Hoàng Công Danh
Ngày nhỏ, thi thoảng có một con bọ cánh màu xanh, hình dạng như con châu chấu
nhưng to hơn, đậu xuống bên vách nhà. Mạ quệt một cục vôi nhỏ lên trên đầu thì
nó mới chịu bay đi. Vì thế con đó gọi là con xin vôi, hay còn gọi là con ngựa
trời.
Mạ
nói con ngựa trời được ông trời sai xuống trần gian xin vôi về quét lại thiên
đình. Bởi vậy nên hễ hôm nào thấy nó thì y như sáng hôm sau màn trời ngợp một
màu trắng thanh khiết. Nhưng đến chiều thì bầu trời lại rót nắng đỏ ngòm. Tôi
không chịu cách giải thích của mạ, quay sang hỏi ông nội. Ông nội nói tại trời
cũng thèm ăn trầu nên sai con ngựa trời đi xin vôi về. Buổi sáng ổng quệt vôi ra
bầu trời nên trời trắng. Đến trưa thì ông trời nhai nhóm nhém, và chiều về thì
ông trời đã nhai trầu xong phun nước vãi ra nên nó đỏ lòm. Con ngựa trời từ đó
như một vị thiên sứ đã nhập vào tôi một ý niệm cao quý, rằng cho đi chút xíu để
lấy về cả một bầu trời với nhiều sắc màu. Đấy là bài học cho và nhận.
Minh họa của Trung Dũng
Ông nội thích nhai cau trầu, thiếu đi một ngày là không chịu được. Dăm khi mười
họa nhà cũng hết vôi. Thế là ông đưa ngọn lá trầu nhủ tôi chạy quanh xóm xin
vôi. Bỗng nhiên tôi thấy mình như con ngựa trời, chạy xúng xiếng tìm chỗ xin
vôi.
Tôi chạy đến nhà mệ Đíu bán cau. Mệ Đíu chửi cái thằng này khôn, đâu không xin
lại chạy đến nhà người bán cau trầu thì thế nào chả có vôi. Mệ nói con ngựa trời
cũng thế, nó khôn lắm, biết nhà nào hảo tâm thì nó mới đậu xuống. Vậy nên ai hắt
hủi kẻ đi xin thì dù có lắm của nả cũng chả ai thèm đến chơi. Ai ghét trẻ con
thì có nhử bánh kẹo nó cũng chả thiết. Yêu trẻ trẻ đến nhà. Kính già già để tuổi
cho.
Bài học ấy cứ đeo đẳng tôi suốt từ thuở nhỏ đi xin vôi cho đến Tết Đinh Hợi
2007. Mùng một Tết, tôi với Sum rủ nhau đến “đạp đất” nhà mệ Đíu. Bấy chừ mệ đã
ngoài chín mươi, tuy già yếu không còn đi chợ bán cau được nhưng mệ vẫn còn minh
mẫn. Thấy tôi đến, mệ nói thằng cu lại tới xin vôi à? Sum đùa, nói hai đứa con
tới mệ xin vôi về để cưới vợ đây. Mệ chỉ tay ra trước sân: Có mấy cây cau đó,
sau vách nhà có đám trầu leo nữa, khi nào hai đứa cưới vợ thì đến hái về làm lễ,
mà không biết mệ có sống được tới ngày đó không nữa. Thằng Sum dúi vào tay mệ
hai ngàn đồng: Coi như con “hối lộ” để mệ sống tới ngày con cưới nghe. Ngày Tết
lì xì, với trẻ con thì gọi là mừng tuổi để nó chóng lớn, còn với người già thì
để mong các cụ sống lâu nên gọi là mua tuổi. Người ta dùng tiền hối lộ mua chức
mua quyền, nhà quê thì mua tuổi vậy. Tôi vẫn như thể con ngựa trời ngây ngô hôm
nào, nhưng Tết năm đó tôi đến nhà mệ không phải để xin vôi mà là xin tuổi.
*
Ngày trước ở quê, các cụ ông cụ bà đều có một cái hũ nhỏ đựng vôi. Hũ đất nung
màu xám, miệng loe cổ thắt. Vôi đựng ở trong được chêm thêm nước cho nó dẻo đi.
Mỗi lần trước khi ăn trầu, các cụ lại quấy cái đũa tre vào đảo cho vôi sánh lại
thì miếng trầu mới nồng thơm.
Sau nương nhà, ông nội trồng dọc vách mấy thân cây trầu. Cái vách nhà hồi xưa
xây bằng vữa vôi nên trầu bén hồ vôi mà lên rất nhanh. Vài bữa sau trầu leo kín
mít. Rồi ông nội trồng năm cây cau dàn hàng trước đường vào nhà. Ông nói năm cây
cau để cưới vợ cho… một đống thằng cháu nội.
Tôi hỏi ông sao trầu xanh vôi trắng mà nhai ra nước đỏ. Ông cười nói lúc nào mấy
đứa lấy vợ sẽ biết, trầu vôi bỏ lễ thể nào cũng có đứa ngượng đỏ mặt mũi ra nước
bã trầu. Thế nên người Quảng Trị hay nói vần vè: có trầu mà chẳng có vôi, mần
răng cho hắn đỏ môi thì mần.
*
Có
một lần, đúng vào đêm ba mươi Tết, con ngựa trời lại đậu xuống ngoài hiên nhà.
Ông nội quệt cho nó cục vôi rồi nói: đầu năm mua muối, cuối năm cho vôi. Con
ngựa trời mà xin vôi vào cuối năm thì nó sẽ rước đi những xui xẻo bạc bẽo trong
năm qua. Tôi không biết thực hư chuyện đó ra sao. Nhưng mỗi dịp Tết vẫn mong gặp
con ngựa trời, như bắt gặp lại tuổi thơ.