Từ Lễ hội ăn chay ở Thái Lan nghĩ về pháp hành ăn chay ở Việt Nam

tu le hoi an chay

Thích Hạnh Chơn

 

Tất cả các dân tộc tồn tại trên thế giới dù ít hay nhiều đều có lễ hội. Có thể nói, lễ hội là một hình thức phản ảnh đời sống sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng. Cũng như các cộng đồng dân tộc khác, cộng đồng người Hoa ở Thái Lan có một lễ hội rất có ý nghĩa nhân văn được gọi là Lễ hội ăn chay hay Cửu hoàng thắng hội. Đây là lễ hội được tổ chức để các thành viên trong cộng đồng tập trung về các hội đoàn – nơi thờ Phật, chư vị thần thánh và tổ tiên để tụng kinh, cầu nguyện, thực hành thiện nghiệp nhằm thể hiện lòng tri ân đối với chư vị thánh thần và cũng là để tạo phước, tu tập thanh lọc thân tâm. Cửu hoàng thắng hội diễn ra từ ngày mồng một đến mồng chín tháng chín hằng năm như là một lễ hội truyền thống không thể thiếu đối với những người Hoa trên đất Thái. Trong bài viết này, qua sự tìm hiểu, khảo cứu của mình, người viết muốn cung cấp một số thông tin về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội này; qua đó, so sánh nó với pháp hành ăn chay của Phật tử Việt Nam cũng như tìm hiểu về sự tuân thủ của họ đối với pháp hành này như thế nào trong đời sống hiện nay.

Nguồn gốc Lễ hội

Nguồn gốc Lễ hội ăn chay của cộng đồng người Hoa tại Thái Lan được ghi lại là xuất phát từ một trận dịch bệnh khủng khiếp xảy ra vào thế kỷ XIX. Theo sử liệu, người Hoa từ các tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông bắt đầu đến Thái Lan từ thế kỷ XVII. Đến năm 1825, dân số cộng đồng là 230.000 người[1]. Người ta kể rằng vào năm này một trận dịch bệnh huyền bí đã tấn công đoàn ca kịch được mời từ Trung Hoa đến Phuket để biểu diễn nhiều tháng cho những người thợ mỏ gốc Hoa ở đây xem. Tai họa này khiến cho các vị lãnh đạo của đoàn phải họp lại để tìm nguyên nhân. Cuối cùng họ tin rằng nguyên nhân là do xao lãng việc thực hiện các lễ nghi truyền thống mà họ đã thường thực hành lúc còn ở quê nhà. Do đó, họ ra lệnh cả đoàn phải thực hành một kỳ hạn ăn chay và cầu nguyện “Cửu hoàng”[2] nhằm thanh tịnh hóa thân tâm và sám hối. Sau chín ngày đêm tu hành sám hối, bệnh tự nhiên hết một cách huyền bí như khi nó xuất hiện. Từ đó, hằng năm họ đều thực hành một kỳ ăn chay thanh tịnh chín ngày để tạ ơn thánh thần và thanh tịnh hóa thân tâm. Về sau, nó trở thành lễ hội cho tất cả các cộng đồng người Hoa trên nước Thái[3].

Ý nghĩa Lễ hội

Lễ hội như thế mang hai ý nghĩa là tạ ơn thánh thần và tu tập thanh tịnh thân tâm. Dù câu chuyện mang tính huyền bí nhưng tinh thần “tri ân và báo ân” là đạo lý đẹp của nền văn hóa, tôn giáo phương Đông. Từ một câu chuyện nhỏ này, nó tạo nên một lễ hội lớn và rộng khắp cả nước Thái là một điều đáng ghi nhận. Điều đó cho thấy cộng đồng người Hoa rất coi trọng việc cúng bái thần thánh, tổ tiên có gốc rễ từ Đạo giáo. Tuy nhiên, yếu tố Phật giáo dần dần cũng được đưa vào làm cho lễ hội đa sắc hơn. Bên cạnh niềm tin cầu nguyện chín vị thần, họ giải thích thêm rằng chín vị ấy là bảy vị Phật và hai vị Bồ-tát. Nỗ lực đưa yếu tố Phật giáo vào lễ hội được thấy rõ hơn qua mười điều răn[4] mà một người tham gia lễ hội phải thực hành để tịnh hóa thân tâm. Mười điều răn này rất tương đồng với năm giới hay tám giới Bát quan trai của người cư sĩ. Giữ mười điều răn trong suốt lễ hội là một sự tu tập. Ít nhiều nó giúp tịnh hóa thân tâm của người tham gia lễ hội. Theo họ, nhiều người cùng tham gia tu tập thì gia đình sẽ bình an hạnh phúc, cộng đồng sẽ trở nên tốt đẹp hơn, xã hội sẽ ổn định hơn, đất nước sẽ hòa bình lâu dài, thế giới sẽ giảm thiểu chiến tranh. Ngoài ra, lễ hội cũng là dịp để mọi người tập trung sinh hoạt vui chơi, giải trí và qua đó họ giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp.

Câu hỏi đặt ra là tại sao từ một sự việc nhỏ chỉ liên quan đến một một nhóm người, nhưng sự thực hành này có thể được noi theo và tiếp tục mở rộng kéo dài cho đến ngày nay? Như đã đề cập, việc cầu mong một đời sống tốt đẹp như sức khỏe, bình an, hạnh phúc và sức sống văn hóa cho người thực hành và cộng đồng là một trong những lý do của lễ hội, và có thể điều đó đã được hiện thực hóa khiến cho truyền thống ấy được phát triển cả không gian lẫn thời gian. Tuy nhiên, tinh thần tu tập và ý thức gìn giữ văn hóa tôn giáo của cộng đồng mới là yếu tố quyết định. Vậy thì, tinh thần này đối với việc thực hành ăn chay của người Phật tử Việt Nam có gì khác biệt? Đây là vấn đề mà chúng ta sẽ tìm hiểu và so sánh, đối chiếu.

Ăn chay là một pháp hành của người Phật tử Bắc truyền

Theo truyền thống Bắc truyền, ăn chay là một pháp (hành) bắt buộc đối với người xuất gia lẫn cư sĩ. Trong khi người xuất gia phải thực hành ăn chay trường thì người cư sĩ ít nhất một tháng cũng phải ăn chay hai ngày vào đầu và giữa mỗi tháng. Pháp hành này có nguồn gốc từ kinh luật Phật giáo.

Thứ nhất, pháp hành ăn chay có thể suy ra từ trong kinh luật. Trong kinh Người áo trắng hay còn gọi kinh Gia chủ, phẩm thứ năm, chương năm thuộc kinh Tăng chi, Đức Phật dạy: “Một người cư sĩ biết hộ trì năm giới pháp và tu tập bốn tâm cao thượng thì có thể dễ dàng đạt được hạnh phúc trong hiện tại và biết chắc sẽ không đọa lạc vào các nẻo ác trong tương lai”. Không sát sanh được hiểu bao gồm từ bỏ giết hại, bảo vệ mọi loài vật và tu tập hạnh từ bi là một trong năm giới pháp. Với người xuất gia thọ mười điều học (giới) thì điều thứ nhất dạy tránh xa sự giết hại mạng sống[5]. Đặc biệt, người xuất gia thọ đại giới (giới Tỳ-kheo) thì thọ trì thêm các giới như: không giết người thuộc giới thứ ba trong bốn giới nặng (ba-la-di); không dùng nước có trùng, không cố hại súc sanh và không uống nước có trùng thuộc các giới thứ 19, 61, 62 theo thứ tự trong 90 giới đọa[6]. Tất nhiên, người thọ đại giới phải hành trì bao hàm tất cả các giới luật khác, trong đó không thể thiếu năm giới căn bản.

Thứ hai, pháp hành ăn chay được ghi rõ trong giới kinh Đại thừa. Trong kinh Phạm võng, không sát sanh là giới thứ nhất trong mười giới nặng thuộc giới Bồ-tát. Kinh dạy rằng “là Phật tử thì phải luôn luôn có lòng từ bi, lòng hiếu thuận, cứu giúp chúng sanh, nỡ lòng nào sát hại”. Cụ thể hơn, kinh này quy định không được ăn thịt theo giới thứ 3 trong 48 giới nhẹ. Lý do là “ăn thịt làm mất lòng đại bi, dứt giống Phật tánh…”[7].

Căn cứ vào kinh luật vừa nêu, Đức Phật không bắt buộc ăn chay (không ăn thịt) như là một giới điều nhưng nó được bổ sung bởi chư Tổ. Có thể bối cảnh xã hội Ấn Độ phần lớn đều ăn chay nên chế giới thêm là không thích hợp. Tuy nhiên, pháp hành ăn chay lại được chư Tổ quy định bắt buộc đối với Phật tử Bắc truyền. Có thể nói, đó là sự vận dụng Phật pháp một cách linh hoạt và phù hợp với tôn chỉ của Phật trong hoàn cảnh môi trường mới, nơi mà sự sát hại không được quan tâm giảm thiểu. Hơn nữa, ăn chay là thích hợp với chế độ sinh hoạt Tăng đoàn không hành pháp khất thực. Chính vì những lý do này, dù trải qua thời gian trên dưới hai thiên niên kỷ, pháp hành này vẫn được tuân thủ tại Việt Nam.

Thái độ hành trì pháp hành ăn chay hiện nay

Thực hành hạnh từ bi của người Phật tử Việt Nam thông qua pháp hành ăn chay hiện nay mang tính tự phát và chưa đồng bộ. Đối với người xuất gia, trừ một số vùng thì hầu hết Tăng Ni bắt buộc phải ăn chay trường. Với cư sĩ, trong khi một số phát nguyện ăn chay trường, chay tháng thì nhiều người một tháng hai ngày cũng không tuân giữ nghiêm túc. Nhiều gia đình là Phật tử nhưng ngày rằm hay mồng một cũng chỉ một, hai người trong gia đình ăn chay còn lại không quan tâm vì cho rằng “tu tại tâm.” Vì sự hành trì không đồng bộ nên chúng ta không thấy có sự biến đổi tích cực nào vào hai ngày chay này trong cộng đồng Phật tử Việt Nam.

Tuy nhiên, hai ngày chay tịnh hiểu một cách chính xác thì không phải chỉ đề cập đến vấn đề ẩm thực mà còn là hai ngày tu tập sám hối và làm mới thân tâm. Vào hai ngày này các chùa đều có lễ sám hối và một số nơi tổ chức tu Bát quan trai. Ngày nay, do điều kiện xã hội thay đổi, phần lớn cư sĩ không thể tham gia tu tập vào ban ngày nếu không phải là ngày nghỉ. Tuy nhiên, không tham dự khóa lễ sám hối hai lần mỗi tháng là điều đáng quan ngại cho người Phật tử. Nếu vì lý do nào đó không đến chùa sám hối được thì ít ra Phật tử cũng phải tụng kinh sám hối tại nhà. Nhưng thực tế, sự hành trì sám hối tại nhà còn rất mờ nhạt trong cộng đồng Phật tử. Tại sao chúng ta không trân quý pháp hành hữu ích mà Phật và chư tổ truyền dạy? Phải chăng người cư sĩ không có lỗi lầm nên không cần sám hối? Phải chăng ăn chay và sám hối hai ngày mỗi tháng là hình thức đã lỗi thời? Phải chăng do câu nói “tu tại tâm” làm cho người Phật tử tự dễ dãi? Thật ra, “tu tại tâm” không thể biết được nếu nó không được biểu hiện qua ý nghĩ, lời nói và hành động.

Lời kết

Những câu hỏi vừa nêu trên là những điều người Phật tử cần phải suy nghĩ. Kinh Pháp hoa có một ẩn dụ rất có ý nghĩa. Đó là gã Cùng Tử có viên ngọc báu trong chéo áo mà không biết nên khổ hoài. Ngày nay, Phật giáo được thế giới ngưỡng mộ và Liên Hiệp Quốc đã công nhận Đại lễ Vesak (tiếng Việt là Phật đản) là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Ấy thế mà, tín đồ Phật giáo dường như chưa thấy giá trị này nên còn thờ ơ và dễ dàng đánh mất. Đây là một nghịch lý vậy. Nếu so sánh sự tu tập của tín đồ Phật giáo với sự tu tập của tín đồ các tôn giáo khác và cụ thể là từ Lễ hội ăn chay, chúng ta có thể nói rằng sự hành trì các pháp hành của tín đồ Phật giáo còn nhiều xao lãng. Sự hành trì theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền ắt hẳn phải có ăn chay, tụng kinh, bái sám, ngồi thiền. Nếu điều đó được thực thi, cũng có nghĩa là thể hiện được phần nào sự hưng thịnh của Phật giáo trong xã hội. Bởi lẽ chúng ta biết rằng, sự thịnh suy của Phật giáo phần lớn là do sự tu tập của tín đồ quyết định. Nếu Phật tử duy trì và làm cho hai ngày ăn chay mỗi tháng trở thành ngày văn hóa ăn chay trong cộng đồng tín đồ Phật giáo và những người thích ăn chay thì đây sẽ là một thành công lớn cho Phật giáo và xã hội. Nó vừa khuyến khích tín đồ tu tập vừa tạo cho họ môi trường sinh hoạt cộng đồng lành mạnh. Đó cũng chính là một trong những sự hội nhập của văn hóa Phật giáo vậy.

 

 



[1] http://en.wikipedia.org/wiki/Thai_Chinese#History

[2] Cửu hoàng là chín vị thần trông coi chín ngôi sao theo Đạo giáo.

[3] http://www.thaiwaysmagazine.com/thai_article/2412_vegetarian/vegetarian.html

[4] Mười điều răn gồm: không sát sanh; không ăn các loại thịt; không trộm cắp; không làm hại người khác về thể xác hay tinh thần; không nói láo, nói tục hay thề thốt; không sờ mó người khác phái hay tán tỉnh; không uống rượu hay dùng chất kích thích; không cờ bạc; không đeo đồ trang sức; không dùng chung dụng cụ nấu ăn với người không ăn chay (http://www.thaiwaysmagazine.com/thai_article/2412_vegetarian/vegetarian.html).

[5] Nguyệt Thiên dịch, Đại phẩm (Mahavagga), chương Trọng yếu, phẩm Thứ tám, số 120. 

[6] HT Thích Trí Quang dịch giải, Tỳ-kheo giới.

[7] HT Thích Trí Tịnh, kinh Phạm võng Bồ-tát giới, Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2006.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle