Tản
văn của Hoàng Công Danh
Tôi
trở về làng khi mùa gặt đã vãn. Những cuống
rạ gối đầu lên đất quê nhà. Giữa
chiều bình yên màu vàng nhạt đi rồi úa theo nắng
chiều. Sắc nắng tắm hết một mùa bội
thu, vắt lại chiếc khăn mây bên trời.
Bạn
bè đã bỏ làng đi hết, chỉ còn lại rơm
rạ. Những ngọn rạ đã bắt đầu hoai
hoải dần và gục xuống đằm mình trên chính
gốc của nó. Cuống rạ như hiển minh cho
một nỗi niềm: lá rụng về cội. Tôi
từng nghe tâm sự của những người xa quê,
rằng đến tuổi già họ sẽ về làng
nghỉ ngơi rồi nằm xuống thảnh thơi, và
giờ đây tôi nhận từ chính gốc rạ sự
đồng cảm. Giữa mảnh đất làng bé
nhỏ này, mỗi hình tượng dù giản đơn bình
dị đến đâu cũng đều có cái lý riêng
của nó.
Tôi
băng qua đồng, con đường dấu xưa còn
nguyên màu cỏ. Ở đây tôi gặp lại bông hoa trinh
nữ những ngày thơ thường hái làm cúc giả
đính vào chiếc áo vải sờn của em. Cũng
mới mấy bữa đây thôi, khi về thị tứ
Bồ Bản uống cà phê với Nữ ở quán Mimosa,
Nữ hỏi anh biết tên quán này nghĩa là chi không? Là
một loài hoa. Nhưng hoa chi mới được? Hình
như mimosa là một loài hoa dại mọc nhiều trên
triền cỏ ở Đà Lạt, đúng không em. Nữ
chúm chím cười. Chính là hoa trinh nữ đấy anh
ạ(*).
Hóa
ra là thế, không ngờ cái loài hoa hồn nhiên quê kiểng
này lại mang một cái tên nghe quý phái và sang trọng
đến vậy. Bất giác tôi nhìn sang Nữ và nghĩ,
có khi người con gái quê nhà này cũng là một thứ
hoa của đất trời. Trông giản đơn
thế nhưng cũng là hàng đài các. Có về quê mới
biết, ở đây hoa và người đều sống
thật thà và lặng thầm. Có chạm vào một bông trinh
nữ, gặp một người tên Nữ, mới
thấm thía câu tục ngữ: người ta là hoa của
đất. Nữ e thẹn cúi xuống, như một
cuống rạ ngây thơ bắt đầu biết
giấu kín sự ngại ngùng. Tôi đem lòng yêu Nữ, và
lấy làm vợ, như yêu một thứ hoa dại quê nhà.
Tôi
lại làm một đứa trẻ, đi bắt châu
chấu cho con chim sáo nhỏ. Lạc giữa cánh
đồng, lạc giữa những xa xăm thời gian,
thuở bạn bè còn mặc quần xà lỏn ở
trần trùng trục phơi nắng phơi sương. Chúng
bạn đã lớn khôn, riêng những chú châu chấu thì
vẫn hồn nhiên búng lưng tưng từng bước
cầu vồng. Tôi chộp lấy một con châu chấu,
chợt như nắm phải chính tuổi dại của
mình. Mắt chấu lanh lánh cười rơi một
giọt nắng. Trong nắm tay bây giờ hình như đôi
cánh chấu đã khép lại và còn chút dĩ vãng. Tôi
biết, cả tuổi thơ của mình cũng vậy,
chỉ khép lại thôi chứ chưa hề xa.
Buổi
chiều đứng nhìn cánh đồng, nơi gắn
với những kỷ niệm ấu thời. Con
đường nhỏ len lẻn lên một làn khói
trắng bữa đốt đồng. Người quê coi rơm
vụ lúa hè thu là rơm ỉu, không tốt, nên đem
rải ra giữa ruộng làm phân hoai cho vụ sau, hoặc
châm lửa đốt đi cho sạch ruộng. Ngọn
khói chiều thu đưa tôi về những ngày xưa. Ngày
trước, cứ xong vụ lúa này thì người ta
lật đất lên luống để trồng khoai lang
hoặc khoa tía. Gốc rạ được ủ hoai trong
luống đất vừa để cho đất tơi,
lại vừa làm một thứ phân. Ngày đó rạ
rơm rất quý, người quê bảo có hạt gạo
rồi cũng phải lo cái nấu. Thế nên gặt lúa
xong vài bữa sau lại đi bứt hết cuống
rạ về cất dùng làm chất đốt.
Trở
về làng vào mùa trăng chín, những hạt lúa vàng cũng
đã về nhà mà vào bồ. Đêm còn lại lát trăng
mỏng như mâm ngọc sau lễ cơm mới, cứ
chênh chênh tỏa sáng.
Ở
làng còn sót lại một vài thằng bạn nặng lòng
với quê không nỡ ra đi, thế là lại kéo nhau ra
đồng ngắm trăng nhấm chút rượu
trắng. Bên gốc rạ, qua câu chuyện tâm tình, bạn
bè cứ già đi trông thấy. Đăng nói đi mô
cũng là vì áo cơm chứ không bằng ở quê. Xăm
thì nhất nhất quyết chồn chân nơi mảnh làng
bé nhỏ này, vui thú điền viên. Hai người bạn
như hai gốc rạ, cắm rễ vào đất quê.
Mùa
thu này tôi về quê, gặp lại gốc rạ gặp
lại bông hoa gặp lại những ngày qua, thấy mình
như thân lúa bé nhỏ, phần ngọn có khi đã đi
rồi mà gốc rạ vẫn còn bám vào đất này.
______________
*
Hoa trinh nữ là cách gọi thi vị hóa của hoa mimosa
pigra, thuộc họ mimosaceae. Nó khác với mimosa vàng ở
Đà Lạt, còn gọi là cây keo bạc, tên khoa học là
acacia dealbata.