Im lặng mỉm cười

Truyện ngắn của Hoàng Công Danh

Một năm nay, buổi sáng tôi thường dậy sớm. Dần thành quen nên chẳng cần hẹn chuông báo thức, đều đặn mỗi sáng năm giờ ba mươi tôi đã rời khỏi giường. Sau khi vệ sinh cá nhân, tôi đến ngồi ở khu vườn bên nhà và nhìn ra đường. Chờ vị sư đi qua.

 

Min họa: Vũ Xuân Hoàn

Đạo hiệu của sư là gì chẳng ai biết. Sư, chỉ một chữ ấy để gọi. Không gọi sư thầy, cũng không gọi vắn tắt là thầy. Sư cũng xưng với người ta bằng sư. Không phải tôi, ta, chỉ sư. Chữ sư có tác dụng như đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất. Cũng có thể hiểu là tôi nếu nói với người đồng trang lứa, có thể hiểu là con với người lớn tuổi hơn. Chữ sư này không nhất thiết phải hiểu là thầy, trịch thượng bảo tao là thầy của mày đây, là thầy của thiên hạ đó.

Tính về tuổi đời, sư ba nhăm. Về tuổi đạo, hai mươi. Nhiều người nói sư còn trẻ quá. Hình như cách nhận xét như vậy không có trong đạo Phật. Con đường tìm đạo gian truân nhưng cũng bất ngờ. Có người tu trọn đời mà chưa chạm tới được đạo. Có người mới xuất gia đầu Phật đã đạt được quả lạc viên, gọi là đốn ngộ. Khi bảo vị sư còn trẻ quá tức là người ta đã căn cứ vào tuổi đời. Đánh đồng tuổi đạo với tuổi đời. Sống lâu lên lão làng. Cái này thường đúng. Tu lâu lên cõi Phật. Phản bác ngay, sai mười mươi.

Chính cái sự trẻ về tuổi đời ấy mà khi mới quay về làng, nhiều người không tin sư lắm. Xuất thân là một người con ở làng, đi tu biền biệt mười lăm năm, nay trở về và có ý ở lại một thời gian khá lâu để hoằng pháp. Sư ở trong chính căn nhà cùng với hai cụ thân sinh. Ngày trở về sư chỉ cần kê cho một chiếc giường để nghỉ ngơi. Không muốn sắm sửa thêm chi nhiều.

Buổi sáng, sư quấn y phục vải nâu đỏ. Đầu để trần, chân không mang giày dép, tay ôm bình bát đi dọc con đường làng. Đầu hơi cúi xuống, bước chân nhẹ nhàng tĩnh lặng, đi như thể bàn chân chỉ bén dính vào đất. Vẻ mặt sư thanh thoát, vô ưu. Dân hiếu kỳ chạy ra xem. Thấy lạ quá. Chưa từng gặp ở đây một chuyện tương tự. Có người biết bảo sư đi khất thực đấy, có gì muốn cúng dường thì đem ra đặt vào bình bát. Nhưng ở làng mới sáng bảnh mắt ra biết lấy gì mà cho. Buổi sáng nhà ai cũng nấu cơm ăn với muối, với nước ruốc, ăn vội còn đi làm. Chợ đò chưa mua sắm được. Có chi mà đòi cúng dường. Thì gạo. Và sáng ấy bình bát của sư đầy gạo. Duy nhất gạo. Làng làm nông, gạo cơm không thiếu.

Nhiều người thắc mắc đi khất thực để làm gì. Có phải đói mà đi xin ăn. Sao không ngồi tụng kinh, không đi giảng pháp cho người ta nghe. Đi khất thực có công năng gì. Tò mò hỏi. Như phần nhiều người ta người từng thắc mắc khi hay chuyện có một vị sư thực hành nhất bộ nhất bái trên con đường quốc lộ. Đi thế để làm gì, ích lợi gì cho giao thông, ích lợi gì cho chánh pháp. Đó là công án của người tu hành. Vô ưu vô lợi. Bất khả tư nghì. Một mật pháp không thể giải thích. Ai bảo biết thì rõ ràng người đó chưa biết.

Một người thấy sư đầu đội trời chân đạp đất liền đem ra cúng dường đôi dép. Bảo mang vào kẻo vấp đá toạc chân. Sư mỉm cười nhẹ gật đầu cảm ơn. May có một người khác chạy đến giật lấy đôi dép đem vào cất, giải khó cho sư.

Dăm bữa sau đã có người cúng dường thịt heo vì biết tin sư không ăn chay. Nói cho chính xác là sư không nhất thiết phải ăn chay. Ăn mặn nhưng không sát sanh. Không hề đụng đến một chút bia rượu và thuốc lá. Điều này khác hẳn với sự biết lâu nay của người dân quê. Người ta vẫn nghĩ rằng đã đi tu là phải ăn chay ở chùa. Đằng này sư ở nhà ăn mặn. Tu cái kiểu gì lạ vậy? Có người hỏi, tôi nói tu theo phái tiểu thừa. Người ta lại hỏi tiểu thừa là sao. Vì sao tu theo tiểu thừa thì được quyền ăn mặn. Tôi có biết sơ sơ nhưng tôi im lặng.

Từ ngày đó tôi bắt đầu thói quen dậy sớm để nhìn sư đi qua. Tôi ngồi sau vườn cây nhà mình. Ở đây nhìn được ra đường nhưng người ngoài đường thì khó nhìn thấy tôi. Chọn chỗ ngồi như vậy để cho cả sư và tôi được tự nhiên.

Sư thuê người về làm một hệ thống lọc nước uống. Nước tinh khiết có thể uống ngay không cần nấu. Nước lọc được phòng kiểm định của sở khoa học công nghệ về kiểm tra, lấy mẫu thử và cấp giấy phép chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Uống được, khỏi cần nấu. Sư cấp phát cho mỗi gia đình trong làng một cái bình nhựa hai mươi lít. Cứ đưa bình đến đây mà lấy về uống. Không ngại về chất lượng vì đã có giấy chứng nhận của cơ quan thẩm quyền cấp.

Người ta bảo sư làm gì có tiền mà xây hẳn một hệ thống lọc nước, rồi còn tiền điện để bơm nước. Đi tu lấy đâu ra tiền mà cho người ta dễ dàng như thế. Chắc có ý chi đây. Người ta tò mò, thắc mắc, hỏi nhau. Có người biết, trả lời đấy là tiền sư vận động được ở các nhà hảo tâm trong nước và cả nước ngoài, đem về để giúp dân làng cải thiện đời sống.

Nhiều lời khen sư. Còn trẻ mà giỏi quá. Xuất gia rồi mà quay về đóng góp cho quê hương, tốt quá. Đi tu mà rất đời. Trời, dễ họ nghĩ đi tu là bỏ hết chuyện đời chắc. Có người tỏ ra nghi ngại. Rằng đằng sau việc làm này liệu có động cơ chính trị nào không. Có dấu hiệu mua chuộc không. Liệu có phải là quảng bá, phô trương quá không. Nghe đồn còn có cả công an mật về tìm hiểu và theo dõi việc làm của sư nữa. Thời đại người ta được của thì muốn làm giàu, giàu rồi muốn giàu thêm, ai cũng nghĩ đến việc tích lũy của cải. Đằng này có tiền lại đem đi cho một cách rất dễ dàng như thế.

Nói thì nói, nghi ngại thì có nghi ngại, nhưng tất cả các nhà đều đến lấy nước về uống cho tiện. Đỡ mất công nấu mà lại bảo đảm an toàn. Ở quê hầu hết đều dùng nước giếng, múc lên đun sôi bằng củi hoặc rơm. Nước uống đã nấu sôi rồi đấy nhưng uống vẫn có mùi phèn, pha nước chè không xanh, không ngọt. Rồi nước tự đun còn hôi mùi khói. Từ khi uống nước lấy từ hệ thống lọc của sư thấy khác. Ngọt và an toàn.

Có người hỏi tôi sao sư lại cho nước mà không cho tiền. Câu hỏi này rất dễ. Có thể trả lời theo kiểu cho cần câu chứ không cho cá. Đại loại thế. Nhưng từ khi nhìn sư đi khất thực tôi đã không dễ dàng trả lời như trước. Tôi im lặng.

Sư lại cho bắt hệ thống đèn chiếu sáng ở tất cả các con đường trong làng. Cứ cách chừng trăm mét lại chôn trụ, bắt một cái bóng. Tất cả ba mươi lăm bóng. Sáng hẳn đường làng ngõ xóm. Đèn bật từ sáu giờ chiều cho đến sáu giờ sáng hôm sau. Từ nay trẻ con hết sợ ma. Người làng có thể đi đêm mà không cần đèn pin. Khỏi phải lo mất trộm, nhất là nạn trộm chó đang xảy ra khắp nơi trong cả nước. Làng được đánh giá là khu dân cư văn minh và an toàn nhất xã.

Sư vẫn đi khất thực mỗi buổi sáng. Chỉ đi quanh làng thôi. Hôm nay xóm trên, mai xóm dưới, ngày kia xóm giữa. Người làng vẫn cho gạo, cho mì tôm, cho thịt. Dần dần hình ảnh nhà sư quấn vải đầu đội trời chân đạp đất trở nên quen thuộc. Nhưng vẫn có người thắc mắc sao sư nhiều tiền thế mà còn đi xin ăn. Tôi biết nhưng tôi không trả lời, cứ im lặng.

Cách đây một tháng sư làm thêm chế độ ăn sáng cho trẻ em và người già. Sư mướn mấy phụ nữ quanh xóm làm bếp. Buổi tối sơ chế, sáng dậy sớm nấu cháo. Cà rốt khoai tây xắt nhỏ. Tôm và thịt bò băm nhuyễn. Xương heo hầm lấy nước dùng cho ngọt. Không bỏ bột nêm và mì chính. Mỗi gia đình trong làng sẽ được phát phiếu ghi số lượng trẻ em dưới mười lăm tuổi và người già trên sáu mươi. Buổi sáng trẻ em và người già cầm phiếu đến tại nhà sư để ăn cháo. Ai không đi được thì có thể nhờ người thân xách cà mèn đến nhận về. Cháo của sư ngon, đảm bảo dinh dưỡng. Con nít trong làng buổi sáng gọi nhau đi ăn cháo. Có đứa xách theo cà mèn để đem cháo về cho ông bà.

Tiếng lành đồn xa. Việc sư làm thật xưa nay chưa hề có ở đây. Quá nhiều ân sủng cho quê hương. Cho nước uống, cho điện đường, cho ăn cháo sáng. Phúc đức quá, tu thế mới là tu. Có người nhận xét. Lại có người bảo dễ thôi, xin tiền của người ta về cho ấy mà. Sư chẳng lao động, chẳng bán buôn, chỉ mỗi việc đi xin tiền của nhà giàu về rồi phân phát lại thôi chứ có khó gì.

Nhiều việc đã làm được, có nhiều lời khen chê tò mò thắc mắc khác nhau, nhưng sư vẫn đi khất thực hằng ngày. Lần đi qua xóm tôi, một thằng cu lên năm chạy ra hỏi. Sư ơi, chúng nó ăn hết cháo chưa sư. Sư mỉm cười không nói. Lại có đứa trẻ con nghịch ngợm chạy ra ngửa tay. Sư cho con mấy ngàn đi mua kẹo. Sư mỉm cười không nói, tiếp tục đi khất thực.

Có người khó khăn xây nhà được sư cho mấy bộ cửa. Cho hẳn cửa chứ không quy ra tiền để cho. Sư tổ chức phát sách vở cho các em học sinh trong làng. Phát bánh Trung thu cho thiếu nhi nhân rằm tháng tám. Các cháu mời sư hát một bài. Sư không hát. Im lặng mỉm cười.

Có cậu thanh niên nửa đêm vào nhà sư. Mặt mày đỏ kè bảo sư cho con ít tiền chuộc xe, con đi đánh bạc cầm xe thua sạch rồi, ngày mai không có xe đi làm. Sư im lặng. Không mỉm cười. Cậu thanh niên không xin được tiền đấm đá vào cửa một hồi rồi bỏ đi.

Sáng hôm sau sư vẫn khất thực. Tôi ngồi sau vườn cây ngắm sư như một thói quen buổi sáng. Tôi quan sát bước chân và vẻ mặt, từ bữa đầu cho đến nay vẫn không có gì khác. Rất lặng lẽ và bình thản.

Việc gần đây nhất là sư cho tu sửa lại ngôi nhà của mình. Xây thêm một phòng lớn ở bên vườn. Kích thước tám nhân mười mét. Kiến trúc bên ngoài thấp thoáng kiểu chùa Miến Điện. Có các hoa văn cánh sen lớn dát màu vàng. Bên trong đặt tượng đức Phật Thích Ca lớn. Lạ quá. Sư đang xây một ngôi chùa chăng? Vì chỉ những ngôi chùa mới thờ tượng Phật Thích Ca, nhà dân không thế. Đạo Phật du nhập vào nước ta, gặp gỡ và hòa quyện với văn hóa dân tộc nên có nét đặc trưng, khác với thế giới. Văn hóa Việt có đạo thờ mẫu, nên các gia đình theo đạo Phật thường thờ tượng bồ tát Quán Thế âm, nhiều nơi gọi là Phật bà Quan âm.

Nhưng nếu sư xây thêm một ngôi chùa cũng không được, vì làng đã có ngôi chùa làng lâu đời. Bà con Phật tử đều đến lễ Phật ở chùa làng hằng đêm. Xây thêm một ngôi chùa chắc giáo hội và chính quyền khó mà đồng thuận cho. Có người gọi cái nhà của sư là ngôi chùa. Cũng được, vì có thờ tượng đức Thích Ca, có một vị sư. Người khác lại không chịu, bảo đấy chỉ là một cái nhà có thờ Phật, thế thôi.

Hằng đêm sư đảnh lễ Phật trong ngôi nhà ấy. Cũng có vài người đến chắp tay đứng sau lưng sư. Dăm bảy người bỏ luôn việc đi chùa làng để đến tụng kinh tại nhà sư. Nghi nghi chắc đi theo sư sẽ được tu theo kiểu ăn mặn mà lại dễ có tiền… như sư.

Chuyện xây nhà hay là chùa của sư khiến người ta bàn tán nhiều hơn cả. Dường như họ không còn quan tâm đến chuyện nước uống, điện đường, cháo ăn sáng. Coi như đấy là sự đã rồi. Việc cái nhà của sư bỗng dưng mang kiến trúc chùa và nhiều người theo sư tụng kinh buổi tối mới là vấn đề nóng hổi. Dân bàn nhiều, cãi nhau nhiều, cốt là để chứng tỏ mình nói đúng.

Có người tình cờ gặp tôi và hỏi. Này, mày có đọc sách, có am hiểu Phật pháp, nghe nói gần đây có in cuốn sách gì đó liên quan đến chùa chiền. Cho hỏi chút, đấy là nhà hay chùa. Tôi nghe quá nhiều câu hỏi liên quan đến việc của sư mà mấy lần trước đều im lặng, lần này thì nổi tự ái và bực bội. Tôi đáp: Đi mà hỏi sư. Sao ai cũng dấm dúi thắc mắc, đi hỏi nhau mà không hỏi sư cho rõ. Đi mà hỏi sư. Mách nước cho người ta như thế nhưng tôi nghĩ chắc là người ta không dám hỏi đâu. Và nếu hỏi chắc gì sư trả lời.

Sáng nay sư vẫn đi khất thực, chẳng có gì thay đổi trên khuôn mặt. Tôi vẫn ngồi sau vườn nhà nhìn sư, cố tìm một biểu hiện nào đó thật khác nhưng tịnh không thấy. Tôi chợt nhớ chuyện Niêm hoa vi tiếu được kể lại trong các sách nhà Phật. Chuyện rằng:

Ngày xưa, trong một lần hội đàm kinh trên núi Linh Sơn. Đức Phật cùng thánh chúng đã ngồi yên rất lâu. Ai cũng đợi để đức bổn sư thuyết giáo. Bỗng. Phật đưa lên một cành hoa. Toàn thể tăng chúng ngơ ngác không hiểu gì, nhiều vị quay sang bên cạnh. Thì thào, trầm trồ hỏi ý nhau. Riêng ngài Ca Diếp là im lặng mỉm cười. Phật cho rằng chỉ ngài Ca Diếp hiểu kinh. Đến đó Phật đã thuyết kinh xong. Không cần bất cứ lời nói nào cả. Sách có lời bàn rằng hành động của đức Phật chính là ngài đang đưa cái tâm lên cho tăng chúng thấy. Nhưng đa phần chỉ nhìn thấy hoa mà không thấy tâm.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle