Nguyên Hiệp
Cuộc chiến Trung-Nhật
(1931-1945)
là một trong những cuộc chiến tàn khóc nhất ở
châu Á vào thế kỷ XX. Ở Trung Quốc cuộc chiến
này được gọi là Chiến tranh kháng Nhật (抗日戰 争), trong khi ở Nhật Bản nó được
gọi là Chiến tranh Trung-Nhật (日中戰 争). Bài viết này không đi vào tìm
hiểu về cuộc chiến này mà chỉ phác thảo một
vài điểm có liên quan đến Phật giáo ở trong
cuộc chiến; nói cụ thể hơn là giới Phật
giáo đã có những hành động gì khi đứng ở
mỗi bên của cuộc chiến để thực hiện
điều được gọi là “hộ quốc” của
mình.
Về phía Phật giáo Trung Quốc
Từ cuối và sau khi triều đại
nhà Thanh sụp đổ (1912), Phật giáo Trung Quốc
rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng mà biểu hiện
rõ nét nhất là ở giới Tăng lữ. Dường
như một điều tất yếu rằng, sự suy
thoái của Phật giáo tại một nơi nào đó
thường bắt đầu từ giới Tăng lữ.
Và mỗi khi rơi vào tình trạng suy thoái, nếu chưa
hoàn toàn biến mất, thường Phật giáo sẽ bị
biến dạng theo chiều hướng tiêu cực. Từ
những thập niên đầu của thế kỷ XX, khi
những phong trào cải cách xã hội bùng phát ở Trung Quốc,
Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức, đặc
biệt là giới trí thức trẻ ảnh hưởng
phương Tây, đã trở thành một tôn giáo hủ lậu,
lạc hậu, làm cản bước tiến xã hội; do
đó nó trở thành mục tiêu của sự công kích và bài
bác.
Trong bối cảnh đó, nhiều
vị Cao tăng có thao thức với tiền đồ Phật
giáo đã có nhiều việc làm chấn chỉnh lại
Tăng đoàn Phật giáo, cũng như có những
phương thức tu tập và hành hoạt thích hợp để
thích ứng Phật giáo với thời đại cũng
như để điều chỉnh lại cái nhìn của
xã hội đối với Phật giáo. Nhân vật nỗi
tiếng và có ảnh hưởng nhất của thời kỳ
này là Đại sư Thái Hư (太 虚1889–1947), người đã có những
sáng kiến trong việc cải cách Phật giáo với phương
châm “Phật giáo nhân gian” (人 間 佛 教), một hình thức Phật
giáo mà về sau này ta thường nghe đến là “Phật
giáo nhập thế” ở một số nước Á châu
khác.
Khi cuộc chiến Trung Nhật
xảy ra, Phật giáo Trung Quốc đang đối mặt
với nhiều thách thức và cũng đang ở trong tiến
trình cải cách của nó; và ở trong bối cảnh
đó, giới Phật giáo, đặc biệt là giới
Tăng lữ, muốn chứng minh cho xã hội thấy rằng
họ là những người có ích đối với xã hội,
hay ít ra là không thờ ơ với những gì đang xảy
ra ở trong đời sống xã hội. Việc tuyên bố
hay giảng giải về tính thiết thực và hữu
ích của mình đối với đời sống xã hội
chỉ trên mặt lý thuyết là không đủ thuyết phục,
chính những hành động cụ thể mới có thể
chứng mình được là Phật giáo ở bên ngoài hay
bên trong xã hội và có ích gì cho xã hội hay không. Bên cạnh đó,
bản Hiến pháp lâm thời của Trung Quốc lúc bấy
giờ cũng có những tác động nhất định
đến Phật giáo. Cột 5 của bản Hiến pháp
này viết rằng: Tất cả
mọi công dân của Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,
bất kể tình trạng sắc tộc, chủng tộc,
nghề nghiệp, nền tảng gia đình, niềm tin tôn
giáo và giáo dục, có bổn phận thực hiện
nghĩa vụ quân sự theo những điều khoản
của luật này.
Như đã nói, Đại
sư Thái Hư là một lãnh đạo Phật giáo uy tín nhất
vào lúc bấy giờ. Trước khi cuộc chiến xảy
ra, Thái Hư có mối quan hệ rất tốt với
nước Nhật cũng như Phật giáo Nhật Bản.
Ông đã từng đến Nhật vào năm 1925 để
học hỏi kinh nghiệm của Phật giáo Nhật và đã có nhiều bằng hữu ở
đó. Nhưng khi cuộc chiến xảy ra, ông đã phê
bình Nhật Bản đã từ bỏ tinh thần Phật
giáo và kịch liệt chống lại sự xâm chiếm của
Nhật. Những phản đối của Thái Hư
được thể hiện qua những phát ngôn, bài viết,
hay những buổi diễn thuyết. Và với vai trò là một
người lãnh đạo Phật giáo có uy tín, những lời
nói của ông đã có sự tác động rất lớn
đến giới Phật giáo. Cuối năm 1931, Thái
Hư đã có một buổi nói chuyện trên Radio với chủ
đề “Giáo lý Phật giáo và việc cứu quốc”. Buổi
nói chuyện này tập trung kêu gọi Tăng sĩ phải
có trách nhiệm bảo vệ quốc gia giống như những
người thế tục. Trong một bài nói chuyện khác
vào năm 1932 với chủ đề “Phật giáo và hộ
quốc”, Thái Hư lại đưa ra hai phương diện
bảo vệ quốc gia. Thứ nhất là bảo vệ
quốc gia khi tai ách xảy ra, và thứ hai là bảo vệ
tất cả mọi người trên thế giới với
tâm của một vị Bồ-tát. Đưa ra hai
phương diện “hộ quốc” như vậy nghe có
mâu thuẩn. Tuy nhiên trong một bài diễn thuyết khác
cũng vào năm 1932, Thái Hư có đưa ra hai ý nghĩa
của “quốc gia”. Quốc gia như một đất
nước và quốc gia như một thế giới. Bảo
vệ quốc gia như một đất nước
được Thái Hư thực hiện trong những
năm đầu cuộc chiến, về sau vế thứ
hai được ông quan tâm nhiều hơn. Có lẽ do quan
điểm này và sự thiện cảm của ông dành cho những
người Phật tử Nhật khiến có người
cáo buộc ông là “kẻ phản bội”. Nhưng dù có thiện
cảm đối với Phật tử Nhật, Thái Hư
đã nhiều lần kêu gọi Phật tử Nhật
không nên tham gia vào quân đội và hãy hợp tác với Phật
tử Trung Quốc chống lại điều đó. Tuy
nhiên không có người Phật tử Nhật nào hưởng
ứng lời kêu gọi của ông.
Giới Phật giáo Trung Quốc,
dưới sự tác động từ nhiều mặt, lại
bị cuốn trong cơn lóc xoáy của chủ nghĩa dân
tộc, đã tham gia vào cuộc chiến với nhiều
hình thức khác nhau. Một số tổ chức Phật
giáo được hình thành để đảm trách về
công việc cứu tế và cứu thương, chẳng hạn
như Đội cứu hộ Tăng-già Thượng Hải
(上 海 僧 伽 救 護 隊) hay Đội cứu hộ Tăng-già của
Hội Phật giáo Thành Đô (成 都 佛 教 會 僧 伽 救 護 隊). Những tổ chức
Phật giáo cũng đảm trách một số công việc
thiên về tôn giáo hơn, như tổ chức cầu nguyện
hay những buổi lễ kỳ siêu cho những người
tử nạn.
Không dừng lại ở đó,
nhiều Tăng sĩ trẻ đã tham gia huấn luyện
quân sự để tham dự vào cuộc chiến; chẳng
hạn như tháng 12 năm 1937, có 300 Tăng sĩ trẻ
đã tham gia huấn luyện quân sự và gia nhập quân
đội. Họ thực hiện điều này trước
hết là bởi sự dẫn dắt của “chủ
nghĩa dân tộc” và thể hiện lòng “ái quốc”, nhưng
cũng để chứng minh cho xã hội thấy rằng
Phật giáo thực sự vì lợi ích của quốc gia,
là tôn giáo hộ quốc (护 国), và như vậy nó xứng
đáng để tồn tại ở đất nước
này. Nhưng việc tham gia vào cuộc chiến của những
Tăng sĩ lại là một vấn đề gây nên sự
tranh luận, rằng sự “hộ quốc” bằng việc
“cầm súng” của họ có đúng với tinh thần của
Phật giáo hay không, và Tăng sĩ có nên làm việc cho một
nhà nước thế tục trong những vấn đề
chính trị và quân sự hay không khi sứ mệnh của họ
phải vượt qua khỏi biên giới của quốc
gia.
Trước những câu hỏi
như vậy, Thái Hư đã không trả lời, nhưng
một Tăng sĩ Phật giáo Trung Quốc đương
thời khác là Lạc Quan (楽 観 1902–?), trong một bài diễn
thuyết có tên là Hộ quốc
và bảo vệ giáo pháp, đã trả lời như sau:
“Theo nguyên tắc Phật giáo, mục đích là hòa bình ở
trong thế giới mà không có biên giới chủng tộc và
quốc gia; tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ mặc quốc
gia khi chúng ta muốn thiết lập những tổ chức
Phật giáo và truyền bá giáo pháp. Chúng ta phải bảo vệ
quốc gia của chúng ta, mà nó là y báo (依 報) của chúng ta, bởi vì chúng ta
sinh ra ở đó và quê hương xứ sở có một sự
nối kết mật thiết với đời sống của
chúng ta. Nếu xứ sở nơi ta sinh ra và lớn lên bị
đàn áp, kiểm soát và phá huỷ, thế thì chúng ta đánh
mất chính chúng ta và chúng ta không thể sống được
nữa. Nếu chúng ta đánh mất sự tự do và khắp
nơi khắp chốn bị kẻ khác hạn chế,
chúng ta có thể truyền bá Phật pháp sâu rộng và cứu
độ quần chúng thế nào đây? Thêm nữa, mặc
dù giáo pháp Đức Phật chứa đựng nguyên tắc
từ bi, chúng ta không thể từ bi với những
người hung ác. Chúng ta phải chiến thắng họ,
bởi vì họ là những ma vương huỷ hoại trí
tuệ và đời sống của dân chúng. Kinh Phật
nói: Từ bi với ác ma có
nghĩa là tàn ác với con người.”...
Về phía Phật giáo Nhật
Phật giáo có một sự ảnh
hưởng sâu rộng vào đất nước Nhật Bản
về nhiều phương diện, kể cả chính trị
và quân sự, điều có lẽ nhiều người
đã biết. Từ lúc du nhập cho đến về sau,
Phật giáo Nhật đã luôn đề cao “tinh thần quốc
gia” và xem việc “hộ quốc” là một trong những nhiệm
vụ chính của mình. Có lẽ cũng chính điều này
mà kinh Kim quang minh, một bản
kinh được xem có công năng hộ trì quốc gia (nếu
được tụng niệm và hành trì), đã rất phổ
biến ở Nhật.
Trước cuộc chiến
Trung-Nhật, Phật giáo Nhật cũng đối mặt
với nhiều thách thức lớn bởi những vấn
đề đến từ bên trong và bên ngoài. Dưới
thời Minh Trị (Meiji), với việc công nhận Thần
Đạo (Shinto) là quốc giáo của triều đại
này, Phật giáo đã đối mặt với sự áp bức
nặng nề. Để có thể tồn tại và thể
hiện sự hữu dụng của mình, Phật giáo Nhật
đã có những thay đổi đáng kể nhằm thích ứng
với hoàn cảnh xã hội mới; và nó cũng thể hiện
sự trung thành với triều đại như là một
tôn giáo luôn “đồng hành” cùng quốc gia.
Khi cuộc chiến Trung-Nhật
xảy ra, chính vì để thể hiện sự “hữu dụng”
và tinh thần “ái quốc” cũng như sự trung thần
với triều đại, Phật giáo Nhật đã hết
mình ủng hộ nhà nước Nhật và tham dự vào cuộc
chiến có phần tích cực. Không chỉ người Phật
tử tại gia tham gia quân đội và có mặt ở
Trung Quốc, giới Tăng sĩ Nhật Bản cũng
hiện diện ở đó để làm những công việc
như: thực hiện những nghi lễ cầu an, cầu
siêu cho những binh lính Nhật tham gia cuộc chiến; giảng
dạy Phật pháp cho binh lính; an ủi và giúp đỡ những
người bị thương; phân phát kinh sách; cứu tế
thực phẩm và những vật dụng khác; an ủi và
trấn an dân chúng Trung Quốc; thông tin cho bộ phái của
họ ở Nhật biết tình hình cuộc chiến và những
việc làm của họ ở Trung Quốc; chuyển dịch
tài liệu... Và cũng như Tăng sĩ Trung Quốc, một
số Tăng sĩ Nhật cũng tham gia trực tiếp
vào cuộc chiến.
Các Tăng sĩ Nhật không chỉ
giới hạn vai trò trong việc trợ giúp quân đội
Nhật đóng ở Trung Quốc, mà cũng có nhiệm vụ
truyền bá Phật giáo trong việc ngăn chặn sự
truyền bá Thiên chúa giáo của các phái đoàn truyền
đạo từ Tây phương. Họ cũng xây dựng
trường học và thành lập những chương
trình y tế. Vai trò này cũng được các Tăng
sĩ Nhật đảm nhận trong cuộc chiến ở
Hàn Quốc. Lúc bấy giờ, một số Phật tử
Nhật nghĩ rằng, Nhật Bản là quốc gia Phật
giáo chân thực nhất, và như vậy họ có trách nhiệm
trong việc bảo vệ và truyền bá Phật giáo không chỉ ở Nhật mà ở cả những quốc
gia bên ngoài Nhật Bản.
Sự tham gia của Tăng
sĩ Nhật trong cuộc chiến này đã bị phê bình
và chỉ trích nặng nề, bởi bị cho là đã thoã
hiệp với “đế quốc Nhật” trong việc xâm
chiếm nước khác. Tuy nhiên đối với những
Tăng sĩ Nhật, họ nghĩ rằng việc làm của
họ là để đem lại hòa bình cho thế giới.
Họ “sử dụng thanh gươm” không phải để
đi xâm lăng hay để cướp đi mạng sống,
mà đem đến sự bình yên và bảo vệ mạng sống
cho con người. Hay nói như một vị Đại sứ
Nhật: “Rường cột của Nhật là được
tìm thấy ở nơi Võ sĩ đạo (Bushidō/武 士 道). Mặc dầu Võ sĩ đạo
sử dụng thanh gươm, cốt yếu của nó là
không để giết người, mà thay vào đó dùng thanh
gươm để đem đời sống đến
cho con người. Sử dụng tinh thần của thanh
gươm Võ sĩ đạo, chúng tôi mong ước
đóng góp cho hòa bình thế giới” (Phát biểu của
Đại sứ Nhật Saburō Kurusu vào ngày 27-12-1940 tại
lễ ký Hiệp ước ba bên giữa Nhật, Đức
và Ý)...
Thay lời kết
Trong Phật giáo có bốn ân
được đề cao, đó là: ân Cha mẹ, ân Sư
trưởng, ân Quốc gia, và ân Tam bảo; và bốn ân này
thường được coi trọng như nhau mà không bị
đem ra cân lường ân nào trọng ân nào khinh. Tuy nhiên khi
đặt vào trong sự lựa chọn mang tính bắt buộc,
sẽ có những lựa chọn khác nhau tuỳ mỗi
người và tuỳ trường hợp. Về ân Quốc
gia, với nhiều Phật tử, luôn là ân trọng nhất
và sẽ vượt qua ân Tam bảo nếu có sự lựa
chọn giữa hai ân này. Tất nhiên ân Quốc gia muốn
nói ở đây không chỉ là sự thể hiện lòng biết
ơn thuần tuý không thôi, mà phải có những hành động
cụ thể trong việc xây dựng và bảo vệ quốc
gia; và ân Tam bảo không chỉ là sự biết ơn Tam bảo,
mà có những việc làm bảo vệ đạo của
mình và không vượt qua những nguyên tắc căn bản
mà tôn giáo của mình đưa ra. Nhưng cũng đối
với một số người, khi đứng trước
sự lựa chọn này, họ sẽ cố gắng cân bằng
để làm sao có thể báo đáp được ân quốc
gia với tất cả những nghĩa vụ của họ,
nhưng đồng thời cũng báo đáp được
ân Tam bảo bằng việc không phá bỏ những nguyên tắc
tôn giáo mà họ đang theo. Nhưng cũng có người
xem ân Quốc gia là tối thượng, và nếu họ
đồng thời vẫn muốn giữ lấy đạo
của mình, thì Phật pháp sẽ được giảng
giải theo cách mà nó sẽ mang lại lợi ích cao nhất
cho quốc gia của họ. Những điều này có thể
nhìn thấy nơi những việc làm của giới Phật
giáo tại Trung Quốc và Nhật Bản trong cuộc chiến
được đề cập ở trên.