Minh Đức Triều
Tâm Ảnh
Hôm nay chúng ta có
một đề tài đột xuất,
lý do là có một số
thiền sinh muốn biết
“trú xứ nào thích
hợp để hành thiền”?
Câu hỏi này rất hay.
Đúng ra, đây phải là
bài học đầu tiên cho
tất cả những ai sơ
cơ bước vào đời sống
tu học nghiêm túc;
nhưng do là tôi
thường hay nói
chuyện, giảng pháp,
giảng thiền trước
hội chúng đã từng tu
tập - nên tôi quên
bẵng là có những
người đến tập thiền
hôm nay còn rất mới
mẻ.
“Trú xứ thích hợp”,
thật ra cũng không
phải đơn giản. Đã
rất nhiều người hiểu
lầm. Tôi nhớ thời
gian sau những năm
1975 dường như chín
mươi phần trăm tu sĩ
đều hoàn tục do
“hoàn cảnh tu học
không còn thích
hợp nữa”. Một số
khác có chí tu, muốn
tìm chỗ tu tập thuận
tiện, tiện nghi hơn,
họ viện dẫn một đoạn
kệ trong 38 pháp
hạnh phúc: “Ở trú
xứ thích hợp, công
đức trước đã làm,
chơn chánh hướng tự
tâm, là phúc lành
cao thượng” (Patirūpa-desa-vāso
ca. Pubbe ca
kata-puññatā. Atta
sammā panīdhi ca.
Etaṃ
maṅgagam’uttamaṃ).
Rồi họ nói: Chính
đức Phật cũng đã
từng dạy, muốn có
hạnh phúc cũng cần
phải đi tìm kiếm
trú xứ thích hợp
kia mà! Trú xứ
thích hợp cái
kiểu đó chính là đầy
đủ phương tiện vật
chất. Nhưng chúng ta
đã hiểu rõ rằng, các
nước văn minh tiên
tiến, cơ bản họ
không lo cái ăn, cái
mặc nữa, nhưng những
bất hạnh về gia đình,
những mối bất hòa về
cha con, vợ chồng,
những căng thẳng quá
tải do công việc đã
đưa đến những khổ
đau về tinh thần là
thảm họa khôn lường
do sự cạnh tranh lợi
nhuận mà ra. Vậy,
trú xứ thích
hợp không phải
là tìm chỗ dư dã vật
chất. Nước
Bhutan
là nước theo Phật
giáo, có thể họ còn
rất nghèo nhưng
chỉ số hạnh phúc đầu
người của họ
được xem là cao nhất
thế giới. Xứ Kuru
thời đức Phật - một
bộ lạc nghèo - cũng
thuộc loại có chỉ số
hạnh phúc đầu người
cao nhất Ấn Độ thời
bây giờ, nhờ người
dân ở đây đều tu tập
Tứ Niệm Xứ. Myanmar
là một trong những
đất nước nghèo nhất
thế giới nhưng lại
là nơi xuất sinh
những vị thiền sư có
ảnh hưởng tầm thời
đại; và ở tại đấy đã
có nhiều trường
thiền tu học nghiêm
túc, lôi cuốn Tăng
ni Phật tử khắp năm
châu. Đến đây ta có
thể loại trừ trú
xứ thích hợp
theo nghĩa vật chất
ở trên... Nói cụ thể
hơn tí nữa, trú xứ
thích hợp không phải
đi tìm chỗ ăn ngon,
mặc đẹp, nhà cao cửa
rộng, mọi tiện nghi
đều được cung phụng
đầy đủ...
Có người hỏi.
- Vậy thì nghèo, khổ
mới tu được hay sao,
thưa thầy?
- Đấy, bạn lại rơi
vào cực đoan
khác. Ở Ấn Độ, ai
đầy đủ quyền lực,
giàu sang, danh vọng
hơn đức vua
Bimbisāra, đức vua
Pāsenadi ? Ai có
vàng bạc, của cải
hơn ông Cấp Cô Độc,
bà Visākha? Ai có
gia sản lớn như ngài
Sārīputta,
Mahākassapa? Rồi các
vị vua thời Lý, Trần
của chúng ta nữa? Và
gần đây nhất, hiện
nay, các nước văn
minh tiên tiến trên
thế giới như Hoa Kỳ,
Anh, Đức, Pháp, Úc,
Canada... người ta
nghiên cứu Phật học
và hằng ngàn chùa
chiền, tu viện,
thiền viện để cho
mọi người tu tập thì
sao nhỉ? Vậy nghèo
giàu không phải là
vấn đề, nó không
phải là cái quyết
định. Lại nữa,
trú xứ thích hợp
cũng chưa phải là
nhân tố quyết định.
Nó chỉ là duyên.
Chúng ta tu học,
chúng ta thiền tập
cũng phải biết tạo
những duyên tốt cho
sự tu học, cho sự
thiền tập ấy được
tốt hơn, có hiệu quả
hơn, có phải thế
không? Một hạt lúa
mà gieo trên đất khô
cằn, không có phân,
không có nước... thì
nó sẽ không thể
thành cây lúa tốt
tươi được. Cũng vậy,
có tâm tu, muốn công
phu thiền tập cho có
hiệu quả, chúng ta
phải có những bước
chuẩn bị, lựa chọn,
tìm kiếm môi trường
thích hợp... tương
tợ như thêm phân,
thêm nước, chăm bón
cho cái cây lúa kia
vậy.
- Tức là lựa tìm cái
chỗ ở hoặc nơi chốn
thích hợp để hành
thiền, phải không
thầy?
- Ở trường hợp đang
nói đây thì đúng như
vậy! Cái nơi chốn,
cái chỗ ở thích hợp
để hành thiền, lý
tưởng nhất - nói cái
lý tưởng nhất trước
đã - thuở đức Phật
thì khác, bây giờ
thì khác! Bây giờ
thì có thể tìm kiếm
10 chỗ sau đây:
Một - rừng, cội cây,
ngôi nhà trống...
Hai - không gần xóm
cũng không xa xóm...
Ba - không gần đình,
miếu, am, quán...
thường có nhiều
người vào ra và
nhiều cuộc lễ hội,
cúng kỵ...
Bốn - nơi không có
thú dữ, nơi tụ họp
của bọn xì-ke, ma
túy, gần hang ổ bọn
trộm cắp, tội
phạm...
Năm - không gần chỗ
nga ba, ngã tư, bến
nước, nhà ga, siêu
thị, chợ búa...
Sáu - không gần chỗ
khách du lịch, vui
chơi giải trí, tắm
giặt, vũ điệu hát ca
phù phiếm...
Bảy - không gần chỗ
hội họp, hội thảo,
tiệm internet; nơi
cờ bạc, quán cà phê,
quán rượu, nơi chơi
cổ phiếu - thị
trường chứng
khoán...
Tám - không gần nơi
lò mổ, trại nuôi heo
bò, gà vịt...
Chín - không gần
trại phong cùi, trại
tù binh trọng hình,
trọng án...
Mười - tránh xa
những cơ sở công
nghiệp do động cơ,
khí thải làm cho
không gian, đất đai,
nguồn nước ô
nhiễm...
- Đúng là lý tưởng -
một người thốt
lên - nhưng ở
đâu tìm ra được hoàn
cảnh và môi trường
tuyệt vời như thế?
- Tôi biết. Vì đấy
là lý tưởng. Nhưng
trong hoàn cảnh cụ
thể của mỗi người,
ai cũng có thể thu
xếp cho mình một góc
phòng nào đó, khoảng
thời gian nào đó để
tập định. Nói ngắn
gọn, là nên tránh xa
chỗ ồn ào, bụi bặm,
chỗ dễ bị lây nhiễm
tập tính xấu, chỗ dễ
làm cho ta phân tâm,
nhiễu loạn... quý vị
đã nắm rõ như thế
chưa?
- Thưa vâng!
Yên lặng một lát
rồi có người nói:
- Chỗ của tôi ở rất
ồn ào, hai bên kẹp
chặt một quán cà-phê
và một quán ăn nhậu,
đến chín mười giờ
đêm vẫn không yên;
trong trường hợp ấy,
làm sao để tập thiền
hở thầy?
- Quả là khó đấy!
Vậy thì từ lâu, bạn
đã đối trị ra làm
sao?
- Dạ thưa vâng! Tôi
sẽ kể hầu thầy nghe,
đồng thời muốn san
sẻ với các bạn kinh
nghiệm mà tôi đã
trải qua. Suốt mấy
tháng trường, tôi đã
không an trú vào hơi
thở được, thế là tức
giận, sân hận ồ ạt
nổi lên. Hôm kia,
tôi chợt hỏi: Tại
sao, mình lại tức
giận? Mình ngồi
thiền là để mà sân
hận như thế này hay
sao? Hóa ra, do mình
muốn sự yên lặng,
ước muốn ấy do không
được toại nguyện,
không được hài lòng,
thỏa ý nên mình đã
bực tức. Vậy tại sao
mình không từ bỏ đối
tượng trở ngại bên
ngoài rồi lắng nghe
sự tức giận ấy nó
nung đốt mình ra làm
sao? Thế rồi, tôi
chỉ ngồi và quan
sát, lắng nghe cái
tức giận. Tôi đã
tỉnh giác, chú tâm
liên tục. Lát sau,
điều kỳ diệu xẩy ra,
nghĩa là, tiếng nhạc
loạn ồn ào bên ngoài
đã trở nên mơ hồ, xa
vắng; và cơn tức
giận bên trong nó
cũng đã dần dần lắng
dịu xuống rồi tan
loãng đi. Tôi nhủ
thầm: Đúng vậy rồi,
cái gì có sanh
thì cái ấy có diệt!
Tôi đã nhìn ngắm
được cái sinh diệt
của tâm sân! Đấy
là cách đối trị của
tôi để vượt qua
chướng duyên bên
ngoài. Thế có tốt
không thưa thầy?
- Đúng, vậy là tốt!
Do nhờ ông bạn đã
tập thiền nhiều năm
nên đã thấy rõ mình
luôn bị chi phối bởi
hai năng lực tham và
sân. Muốn yên lặng,
muốn dứt tiếng ồn -
đấy là tham;
ước muốn ấy không
được toại nguyện -
nên sinh ra bực tức
- đấy là sân.
Bạn đã nghiêm túc
lắng nghe, và biết
rõ ước muốn yên lặng
ban đầu là do tham,
sau đó, do ước muốn
ấy không toại nguyện
nên phát sanh sân!
Sự lắng nghe, quan
sát tham và sân này
- chính lúc ấy, bạn
đã bước qua giai
đoạn niệm tâm
rồi đấy!
- Ông bạn làm được
việc ấy, còn tôi vì
mới sơ cơ nên không
thể - một người
góp ý - Chắc tôi
sẽ nổi sùng lên,
nóng nảy làm một
việc sai lầm gì đấy
thì nguy to! Vậy,
tôi sẽ cố gắng tìm
kiếm trú xứ thích
hợp để hành thiền,
để tu tập như 10
điều kiện thầy nêu ở
trên - vừa lợi lạc
cho mình vừa giúp
cho con cái được
sống trong môi
trường trong lành,
cách ly được một
phần nào sự thác
loạn, ồn ào, đủ mọi
thứ ô nhiễm do con
người và xã hội gây
ra. Tôi sẽ cố gắng
tìm chỗ tốt nhất.
- Đúng vậy! Mỗi
người có thể tìm
kiếm trú xứ thích
hợp tùy hoàn cảnh
của mình, khả năng
của mình; tuy nhiên,
không ở đâu có điều
kiện tốt tuyệt đối.
Sau khi có điều kiện
về không gian
tương đối rồi, chúng
ta còn cần sự lựa
chọn thời gian
nữa. Buổi khuya,
trước khi đi ngủ; và
buổi sáng khi vừa
thức dậy, thời gian
ấy là tốt nhất. Tại
sao vậy? Vì trước
khi ngủ, mình tập
thiền, năng lực của
thiền có thể duy trì
cho mình một giấc
ngủ an lành, không
có những giấc mộng
dữ. Buổi sớm, mình
tập thiền, năng lực
của thiền giúp mình
ổn định thân tâm
suốt một ngày làm
việc. Các bạn phải
thấy sự rõ lợi ích
ấy.
Có một người hỏi.
- Có người bảo nên
tập thiền vào lúc
nửa đêm, giờ tý,
lúc ấy dương khí
mới sinh - có
đúng không thầy?
- Điều ấy đúng, đúng
với cách luyện khí
công của đạo gia. Họ
luyện tinh thành
khí, khí hóa thần,
thần hoàn hư
theo quan niệm bí
thuật của các đạo sĩ
tu tiên. Theo đó, họ
thở dài và sâu, ép
hơi thở xuống đan
điền, giữ hơi thở
càng lâu càng tốt,
bế hậu môn, dùng
tưởng hâm nóng,
đốt cháy tinh,
chuyển tinh
thành khí,
dẫn khí lên
cột tủy sống để nuôi
dưỡng thân xác với
ước mong trẻ mãi
không già, thanh
xuân, trường thọ...
Chúng ta tu Phật, tu
thiền cốt để giải
quyết phiền não nội
tâm, có nên cưng
chiều cái thân, tu
luyện cho cái thân
để phát triển dục
vọng như thế không -
thì các bạn đã hiểu
rồi.
Có người phát
biểu.
- Đúng vậy! Thầy đã
nói đúng, đấy là
cách nuôi lớn, phát
triển dục vọng.
Nhưng nếu cũng ngồi
vào giờ tý, quay mặt
về hướng Bắc, vì lúc
ấy mặt trời - dương
khí ở hướng Bắc -
thì có tốt không
thầy?
- Tốt! 24 giờ đêm,
mặt trời ở hướng
Bắc; 6 giờ sáng, mặt
trời ở hướng Đông;
12 giờ trưa, mặt
trời ở hướng
Nam;
18 giờ chiều, mặt
trời ở hướng Tây.
Đúng những giờ khắc
ấy, quay mặt về
hướng dương khí ấy,
nó trợ lực tốt cho
dương khí ở trong
chúng ta - nhưng
cũng rất tương đối;
quan trọng nhất ở
đây là đừng có
phản lại các
lực, các khí
các từ
của vũ trụ... quý vị
có hiểu không?
- Dạ chưa hiểu!
Dường như thầy cố ý
nói đến phong
thủy khi đề cập
đến các khí,
các từ, các
lực của vũ
trụ?
- Đúng vậy, nhưng,
lãnh vực phong thủy
cũng khá lớn rộng,
cái đúng, cái sai
của nó - các trường
phái Đông Tây có
nhiều kiến giải khác
nhau; nó chưa hắn là
thước đo trung
chính; thứ nữa nó
cũng không quan
trọng lắm trong sự
thiền tập. Chúng ta
chỉ cần biết rằng,
từ trường của
quả đất đi từ Bắc
xuống
Nam.
Khi đức Phật nhập
diệt, ngài nằm thuận
với từ trường của
quả đất: Đầu hướng
Bắc, nằm nghiêng mặt
về hướng Tây - tim
không bị ép - lưng
hướng Đông, chân co
chân duỗi xuôi
Nam!
Quả là kỳ diệu thay
trí tuệ của một bậc
Toàn Giác - vì thuở
ấy khoa thiên văn,
địa lý đang còn quá
sơ khai!
- Vậy trú xứ thích
hợp còn cả yếu tố
phong thủy trong đó
nữa sao?
- Không cần thiết!
Chỉ cần biết chút
ít. Chỉ cần biết
chút ít để chúng ta
không nên nghịch lại
với các lực,
các khí, các
từ ấy - có
hại cho sức khỏe -
mà phải biết vận
dụng chúng để trợ
lực thêm cho mình,
thêm duyên lành cho
mình không tốt hơn
sao? Ví dụ, nhà ở
nên quay mặt về các
hướng Đông
Nam,
Tây
Nam
để hưởng ánh nắng
mặt trời buổi sớm -
chắc hẳn là tốt hơn
khi chúng ta quay
lưng lại với nó? Và
gió cũng vậy, có gió
lành, có gió độc.
Nước cũng vậy, thuận
thế nước tốt hơn là
nghịch lại với nó.
Nói tóm lại, với
phong thủy, chúng ta
cũng nên nắm bắt cái
nguyên lý của nó để
sống, để ở, để tập
thiền - vì ngoại
duyên thuận hợp bao
giờ cũng tốt hơn là
nghịch duyên vậy.
Một người hỏi.
- Vậy thì khi mà
chúng ta lựa chọn
trú xứ thích hợp rồi
- nghĩa là không
gian thích hợp, thời
gian thích hợp - thì
sự tập thiền của
chúng ta sẽ dễ dàng
thành tựu?
- Chưa đâu! Đấy mới
chỉ là ngoại
cảnh, chúng ta
còn cần phải chuẩn
bị thân tâm
nữa.
- Xin thầy hãy cho
nghe một cách rộng
rãi.
- Vâng. Các bạn hãy
nghe đây. Đức Phật
dạy: Giới năng
sinh định, định năng
sinh tuệ; hoặc
giới là nền tảng
của định, định là
nền tảng của tuệ.
Vậy, chuẩn bị thân
tâm có nghĩa là thân
tâm ấy phải có giới,
thân tâm ấy phải mát
mẻ, trong lành cả
nghĩa đen lẫn nghĩa
bóng. Ít ra là thân
tâm ấy không có một
đời sống buông lung,
phóng dật, rượu chè,
cờ bạc, tham lam,
bạo tàn, hung dữ,
độc ác... Nếu trước
đây đã từng lỡ dại
khờ, mê muội mà sống
như vậy thì nay phải
hồi đầu, hướng
thiện, phải biết thọ
trì tam quy và ngũ
giới. Không có nền
tảng tối thiểu của
giới như vậy mà mong
định, mong thiền,
mong tuệ thì chỉ là
ảo tưởng mê vọng.
Gia dĩ trong năm
giới mà bạn cảm thấy
đôi lúc có sai phạm
- cũng không sao,
biết có sai phạm là
tốt; nhưng trước khi
hành thiền, bạn nên
tắm rửa sạch sẽ, đốt
nhang, xông trầm,
đối trước tượng
Phật, tự sám hối, tự
xin giới rồi tụng
đọc một bài kinh Tam
Bảo... thì thật là
một sự chuẩn bị thân
tâm một cách chu đáo
và trọn lành. Làm
được như thế thì
thân bạn an ổn, mát
mẻ, tâm bạn an ổn,
mát mẻ... và nó
chính là cơ sở tiền
đề, nền tảng cho
chúng ta đi vào tập
thiền, dù định hay
tuệ một cách rất dễ
dàng.
- Chúng tôi hoàn
toàn hiểu! Nhưng nếu
như lúc ấy - một
không thời
gian nào đó -
chúng tôi muốn tập
thiền nhưng không có
một chỗ thờ tự trang
nghiêm thì sao ạ?
- Cũng không sao cả!
Tôi chỉ muốn nhấn
mạnh trường hợp một
vài người có đời
sống buông lung,
phóng dật; do đời
sống buông lung,
phóng dật nên thân
tâm không yên; vì
thân tâm không yên
nên phải chuẩn bị
cho thân tâm ấy một
cách chu đáo như
thế. Đấy là cá biệt.
Còn đa phần, những
người đã tập thiền
lâu năm thì có thề
ngồi đâu cũng được,
không thời gian nào
cũng được - và chỉ
cần chấp tay, thầm
niệm Phật ba lần cho
thân tâm được thu
thúc trang nghiêm
lại - là đủ rồi! Và,
có điều các bạn đừng
quên, sau khi xả
thiền - nên hồi
hướng công đức đến
cho chư thiên, thọ
thần, phi nhân bao
giờ họ cũng cư trú
xung quanh chúng ta.
Hồi hướng phước báu
đến cho họ, họ sẽ
hoan hỷ; và khi mà
họ hoan hỷ thì cả
không gian xung
quanh đều được mát
mẻ, yên ổn, an
vui... Đừng nghĩ đấy
là duy tâm, đừng
nghĩ đấy là nương
tựa tha lực! Nó là
sự thật đấy! Sự thực
trong đời sống toàn
diện với mọi tương
quan giữa ta và vạn
hữu!
- Vâng! Phải vậy mới
chí lý! Và cả chí
tình nữa! Chúng tôi
hoàn toàn hiểu
trú xứ thích hợp
rồi, thích hợp cho
cả thiền định và
thiền tuệ lúc tọa
thiền. Còn trong
sinh hoạt thường
nhật nữa, thiền tập
minh sát
vipassanā nó như
thế nào hả thầy?
- Từ từ đã! Dĩ
nhiên, thiền tập
minh sát
vipassanā, ngoài
tọa thiền ra,
còn chú trọng
nơi mọi oai nghi đi,
đứng, ăn nói... của
tất cả quý vị. Và
dường như cái này
quan trọng nhất:
Thiền quán trong
sinh hoạt thường
nhật! Cái này thì
còn nói dài dài,
nhưng phải từng
bước, từng bước một.
Hôm nay ta có thể
chấm dứt ngang đây
là vừa phải lẽ! Buổi
nói chuyện này chỉ
để dành cho một số
cư sĩ tập định sơ
cơ, phải cần trú xứ
thích hợp như vậy.
Còn người tu minh
sát tuệ lâu năm, đã
thuần thục thì đối
với họ, cái chợ đời
ồn ào, huyên náo lại
thuận hợp cho họ
lắng nghe, chiêm
nghiệm bài học giác
ngộ.
Minh Đức Triều
Tâm Ảnh |