Cư Sĩ Nguyên Giác
Mùa lễ Vu Lan vừa mới qua đi. Những buổi
lễ lớn, các nhạc hội, và các khóa tu... đã được tổ chức
hoàn mãn ở nhiều chùa tại hải ngoại. Điều chú ý
là ở hầu hết các chùa, người già nhiều hơn trẻ, và rồi người trẻ nhiều hơn là
thiếu nhi. Đây là điểm để quan ngại
về tương lai Phật Giáo VN tại hải ngoại. Trong khi một số chùa có
Gia Đình Phật Tử đông các em tham dự, một số chùa lại không có sinh hoạt này,
nghĩa là không có trẻ em, chỉ trừ các em theo ba mẹ tới chùa.
Một số sinh hoạt khác như đại nhạc hội (nổi bật có Nhóm Hương
Thiền thực hiện mỗi năm), hay như bữa cơm gây quỹ xây chùa, hay như khóa
tu... người cao niên lúc nào cũng đông hơn người trung niên, và rồi người
trung niên đông hơn thanh niên, và rồi thanh niên đông hơn thiếu nhi. Ngay như tổ chức Giới Trẻ Mây Từ, cũng là trung niên và thanh niên
hầu hết. Lôi kéo thiếu nhi vào chùa thật
không dễ.
Không phải vì các em thiếu nhi
bận đi học: vì ba tháng hè vẫn chưa kết thúc, phải qua tuần lễ đầu tháng 9, các
học trò tiểu học và trung học California mới tựu trường. Nghĩa
là, có thể hiểu rằng, có vấn đề là, đa số các em không bước vào chùa, không tham
dự các sinh hoạt nhà chùa.
Lý do dĩ nhiên là nhiều, nhưng không thể nói rằng trong ba tháng hè, các em bận
học. (Hình bên dưới:
quang cảnh một buổi lễ Vu Lan năm 2013 tại một ngôi chùa ở TP. Westminster,
California)
Cũng không phải lỗi các chùa, vì
hầu hết Tăng Ni Cư Sĩ có vẻ như đều đã tận lực; tứ chúng như dường đã làm hết
sức của họ. Và có khi, có vẻ như đã làm quá sức.
Những chương trình trên đài phát
thanh và TV không phải là thiếu. Có thể gọi là nhiều nữa; các chương trình đã chiếm nhiều năng lực
của tứ chúng, và cũng tốn thêm tiền thuê giờ trên các đài. Tuy hiệu quả
không đo lường được rõ ràng, nhưng hằn là có lợi ích không nhiều thì ít.
Chỉ có điều
thấy rõ, người nghe các giờ Phật pháp trên các đài phát thanh và TV đa số là
người lớn. Các bài thuyết pháp tại chùa, thuyết pháp trên
đài phát thanh và TV hầu hết cũng có vẻ nhắm
đối tượng là cho thính giả cao niên.
Quý Tăng Ni khi thuyết pháp, dù
ở chùa hay trên đài, thường sử dụng ngôn ngữ chuyên môn, nhiều chữ Việt-Hán, thậm
chí giới trung niên ở hải ngoại không chắc đã hiểu hết. Hãy nhớ rằng, giới trung niên có khi
tiếng Việt chỉ đủ để nghe và nói, chưa chắc đã đọc tiếng Việt lưu loát.
Còn khi tụng kinh thì âm chữ
thường khó nhận ra, cho nên cũng là một dạng bí hiểm hóa.
Chư Tôn Đức đã tận lực hoằng
pháp trong nhiều cách. Trong
mùa Vu Lan vừa qua, chúng ta có thể khám phá rằng nhiều
vị Tăng Ni đã làm thơ, và rồi thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Nghĩa là, hoằng
pháp bằng nghệ thuật.. Tuy nhiên, một số ca khúc đó
cũng không thích ứng cho giới trẻ, vì chữ nghĩa
cao siêu, nói về Thiền hay giáo lý Bát Nhã. Nhạc hay và thơ hay là một
chuyện, nhưng quảng bá là cả vấn đề, vì có quá nhiều những hàng rào ngăn cách.
Ngay như những ca khúc bất tử, nói về tình mẹ tuyệt vời như Lòng
Mẹ của nhạc sĩ Y Vân, hay Bông Hồng Cài Áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ...
cũng
không chắc dạy được cho các em thiếu nhi lứa 9 hay 10 tuổi. Vì
các em này không giỏi tiếng Việt.
Như vậy, chúng ta thấy có một số
vấn đề, và cần có các giải pháp tương ưng.
Thứ nhất, một phần lớn năng lực nên tập
trung hướng vào thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên... Trong đó,
mời gọi phụ huynh đưa trẻ em tới chùa sinh hoạt hàng tuần. Hãy nhớ, mấy
tháng hè là dịp tốt nhất để có đông trẻ em tham dự, nên các chương trình hè cần
chuẩn bị trước nhiều tháng, sắp xếp chu đáo từ chương trình, nhân sự, cho tới nội dung...
Câu hỏi đơn giản, rằng tại quý phụ huynh thường tổ chức hay tham
dự các buổi picnic của các hội đồng hương, tại sao không nghĩ tới chuyện góp sức
cùng Chư Tôn Đức (và cùng Gia Đình Phật Tử, nếu chùa có sinh hoạt này) để tổ
chức picnic, hay cắm trại một ngày, hay cắm trại hai ngày cuối tuần ở một sân
chùa hay ở một công viên gần chùa. Để khỏi phức tạp tới việc
xin giấy phép cuả thành phố, không cần phải cắm trại đêm, nghĩa là buổi tối nên
về nhà. Nội dung trại nên tập trung vào học Phật Pháp, ca hát, trò chơi. Không cần gì phức tạp hơn, nếu picnic ở công viên.
Nếu cắm trại trong sân chùa, nên dạy thêm về cách tụng kinh, niệm Phật, ngồi
Thiền. Nghĩa là cho các em biết tìm tới pháp hỷ, thiền duyệt -- những
niềm vui của pháp, dù chỉ một buổi, sẽ dễ dàng theo các em suốt cả đời, thậm chí sẽ theo các em mãi qua vô
lượng kiếp.
Thứ nhì, các em cần có các ca khúc
ngắn, dễ hát, dễ nhớ... Thực sự, tất cả các Gia Đình Phật Tử
hiện nay đêù sử dụng các ca khúc Hướng Đạo.
Điều này tốt, vì lôi cuốn được trẻ em.
Nhưng chúng ta cần nhất là trao truyền Phật Pháp cho các em, trong khi các ca
khúc Hướng Đạo không nói gì về Phật Pháp.
Trước tiên, nên thấy rằng nhiều
Tăng Ni hiện nay đã có thơ phổ nhạc, nhưng gần
như tất cả đều không thích hợp với trẻ em, vì cao siêu quá, vì dài quá, vì chữ
Hán-Việt nhiều quá, hoặc vì nhạc phức tạp quá.
Có thể đề nghị các nhạc sĩ Phật
Tử nên soạn các ca khúc ngắn, dễ nhớ, dễ hát, vì bây giờ tiếng Việt các em dở
lắm. Hiện nay Phật Giáo cần các bài
hát ngắn để cung cấp cho thiếu nhi, cho các đơn vị sinh hoạt. Trừ khi trình diễn văn nghệ mới cần ca khúc dài.
Sau khi quý nhạc sĩ soạn được một số ca khúc ngắn, nên thực hiện
ký âm và làm thành MP3, gửi lên các trang web Phật Giáo
để phổ biến cho các nơi cùng tiện dụng.
Tùy trường hợp, mỗi bài độ ngắn
sẽ khác nhau. Thí dụ, như khi chào nhau, có thể ca khúc chỉ cần dài cỡ 1 câu hay 2
câu thôi (rồi lập lại).
Thí dụ, có thể nghĩ ra ca khúc một câu để các em chào nhau, mời
nhau:
"Mời bạn bước vào chùa, cùng
nhau ta niệm Phật."
Tiếng Anh có thể dịch là:
"Please come to the temple, and chant the Buddha's name."
Và cứ thế lập đi lập lại.
Hay khi niệm hương, cần một ca
khúc 4 câu. Hay ca khúc Niệm Phật nên dài cỡ 4 câu thôi, rồi lập lại.
Cũng như nên soạn ca khúc cho các em từ biệt nhau, hay khi ban đêm lửa trại.
Hay khi ngồi bên giường bệnh của bạn, hát bài ca về niệm vô
thường chừng 4 câu, dài là 6 câu thôi.
Hay là ca khúc để các em hát
tặng mẹ, tặng cha, tặng Thầy... chỉ nên ngắn 2 câu hay 4 câu thôi.
Như thế, dạy các em chỉ vài phút là có thể hát được, gần như tức
khắc -- dù là dạy các em hát tiếng Việt hay tiếng Anh.
Thứ ba là trò
chơi. Nhiều em thiếu niên đã quen chơi trò chơi điện tử, hoặc từ
điện thoại hay từ thiết bị điện tử khác. Điều chúng ta cần là, lôi cuốn
các em vào các trò chơi thích hợp trong khóa tu. Một lý do cần soạn ra trò chơi thích hợp với Phật Pháp
là, nhiều hình ảnh từ một vài khóa tu hè Phật Pháp trong một số chùa ở VN đang
sử dụng những trò chơi không hợp với người học đạo. Thí dụ, cho các em nam nữ
cõng nhau (có thể thấy hình này qua Google.com), hay nắm tay
nhau. Ngoài đời thì sao cũng được, nhưng trong khi thiền
hành mà nắm tay đi bên nhau dễ mất chánh niệm. Thiền hành ở Thái
Lan, Tích Lan, Đài Loan, Nhật Bản... đều
không cho nắm tay nhau. Nói gì tới trò chơi cõng nhau.
Do vậy, cần suy nghĩ ra trò chơi thích hợp.
Thứ tư là thi
giáo lý. Vì có học là cần phảỉ thi.
Các câu vấn đáp Phật pháp cần ngắn, mang nghĩa chính xác, không mơ hồ.
Tránh những câu dài, khó nhớ. Những câu vấn đáp này, cả
tiếng Anh và tiếng Việt cần dạy cho các em từ sáng sớm, và tới chiều hay hôm sau
là thi.
Trong tất cả những cách tiếp cận
để hoằng pháp như thế, nên lôi kéo nhiều thành phần trong cộng đồng vào hỗ trợ. Trong
đó, giới truyền thông (như báo chí, phát thanh, truyền hình) sẽ đóng một vai hỗ
trợ quan trọng.
Đó là vài ý nghĩ rời, sau mùa Đại Lễ Vu Lan 2013, để kính trình
lên Chư Tôn Đức Tăng Ni Cư Sĩ, hy vọng có điểm khả dụng.
TVHS