Minh Thạnh
Trong thời gian gần đây,
ở một vài trường hợp, hình ảnh một số vị hòa thượng khi viên tịch (hấp hối) được
đưa lên mạng thành một loạt hình ảnh. Nhưng đây không phải là chuyện mới trong
truyền thông Phật giáo. Những trường hợp như thế không hiếm. Thậm chí, có khi là
cả video clip, quay dạng trường thuật hoàn toàn, tức không phải chỉ vài ba hình
ảnh, mà thu hình trọn thời gian khi vị tôn đức qua đời và khi nhập kim quan.
Xin có ý kiến về việc
này, dưới góc nhìn truyền thông đại chúng như sau:
Trong lý luận truyền
thống, có khái niệm hình ảnh truyền thông đại chúng. Với nhân vật, đó là những
hình ảnh chọn lọc để khắc họa, gây ấn tượng về một nhân vật đó đối với công
chúng rộng rãi. Vì vậy, nó rất khác với hình ảnh kỷ niệm.
Hình ảnh kỷ niệm riêng
tư có thể không là những hình ảnh chọn lọc, chỉ lưu hành trong nội bộ gia đình,
thân quyến, bạn hữu. Hình ảnh một người trong lúc lâm chung có thể là hình ảnh
kỷ niệm. Nó không thể thể hiện hình ảnh phổ biến, tổng quát về người đó, lại
càng không phải là hình ảnh đẹp. Những hình ảnh như vậy, xét về lý luận
truyền thông, không nên phổ biến rộng rãi, không thể là hình ảnh truyền thông
đại chúng.
Tóm lại, hình không đẹp,
không chọn lọc, thì không nên phổ biến.
Những người không phải
là ruột thịt, thân quyến, gần gũi khi xem hình ảnh một người từ trần trên giường
bệnh không thể như người trong gia đình, dòng tộc, mà trong Phật giáo là sơn môn,
pháp quyến. Họ có thể có những ấn tượng không hay, những cảm xúc âm tính, thay
vì sự thương mến, xúc cảm. Nhưng ngay, trong người thân hữu, quen biết, cũng cần
có sự cân nhắc. Không thể lưu hành giới thiệu một album tang lễ như một album
đám cưới, sinh nhật, huống nữa là hình ảnh lúc lâm chung!
Vì vậy, để xây dựng và
duy trì hình ảnh, ấn tượng về một người đã khuất, nhất là những vị có địa vị cao
trong xã hội, không nên công bố hình ảnh của người đó trong hoàn cảnh lâm chung,
hấp hối. Hình ảnh lâm chung chỉ là một trong nhiều dạng hình ảnh không nên là
hình ảnh truyền thông đại chúng. Những hình ảnh không đẹp khác, khi phổ biến
trên truyền thông đại chúng, đều phải cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, thận trọng.
Đến đây, sẽ có người đặt
vấn đề vì sao có việc phổ biến những đoạn phim lúc từ trần của vị là lãnh đạo
nhà nước? Chúng ta chú ý, đó là trường hợp đặc biệt, vị lãnh đạo đó đã như là
người thân của mọi gia đình, và chỉ riêng có một trường hợp duy nhất. Hơn nữa,
hình ảnh trong phim chú trọng miêu tả sự thương tiếc của các nhà lãnh đạo là
cộng sự và học trò của người từ trần, không đưa việc miêu tả cảnh từ trần lên
hàng đầu, chỉ cho thấy vài giây phút ngắn ngủi. Và tất nhiên, việc phổ biến đoạn
phim đó cũng hết sức hạn chế.
Theo chúng tôi, khi một
vị hòa thượng viên tịch, thì để khắc họa ấn tượng về vị hòa thượng đó trên
truyền thông, chỉ nên phổ biến rộng rãi hình ảnh đẹp, chọn lọc, tiêu biểu cho
hoạt động lúc sinh thời của vị hòa thượng.
Truyền thông đại chúng
luôn bao hàm trong nó việc tuyển chọn lọc lựa, từ lời nói, ngôn từ văn bản, âm
thanh phát ngôn đến hình ảnh tĩnh, hình ảnh động. Vì đại chúng là hàng chục ngàn,
hàng trăm ngàn người đủ mọi thành phần trong quan hệ tiếp nhận thông tin.
MT