Hình ảnh những bến đó, những sân ga, gợi cho
chúng ta sự linh động của đến, đi, chia
tay và hội ngộ, khởi hành và điểm tới, tùy
theo định hướng của từng đối
tượng.
Suốt chặng đường đời, đã bao
lần lữ khách đứng bên sông, đợi bóng
một con đò, lòng bâng khuâng tưởng về nơi
sẽ tới, người sẽ gặp? Hay còi tầu
giục giã sân ga có làm nôn nao bao người đi, kẻ
ở?
Nhân gian đã từng ngược xuôi muôn vạn chuyến
Đi, Về, nhưng con đò kia, chuyến tầu nọ,
hình như chỉ là “Nhạn quá trường không.
Ảnh trầm hàn thủy. Nhạn vô di tích chi ý. Thủy vô
lưu ảnh chi tâm”, chẳng lưu lại gì, như
chim bay ngang trời, bóng chìm đáy nước. Chim không ghi
lại hình ảnh của ý, thì nước nào mà ghi
được bóng dáng của tâm?
Thế nên, nhân gian cứ đến và đi như gió
thoảng mây trôi, cứ tiếp tục luân hồi chìm
đắm, dù thảng hoặc, sách vở ghi lại
những Đến và Đi “lịch sử”, theo quan
niệm hạn hẹp của nhân gian. Chẳng hạn -
một sự kiên thôi -như chuyến đi của tráng
sỹ Kinh Kha, một mình một kiếm sang Tần với
nhiệm vụ giết bạo chúa để cứu muôn
dân.
Thí dụ sự kiện này vì Kinh Kha được ca
ngơi tới mức danh-từ-riêng “Kinh Kha”
được người đời dùng như một
tĩnh từ kép để nói về cái đẹp, cái uy
dũng, cái hào khí ngất trời, thỉnh thoảng
thấy trong thơ văn, như bước-chân kinh-kha,
khí-phách-kinh-kha, tấm-lòng-kinh-kha v...v...
Tráng sỹ Kinh Kha không hoàn thành được sứ
mạng vì âm mưu bị bại lộ. Dù không ai luận
anh hùng qua sự thành bại, nhưng những huyền
thoại quanh việc Kinh Kha sang Tần có những
điều tàn nhẫn quá đáng. Chẳng hạn, trong
tiệc rượu vua quan triều thần khoản đãi
trước lúc ra đi, Kinh Kha chỉ buột miệng khen
cánh tay đẹp của một ca nhi dâng rượu thì sau
đó ít phút, một mâm tặng phẩm phủ khăn
lụa đỏ được đem ra. Kinh Kha mở
tấm lụa, thảng thốt. Đó là đôi tay
đẹp của người ca nhi vừa dâng rượu
!!!!!!
Chuyến ra đi làm sao còn đẹp khi máu vô tội đã
chảy vì bước chân người đi!?
Nhưng may thay, có những chuyến đi không tiện
rượu, không nhã nhạc, không cả tấp nập
tiễn đưa, nhưng những chuyến đi ấy
còn rực rỡ hào quang đến nay, còn là đuốc soi
đường, còn vô cùng vô tận lợi ích quần sanh.
Đó
là chuyến đi của người thanh niên tên Huệ
Năng, nhà nghèo, mù chữ, xuất thân từ đất
Lĩnh Nam. Cha mất sớm, Huệ Năng làm nghề
đốn củi nuôi mẹ, chưa từng bao giờ
được đến trường tiếp nhận
một chữ Thánh Hiền. Một lần giao củi
tới nhà khách, Huệ Năng thoáng nghe tiếng tụng kinh.
Dừng sát bên vách, ghé tai chăm chú, chàng thanh niên đó nghe
được câu kệ “Ưng vô sở trụ, nhi sanh
kỳ tâm”. Chỉ câu kệ đó đã thúc đẩy
Huệ Năng can đảm bước vào hỏi:
- Thưa ngài, ngài đang tụng kinh gì đó?
Khách bảo:
-
Ta tụng kinh Kim Cang, do Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn chùa
Đông Thiền, huyện Hùynh Mai tuyên giảng.
-
Thưa ngài, từ đây tới đó bao xa?
-
Đi khoảng ba mươi ngày sẽ tới, ngươi
hỏi làm chi?
-
Thưa ngài, tôi muốn được nghe pháp vi diệu
này.
Tấm
lòng thiết tha cầu đạo của chàng thanh niên nghèo
đã làm một thiện nhân cảm động. Sauk hi
biết Huệ Năng còn phải lo nuôi mẹ, người
ấy đưa cho Huệ Năng mười lạng
bạc, bảo về thu xếp sự ăn ở cho
mẹ già để yên tâm lên đường trực
chỉ Hoàng Mai.
Nếu
duyên chưa hội đủ, có kẻ xa lạ nào sẵn
lòng đưa mười lạng bạc cho người
thanh niên nhà quê, làm nghề đốn củi, chỉ vì ý
muốn vu vơ là tìm thầy học đạo?
Chi
tiết này, ngỡ như tình cờ, nhưng nào phải là
sự tình cờ bình thường! Nếu không có
mười lạng bạc mà an tâm thu xếp về cái
ăn, nơi ở cho mẹ già, thì người con hiếu
thảo như Huệ Năng không bao giờ ra đi
được. Và nếu không có chuyến đi này,
liệu hậu thế có Lục Tổ Huệ Năng?
Chuyến
đi đó, tranh vẽ nào có thể đẹp hơn?
Khi
đến huyện Huỳnh Mai, Huệ Năng hỏi
đường tới chùa Đông Thiền, vào bái yết
Ngũ Tổ. Tổ hỏi:
- Ngươi từ đâu ? Tới cầu chi?
- Thưa Tổ, con người Lĩnh Nam, tới cầu làm
Phật.
- Người Lĩnh Nam quê mùa, sao cầu làm Phật
được?
- Thưa Tổ, người tuy có Nam có Bắc nhưng
Phật tánh thì không phân chia Nam Bắc. Thân quê mùa này so
với Tổ có khác, nhưng Phật tánh trong thân này với
thân Tổ nào sai khác chi đâu!
Nghe thế, Tổ Hoằng Nhẫn vội nói:
- Thôi được, hãy đi xuống nhà trù, lo công
việc giã gạo.
Huệ Năng quỳ xuống, lạy tạ Tổ đã
thâu nhận và vâng lời, xuống nhà bếp lo giã gạo,
bổ củi.
Chúng ta tưởng Tổ tàn nhẫn ư? Không đâu,
Tổ quá từ bi đấy, vì ngài nhận ra ngay, thanh niên
nhà quê này không phải tầm thường. Trước
mặt đông đảo môn sinh của chùa Đông
Thiền, Ngũ Tổ không muốn họ nhận ra sự
quan tâm đặc biệt của Tổ đối với
kẻ nghèo khổ, vừa từ xa đến. Đó là
Tổ muốn bảo vệ Huệ Năng, không chỉ
buổi đầu đó mà để cho an toàn, tám tháng sau
Tổ cũng không ngó ngàng tới người thanh niên
suốt ngày bửa củi, giã gạo dưới bếp.
Nhưng hạt đã gieo, phải tới lúc nẩy
mầm. Đó là khi Tổ gọi toàn thể môn sinh, hơn
một ngàn người tới, truyền rằng:
-
Các con theo học ta đã lâu, nay tới lúc kiểm
điểm lại thành quả mình. Mỗi người hãy
làm một bài kệ, nói lên cái đã thấy biết của
mình. Ta sẽ duyệt xét từng bài, hễ nội dung
chứng tỏ đã ngộ, ta sẽ trao truyền y bát cho
kẻ đó, lãnh trách nhiệm của vị Tổ thứ
sáu.
Thật là một lời truyền vô cùng quan trọng.
Cả ngàn môn sinh họp nhau bàn bạc rồi cùng
đồng ý xin thầy Thần Tú đại diện, làm
một bài thôi vì Thần Tú là người thông minh, trí
tuệ nhất đại chúng, ai mà có thể làm hay hơn
được!
Thần Tú viết bài kệ lên vách tường:
Thân thị như Bồ Đề
Tâm như minh kính đài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhạ trần ai
Đại ý, thân như cây Bồ Đề, tâm như
tấm gương trong, phải luôn lau chùi quét dọn cho
bụi khỏi bám vào.
Bài kệ được các đồng môn của Thần
Tú nức nở khen hay, ai cũng thuộc, cũng
đọc, cho đến nơi nhà bếp, Huệ Năng
cũng nghe được. Người thanh niên suốt tám
tháng trời chỉ im lặng bổ củi, giã gạo,
đã mon men đến bức tường có bài kệ
đó, nhờ một người đọc lại cho
nghe. Nghe xong, Huệ Năng bảo người ấy:
- Tôi cũng có bài kệ, nhưng không biết chữ, xin
huynh viết lên giúp tôi được không?
Bài kệ của Huệ Năng như vầy:
Bồ Đề bổn vô thụ
Minh kính diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai.
Đại ý, bồ đề - ví như thân- thật ra
chẳng phải cây, tâm sáng như gương thì chẳng
cần đài, bản chất đích thực KHÔNG LÀ GÌ
CẢ thì lấy chỗ đâu cho bụi bám mà phải lo
lau chùi!
Kệ của Thần Tú ở thể xác định,
kệ Huệ Năng ở thể phủ định, hoàn
toàn trái ngược. Khi hai bài kệ được
viết gần nhau, đại chúng đều sửng
sốt!
Ngay đêm đó, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn xuống nhà
bếp, tìm Huệ Năng.
- Ngươi biết vì sao ta không hỏi han chi tới
ngươi trong tám tháng qua không ?
Huệ Năng quỳ xuống:
- Đa tạ sự che chở của sư phụ,
đệ tử đã biết,
- Tốt.
Và Tổ dùng gậy trúc, gõ xuống sàn ba tiếng, rồi
thong thả đi ra.
Canh ba đêm đó, Huệ Năng tuân theo hiệu lệnh,
lặng lẽ lên phòng Tổ. Cửa được
đóng kín lại ngay sau bước chân. Dưới ánh
nến lung linh, Ngũ Tổ câp tốc giảng kinh Kim Cang
cho người đệ tử không biết chữ.
Huệ Năng đắc pháp ngay trong đêm, rồi
được truyền quỳ gối, kính cẩn
nhận Y Bát và lời chỉ dạy:
- Ngươi nay là Tổ thứ sáu, nhưng chưa
thuận duyên để truyền giáo. Ngay đêm nay,
ngươi phải lập tức lên đường,
cố gắng bảo trọng thân mạng vì sự tranh
giành Y Bát này sẽ xảy ra. Ta không có sự chọn
lựa nào khác. Vậy hãy đi ngay trước khi trời
sáng.
- Bạch sư phụ, con từ xa tới, nay biết
phương hướng nào mà đi!
- Chớ lo, ta sẽ đưa ngươi một
đoạn thuyền
Đêm đó, trời không trăng nhưng đầy sao.
Bến đò Cửu Giang vắng vẻ, u tịch nhưng
hương đêm lãng đãng làn nhang trầm phảng
phất từ tàng-kinh-các nào. Trong không gian huyền hoặc
đó, con đò nhỏ tách khỏi bờ lau, trôi êm về
phương Nam. Sao trời lấp lánh trên áo nâu sồng
của một già, một trẻ, không nói lời nào mà
đang trao truyền muôn vạn lời.
Chuyến đò rời nhánh sông Cửu Giang đêm ấy
đã để lại cho chúng ta bao tặng phẩm vô gía
từ tấm lòng nhị vị Đại-Sư. Con đò
nhỏ chở đầy từ tâm, độ lượng
của Ngũ Tổ và trí tuệ, nhẫn nhục của
Lục Tổ đã thành những trang Bảo Đàn Kinh châu
ngọc, dẫn dắt chúng sanh nhận ra “Bản lai vô
nhất vật”.
“Chẳng
nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác thì bản lai của anh
là gì?”
Đó
là bài pháp đầu tiên Lục Tổ độ cho
người toan ám hại mình để giành Y Bát.
Sau đó, suốt mười lăm năm sống ẩn
dật với đám thợ săn vì biết chưa
hội đủ thuận duyên hoằng pháp, nhưng
mười lăm năm đó, Lục Tổ Huệ
Năng cũng đã phương tiện, độ cho
bọn người chỉ biết một cách duy nhất để
tìm thực phẩm là săn bắn.
Khi duyên đã đủ, Lục Tổ rời rừng núi,
tìm đến chùa Pháp Tánh tỉnh Quảng Châu, nơi pháp
sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết Bàn. Hôm đó,
trời nhiều gió làm lay động những màn,
phướn treo quanh giảng đường. Lục
Tổ nghe thấy hai vị tăng đối
thoại, người thì bảo “gió động”,
người kia nhất định không phải gió, mà là
“phướn động”.
Khi
ấy, Lục Tổ đến bên, nhẹ nhàng bảo:
-
Không phải gió động cũng chẳng phải
phướn động mà là tâm quý vị động đó
thôi.
Vừa
nghe như thế, hai vị tăng bỗng ngộ.
Đó là bài pháp thứ hai mà Lục Tổ dạy cho chúng
sanh.
Giai
thoại này lập tức đến tai pháp sư Ấn
Tông đang ngồi trên tòa cao giảng kinh. Pháp sư cho
mời người thanh niên có dáng vẻ nghèo nàn, lam lũ
đó tới gần. Khi biết Huệ Năng từ Hoàng
Mai đến, pháp sư hỏi:
- Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn dạy ông những gì?
- Chỉ luận về sự “thấy tánh”
- Còn thiền định và giải thoát thì sao?
- Đó là hai pháp nên chẳng phải Phật pháp vì nếu
đích thực Phật pháp thì phải là pháp không hai.
Pháp sư Ấn Tông chưa hiểu kịp, bèn khẩn
khoản:
-
Xin ông dạy rõ hơn.
-
Tỷ như thiện căn có hai mặt: thường,
hoặc vô thường. Tỷ như Uẩn và Giới,
kẻ phàm phu phân biệt là hai, khi liễu ngộ mới
thấy tánh của chúng là không hai. TÁNH KHÔNG HAI CHÍNH LÀ
PHẬT TÁNH, là thể trong suốt, chẳng thường
cũng chẳng vô thường nên không hề bị
đoạn lìa. Phật tánh đó, chúng sanh hoặc nhận
ra, hoặc chưa nhận ra chứ không thể lưng
chừng như ác lẫn thiện, đẹp lẫn
xấu.
Đó
là bài pháp thứ ba, Lục Tổ tuyên giảng khi chưa
chính thức đăng đàn thuyết pháp.
Chính
ba bài pháp đầu tiên này là nền tảng cho pháp môn Vô
Niệm, mà Lục Tổ Huệ Năng đã hết lòng
truyền dạy lại cho môn đồ, tứ chúng,
để sớm nhận ra điều quan trọng,
rốt ráo mà Chư Phật bao đời đã khổ công
mong chúng sanh đạt tới. Đó là, NHẬN RA
ĐƯỢC PHẬT TÁNH CỦA MÌNH
Đa tạ tuệ nhãn của Ngũ Tổ Hoằng
Nhẫn đã nhìn suốt “kỳ tâm” của
người thanh niên đất nghèo khổ Lĩnh Nam
để hậu sinh được có Lục Tổ
Huệ Năng.
Đa
tạ con đò canh ba năm xưa, đã “Ưng vô
sở trụ”, xuôi êm giòng pháp diệu kỳ để
tròn đầy huyền nghĩa câu kinh lóng lánh Kim
Cương:
“Ưng
vô sở trụ. Nhi sanh kỳ tâm”
Huệ Trân
(Như-Thị-Am,Mùa
phượng tím)