“Vô hà hữu chi hương?”
(Trang Tử)
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Cả hai bài
Thư Xả và Trở Về Mái Nhà
Xưa, tôi đều chỉ nói một vấn đề, là trở lại, là “hồi đầu thị ngạn”,
là an lập thực tại thân thọ tâm pháp ở đây và bây giờ, đừng hướng ngoại cầu
huyền, đừng rong ruổi Đông Tây Nam Bắc tìm kiếm cái gì nữa – là “yếu chỉ” đầu
tiên mà sư huynh của tôi - thiền sư Viên Minh - đã giảng nói cả hằng chục khóa
thiền trong và ngoài nước.
Cũng tương tợ vậy, hãy
trở lại ngôi nhà của mình, châu báu nó nằm sẵn ở trong - tương tự như “Cư
trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông:
“- Cư trần lạc đạo thả
tùy duyên,
Cơ tắc xan hề, khốn tắc
miên.
Gia trung hữu bảo, hưu
tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm, mạc
vấn thiền”.
(Ở đời vui đạo, hãy tùy
duyên,
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ
liền.
Châu báu trong nhà,
đừng kiếm nữa,
Vô tâm ngắm cảnh, hỏi
chi thiền!) (1)
Tuy nhiên, trở về trong
ngôi nhà của mình, trở lại thân thọ tâm pháp, trở lại chính mình, tôi lại sử
dụng khái niệm ngôn ngữ hình tượng của văn học và thiền học – thì ngại có người
tưởng “chỗ đó” là quê hương, là cố quận, là bản lai diện mục thật sự rồi,
thì nguy to! Vì ngón tay không phải mặt trăng!
Vậy làm thế nào, chúng
ta có thể thấy cái chỗ ấy ở ngoài không-thời-gian, ở ngoài mọi quy ước và khái
niệm, không có lý lịch, xứ sở, quê hương? Cái
chỗ mà Tuệ Trung Thượng Sĩ rong chơi mà ông gọi là “phương ngoại phương?” Hoặc ông mượn “Vô hà hữu chi hương” (không nơi nào có quê
hương, hay quê hương không nơi nào có) của Trang Tử trong Nam Hoa kinh để nói
“Khốn tắc miên hề hà hữu hương” (Mệt thì ngủ chừ, nơi chẳng quê hương).
Vậy cái nơi “phương ngoài phương”, cái chỗ “nơi chẳng quê hương”
chính là “quê hương” của Tuệ Trung Thượng Sĩ! Và ở chỗ ấy thì ông làm
việc gì cũng như thổi “sáo không lỗ”, còn Trần Thái Tông thì như khảy“đàn
không dây”! Và mấy chục năm trước, tôi cũng có mấy câu thơ tương tự:
“Ngựa xuống sông xưa bơi thoải mái. Cá leo núi cũ phóng
thênh thang. Rùa đeo cặp cánh xuyên vô cực.
Thỏ mọc đôi sừng húc nhị nguyên” . Đấy đều là ngôn ngữ hình tượng
nói đến cái dụng giải thoát giữa cuộc đời, vô vi, vô
tác đó mà!
Ôi! Thật là mệt muốn
đứt hơi khi tôi cố gắng sử dụng đủ mọi loại khái niệm để nói về chân đế
(paramattha) – cái “thực tại” mà không thể nói được, không khái niệm được
(paññatti)!
Vấn đề tưởng là đơn
giản mà hóa ra phức tạp, nhiều người thắc mắc, nhận xét hoặc hỏi, lại hỏi rất
đúng.
Ví như có người hỏi, từ
bài Thư Xả :
Chánh niệm rốt ráo là chỉ “thả” cái thân tâm xuống như nó là...
chứ không phải niệm nầy, niệm kia là sao ạ? Vậy “niệm Phật”
không phải là “niệm” à?
Cũng có người hỏi,
trong bài Trở Về Mái Nhà
Xưa: Chánh niệm là trở lại với thân tâm, là an lập thực tại
thân-thọ-tâm-pháp - là thế nào ạ?
Còn nữa, vừa rồi, trên
trang TVHS, dưới bài Trở Về Mái Nhà Xưa, bạn Ly Hoc Phat có nhận xét bằng tiếng
Anh. Nguyên văn như sau:
“- Yes, Mindfulness is
the state of Samadhi/Prajna which can be cultivable at the Volitional / Free
Will / Sankhara level to properly manage one's Realities of outdated marks and
possible solution to wide it off in the Verifiable-Emptiness manifested via
prajna. The cultivable processes are in natural laws for heavy lifting and far
beyond conditioned Word/Image and Thought of all isms. It is the technologies to
move from Outside In known by Kung-Tzu and (real) Jesus for useful existence and
from Inside-Out by Gotama for stability in one's evolution of the consciousness.
The two seemingly contradictions are synthesized in Nagarjuna Madhyamaka
Inside-Out (Relative Truth - Absolutte Truth) and from Outside-In (Perfected
Nature to Dependent Nation to be above the Imaginary Nature of outdated marks)
of Asangha Consciousness-Only. These technologies will be implemented and
delivered to make happened the VanHanh / Ly Cong Uan Khai Phong (Opening slavery
chains and Expanding one's Potentiality via Natural Purification) Nhan Ban”.
Tiếng Anh của tôi chỉ
bẻ đôi mấy chữ, đoạn văn trên khó nuốt cho trôi, tôi chỉ xin ngắt lấy câu đầu:
“Mindfulness is the state of Samadhi/Prajna which can be cultivable at the
Volitional / Free Will / Sankhara level to properly manage one's Realities of
outdated marks and possible solution to wide it off in the Verifiable-Emptiness
manifested via prajna” – vì nó có liên hệ đến cụm từ “chánh niệm rốt ráo”
mà tôi sử dụng trong hai bài viết trước. Còn phần còn lại, do có dính dáng đến
tư tưởng Khổng Tử, Jesus, Trung Quán của Long Thọ, Duy Thức của Vô Trước, Vạn
Hạnh-Lý Công Uẩn, khai phóng nhân bản... gì gì đó đều là những vấn đề lớn, khi
nào có đủ bạo gan tôi mới dám bàn đến.
Vâng, vâng! Xin cảm ơn
tất cả các bạn! Cảm ơn tất cả mọi phản hồi - do chúng ta đều là người học Phật,
tu Phật, đang mày mò lên đường nên “chánh tri kiến” ai cũng cần phải bổ
túc luôn. Tuy nhiên, khi đi hết những giải thích trên không
tránh khỏi đụng vào những kiến thức giáo khoa, kinh điển - chỉ sợ các bạn khó
chịu bởi một số thuật ngữ. Nhưng đành vậy chớ biết sao!
Trước tiên cho tôi nói
cho rõ về “niệm” trong niệm Phật. Theo giáo lý nguyên thủy, “niệm”
trong Chánh Niệm (sammāsati)
và “niệm” trong (tứ) Niệm Xứ (satipaṭṭthāna) thì sử dụng “sati” có nghĩa là ghi nhớ, ghi nhận, chú
tâm. Nhưng “niệm” trong Niệm Phật (Buddhānussati) không dùng
“sati” mà lại sử dụng “anussati”, là “tùy niệm”, có nghĩa là
theo dõi niệm, rà soát niệm hay liên tục niệm. Chúng có khác
nhau đấy.
Trong 40 đề mục thiền
định (samādhi), có 10 đề mục phải sử dụng anussati chứ không phải sati
đó là: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm bố thí, niệm giới, niêm thiên, niệm
tịch tịnh (Niết-bàn), niệm sự chết, niệm 32 thể trược, niêm hơi thở. Và chúng ta
cũng lưu ý là, trong 10 niệm ây, 8 niệm đầu chỉ đưa đến cận hành định, nhưng
niệm 32 thể trược có thể đắc an chỉ định (appanā-samādhi), còn niệm hơi thở có
thể đắc định, kết hợp Quán Niệm Xứ thì có khả năng đắc Tứ Thánh Quả.
Đến đây sẽ có người
hỏi, tại sao niệm Phật mà chỉ đưa đến cận hành định thôi? Chúng ta cần phải tìm hiểu qua cách niệm Phật
của bên Nguyên thủy mới thấy rõ điều ấy.
Niệm Phật, ví dụ niệm
“Buddho”, hay niệm “Arahaṃ”...(2); có hai cách niệm:
- Buddho, Buddho... sử
dụng anussati niệm liên tục, trước niệm thành tiếng sau niệm thầm... cho đến khi
chỉ còn nhất niệm, an trú vào nhất niệm này sẽ đạt cận
hành định (upācara), thuộc tâm thiện dục giới.
- Niệm Phật, ví dụ niệm
ân đức. Sử dụng anussati nghĩ tưởng đến ân đức của Phật. Đức Phật (Buddho) có 3 đức (Guṅa): Tuệ đức (Paññāguṇa), Tịnh đức (Visuddhiguṇa) và Bi đức (Karuṇāguṇa).
Cách niệm trước dễ an
trú, vì “Buddho” niệm liên tục, nhanh, thì chỉ còn “một danh đối
tượng”
dễ đi vào nhất niệm. Cách niệm sau bị phân tán thành “ba danh đối tượng”
nên khó an trú vào nhất điểm. Tuy nhiên, khi thiết lập đức tin vững
vàng, và kiên trú niệm thì tạm thời lắng dịu phiền não, tham ưu, tâm trở nên
trong sáng; và cũng từ “chỗ trong sáng” này, tương tự nhất niệm, hành giả
sẽ đạt cận hành định (upācara), thuộc tâm thiện dục giới. Niệm “lục tự Di Đà” cũng vậy, cũng chỉ đạt cận hành định nếu
biến được 6 chữ thành nhất niệm, cũng thuộc tâm thiện dục giới.
Do vậy, ta còn có nghe câu: “Nhất cú Di Đà vô biệt niệm, bất lao đàn chỉ đáo
Tây phương”.
Có nghĩa là, niệm một câu Di-đà đến chỗ “vô biệt niệm”, không
lao nhọc (bất lao), khảy móng tay (đàn chỉ) là đến Tây phương. Khi mà
“vô biệt niệm” tức không còn năng sở thì đã đến Tây phương, cõi Tịnh Độ, tâm
ta đã thanh tịnh rồi, vì “Tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh” – nó ở ngay
đây và bây giờ, chứ qua Tây phương mà làm gì nữa!
Muốn đạt “an
chỉ định”
thuộc tâm thiền sắc giới thì phải chuyển qua 10 đề mục kasiṇa (đất, nước, lửa, gió,
xanh, đỏ, trắng, vàng, hư không, ánh sáng). Các bạn chịu khó
theo
dõi đoạn dưới đây để thấy rõ từ khi lựa chọn đề mục sắc pháp cho đến khi đạt an
chỉ định.
Ví dụ đề mục kasiṇa đất, trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi-magga).
Người ta lấy một cái
khuôn hoặc cái bát có dạng hình tròn độ hơn một gang tay
rồi dùng đất sét màu nhồi thật nhuyễn, trét bằng. Vật ấy được
gọi là sơ tướng (parikamma nimitta). Hành giả ngồi và nhìn đối tượng sắc
pháp ấy (sơ tướng) cho đến khi nhắm mắt lại vẫn có thể thấy hình tròn
sáng của bát đất. Thường thì hình tròn sáng của bát đất hiện ra một lúc rồi mờ
dần và mất hẳn. Hành giả phải mở mắt ra và chú tâm nhìn bát
đất trở lại. Cho đến khi nhắm mắt mà bát đất tròn sáng vẫn hiện ra rõ
ràng, đó tức là thô tướng (uggahanimitta), còn những dấu vết dọc ngang, lồi lõm
trên mặt đất sét. Từ thô tướng ấy, tức là từ vật tròn sáng hiện ra trong tâm,
hành giả tiếp tục chú mục, quan sát cho đến khi vật tròn sáng
kia càng lúc càng sáng, không còn một tì vết nào. Hình tròn sáng ấy càng
lúc càng sáng trong, vằng vặc như mảnh trăng thu
giữa trời, do “tưởng” tập trung cao độ mà thành: Ấy được gọi là quang
tướng (paṭibhāga nimitta).
Các giai đoạn từ sơ
tướng, sang thô tướng, đến quang tướng, hành giả lần lượt đoạn trừ 5 triền cái
do 5 thiền chi phát sanh. Cứ mỗi thiền chi phát sanh sẽ làm cho lắng dịu một triền cái tương
ứng (3).
Ta có thể diễn đạt cách
khác.
Sau khi ngồi thanh
thản, thư xả, hành giả nhìn đối tượng bát đất sét, đừng căng thẳng, chỉ hướng
tâm đến đối tượng một cách chăm chú (sati), chỉ chứng mực vừa đủ để mình không
lừ đừ, dã dượi, buồn ngủ (hôn trầm, thụy miên) - đấy gọi là tầm (vitakka).
Từ đây, tâm bắt đầu gắn chặt vào đối tượng, không còn phân vân, lưỡng lự, dao
động nữa, đó là trạng thái tứ (vicāra).
Đến đây, cái thân đã yên tĩnh, không còn khó chịu, bực bội hay
nóng nảy nữa, có những cảm giác dễ chịu, mát mẻ, thích thú xảy ra nơi thân được
gọi là phỉ (pīti). Ví như thấy người nhẹ nhàng, lâng lâng; thấy mát mẻ cả
toàn thân; thấy ánh sáng tỏa ra... (4)
Sau đó, sự thích thú,
dễ chịu - các phỉ ở nơi thân - lắng dịu dần, để lại sự an tĩnh, an lạc cho tâm, đó là trạng thái lạc (sukha) của
thiền. Đến đây, tâm lần hồi được tĩnh chỉ, quân bình, không
còn khởi lên một tham muốn nào đối với dục trần nữa. Đây được gọi là nhất
tâm (ekaggatā) – khác với nhất điểm ở trên - hay an chỉ định, là sơ thiền, là
thiền sắc giới, đầy đủ 5 thiền chi: Tầm, tứ, phỉ, lạc, nhất tâm, được kinh bộ
diễn tả là: “Ly dục, ly bất thiện pháp, chứng trú thiền thứ nhất, trạng thái
hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ!”
Đây là định, định do ly
dục, ly ác pháp khác với định của ngoại đạo. Như vậy, anussati chỉ đưa đến cận
hành định và sati đưa đến an chỉ định - cả hai đều là
định cả; nhưng cận hành định thuộc dục giới, còn anh chỉ định thuộc sắc giới.
Tuy nhiên, định này chỉ tạm thời lắng dịu phiền não, chưa có tuệ, phải chuyển
qua tu tập minh sát (vipassanā) mới giác ngộ, giải thoát được.
Bây giờ nói qua Chánh
Niệm (Sammāsati).
Từ trước đến nay, trên
sách báo, tạp chí, trong nhiều băng giảng, cho đến chư
vị thiền sư, nhà nghiên cứu đó đây – ai cũng nói đến chánh niệm, và lại nói
nhiều cách khác nhau.
Giả dụ như, có vị nói:
Chánh niệm là tỉnh thức
trong giây phút hiện tại! Nếu lập ngôn ngư vậy, thì chánh niệm
đồng nghĩa với tỉnh thức còn gì? Tại sao họ
không để ý rằng, nếu niệm, chú tâm (sati) liên tục, gắn khít nhất điểm liên tục
thì nó sẽ đưa đến định? Và định thì đâu thuộc phạm trù của tỉnh thức,
tỉnh giác – là chức năng của tuệ!?
Trường hợp khác, có
người nói: Chánh niệm là biết rõ
hơi thở vào ra, dài ngắn thế nào. Nếu nói như vậy thì chánh niệm đồng
nghĩa với tuệ tri, vì tuệ tri là thấy rõ, biết rõ!?
Có người lại nói: Chánh
niệm là sự tỉnh giác, không quên niệm, biết rõ các pháp một cách
trọn vẹn. Nói như thế thì hóa ra chánh niệm đồng nghĩa với biết rõ
- tức là tỉnh giác hay tuệ tri!?
Rồi còn có người nói
nghe khá chính xác: Chánh niệm là quán thân thọ tâm pháp. Nói vậy thì chánh
niệm đồng nghĩa với quán, chức năng của tuệ, của minh sát!?
Có người đi xa hơn:
Chánh niệm giúp ta kết nối với mọi người xung quanh. Kết nối
như thế nào nhỉ? Ai biết thì làm ơn chỉ bày giùm cho
tôi với, chỗ này tôi chịu.
Có người nói nghe rất
hay: Chánh niệm giúp nhận diện niềm đau, nổi khổ và chuyển hóa chúng.
Nếu nói như vậy thì chánh niệm đồng nghĩa với nhận diện.
Nhận diện là chức năng của chánh tư duy và chánh kiến; lại nữa, chánh niệm chỉ
mới để yên thân thọ tâm pháp, chưa làm gì cả, và nó không có nhiệm vụ “chuyển
hóa” khổ đau.
Chuyển hóa là biến cái này ra cái khác, đây là nỗ lực của hữu
vi tâm, nó chỉ có khả năng đối trị tạm thời. Còn vấn đề diệt khổ nó lại khác.
Chỉ khi thấy rõ như thực, chức năng của giác trí (bodhiñāṇa) hay tuệ giác (sambodhi) biết rõ như thực
nguyên nhân khổ thì khổ mới tự diệt, như ánh sáng đến thì bóng tối tự lui (chứ
không thể nói ánh sáng diệt bóng tối).
Muốn hiểu rõ tất cả
những điều ấy, xin các bạn chịu khó một chút nữa. Chịu khó nghe thêm ngữ nghĩa
của chánh niệm.
Chánh niệm được dịch từ
sammā sati.
Sati
là niệm. Niệm do người Tàu dịch, và không biết tại sao họ lại dịch
đúng với từ sati trong pháp hiện quán. Niệm,
chữ Hán viết, ở trên là bộ kim, ở dưới là chữ tâm.
Kim là hiện tại; vậy, niệm là (tâm) ghi nhớ những gì đang xảy ra trong
hiện tại. Còn trong nghĩa Pāḷi thì sati có mấy nghĩa tương đối chính xác: Sự nhớ, ghi
nhớ, ghi nhận - còn ngoài ra, nhiều nghĩa khác thì đi quá xa.
Thế còn sammā? Ai cũng dịch sammā
là chánh, chơn, đúng... Do vậy ai cũng hiểu sammāsati là niệm cái chơn,
cái chánh, cái đúng; hoặc ghi nhớ, ghi nhận, chú tâm cái chơn, cái chánh, cái
đúng. Nhưng bây giờ chúng ta thử hỏi, cái gì là chơn, là
chánh, là đúng trên cuộc đời này? Thế cái xấu, cái ác,
cái không phải chánh chơn, người học Phật không ghi nhớ, không ghi nhận hay sao? Thật ra, sammā còn nhiều nghĩa khác nữa mà tiếng Hán, tiếng
Việt không nói ra hết được. Sammā không những có nghĩa chánh,
chơn, mà còn có nghĩa đúng đắn, một cách đúng đắn, thích hợp, một cách hoàn
toàn, toàn diện... Hoàn toàn, toàn diện, trọn vẹn... có nghĩa
là nó như thế nào thì chụp bắt trọn vẹn nó như thế, không chia chẻ, phân tích,
không đưa xen cảm tính và tư duy chủ quan của mình vào. Vậy đến đây, tạm
thời ta có một định nghĩa về chánh niệm tương đối đầy đủ nhất: Chánh niệm là ghi
nhận, là chú tâm đúng, trọn vẹn, toàn diện, chân xác đối tượng - bất kể đối
tượng ấy đẹp hay xấu, méo hay tròn, thiện hay ác.
Tuy nhiên dù định nghĩa
chính xác cách nào thì nó cũng chỉ là những khái niệm trừu tượng. Làm
sao bây giờ? Làm sao ta có thể có ví dụ cụ thể để biết,
để thấy chánh niệm nhỉ? Tôi nhớ có lần ở đâu đó, tôi có
đưa ví dụ người canh cửa. Người canh cửa thì ai đi vô,
đi ra thì anh phải ghi nhớ, ghi nhận.
Đúng rồi, chánh niệm là người đứng canh cửa thân tâm.
Cái gì, pháp nào đi vô, đi ra thân tâm đều phải đi qua anh chánh niệm, vì anh là
người đứng canh cửa.
Anh ta chỉ đứng nơi cửa và canh chừng thôi.
Anh chỉ việc đứng đấy và ghi nhận, chú tâm trọn vẹn ở đấy. Nhiệm vụ của
anh chỉ có vậy - đừng có làm cái phận việc “thấy rõ, biết rõ hoặc phân biệt
người này và người kia”.
Tại sao vậy? Vì thấy rõ biết rõ là chức năng của người khác, là bổn
phận của anh chánh kiến! Còn phân biệt đàn ông, đàn bà, kẻ xấu
người tốt lại là chức năng, bổn phận của anh chánh tư duy!
Thấy chưa, các bạn thấy chưa? Ai có phần việc nấy,
không lẫn lộn với nhau được.
Ta có thể có một ví dụ
khác.
Có người cầm cái kiếng
để soi mặt mình. Muốn thấy mặt mình cho
rõ ràng thì cái kiếng phải được cầm cho vững vàng, không nghiêng chao thì hình
ảnh hiện ra mới chân thực. Vững vàng, không nghiêng chao là
phần việc của chánh niệm – vì niệm đưa đến định - còn thấy rõ, biết rõ thì mặt
kiếng tự phản ảnh chân xác, là của chánh kiến.
Đến đây ta có thể thấy
rõ sự thật, là khi có chánh niệm – chánh niệm trọn vẹn - thì tức khắc,
chánh kiến khởi sanh. Đây
là chỗ mà tôi gọi là “chánh niệm rốt ráo” vì nó có luôn cả chánh kiến.
Đến đây, chúng ta hiểu:
Chánh niệm rốt ráo là
chỉ thả cái thân tâm xuống như nó là...
Chánh niệm
là trở lại với thân tâm, là an lập (đặt yên xuống) thực tại
thân-thọ-tâm-pháp.
Và câu đầu của đoạn
nhận xét bằng tiếng Anh, mà tôi có hai người đệ tử, đã cố gắng diễn đạt cho đúng
với vấn đề chúng ta đang đề cập – nhưng không biết có đúng với ý của tác giả
không:
Một người dịch: “Chánh
niệm là trạng thái của Định-Tuệ (Samādhi-Paññā-Prajñā) cái có thể tu tập tại cấp
độ Hành (Saṅkhāra) để chế ngự một cách thích hợp các Pháp ở những điểm sai
lỗi (vì không đúng với như chân, như thực) và biện pháp khả thi nhằm mở rộng nó
trong Không Tính có được nhờ Tuệ”.
Người thứ hai:
“Chánh niệm là trạng thái của Định/ Tuệ mà có thể rèn luyện ở cấp độ Ý chí/ Tự
ý/ Hành đến sự chế ngự một cách đúng đắn thực hữu của những nhãn hiệu lỗi thời
và giải pháp hợp lý để thu hẹp nó lại trong Tánh không (có thể thẩm tra) được
biểu hiện qua Tuệ”.
Thật là mệt cho cái
tiếng Anh, tiếng U!
Tuy nhiên, hai câu hỏi
và một nhận xét ở trên, chỉ là một, vì khi thả cái thân tâm xuống như nó là, thì
thân thọ tâm pháp như thế nào thì để yên nó như vậy, đừng sử dụng ngã tính, đừng
áp đặt chủ quan tư duy và cảm tính của mình vào. Đây chính là chánh niệm rốt
ráo, và khi có chánh niệm nầy thì chánh kiến đồng có mặt (định-tuệ đồng
chiếu soi) – cái mà bạn Ly Hoc Phat đề cập ở trên:Chánh
niệm là trạng thái của Định-Tuệ. Nhưng xin thưa, Định-Tuệ
này là cách nói khác của chánh niệm - tỉnh giác. Tuy
nhiên, ở cấp độ này, cái có thể tu tập (rèn luyện) tại cấp độ Hành (Saṅkhāra) nó không còn là Hành nữa.
Tại sao vậy? Vì tư tâm sở (cetāna), gốc của Hành đã được thay thế bởi tuệ
tâm sở - tức là tuệ tri hay tuệ có đầy đủ chánh-niệm-tỉnh-giác.
Tư tác (cetāna) phát
sanh Nghiệp, tuệ tri (pajānāti) làm lắng dịu nghiệp và chấm dứt nghiệp.
Điều lý thú và có lẽ
tôi ưng ý là chỗ nói về Không Tính có được nhờ Tuệ, hoặc được biếu hiện qua
Tuệ. Tuy nhiên, Tuệ này
không còn là tuệ của bờ này, mà đã là tuệ-của-bờ-kia, tuệ-siêu-thế, còn được gọi
là Tuệ Không. Từ trước đến nay, ai
cũng nghĩ là chỉ có Kim cương-Bát nhã mới nói đến Tuệ không; và Trung quán luận
của Long Thọ mới nói đến Tánh Không, Không Tính – nhưng thật ra nó đã có từ kinh
điển nguyên thủy: Các pháp vì duyên khởi nên Vô Ngã, vì Vô Ngã nên Không!
Vì vậy, bài thơ cuối trong “Trở Về Mái Nhà Xưa”
,
tôi cốt ý gợi mở thế giới Tuệ Không và Tánh Không đó vậy. Bụi, phiền não,
một đối tượng, đừng sử dụng ngã tính, tư duy và cảm tính của mình mà xoa hay
phủi;
chỉ ngắm nhìn tĩnh tại (chánh niệm và tỉnh giác - định, tuệ), trả chúng
lại thế giới sinh diệt tự nhiên, nó đến tất nó đi, ngọn gió mất tích ở cuối
vời, rỗng rang tuệ không, không tánh. Nó cũng tự nhiên như
những định luật tự nhiên của trời đất.
Tại đây tôi chợt nhớ
đến yếu chỉ thiền của Bách Trượng Hoài Hải mà sau này, Vô Ngôn Thông kế thừa:
“Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu!”.
Thân tâm cứ để yên, thả xuống, để yên như ly nước đặt xuống bàn, đừng khởi tư
tác gì cả, thì lúc ấy được gọi là “không”, vì lúc ấy không có tham sân
si, không có vô tham vô sân vô si tác động (không có 6 nhân, theo Abhidhamma). Và lúc ấy thì “tuệ nhật tự chiếu”.
Không có gì rõ ràng hơn thế nữa.
Khi các đối tượng thân
thọ tâm pháp được chánh niệm an lập rồi, chánh kiến xuất hiện, nhìn ngắm như
thực, thấy biết như thực, hoặc như tánh tri kiến (yathābhūta ñāṇadassana), mà thiền tông gọi là “kiến tánh”
thì tốt xấu, thiện ác, thanh trược đều là thực tánh pháp (paramattha-dhamma),
tên gọi khác của Không Tánh (thực tướng là vô tướng tất cả tướng) thì những cái
gọi là tham sân, thương ghét... của chúng ta mới ảo hóa, mộng, đốm “như thực”
làm sao!
Nói tóm lại, thưa các
bạn, trong bát chánh đạo, khi ta có ngữ nghiệp mạng tương đối “đàng hoàng”
rồi, ta chỉ cần sử dụng tinh tấn, chánh niệm và tỉnh giác để lên đường thôi. Vì
chánh niệm đại biểu cho nhóm tâm (niệm, định), và tỉnh giác đại biểu cho nhóm
trí (kiến, tư duy).
Đôi chỗ đức Phật không
cần nói tinh tấn hay tinh cần vì trong niệm và tỉnh giác đã có sẵn “liễu liễu
thường tri” nói như Tổ Huệ Khả – thì đã có tinh cần rồi.
Vậy niệm và tỉnh giác đủ đại biểu cho Đạo Đế, sự thật về con đường diệt khổ.
Niệm và tỉnh giác- đại biểu cho Bát Chánh Đạo; nó là hành trang là tư lương để
cho chúng ta trở lại quê nhà.
Ta LẠI TRỞ VỀ CỐ QUẬN,
mà không nơi nào là cố quận, và ở nơi đâu cũng là cố quận, như một đoạn trong
“Khúc Hát Ngông Nghênh” của Tuệ Trung Thượng Sĩ:
... Chống gậy rong chơi
chừ, “phương ngoài phương”
Dạo chốn cao cao chừ, mây đỉnh núi
Hoặc nơi sâu sâu chừ, nước trùng dương
Hễ đói thì ăn chừ, cơm mười phương góp
Hễ mệt thì ngủ chừ, “nơi chẳng quê hương”
Lúc cảm hứng chừ, “thổi sáo không lỗ”
Lúc thanh tịnh chừ, đốt giải thoát hương
Mỏi nghỉ ngơi chút chừ, đất hoan hỷ
Khát uống no nê chừ, nước tiêu dao thang...
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH
Ghi chú:
(1) Tôi có thể giải
thích theo cái thấy của mình: Câu đầu là hãy tùy duyên
mà vui sống. Câu hai là hãy thuận theo định luật tự nhiên của trời đất, hễ đói
thì ăn, ăn “biết” ăn, hễ mệt thì ngủ, ngủ “biết” ngủ, đừng gò ép thân tâm. Câu
ba, đừng có lang
thang tìm kiếm Phật, Bồ-đề khắp chân trời góc bể nữa, châu báu có sẵn trong nhà,
viên minh châu nó ở trong chiếc áo rách của thân tâm ngũ uẩn này. Câu bốn, để
tâm trong sáng rỗng rang mà ngắm cảnh, chớ hỏi thiền làm chi nữa.
Tôi cố ý để nguyên chữ
“vô tâm” mà không dịch là “không tâm” vì sợ lệch khái niệm, vì “vô tâm” đây là
tâm trong sáng, rỗng rang ý niệm, không dính mắc ngoại cảnh. Vô tâm này của Trần
Nhân Tông đồng một khái niệm “vô tâm” của Đạt Ma, đồng với “vô niệm” của Huệ
Năng mà cũng đồng với “kỳ tâm” nơi câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong
kinh Kim Cương mà nhờ vậy, Huệ Năng ngộ đạo.
Vô tâm của Trần Nhân
Tông lại khác với vô tâm của Trần Thái Tông trong câu thơ: “Mạc vấn vô tâm vân
thị đạo, vô tâm do cách nhất trùng quan” (Chớ hỏi vô tâm là đạo vậy, vô tâm còn
cách một ngăn rào - dịch không lấy hết ý: Vô tâm còn bị ngăn cách chất chồng
nhiều lớp cửa). Sở dĩ Trần Thái Tông khuyến cáo vậy, có thể do những hiểu lầm về
vô tâm: Xem vô tâm là không có tâm. Nghĩ rằng vô tâm là để tâm không. Nghĩ rằng vô tâm đồng nghĩa với tự nhiên, vô ý, vô tứ. Nghĩ
rằng vô tâm là không cố ý, không chủ ý... Vô tâm cái kiểu ấy
thì rõ là còn bị ngăn cách chất chồng nhiều lớp cửa mới đến được chỗ rốt ráo của
thiền.
(2) Lựa chọn 01 trong 9
hồng danh Phật: Arahaṃ (Ứng Cúng), Sammā Sambuddho (Chánh Biến Tri), Vijjā-carana
Sampanno (Minh Hạnh Túc), Sugato (Thiện Thệ), Lokavidū (Thế Gian Giải), Anuttaro
Purisa Damma Sārathi (Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu), Satthā Deva Manussānam
(Thiên Nhân Sư), Buddho (Phật), Bhagavā (Thế Tôn).
(3) Tầm (vitakka) đối
trị: Hôn trầm, thụy miên (thīnamiddha); Tứ (vicāra) đối trị: Nghi (vicikicchā);
Hỷ (pīti) đối trị: Sân (vyāpāda); Lạc (sukha) đối trị: Trạo hối (uddhacca -
kukkucca); Nhất tâm (ekaggatā) đối trị: Dục lạc (kāmachanda).
(4) Phỉ (pīti) có 5
hiện tượng: Quang hỷ (thấy ánh sáng); Tiểu hỷ (thấy nổi da gà, rần rần cả người;
Khinh hỷ (thấy người nhẹ nhàng, lâng lâng, có thể bốc lên khỏi mặt chiếu); Hải
triều hỷ (cảm giác như ngồi bên bờ biển, sóng chao qua chao lại rất dễ chịu);
Sung mãn hỷ (tẩm mát cả toàn thân). Những người nhìn tượng Phật thấy hào quang,
ánh sáng rực rỡ... đa phần là do phỉ nầy. Thấy thánh chúng hay thần tiên đều là
do tưởng sinh.
Bài liên quan:
Thư Xả
và
Trở Về Mái Nhà
Xưa