Tâm thư khuyến học gửi học trò

tam thu

Nguyên Cần con,
Đọc thư con Thầy hồi âm và trả lời cho con đây:


1- Những vị giảng sư nói rằng, Phật giáo chỉ độ sanh, chứ không độ tử là giảng sai. Sanh tử là hai khía cạnh của một thực thể. Nên độ sanh cũng là độ tử và độ tử cũng là độ sanh. Không tử lấy gì sanh và không sanh lấy gì tử? Ai có duyên độ sanh để chuyển hóa tử, thì cứ độ sanh và ai có duyên độ tử để chuyển hóa sanh, thì cứ độ tử.
Việc một số quý thầy trá hình, biến việc độ sanh hay độ tử như là một dịch vụ hay một nghề nghiệp làm ăn, thì đó là cá nhân của họ. Họ tạo nghiệp xấu, thì họ nhận quả báo khổ. PG không phải do những vị ấy mà trở thành xấu. Việc làm dịch vụ độ sanh hay độ tử không phải là việc làm của Phật giáo mà việc làm của PG là có thể sử dụng bất cứ phương tiện nào để giúp cho người ta bỏ ác làm lành, giữ tâm ý trong sạch và có khả năng chấm dứt sanh tử luân hồi, đem lại an bình cho xã hội, thì PG điều sử dụng và xem đó là phương tiện thiện xảo.
2- Ngài Bồ tát Quán Âm không phải làm nam tính hay nữ tính, vì sao? Vì tâm ái dục nơi Ngài không còn, nên nam tính hay nữ tính, nam tướng hay nữ tướng đều là tùy duyên hóa độ, chứ không phải do nghiệp lực buộc ràng. Đối với những chúng sanh, những quốc độ cần xử dụng nam tướng để hóa độ, thì Ngài liền sử dụng nam tướng để hóa độ và đối với những chúng sanh hay những cõi nước nào cần dùng tướng nữ để hóa độ, thì Ngài liền sử dụng thân tướng người nữ để hóa độ. Không những vậy, có khi Ngài còn sử dụng cả thân tướng Trời, A Tu la, Tỷ kheo, Tỷ kheo ni... để hóa độ nữa. Nên, đối với Bồ tát Quán Thế Âm, thì hết thảy tướng đều là tướng của Ngài.
Vì vậy, ở Việt nam Ngài thường hiện ra tướng nữ như câu chuyện Quan Âm Diệu Thiện hay Quan Âm Thị Kính và các xứ sở khác, thì Ngài thường hiện ra tướng Nam.
Con có gắng chiêm nghiệm về tâm Từ bi thương người của mình, rồi con sẽ nhận ra, vì sao Bồ tát Quán Thế Âm có nhiều hình tướng như thế?
 

Vài dòng cho con

Thầy.


Nguyên Cần con thương quý!

Giữa cái biết và cái hành còn cách nhau xa lắm con ạ. Tham thì ai cũng biết là xấu. Ngay những kẻ trẻ thơ lớp một, cũng đã biết tham là xấu, nhưng hiểu biết như một nhà bác học cũng không dễ gì bỏ được lòng tham.
Muốn bỏ những tính xấu trong tâm mình, Phật dạy có nhiều phương pháp. Một trong những phương pháp hữu hiệu là thực tập hạnh Từ bi. Từ là ôm lấy nỗi đau của mình để chăm sóc và chuyển hóa bằng chánh niệm. Bi là ôm lấy nguyên nhân sinh khởi khổ đau nơi tâm mình để chặt đứt bằng sự tỉnh giác. Nguyên nhân sinh khởi khổ đau nơi mình là tâm ganh tỵ, tâm đố kỵ, tâm mặc cảm, tâm chấp ngã.
Chánh niệm và tỉnh giác ở trong Từ bi như vậy, nếu thực tập thường trực thì những tánh xấu nơi ta không có điều kiện để phát sanh, nhưng nếu không thường trực thì nó có điều kiện để phát sinh, nhưng mức độ chậm và thời gian tồn tại ít hơn, khi mình hoàn toàn không thực tập.
Vấn đề còn lại là con phải kiên trì và nỗ lực thường xuyên. Nhớ quá khứ không phải là chuyện xấu. Không có chủng tử nào trong tâm thức ta mà không liên hệ đến quá khứ, khi những chủng tử ấy hiện khởi nơi tâm con, con chỉ nhìn nó và mỉm cười, rồi nói với nó, đó là chuyện của quá khứ, bây giờ ta đang có cái mới và ta đang thực tập cái mới nầy để có cái niềm vui mới.
Con hãy đem niềm vui mới ôm lấy cái cũ. Nếu cái cũ không lành mạnh thì nó sẽ giảm trừ và chuyển hóa, và nếu cái cũ lành mạnh thì nó sẽ thăng tiến cùng với niềm vui của con và nó sẽ cho con niềm vui để sống.

Vài dòng cho con, chúc con thực tập thành công.

Thầy Thái Hòa

 

 

Thăm đệ tử Hoàng Thiên,

Chị nghe vị giảng sư nào đó giảng Tịnh độ Phật A di đà là hóa thành trong một buổi tu Bát quan trai, làm cho chị có cảm giác không vui. Chị không vui là đúng, vì vị giảng sư ấy giảng sai giáo lý làm sao chị vui được? Do không thông đạt giáo lý mà giảng sai đã là một điều khó chấp nhận, huống hồ vì kỳ thị pháp môn mà cố ý giảng sai, để cho người khác hiểu sai về Tịnh độ, thì quả thật con người ấy quá gian tà.

Đức Phật nào ra đời cũng giảng dạy giáo lý bao gồm cả hóa thành và bảo sở. Hóa thành là phương tiện giáo hóa của Phật. Bảo sở là mục đích giáo hóa của Phật. Không có hóa thành sẽ không có bảo sở. Không có nguyên liệu và nhân công xây dựng, thì không bao giờ có ngôi nhà. Không có hóa thành làm gì có bảo sở. Có ai đi đến bảo sở mà không trải qua hóa thành? Tịnh độ Phật A di đà có đầy đủ cả hóa thành và bảo sở. Cõi phương tiện Thánh cư độ là hóa thành của Tịnh độ và cõi Thường tịch quang độ của Tịnh độ là bảo sở của Tịnh độ.

Đức Phật Thích Ca giáo hóa chúng sanh nơi cõi Ta bà nầy, Ngài trình bày giáo lý đầy đủ cả năm thừa gồm Nhân thừa, Thiên thừa, Nhị thừa (Thanh văn thừa, Duyên giác thừa), Bồ tát thừa và Phật thừa. Phật thừa là bảo sở, các thừa khác là hóa thành. Phật A di đà hiện đang thuyết pháp ở cõi Tịnh độ phương tây cũng đầy đủ năm thừa như vậy. Và chư Phật trong mười phương cũng trình bày giáo lý có đầy đủ năm thừa như vậy. Nhưng điểm cuối cùng, các Ngài đều quy về nơi Phật thừa, mà từ ngữ các nhà Phật học Pháp hoa gọi là "hội tam quy nhất" hay "phế quyền hiển thật".

Thầy rất vui, khi biết rằng, niềm tin Tịnh độ của chị rất vững chãi. Cảm ơn đức tin Tam bảo và sự tu học của chị. Chúc chị và gia đình một mùa Vu lan an lành.

Thầy.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle