Diện mạo kiến trúc Phật giáo cho TPHCM trong bối cảnh đất nước độc lập thống nhất? (Bài 2- Quy hoạch của thực dân Pháp)
Minh Thạnh
Trong bài trước, chúng
ta đã nói qua việc toan tính của thực dân Pháp thiết kế thành phố Sài Gòn thành
một thành phố theo đạo Ca tô La Mã.
Trong bài tiếp theo này,
chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu quan điểm thiết kế đô thị của thực dân Pháp, quan
điểm đã tạo nên diện mạo khu trung tâm TPHCM như hôm nay, một quan điểm để lại
hệ quả mà người TPHCM hôm nay phải có trách nhiệm điều chỉnh.
Để đô hộ dân tộc Việt
Nam, về chính trị, thực dân Pháp dùng chính quyền thực dân và quan lại phong
kiến tay sai. Về văn hóa, một công cụ quan trọng
là đạo Ca tô La Mã.
Muốn đưa đạo Ca tô La Mã vào Việt Nam, tất yếu thực dân Pháp phải xóa bỏ tôn
giáo bản địa.
Khi đó, về tôn giáo nước Đại Nam chỉ có Phật giáo với đúng
nghĩa tôn giáo.
Nho giáo được coi là một học thuyết chính trị, không có xu
hướng tâm linh, không có lực lượng tu sĩ. Ảnh hưởng của
Lão giáo thì mờ nhạt và cũng không có lực lượng tu sĩ, không có cơ sở thờ tự.
Muốn xóa bỏ Phật giáo, thì điều dễ làm nhất, điều nghĩ đến trước tiên, là phá
hủy cơ sở thờ tự của Phật giáo.
Điều đó mở đường cho bước thứ hai, là xây dựng cơ sở thờ tự,
tu trì, giáo dục… của đạo Ca tô La Mã.
Cụm từ mà chúng ta biết
đến trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược do thực dân Pháp tiến hành là “phòng
tuyến các chùa”, thường gặp trong những tác phẩm sử học, cho chúng ta thấy mưu
toan nham hiểm của thực dân Pháp. Đó là đưa các chùa Phật giáo
vào chiến trường trung tâm, từ đó tự khắc chiến tranh sẽ làm cái việc tàn phá
chùa chiền.
Dĩ nhiên, chùa nào còn may mắn sót lại sẽ bị quân viễn chinh phá hủy nốt hay
dùng vào việc khác.
Chùa Khải Tường ở khu vực trung tâm thành phố ngày nay là một trong số những
ngôi chùa được biết là bị phá hủy trong thời gian đầu người Pháp chiếm thành Sài
Gòn.
Phá dỡ chùa chiền ở khu
trung tâm Sài Gòn là công đoạn đầu tiên của thực dân Pháp trong việc quy hoạch
và xây dựng thành phố Sài Gòn theo kiểu phương Tây, với
nét tôn giáo mang tính chất đạo Ca tô La Mã. Vì vậy, đầu thế kỷ không còn chùa nào ở khu trung tâm thành phố Sài
Gòn, nếu lấy tâm điểm là khu Dinh Độc Lập-Nhà thờ Đức Bà.
Các chùa cổ chỉ còn sót
lại ở khu vực ngoại vi thành phố Sài Gòn, như chùa Giác Lâm, Giác Viên, Phụng
Sơn (chùa Gò) cách xa khu trung tâm từ 8-10km.
Những chùa lớn gần trung tâm Sài Gòn như các chùa Xá Lợi, Vĩnh Nghiêm… chỉ mới
được xây dựng từ thập niên 1950, 1960. Và
hiện nay trong bán kính khoảng 1km từ khu trung tâm như đã nói ở trên, không có
một ngôi chùa lớn nào cả.
Sau giai đoạn phá hủy các ngôi chùa, tất nhiên là đến giai đoạn xây nhà thờ. Theo Wikipedia
tiếng Việt, cụm từ “Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn”, nhà thờ đầu tiên là lấy
từ kiến trúc một ngôi chùa nhỏ bị “bỏ hoang” nằm ở khu nay là đường Ngô Đức Kế,
quận 1, “cố đạo Lefebvre đã biến ngôi chùa này thành nhà thờ”.
Nhà thờ lớn Sài Gòn được xây dựng ở địa điểm được coi là trung tâm điểm thành
phố.
Cụm từ kể trên Wikipedia tiếng Việt (25/7/2013) viết “Ngoài
mục tiêu có chỗ thờ phụng, hành lễ cho tín đồ, việc xây dựng nhà thờ lớn cũng
nằm trong mục đích phô trương đạo Công giáo”. Quá trình xây dựng nói lên
điều đó: “Tháng 8 năm 1876, thống đốc Nam Kỳ Duperre đã tổ chức một kỳ thi vẽ đồ án thiết kế nhà thờ mới” (tài liệu đã dẫn).
Đồ án được đưa vào thi công vượt qua 17 đồ án dự thi khác. Ban
đầu, nhà thờ có tên gọi là “Nhà thờ nhà nước” vì nó do nhà nước thực dân Pháp bỏ
tiền xây dựng và quản lý.
Từ năm 1880, diện mạo
kiến trúc tôn giáo thành phố Sài Gòn là diện mạo kiến trúc đạo Ca tô La Mã, với
ngôi “nhà thờ nhà nước” ở tại điểm được quy hoạch là tâm điểm thành phố, với đầu
tư lớn lao, kỹ lưỡng từ phía chính quyền thực dân (xem thêm Wikipedia tiếng
Việt).
Diện mạo kiến trúc đạo
Ca tô La Mã của thành phố Sài Gòn do thực dân Pháp quy hoạch, xây dựng còn được
thể hiện ở nhiều điểm:
-
Trong một thời gian dài, nhà thờ Đức Bà
là kiến trúc cao nhất Sài Gòn, và hiện nay vẫn là kiến trúc tôn giáo cao nhất
TPHCM, với 60,5 mét.
-
Cũng trong một thời gian dài, cự ly các
quốc lộ tính từ tâm điểm Sài Gòn đều tính từ nhà thờ Đức Bà. Về sau, có điều
chỉnh từ ngữ là tính từ Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, kiến trúc liền kề nhà thờ Đức Bà.
-
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý nhất là quy
hoạch đô thị của thực dân Pháp bộc lộ quan điểm đặt giáo quyền địa phương của
đạo Ca tô La Mã lên trên chính quyền.
Khi thiết kế đô thị trung tâm Sài Gòn, chính quyền thực dân lấy mặt tiền khu
trung tâm Sài Gòn là bờ sông Sài Gòn (Bến Bạch Đằng ngày nay).
Từ bờ sông mặt tiền đó, ngoài những con đường dẫn đến những khu vực khác trong
thành phố nằm ở 2 bên là đường Hai Bà Trưng, Đại lộ Võ Văn Kiệt ngày nay, có 3
đường trung tâm dẫn thẳng vào 3 trung tâm. Hiện nay, đó là đường
Hàm Nghi dẫn vào trung tâm thương mại chợ Bến Thành; đường Nguyễn Huệ dẫn vào
trung tâm hành chính thành phố: Ủy ban Nhân dân TPHCM; đường Đồng Khởi dẫn vào
trung tâm tôn giáo: Nhà thờ Đức Bà.
Đường dẫn vào trung tâm tôn giáo nhỏ hơn, nhưng là một con dốc dài. Trung tâm tôn giáo
được đặt ở độ cao lớn nhất, so với trung tâm hành chính và trung tâm thương mại.
Cự ly quốc lộ đi các tỉnh từ Sài Gòn tính từ trung tâm tôn
giáo, không phải từ trung tâm hành chính thành phố (cách gọi sau này tính từ Bưu
điện trung tâm là một hình thức điều chỉnh thiết kế đô thị mang tính tôn giáo Ca
tô La Mã của thực dân Pháp).
Cách tôn cao giáo quyền
đạo Ca tô La Mã lên trên chính quyền (lúc xây dựng công trình kiến trúc là thời
chế độ thực dân Pháp) bằng cách đặt nhà thờ trung tâm lên cao điểm, công sở thì
ở vị trí thấp hơn có thể thấy ở nhiều nơi: Thủ Dầu Một, Nha Trang…
Nếu việc xây dựng nhà
thờ Đức Bà thể hiện quan điểm quy hoạch đô thị mang tính chất Ca tô La Mã của
thực dân Pháp, thì tượng Đức Mẹ dựng trên quảng trường ngày nay có tên quảng
trường Công Xã Paris thể hiện kiến trúc đô thị tôn giáo Ca tô La Mã của chính
quyền Ngô Đình Diệm.
Quảng trường đang được nói tới nằm trước nhà thờ Đức Bà, kể cả vườn hoa, là khu
giao thông công cộng. Tượng
Đức Mẹ được đặt ở đây vào năm 1959, là tượng đài tôn giáo duy nhất ở khu công
cộng trung tâm Sài Gòn. Vị trí trên dốc cao và ở trung tâm điểm quy hoạch
đô thị khiến cho tượng Đức Mẹ, có tên “Đức Mẹ hòa bình” này trở thành tượng đài
trung tâm của Sài Gòn trước đây và TPHCM hôm nay. Với quy
hoạch như vậy, dù ngày nay, các tượng đài được xây dựng ở vị trí nào trong thành
phố, đều không thể so sánh với vị trí trung tâm của tượng đài “Đức Mẹ hòa bình”.
Do độ cao thiên nhiên, nếu đi từ hướng bờ sông lên, nhìn trước mặt người đi
đường sẽ nhìn thấy tượng Đức Mẹ luôn trên cao, hướng đi đến tượng là hướng đi
lên cao, hiện rõ tính chất đề cao đạo Ca tô La Mã cả trong thiết kế giao thông
(1).
Gần 40 năm sau khi đất
nước độc lập, thống nhất, hiện trạng thiết kế đô thị Sài Gòn của thực dân Pháp,
sau đó được chính quyền Ngô Đình Diệm bổ sung, vẫn được duy trì.
Tất nhiên, đó là điều không hay đối với một đất nước đa tôn giáo, bình đẳng tôn
giáo, tự do tôn giáo. Với thiết kế đô thị như vậy, khách
nước ngoài đến TPHCM vẫn cứ
thấy kiến trúc tôn giáo thành phố là kiến trúc đạo Ca tô La Mã,
Sài Gòn – TPHCM là thành phố theo đạo Ca tô La Mã.
Kết quả chính sách thực
dân văn hóa qua việc xóa bỏ chùa chiền ở khu trung tâm Sài Gòn cũng vẫn còn duy
trì cho đến ngày nay, càng làm rõ hơn thiết kế đô thị thể hiện Sài Gòn là thành
phố đạo Ca tô La Mã.
Tôi nghĩ là chính quyền
và người dân TPHCM, Phật giáo TPHCM cũng thấy được vấn đề này, nhưng vì nhiều lý do, vẫn chưa thể điều chỉnh được một cách thích hợp (dù là đã
có một số động thái có ý nghĩa, mà chúng tôi sẽ phân tích ở một bài sau).
Quan điểm quy hoạch đô
thị thượng tôn quyền lực tôn giáo của đạo Ca tô La Mã của thực dân Pháp và chính
quyền Ngô Đình Diệm không thể được duy trì ở TPHCM, trong bối cảnh đất nước độc
lập thống nhất, thành phố được mở rộng và xây dựng mới. Ở đây, quy hoạch kiến
trúc tôn giáo phù hợp cho khu vực đô thị mới Thủ Thiêm bên kia
sông Sài Gòn là một cơ hội (với kiến trúc Phật giáo có độ cao nhìn thấy từ quận
1).
Cơ hội đó không chỉ là
cho Phật giáo, mà trên hết là cho người dân TPHCM, để có thể giới thiệu với bạn
bè năm châu bốn bể một thành phố kiến trúc đa tôn giáo, hài hòa tôn giáo, đoàn
kết tôn giáo, với đạo Phật là tôn giáo truyền thống của dân tộc.
Dù phân tích và kiến
nghị như trên được nêu lên từ vị trí một người dân TPHCM, thao thức vì sự thể
hiện tinh thần của kiến trúc thành phố, băn khoăn vì tương quan không phù hợp
với hoàn cảnh đất nước độc lập thống nhất của kiến trúc biểu tượng giáo quyền
đạo Ca tô La Mã và kiến trúc biểu tượng quyền lực của chính quyền nhân dân,
chúng tôi vẫn trông chờ động thái thể hiện trách nhiệm của những vị tu sĩ Phật
giáo yêu nước, yêu thành phố quê hương trong Ban Trị sự Phật giáo TPHCM.
(1)
Có một chi tiết, xin ghi lại đây, cách hiểu tùy bạn đọc, riêng tôi
cho
rằng ẩn dụ này đáng lưu tâm, trong bối cảnh pho tượng được dựng
dưới thời Ngô Đình Diệm. Mục từ tượng “Đức Mẹ Hòa bình” trong Wikipedia tiếng
Việt viết (25/7/2013): “Tượng Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm quả Địa
Cầu, trên đỉnh [Địa Cầu] có cây thánh giá, mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên trời
như đang cầu nguyện. Chân Đức Mẹ đạp đầu con rắn…”.