Nói đến văn hóa, nhiều người nghĩ
ngay đến những định nghĩa cầu kỳ, phức tạp, trừu tượng, những khái niệm ở
tầm “vĩ mô “ như bản sắc văn hóa, như hiện tượng xã hội, hay những giá trị
truyền thống; nhưng cũng có khi bình tâm, nhìn lại ta thấy văn hóa hiện ra như
một thứ kính vạn hoa có thể soi chiếu, phản ánh nhiều mặt của cuộc sống.
Chùa Bái Đính
Đức Phật và
Sacombank
Có một giảng viên Anh
ngữ ở Hội Việt Mỹ, vốn là người sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, nhân ngày đầu
năm hỏi học viên lớp mình: Trình bày một khía
cạnh của văn hóa Việt Nam và cho biết giá trị nền tảng của nó? Khi các học viên
còn đang lúng túng, ông ta hỏi tiếp, “Tại sao các bạn đi chùa
đầu năm?”. Sau đó ông đưa ra nhận xét: “Các bạn xem
Đức Phật chẳng khác nào Sacombank, bỏ ra ít tiền lẻ, cầu mong lấy lãi thật
nhiều(!)”. Ông ta ngờ rằng ít có ai thật sự không cầu mong giàu có trong ngày đầu năm khi đến
cửa chùa… Nhận định ấy đúng hay sai?
Thử đọc vài trang báo
đầu năm: “Hàng trăm mét kéo dài từ ngoài đường vào tận cổng chùa Đậu, không
biết cơ man nào là lều bạt dựng lên, dây buộc tứ tung….
Mùi cá nướng, mùi dầu mỡ đặc quánh không gian chùa… không riêng gì các cô cậu
choai choai, ngay cả những người được gọi là trưởng thành cũng váy ngắn cũn cỡn,
guốc cao gót lộc cộc vào chùa. Có cơ quan tổ chức đi chùa,đàn ông đàn bà nói chuyện cứ oang oang như ở nhà… Tôi nghe
được những lời khấn khứa, xin xỏ của họ: ‘Xin người ban lộc ban tài, ban cơm ban
áo, ban gạo ban tiền, cho nhiều người trong gia trung chúng con có lộc có tiền
có danh có tiếng có nhà có xe…’.
Một bà ủ rũ: ‘Con mới cho người ta vay lãi, bốn tháng nay chưa lấy được đồng nào,
đến đòi tiền thì nó không trả, xin Ngài phù hộ độ trì cho con lấy lại được tiền,
cho những đứa vay tiền của con mà không trả đi tàu chết tàu, đi xe chết xe…’”
(Sơn Nam Thương – bài Những đồng tiền lẻ trên tay
Đức Phật, báo Tuổi Trẻ và Đời Sống 2.2.2012).
Đi đến bất cứ lễ hội
nào như lễ hội chùa Hương, Bà Chúa Kho, Yên Tử, Đền Hùng… đều có dịch vụ sắp lễ
thuê, thậm chí cúng thuê. Những quầy hàng bầy la liệt, sát nhau lấn chiếm cả các
lối đi lên di tích khiến cho quang cảnh linh thiêng trở nên bụi bặm, chợ búa,
khó chịu và thực sự mất mỹ quan. Sau Tết Nguyên đán, ở Khu di tích Đền Hùng, từ
cổng chính dẫn lên khu di tích có đến hàng chục phụ nữ cầm những xấp tiền giấy
loại 200, 500 đồng mời khách đổi tiền để dâng lễ, mời mua đồ lễ. Đền Hạ là nơi
mẹ Âu Cơ sinh hạ trăm trứng, khu nội điện chật ních người dâng lễ với các mâm ngũ quả đầy đặn bắt mắt. Vào chính hội thì thảm cảnh
chen
lấn còn khốc liệt hơn nhiều. Ai cũng muốn mình đặt được một vài tờ tiền lẻ mệnh
giá 200, 500, 1.000 đồng lên ban thờ dù những hòm công đức được bố trí ở khắp
nơi, lại có bàn ghi công đức có người trực cả ngày. Nhưng bàn
ghi công đức rất vắng lặng. Ở giếng cổ, tương truyền là nơi tắm cho các
con của mẹ Âu Cơ, người ta cũng ném tiền lẻ xuống làm tiền vãi tứ tung, rồi các
hiện tượng như nhét tiền vào kẽ chân thần linh, thánh tượng, hay các biểu tượng
trang trí, ngẫu tượng… Ở chùa Mía (Sơn Tây), các tượng thánh cũng chịu
chung
“kiếp nạn”, bị nhồi nhét tiền lẻ vào kẽ tay. (thoisuphatphap.worldpress.com)
Về mặt kinh tế, theo
một thống kê, tỷ lệ trung bình của tiền lẻ được một người dùng vào dịp Tết
Nguyên đán thông thường như sau: đặt lễ ở đền chùa chiếm gần 75%, dùng vào
việc mừng tuổi, làm từ thiện chiếm 20%, chi trả ở siêu thị và chợ chỉ chiếm trên
5%. Như vậy, một lượng tiền lẻ rất lớn đã không thực sự tham gia trong cơ cấu
lưu thông tiêu dùng thông thường. Sự gia
tăng những
đồng tiền mệnh giá nhỏ không những làm tốn kém về khối lượng vật tư in ấn cho
ngành ngân hàng, mà còn làm dư thừa, mất cân đối nghiêm trọng theo vùng
và nhịp độ thời gian lưu thông tiền lẻ trong năm.
Vì thế, kho tiền của
Ngân hàng Nhà
nước Hà Nội, bên cạnh những bao tiền cũ đã quay nhiều vòng trong lưu thông có
một lượng lớn là các bao tiền mới chỉ được sử dụng một lần. Vào thời gian cao điểm của mùa lễ hội, tiền lẻ về nhiều đến nỗi kho
của Ngân hàng Nhà nước Hà Nội chẳng thể chứa nổi.
Ngay tại khu vực chùa
Hương, vào mùa lễ hội đâu đâu cũng thấy bạt ngàn tiền lẻ. Tiềm thức cúng dường, tiền giọt dầu để cầu
may, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc được hiện hữu bằng việc người dân rải tiền khắp
mọi nơi. Từ tay Phật, tay thánh, ban
thờ thậm chí là gieo luôn dưới chân mình khi không chen chân được vào trong bàn
để lễ. Đền Bà Chúa Kho và nhiều đền chùa khác như chùa Bái Đính, Yên Tử,
phủ Tây Hồ… đâu đâu cũng một thảm cảnh tương tự.
Những đồng tiền rơi vãi đặt không đúng chỗ, không chỉ làm mất
đi cảnh quan trang nghiêm nơi cửa Phật mà còn làm xấu đi hình ảnh đồng tiền vốn
được coi là một thương hiệu quốc gia.
Như vậy, nhận xét của giảng viên nước ngoài nọ về thứ văn hóa cầu
lợi cũng đáng cho chúng ta suy ngẫm. Phải chăng đó chính là biểu hiện của một thứ tín ngưỡng “lệch lạc”
suy đồi. Ngoài ra, ta băn khoăn tự hỏi tại sao một đất nước như
Campuchia có thể cấm du khách không mặc quần short, váy ngắn trên gối vào
hoàng cung hay chùa chiền vì đó là phép lịch sự tối thiểu của một người
có “văn hóa” (!), một sự tôn trọng đối với văn hóa và với chính tư cách cá nhân
mình.
Văn hóa trên nòng súng
hoa cải
Không biết tự lúc nào
hay chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng người
ta lại có thói quen dùng
súng giải quyết những bất đồng khúc mắc trong quan hệ con người. Thì
ra trong tâm thức người ta chiến tranh vẫn còn đó, ý niệm lấy bạo lực làm
phương tiện giải quyết mọi vấn đề đang diễn ra ngày một nhiều. Không
ngày nào không có những chuyện như vào quán, nhìn nhau thấy khó ưa là “xử“, va
chạm giao thông, không cần đôi co, “giải quyết” luôn bằng dao, hận tình cũng
thanh toán, thậm chí anh chị em trong nhà hậm hực vì hành vi lối sống của nhau
cũng gài chất nổ phanh thây…
Cả đến quan
hệ chính quyền-nhân dân cũng nhuốm màu bạo lực mà vụ cưỡng chế
đất của dân ở Tiên Lãng (Hải Phòng) đang là đề tài “nóng” bàn tán khắp nơi
khiến đích thân các quan chức cao cấp phải tham gia giải quyết. Lý do chỉ vì các
bậc phụ mẫu của dân sử dụng vũ lực quá đà khiến người dân bất mãn và họ cũng không
vừa khi gây sát thương cho 6 công an viên…(!).
Người ta không còn dùng
lời nói, ngôn ngữ để giao tiếp, thậm chí tranh luận để tìm ra chân lý mà vội lao
ngay vào vũ lực như một kế sách giải quyết nhanh gọn nhất nhưng cũng “tàn bạo”
nhất dù đó là cách giải quyết hoàn toàn không “văn hóa” vì không dùng ngôn ngữ.
Ta hiểu “Văn hóa là một công cụ giao tiếp quan trọng. Chức
năng giao tiếp là chức năng thứ ba của văn hóa. Nếu ngôn ngữ là hình thức
của giao tiếp thì văn hóa là nội dung của nó; điều đó đúng với giao tiếp giữa
các cá nhân trong một dân tộc, lại càng đúng với giao tiếp giữa những người
thuộc các dân tộc khác nhau và giao tiếp giữa các nền văn hóa” (Trần Ngọc
Thêm, Bản sắc văn hóa Việt Nam).
Tình trạng bạo lực đang trở thành nỗi nhức nhối trong lòng
mọi người khi ra ngoài đường hay ở nơi công cộng như sân vận động, quán
xá… Chúng ta dần quen với thuật ngữ “bạo lực học đường, bạo lực sân cỏ, bạo hành
gia đình…”.
Văn hóa thủ đoạn…
Đó là một cụm từ “khiên
cưỡng” vì văn hóa mang tính lịch sử với bề dày thời gian và chiều sâu tâm linh
thì không thể hàm nghĩa “thủ đoạn” được. Chúng ta tạm dùng để
chỉ ra tình trạng thực giả mập mờ hiện nay ở mọi mặt.
Cụ thể như xăng giả, gas giả, thuốc tây giả, phân bón giả… trừu tượng như bằng
cấp giả, khai báo tài sản giả, nguy hơn là niềm tin, lý tưởng giả.
Thậm chí người ta còn dùng “gia đình văn hóa, làng văn hóa dù bên trong có thể
chưa hội đủ chất “văn hóa”.
Tính thủ đoạn
ấy đang làm hại chúng ta khi hàng xuất khẩu bị nước ngoài kiểm định gắt
gao như những mặt hàng thủy sản, nông sản… bị khách hàng hoài nghi về
tạp chất, trọng lượng. Tính thủ đoạn ấy đang khiến du lịch Việt Nam chứng kiến
cảnh du khách trong nước đi nước ngoài còn nước ngoài thì ngần
ngại đến Việt Nam theo đường du lịch vì sự gian dối của taxi, việc
chèo kéo của những người bán hàng, tình trạng lên giá bất thường, vô tội vạ của
các loại dịch vụ… Tỷ lệ quay trở lại rất thấp:14% (?) .
Vì đâu và tại sao?
Chúng ta biết rằng văn
hóa có tính lịch sử thể hiện ở chỗ nó bao giờ cũng hình thành trong một quá
trình và được tích lũy qua nhiều thế hệ.
Tính lịch sử của văn
hóa được duy trì bằng truyền thống văn hóa. Truyền thống (truyền = chuyển giao, thống =
nối tiếp) là cơ chế tích lũy và truyền đạt kinh nghiệm qua không gian và thời
gian trong cộng đồng. Truyền thống văn hóa là những giá trị tương đối ổn định
(những kinh nghiệm tập thể) thể hiện dưới những khuôn mẫu xã hội được tích lũy
và tái tạo trong cộng đồng người qua không gian và thời gian và được cố định hóa
dưới dạng ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghi lễ, luật pháp, dư luận…
(Trần Ngọc Thêm, Sđd).
Truyền thống văn hóa tồn tại được nhờ giáo dục.
Chức năng giáo dục là chức năng quan trọng thứ tư của văn hóa.
Nhưng văn hóa thực hiện chức năng giáo dục không chỉ bằng những giá trị đã ổn
định (truyền thống), mà còn bằng cả những giá trị đang hình thành.
Như vậy chúng ta có thể
nói giáo dục hiện nay không hay chưa làm tròn sứ mệnh chuyển giao, đào tạo văn
hóa, xây dựng những giá trị cốt lõi, tạo nền tảng cho việc hình thành nhân cách.
Giáo dục phải làm nên sự khác biệt giữa một đứa trẻ sống trong gia đình, được đi
học với một đứa bé sống trong rừng, trên hoang đảo, hay mồ côi từ nhỏ, thiếu
tình thương và sự giáo dục ban đầu như ý nghĩa của từ “culture” (gieo cấy, chăm
bón…).
Nếu nói bóng đá, văn chương hay lễ hội là ánh xạ của cuộc sống thì
những biểu hiện của nó cũng chính là ánh xạ của văn hóa. Như vậy thì rất đáng
báo động khi “gien” di truyền văn hóa dường như đang biến dạng hay đứt khúc, khi
những giá trị đạo đức kế thừa đang phôi pha, thiếu liền lạc giữa các thế hệ. Có
yếu tố khách quan do sự hội nhập thiếu chọn lọc, nhưng yếu tố chủ quan do giáo
dục từ gia đình đến nhà trường đang… lệch hướng với dòng chảy của thời đại và
dân tộc khi ta đang muốn xây dựng lại những thế hệ tim trong, óc sáng, ứng xử
văn minh và biết trân trọng giá trị nhân văn muôn đời của dân tộc và nhân loại.
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 147