng không lạc quan. Thầy vẫn nói, Giáo hội cần thì thầy làm việc đền ơn giáo hội, thôi không cần thì thầy lo tu, đọc sách. Thầy đã có những dự cảm về tương lai.

 

Qua sự gần gũi với thầy tôi, Phó Tổng Thư ký Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi nhận thấy rất rõ mâu thuẫn giữa tầm cỡ lý tưởng và quy mô hoạt động thực tế; giữa vai trò hiện tại và quá khứ lịch sử của Giáo hội. Tôi không được trực tiếp tiếp xúc với những nhà lãnh đạo khác của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhưng qua thầy tôi, tôi cũng thấy chồng chất những vấn đề phức tạp, ngổn ngang, nan giải. Rất ít người làm việc thật sự mà đổ dồn hết công việc cho thầy tôi.

 

Tôi thấy môi trường công việc đem đến cho thầy tôi nặng trĩu lo âu, phiền muộn, khổ tâm, giằng xé, cũng như không thấy sự thỏa mãn về quyền lực của một nhà lãnh đạo tôn giáo có mấy chục triệu tín đồ. Thực tế, quyền lực đó chỉ biểu hiện hạn chế qua việc tôn kính của một số rất ít tăng ni. Còn đối với Phật tử, Phó Tổng Thư ký Viện Hóa đạo, cũng như cả Hòa thượng Viện Trưởng là ai, họ cũng không biết và không cần biết đến.

 

Làm Phó Tổng Thư ký Viện Hóa đạo, thầy tôi vẫn đi xe đạp, đội nón lá, sống trong căn phòng khoảng 10m2, chiều chiều nhóm lò dầu nấu cơm. Cái có thêm chỉ là những tiếng thở dài, những giờ vắt tay lên trán.

THÚC ĐẨY QUAN HỆ TỐT ĐẸP HƠN VỚI CHÍNH QUYỀN

 

Đó là trong khoảng từ năm 1977 đến 1980. Năm 1977, đại đức Thích Minh Kiến được Ban Chỉ đạo Viện Hóa đạo cử giữ chức vụ Phó Tổng Thư ký Viện Hóa đạo để thay vị Tổng Thư ký vắng mặt. Ban Chỉ đạo Viện Hóa đạo còn lại dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa đạo Thích Trí Thủ là những vị có xu hướng mềm dẻo ôn hòa. Làm việc dưới sự chỉ đạo của riêng Hòa thượng Thích Trí Thủ, thầy tôi có những ngày tháng tương đối dễ chịu, vì sự chỉ đạo là duy nhất, một hướng, chỉ căn cứ chỉ đạo từ Hòa thượng Viện trưởng mà làm theo.

 

Thầy tôi hết sức tôn kính Hòa thượng Thích Trí Thủ. Cả những năm về sau này, thầy tôi không hề có lời gì chỉ trích, phê bình Hòa thượng Thích Trí Thủ, mà thường tránh không đề cập đến nói chuyện về hòa thượng.

 

Thầy tôi ý thức rất rõ nhiệm vụ của mình trong hoàn cảnh nhận thức đặc biệt là phụ giúp Hòa thượng Thích Trí Thủ, nên trong những năm 1977 đến 1980 thầy tôi là cấp dưới hết sức đắc lực cho Hòa thượng Thích Trí Thủ, ra sức thực hiện những nhiệm vụ do Hòa thượng giao và đều hoàn thành tốt đẹp.

 

Hòa thượng Thích Trí Thủ là nhà lãnh đạo Phật giáo đại diện tiêu biểu cho xu hướng ôn hòa, mềm dẻo. Từ năm 1977, ngài nhận thấy vấn đề căn bản mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phải giải quyết là tìm kiếm mối quan hệ tốt hơn giữa Phật giáo với chính quyền.

 

Đại đức Thích Minh Kiến Phó Tổng Thư ký Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là người trực tiếp thực hiện mục tiêu này.

 

Hòa thượng Thích Trí Thủ chỉ đạo điều gì, thầy tôi thực hiện đúng theo sự chỉ đạo đó. Nói Đại đức Thích Minh Kiến lúc đó có góp phần vào công cuộc thống nhất Phật giáo năm 1981 thì không phải, nhưng vị Phó Tổng Thư ký Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mẫn cán phục vụ Hòa thượng Viện Trưởng Viện Hóa đạo Thích Trí Thủ đã trực tiếp điều hành hoạt động của trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đúng theo chỉ đạo Hòa thượng Viện trưởng, hướng tới mục tiêu cải thiện quan hệ với chính quyền, làm cho giáo hội và chính quyền thông cảm nhau hơn, khắc phục sự đổ vỡ do sự kiện 1977.

 

Bầu không khí tương đối thuận lợi trong quan hệ giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất với chính quyền vào những năm 1978, 1979, 1980 được hình thành phần nào có những cố gắng của người trực tiếp điều hành văn phòng Viện Hóa đạo lúc đó, thực hiện chủ trương của Hòa thượng Viện trưởng.

 

Chỉ có một sự chỉ đạo duy nhất, với một hướng hoạt động, nhằm vào những mục đích tương đối rõ ràng và dễ chấp hành, tôi cảm thấy ở thầy tôi sự thoải mái nào đó. Thầy không lo nghĩ nhiều, mà vui lòng trong cương vị người thừa hành, tận tâm làm việc.

 

Một sự kiện đáng nhớ là năm 1978 thầy tôi, theo sự phân công của Hòa thượng Viện trưởng, đã dẫn đầu đoàn tăng ni đi lao động đắp tuyến phòng thủ dài ngày ở ngoại thành TPHCM, trong mục tiêu góp phần của Phật giáo vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong Chiến tranh biên giới Tây Nam chống Khmer đỏ xâm lấn. Cuối đợt lao động quốc phòng của tăng ni dài ngày, Đai đức Thích Minh Kiến Phó Tổng Thư ký Viện Hóa đạo đã có những phát biểu nói lên lòng yêu nước, thương dân mà báo chí bấy giờ ghi nhận.

 

Trong khoảng năm 1979, 1980, Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa đạo có những thông điệp đầu xuân rất cởi mở trong quan hệ với chính quyền. Người chấp bút những thông điệp này tôi cũng không thể xác định, tôi không nhớ chính xác thầy tôi có phải là người tuyên đọc thông điệp này hay không, nhưng tôi nhớ trong dịp đọc thông điệp Lễ Phật Thành đạo cuối năm âm lịch, có thầy tôi bên cạnh Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa đạo, thầy tôi là người xướng ngôn trong dịp lễ đó. Trong chỗ riêng tư, thầy tôi cũng tỏ ý vâng thuận với thông điệp đó.

 

Tuy nhiên, khoảng từ nửa sau năm 1980 đến cuối năm 1981, trước vấn đề thống nhất Phật giáo, thì lãnh đạo cấp cao nhất Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có sự phân hóa, bất đồng, mâu thuẫn sâu sắc. Một bên là Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa đạo còn phía bên kia là các vị Phó Viện trưởng đệ nhất và Tổng Thư ký.

 

Về mặt nguyên tắc, tuy thầy tôi được cử vào chức vụ Phó Tổng Thư ký Viện Hóa đạo dưới sự chấp thuận của Hòa thượng Viện trưởng, để giúp việc cho Hòa thượng Viện trưởng trong khi vị Tổng Thư ký vắng mặt, là người được Hòa thượng Viện trưởng đề bạt nhưng là Phó Tổng thư ký thì thầy tôi là cấp dưới trực tiếp của vị Tổng thư ký, thượng tọa Thích Quảng Độ khi đó.

 

Như vậy, tất yếu khi Viện trưởng và Tổng Thư ký Viện Hóa đạo bất đồng nhau, thì thầy tôi, Phó Tổng Thư ký Viện Hóa đạo, bị kẹt ở giữa sự bất đồng đó, trong khi thầy Phó Tổng Thư ký đều tôn kính tuyệt đối cả 2 vị Viện trưởng và Tổng Thư ký, tự coi mình đều là học trò, là người thừa hành của tất cả các vị lãnh đạo cao niên hơn.

 

Từ khoảng cuối năm 1980, tôi thấy ở thầy tôi tập trung sự mâu thuẫn trong nội bộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lúc đó. Rất dễ để nhận ra thời kỳ làm việc tương đối dễ chịu của thầy tôi, dưới sự lãnh đạo duy nhất của Hòa thượng Viện trưởng đã chấm dứt.

 

Chính vì sự trách nhiệm và tận tụy đã khiến thầy tôi kẹt vào mâu thuẫn giữa hai bên.

 

Thầy tôi không nở quay lưng lại với bên nào, nhưng bên nào tất nhiên cũng muốn thầy tôi vâng lời.

 

Thầy tôi trước sau như một vẫn nhắc tới Hòa thượng Viện trưởng cũng như các đệ nhất Phó Viện trưởng vị Tổng Thư ký với sự tôn kính tuyệt đối.

 

Hòa thượng Viện trưởng hẳn là cũng đối xử tốt với thầy tôi. Hòa thượng đã đưa thầy tôi đi Huế, giới thiệu thầy tôi với chư tôn đức khắp các chùa ở kinh đô Phật giáo. Điều đó cho thấy Hòa thượng Viện trưởng quý thầy tôi đến mức nào.

 

Còn thượng tọa đệ nhất Phó Viện trưởng thì có lẽ chỉ thường qua phòng thầy tôi trong số quý thầy ở chùa Ấn Quang.

 

Thầy tôi cũng tâm sự, là Phó Tổng Thư ký thầy đương nhiên là cấp phó, là cánh tay của vị Tổng Thư ký. Thầy cũng hết sức tôn kính vị Đệ nhất Phó Viện trưởng và Tổng Thư ký.

 

Nửa sau năm 1981, mâu thuẫn trong giới lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lên đến tột độ và tôi rất lo lắng cho thầy tôi Thích Minh Kiến. Tôi hiểu đây không phải chỉ đơn thuần là mâu thuẫn trong nội bộ Giáo hội, mà tầm vóc, sự căng thẳng, cũng như ảnh hưởng có thể có với thầy tôi là lớn hơn rất nhiều.

 

Bổn sư của tôi, Thượng tọa Thích Hộ Giác khi đó, ông đã có cách giải quyết riêng theo hướng của ngài. Nên bên ngoài, ngài tỏ vẻ thuận theo Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa đạo. Sau này, tôi biết ngài ra đi thì không ngạc nhiên.

 

Nhưng tôi lo lắng cho thầy Minh Kiến, vì tôi biết thầy không tính đi đâu cả và trước mặt là một lựa chọn rất khó khăn. Một lần, tôi thấy có người mang đến tặng thầy Minh Kiến mô hình thủ công một con tàu buồm. Họ nói gì với thầy tôi không rõ, nhưng tôi thấy thầy đem cho lại mô hình con tàu một cách dứt khoát, với ý thầy không cần tàu, cũng không có gì bận tâm. Tôi thấy ý thầy như thế, cũng yên tâm, vì tôi không phải xa thầy, nhưng lại lo mối lo khác, không hiểu thầy giải quyết ra sao vấn đề thầy đang đối mặt.

 

Càng về cuối năm 1981 thượng tọa Đệ nhất Phó Viện trưởng Thích Huyền Quang ở phòng ngay sát vách phòng thầy Minh Kiến thường xuyên qua phòng thầy tôi. Mỗi lần như thế, tôi đều tế nhị ra về. Nhưng có khi Thượng tọa Phó Viện trưởng cũng chẳng kể tới sự có mặt của tôi (1). Nên tôi cũng đoán biết ít nhiều về tình hình mâu thuẫn lúc đó.

Con đường trước mặt thầy tôi là rất khó cho thầy, vì thầy trước sau như một, chỉ coi mình là đệ tử, là người thừa hành. Nhưng bây giờ lại thừa hành từ 2 phía có quan điểm mâu thuẫn, tất nhiên, có chỉ  đạo trái ngược nhau.

 

Tôi thương thầy tôi, thường người cho tôi sách vở, khuyến khích tôi trên con đường học ngành giáo dục, thường nấu cơm chiều cho tôi ăn, dạy tôi cách hành văn, nói chuyện, có lúc đến nhà tôi thăm tôi khi thấy một thời gian dài tôi không đến thầy... nên dù không muốn có ý kiến việc của giáo hội, của các vị tôn túc, nhưng do phản ứng tự nhiên của một người đệ tử không muốn xa thầy, tôi tất yếu phải tìm cách tác động đến thầy tôi, để thầy không rơi vào tình cảnh khó khăn hơn.

 

Thấy thầy tôi ngồi trầm tư, âu lo, suy nghĩ, tôi đã không chịu được, huống chi là hình dung đến những việc nặng nề hơn. Từ nửa sau 1980, tôi lên một kế hoạch tác động đến thầy, với suy nghĩ mình học khoa văn, là học sinh giỏi văn, đây là lúc dùng đến 3 tấc lưỡi. Từ đó, có khi tôi đưa thầy vào tình trạng sốc, mâu thuẫn giữa tôi và thầy lên đến lúc cao độ, nhưng thầy biết tôi làm thế chỉ vì thương thầy.

 

Cũng từ nửa sau năm 1980 thầy tuyệt đối giữ kín chuyện Giáo hội với tôi, hỏi gì thầy cũng không nói. Nhưng tôi cũng đoán được điều gì đang xảy ra giữa các nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và tôi đang rơi vào tình thế phải tham gia bất đắc dĩ vào câu chuyện bằng những tác động với thầy tôi.

 

Trong bài kỳ sau, tôi sẽ kể chi tiết tôi đã tìm cách tác động đến thầy tôi trong hơn một năm trời như thế nào, nên trước tiên chỉ ghi nhận ở đây lần thầy trò tôi va chạm đến đỉnh điểm: Khi tôi và thầy nói chuyện về Nguyễn Du, tôi đã cố gắng nhấn mạnh đến việc Nguyễn Du đã là quan 2 triều và theo tôi đó là lựa chọn có lợi nhất cho đại thi hào, vì không ai trách Nguyễn Du bất trung với nhà Lê cả. Theo tôi, Nguyễn Du không hề bỏ nhà Lê, vì ông vẫn hoài Lê trong thơ văn, nhưng thi hào đã thích nghi được với hoàn cảnh… Nghe đến đó, thầy tôi nổi giận, nạt tôi: “Con là ai vậy?”.

 

Từ lần đó về sau, tôi không dám nói chuyện Nguyễn Du làm quan nhà Nguyễn với thầy nữa, mà điều chỉnh cấp độ, chỉ nói rằng Truyện Kiều là một hình thức ở ẩn của Nguyễn Du, cũng như quan niệm của triết học Đông Phương Trung Quốc về kẻ sĩ làm quan giúp đời hay ở ẩn, về “hành” và “chỉ”, xa xôi, bóng gió.

 

Bạn đọc đừng trách tôi đã mạo phạm đến đại sự của hàng lãnh đạo Phật giáo khi tìm cách tác động đến thầy mình. Tôi không bao giờ nghĩ rằng thầy tôi đã nghe lời tôi, mà thầy có những lựa chọn riêng của thầy, không dễ gì để ai tác động.

 

Bây giờ, ở trời Tây, nếu thầy có gặp lại Hòa thượng Viện trưởng hay Hòa thượng Đệ nhất Phó Viện trưởng, thầy Minh Kiến đều có thể chào lễ cả 2 vị mà không vị nào có thể phiền trách gì thầy cả cho dù ở trên đó hai ngài vẫn giữ quan điểm riêng.

 

Mục tiêu của tôi suy cho cùng cũng là như vậy, không dám đi xa hơn, miễn sao là thầy tránh được những gì bất lợi nhất, rắc rối nhất trong buổi giao thời ngày đó. Mục tiêu tác động của tôi chỉ là sao cho thầy thích nghi đến mức cao nhất có thể đối với hoàn cảnh thay đổi, thoát ra khỏi não trạng bi kịch. Ở việc đi ẩn tu của thầy vừa có tinh thần đạt đạo của kẻ sĩ (đạo hiểu theo nghĩa Triết học Trung Hoa), vừa có tinh thần “trung đạo” của một vị cao tăng Phật giáo, khi đứng trước thế lựa chọn lưỡng cực.

 

(còn tiếp)

MT

 

  1. Vì thời gian đã lâu, nên dù tôi nhớ giáo phẩm của vị Phó Viện trưởng đệ nhất của Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thích Huyền Quang lúc này là thượng tọa, không biết có chính xác?

 

Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle