Giá trị của tam học và giải thoát của Phật giáo đối với cuộc sống hiện nay

gia tri cua tam hoc

Hà thúc Minh

 

Kinh điển của Phật giao dù cho “lưu truyền tám vạn tư” đi nữa thì cũng không ra ngoài “Tam học” (三学). Pāli gọi là Tisrah sikkhah, Sanskrit gọi là Tisrah siksah. Tam học còn gọi là Tam vô lậu học. Đó là giới, định và tuệ, là quá trình tu tập mà bất cứ ai hướng về đạo Phật, muốn từ bỏ mọi phiền não của thế gian, cho dù xuất gia hay tại gia đều không thể không trải qua. Người ta thường cho rằng Tam học là sự quy nạp của Bát chánh đạo (Pāli: Ariyo Atthangiko maggo, Sanskrit: Aryastangamarga). Chẳng hạn như “chánh kiến”, “chánh tư duy” thuộc về tuệ, “chánh ngữ”, “chánh nghiệp”, “chánh mạng”, “chánh tinh tiến” thuộc về giới, “chánh niệm”, “chánh định” thuộc về định.

Tuy nhiên, những pháp môn quan trọng khác như Lục độ (六度), Tứ niệm xứ (四念处)... cũng chỉ là những con đường khác nhau nhưng đều hướng về mục tiêu chung. Kinh Dịch gọi đó là “đồng quy nhi thù đồ”. “Giải thoát” (Sanskrit gọi la Moksha, Vimoksha, Vimukti hay Mukti) là điểm “đồng quy” của mọi con đường khác nhau đó.

“Lục độ” (Paramita, Parami trong tiếng Pāli có nghĩa là hoàn thiện, hoàn mỹ, perfection). “Bố thí, trì giới, nhẫn nhục” trong Lục độ thuộc về  giới, còn lại là định và tuệ.

“Tứ niệm xứ” (Pāli: Satipatthana, Sanskrit: Satyupasthana). Tứ niệm xứ là niệm “thân bất tịnh”, “thọ khổ”, “tâm vô thường”, “pháp vô ngã”. “Thân” và “thọ” thuộc về giới, “tâm” và “pháp” thuộc về tuệ. Định (niệm) xuyên suốt cả thân, thọ, tâm, pháp.

Như vậy, Tam học không chỉ là sự quy giản của Bát chánh đạo mà còn là sự quy giản của toàn bộ Phật giáo.

Tam học gồm có giới, định và tuệ. “Giới” (sila) là giới luật, pháp luật. “Giới” có nhiều loại: Ngũ giới, Bát giới, Thập giới, Cụ túc giới, Bồ-tát giới[1]. “Giới” có thể chia thành hai loại: Chỉ trì giới và Tác trì giới. Chỉ trì giới là ngăn chặn không làm những điều ác, Tác trì giới là thực hành những điều thiện. Nhưng giới luật ở đây có nghĩa là tự kìm chế bản thân (luật kỷ) chứ không phải “luật tha”. Cho nên “giới” thuộc về lĩnh vực đạo đức hơn là pháp luật. Thực ra đạo đức và pháp luật cũng là anh em cùng cha khác mẹ đấy thôi. Platon chẳng đã cho rằng “luật pháp là đạo đức không có tình cảm” đó sao? Đạo đức và pháp luật là sản phẩm của con người. Nó là chiếc “phao” để giúp con người tồn tại và phát triển trong sóng gió của cuộc đời, nhưng đồng thời nó cũng là sợi dây ràng buộc con người đối với con người.

“Định” là thiền định (dhyana), tĩnh lự. Phật giáo Tiểu thừa có Tứ thiền và Tứ vô sắc định; Đại thừa có Niệm Phật thiền và Thực tướng thiền.

“Tuệ” là trí tuệ Bát-nhã, là sự giác ngộ sâu sắc đạo lý của vũ trụ và nhân sinh. “Tuệ” (prajna, tiếng Anh gọi là wisdom) khác với “tri thức” (vijnana, tiếng Anh gọi là knowledge). “Tri thức” không những không bao hàm “tuệ” mà còn bị liệt vào một trong 5 uẩn (sắc, thụ, tưởng, hành, thức). “Tuệ” là sự thăng hoa của tri thức. Tri thức có thể truyền đạt từ người này sang người khác nhưng “tuệ” là sự tự cảm nhận.

Trong “Tam học” đạo đức và trí tuệ đã chiếm hết hai phần ba. “Định” là thiền định, thiền định không phải là của riêng Phật giáo, nhưng “định” được dùng để nối kết giữa đạo đức và trí tuệ lại là điểm độc đáo chỉ có ở Phật giáo. Hơn nữa cũng cần lưu ý  rằng trong “Tam học” chỉ có thuật ngữ “trí tuệ” (wisdom) chứ không phải là thuật ngữ “tri thức” (knowledge).

Ở phương Tây, từ thời cổ đại Hy Lạp, Socrates cũng thường nói đến quan hệ giữa “tri thức” (chứ không phải trí tuệ) và “đạo đức”. Tuy nhiên, Socrates lại đồng nhất giữa đạo đức và tri thức. Theo ông, “đạo đức tức là tri thức” (virtue and knowledge are one and the same). Socrates đồng nhất đạo đức và tri thức, nói đúng hơn là ông đã hòa tan đạo đức vào tri thức. Socrates đã đặt giá trị của Tri thức ở hàng đầu của mọi giá trị. Theo ông, “không có gì tốt hơn tri thức và cũng không có gì tệ hại hơn là ngu dốt” (The only good is knowledge and the only evil is ignorance).

Phương Tây quan tâm giải quyết vấn đề quan hệ giữa con người và tự nhiên hơn là vấn đề quan hệ giữa con người và con người. Socrates đề cao giá trị của tri thức cũng chẳng có gì là lạ, bởi vì tri thức, lý tính, khoa học là chiếc chìa khóa để con người nhận thức, khai thác tự nhiên, phát triển sản xuất, kinh tế để đem lại cho con người đời sống vật chất đầy đủ hơn. Đạo đức là luật kỷ, kinh tế là lợi kỷ. Lợi kỷ xem ra có phần hấp dẫn hơn là luật kỷ. Cho nên đạo đức có hòa tan vào tri thức hay biến mất đi nữa cũng chẳng có gì quan trọng lắm đâu! Chẳng trách Rousseau than thở rằng nền giáo dục Pháp lúc bấy giờ (thế kỷ XVIII) đã đi sai đường vì ra sức đào tạo trẻ em khôn lên chứ không phải tốt lên. Thậm chí Nietzche còn muốn “từ giã” vị Thượng đế luôn hứa hẹn sẽ bù lại một cuộc sống Thiên đường ở thế giới bên kia nếu con người chấp nhận một cuộc sống lầm than ở thế giới bên này. Nietzsche tuyên bố: “Thượng đế đã chết” (Dieu est mort). Khi Thượng đế đã ra đi thì đạo đức “luật kỷ” kia ở lại làm gì: “Đạo đức tốt nhất là không có đạo đức” (Moral est amoral). Đạo đức “luật kỷ” đã ra đi thì luật pháp, cho dù là “luật tha” đi nữa cũng sẽ được thay thế. Nhưng dẫu sao luật pháp cũng chỉ quản lý cái tối thiểu chứ không phải quản lỳ cái tối đa như đạo đức. Cho nên phương Tây cho dù hòa tan đạo đức vào tri thức, để rồi tri thức, lý tính, khoa học trở thành đôi đũa thần đem lại đời sống vật chất, kinh tế đầy đủ cho con người, nhưng đồng thời cũng biến con người thành “con người kinh tế”. Đạo đức là “luật kỷ”, kinh tế là “lợi kỷ”, “luật” và “lợi” bắt tay nhau làm cho con người kinh tế dẫu sao cũng có được không gian tự do nào đó. Tuy nhiên, cái gọi là tự do hay giải thoát thực sự thì e rằng hãy còn lâu. Nếu không phải vậy thì tại sao ngay ở trang mở đầu của tác phẩm Khế ước xã hội (Du contrat social) Rousseau đã phải thốt lên rằng: “Con người sinh ra vốn tự do nhưng đâu đâu cũng bị kìm kẹp” (L`homme est né libre, et partout il est dans les fers). Tuy vậy, “con người kinh tế” xem ra vẫn còn dễ thở hơn là “con người chính trị” ở phương Đông.

Nói đến “con người chính trị” không thể không nói đến Nho giáo. “Con người chính trị” là sản phẩm không phải của ai khác mà chính là của Nho giáo. Nho giáo ra đời vào thế kỷ thứ V – VI trước Tây lịch, ảnh hưởng đến nhiều nước phương Đông, hình thành ra cái gọi là khu vực văn hóa Nho giáo. Nho giáo là học thuyết vế đạo đức. Nói đúng hơn là học thuyết về chính trị-đạo đức. Nho giáo nguyên thủy xem đạo đức là mục đích, chính trị là phương tiện. Nhưng 1.500 năm sau, Tống Nho đã làm một cuộc đảo lộn ngoạn mục. Đạo đức không còn là mục đích nữa mà chỉ là phương tiện, chính trị mới là mục đích. Cũng như Nho giáo nguyên thủy, Tống Nho đặt đạo đức cao hơn cả sinh mệnh con người: “Chết đói việc nhỏ, thất tiết mới là việc lớn” (Nga tử sự tiểu, thất tiết sự đại 饿死事小失节事大 - Trình thị di thư). Đạo đức được đặt cao hơn sự sống, sinh mệnh con người, nhưng lại được đặt dưới chính trị. Nho giáo nguyên thủy luôn đứng về phía đạo đức nếu như đạo đức và chính trị mâu thuẫn. Tống Nho lại khác, “đại nghĩa diệt thân” (tiểu nghĩa là đạo đức, đại nghĩa là chính trị) là chiêu bài của Tống Nho dùng để giải quyết khi mâu thuẫn xảy ra giữa đạo đức và chính trị. Chiêu bài “đại nghĩa diệt thân” càng được giương cao bao nhiêu thì phụ tử, huynh đệ càng tương tàn bấy nhiêu. Trong xã hội mà Nước là sự mở rộng của Nhà và Nhà là sự thu hẹp của Nước thì khi mà chính trị đối đầu với đạo đức thì cũng là lúc mà đạo đức và vô đạo đức trở thành những từ đồng nghĩa trong xã hội gọi là văn minh.

Phật giáo không phải không nói đến kinh tế và chính trị. Dẫu sao thì kinh tế và chính trị cũng chỉ là điều kiện chứ không phải là cứu cánh của giải thoát. Phật giáo cũng không chủ trương “ly thế mịch Bồ-đề”, nhưng tự do hay giải thoát của Phật giáo cũng có những sắc thái riêng không phải giáo lý nào cũng có. “Tam học” là sự kết hợp giữa đạo đức và trí tuệ (chứ không phải tri thức) bằng thiền định đã thể hiện đặc điểm về giải thoát của Phật giáo. Có thể kể ra những đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, giải thoát không phải bắt đầu từ bên ngoài mà bắt đầu từ bên trong.

Thiên hạ thường nói với nhau rằng hoàn cảnh tạo ra con người và con người cũng tạo ra hoàn cảnh. Có thể thay đổi hoàn cảnh, thay đổi thế giới bên ngoài để từ đó thay đổi bản thân con người. Cũng có thể thay đổi bản thân con người để từ đó thay đổi thế giới bên ngoài. Trong hai cách đó, có lẽ giải thoát của Phật giáo theo cách thứ hai. Cũng cần nói thêm rằng “thay đổi” thế giới không nhất thiết chỉ bằng hoạt động thực tiễn mà là thay đổi nhận thức của con người vế thế giới. Chẳng hạn như hôm qua tôi nhìn núi là núi, nhìn sông là sông, hôm nay tôi nhìn núi không phải núi, nhìn sông không phải sông. Ngày mai tôi lại nhìn núi là núi, nhìn sông là sông. Không phải tôi thay đổi núi sông mà chính là thay đổi nhận thức của tôi về núi sông. Đào núi ngăn sông hay là chinh phục tự nhiên là chuyện dài nhiều tập của khoa học. Còn chuyện thay đổi nhận thức của tôi về thế giới là chuyện của tôi, nằm trong tầm với của tôi. Chẳng trách hội nghị Phật giáo thế giới vẫn thương nhắc lại giáo lý giải thoát đặc biệt này của đạo Phật:

“A harmonious World begins in the Mind” (Thế giới hài hòa bắt đầu từ trong Tâm); hay:

“Harmony in Society begins from the Mind” (Một xã hội hài hòa bắt đầu từ trong Tâm).

Mọi người hãy còn nhớ đến nhà triết học Kant của Đức thế kỷ XVIII, tuyên bố rằng ông đã làm cuộc cách mạng về nhận thức luận theo kiểu Copernic đã làm trong thiên văn học. Kant cho rằng không phải nhận thức của chủ thể phải phù hợp với khách thể mà ngược lại. Không biết Kant chịu ảnh hưởng của Phật giáo nhiều hay ít, nhưng điều mà ông tuyên bố về nhận thức luận không hẹn mà trở thành bạn đồng hành với giải thoát của Phật giáo.

Người ta đã khắc câu nói nổi tiếng của nhà triết học Kant trên bia mộ của ông:

“Có hai sự kiện làm cho chúng càng suy nghĩ càng cảm thấy bàng hoàng, khiếp sợ, đó là khoảng trống không trên bầu trời và khoảng trống không về chuẩn mực đạo đức trong tâm của chúng ta”.

(Zwei Dinge erfüllen das Gemüt mit immer neuer und zunehmender Bewunderung und Ehrfurcht, je öfter und anhaltender sich das Nachdenken damit beschäftigt: Der bestirnte Himmel über mir, und das moralische Gesetz in mir).

Hai sự kiện, hai khoảng trống mà Kant nói đến, đối với ông là hoàn toàn thụ động, nhưng đối với thiền định của Phật giáo thì lại hoàn toàn chủ động. Khoảng “không” của thiền định bao giờ cũng tạo điều kiện tối ưu để tuệ và giải thoát thăng hoa.

Thứ hai, giải thoát bắt đầu từ cá nhân chứ không phải từ cộng đồng.

Nếu “tuệ” là tự cảm nhận chứ không phải là truyền đạt-tiếp thu. Vậy thì không có cộng đồng nào có thể làm việc đó thay cho cá nhân cả. Nếu như sáng tạo bao giờ cũng bắt đầu từ cá nhân thì giải thoát cũng vậy, giải thoát là sự sáng tạo của sáng tạo.

Trần Thái Tông trong Khóa hư lục khẳng định rằng không có định thì không có tuệ, không có tuệ thì cũng không có giải thoát.

Tóm lại, đạo đức và tri thức là sản phẩm của con người, không có nó thì con người không thể tồn tại và phát triển. Tuy nhiên nếu đạo đức hòa tan vào tri thức hay vào chính trị thì con người hoặc trở thành con người kinh tế hoặc con người chính trị. Phật giáo không phải không bàn đến kinh tế hay chính trị. Chẳng phải Phật giáo đời Trần đã làm cho kinh tế, chính trị của đất nước lúc bấy giờ phát triển mạnh mẽ đó sao? Tuy nhiên, kinh tế, chính trị chỉ là điều kiện chứ không phải là cứu cánh. Nó là ngón tay để chỉ mặt trăng chứ không phải bản thân mặt trăng. Giải thoát của Phật giáo làm cho con người trở thành con người nhân bản. Tam học của Phật giáo là sự kết hợp giữa đạo đức - trí tuệ và thiền định để giải thoát. Cho nên giải thoát là tự giải thoát. Tam học và giải thoát của Phật giáo đáng để cho cuộc sồng hiện nay  suy ngẫm.

 

 



[1] Ngũ giới là 5 điều cấm bao gồm: 1) sát sinh, 2) trộm cắp, 3) nói dối, 4) tà dâm, 5) uống rượu.

Bát giới là 8 điều cấm bao gồm 5 điều cấm nói trên bộng thêm 3 điều: 1) không tô son trát phấn, xức dầu thơm, nhảy múa ca hát, 2) không nằm giường quá cao rộng, 3) không ăn ngoài thời giờ quy định.

Thập giới là 10 điều cấm bao gồm 8 điều đã nói trên, cộng thêm: 1) không tàng trữ của cải, châu báu, 2) không ăn quá ngọ.

Cụ túc giới (Upasampada) còn gọi là Cận viên giới,  giới luật của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Đối với Tỳ-kheo gồm có 250 điều, đối với Tỳ-kheo-ni gồm có 348 điều. Nhưng giới luật cơ bản vẫn không ngoài sát (sát sinh), dâm (tà dâm), vọng (nói dối) vá 4) đạo (trộm cắp).

Bồ tát giới là giới luật của Phật giáo Đại thừa cho nên còn goi là Đại thừa giới, Phật tính giới, Phương đẳng giới, Thiên Phật giới. Bồ-tát giới khác với Ngũ giới, Bát giới, Thập giới ở chỗ các giới đều giới về “sự” tức là không được để sự việc xảy ra, còn Bồ-tát giới là giới về “tâm”, có nghĩa là ngay tại tâm cũng không có những ý nghĩ sai phạm giới luật quy định. Bồ-tát giới có ba giới tịnh gọi là Tam tụ tịnh giới, bao gồm: nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới, nhiêu ích hữu tình giới.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle